VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 4 1996-1997


BÁO CÁO
CỦA ỦY BAN KINH TẾ VÀ NGÂN SÁCH
CỦA QUỐC HỘI
VỀ TỔNG KẾT CÔNG TÁC
NHIỆM KỲ QUỐC HỘI KHÓA IX (1992-1997)
*

Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội là cơ quan của Quốc hội, được Quốc hội khóa IX thành lập từ kỳ họp thứ nhất tháng 9 năm 1992.

Theo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992, Luật tổ chức Quốc hội và Quy chế hoạt động của các Ủy ban của Quốc hội; Ủy ban kinh tế và ngân sách có những nhiệm vụ và quyền hạn chính là:

1- Thẩm tra dự án luật, kiến nghị về luật, dự án pháp lệnh và các dự án khác thuộc lĩnh vực quản lý kinh tế, hoạt động kinh doanh, ngân sách, tài chính và tiền tệ.

2- Thẩm tra dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách nhà nước; các báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội, ngân sách nhà nước và quyết toán ngân sách nhà nước.

3- Giám sát việc thực hiện luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực quản lý kinh tế, hoạt động kinh doanh, ngân sách, tài chính và tiền tệ.

4- Kiến nghị với Quốc hội các vấn đề về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, về quản lý kinh tế, hoạt động kinh doanh, ngân sách, tài chính và tiền tệ.

Trong nhiệm kỳ 5 năm (1992-1997), Ủy ban đã hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào hướng dẫn tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX của Ủy ban thường vụ Quốc hội và công tác của Ủy ban; Ủy ban kinh tế và ngân sách báo cáo công tác nhiệm kỳ của Ủy ban nhằm xem xét, đánh giá các mặt hoạt động của Ủy ban, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, góp phần vào sự đổi mới hoạt động của Quốc hội, của các Ủy ban của Quốc hội khóa tới.

Nội dung báo cáo công tác nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX của Ủy ban kinh tế và ngân sách gồm hai phần:

Phần I: Về tổ chức, cơ cấu và lề lối làm việc của Ủy ban.

Phần II: Về hoạt động của Ủy ban trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX.

PHẦN I

VỀ TỔ CHỨC, CƠ CẤU
VÀ LỀ LỐI LÀM VIỆC CỦA ỦY BAN

Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội gồm 34 thành viên do Quốc hội bầu, trong đó có Chủ nhiệm, 02 Phó Chủ nhiệm. Tại phiên họp thứ nhất, Ủy ban đã bầu Thường trực Ủy ban gồm 9 đồng chí (gồm Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm và một số thành viên của Ủy ban). Trong nhiệm kỳ do yêu cầu công tác, đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban được điều động nhận nhiệm vụ mới, Quốc hội khóa IX đã bầu lại Chủ nhiệm và bổ sung thêm một đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban.

Cơ cấu của Ủy ban kinh tế và ngân sách: trong tổng số 34 thành viên thì có 3 đồng chí (Chủ nhiệm và 02 Phó Chủ nhiệm ) làm việc theo chế độ chuyên trách; còn 31 thành viên hoạt động bán chuyên trách, bao gồm:

- 09 đồng chí là Bí thư tỉnh ủy, thành ủy.

- 12 đồng chí là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

- 04 đồng chí là cán bộ lãnh đạo ở các Bộ, ngành Trung ương.

- 06 đồng chí là giám đốc sở, là tổng giám đốc, giám đốc các doanh nghiệp nhà nước.

Trong số thành viên của Ủy ban có 2 đại biểu nữ, 32 nam và đều giữ cương vị lãnh đạo ở các cấp, các ngành; có 24 đại biểu có trình độ đại học trở lên, trong đó 5 đồng chí có học vị phó tiến sĩ.

Về tổ chức của Ủy ban được cấu tạo gồm Thường trực Ủy ban gồm 9 đồng chí, trong đó có Thường trực chuyên trách chỉ có 3 đồng chí (Chủ nhiệm và 02 Phó Chủ nhiệm) và có Tiểu ban ngân sách.

Với cơ cấu tổ chức của Ủy ban như trên, đã có một số vấn đề ảnh hưởng đến hoạt động của Ủy ban.

Trong cơ cấu của Ủy ban, nhiều đồng chí thành viên Ủy ban giữ các chức vụ quan trọng ở các ngành, các địa phương, do công việc quá bận rộn nên thời gian tham gia công tác đối với công việc của Ủy ban bị hạn chế.

- Chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban quá nặng, nhưng số đại biểu hoạt động theo chế độ chuyên trách lại quá ít (03 đồng chí) chỉ có Chủ nhiệm và 02 Phó Chủ nhiệm nhưng một Phó Chủ nhiệm lại phải trực ở Thành phố Hồ Chí Minh, nên cũng có phần hạn chế.

Về bộ phận giúp việc, Ủy ban có một vụ chuyên môn giúp việc cho hoạt động của Ủy ban - Vụ kinh tế và ngân sách - Văn phòng Quốc hội đang từng bước hoàn thiện, tăng cường số lượng và chất lượng, bảo đảm những phương tiện cần thiết để làm việc. Đối với vụ giúp việc, Chủ nhiệm Ủy ban chỉ đạo về công tác chuyên môn, nghiệp vụ và phối hợp với Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chỉ đạo các mặt công tác khác.

Ngoài Vụ kinh tế - ngân sách - Văn phòng Quốc hội, Ủy ban còn tổ chức đội ngũ cộng tác viên của Ủy ban gồm 12 đồng chí đã trải qua hoạt động lâu năm và có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực kinh tế - ngân sách đã nghỉ hưu hoặc đang công tác ở một số Bộ, ngành Trung ương.

Ủy ban hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số theo đúng Quy chế hoạt động của các Ủy ban của Quốc hội.

Chế độ làm việc của Ủy ban, hằng năm, Ủy ban tổ chức các cuộc họp toàn thể Ủy ban (khoảng 3 - 4 lần), thường vào trước kỳ họp của Quốc hội. Các cuộc họp của Ủy ban theo nội dung các công việc do Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội giao (Thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, các dự án kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách nhà nước; quyết toán ngân sách nhà nước; các báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế và ngân sách nhà nước ...) thông qua chương trình hoạt động cả năm hoặc 6 tháng của Ủy ban để Thường trực Ủy ban triển khai chương trình hàng tháng, quý. Trong những trường hợp cần thiết, Thường trực Ủy ban tổ chức các phiên họp toàn thể Ủy ban hoặc Thường trực Ủy ban mở rộng để thẩm tra các dự án pháp lệnh hoặc nghe các Bộ, ngành báo cáo về các dự án hoặc vấn đề quan trọng, cấp bách thuộc lĩnh vực quản lý kinh tế, hoạt động kinh doanh, ngân sách, tài chính và tiền tệ.

Trên cơ sở chương trình hoạt động 6 tháng và cả năm đã được Ủy ban thông qua, Thường trực Ủy ban có chương trình hoạt động cụ thể hàng tháng gửi tới các thành viên Ủy ban và báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội, đồng thời căn cứ vào chương trình này, Thường trực chuyên trách của Ủy ban điều hành công việc trong tháng.

Thường trực Ủy ban họp hằng tháng 1-2 lần, có tháng, Thường trực Ủy ban tổ chức họp mở rộng có mời một số thành viên và cộng tác viên của Ủy ban để nghe các Bộ, ngành trình bày về các chuyên đề mà Ủy ban quan tâm.

Nhìn chung, những phiên họp của Ủy ban, Thường trực Ủy ban được chuẩn bị và tổ chức chu đáo. Các báo cáo có chất lượng, có đủ các văn bản và tư liệu cần thiết, thảo luận dân chủ và có kết luận cụ thể. Mặt khác, Ủy ban còn tổ chức các đoàn công tác của Ủy ban đi giám sát thực tế ở các Bộ, ngành và các địa phương theo chuyên đề. Đối với các dự án luật mà Quốc hội giao cho Ủy ban chủ trì thẩm tra, có khi phải họp toàn thể Ủy ban hoặc Thường trực Ủy ban 2-3 lần để nghe Ban soạn thảo trình bày, cho ý kiến để từng bước hoàn chỉnh dự án luật, đồng thời cùng với cơ quan soạn thảo tổ chức lấy ý kiến các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở có liên quan.

Đối với các thành viên Ủy ban mà phần lớn là hoạt động kiêm nhiệm, Thường trực chuyên trách của Ủy ban thường xuyên cung cấp thông tin, tư liệu cần thiết, các dự án để nghiên cứu kết hợp, với tình hình thực tế ở địa phương hoặc đơn vị nơi công tác để tham gia ý kiến kịp thời. Thường trực chuyên trách của Ủy ban tôn trọng ý kiến đóng góp của các thành viên, làm việc theo chế độ tập thể, cố gắng huy động các thành viên, các cộng tác viên của Ủy ban tham gia vào công việc chung của Ủy ban.

Trong quá trình hoạt động của mình, Thường trực Ủy ban luôn bám sát nghị quyết của Quốc hội, chương trình hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, của Ủy ban. Hằng tháng có kiểm điểm công việc đã làm của tháng trước và đề ra chương trình công tác của tháng sau. Trong điều hành thực hiện chương trình công tác, Thường trực Ủy ban luôn luôn có mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội; các Ban kinh tế - ngân sách của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong công việc thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, đồng thời báo cáo thường xuyên công việc của Ủy ban cho Ủy ban thường vụ Quốc hội và chịu sự chỉ đạo điều hòa của Chủ tịch Quốc hội.

PHẦN II

VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA ỦY BAN
TRONG NHIỆM KỲ QUỐC HỘI KHÓA IX

I- VỀ CÔNG TÁC LẬP PHÁP

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX đến kỳ họp thứ 9, Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội chủ trì thẩm tra 18 luật đã được Quốc hội thông qua và Chủ tịch nước đã công bố ban hành: Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp; các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế doanh thu, Luật thuế lợi tức, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật phá sản doanh nghiệp; Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất; Luật khuyến khích đầu tư trong nước; Luật doanh nghiệp nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công ty và Luật doanh nghiệp tư nhân; Luật hợp tác xã; Luật ngân sách nhà nước.

Về pháp lệnh, chủ trì thẩm tra các pháp lệnh đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua: Pháp lệnh thuế bổ sung đối với hộ gia đình sử dụng đất nông nghiệp vượt quá hạn mức diện tích; Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao (sửa đổi); Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh về thuế nhà đất...

Theo chương trình xây dựng pháp luật từ nay đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX: Ủy ban còn được giao tiếp tục chủ trì thẩm tra các dự án luật và pháp lệnh: Các luật thuế: giá trị gia tăng (VAT), thu nhập doanh nghiệp; Luật thương mại và Pháp lệnh về phí và lệ phí; Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX, Ủy ban cũng đã thẩm tra để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, ra các nghị quyết về việc bổ sung, sửa đổi một số khung thuế suất một số nhóm hàng trong Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu; về việc thực hiện chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) khi Việt Nam trở thành thành viên chính của ASEAN và tham gia Khu vực mậu dịch tự do (AFTA); về chương trình giảm thuế nhập khẩu của Việt Nam để thực hiện Hiệp định về Chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) của các nước ASEAN ... Ngoài ra, Ủy ban cũng đã tham gia thẩm tra một số dự án luật, pháp lệnh do các Ủy ban khác của Quốc hội chủ trì, nhất là các luật, pháp lệnh có liên quan nhiều đến các vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý kinh tế, hoạt động kinh doanh, ngân sách, tài chính và tiền tệ.

Đối với các dự án luật, pháp lệnh và các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thì chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của Ủy ban là thẩm tra các dự án do Chính phủ trình; nhưng trên thực tế, Thường trực chuyên trách của Ủy ban và các chuyên viên của Vụ kinh tế và ngân sách thường phải trực tiếp tham gia ngay từ đầu với các Ban soạn thảo cả trong quá trình xây dựng và chỉnh lý các dự án luật. Thường trực Ủy ban phân công các đồng chí trong thường trực chuyên trách theo dõi từng dự án luật, pháp lệnh và thường xuyên bám sát công việc, rút kinh nghiệm qua từng thời gian. Đối với các dự án luật, pháp lệnh có nội dung quan trọng, phức tạp thì Thường trực Ủy ban còn cùng với ban soạn thảo tổ chức các hội nghị hoặc đoàn công tác để trực tiếp nghe, thu thập ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành ở Trung ương và các cơ quan, đơn vị cơ sở ở địa phương, trên cơ sở đó cùng với ban soạn thảo tổng hợp các ý kiến đóng góp, nghiên cứu nghiêm túc, tiếp thu và chỉnh lý lại các dự án.

Trên cơ sở ý kiến của các cuộc họp toàn thể Ủy ban hoặc Thường trực Ủy ban mở rộng. Thường trực chuyên trách của Ủy ban báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét thông qua (nếu là pháp lệnh và nghị quyết) hoặc trình ra Quốc hội xem xét thông qua (nếu là luật, nghị quyết của Quốc hội). Các dự luật trước khi trình ra Quốc hội xem xét, thông qua, nhất thiết phải tổ chức cuộc họp toàn thể Ủy ban để thẩm tra chính thức các dự án luật đó và chuẩn bị báo cáo thẩm tra trình Quốc hội.

Có được kết quả trên, ngoài sự đầu tư nghiên cứu chuẩn bị chu đáo của Ban soạn thảo các dự án luật, còn có sự đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương, cơ sở và nhân dân. Ủy ban đã dành nhiều thời gian để xem xét, cho ý kiến về kết cấu, nội dung, kỹ thuật xây dựng văn bản. Đặc biệt, Ủy ban đã tập trung vào những vấn đề thuộc về quan điểm cơ bản, những nội dung còn có ý kiến khác nhau để bảo đảm thể chế hóa các chủ trương và nghị quyết của Đảng và Nhà nước. Đối với những dự án luật có nội dung phức tạp đã được Ủy ban cho ý kiến nhiều lần, trước khi trình Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội, có dự án còn phải xin ý kiến trước các vị đại biểu Quốc hội để trên cơ sở đó Ủy ban và Ban soạn thảo chỉnh lý tiếp để Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp như: Luật phá sản doanh nghiệp; Luật doanh nghiệp nhà nước; Luật hợp tác xã; Luật ngân sách nhà nước; Thường trực Ủy ban đã có kế hoạch cụ thể, bảo đảm cho các thành viên Ủy ban có điều kiện nghiên cứu trước khi họp toàn thể Ủy ban xem xét, thẩm tra dự án luật. Ủy ban luôn quan tâm đến việc lấy ý kiến đóng góp vào dự luật của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý kinh tế và nhất là ý kiến của các cộng tác viên của Ủy ban. Do vậy, chất lượng của các văn bản pháp luật ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu do thực tiễn đặt ra.

Nhìn chung, về cơ bản Ủy ban đã hoàn thành được nhiệm vụ mà Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội đã giao trong việc chủ trì thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX.

Để góp phần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp của Ủy ban kinh tế và ngân sách nói riêng và của Quốc hội nói chung trong việc xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, nhất quán, thể chế hóa đường lối đổi mới của Đảng trong lĩnh vực kinh tế và ngân sách; chúng tôi nhận thấy một số vấn đề cần quan tâm nghiên cứu để phát huy tốt hơn trong thời gian tới.

Khi chương trình xây dựng pháp luật hằng năm đã được Quốc hội thông qua, cần tập trung chỉ đạo sát sao để bảo đảm tiến độ thực hiện bằng được kế hoạch đã đề ra.

Đối với các dự án luật cụ thể, chúng tôi thấy rằng, cần thực hiện tốt những việc sau:

- Xác định rõ các quan điểm cơ bản và nội dung chủ yếu của từng dự án luật. Thực tế hoạt động lập pháp của Ủy ban trong nhiệm kỳ qua cho thấy, chỉ khi những quan điểm cơ bản được xác định rõ mới có thể xây dựng được những nội dung chính của dự án luật.

- Căn cứ vào tiến độ xây dựng các dự án luật mà Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xác định, Ban soạn thảo cần có kế hoạch và biện pháp hết sức cụ thể, phân công, phân nhiệm khẩn trương tiến hành các bước khảo sát thực tế trong và ngoài nước, nghiên cứu, xây dựng dự thảo luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ, kể cả kết cấu nội dung và hình thức của dự luật. Trong quá trình này, Ủy ban chủ trì thẩm tra cũng phải có trách nhiệm tổ chức theo dõi sát sao và cử người trực tiếp tham gia.

Khi dự thảo luật đạt yêu cầu cần thiết, cần tổ chức lấy ý kiến các ngành, các cấp, các cơ sở có liên quan; trong trường hợp cần thiết phải tổ chức lấy ý kiến rộng rãi nhân dân đối với những dự án quan trọng (chuẩn bị kỹ, chu đáo đề cương lấy ý kiến, cung cấp thông tin, tổng hợp ý kiến, dự kiến chỉnh lý, thời gian cụ thể của từng giai đoạn).

- Các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội cần bố trí thời gian phù hợp đối với mỗi dự án luật để nghiên cứu và cho ý kiến trước khi Quốc hội họp xem xét thông qua.

- Đồng thời với việc xây dựng dự án luật, phải tổ chức nghiên cứu và xây dựng các văn bản dưới luật đồng bộ để kịp thời trước ngày luật có hiệu lực pháp luật để triển khai thi hành luật.

- Có kế hoạch rà soát các văn bản pháp luật đã ban hành để phát hiện kịp thời những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm văn bản pháp luật thật sự đáp ứng yêu cầu cuộc sống xã hội.

Để bảo đảm cho Ủy ban kinh tế và ngân sách khóa tới thực hiện tốt hơn nhiệm vụ lập pháp, chúng tôi đề nghị nhiệm kỳ Quốc hội khóa tới cần tăng cường thêm đại biểu Quốc hội hoạt động theo chế độ chuyên trách.

II- CÔNG TÁC GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN

Công tác giám sát của Ủy ban tập trung vào việc thực hiện luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực quản lý kinh tế, hoạt động kinh doanh, ngân sách, tài chính và tiền tệ; giám sát hoạt động của Chính phủ, của các Bộ, ngành, địa phương trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Nhiệm vụ này hết sức nặng nề nhưng đã giúp cho Ủy ban trước hết phát hiện và kịp thời có ý kiến trực tiếp với nơi đến giám sát những vấn đề cần khắc phục trong việc thi hành luật cũng như việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và ngân sách nhà nước; đồng thời, nắm được các thông tin cần thiết phục vụ cho việc thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh và các dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trước khi trình Quốc hội; mặt khác, có cơ sở đề xuất, kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ các chủ trương, giải pháp về quản lý kinh tế, hoạt động kinh doanh, ngân sách, tài chính và tiền tệ.

Các luật và pháp lệnh đã được Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua và công bố, Thường trực Ủy ban tổ chức theo dõi, đôn đốc Chính phủ, các ngành hữu quan, ban soạn thảo sớm ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành; đồng thời, Ủy ban cử đại diện cùng với các cơ quan của Chính phủ trong quá trình xây dựng các văn bản bảo đảm các nghị định, thông tư hướng dẫn phù hợp với nội dung các luật và pháp lệnh.

Về công tác giải thích và giám sát thi hành luật, Ủy ban có quan tâm chú ý, nhưng làm chưa được nhiều, kết quả còn hạn chế. Bởi vậy, Thường trực Ủy ban đã kết hợp với các đợt đi giám sát hoặc khảo sát thực tế ở các Bộ, ngành, địa phương và cơ sở để thu thập thông tin, phát hiện các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện luật, pháp lệnh để có tác động kịp thời với các cơ quan chức năng của Chính phủ hoặc làm cơ sở nghiên cứu, có ý kiến đề xuất trong việc bổ sung, sửa đổi các luật, pháp lệnh. Đối với các Luật thuế, Luật doanh nghiệp nhà nước, Luật hợp tác xã, Luật ngân sách nhà nước, Thường trực Ủy ban đã theo dõi sát sao trong quá trình xây dựng và ban hành các văn bản dưới luật. Riêng Luật ngân sách nhà nước, Thường trực Ủy ban đã tổ chức hội nghị với các Trưởng Ban kinh tế và ngân sách của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hướng dẫn việc thẩm tra và xét duyệt dự toán ngân sách địa phương năm 1997 theo Luật ngân sách nhà nước.

Để thực hiện nhiệm vụ giám sát, Ủy ban đã triển khai theo các hình thức thích hợp như giám sát bằng văn bản, tổ chức các đợt giám sát thực tế ở địa phương và đi khảo sát làm việc trực tiếp với các Bộ, ngành ở Trung ương và tiếp xúc với cử tri. Bên cạnh đó, Ủy ban cũng đã tổ chức nhiều hội nghị, các cuộc họp với các Bộ, ngành liên quan để nghe và nắm thông tin từ nhiều phía. Trên cơ sở những thông tin thu thập được từ những đợt giám sát, từ các hội nghị..., qua từng thời gian trong năm, Thường trực chuyên trách của Ủy ban đã có các báo cáo ý kiến của Ủy ban hoặc Thường trực Ủy ban với Ủy ban thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước trong năm. Đồng thời, cũng tạo điều kiện tổng hợp được tình hình, tư liệu cần thiết để chuẩn bị các thuyết trình hoặc báo cáo thẩm tra của Ủy ban tại các kỳ họp Quốc hội.

Do xác định rõ tầm quan trọng của chức năng, nhiệm vụ này, Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa IX và ngay từ đầu nhiệm kỳ đã coi giám sát là một nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban; đồng thời với việc lập ra các nhóm chuyên đề về lĩnh vực kinh tế và ngân sách. Ủy ban đã mời một số các nhà khoa học, các nhà quản lý có kinh nghiệm làm cộng tác viên cho Ủy ban. Bên cạnh đó, Ủy ban đã củng cố và tăng cường thêm đội ngũ cán bộ và chuyên viên có trình độ giúp việc phục vụ Ủy ban thuộc Vụ kinh tế và ngân sách - Văn phòng Quốc hội; đồng thời cũng ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ủy ban thấy cần thiết phải tạo mối quan hệ cộng tác chặt chẽ với các Ban kinh tế và ngân sách của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nhờ có sự kết hợp này, nên đã phát huy được nhiều khả năng, trí tuệ và bố trí hợp lý về cơ cấu, tổ chức hệ thống phục vụ Ủy ban được tốt, trong nhiệm kỳ khóa IX, Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội đã triển khai công tác giám sát có hiệu quả và đã hoàn thành một khối lượng lớn công việc.

Thực hiện công tác giám sát tại địa phương là một nhiệm vụ được Thường trực Ủy ban rất quan tâm, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động Ủy ban. Vì vậy, trong chương trình hoạt động định kỳ hằng tháng, hằng quý và trong năm, Thường trực chuyên trách Ủy ban đã chú trọng phân bổ thời gian để đề ra kế hoạch lập các đoàn công tác về các địa phương để nắm và giám sát tình hình thực hiện nhiệm vụ về kinh tế và ngân sách theo chuyên đề hoặc theo nội dung đã được xác định.

Kết quả từ đầu nhiệm kỳ đến kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa IX, Ủy ban đã tổ chức được 32 đoàn công tác về làm việc tại 53 tỉnh và thành phố trong cả nước, cá biệt có tỉnh đã về làm việc được hai lần và 3 tỉnh mới được chia tách. Tại mỗi địa phương, Đoàn đã làm việc với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội và các cấp, các ngành liên quan ở địa phương; đã đi thăm và làm việc với một số huyện, xã, cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn...

Nội dung cơ bản của các đợt giám sát tại địa phương được tập trung vào việc xem xét tình hình và kết quả thực hiện về kinh tế và ngân sách trên địa bàn theo nghị quyết của Quốc hội; vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông - công nghiệp và thương mại - dịch vụ; vấn đề huy động vốn để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; vấn đề phát triển công nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp, vùng nguyên liệu, tài nguyên khoáng sản tại địa phương; vấn đề đầu tư xây dựng cơ bản ở địa phương; công tác xuất nhập khẩu, hợp tác đầu tư với nước ngoài; việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình 327, 773, định canh, định cư, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm ... Các biện pháp bảo đảm thực hiện kế hoạch thu ngân sách, triệt để tiết kiệm trong chi tiêu; vấn đề xây dựng và quản lý ngân sách xã, v.v. tình hình diễn biến của thị trường - giá cả, việc giao đất, khoán rừng, công tác khuyến nông, khuyến lâm...

Trong các đợt công tác tại các địa phương, Đoàn đã chú trọng ghi nhận các kiến nghị của địa phương với Nhà nước, nhất là những đề nghị cụ thể với các Bộ, ngành Trung ương để xem xét giải quyết và cũng từ đó làm cơ sở cho việc đề xuất những ý kiến của Ủy ban với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ trong việc nghiên cứu, điều chỉnh các chính sách vĩ mô.

Trong các buổi làm việc tại địa phương, Đoàn công tác của Ủy ban đã trực tiếp trao đổi ý kiến về công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế - ngân sách nhà nước ở địa phương góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội chung cả nước, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ và ngân sách nhà nước theo nghị quyết của Quốc hội.

Sau mỗi đợt giám sát tại địa phương, Đoàn công tác đã có báo cáo kết quả gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ (từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX đến nay và có 42 bản báo cáo). Ngoài các báo cáo tổng hợp đó, Đoàn công tác còn có các văn bản dưới dạng công văn gửi Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng ở Trung ương về một số đề nghị cụ thể của địa phương để xem xét, quan tâm giải quyết và thông báo lại cho Ủy ban được biết kết quả cụ thể. Đồng thời với việc cử các đoàn đi giám sát thực tế tại các địa phương, hằng năm Ủy ban cũng đã dành nhiều thời gian làm việc với các Bộ, ngành, các Tổng cục, Tổng công ty... Đối với các Bộ, ngành, Tổng cục quản lý tổng hợp như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ban Vật giá Chính phủ, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Đầu tư phát triển... Thường trực chuyên trách của Ủy ban hằng quý, 6 tháng, cả năm thường tổ chức các cuộc họp Thường trực Ủy ban mở rộng hoặc toàn thể Ủy ban hoặc đến làm việc trực tiếp để nghe và trao đổi các biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội. Đối với các Bộ quản lý chuyên ngành kinh tế như Bộ Công nghiệp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủy sản, Thương mại, Xây dựng, Giao thông vận tải..., hằng năm, Thường trực Ủy ban thường tổ chức làm việc 1-2 lần với từng Bộ về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế ngành gắn với nhiệm vụ thu, chi ngân sách. Ngoài ra, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX đến nay Thường trực Ủy ban cũng đã tổ chức một số đoàn đi làm việc 1-2 lần trực tiếp với các tổng công ty như Tổng công ty Hàng không Việt Nam; Tổng công ty Dầu khí Việt Nam; Tổng công ty Bưu chính viễn thông; Tổng công ty Xi măng Việt Nam; Tổng công ty Xăng dầu; Tổng công ty Rượu bia và nước giải khát; Tổng công ty Cà phê; Tổng công ty Chè; Tổng công ty Mía đường I; Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam; Công ty Sữa Việt Nam; Tổng công ty Cao su; Tổng công ty Vật tư nông nghiệp và các ngân hàng thương mại quốc doanh về tình hình sản xuất - kinh doanh; thực trạng của doanh nghiệp và hướng phát triển, những khó khăn, vướng mắc, ách tắc của các cơ sở cần giải quyết và tháo gỡ.

Qua các đợt giám sát trên, Ủy ban tập trung đi sâu vào việc quy hoạch phát triển ngành gắn với quy hoạch vùng lãnh thổ và địa phương; về cơ cấu cây trồng, vật nuôi; công tác khuyến nông; khuyến lâm, khuyến ngư..., áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; tình hình giao đất, khoán rừng, công tác định canh, định cư, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội miền núi, vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa; về phát triển công nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp, vùng nguyên liệu; tài nguyên khoáng sản của đất nước; về tình hình xuất nhập khẩu và hợp tác đầu tư nước ngoài; tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm;việc huy động vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất - kinh doanh, việc đổi mới thiết bị - công nghệ sản xuất. Đặc biệt đối với các Bộ, ngành tổng hợp, Ủy ban tập trung giám sát về những cân đối lớn của nền kinh tế quốc dân như: cung cầu hàng hóa, tiền - hàng - giá cả, tài chính - tiền tệ, xuất - nhập khẩu, vốn đầu tư phát triển, thu chi ngân sách... Các biện pháp bảo đảm kiềm chế lạm phát, đáp ứng nhu cầu vật tư, nguyên liệu và vốn cho sản xuất, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Ngoài ra, trong những trường hợp cần thiết, Ủy ban còn làm việc trực tiếp hoặc tổ chức họp với Bộ, ngành, tổng công ty có liên quan về các chuyên đề như mía đường, xi măng, cây chè, cà phê...về giá cả thị trường và kiềm chế lạm phát, xuất nhập khẩu và chống buôn lậu; thu chi ngân sách nhà nước; về kết quả thanh toán nợ giai đoạn II; về tổ chức và sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa một bộ phận doanh nghiệp nhà nước; về tiền lương và thu nhập ở các doanh nghiệp nhà nước do Nhà nước định đơn giá tiền lương; Về huy động vốn, cho vay và giảm lãi suất cho vay theo Nghị quyết của Quốc hội... Ủy ban đều có báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội và đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo điều hành kể cả cơ chế chính sách và công tác quản lý để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ và ngân sách nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội.

Trên cơ sở kết quả các đợt giám sát trong năm ở các Bộ, ngành, địa phương và cuộc họp toàn thể Ủy ban trước mỗi kỳ họp của Quốc hội để thẩm tra các dự án do Chính phủ trình về phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, đã tạo điều kiện cho Ủy ban xây dựng các bản thuyết trình của Ủy ban trước Quốc hội về lĩnh vực kinh tế và ngân sách nhà nước, đã góp phần giúp Quốc hội thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Qua đánh giá toàn bộ quá trình thực hiện công tác giám sát trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX của Ủy ban kinh tế và ngân sách thấy rằng với khối lượng công việc lớn và phức tạp, trong khi số thành viên Ủy ban hoạt động theo chế độ chuyên trách quá ít, đa số làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; nhưng với thời gian có hạn, Ủy ban đã cố gắng hoàn thành một khối lượng công việc khá lớn, đáp ứng được cơ bản yêu cầu đề ra của Quốc hội, từng bước nâng cao được chất lượng và hiệu quả giám sát. Tuy nhiên, công tác giám sát của Ủy ban còn nhiều hạn chế cả về diện, chất lượng và hiệu quả giám sát; trong quá trình triển khai thực hiện thấy còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục hoàn thiện cả về phương thức giám sát việc giải quyết của các Bộ, ngành, địa phương đối với các kiến nghị của Ủy ban qua các đợt giám sát; về số đại biểu cần thiết hoạt động theo chế độ chuyên trách; về thời gian thỏa đáng dành cho công tác giám sát cũng như các phương tiện phục vụ Ủy ban trong quá trình giám sát.

III- VỀ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI

Trong nhiệm kỳ của Quốc hội khóa IX, bên cạnh hoạt động lập pháp và giám sát, công tác đối ngoại của Ủy ban kinh tế và ngân sách cũng được quan tâm đúng mức. Mục tiêu, yêu cầu của hoạt động đối ngoại được xác định là nhằm tăng cường quan hệ giữa Ủy ban kinh tế và ngân sách với các Ủy ban tương ứng của Quốc hội các nước, qua đó trao đổi kinh nghiệm trong công tác lập pháp và hoạt động giám sát để rút ra những bài học phục vụ cho việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Ủy ban, đồng thời, góp phần vào việc tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam với các nước.

Ngoài hoạt động thường xuyên của Ủy ban đối ngoại của Quốc hội, công tác đối ngoại của Ủy ban kinh tế và ngân sách cũng như của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội là một hoạt động mới mẻ, mới được mở ra trong một số năm gần đây và được quan tâm chú ý nhiều hơn trong nhiệm kỳ của Quốc hội khóa IX này. Trong 5 năm qua, hoạt động của Ủy ban kinh tế và ngân sách trong lĩnh vực đối ngoại tập trung chủ yếu vào việc đón tiếp và làm việc với các đoàn đại biểu Quốc hội các nước; tổ chức các đoàn của Ủy ban đi thăm và làm việc ở nước ngoài; tiếp và làm việc với các chuyên gia nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các nhà ngoại giao của đại sứ quán các nước tại Hà Nội.

Ủy ban kinh tế và ngân sách là một trong những Ủy ban đã đón tiếp nhiều đoàn nghị sĩ Quốc hội các nước. Tổng số đã có 22 Đoàn nghị sĩ của Nghị viện các nước đã được Ủy ban đón tiếp và làm việc, trong đó có 6 đoàn của Cộng hòa Liên bang Đức; các nước Pháp, Thái Lan, Lào mỗi nước 2 đoàn; các đoàn khác là Trung Quốc, Mỹ, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan, Hà Lan, Inđônêxia, Mông Cổ, Hàn Quốc, Nghị viện châu Âu. Các đoàn nghị sĩ của các nước vào Việt Nam chủ yếu là muốn tìm hiểu về đường lối, chính sách đổi mới của Nhà nước ta, về cơ cấu tổ chức và hoạt động của Quốc hội nói chung và của Ủy ban kinh tế và ngân sách nói riêng. Trong các buổi hội đàm, làm việc và tiếp xúc với các đoàn, ngoài việc trao đổi kinh nghiệm hoạt động và hướng tăng cường quan hệ giữa các Ủy ban tương ứng của Quốc hội hai nước, đồng thời cũng tranh thủ tìm hiểu nhiều vấn đề chuyên sâu thuộc các lĩnh vực quản lý kinh tế, tài chính, tiền tệ, ngân hàng, thuế, ngân sách, chính sách đầu tư ...

Cùng với hoạt động đón tiếp và làm việc với các đoàn nói trên, trong trường hợp có yêu cầu. Thường trực Ủy ban còn trực tiếp cử ủy viên Ủy ban tham gia các buổi hội đàm, tiếp khách, làm việc của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội hoặc các Ủy ban khác của Quốc hội với các đoàn khách quốc tế.

Về việc tổ chức các đoàn ra, căn cứ vào chương trình hoạt động đối ngoại hằng năm, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX đến nay, Ủy ban kinh tế và ngân sách đã tổ chức được các đoàn của Ủy ban đi thăm và làm việc tại Malaixia, Trung Quốc, Phần Lan, Thụy Điển, Cộng hòa Liên bang Đức và Lào. Đã có 25 trong tổng số 34 đồng chí thành viên Ủy ban tham gia các đoàn công tác nói trên. Mục đích của mỗi chuyến thăm và làm việc ở các nước đều được xác định cụ thể. Ngoài việc nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm quản lý kinh tế vĩ mô, về cơ cấu tổ chức và trao đổi kinh nghiệm hoạt động của các Ủy ban tương ứng của Quốc hội, mỗi đợt công tác đều đặt ra những chuyên đề nghiên cứu, tìm hiểu nhằm phục vụ cho việc thực hiện tốt các yêu cầu và nhiệm vụ cụ thể của Ủy ban về lập pháp và giám sát trong từng giai đoạn. Ví dụ, chuyến đi thăm Malaixia được tập trung vào tìm hiểu kinh nghiệm quản lý giá cả thị trường và chính sách trợ giá của Nhà nước trong việc tiêu thụ sản phẩm của người dân; chuyến thăm Trung Quốc chủ yếu để tìm hiểu kinh nghiệm về thực hiện cải cách và mở cửa, quản lý doanh nghiệp nhà nước, quản lý ngân sách và các khu chế xuất; chuyến thăm Phần Lan đi sâu nghiên cứu về tổ chức và hoạt động của thị trường chứng khoán và công tác kiểm toán; chuyến đi Thụy Điển tập trung vào các vấn đề chung quanh chính sách thuế, quản lý tài chính và quản lý doanh nghiệp; chuyến đi thăm Cộng hòa Liên bang Đức tìm hiểu về chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng và kiểm toán. Kết quả của mỗi chuyến đi thăm và làm việc của Ủy ban tại các nước đều có báo cáo gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội, các thành viên Ủy ban và các cơ quan hữu quan có liên quan. Nhiều vấn đề nêu trong báo cáo được các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan khác đánh giá cao. Do có sự chuẩn bị và xác định trước cho nên những vấn đề mà Ủy ban đã nghiên cứu, tìm hiểu được qua các chuyến công tác đã phục vụ thiết thực vào việc thực hiện các nhiệm vụ của Ủy ban, góp phần vào việc cải tiến lề lối làm việc và nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Ủy ban trong công tác lập pháp và giám sát.

Bên cạnh việc tổ chức các đoàn ra, theo yêu cầu cụ thể, Thường trực Ủy ban còn cử đồng chí Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban tham gia các Đoàn của Chủ tịch Quốc hội đi thăm Ấn Độ, Lào, Philíppin, một số thành viên Ủy ban được tham gia các Đoàn của Quốc hội đi nghiên cứu, tìm hiểu ở Xingapo, Mỹ, Cộng hòa liên bang Đức.

Thường trực Ủy ban đã tiếp và làm việc với rất nhiều đoàn chuyên gia của các nước, các tổ chức quốc tế, cán bộ ngoại giao của các đại sứ quán các nước tại Hà Nội. Qua các buổi tiếp xúc và làm việc này, Thường trực Ủy ban đã tranh thủ được sự đồng tình về việc tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác đối với Việt Nam, sự giúp đỡ về nhiều mặt đối với các ngành của Việt Nam; đã tranh thủ được hỗ trợ về tài chính cho các chuyến đi thăm và làm việc tại Thụy Điển, Phần Lan; đã góp phần đặt cầu nối cho quan hệ hợp tác giữa Viện cộng hòa quốc tế của Nghị viện Mỹ với Văn phòng Quốc hội Việt Nam và trên cơ sở đó đã tổ chức được ba cuộc hội thảo về các vấn đề hoạt động ngân hàng, chính sách thuế, quy trình lập ngân sách theo định hướng hiệu quả, kiểm toán và các vấn đề xung quanh Luật thương mại (nhận được nhiều tài liệu, sách báo về các vấn đề thuế, tài chính, ngân sách, tiền tệ, hoạt động ngân hàng, v.v..).

Nhìn chung, hoạt động đối ngoại của Ủy ban kinh tế và ngân sách trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX đã có bước chuyển biến tích cực và đem lại kết quả nhất định. Những vấn đề nghiên cứu, tìm hiểu được thông qua hoạt động đối ngoại đã đáp ứng thiết thực cho hoạt động của Ủy ban trong từng lĩnh vực cụ thể. Mặt khác, qua hoạt động đối ngoại, từng thành viên của Ủy ban nói riêng cũng như toàn thể Ủy ban nói chung đã tiếp nhận được những kinh nghiệm cần thiết để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của mình.

Tuy vậy, đây là hoạt động mới mẻ và được quan tâm nhiều hơn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX, do vậy, những kết quả đạt được chưa thật sự như mong muốn. Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, hoạt động đối ngoại trong nhiều trường hợp còn rất bị động, việc thực hiện kế hoạch đoàn ra hằng năm chưa thực hiện được đúng như chương trình hoạt động đối ngoại đã đề ra.

Từ thực tế hoạt động đối ngoại của Ủy ban kinh tế và ngân sách trong nhiệm kỳ, đề nghị Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội cần có sự chỉ đạo sát sao hơn nữa trong việc điều hòa, phối hợp giữa Ủy ban đối ngoại với Hội đồng dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội để thực hiện tốt chương trình hoạt động đối ngoại hằng năm. Ủy ban đối ngoại cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc giúp Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo điều phối hợp và phân công trách nhiệm rõ ràng về hoạt động đối ngoại để tạo điều kiện cho Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội có thể chủ động hơn trong hoạt động đối ngoại của mình.

IV- CÁC CÔNG TÁC KHÁC

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX, Ủy ban đã tìm các phương thức hoạt động thích hợp nhằm từng bước cố gắng nâng cao dần chất lượng và hiệu quả hoạt động của Ủy ban.

Do đặc điểm cơ cấu thành viên của Ủy ban phần lớn hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm nên cùng với việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội, các thành viên Ủy ban căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban, chương trình hoạt động của Ủy ban hằng tháng, 6 tháng và cả năm kết hợp với việc thường xuyên theo dõi, tìm hiểu, nghiên cứu trực tiếp tình hình tại địa phương, cơ sở mình công tác để đóng góp thường xuyên, kịp thời những vấn đề thiết thực vào công việc chung của Ủy ban. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau đối với từng thành viên, nên việc gửi báo cáo cho thường trực Ủy ban chưa được thường xuyên, đầy đủ.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX đến nay, Ủy ban đã tổ chức được bốn cuộc họp với các Ban kinh tế và ngân sách của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (ở thành phố Huế, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) nhằm từng bước tăng cường mối quan hệ công tác chặt chẽ giữa Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội với các Ban kinh tế và ngân sách của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bằng nhiều hình thức thích hợp như trao đổi kinh nghiệm hoạt động trên các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan dân cử; cung cấp thông tin thường xuyên về lĩnh vực kinh tế và ngân sách; phối hợp trong công tác giám sát tại địa phương về lĩnh vực kinh tế và ngân sách; hướng dẫn công tác giám sát và thẩm tra cũng như việc giúp Hội đồng nhân dân thảo luận và quyết định dự toán và phân bổ ngân sách địa phương ...; tham gia góp ý kiến về các dự thảo luật trước khi trình ra Quốc hội ...

Qua thực tế cho thấy, nếu làm tốt mối quan hệ phối hợp này sẽ góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Ủy ban; đồng thời giúp các địa phương đi sâu vào hoạt động của mình trong việc đề xuất những chủ trương, giải pháp và giúp Hội đồng nhân dân quyết định những vấn đề thuộc các lĩnh vực có tầm quan trọng đặc biệt đối với địa phương, góp phần đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX, Ủy ban đã tổ chức một đội ngũ cộng tác viên bao gồm các đồng chí có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế và ngân sách nhằm phát huy khả năng và trí tuệ của các nhà khoa học, các chuyên gia đóng góp vào công việc chung của Ủy ban bằng các hình thức thích hợp mà chủ yếu là tự nghiên cứu, theo dõi nắm tình hình kết hợp với thực tế ở địa phương hoặc nơi mình công tác để đề xuất các ý kiến về lĩnh vực kinh tế và ngân sách hoặc theo chuyên đề theo yêu cầu của Ủy ban. Thường trực Ủy ban cố gắng thường xuyên cung cấp cho các cộng tác viên những thông tin, tư liệu cần thiết, các dự thảo luật, pháp lệnh để nghiên cứu đóng góp ý kiến. Hằng năm, Thường trực Ủy ban tổ chức họp với các cộng tác viên để trao đổi chương trình công tác và lắng nghe các ý kiến đóng góp. Nhìn chung, các đồng chí cộng tác viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, tích cực tham gia các hoạt động của Ủy ban, có các đề xuất ý kiến về lĩnh vực kinh tế và ngân sách, đã làm sáng tỏ hơn một số vấn đề mà Ủy ban quan tâm. Tuy nhiên, việc đóng góp ý kiến của cộng tác viên vào công việc chung của Ủy ban còn hạn chế, bởi vì, các đồng chí đã nghỉ hưu do điều kiện sức khỏe và thiếu thông tin, còn các đồng chí đang công tác thì quá bận công việc cơ quan, sắp xếp dành thời gian tham gia khó khăn. Vì vậy, qua thực tế thấy rằng, tổ chức được đội ngũ cộng tác viên của Ủy ban là cần thiết nhưng cần cải tiến phương thức hoạt động chủ yếu là theo chuyên đề theo yêu cầu của Ủy ban để tập trung nghiên cứu tham gia ý kiến bảo đảm chất lượng và hiệu quả hơn, mặt khác cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cộng tác viên.

Ủy ban thường xuyên nhận được một số thư của các tổ chức và công dân trong việc góp ý kiến về cơ chế chính sách, nhất là chính sách thuế của Nhà nước; về nguyện vọng của các cơ sở và công dân đóng góp với Quốc hội về chính sách kinh tế - xã hội. Ủy ban đã phối hợp với Văn phòng Quốc hội, các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu và trả lời cho các tổ chức, công dân biết.

Thường trực Ủy ban thường xuyên cố gắng tập hợp cung cấp thông tin, tư liệu cần thiết cho các thành viên Ủy ban, cộng tác viên của Ủy ban và các Ban kinh tế và ngân sách của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Việc làm này đã đi vào nền nếp, các tài liệu tham khảo không chỉ tư liệu trong nước mà còn dịch các tài liệu nước ngoài để gửi tham khảo. Đặc biệt, số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội hằng tháng, quý, năm cũng được gửi tới các thành viên đều đặn.

Trên đây là báo cáo công tác nhiệm kỳ của Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội khóa IX (1992-1997); kính gửi tới các vị đại biểu Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

TM. ỦY BAN KINH TẾ VÀ NGÂN SÁCH CỦA QUỐC HỘI

Chủ nhiệm

LÝ TÀI LUẬN


 

* Báo cáo này được gửi tới các vị đại biểu Quốc hội (BT).

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội