VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 4 1996-1997


BÁO CÁO
CỦA CHÁNH ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
VỀ CÔNG TÁC TÒA ÁN
TRONG NHIỆM KỲ
QUỐC HỘI KHÓA IX (1992 - 1997)

(Do ông Phạm Hưng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao
đọc tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa IX, ngày 02-4-1997)

 

Kính thưa đoàn Chủ tịch

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội

Thưa các đồng chí đại biểu,

Thay mặt Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, tôi xin báo cáo trước Quốc hội về công tác của ngành Tòa án trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX (1992-1997).

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII chỉ rõ: “...Giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm sự ổn định chính trị của đất nước, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động của các thế lực thù địch và các loại tội phạm khác; giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc những thành quả của cách mạng, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới là một nhiệm vụ trọng yếu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc ...”.

“...Thực hiện những nhiệm vụ kinh tế - xã hội cấp bách phải gắn với cuộc đấu tranh chống tham nhũng và buôn lậu. Cuộc đấu tranh này trở thành một nhiệm vụ chính trị của toàn Đảng, toàn dân ta nhằm làm trong sạch bộ máy nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội...”.

Trong suốt nhiệm kỳ Quốc hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, sự phối hợp giữa các ngành bảo vệ pháp luật, sự cộng tác của các đoàn thể, các tổ chức xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng, trong những năm qua công tác Tòa án tuy còn một số tồn tại, thiếu sót; song nhìn chung, toàn ngành Tòa án đã có chuyển biến, tiến bộ trên nhiều mặt, chất lượng công tác mỗi năm một nâng cao, hoạt động xét xử luôn luôn bám sát yêu cầu chính trị, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.

Dưới đây là kết quả từng mặt công tác cụ thể.

PHẦN THỨ NHẤT

CÔNG TÁC XÉT XỬ

I- VỀ XÉT XỬ CÁC VỤ ÁN HÌNH SỰ

1- Tình hình thụ lý và xét xử án hình sự:

Trong 5 năm (1992 - 1997), các Tòa án các cấp sơ thẩm trong cả nước kể cả Tòa án quân sự đã thụ lý 173.351 vụ với 275.937 bị cáo, các Tòa án đã xét xử 162.298 vụ với 255.895 bị cáo, đạt tỷ lệ chung là 93,6% số vụ án và 92,70% số bị cáo trong tổng số vụ án mà các Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố. Về xét xử phúc thẩm, Tòa án cấp tỉnh đã xét xử 26.460 vụ với 39.935 bị cáo trong tổng số 29.457 vụ với 44.487 bị cáo phải xử, đạt 89,82% số vụ và 89,76% số bị cáo. Các Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao xét xử 21.255 vụ với 37.070 bị cáo trong tổng số 26.532 vụ với 47.752 bị cáo phải xử, đạt tỷ lệ chung là 80,11% số vụ và 77,63% số bị cáo. Đây là sự cố gắng lớn của các Tòa án. Tính bình quân mỗi năm các Tòa án xét xử sơ thẩm trên 32.450 vụ án hình sự với trên 51.180 bị cáo.

Phân tích số vụ án đã được xét xử sở thẩm nói trên, có những điểm đáng lưu ý là:

- Đối với các tội đặc biệt nguy hiểm, xâm phạm an ninh quốc gia như hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; gián điệp; bạo loạn, v.v., về cơ bản ta đã chủ động xử lý kịp thời nên chỉ xảy ra một số ít vụ ở một vài địa phương.

- Các tội xâm phạm nghiêm trọng đến trật tự - trị an và tệ nạn xã hội tăng nhiều. Lấy số thụ lý của các năm từ 1993 - 1996, so với số thụ lý của năm 1992, bình quân hằng năm tăng 12,5% số vụ án và 11,5% số bị cáo nói chung về các loại tội. Đặc biệt, tội giết người tăng bình quân hằng năm 16%; tội hiếp dâm tăng 18%; tội cướp tài sản công dân tăng 12%; tội tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy tăng 40%; tội tổ chức dùng chất ma túy tăng 23,7%; tội chứa mại dâm, môi giới mại dâm tăng 10%.

Tình hình trên phản ánh các tội xâm phạm trật tự an toàn xã hội trong mấy năm qua diễn biến phức tạp, các tội nghiêm trọng có chiều hướng gia tăng do nhiều nguyên nhân mà trực tiếp là ảnh hưởng của sách báo, phim ảnh đồi trụy, bạo lực, làm suy đồi đạo đức. Nhưng mặt khác cũng phản ánh hiệu quả của việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về việc đấu tranh chống tội phạm, bảo vệ trật tự an toàn xã hội. Các cơ quan bảo vệ pháp luật đã phát hiện đưa ra trừng trị nghiêm khắc trước pháp luật nhiều tên phạm tội nguy hiểm, nhiều ổ lưu manh, trộn cướp, buôn bán ma túy gây hậu quả rất nghiêm trọng được nhân dân rất đồng tình.

- Thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 20-11-1992 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương khóa VII, Quyết định số 114/TTg ngày 21-11-1992 của Chính phủ và Nghị quyết của Quốc hội khóa IX kỳ họp thứ 4 về “thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu”, Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo các Tòa án địa phương chủ động phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân và cơ quan Công an đưa ra xét xử kịp thời nghiêm minh nhiều vụ tham nhũng, buôn lậu, đặc biệt là những vụ án trọng điểm được nhân dân đồng tình. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng, buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp, tính chất, quy mô ngày càng lớn, hiệu quả gây ra còn rất nghiêm trọng. Số vụ đưa ra truy tố, xét xử trước pháp luật còn ít.

Điều đó phản ánh công tác đấu tranh chống tham nhũng ở các cấp, các ngành chưa được coi trọng đúng mức, chưa có hiệu quả rõ rệt.

2. Về chất lượng xét xử các vụ án hình sự:

Bên cạnh việc xét xử đạt tỷ lệ cao về số lượng và xét xử khẩn trương trong thời hạn luật định, Tòa án nhân dân tối cao thường xuyên chỉ đạo các cấp tòa án phải đề cao trách nhiệm, nắm vững pháp luật bảo đảm thực hiện đúng chính sách hình sự trong xét xử là “trừng trị kết hợp với giáo dục, nghiêm trị kết hợp với khoan hồng” “không xử oan người ngay đồng thời cũng không để lọt kẻ phạm tội”.

- Đối với các tội về tham nhũng, các Tòa án đã xét xử 3.021 vụ với 6315 bị cáo, đã phạt tù giam là 64,5% số bị cáo đã bị xét xử, đã tuyên phạt từ hình 10 tên (4 ở công ty Tamexco; 2 ở vụ Trần Xuân Hoa; 2 ở Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Trị; 1 ở Quảng Nam - Đà Nẵng; 1 ở An Giang). Nhiều vụ tham nhũng, sau khi xét xử, được các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin rộng rãi, có tác dụng răn đe và giáo dục sâu sắc. Tuy nhiên, dư luận vẫn cho rằng mặc dù chúng ta đã truy tố, xét xử được một số vụ tham nhũng lớn, nhưng vẫn còn bỏ lọt những người có chức, có quyền đứng sau các vụ án tham nhũng lớn đó, đến nay, nhân dân và công luận vẫn đang đòi phải tìm cho ra để xử lý cho nghiêm những kẻ đã tiếp tay hoặc có quan hệ ăn chia trong các vụ tham nhũng lớn.

- Loại tội sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy đang gia tăng ở hầu hết các địa phương với quy mô ngày càng lớn, tính chất ngày càng nghiêm trọng, không những chúng có đường dây liên tỉnh, đường dây Bắc - Nam mà còn có cả đường dây gắn bọn tội phạm ở nước ngoài. Trong 5 năm qua, các Tòa án đã xét xử 2.600 vụ với 3.700 bị cáo. Các vụ phạm tội loại này năm 1996 gấp 12 lần số vụ đã xét xử năm 1992 và gấp gần hai lần năm 1995. Mức án ngày càng nghiêm khắc: các Tòa án đã xử phạt tử hình 22 tên, 33 án tù chung thân, 356 tên bị phạt tù từ 10 đến 20 năm. Số bị cáo bị phạt tù giam chiếm trên 90% số bị cáo đã bị xét xử.

- Về các tội thuộc tệ nạn xã hội, trong 5 năm qua, Tòa án nhân dân các địa phương đã xét xử 3.356 vụ với 4.439 bị cáo phạm tội tổ chức dùng chất ma túy; 3.478 vụ với 4.872 bị cáo tổ chức chứa mại dâm, môi giới mại dâm; 753 vụ với 1.347 bị cáo phạm tội hiếp dâm (có một số vụ là hiếp dâm trẻ em) và 104 vụ với 164 bị cáo phạm tội bắt trộm, mua bán, đánh tráo trẻ em. Mặc dù việc truy bắt các kẻ phạm tội loại này còn chưa triệt để và việc xử lý kẻ phạm tội còn có trường hợp chưa thật nghiêm khắc đúng mức, tuy nhiên so với nhiều năm trước, việc phát hiện và xử lý tội phạm có kiên quyết, nghiêm khắc hơn.

- Đối với loại tội giết người, cướp của, là những tội đặc biệt nghiêm trọng, nên phần lớn các Tòa án đã vận dụng pháp luật để xử lý rất nghiêm khắc. Trong 5 năm, các Tòa án đã xử 5.200 vụ với 7.725 bị cáo, trong đó án tù giam chiếm 82,31%. Đã xử phạt tử hình những tên côn đồ, giết người một cách man rợ, giết nhiều người, giết người để che giấu tội phạm khác, và những kẻ đứng đầu những băng cướp hoành hành trên các trục đường giao thông lớn, những vụ có sử dụng vũ khí, hung khí gây hậu quả nghiêm trọng.

Đối với các tội phạm hình sự khác, nói chung việc xét xử bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, có tác dụng răn đe và giáo dục phòng ngừa chung.

- Chất lượng xét xử ngày một nâng lên còn được thể hiện ở kết quả xét xử phúc phẩm:

+ Ở cấp tỉnh, năm 1992, tỷ lệ xử y án của Tòa án cấp dưới chỉ có 56,12%. Năm 1993 - 1994, tỷ lệ y án là trên 63 đến trên 65%, đến các năm 1995 - 1996, tỷ lệ này là 67,4% tổng số bị cáo có kháng cáo, kháng nghị.

+ Ở 3 Tòa phúc thẩm thuộc Tòa án nhân dân tối cao, năm 1992, xét xử y án các vụ án có kháng cáo, kháng nghị của các tỉnh là 71,84%, năm 1993 đến năm 1995, tỷ lệ y án được nâng lên là 75 - 77% và năm 1996, tỷ lệ 79,39%.

3. Những thiếu sót, khuyết điểm chính:

Trong công tác xét xử các vụ án hình sự những năm qua, bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn những khuyết điểm, thiếu sót sau đây:

- Một số Thẩm phán nhận thức về yêu cầu chính trị của cuộc đấu tranh chống tội phạm, đặc biệt là chống tham nhũng, buôn lậu, tệ nạn xã hội và những tội phạm nghiêm trọng còn chưa đúng mức, chưa thấy hết tác hại to lớn của chúng đối với an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thuần phong mỹ tục của dân tộc, không nắm vững những quy định của pháp luật và chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước, và sự hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật của liên ngành và của Tòa án nhân dân tối cao nên đã xét xử thiếu nghiêm minh, áp dụng những hình phạt nhẹ hoặc cho hưởng án treo không đúng đối với một số tên tội phạm nghiêm trọng, hoặc những tên tái phạm. Có trường hợp còn xử oan người không có tội tuy chỉ là cá biệt nhưng là khuyết điểm nghiêm trọng.

Việc chấp hành các thủ tục tố tụng còn nhiều vi phạm: sau khi xét xử, việc cấp bản sao bản án, trích lục bản án gửi cho bị cáo, cho Cơ quan thi hành án thường chậm; nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng việc ra quyết định thi hành án thiếu kịp thời, gây trở ngại cho công tác thi hành án của cơ quan Công an. Một số vụ án đã để quá thời hạn luật quy định và quá thời hạn xét xử, quá hạn tạm giam bị cáo.

4. Một số kiến nghị:

Bộ luật hình sự được Quốc hội khóa VII thông qua ngày 27-6-1985. Trong quá trình thực hiện đã ba lần được Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều. Bộ luật đã thực sự là vũ khí sắc bén trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, trước yêu cầu của việc đấu tranh chống tội phạm trong tình hình mới, Bộ luật hình sự của ta đã bộc lộ một số nhược điểm cần được xem xét sửa đổi một cách cơ bản, đồng thời, cần xem xét sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự. Trong khi các cơ quan có trách nhiệm chưa hoàn chỉnh việc dự thảo sửa đổi, bổ sung toàn bộ hai Bộ luật nói trên, đề nghị Quốc hội tại kỳ họp này xem xét thông qua việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự về xử lý các tội tham nhũng, ma túy, hiếp dâm trẻ em, nhằm đáp ứng được yêu cầu bức xúc của việc đấu tranh ngăn chặn các tội nguy hiểm nói trên.

II- VỀ XÉT XỬ CÁC VỤ ÁN TRANH CHẤP DÂN SỰ,
HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Cùng với việc giải quyết các vụ án hình sự, hằng năm ngành Tòa án phải tập trung lực lượng và dành nhiều thời gian để điều tra, hòa giải và xét xử một khối lượng rất lớn các vụ tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình. Những tranh chấp này bình quân hằng năm nhiều gấp hai lần số vụ án hình sự mà các Tòa án phải xét xử sơ thẩm.

Trong 5 năm (1992-1997), các Tòa án địa phương trong cả nước đã thụ lý để hòa giải, xét xử 334.801 vụ kiện dân sự các loại bao gồm: 163.972 vụ tranh chấp dân sự và 170.829 vụ kiện về hôn nhân và gia đình; trên 90% số vụ kiện này do Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết.

Nhìn chung, các tranh chấp dân sự và hôn nhân gia đình, các Tòa án phải thụ lý giải quyết mỗi năm đều tăng. Các tranh chấp dân sự bình quân mỗi năm tăng trên 5.146 vụ (16,50%). Các vụ án về hôn nhân và gia đình bình quân hàng năm tăng 15,72%.

Mặc dầu số việc giải quyết rất lớn, hằng năm lại tăng, nhưng các Tòa án đã rất cố gắng trong công tác điều tra, lập hồ sơ, hòa giải, xét xử đạt tỷ lệ cao; đã có 135.433 vụ tranh chấp dân sự và 152.145 vụ kiện về ly hôn. Trong số vụ có kháng cáo, kháng nghị, Tòa án nhân dân cấp tỉnh xét xử được 35.950 vụ (78,22% số vụ phải xử) và Tòa án nhân dân tối cao xét xử phúc phẩm 1.998 vụ (69,35% số vụ phải giải quyết).

- Với nhận thức các tranh chấp dân sự cũng như tranh chấp về hôn nhân và gia đình là rất phức tạp, quan hệ đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đến tình cảm của nhiều tầng lớp nhân dân, nên các cấp tòa án luôn coi trọng, đề cao công tác hòa giải giữa các bên đương sự, kể cả ở khâu sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm. Do đó, các tranh chấp dân sự mặc dù đầy khó khăn, nhưng đã được hòa giải thành đạt tỷ lệ hằng năm khá cao từ 37 đến 40% số việc phải giải quyết. Đối với các tranh chấp về hôn nhân và gia đình, khi đã phải đưa nhau ra Tòa án thường là mâu thuẫn đã rất trầm trọng, căng thẳng nhưng các Tòa án đã kiên trì hòa giải đoàn tụ được 9.724 đôi vợ chồng trở về chung sống hòa thuận (6,39% trong số vụ án đã giải quyết). Việc hòa giải, xét xử đúng đắn nhiều vụ tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, đã góp phần giải quyết những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, tăng cường đoàn kết thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế.

Tuy nhiên, trong quá trình đất nước chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo cơ chế thị trường, kinh tế đối ngoại ngày càng mở rộng..., đã tác động hằng ngày đến các giao dịch về dân sự cũng như về hôn nhân và gia đình trong nhân dân, nhất là ở các thành phố lớn, ở các khu công nghiệp tập trung, các khu trục đường quốc lộ, v.v.. Do đó, các tranh chấp trong nhân dân về nhiều mặt có những nét mới khác với thời bao cấp, đặc biệt, các tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng nhà, đất (ở cả thành phố, thị xã và nông thôn) trở nên gay gắt, phức tạp, nảy sinh nhiều vấn đề mà chính sách, pháp luật chưa có quy định hoặc có quy định nhưng lại chưa đầy đủ, thiếu cụ thể, có văn bản quy định những vấn đề quan trọng đến quốc kế dân sinh, nhưng mới dừng ở nguyên tắc chung, chưa có đầy đủ văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành, hoặc có văn bản hướng dẫn nhưng không ổn định ngược lại có văn bản lại chậm được đổi mới, v.v.. Chẳng hạn về Luật đất đai, Nhà nước ban hành đã mấy năm nay, quá trình thi hành có nhiều vướng mắc nhưng chưa được các cơ quan có trách nhiệm hướng dẫn, hoặc việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cá nhân và tổ chức tiến hành rất chậm... Còn đối với các giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01-7-1991, thì tại kỳ họp lần thứ 11 này Quốc hội mới thông qua được Nghị quyết hướng dẫn thi hành v.v.. Trong khi đó các vụ án về tranh chấp nhà ở, quyền sử dụng đất mà Tòa án phải thụ lý ngày một nhiều, dẫn đến sự lúng túng trong chỉ đạo của Tòa án cấp trên và sự vận dụng thiếu thống nhất ở Tòa án  cấp dưới, có việc giải quyết chồng chéo giữa chính quyền và Tòa án, cũng có việc chính quyền địa phương và Tòa án đùn đẩy cho nhau, thậm chí, có những tranh chấp nhà, đất tuy được giải quyết đúng thẩm quyền, nhưng việc xác định giá nhà, đất mỗi thời điểm một khác, khung giá của Nhà nước so với thị trường chênh lệch khá lớn, làm cho các đương sự khiếu nại nhiều, phải xử đi, xử lại..., gây phiền hà cho nhân dân.

Để công tác xét xử các vụ tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình phúc đáp kịp thời yêu cầu bức xúc của cuộc sống, giảm bớt phiền hà cho nhân dân, đồng thời, đề cao được pháp luật, giữ vững được kỷ cương của xã hội, về phía tòa án, chúng tôi sẽ tổng kết chuyên đề xét xử từng loại việc để rút kinh nghiệm, nâng cao nhận thức và trình độ nghiệp vụ cho Thẩm phán Tòa án các cấp, đề cao trách nhiệm, cải tiến phong cách làm việc để nâng cao chất lượng công tác xét xử các án dân sự. Song, để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động xét xử các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình của Tòa án được chính xác, phục vụ tốt công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội, Tòa án nhân dân tối cao xin kiến nghị với Quốc hội mấy vấn đề sau đây:

1- Quốc hội xem xét thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật hôn nhân và gia đình.

2- Các cơ quan có trách nhiệm cần khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự trình Quốc hội khóa X sớm thông qua và cho ban hành Bộ luật tố tụng dân sự, tạo điều kiện để thi hành tốt hơn các quy định của Bộ luật dân sự.

3- Trong kỳ họp này, đề nghị Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc giải quyết các tranh chấp về nhà ở được xác lập trước ngày 01-7-1991, tạo cơ sở pháp lý cho Tòa án nhân dân giải quyết và tháo gỡ những vướng mắc trong công tác hòa giải, xét xử các tranh chấp về nhà ở đang là đòi hỏi bức xúc của nhân dân.

4- Chính phủ và các cơ quan hữu quan cần có văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành Luật đất đai, đồng thời, Chính phủ cần chỉ đạo, đôn đốc Ủy ban nhân dân địa phương khẩn trương tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người được cấp đất theo quy định của Luật đất đai năm 1993, làm cho người sử dụng đất yên tâm sử dụng, đồng thời làm cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các tranh chấp về quyền sử dụng đất.

III- VỀ XÉT XỬ CÁC VỤ ÁN TRANH CHẤP KINH TẾ,              HÀNH CHÍNH VÀ LAO ĐỘNG

Thi hành Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Luật tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi, ngày 01-7-1994, hệ thống cơ quan Trọng tài kinh tế Nhà nước sáp nhập vào ngành Tòa án nhân dân; Tòa án kinh tế trong cả nước đã được thành lập và từ ngày 01-7-1996, ngành Tòa án có thêm Tòa hành chính và Tòa lao động; các tòa này cũng nhanh chóng được thành lập ở Tòa án nhân dân tối cao và từng bước thành lập ở Tòa án cấp tỉnh; ở Tòa án cấp huyện phân công Thẩm phán phụ trách.

Theo thống kê bước đầu thì tình hình xét xử các loại tranh chấp này như sau:

- Về các tranh chấp kinh tế:

Kể từ ngày thành lập đến nay, có 40 Tòa án cấp tỉnh đã thụ lý 1.045 vụ tranh chấp kinh tế với số tiền khoảng 8.000 tỷ đồng, trong đó 70% là tranh chấp hợp đồng kinh tế, số còn lại là các tranh chấp về hợp đồng vận chuyển hàng hóa, hợp đồng xây dựng cơ bản hoặc tranh chấp giữa các thành viên công ty ... Riêng các Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam - Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, v.v. có một số trường hợp tranh chấp hợp đồng kinh tế hoặc hợp đồng vận chuyển hàng hóa liên quan đến công ty nước ngoài.

Tòa án thụ lý nhiều nhất là Thành phố Hồ Chí Minh (trên dưới 50% tổng số vụ án kinh tế của cả nước).

Các Tòa án đã giải quyết được 920 vụ đạt 88% số vụ phải xử, trong đó đưa ra xét xử 15% số thụ lý, còn chủ yếu là hòa giải thành (40%). Có một số trường hợp tuy phát đơn kiện đến Tòa án, nhưng các bên đương sự không thực hiện đúng quy định của thủ tục tố tụng nên vụ án đã bị tạm đình chỉ (29%)...

Về việc giải quyết yêu cầu xin tuyên bố phá sản doanh nghiệp, các tòa án đã thụ lý 40 trường hợp (10 Doanh nghiệp nhà nước, 4 Công ty trách nhiệm hữu hạn, 10 Doanh nghiệp tư nhân, 2 Công ty cổ phần, 2 Công ty thành lập theo Luật đầu tư nước ngoài), Tòa án đã hòa giải thành 20 doanh nghiệp theo yêu cầu củng cố, phục hồi hoạt động của công ty; ra quyết định tuyên bố phá sản 7 doanh nghiệp, còn các trường hợp khác đã ra quyết định đình chỉ vì không thực hiện đầy đủ thủ tục quy định của pháp lệnh.

Xét xử các tranh chấp hợp đồng kinh tế đặc biệt là việc tuyên bố phá sản doanh nghiệp là việc rất mới đối với Tòa án. Các thẩm phán chỉ mới được bồi dưỡng, đào tạo cấp tốc, nên không tránh khỏi lúng túng. Mặt khác, do Pháp lệnh hợp đồng kinh tế và thủ tục tố tụng án kinh tế có nhiều điểm không phù hợp cần được tổng kết để trình Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới.

- Về hoạt động của Tòa hành chính và Tòa lao động:

Là hai Tòa mới được thành lập, Thẩm phán chưa được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ nên còn bỡ ngỡ với công việc. Mặt khác, những quy định về quyền khởi kiện các vụ án hành chính và các tranh chấp về lao động của cá nhân và tổ chức cũng như những thủ tục tố tụng về hành chính và lao động chưa được phổ biến rộng rãi trong nhân dân nên đương sự chưa biết để khởi kiện, một phần khởi kiện nhưng việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án hoặc không đúng thủ tục, Tòa án phải trả lại đơn khởi kiện cho đương sự. Do đó, đến nay, mới có 17 trong số 61 Tòa án cấp tỉnh thụ lý 49 vụ án hành chính, chỉ có 18 vụ thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án, còn 19 trường hợp phải trả lại đơn cho đương sự vì không thuộc thẩm quyền Tòa hành chính và hướng dẫn họ đến cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.

Đối với các tranh chấp lao động, các Tòa án địa phương đã tiếp nhận 193 vụ kiện về bị buộc thôi việc, đã xét xử 125 việc trong có 23 việc (18,40% số đã xử) Tòa án xét xử hủy quyết định buộc thôi việc của cơ quan, xí nghiệp, yêu cầu phục hồi toàn bộ quyền lợi của đương sự, còn những trường hợp khác thì xử bác đơn yêu cầu của đương sự, giữ nguyên quyết định của cơ quan chủ quản. Ngoài ra, có 4 Tòa án tỉnh thụ lý giải quyết 7 vụ tranh chấp về tiền lương không được doanh nghiệp trả đúng, trả đủ theo hợp đồng lao động.

Nhìn chung, tuy mới bước đầu hoạt động, số việc còn rất ít nhưng đã giải quyết đúng và có hiệu quả một số việc kiện về hành chính và tranh chấp lao động được nhân dân hoan nghênh. Mặt khác, có tác dụng buộc các thủ trưởng cơ quan hành chính và người sử dụng lao động phải nắm vững pháp luật, và thận trọng khi ra các quyết định về hành chính xử lý những việc liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân hoặc tổ chức, cũng như những quyết định xử lý về quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động.

IV- KIỂM TRA CÔNG TÁC XÉT XỬ
CỦA CÁC TÒA ÁN ĐỊA PHƯƠNG VÀ VIỆC GIẢI QUYẾT ĐƠN KHIẾU NẠI VỀ CÔNG TÁC XÉT XỬ

Để nâng cao chất lượng công tác xét xử, rút kinh nghiệm hướng dẫn chung cho các Tòa án trong việc áp dụng thống nhất pháp luật cả về đường lối xét xử và thủ tục tố tụng, hằng năm, Tòa án tối cao đều tổ chức các đoàn kiểm tra do Chánh án Tòa án tối cao hoặc Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trực tiếp phụ trách kiểm tra công tác xét xử của một số Tòa án địa phương và các Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao. Qua kiểm tra, ngoài việc trực tiếp góp ý kiến đối với đơn vị được kiểm tra khắc phục những thiếu sót về nghiệp vụ, đã phát hiện những trường hợp xét xử không đúng pháp luật phải kháng nghị để xét xử lại theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Các Tòa chuyên trách của Tòa án nhân dân tối cao, chủ yếu là Tòa hình sự và Tòa dân sự qua công tác xét và giải quyết đơn khiếu nại về công tác xét xử ngoài việc trả lời đơn hoặc trực tiếp giải thích cho người đến khiếu nại, đã phát hiện một số vụ xét xử không đúng pháp luật, đã đề nghị Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị.

Trong 5 năm qua, Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm 711 vụ án hình sự; 1.607 vụ án về dân sự và hôn nhân gia đình. Nếu kể cả số việc do Viện kiểm sát tối cao kháng nghị (458 vụ hình sự, 452 vụ dân sự) số việc Tòa án tối cao đã xét xử theo trình tự giám đốc là 1.169 vụ hình sự, 2.059 vụ dân sự và hôn nhân gia đình; bình quân hằng năm đã xét xử giám đốc thẩm 233 vụ hình sự; 412 vụ dân sự.

Qua việc xét xử giám đốc thẩm hoặc tái thẩm về cơ bản đã khắc phục những trường hợp xét xử không đúng pháp luật. Đặc biệt, trong các vụ án hình sự, đã tuyên bố 18 trường hợp không phạm tội, do Tòa án cấp dưới xét xử thiếu căn cứ. Tuy nhiên, trong việc xét xử giám đốc thẩm những vụ án về dân sự, có một số trường hợp xử thiếu chính xác, làm cho đương sự hoặc cơ quan, tổ chức hữu quan khiếu nại, phải kháng nghị để xét xử giám đốc lại, làm cho vụ án bị kéo dài, gây ảnh hưởng không tốt trong nhân dân. Tòa án nhân dân tối cao đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm khắc phục những thiếu sót từ khâu quyết định kháng nghị đến khâu xét xử giám đốc thẩm.

V- CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN PHẠT TÙ

Thực hiện nghị quyết của Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ nhất, kể từ ngày 01-7-1993 công tác thi hành án dân sự và bộ máy làm công tác này được chuyển giao từ Tòa án nhân dân các cấp sang ngành Tư pháp đảm nhận và do Chính phủ thống nhất quản lý. Cũng từ đó, công tác thi hành án phạt tù do Tòa án nhân dân các địa phương phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân và cơ quan Công an tổ chức thi hành, theo quy định của Pháp lệnh thi hành án phạt tù và hướng dẫn của liên ngành Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ tại Thông tư số 03/TTLN ngày 30-6-1993. Lúc đầu, do chưa quy định rõ và chưa có biên chế nên Tòa án không có cán bộ chuyên trách theo dõi, nhưng từ năm 1994 đến nay, Bộ Tư pháp phân bổ biên chế cho mỗi Tòa án cấp tỉnh từ 1 đến 2 người vừa làm thư ký, vừa kiêm nhiệm theo dõi, quản lý và giúp Chánh án Tòa án các địa phương làm các thủ tục thi hành án phạt tù, khi bản án có hiệu lực pháp luật, dần dần công tác này đi vào nền nếp, có sổ sách theo dõi chặt chẽ, số người có án phạt tù được thi hành nghiêm túc theo đúng các Điều 49, 51 Bộ luật hình sự và các điều 231, 232, 237 và 238 Bộ luật tố tụng hình sự. Qua kiểm tra của liên ngành Bộ Nội vụ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao trong năm 1996, các cơ quan có trách nhiệm ở địa phương đã tích cực khắc phục những thiếu sót trong công tác thi hành phạt tù. Ba ngành Công an, Tòa án, Viện kiểm sát địa phương đã phối hợp chặt chẽ, rà soát những trường hợp người có án phạt tù nhưng chưa thi hành án, có biện pháp khắc phục, đặc biệt là việc truy nã những tên phạm tội nguy hiểm, có mức án cao đang lẩn trốn để bắt thi hành án.

- Theo báo cáo của liên ngành Tòa án, Công an và Viện kiểm sát nhân dân cả nước thì trong đợt tổng kiểm kê số người bị phạt tù còn tại ngoại đến ngày 31-12-1996, số người có án tù còn tại ngoại là 5.662 người, giảm so với cùng kỳ năm trước là 2.585 người (45,66%). Trong số tại ngoại này, các Tòa án địa phương và Tòa án quân sự các cấp đã ra quyết định thi hành đối với 98% tổng số người tại ngoại, chỉ có 117 trường hợp (2%) Tòa án chậm hoặc do thiếu trách nhiệm để sót lọt chưa ra quyết định thi hành án. Ba ngành đã chỉ đạo và kiểm tra nhiều đợt, rút kinh nghiệm những mặt yếu kém của mỗi ngành ở từng khâu như việc ra quyết định thi hành án, hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành án... của Tòa án, việc thi hành quyết định thi hành án của tòa án đưa người có án vào trại cải tạo, việc truy nã những phần tử cố tình bỏ trốn (trốn khỏi địa phương, trốn trại giam...) của cơ quan Công an hoặc Viện kiểm sát trong công tác thi hành án phạt tù.

Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Nội vụ đã thấy rõ thiếu sót, đang có sự phối hợp cho rà soát lại toàn bộ danh sách số người còn tại ngoại để có các biện pháp cụ thể giải quyết từng bước có trọng điểm và từng ngành chấn chỉnh và có kế hoạch thực hiện nghiêm túc công tác nói trên.

Tuy nhiên, để công tác thi hành án phạt tù đi vào nền nếp, còn có nhiều vấn đề phải từng bước giải quyết như sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự và ban hành Luật thi hành án...

PHẦN THỨ HAI

CÔNG XÁC XÂY DỰNG NGÀNH

Nhìn chung, từ sau Đại hội lần thứ VI của Đảng, ngành Tòa án đã được Đảng và Nhà nước chú trọng, đội ngũ cán bộ Tòa án đã được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Nhưng có thể nói, sự thay đổi đáng kể là trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX, bằng các quy định của Hiến pháp năm 1992 và Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1992, chế độ Chủ tịch nước bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân và Thẩm phán Tòa án quân sự các cấp thay cho chế độ Thẩm phán Tòa án nhân dân địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Thẩm phán Tòa án quân sự do Hội đồng Nhà nước cử được duy trì từ năm 1960 đến năm 1992. Lần đầu tiên, Nhà nước ta đã ban hành một Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân, trong đó quy định cụ thể tiêu chuẩn cũng như thủ tục bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án mỗi cấp.

Thực hiện chế định bổ nhiệm Thẩm phán, đã bước đầu tiêu chuẩn hóa Thẩm phán Tòa án các cấp, bảo đảm cho các Thẩm phán thực hiện tốt nhiệm vụ.

Để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội và của thực tế cuộc sống, từ tháng 7-1994, Tòa án nhân dân được Nhà nước giao thêm nhiệm vụ xét xử các tranh chấp hợp đồng kinh tế thay cho nhiệm vụ của Trọng tài kinh tế Nhà nước và giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp, và từ tháng 7-1996, được giao thêm nhiệm vụ giải quyết các tranh chấp về lao động và các khiếu kiện về hành chính. Do đó, ở Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã lập thêm Tòa kinh tế, Tòa lao động và Tòa hành chính.

Trong 5 năm qua, Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyển chọn trình Chủ tịch nước bổ nhiệm Thẩm phán và các chức danh Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân địa phương, các Tòa án quân sự quân khu và khu vực. Các Thẩm phán được bổ nhiệm đều đủ tiêu chuẩn quy định. Tuy nhiên, so với yêu cầu của nhiệm vụ thì đội ngũ Thẩm phán nói chung từ Tòa án nhân dân tối cao đến Tòa án địa phương vẫn còn bất cập, vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng.

Hiện nay, căn cứ vào nhu cầu công tác và biên chế được quy định số lượng Thẩm phán Tòa án cấp huyện còn thiếu khoảng 39%. Thẩm phán Tòa án cấp tỉnh còn thiếu khoảng 20%, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao còn thiếu khoảng 30%, trừ Tòa án quân sự về cơ bản đã đủ số Thẩm phán cần thiết.

Điều đáng quan tâm là bên cạnh tuyệt đại đa số Thẩm phán các cấp giữ được phẩm chất đạo đức, đã có một số ít sa ngã, thoái hóa biến chất như sinh hoạt bê tha, trai gái phải đưa ra khỏi ngành, có người đã phạm tội tham ô, hối lộ hoặc ra bản án trái pháp luật phải đưa ra truy tố trước pháp luật. Trong 5 năm qua, đã có 29 Thẩm phán Tòa án các cấp bị xử lý kỷ luật trong đó,có 18 trường hợp bị Chủ tịch nước cách chức gồm 1 Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, 1 Phó Chánh án Tòa án thành phố, 1 Thẩm phán Tòa án tỉnh, 15 Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán Tòa án cấp huyện; 11 trường hợp bị truy tố trước pháp luật gồm 1 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, 2 Thẩm phán Tòa án cấp tỉnh, 8 Thẩm phán Tòa án cấp huyện.

Đi đôi với việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ, tuyển chọn bổ nhiệm Thẩm phán, cơ sở vật chất như trụ sở, phương tiện hoạt động của các Tòa, nhất là các Tòa án địa phương từ khi Bộ Tư pháp thống nhất quản lý kinh phí, kể cả kinh phí xây dựng cơ bản được cải thiện một bước đáng kể. Nhiều Tòa án tỉnh và một phần đáng kể Tòa án cấp huyện đã được xây dựng trụ sở mới hoặc nâng cấp, cải tạo. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều Tòa án cấp huyện trụ sở còn lụp xụp, có nơi vẫn còn ở nhờ nhà dân hoặc ở đình, chùa ảnh hưởng rất lớn đến uy tín và hiệu quả hoạt động của Tòa án.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa IX kỳ họp thứ 10 về việc điều chỉnh địa giới hành chính của 8 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 8 đơn vị mới được thành lập về cơ bản đã hình thành tổ chức bộ máy và đã đi vào hoạt động ngay từ những tháng đầu năm 1997. Tuy nhiên, những Tòa án này đang gặp khó khăn lớn về trụ sở và nơi ăn ở của cán bộ viên chức trong cơ quan; hiện còn 6 đơn vị chưa có Chánh án, 5 đơn vị mới có từ 3 đến 5 Thẩm phán. Do đó phải một thời gian 1, 2 năm mới thực sự ổn định được. Cùng với việc điều chỉnh địa giới hành chính cấp tỉnh, nhiều địa phương còn tiến hành điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện (chia tách huyện hoặc thành lập huyện, quận mới) khiến cho tổ chức Tòa án cấp huyện ở những nơi này gặp nhiều khó khăn cả về cơ sở vật chất và cán bộ.

Một số tồn tại rất đáng quan tâm trong công tác xây dựng ngành Tòa án là:

- Thực trạng cán bộ ngành Tòa án nói chung và đội ngũ Thẩm phán các cấp nói riêng còn nhiều bất cập. Nhưng do cơ chế quản lý hiện nay, Bộ Tư pháp quản lý về tổ chức Tòa án địa phương, tuy có quy chế phối hợp giữa Bộ trưởng Bộ Tư pháp với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, cũng như giữa Giám đốc Sở Tư pháp và Chánh án Tòa án cấp tỉnh nhưng trong thực tế có nhiều vướng mắc; quan trọng nhất là người làm công tác xét xử lại không nắm công tác cán bộ, tổ chức xây dựng kiện toàn bộ máy, do đó, không có kế hoạch, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng lâu dài cán bộ cho các cấp Tòa án, nhiều Tòa án địa phương nhất là cấp huyện không được chăm lo, xây dựng nên rất yếu. Nguồn bổ sung Thẩm phán Tòa án các cấp nhất là cho Tòa án cấp trên rất khó khăn.

Yêu cầu của Nhà nước cũng như của xã hội đòi hỏi người Thẩm phán phải giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức liêm chính, chí công vô tư, có lối sống lành mạnh, có kinh nghiệm thực tế công tác và đời sống xã hội, có uy tín trong nhân dân, nhưng chưa có chế độ, chính sách đãi ngộ thỏa đáng (tiền lương, nhà ở) nên đời sống của Thẩm phán và cán bộ ngành Tòa án có thể nói là hết sức khó khăn, nhiều người sau giờ làm việc phải đi làm thêm để kiếm sống, có người bán hàng nước, trông xe đạp, chở hàng thuê, v.v., ảnh hưởng không nhỏ đến tư thế của người Thẩm phán và dễ bị thoái hóa, sa ngã. Mặt khác, không khuyến khích được những sinh viên đại học luật ưu tú vào làm việc trong ngành Tòa án, không khuyến khích được Thẩm phán, cán bộ Tòa án cấp dưới lên làm việc ở Tòa án cấp trên, v.v..

Thực hiện chế độ Chủ tịch nước bổ nhiệm Thẩm phán theo đề nghị của Hội đồng tuyển chọn là đúng. Tuy nhiên, qua thực tế thấy, thành phần Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án địa phương cũng như vấn đề Chủ tịch nước bổ nhiệm Thẩm phán đến cấp nào là hợp lý, vấn đề nhiệm kỳ của Thẩm phán, v.v., cần được tổng kết rút kinh nghiệm để công tác tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án các cấp được hoàn thiện, tránh hình thức.

Những vấn đề nói trên cần được tổng kết thực tiễn qua quá trình thực hiện Luật tổ chức Tòa án nhân dân, rút ra những kết luận bổ ích, nhằm đổi mới tổ chức và hoạt động của ngành Tòa án trong tổng thể đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước nói chung và cơ quan Tư pháp nói riêng.

Kính thưa đoàn Chủ tịch,

Kính thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Trên đây tôi đã báo cáo với Quốc hội những kết quả cũng như những khuyết điểm, tồn tại về những công tác chính của Tòa án nhân dân tối cao trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX, kính mong được Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

 


 

Lưu tại Phòng Lưu trữ
Văn phòng Quốc hội.