VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 4 1996-1997


BÁO CÁO CÔNG TÁC
CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
NHIỆM KỲ QUỐC HỘI KHÓA IX (1992 - 1997)


(Do ông Hà Mạnh Trí, Viện trưởng
Viện kiểm sát nhân dân tối cao đọc tại
kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa IX, ngày 02-4-1997)

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Tôi xin báo cáo trước Quốc hội về công tác của Viện kiểm sát nhân dân trong nhiệm kỳ Quốc hội (1992 - 1997).

I- TÌNH HÌNH VI PHẠM PHÁP LUẬT VÀ TỘI PHẠM

Năm năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Đảng; toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã không ngừng phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn thử thách; tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước và đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng cho những năm tiếp theo. Tình hình chính trị của đất nước ổn định, trật tự an toàn xã hội được tăng cường. Đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện. Nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và chuyển sang thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, ngân sách nhà nước còn bội chi lớn. Tình trạng lãng phí, tham nhũng chưa giảm. Một số loại tội có xu hướng tăng, các tệ nạn xã hội phát triển và diễn biến phức tạp.

Trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng: các thế lực thù địch vẫn tăng cường cấu kết chống phá cách mạng nước ta về nhiều mặt. Số vụ xâm phạm an ninh quốc gia được phát hiện và xử lý tăng. Đáng chú ý một số loại tội như: tội sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy (năm 1992, khởi tố 266 vụ, đến năm 1996, tăng lên 1.540 vụ); tội làm tiền giả; tội tàng trữ, lưu hành tiền giả (năm 1992, khởi tố 18 vụ, năm 1996, khởi tố 120 vụ). Các cơ quan bảo vệ pháp luật đã phát hiện xử lý nhiều vụ án về loại tội này, nhiều vụ có sự cấu kết giữa trong và ngoài nước, phần lớn số tiền giả được đưa từ nước ngoài vào tiêu thụ ở Việt Nam.

- Trong lĩnh vực kinh tế: tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xảy ra nhiều ở các ngành, các lĩnh vực kinh tế trọng điểm như tài chính, ngân hàng, kho bạc, thuế, quản lý đất đai, quản lý thu chi ngân sách, v.v.. Tuy số vụ phạm tội kinh tế được phát hiện và khởi tố những năm sau có ít hơn các năm trước, nhưng tính chất và hậu quả do tội phạm gây ra rất nghiêm trọng. Nhiều vụ kẻ phạm tội lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý kinh tế, móc nối với số cán bộ thoái hóa, biến chất trong các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp để chiếm đoạt tiền và tài sản của Nhà nước. Một số vụ gây thiệt hại rất lớn tài sản của Nhà nước và của nhân dân như các vụ án Trần Xuân Hoa, vụ TAMEXCO ở Thành phố Hồ Chí Minh, vụ Lý Hóc Lỷ ở Sóc Trăng, vụ xảy ra ở nhà máy dệt Nam Định..., gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

- Trong lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội: mặc dù các ngành, các cấp có nhiều biện pháp triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng, của Quốc hội và Chính phủ, phát động quần chúng nhân dân tổ chức nhiều đợt tấn công truy quét tội phạm hình sự nhằm đấu tranh ngăn chặn tội phạm và các tệ nạn xã hội, nhưng kết quả đạt được còn hạn chế, tội phạm xảy ra hằng năm vẫn tăng; đáng lưu ý là các tội tổ chức dùng chất ma túy, tội hiếp dâm, nhất là hiếp dâm trẻ em tăng đáng kể.

Tình trạng vi phạm pháp luật và tội phạm nói trên có nhiều nguyên nhân, song nổi lên là các nguyên nhân chủ yếu sau đây:

- Đất nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, các thế lực thù địch vẫn tăng cường chống phá cách mạng nước ta.

- Hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội theo pháp luật ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực còn bị buông lỏng. Ý thức tuân thủ pháp luật chưa nghiêm, một bộ phận cán bộ và công dân không thi hành đúng pháp luật. Một số không nhỏ cán bộ nhân viên nhà nước thoái hóa, biến chất lợi dụng sơ hở của pháp luật và của công tác quản lý để tham nhũng, buôn lậu.

- Công tác thanh tra, kiểm tra hiệu quả đạt được còn hạn chế. Các cơ quan bảo vệ pháp luật ở nhiều nơi chưa có sự phối kết hợp chặt chẽ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành trong việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm. Nhiều vụ xử lý còn chậm và chưa nghiêm minh. Biên chế và điều kiện làm việc của các cơ quan bảo vệ pháp luật còn thiếu và có nhiều khó khăn. Một bộ phận cán bộ, nhân viên trong các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng vi phạm pháp luật.

Dưới đây chúng tôi xin báo cáo kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ và xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân trong 5 năm qua.

II- VỀ THỰC HIỆN CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ KIỂM SÁT

Điều 137 của Hiến pháp và Điều 1 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1992 quy định chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân là kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, đã xác định phương hướng đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân là: “Làm tốt hơn nữa công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật về kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh, đối ngoại... Tập trung làm tốt chức năng công tố, bảo đảm mọi hành vi phạm tội đều được phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời, đặc biệt là tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội tham nhũng”.

Năm năm qua, ngành Kiểm sát nhân dân quán triệt những quan điểm, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, đã có những cố gắng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo các quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, tăng cường hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang và công dân, thực hành quyền công tố nhà nước, góp phần vào việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân.

1. Công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế -xã hội:

- Về kiểm sát văn bản quy phạm pháp luật:

Đây là công tác quan trọng mà Quốc hội giao cho Viện kiểm sát nhân dân. Ngay từ đầu năm 1992, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo toàn ngành tăng cường hoạt động và nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát văn bản.

Năm năm qua, ngành Kiểm sát nhân dân đã kiểm sát và phát hiện 9.732 văn bản có vi phạm pháp luật của các Bộ, ngành ở Trung ương và của các cơ quan chính quyền ở địa phương. Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã ban hành 8639 kháng nghị yêu cầu sửa chữa hoặc bãi bỏ văn bản có vi phạm. Riêng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đã kháng nghị 71 văn bản có vi phạm pháp luật của một số Bộ: Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Ngoại giao... Các văn bản mà Viện kiểm sát kháng nghị là nguồn vốn văn bản có những nội dung trái với các quy định của luật, pháp lệnh, các nghị định, nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và của các cơ quan nhà nước cấp trên hoặc ban hành không đúng thẩm quyền như pháp luật đã quy định. Hầu hết các kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã được các ngành tiếp thu sửa chữa. Qua công tác kiểm sát văn bản quy phạm pháp luật, nhiều Viện kiểm sát địa phương còn tổng hợp vi phạm, kiến nghị với Ủy ban nhân dân và được Ủy ban nhân dân chấp thuận mở hội nghị rút kinh nghiệm và nâng cao chất lượng công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nhìn chung, công tác kiểm sát văn bản của Viện kiểm sát nhân dân có sự chuyển biến tích cực, đã góp phần vào việc khắc phục các vi phạm trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cấp, các ngành, có tác dụng thiết thực trong việc chấn chỉnh công tác soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong những năm qua.

Công tác kiểm sát việc chấp hành pháp luật tại các cơ quan, đơn vị:

Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo toàn ngành hướng hoạt động kiểm sát vào các ngành, các lĩnh vực có nhiều vi phạm pháp luật.

Năm 1992, toàn ngành đã tiến hành kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giao nhận, quản lý, sử dụng các nguồn vốn, tài sản, thanh toán công nợ; chấp hành chế độ tài chính, kế toán, thống kê; thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước và bảo đảm quyền lợi của người lao động tại 1.809 đơn vị thuộc các ngành Công nghiệp nhẹ, Giao thông vận tải và Bưu điện, Thương mại và Du lịch; đã phát hiện nhiều cơ quan, đơn vị không chấp hành đúng các quy định của Pháp lệnh kế toán thống kê; việc quản lý và sử dụng nguồn vốn do Nhà nước giao có nhiều vi phạm như sử dụng vốn không đúng mục đích, chiếm dụng vốn, nhiều đơn vị không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước...

Năm 1993, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo toàn ngành tiến hành kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực xây dựng cơ bản tại 1.505 đơn vị thuộc các ngành Giao thông vận tải, Bưu điện, Năng lượng, Lâm nghiệp và Thủy lợi. Kết quả kiểm sát cho thấy, công tác quản lý nhà nước về xây dựng cơ bản có nhiều vi phạm, trái với Nghị định 385/HĐBT. Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã kháng nghị yêu cầu sửa chữa các vi phạm. Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã mở hội nghị pháp chế về xây dựng cơ bản với 17 Bộ, ngành có liên quan ở Trung ương, kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo khắc phục vi phạm, lập lại trật tự pháp luật trong lĩnh vực xây dựng cơ bản.

Trong các năm 1993 - 1994 - 1995, ngành Kiểm sát nhân dân tiến hành kiểm sát lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, đã phát hiện nhiều vi phạm nghiêm trọng. Điển hình là việc cấp đất không đúng thẩm quyền, sử dụng đất không đúng mục đích, mua bán, lấn chiếm đất trái phép, sử dụng tiền bán đất, thuế và lệ phí trước bạ trái pháp luật. Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã kháng nghị yêu cầu Ủy ban nhân dân có biện pháp chấn chỉnh công tác quản lý đất đai theo đúng quy định của pháp luật. Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo Ban Bí thư, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ về kết quả công tác kiểm sát về đất đai. Ban Bí thư và Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý đất đai theo đúng chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, các địa phương khắc phục vi phạm và xử lý cán bộ có vi phạm theo kháng nghị của Viện kiểm sát.

Năm 1994, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và một số Viện kiểm sát tỉnh, thành phố kiểm sát việc chấp hành pháp luật của ngành Hải quan đã phát hiện nhiều vi phạm trong quản lý thuế xuất, nhập khẩu dẫn đến nợ đọng quá hạn thuế xuất nhập khẩu hằng năm từ 200 đến 500 tỷ đồng. Việc tính thuế xuất nhập khẩu không đúng pháp luật, làm thất thu cho ngân sách nhà nước. Nhiều vụ vi phạm pháp luật đáng phải xử lý hình sự nhưng lại xử lý hành chính. Qua công tác kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị yêu cầu khắc phục các vi phạm đã được phát hiện.

Năm 1996, Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã tiến hành kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực thuế, các nguồn thu cho ngân sách. Đã phát hiện các cơ quan có chức năng thu thuế, thu ngân sách chưa quản lý chặt chẽ các nguồn thu; còn bỏ sót nhiều đối tượng phải nộp thuế, gây thất thu cho ngân sách hàng ngàn tỷ đồng. Tình trạng miễn, giảm thuế trái với quy định của Nhà nước diễn ra ở nhiều nơi, gây thất thoát cho ngân sách hàng trăm tỷ đồng. Việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thuế của các cơ quan có chức năng thu thuế không nghiêm. Nhiều cơ quan Thuế hạch toán tiền thuế không đúng chế độ, sử dụng tiền thuế thu được trái pháp luật. Đối với các đơn vị có nghĩa vụ nộp thuế, vi phạm phổ biến là kê khai không đúng và giấu doanh thu để trốn thuế, nợ đọng thuế với số lượng lớn. Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã trực tiếp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những vi phạm trong việc chấp hành Luật thuế tại ngành Bưu chính viễn thông và Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các Bộ, ngành liên quan tiếp thu xử lý, khắc phục vi phạm. Ngoài ra, hằng năm các Viện kiểm sát địa phương còn tiến hành kiểm sát lĩnh vực quản lý thị trường, thực hiện các chính sách xã hội, quản lý, sử dụng hàng viện trợ, xử lý vi phạm hành chính.

Viện kiểm sát quân sự các cấp tập trung kiểm sát việc quản lý vũ khí trang bị, quản lý bộ đội, quản lý tài chính, hoạt động sản xuất - kinh doanh và việc thực hiện chính sách hậu phương quân đội. Qua kiểm sát ở các đơn vị quân đội, Viện kiểm sát quân sự các cấp đã phát hiện nhiều đơn vị có vi phạm trong việc quản lý vũ khí; trang thiết bị quân sự; quản lý tài chính, nhất là ở các đơn vị quân đội làm nhiệm vụ kinh tế. Tình trạng buông lỏng quản lý xảy ra ở một số đơn vị dẫn đến việc để kẻ xấu lợi dụng sự sơ hở chiếm đoạt tài sản của Quân đội tuồn ra ngoài; Cá biệt có đơn vị sản xuất, kinh doanh còn trốn nợ thuế, dùng phương tiện quân sự để chở hàng lậu. Viện kiểm sát quân sự các cấp đã kháng nghị yêu cầu sửa chữa, khắc phục vi phạm pháp luật, góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh.

Hằng năm, Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp đã tiến hành phúc tra việc thực hiện kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tại các đơn vị đã tiến hành kiểm sát năm trước. Qua phúc tra thấy rằng, hầu hết các kháng nghị của Viện kiểm sát đã được các đơn vị tiếp thu sửa chữa và khắc phục các vi phạm, nhất là đối với các kháng nghị về vi phạm pháp luật trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Nhiều đơn vị khi nhận được kháng nghị của Viện kiểm sát, đã nghiêm túc tiếp thu và có các biện pháp để sửa chữa, khắc phục vi phạm, chấn chỉnh công tác quản lý và xử lý nghiêm minh những người vi phạm pháp luật. Qua phúc tra, phát hiện thấy có những bản kháng nghị chưa được các cơ quan, các đơn vị tiếp thu, chậm có các biện pháp khắc phục vi phạm, Viện kiểm sát các cấp đã tiếp tục yêu cầu các cơ quan, đơn vị này thực hiện.

Tổng hợp lại, 5 năm qua, hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật của ngành Kiểm sát nhân dân trong lĩnh vực hành chính, kinh tế xã hội đã có bước chuyển biến tốt hơn; đã tập trung kiểm sát các ngành kinh tế trọng điểm, có nhiều vi phạm pháp luật. Toàn ngành Kiểm sát nhân dân đã kiểm sát trực tiếp ở 8.397 đơn vị, ra 9.118 bản kháng nghị, phát hiện tổng số tài sản bị xâm hại là 2.267 tỷ đồng, đã yêu cầu thu hồi và thu hồi được 489 tỷ đồng, yêu cầu khởi tố 845 vụ án hình sự, 294 vụ án dân sự và yêu cầu xử lý hành chính 15.880 người vi phạm pháp luật. Thông qua công tác này, Viện kiểm sát nhân dân đã yêu cầu các ngành, các cấp, các đơn vị được kiểm sát khắc phục kịp thời các vi phạm; nhằm góp phần vào việc đưa công tác quản lý kinh tế - xã hội theo đúng quy định của pháp luật.

2. Công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố nhà nước trong giải quyết các vụ án hình sự:

Ngành Kiểm sát nhân dân đã tăng cường phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật tập trung đấu tranh với các loại tội xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, nhất là tội về tham nhũng, buôn lậu và về tệ nạn xã hội. Hằng năm, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chủ động cùng các ngành: Bộ Nội vụ, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Thanh tra Nhà nước, Tổng cục Hải quan thống nhất các chủ trương, biện pháp phối hợp nhằm đấu tranh có hiệu quả chống các loại tội phạm hình sự, tập trung vào những tội nghiêm trọng nổi lên trong năm, đồng thời, chỉ đạo các ngành bảo vệ pháp luật ở địa phương thực hiện những chủ trương của liên ngành Trung ương. Năm 1992, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cùng Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Lâm nghiệp, Tổng cục Hải quan xây dựng và ban hành Thông tư liên ngành số 03/LN về quản lý và xử lý tin báo tội phạm nhằm quản lý tốt hơn tình hình tội phạm. Thông qua công tác quản lý, xử lý thông tin tội phạm, hằng năm, Viện kiểm sát các cấp đã phát hiện nhiều trường hợp tội phạm đã xảy ra nhưng không được khởi tố điều tra kịp thời hoặc lẽ ra phải xử lý hình sự nhưng lại xử lý hành chính. Các trường hợp này, Viện kiểm sát các cấp đã tiến hành khởi tố và yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành điều tra khắc phục tình trạng bỏ lọt tội phạm (năm 1993: 261 vụ, năm 1994: 336 vụ, năm 1995: 210 vụ, năm 1996: 204 vụ). Sau khi Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã cùng Bộ Nội vụ, Tòa án nhân dân tối cao ra các thông tư liên ngành hướng dẫn các ngành ở địa phương thực hiện, đồng thời, tổ chức kiểm tra liên ngành về công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự ở các địa phương.

Từ năm 1992 đến nay, Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp đã quyết định truy tố 182.486 vụ án hình sự. Tòa án nhân dân các cấp đã đưa ra xét xử sơ thẩm được 170.819 vụ. Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã chủ động phối hợp với các cơ quan Công an, Tòa án trong việc giải quyết các vụ án hình sự. Do có sự phối hợp và cố gắng của các ngành Công an, Viện kiểm sát, Tòa án nên số vụ phạm tội được phát hiện, khởi tố điều tra, năm sau cao hơn năm trước (năm 1992: 41.551 vụ, năm 1993: 42.021 vụ, năm 1994: 45.265 vụ, năm 1995: 49.797 vụ, năm 1996: 53.218 vụ). Tùy theo tình hình tội phạm diễn biến hằng năm, công tác đấu tranh chống tội phạm hình sự được tập trung vào các loại tội nghiêm trọng đang có xu hướng tăng để phục vụ công tác giáo dục và phòng ngừa tội phạm.

Sau khi có Chỉ thị số 15/CT-TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 114/TTg của Thủ tướng Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo toàn ngành quán triệt thực hiện, đồng thời phối hợp với các ngành Công an, Tòa án tăng cường công tác điều tra, truy tố, xét xử án trọng điểm, trọng tâm là án về tham nhũng, buôn lậu. Từ năm 1992 đến năm 1996, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã phát hiện, khởi tố, điều tra 9.346 vụ án về tham nhũng và 816 vụ án buôn lậu. Nhiều vụ án tham nhũng lớn được điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, được dư luận nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Thực hiện chức năng do Hiến pháp và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân quy định, trong công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật và thực hành quyền công tố nhà nước, Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp đã tăng cường hoạt động kiểm sát điều tra ngay từ khi khởi tố vụ án và trong các giai đoạn tố tụng hình sự nhằm phát hiện kịp thời các vi phạm của các cơ quan điều tra, xét xử để yêu cầu khắc phục sửa chữa nhằm bảo đảm các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đúng pháp luật. Hằng năm, số vụ án kết thúc điều tra tăng, số người bị khởi tố sau đó phải đình chỉ điều tra được hạn chế. Phần lớn các vụ án đều được giải quyết trong hạn luật định. Công tác kiểm sát việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn được tiến hành thận trọng. Các vi phạm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử như: Khởi tố, bắt, giữ người không đúng pháp luật, để quá hạn tạm giữ, tạm giam, quá hạn điều tra vụ án..., đã từng bước được khắc phục. Trong 5 năm qua, ngành Kiểm sát nhân dân đã quyết định không phê chuẩn tạm giam 2.252 trường hợp vì xét thấy không đủ căn cứ chứng minh họ là người phạm tội hoặc xét thấy không cần thiết phải tạm giam.

Viện kiểm sát các cấp đã chú trọng làm tốt nhiệm vụ duy trì quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn xét xử án hình sự. Số bản án có vi phạm pháp luật hoặc áp dụng pháp luật không đúng được Viện kiểm sát các cấp kháng nghị, yêu cầu xét xử ở cấp cao hơn tăng (năm 1992, kháng nghị phúc thẩm 228 vụ, kháng nghị giám đốc thẩm 131 vụ; đến năm 1996, kháng nghị phúc phẩm 991 vụ, kháng nghị giám đốc thẩm 229 vụ). Số kháng nghị của Viện kiểm sát được Tòa án chấp nhận chiếm tỷ lệ cao.

Thông qua công tác kiểm sát thường trực, kiểm sát xét xử án hình sự, ngành Kiểm sát đã phát hiện các vi phạm trong hoạt động điều tra, xét xử, đã kiến nghị với Bộ Nội vụ và Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo Cơ quan điều tra và Tòa án nhân dân các cấp khắc phục vi phạm.

Viện kiểm sát các cấp đã chú trọng việc kiểm sát thường kỳ và bất thường các nơi giam, giữ. Qua công tác kiểm sát giam, giữ, thấy tình hình chấp hành pháp luật trong lĩnh vực này có chuyển biến tiến bộ. Số người bị tạm giữ sau đó khởi tố hình sự tăng (năm 1992: 55%; 1993: 57,1%, 1994: 55,2%; 1995: 61,7%; 1996: 65,6%). Các trường hợp tạm giữ không có quyết định, quá hạn tạm giữ, tạm giam, số người bị bắt, tạm giam sau phải đình chỉ điều tra, các trường hợp trốn khỏi nhà tạm giữ, trại tạm giam đã giảm dần. Đặc biệt, tình trạng tạm giam không có phê chuẩn của Viện kiểm sát đã được khắc phục. Tuy nhiên, các vi phạm như giam, giữ không có lệnh, quyết định; để quá hạn tạm giữ, tạm giam hoặc quản lý thiếu chặt chẽ để người bị giam, giữ trốn vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi. Viện kiểm sát các cấp đã ban hành 3.087 kiến nghị, kháng nghị về các vi phạm trong việc tạm giữ, 2.440 kiến nghị, kháng nghị về các vi phạm trong việc tạm giam, quyết định trả tự do cho 415 người bị tạm giữ, 1.502 người bị tạm giam không có căn cứ và trái pháp luật.

3. Công tác điều tra của Viện kiểm sát:

Việc điều tra các vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp có nhiều khó khăn và phức tạp nhưng Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát các cấp đã có nhiều cố gắng trong việc quản lý thông tin và điều tra loại tội phạm này. Số vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp và xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân được khởi tố, điều tra tăng. 5 năm qua, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát đã khởi tố, điều tra 400 vụ án thuộc các loại tội: Làm sai lệch hồ sơ vụ án, ra bản án hoặc quyết định trái pháp luật, nhận hối lộ, dùng nhục hình, bắt giữ người trái pháp luật... Nhìn chung, các vụ án do Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát tiến hành được điều tra kịp thời, truy tố, xét xử nghiêm minh, được dư luận đồng tình.

4. Công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết củng cố vụ án dân sự, kinh tế, lao động và hành chính:

Ngành Kiểm sát đã tăng cường hơn trước công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết các vụ án dân sự của Tòa án các cấp. Đã chú trọng kiểm sát việc lập hồ sơ án dân sự của Tòa án, phát hiện và yêu cầu điều tra bổ sung 12.455 vụ, tích cực tham gia xét xử các vụ án dân sự ở giai đoạn sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm, đã kháng nghị nhiều bản án dân sự có vi phạm pháp luật. Trong 5 năm, Viện kiểm sát các cấp đã kháng nghị 973 vụ án dân sự theo trình tự phúc thẩm và 1.079 vụ án theo trình tự giám đốc thẩm. Qua công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết các vụ án dân sự, Viện kiểm sát các cấp còn phát hiện vi phạm pháp luật của Tòa án các cấp như thụ lý để quá hạn luật định nhưng chưa đưa ra xét xử, hòa giải không đúng thủ tục, thụ lý giải quyết sai thẩm quyền, lập hội đồng định giá không đúng. Viện kiểm sát đã kháng nghị, kiến nghị yêu cầu tòa án khắc phục vi phạm. Thông qua công tác kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự nhận thấy án tranh chấp nhà đất tăng, vi phạm Luật hôn nhân và gia đình xảy ra nghiêm trọng ở nhiều nơi, Viện kiểm sát các cấp đã tổng hợp tình hình và kiến nghị với các cơ quan chính quyền có biện pháp tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, chủ động hòa giải để giải quyết các tranh chấp ở cơ sở và có các biện pháp phòng ngừa vi phạm. Từ tháng 7-1996, Bộ luật dân sự có hiệu lực thi hành, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tổ chức tập huấn và chỉ đạo toàn ngành thực hiện tốt các quy định của Bộ luật dân sự.

Từ năm 1994 trở lại đây, ngành Kiểm sát được giao nhiệm vụ kiểm sát việc giải quyết các loại án về kinh tế, lao động, hành chính. Tuy các lĩnh vực này còn mới mẻ nhưng Viện kiểm sát các cấp đã có nhiều cố gắng kiểm sát việc lập hồ sơ, tham gia xét xử nhằm đảm bảo việc giải quyết các loại án này đúng pháp luật.

5. Công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong thi hành các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân:

Từ giữa năm 1994, sau khi có Pháp lệnh thi hành án phạt tù và Pháp lệnh thi hành án dân sự, tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Viện kiểm sát địa phương đã thành lập bộ phận chuyên trách về kiểm sát thi hành án. Hằng năm, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phối hợp với Bộ Nội vụ, Tòa án nhân dân tối cao kiểm tra, đôn đốc công tác thi hành án, đẩy nhanh việc thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật còn tồn đọng; ban hành thông tư liên ngành giải quyết những vướng mắc trong công tác thi hành án có liên quan đến mỗi ngành. Do sự cố gắng của các cơ quan Viện kiểm sát, Tòa án, Công an và Thi hành án các cấp nên công tác thi hành án có tiến bộ, hằng năm số người bị phạt tù giam trong các bản án và quyết định có hiệu lực pháp luật được thi hành ngày càng tăng (năm 1994: 81%; năm 1995: 87%; năm 1996: 88,5%). Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã phối hợp với các cơ quan Tòa án, Công an, Thi hành án để có các biện pháp nhằm quản lý chặt chẽ hơn đối với các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được thi hành, nhất là các trường hợp bị xử tù giam nhưng chưa được bắt thi hành án. Qua kiểm tra, đối chiếu giữa các ngành hữu quan, đến nay số người bị xử tù giam nhưng chưa được bắt thi hành án còn 5.246 người (trong đó có 3.027 trường hợp trốn chưa bắt được, 736 trường hợp có quyết định thi hành án nhưng cơ quan Công an chưa tổ chức việc bắt, áp giải, 701 trường hợp do Tòa án hoãn thi hành án, 141 trường hợp do Tòa án chưa ra quyết định thi hành án...). Viện kiểm sát các cấp đã cùng các ngành có liên quan bàn biện pháp thực hiện việc thi hành án đối với các trường hợp này. Việc thi hành án dân sự cũng có tiến bộ. Tỷ lệ các bản án, quyết định về dân sự có hiệu lực pháp luật được thi hành từng năm có cao hơn. Năm 1993, số án dân sự chưa thi hành còn 53% đến năm 1996, số án chưa thi hành chỉ còn 22%, án dân sự đã thi hành xong năm 1993 đạt 23% đến năm 1996, đạt 37%. Nhiều bản án dân sự có hiệu lực pháp luật phải thi hành tồn đọng từ những năm trước đây đã được giải quyết dứt điểm.

Viện kiểm sát các cấp cũng đã tăng cường kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan Tòa án, Công an và cơ quan Thi hành án. Thông qua công tác kiểm sát thi hành án đã phát hiện các vi phạm như việc chậm ra các quyết định thi hành án, đình chỉ, tạm đình chỉ và hoãn thi hành án trái pháp luật, tham ô, chiếm dụng tiền thi hành án... Đáng lưu ý ở nhiều địa phương việc quản lý và nắm các đối tượng phải thi hành án chưa chặt chẽ, nên nhiều bị án chưa được bắt thi hành án kịp thời, nhiều trường hợp trốn thi hành án chưa có biện pháp kiên quyết để bắt thi hành án. Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, song đáng lưu ý là cơ chế và tổ chức của Cơ quan thi hành án hiện nay còn phân tán, nhận thức và vận dụng để thi hành Pháp lệnh về thi hành án ở một số cơ quan chưa thống nhất; bản thân các Tòa án, Viện kiểm sát, Công an, Cơ quan Thi hành án và chính quyền cơ sở ở nhiều địa phương chưa làm hết trách nhiệm của mình, chưa có biện pháp phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức thi hành án. Những vi phạm trên, Viện kiểm sát các cấp đã kháng nghị, yêu cầu các cơ quan, đơn vị có vi phạm khắc phục, sửa chữa.

6. Công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân:

Viện kiểm sát các cấp đã tập trung kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cấp chính quyền ở các địa phương và các ngành trọng điểm. Qua kiểm sát đã phát hiện các vi phạm như: không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiến độ giải quyết chậm, có việc giải quyết trái thẩm quyền... có nơi tùy tiện đặt ra việc thu lệ phí giải quyết đơn trái pháp luật. Các Viện kiểm sát đã ban hành 3.547 kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm.

Viện kiểm sát các cấp đã quan tâm đến việc tiếp dân, giải quyết các đơn khiếu nại, tố cáo thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát, chú trọng các đơn khiếu oan sai, xâm phạm quyền dân chủ và đơn tố cáo hành vi tham nhũng, xâm phạm hoạt động tư pháp. Thông qua công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo đã phát hiện khởi tố và yêu cầu khởi tố 600 vụ án hình sự, 559 vụ án dân sự.

*

*     *

Bên cạnh các kết quả mà Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã đạt được trong 5 năm qua như đã nêu trên, chúng tôi tự thấy công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết các vụ án hình sự, dân sự... thực hành quyền công tố nhà nước, Viện kiểm sát các cấp còn có khuyết điểm, tồn tại là: hoạt động kiểm sát điều tra, kiểm sát giam, giữ, kiểm sát xét xử, kiểm sát thi hành án có lúc, có nơi chưa làm hết chức năng, nhiệm vụ được giao, chất lượng còn nhiều hạn chế nên còn để xảy ra tình trạng bỏ lọt tội phạm, có lúc có nơi còn để xảy ra tình trạng làm oan người không có tội. Công tác đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn lậu tuy đã có cố gắng nhưng kết quả đạt được còn nhiều hạn chế. Tiến độ giải quyết nhiều vụ án kể cả hình sự và dân sự còn chậm. Việc thực hiện quyền công tố nhà nước tại phiên tòa của Kiểm sát viên ở nhiều nơi chưa tốt. Một số địa phương còn để xảy ra trong trường hợp bị can, bị cáo bị giam, giữ quá hạn luật định, nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật chưa được thi hành nghiêm chỉnh. Những khuyết điểm, tồn tại nêu trên, ngành Kiểm sát nhân dân đang có những biện pháp để khắc phục nhằm thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao.

III- XÂY DỰNG NGÀNH

Trong nhiệm kỳ 1992 -1997, ngành Kiểm sát nhân dân đã tập trung đổi mới tổ chức và hoạt động kiểm sát, xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân theo quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1992. Bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân các cấp tiếp tục được kiện toàn. Ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện kiểm sát cấp tỉnh, Ủy ban kiểm sát được củng cố và hoạt động có hiệu quả hơn. Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành quy chế làm việc của Viện trưởng, các Phó Viện trưởng và Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng thời ra văn bản hướng dẫn việc tổ chức và hoạt động của Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát cấp tỉnh theo quy định mới của Luật, nhằm tăng cường sự lãnh đạo tập trung, thống nhất và bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Cùng với việc kiện toàn tổ chức, bộ máy, Viện kiểm sát các cấp đã tập trung vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ của ngành. Từ năm 1993, sau khi có Pháp lệnh về Kiểm sát viên, việc tuyển chọn, bổ nhiệm Kiểm sát viên các cấp đã được thực hiện theo đúng các quy định của Pháp lệnh. Đối với số Kiểm sát viên các cấp được bổ nhiệm trước khi có Pháp lệnh Kiểm sát viên mà chưa đạt yêu cầu so với tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, Viện kiểm sát các cấp đã có kế hoạch tổ chức bồi dưỡng, để số Kiểm sát viên này có đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Do có những cố gắng trong công tác này nên đội ngũ Kiểm sát viên các cấp ngày một trưởng thành cả về số lượng lẫn chất lượng. Năm 1992, toàn ngành có 5.254 Kiểm sát viên các cấp, đến năm 1996, tăng lên 5.371 người. Về trình độ, năm 1992, số Kiểm sát viên có trình độ cao đẳng đại học và trên đại học chiếm 45%, đến năm 1996, nâng lên 74%. Tuyệt đại đa số cán bộ, Kiểm sát viên giữ gìn được phẩm chất đạo đức, có ý thức đấu tranh bảo vệ pháp chế, bảo vệ công lý, sống lành mạnh, trong sạch mặc dù đời sống còn gặp nhiều khó khăn.

Năm 1994, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ban Nội chính Trung ương Đảng đã phối hợp với các Ban cán sự, các cấp ủy Đảng địa phương trực tiếp tiến hành đợt kiểm tra công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành Kiểm sát nhân dân. Sau khi có kết luận về đợt kiểm tra này, toàn ngành Kiểm sát nhân dân đã tổ chức tiếp thu, khắc phục những thiếu sót, tồn tại trong công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành và đã xử lý nghiêm minh những trường hợp cán bộ, Kiểm sát viên mắc sai phạm. Trong 5 năm qua, toàn ngành đã xử lý kỷ luật gần 500 trường hợp cán bộ Kiểm sát có vi phạm, trong đó có 20 người bị khởi tố về hình sự.

Trước yêu cầu của công cuộc đổi mới, của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chúng tôi thấy công tác tổ chức cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân cần phải được tiếp tục đổi mới nhiều hơn nữa, đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên phải được tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng toàn diện cả về chính trị, kiến thức pháp luật, năng lực chuyên môn, nhất là các kiến thức về quản lý kinh tế, xã hội và phương pháp công tác, đồng thời phải tiếp tục rèn luyện phẩm chất đạo đức và ý chí đấu tranh bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ công lý.

NHẬN XÉT CHUNG

Trong 5 năm qua, ngành Kiểm sát nhân dân bám sát các nghị quyết của Đảng và Quốc hội, đã có những cố gắng đổi mới công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật và thực hành quyền công tố nhà nước theo quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1992. Thông qua công tác kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã góp phần vào việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế, xã hội ở một số ngành kinh tế trọng điểm và ở địa phương; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, trọng tâm là các tội về xâm phạm an ninh quốc gia, về tham nhũng, buôn lậu; đồng thời, chú trọng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm bảo đảm cho các hoạt động tố tụng đúng pháp luật và bảo đảm quyền tự do dân chủ của nhân dân.

Đạt được kết quả trên, trước hết là do có sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội và của Chủ tịch nước, sự giám sát của Hội đồng nhân dân, sự giúp đỡ tạo điều kiện của Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp, sự ủng hộ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, của các cơ quan thông tin báo chí và nhân dân đối với hoạt động của toàn ngành Kiểm sát. Cán bộ, Kiểm sát viên trong ngành Kiểm sát đã cố gắng khắc phục mọi khó khăn để thực hiện chức năng, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã giao cho.

Tuy nhiên, kiểm điểm lại chúng tôi thấy rằng, ngành Kiểm sát nhân dân vẫn còn những khuyết điểm, tồn tại. Bao trùm nhất là chưa thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao; còn một số lĩnh vực có nhiều vi phạm nhưng Viện kiểm sát chưa tiến hành kiểm sát. Công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật và thực hành quyền công tố nhà nước còn nhiều hạn chế như đã báo cáo ở trên. Đối với những khuyết điểm, tồn tại này, ngành Kiểm sát nhân dân đang triển khai thực hiện các biện pháp để khắc phục.

IV- PHƯƠNG HƯỚNG CÔNG TÁC KIỂM SÁT
TRONG NHIỆM KỲ TỚI

Trong nhiệm kỳ tới, ngành Kiểm sát nhân dân dự kiến sẽ tập trung thực hiện tốt một số việc sau đây:

- Quán triệt sâu sắc các quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước về đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, trong đó có việc cải cách tổ chức và hoạt động của các cơ quan Tư pháp. Viện kiểm sát nhân dân tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động, nhằm thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của ngành đã được Quốc hội giao cho, hướng hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật vào các ngành, các lĩnh vực kinh tế trọng điểm có nhiều vi phạm; tập trung lực lượng vào việc thực hiện chức năng công tố nhà nước, chủ động phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm nhất là các tội phạm về an ninh quốc gia, về tham nhũng, buôn lậu. Tăng cường công tác kiểm sát điều tra, kiểm sát giam, giữ, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, kinh tế, hành chính, lao động, kiểm sát thi hành án và kiểm sát xét khiếu tố, nhằm bảo đảm cho các hoạt động này đúng pháp luật, bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân.

- Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên vững vàng về chính trị, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kiến thức pháp luật, nhất là các kiến thức về quản lý kinh tế, xã hội, kiến thức nghiệp vụ về điều tra, truy tố, xét xử, để hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn. Tăng cường công tác quản lý và rèn luyện đội ngũ Kiểm sát viên có đạo đức phẩm chất tốt, có dũng khí đấu tranh bảo vệ pháp chế, bảo vệ công lý, nhằm xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân trong sạch, vững mạnh theo 5 đức tính mà Bác Hồ đã dạy đối với người cán bộ Kiểm sát “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.

V- KIẾN NGHỊ

Từ thực tiến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân trong nhiệm kỳ vừa qua, chúng tôi xin trân trọng đề nghị Quốc hội một số vấn đề sau đây:

1- Để tăng cường công tác quản lý nhà nước theo Hiến pháp và pháp luật, đề nghị Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp tăng cường các hoạt động giám sát việc thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước, các tổ chức và công dân; yêu cầu các cơ quan nhà nước và các viên chức nhà nước khi thực thi nhiệm vụ của mình phải làm đúng pháp luật; các cơ quan nhà nước cấp trên cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với cấp dưới, kịp thời phát hiện các vi phạm và xử lý nghiêm minh những trường hợp có vi phạm.

2- Đề nghị Quốc hội, Chủ tịch nước, Hội đồng nhân dân các cấp tăng cường công tác giám sát đối với hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong đó có Viện kiểm sát nhân dân. Đề nghị Quốc hội và Chính phủ tăng cường biên chế và cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho các cơ quan bảo vệ pháp luật trong đó có Viện kiểm sát nhân dân để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Nhân dịp này, cho phép tôi thay mặt ngành Kiểm sát nhân dân, xin cảm ơn sự quan tâm của Đảng, của Quốc hội, Chủ tịch nước, của Chính phủ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp, sự giúp đỡ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của các đoàn thể, các cơ quan thông tin báo chí và toàn thể nhân dân đối với Viện kiểm sát nhân dân các cấp trong suốt nhiệm kỳ qua.

Xin cảm ơn sự quan tâm chú ý của các vị đại biểu Quốc hội.

Kính chúc sức khỏe các vị đại biểu Quốc hội.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội