I- BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHOÁ VIII, QUỐC HỘI BẦU
CÁC CƠ QUAN VÀ CHỨC DANH LÃNH ĐẠO BỘ MÁY NHÀ NƯỚC
Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (12-1986) đã đánh dấu bước ngoặt trong sự lãnh đạo của Đảng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội - Đại hội mở đầu thời kỳ đổi mới. Đại hội đã khẳng định những thành tựu, đồng thời chỉ ra những hạn chế trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội những năm (1975-1985). Trên cơ sở phân tích những ưu, khuyết điểm, đại hội đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện. Những quan điểm và chủ trương đổi mới do đại hội quyết định đã chỉ rõ con đường đưa nước ta từng bước vượt ra khỏi khó khăn, dần dần ổn định tình hình kinh tế - xã hội.
Để lập lại trật tự, kỷ cương trong xã hội, ngay sau đại hội, Đảng và Nhà nước đã tập trung sự chú ý vào công tác sắp xếp lại bộ máy và cán bộ lãnh đạo ở các cơ quan Trung ương và địa phương, nhằm nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước. Điều có ý nghĩa nhất để nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, trước hết là của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước và hội đồng nhân dân các cấp là thực hiện rộng rãi và đầy đủ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đây là điểm mấu chốt trong đổi mới tư duy chính trị cũng như tư duy kinh tế ở nước ta.
Theo tinh thần của Đại hội VI của Đảng, cần thực hiện một cuộc cải cách lớn về tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước theo hướng xây dựng một cơ chế quản lý nhà nước thể hiện quyền làm chủ của nhân dân lao động ở tất cả các cấp. Nắm vững quan điểm và chủ trương của Đảng, các ngành, các địa phương đã tích cực đề ra những quyết định và triển khai thực hiện những vấn đề cấp bách thuộc phạm vi mình phụ trách.
Trên tinh thần đổi mới toàn diện được đặt ra từ Đại hội VI, Quốc hội và Hội đồng Nhà nước cũng đặt ra nhiệm vụ đổi mới công tác của mình một cách sâu sắc, nhằm hoàn thành thắng lợi trọng trách vẻ vang mà toàn dân giao phó. Trước mắt, trong giai đoạn bước ngoặt mới của đất nước, để Quốc hội và Hội đồng Nhà nước thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, điều quan trọng bậc nhất là phải xây dựng và thực hiện quyền làm chủ bằng nhà nước của nhân dân lao động, trước hết phải thực hiện thành công việc chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VIII để lựa chọn được những đại biểu xứng đáng tham gia vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Đó là yêu cầu và cũng là đòi hỏi bức thiết, là công việc đầu tiên để đổi mới hoạt động của Quốc hội.
1. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VIII ngày 19-4-1987
Trên cơ sở thấm nhuần tư tưởng “lấy dân làm gốc”, thực hiện đúng đắn phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và kịp thời thể chế hoá Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, nhằm từng bước đổi mới cơ chế quản lý nhà nước theo hướng xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Theo quyết định của Quốc hội, tháng 4-1987 sẽ tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khoá VIII.
Xác định đây là một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn trong toàn dân, nên cần được lãnh đạo tốt. Ngày 20-1-1987, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 03-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VIII. Chỉ thị nêu rõ: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VIII phải thể hiện sâu sắc tinh thần đổi mới của Đại hội lần thứ VI của Đảng, đổi mới về nhận thức và cách làm. Việc bầu cử phải đạt yêu cầu bầu được một Quốc hội thật sự có năng lực bảo đảm thực hiện được hai chức năng chủ yếu là lập pháp và giám sát, góp phần tích cực vào việc tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước, bảo đảm quyền làm chủ bằng nhà nước của nhân dân lao động. Những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội phải bảo đảm tiêu chuẩn và thật sự có phẩm chất và năng lực để thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội.
Theo Nghị quyết số 779/HĐNN7, ngày 6-2-1987 của Hội đồng Nhà nước, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VIII được tổ chức vào ngày chủ nhật 19-4-1987. Để bảo đảm cho cuộc bầu cử thật sự dân chủ, đúng pháp luật và đạt kết quả tốt, công tác tuyên truyền, cổ động về bầu cử được triển khai rộng khắp trong cả nước. Các văn kiện của Đảng, Nhà nước về bầu cử được giới thiệu và tổ chức nghiên cứu học tập rộng rãi trong nhân dân.
Theo sự hướng dẫn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các địa phương trong cả nước đã bước đầu có sự đổi mới về nhận thức và cách làm trong việc giới thiệu những người ra ứng cử. Việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi công tác và nơi cư trú của những người được giới thiệu ra ứng cử công khai, minh bạch. Các cuộc tiếp xúc giữa cử tri và ứng cử viên được tổ chức chu đáo, tạo được không khí tin tưởng trong nhân dân. Sự đổi mới bước đầu về nhận thức và cách làm trong cuộc bầu cử đã cổ vũ quần chúng nhân dân phát huy tinh thần làm chủ trong việc tham gia củng cố, kiện toàn chính quyền các cấp và hăng hái thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sau 3 tháng chuẩn bị, tại 40 tỉnh, thành phố và đặc khu đã hoàn thành mọi công việc cần thiết bảo đảm cho cuộc bầu cử thắng lợi. Cả nước có 167 đơn vị bầu cử và giới thiệu được 828 người đủ tiêu chuẩn ra ứng cử. So với nhiệm kỳ khoá VII, số đại biểu được bầu không thay đổi, nhưng số người được giới thiệu ra ứng cử nhiều hơn 214 người. Việc giới thiệu những người ra ứng cử được thực hiện một cách dân chủ từ cơ sở, theo đúng tinh thần của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội. Việc lập, niêm yết danh sách cử tri và công bố những người được giới thiệu ra ứng cử đảm bảo đúng thời gian theo luật định.
Ngày 19-4-1987, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VIII diễn ra trên phạm vi toàn quốc. Cử tri cả nước tích cực tham gia bầu cử, lựa chọn những đại biểu ưu tú để bầu vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Các khu vực bầu cử được tổ chức trang nghiêm. Trong ngày bầu cử, tại các tổ bầu cử, việc soát thẻ cử tri, phát phiếu bầu, hướng dẫn cho cử tri bỏ phiếu được thực hiện chu đáo, bảo đảm nguyên tắc bầu cử: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Việc kiểm phiếu ở các tổ bầu cử và việc lập biên bản kết quả bầu cử được tiến hành nhanh, gọn, bảo đảm an toàn, dân chủ và đúng pháp luật.
Ở tất cả các đơn vị bầu cử, số cử tri đi bầu đều đạt tỷ lệ cao. Cả nước đạt 98,75% cử tri đi bầu. Nơi cử tri đi bầu đạt tỷ lệ cao là Quảng Nam - Đà Nẵng đạt 99,62%; thành phố Hà Nội đạt 99,32%; thành phố Hồ Chí Minh đạt 99,43%. Nơi đạt tỷ lệ cử tri đi bầu thấp nhất là Lạng Sơn 95,63%.
Trong tổng số 828 ứng cử viên tại 167 đơn vị bầu cử, có 485 ứng cử viên trúng cử đại biểu Quốc hội. Có 11 đơn vị phải bầu thêm (vì thiếu mỗi đơn vị 1 đại biểu) nên đã tổ chức bầu cử tiếp theo vào ngày 3-5-1987. Cuộc bầu cử bổ sung được tổ chức nghiêm túc và đã bầu đủ 11 đại biểu còn thiếu.
Từ ngày 22 đến ngày 30-4-1987, Hội đồng bầu cử Trung ương đã công bố kết quả bầu cử ngày 19-4-1987,
và ngày 11-5-1987 đã công bố kết quả bầu cử thêm ngày 3-5-1987. Tổng hợp kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá VIII như sau:
Tỷ lệ tổng số cử tri đi bầu so với tổng số cử tri ghi trong danh sách: 98,75%.
Tỷ lệ tổng số phiếu hợp lệ so với tổng số cử tri đã đi bầu: 97,55%.
-Tổng số đại biểu trúng cử: 496.
Số đại biểu ở các tỉnh, thành phố như sau: thành phố Hà Nội: 31 đại biểu; thành phố Hồ Chí Minh: 35 đại biểu; thành phố Hải Phòng: 13 đại biểu; tỉnh Hà Tuyên: 7 đại biểu; tỉnh Cao Bằng: 5 đại biểu; tỉnh Lạng Sơn: 5 đại biểu; tỉnh Lai Châu: 4 đại biểu; tỉnh Hoàng Liên Sơn: 7 đại biểu; tỉnh Bắc Thái: 8 đại biểu; tỉnh Sơn La: 4 đại biểu; tỉnh Vĩnh Phú: 13 đại biểu; tỉnh Hà Bắc: 15 đại biểu; tỉnh Quảng Ninh: 8 đại biểu; tỉnh Hà Sơn Bình: 15 đại biểu; tỉnh Hải Hưng: 20 đại biểu; tỉnh Thái Bình: 15 đại biểu; tỉnh Hà Nam Ninh: 26 đại biểu; tỉnh Thanh Hóa: 22 đại biểu; tỉnh Nghệ Tĩnh: 27 đại biểu; tỉnh Bình Trị Thiên: 19 đại biểu; tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng: 15 đại biểu; tỉnh Nghĩa Bình: 18 đại biểu; tỉnh Phú Khánh: 11 đại biểu; tỉnh Thuận Hải: 9 đại biểu; tỉnh Gia Lai - Kon Tum: 6 đại biểu; tỉnh Đắk Lắk: 5 đại biểu; tỉnh Lâm Đồng: 4 đại biểu; tỉnh Sông Bé: 6 đại biểu; tỉnh Tây Ninh: 6 đại biểu; tỉnh Đồng Nai: 12 đại biểu; tỉnh Long An: 8 đại biểu; tỉnh Đồng Tháp: 10 đại biểu; tỉnh An Giang: 14 đại biểu; tỉnh Tiền Giang: 11 đại biểu; tỉnh Bến Tre: 9 đại biểu; tỉnh Cửu Long: 13 đại biểu; tỉnh Hậu Giang: 19 đại biểu;
tỉnh Kiên Giang: 8 đại biểu; tỉnh Minh Hải: 10 đại biểu; đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo: 2 đại biểu.
Trong tổng số 496 đại biểu trúng cử: công nhân 20%; nông dân tập thể 21%; quân nhân cách mạng 9,9%; trí thức xã hội chủ nghĩa 24,9%; cán bộ chính trị 20,2%; dân tộc thiểu số 14%; đại biểu là nữ 18%; đại biểu trẻ tuổi 11,2%; đảng viên 93%.
Thành phần của các đại biểu được bầu vào Quốc hội khóa VIII đã phản ánh được khối đại đoàn kết toàn dân trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, dựa trên cơ sở liên minh công nông vững chắc. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VIII đã thành công tốt đẹp. Với tinh thần dân chủ, nhân dân cả nước đã sáng suốt lựa chọn những đại biểu ưu tú, có phẩm chất, năng lực và khả năng thực hiện tốt nhiệm vụ mà nhân dân giao phó.
Thắng lợi của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VIII đã khẳng định: “Nhân dân ta mặc dầu đang có nhiều khó khăn về kinh tế và đời sống, nhưng với truyền thống yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội, với sự giác ngộ về nghĩa vụ và quyền làm chủ của công dân, đã biểu thị lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tích cực tham gia việc lựa chọn đại biểu xứng đáng của mình để bầu vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, góp phần tăng cường và củng cố Nhà nước chuyên chính vô sản”[1].
2. Quốc hội khóa VIII bầu các cơ quan và các chức danh lãnh đạo bộ máy nhà nước
Từ ngày 17 đến 22-6-1987, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII đã diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã tập trung thảo luận về nhân sự và tiến hành bầu các vị đứng đầu các cơ quan lãnh đạo nhà nước, bầu Hội đồng Dân tộc và các ủy ban thường trực của Quốc hội, thể hiện tính kế thừa để thực hiện tinh thần đổi mới của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng.
Với tính chất đặc biệt quan trọng của kỳ họp thứ nhất, trong lời phát biểu tại phiên khai mạc, đánh giá về thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá VIII, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh đã khẳng định: Nhân dân ta giàu lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã tích cực tham gia việc lựa chọn những đại biểu ưu tú để bầu vào Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Với tinh thần đổi mới của Đại hội Đảng lần thứ VI, với ý thức trách nhiệm là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, Chủ tịch đề nghị “các vị đại biểu Quốc hội hãy đem hết tâm trí và sức lực phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, xứng đáng là “người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhủ, trước mắt là góp phần tích cực làm cho kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá VIII thành công tốt đẹp”[2] .
Trong diễn văn mở đầu kỳ họp, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh cũng khẳng định: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VIII diễn ra theo tinh thần đổi mới của Đại hội Đảng lần thứ VI, cởi mở và dân chủ hơn so với các lần bầu cử trước, 496 vị đại biểu Quốc hội khoá VIII là những người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, có vinh dự to lớn và trách nhiệm nặng nề quyết định những vấn đề trọng đại có liên quan đến công cuộc đổi mới và vận mệnh của đất nước.
Tổng Bí thư đã khẳng định giá trị của chân lý “lấy dân làm gốc” có ý nghĩa đặc biệt trong điều kiện lịch sử mới khi nhân dân ta đã có chính quyền thống nhất, quản lý cả nước tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Để phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, Tổng Bí thư cho rằng: “Hơn ai hết, các đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp -những người do nhân dân trực tiếp bầu ra, phải nói lên tiếng nói của họ một cách trung thực và thẳng thắn, dũng cảm bảo vệ lợi ích chính đáng của họ”[3] .
Tổng Bí thư yêu cầu phải nâng cao vai trò của Quốc hội với tư cách là cơ quan lập pháp và giám sát việc thi hành pháp luật. Theo Tổng Bí thư, nhiệm vụ của Nhà nước là thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng thành pháp luật và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách, quy định trên cơ sở chức năng quản lý nhà nước về kinh tế -xã hội mà Hiến pháp đã quy định. Do vậy, “Quốc hội có vị trí đặc biệt, là cơ quan lập pháp và giám sát trên cơ sở đường lối chủ trương của Đảng và thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân”[4] . Đảng lãnh đạo, nhân dân lao động làm chủ, Nhà nước quản lý chỉ có thể được thực hiện thông qua pháp luật và bảo đảm bằng pháp luật.
Để Quốc hội làm đúng chức năng của mình như luật định, trong giai đoạn bước ngoặt của đất nước, Tổng Bí thư đặt ra cho Quốc hội “phải đổi mới cách nghĩ, cách làm một cách sâu sắc và toàn diện trên mọi lĩnh vực hoạt động”, trong đó điều có ý nghĩa nhất cũng là điểm mấu chốt trong đổi mới tư duy chính trị cũng như tư duy kinh tế là phải “thực hiện rộng rãi và đầy đủ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa”, nhằm từng bước ổn định tình hình kinh tế -xã hội, giữ vững quốc phòng và an ninh, đưa cách mạng nước ta vượt qua những khó khăn, thử thách trước mắt.
Quốc hội khoá VIII có trách nhiệm to lớn góp phần thực hiện sự đổi mới sâu sắc và toàn diện trên mọi lĩnh vực hoạt động, tổ chức và động viên nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu và nhiệm vụ mà Đại hội lần thứ VI của Đảng đã đề ra.
Tổng Bí thư mong muốn Quốc hội đẩy nhanh tiến độ làm luật với tinh thần đổi mới tư duy pháp lý; đồng thời chú trọng nghiên cứu kỹ lưỡng các thông tin, các vấn đề quan trọng và thảo luận dân chủ trước khi thông qua các kế hoạch, chính sách lớn do Hội đồng Bộ trưởng đệ trình. Quốc hội cần thực thi đầy đủ vai trò giám sát của mình đối với Hội đồng Bộ trưởng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc thực thi pháp luật theo đúng chức năng, quyền hạn của Quốc hội.
Theo quy định tại Nội quy về kỳ họp Quốc hội, ngày 17-6-1987, Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội khoá VIII đã tiến hành việc thẩm tra tư cách của các đại biểu Quốc hội trúng cử trong cuộc bầu cử ngày 19-4-1987 và cuộc bầu thêm ngày 3-5-1987.
Trên cơ sở nghiên cứu biên bản bầu cử và hồ sơ, tài liệu có liên quan đến cuộc bầu cử, Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội khoá VIII đã kiến nghị với Quốc hội về việc tuyên bố kết quả bầu cử của ông Hàn Trường Vũ tại đơn vị số 6 thuộc thành phố Hồ Chí Minh là không có giá trị. Đồng thời đề nghị công nhận ông Hà Tăng là đại biểu Quốc hội [5].
Căn cứ Điều 88 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Điều 7 của Luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, Điều 52 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, sau khi nghe báo cáo của Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết xác nhận tư cách đại biểu của 495 đại biểu trong tổng số 496 đại biểu Quốc hội khóa VIII đã công bố trúng cử trong cuộc bầu cử ngày 19-4-1987 và trong cuộc bầu thêm ngày 3-5-1987. Tuyên bố việc bầu cử ông Hàn Trường Vũ tại đơn vị bầu cử số 6 thuộc thành phố Hồ Chí Minh là không có giá trị và không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội của ông Hàn Trường Vũ. Xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội của ông Hà Tăng được bầu tại đơn vị bầu cử số 6 thuộc thành phố Hồ Chí Minh.
Tiếp đó, Quốc hội tiến hành bầu các vị lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, phê chuẩn tổ chức bộ máy và các thành viên Hội đồng Bộ trưởng:
Chủ tịch và Phó Chủ tịch hội đồng nhà nước
Chủ tịch: Võ Chí Công
Phó Chủ tịch:
Nguyễn Hữu Thọ
Huỳnh Tấn Phát
Lê Quang Đạo
Nguyễn Quyết
Đàm Quang Trung
Nguyễn Thị Định
Tổng Thư ký: Nguyễn Việt Dũng
Chủ tịch và Phó Chủ tịch Quốc hội
Chủ tịch: Lê Quang Đạo
Phó Chủ tịch: Trần Độ
Hoàng Trường Minh
Huỳnh Cương
Phùng Văn Tửu
Nguyễn Thị Ngọc Phượng
Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp: Võ Chí Công
Chủ tịch và Phó Chủ tịch hội đồng bộ trưởng
Chủ tịch: Phạm Hùng [6]
Phó Chủ tịch: Võ Văn Kiệt
Nguyễn Cơ Thạch
Đồng Sỹ Nguyên
Võ Nguyên Giáp
Nguyễn Khánh
Trần Đức Lương
Nguyễn Ngọc Trìu
Nguyễn Văn Chính (tức Chín Cần)
Đoàn Duy Thành
Tổng Thư ký: Nguyễn Khánh
Theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Quốc hội phê chuẩn các thành viên của Hội đồng Bộ trưởng gồm 32 bộ trưởng các bộ, chủ nhiệm các ủy ban Nhà nước và thủ trưởng các cơ quan ngang bộ.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Lê Đức Anh
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: Nguyễn Cơ Thạch
Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Mai Chí Thọ
Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước: Võ Văn Kiệt
Bộ trưởng, Phó Chủ nhiệm thứ nhất Ủy ban kế hoạch nhà nước: Đậu Ngọc Xuân
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đối ngoại: Võ Đông Giang
Chủ nhiệm Ủy ban Hợp tác kinh tế, văn hóa với Lào và Campuchia: Đặng Thí
Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng cơ bản nhà nước: Đỗ Quốc Sam
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước: Đặng Hữu
Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra nhà nước: Nguyễn Văn Chính (Chín Cần)
Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá nhà nước: Phan Văn Tiệm
Bộ trưởng Bộ Tài chính: Hoàng Quy
Tổng Giám đốc Ngân hàng nhà nước: Lữ Minh Châu
Bộ trưởng Bộ Vật tư: Hoàng Đức Nghị
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Nguyễn Kỳ Cẩm
Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Phan Ngọc Tường
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: Bùi Danh Lưu
Bộ trưởng Bộ Cơ khí và Luyện kim: Phan Thanh Liêm
Bộ trưởng Bộ Năng lượng: Vũ Ngọc Hải
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ: Vũ Tuân
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm: Nguyễn Công Tạn
Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp: Phan Xuân Đợt
Bộ trưởng Bộ Thủy lợi: Nguyễn Cảnh Dinh
Bộ trưởng Bộ Thủy sản: Nguyễn Tấn Trịnh
Bộ trưởng Bộ Nội thương: Hoàng Minh Thắng
Bộ trưởng Bộ Ngoại thương: Đoàn Duy Thành
Bộ trưởng Bộ Văn hoá: Trần Văn Phác
Bộ trưởng Bộ Thông tin: Trần Hoàn
Bộ trưởng Bộ Y tế: Đặng Hồi Xuân
Bộ trưởng Bộ Giáo dục: Phạm Minh Hạc
Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp: Trần Hồng Quân
Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Phan Hiền
Hội đồng Quốc phòng
Chủ tịch: Võ Chí Công
Phó Chủ tịch: Phạm Hùng
Ủy viên: Lê Đức Anh
Nguyễn Cơ Thạch
Mai Chí Thọ
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao: Phạm Hưng
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Trần Quyết
Quốc hội phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên của Hội đồng Dân tộc; Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm và ủy viên các ủy ban của Quốc hội.
1. Hội đồng Dân tộc
Chủ tịch: Đàm Quang Trung
Phó Chủ tịch: Lường An Nguyễn Nhiêu Cốc Ksor Krơn Giàng A Páo Lâm Phú
2. Ủy ban Pháp luật
Chủ nhiệm: Ngô Bá Thành
Phó Chủ nhiệm: Nguyễn Văn Đức Đào Xuân Miễn
3. Ủy ban Kinh tế, Kế hoạch và Ngân sách
Chủ nhiệm: Vũ Oanh
Phó Chủ nhiệm: Dương Xuân An
Tạ Cả
Lê Văn Toàn
4. Ủy ban Văn hoá và Giáo dục
Chủ nhiệm: Trần Độ
Phó Chủ nhiệm: Cù Huy Cận
Nguyễn Huy Du
Lý Chánh Trung
5. Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật
Chủ nhiệm: Nguyễn Đình Tứ
Phó Chủ nhiệm: Vũ Đình Cự
Vũ Tuyên Hoàng
Võ Tòng Xuân
6. Ủy ban Y tế và Xã hội
Chủ nhiệm: Nguyễn Thị Thân
Phó Chủ nhiệm: Trần Thị Tâm Đan
7. Ủy ban Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng
Chủ nhiệm: Vũ Mão
Phó Chủ nhiệm: Phạm Lợi
Ca Lê Thuần
8. Ủy ban Đối ngoại
Chủ nhiệm: Nguyễn Thị Bình
Phó Chủ nhiệm: Phan Quang
Nguyễn Ngọc Hà
Bộ máy nhà nước mới do Quốc hội khoá VIII bầu ra đảm nhận trọng trách điều hành đất nước, tổ chức và động viên nhân dân với tinh thần đoàn kết và đổi mới, ra sức lao động, sản xuất và thực hành tiết kiệm, dũng cảm phấn đấu trên mọi lĩnh vực hoạt động, tạo ra động lực mạnh mẽ để đưa đất nước vượt qua những khó khăn trước mắt, dần dần ổn định tình hình kinh tế -xã hội.
Cũng tại kỳ họp thứ nhất, thay mặt đồng bào và chiến sĩ cả nước, Quốc hội đã long trọng tuyên dương công lao to lớn của nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh và nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng. Ngày 18-6-1987, phát biểu tại buổi lễ tuyên dương, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng đã khẳng định: “Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đồng chí Trường Chinh và đồng chí Phạm Văn Đồng đã được toàn Đảng, toàn dân tín nhiệm trao cho trọng trách giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Hai đồng chí đã có những cống hiến xuất sắc, góp phần to lớn và quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng và củng cố Nhà nước chuyên chính vô sản ở nước ta, vượt qua muôn vàn gian khó, giành được những thành tựu vẻ vang. Hai đồng chí đã nêu tấm gương sáng ngời tận tuỵ phục vụ cách mạng, trung với nước, hiếu với dân, được toàn dân mến phục và bạn bè trên thế giới kính trọng”[7].
Ngày 22-6-1987, tại phiên bế mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng đã phát biểu và biểu thị quyết tâm của Hội đồng Bộ trưởng trong việc tổ chức và động viên nhân dân hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ mà Đại hội lần thứ VI của Đảng đề ra. .
Với mong muốn tạo nên sự năng động và sáng tạo trong việc điều hành, nhằm đẩy mạnh quá trình đổi mới mọi lĩnh vực hoạt động, nhất là trên lĩnh vực kinh tế -xã hội, thay mặt tập thể Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch đã hứa trước Quốc hội, cũng là hứa trước cử tri cả nước “bằng ý chí tiến công cách mạng, bằng hành động thiết thực, bằng hiệu quả cụ thể để làm tròn trách nhiệm đối với Đảng, Quốc hội và nhân dân. Điều quan trọng trước tiên là chúng tôi phải thấm nhuần sâu sắc tinh thần đổi mới, phải dựa vào sức mạnh làm chủ tập thể của nhân dân lao động, hết lòng hết dạ phục vụ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân mà hy sinh phấn đấu, phải “xứng đáng là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy”[8]
Trước thực trạng tình hình kinh tế -xã hội đất nước, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng xác định, với chức năng và trách nhiệm nặng nề đòi hỏi tất cả các thành viên Hội đồng Bộ trưởng phải bám sát tình hình thực tiễn để không ngừng hoàn thiện công tác quản lý theo tinh thần đổi mới, vượt qua mọi khó khăn thử thách giành những thành tích mới to lớn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào sự nghiệp đấu tranh của nhân dân thế giới vì hoà bình và hữu nghị giữa các dân tộc ở Đông Nam châu Á và trên toàn thế giới.
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới sâu sắc, toàn diện tình hình đất nước, đòi hỏi Quốc hội phải quyết tâm đổi mới hoạt động của mình theo tinh thần bài diễn văn mở đầu khoá Quốc hội của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Trong bài phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp thứ nhất, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo khẳng định: Quốc hội khóa VIII quyết tâm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, hướng trọng tâm vào việc thực hiện hai chức năng chủ yếu là lập pháp và giám sát, làm việc có hiệu quả, khắc phục chủ nghĩa hình thức, quan liêu, góp phần tích cực vào việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Chủ tịch nhấn mạnh: “Bất kỳ ở cương vị và lĩnh vực hoạt động nào, người đại biểu Quốc hội phải không ngừng phấn đấu thực sự là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, chấp hành đúng Quy chế về đại biểu Quốc hội, có tinh thần đổi mới, có phong cách “nói và làm”, đi sâu, đi sát thực tế, giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri, gương mẫu trong lối sống, chống mọi hành vi sai trái, tiêu cực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đại biểu của mình, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân”[9] .
Sau kỳ họp thứ nhất kết thúc thắng lợi, Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được Quốc hội thông qua, quyết tâm đổi mới hoạt động, sát cánh cùng toàn dân và toàn quân hoàn thành kế hoạch nhà nước năm 1987, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đồng thời làm tròn nghĩa vụ quốc tế, tích cực góp phần vào cuộc đấu tranh vì hoà bình và hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới và trong khu vực Đông Nam châu Á.
[1] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Văn kiện Quốc hội toàn tập, Sđd, t. 7, q. 1, tr. 28.
[2] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Văn kiện Quốc hội toàn tập, Sđd, t. 7, q. 1, tr. 6.
[3] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Văn kiện Quốc hội toàn tập, Sđd, t. 7, q. 1, tr. 16.
[4] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Văn kiện Quốc hội toàn tập, Sđd, t. 7, q. 1, tr. 18.
[5] Ông Hàn Trường Vũ được công bố trúng cử, nhưng sau đó có đơn của cử tri tố giác một số điểm quan hệ đến phẩm chất chính trị của ông Hàn Trường Vũ, cố tình giấu giếm quá khứ và khai man lý lịch để được bầu làm đại biểu Quốc hội. Vì vậy, Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu nhất trí kết luận ông Hàn Trường Vũ được bầu tại đơn vị số 6 thuộc thành phố Hồ Chí Minh không đủ tư cách là đại biểu Quốc hội. Đồng thời, nhất trí với đề nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh về việc “xin được rút sự giới thiệu của mình đối với ông Hàn Trường Vũ” và đề nghị công nhận ông Hà Tăng là đại biểu Quốc hội để bảo đảm cơ cấu đại biểu Quốc hội ở thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Hà Tăng cũng là ứng cử viên (người Hoa) trong cuộc bầu cử ngày 19-4-1987 tại đơn vị số 6 (cùng đơn vị với ông Hàn Trường Vũ) và đã được 128.464 phiếu bằng 60,5% số phiếu hợp lệ là 212.207 và là người được nhiều phiếu nhất kế sau ông Hàn Trường Vũ.
[6] Ngày 10-3-1988, đồng chí Phạm Hùng từ trần, sau đó Quốc hội đã họp và bầu đồng chí Đỗ Mười làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
[7] [8] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Văn kiện Quốc hội toàn tập, Sđd, t. 7, q. 1, tr. 78-79, 127.
[9] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Văn kiện Quốc hội toàn tập, Sđd, t. 7, q. 1, tr. 137.