BÁO CÁO
CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC LÊ ĐỨC ANH
TẠI KỲ HỌP THỨ 11, QUỐC HỘI KHÓA IX,
NGÀY 02-4-1997
Thưa Quốc hội!
Thưa các vị khách quý!
Nhiệm kỳ của Quốc hội đồng thời cũng là nhiệm kỳ của Nhà nước. Đến hôm nay, nhiệm kỳ của chúng ta từ 1992 - 1997 sắp kết thúc. Trong nhiệm kỳ này đất nước ta có nhiều thuận lợi mới rất cơ bản, đồng thời có những thử thách hiểm nghèo và đã thu được nhiều thắng lợi to lớn đáng tự hào, song cũng chứa đựng những khuyết điểm nội tại có chiều hướng phát triển thành nguy cơ.
Những thuận lợi mới rất cơ bản đó là:
Công cuộc đổi mới mấy năm về trước từ 1986 - 1991, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã thu được những thành tựu quan trọng:
1- Nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, bước đầu hình thành đã giải phóng lực lượng sản xuất nhiều năm bị kìm hãm bởi cơ chế tập trung quan liêu bao cấp.
Nền nông nghiệp đã khởi sắc với những thành quả đáng phấn khởi, lương thực đủ dùng, có gạo hàng hóa để xuất khẩu (hơn 1 triệu tấn năm 1991). Chân lý muôn thủa “có thực mới vực được đạo” đã được thực hiện lần đầu tiên ở nước ta. Lạm phát bước đầu bị đẩy lùi từ 774,7% (năm 1986) xuống còn 67,5% (năm 1991).
2- Cuộc điều chỉnh chiến lược lớn về quân sự cơ bản đã thực hiện xong. Thế trận quốc phòng - an ninh nhân dân trong cả nước bước đầu hình thành, sẵn sàng đánh thắng mọi loại hình chiến tranh xâm lược và phản loạn. Chi phí ngân sách cho quốc phòng giảm đáng kể, để tập trung ngân sách và nhân lực vào xây dựng đất nước.
3- Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đại hội Đảng lần thứ VII và Hiến pháp 1992 ra đời đã soi đường chỉ lối cho Đảng, Nhà nước, toàn dân và toàn quân ta vững bước tiến lên trong sự nghiệp đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh những thuận lợi cơ bản nói trên, bước vào nhiệm kỳ 1992 -1997, đất nước có những khó khăn to lớn:
1- Nước ta vẫn chưa ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội.
2- Sự tan rã của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã tác động sâu sắc đến nước ta; đông đảo cán bộ và nhân dân lo lắng, một số người đã dao động. Quan hệ kinh tế giữa nước ta với thị trường truyền thống bị đảo lộn, nguồn cung cấp trang thiết bị quân sự cắt đứt.
3- Trong khi đó Mỹ vẫn tiếp tục bao vây cấm vận, bọn phản động các loại chớm ngóc đầu dậy, một số đẩy mạnh hoạt động hòng gây mất ổn định chính trị để tiến tới chuyển hóa hòa bình hoặc bạo loạn lật đổ.
Đứng trước tình hình đó Đảng, Nhà nước, quân và dân ta ra sức phát huy những thành tựu đã giành được, kiên quyết vượt qua những thử thách, và đã thu được những thắng lợi to lớn đáng tự hào trên tất cả các lĩnh vực:
1- Kinh tế: tăng trưởng khá và liên tục, năm sau cao hơn năm trước (nhịp độ tăng trưởng GDP từ 6% năm 1991 lên trên 9% năm 1996, bình quân từ 1992 - 1996 là 8,8%).
Cơ cấu kinh tế chuyển dần sang hướng công nghiệp hóa: tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP từ trên 23% năm 1991, lên trên 30% năm 1996; khu vực dịch vụ từ trên 35% năm 1991, lên trên 42% năm 1996. Trong khi đó, sản lượng lương thực vẫn tăng lên đáng kể từ gần 22 triệu tấn năm 1991, lên 29 triệu tấn năm 1996.
Vốn đầu tư toàn xã hội tăng lên hàng năm, từ 12.707 tỷ đồng năm 1991 (bằng 16,76% GDP), đến năm 1996, lên gấp 5,5 lần là 72.000 tỷ đồng (bằng 27,84% GDP). Lạm phát bị đẩy lùi từ mức 67,5% năm 1991, giảm xuống còn dưới 10%. Giá cả ổn định.
2- Về mặt xã hội: đời sống vật chất tinh thần của đại bộ phận nhân dân được cải thiện, khoảng 90% người dân đã có ăn no, có mặc và biết chữ, được hưởng những thông tin văn hóa tiến bộ. Giáo dục đào tạo sau nhiều năm trì trệ, đã được hồi phục và phát triển khá nhanh. Đến nay, đã có khoảng 20 triệu học sinh, sinh viên, phần đông đang say sưa học tập; có khoảng 3/4 số xã trong cả nước đã phổ cập tiểu học. Đó là một dấu hiệu đáng mừng của đất nước. Báo chí, truyền thanh, truyền hình đã góp phần nâng cao dân trí, phê phán cái xấu, cái hủ bại, phổ biến kịp thời những cái hay, cái đẹp, cái mới cho toàn xã hội.
Khoa học, công nghệ tuy còn non trẻ nhưng đã góp phần tích cực vào đời sống xã hội, vào thành công của sự nghiệp đổi mới, nhất là trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng cơ bản, năng lượng, bưu chính viễn thông, dầu khí ...
Những việc làm đền ơn đáp nghĩa, ngôi nhà tình nghĩa, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc người có công với nước, trong những năm qua đã trở thành phong trào quần chúng, được đông đảo nhân dân hưởng ứng, làm ấm lòng các thế hệ, các gia đình có người thân đã trọn đời cống hiến cho Tổ quốc, làm tăng thêm tinh thần yêu nước và tình đoàn kết dân tộc.
Đảng, Nhà nước ta khuyến khích làm giàu chính đáng và phát động toàn dân thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo, với phương châm “dân giúp dân là chính”, tạo điều kiện cho người nghèo vươn lên có cuộc sống ấm no hạnh phúc, đồng thời, chăm sóc trẻ em và người già có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đó là đạo lý, truyền thống “thương người như thể thương thân” của người Việt Nam ta; đó cũng chính là bản chất tốt đẹp của Nhà nước, của chế độ ta, chính vì vậy, đã được đông đảo nhân dân hoan nghênh và hưởng ứng. Nhân dịp này, thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, tôi tỏ lời biết ơn đối với các cá nhân, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và chính phủ các nước đã góp phần giúp đỡ những nạn nhân chiến tranh, những người nghèo, vùng nghèo ở Việt Nam. Công ơn đó người Việt Nam chúng tôi xin ghi tạc mãi mãi trong lòng.
3- Nhiệm vụ quốc phòng - an ninh: trong những năm qua, chúng ta đã làm thất bại những âm mưu và hành động phá hoại của các loại kẻ thù, giữ vững và tăng cường ổn định chính trị, tăng cường thêm khả năng phòng thủ đất nước. Trách nhiệm của đảng bộ, chính quyền và quân, dân các tỉnh, thành đã được phân định rõ ràng là ngăn ngừa và đánh thắng mọi tình huống chiến tranh và phản loạn ở địa phương mình, xây dựng khu phòng thủ tỉnh, thành ngày thêm vững chắc; đồng thời đóng góp sức người và của cải lên trên để tăng cường sức mạnh của cả nước trong mọi thời kỳ, trong mọi tình huống. Quan điểm, tư tưởng và thế trận quốc phòng - an ninh của chúng ta đúng và vững chắc, bảo đảm giữ vững độc lập chủ quyền, an ninh chính trị và hòa bình, làm cho nhân dân có cuộc sống yên bình để chăm lo xây dựng đất nước, bạn bè yên tâm hợp tác làm ăn lâu dài với ta.
4- Cùng với các thành tựu trong các lĩnh vực đã nêu trên, với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa theo tinh thần “Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc và phát triển”. Công tác đối ngoại của chúng ta trong 5 năm qua đã thu được những thành tựu đáng kể, đến nay, chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới, đã mở rộng quan hệ buôn bán với trên 100 nước. Đầu tư trực tiếp của các công ty nước ngoài không ngừng tăng lên từ 1,3 tỷ đôla Mỹ năm 1991 đến 1996 đã tăng lên trên 5 lần. Đến nay số vốn đã thực hiện khoảng 7 tỷ đôla Mỹ.
Những thành tựu về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại đã đưa nước ta thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội chuyển sang thời kỳ mới, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thưa Quốc hội!
Chúng ta đã tự khẳng định mình bằng những thành tựu đạt được trong 5 năm qua - những năm đầy sóng gió, song chúng ta vẫn còn những khuyết điểm nội tại có chiều hướng gia tăng, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ trở thành nguy cơ.
Bốn nguy cơ của cách mạng nước nhà đã được Đại hội Đảng giữa nhiệm kỳ khóa VII chỉ rõ, bao trùm lên trên bốn nguy cơ đó là chủ nghĩa cá nhân đang có chiều hướng phát triển biểu hiện muôn hình, muôn vẻ trong các doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước, làm tổn hại không nhỏ đến sự đoàn kết, đến tài sản của Nhà nước và kiềm chế sự phát triển của đất nước, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, làm nản lòng một số nhà đầu tư nước ngoài. Đảng, Nhà nước ta tôn trọng lợi ích cá nhân. Song lợi ích cá nhân phải phục tùng lợi ích tập thể và kết hợp hài hòa với lợi ích của tập thể, của cộng đồng, của quốc gia dân tộc. Không cho phép vì lợi ích cá nhân ích kỷ mà làm tổn hại đến các lợi ích khác to lớn hơn.
Bác Hồ đã dạy: “Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”. Vì vậy, chúng ta phải tìm mọi biện pháp để đẩy lùi và loại trừ chủ nghĩa cá nhân trong Đảng, trong bộ máy nhà nước, trong các doanh nghiệp nhà nước thì mới đẩy lùi được mọi nguy cơ, mới hoàn thành được sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và mới đưa đất nước tiến lên đến mục tiêu đã định.
Thưa Quốc hội!
Tuy còn nhiều vấn đề tồn tại, nhưng nhìn tổng quát trong bối cảnh lịch sử đặc biệt, chúng ta đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 1992 - 1997 mà nhân dân giao phó.
Xin chúc các vị đại biểu dồi dào sức khỏe và hạnh phúc.
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội