VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 4 1996-1997


BÁO CÁO CỦA ỦY BAN
KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
CỦA QUỐC HỘI
VỀ HOẠT ĐỘNG NHIỆM KỲ QUỐC HỘI KHÓA IX
(1992 - 1997)
*

Luật tổ chức Quốc hội đã xác định rõ vai trò, chức năng và nhiệm vụ của từng cơ quan của Quốc hội, trong đó có Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường. Trong nhiệm kỳ qua, Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường đã cố gắng thực hiện những chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định.

Một đặc điểm đáng chú ý là Ủy ban chỉ có hai thành viên chuyên trách, còn các thành viên khác là các chuyên gia đầu ngành phụ trách các cơ quan khoa học, công nghệ quan trọng hoặc là các chuyên gia đương nhiệm công tác ở các cơ quan sản xuất -kinh doanh và quản lý nhà nước chủ chốt về khoa học - công nghệ ở các địa phương.

Để kiểm điểm mọi mặt hoạt động của Ủy ban trong nhiệm kỳ vừa qua, đánh giá được những ưu, khuyết điểm, phân tích các nguyên nhân và rút ra những kinh nghiệm, đồng thời, kiến nghị những vấn đề cần lưu ý trong việc tổ chức và tìm phương thức hoạt động tốt nhất cho Ủy ban trong nhiệm kỳ sau, báo cáo này tập trung vào những vấn đề sau:

I- VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA ỦY BAN

1. Công tác lập pháp:

Trong bối cảnh phát triển nền kinh tế hiện nay, nhất là từ sau khi có Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về khoa học và công nghệ trong sự nghiệp đổi mới, thì việc xây dựng những văn bản pháp lý đảm bảo cho các hoạt động khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường ngày càng trở nên cấp thiết. Nhiều văn bản pháp luật chuyên sâu vào các lĩnh vực hoạt động khoa học và công nghệ, đòi hỏi bên cạnh hiểu biết về pháp luật phải có hiểu biết về chuyên môn mới đủ cho việc thẩm tra các văn bản pháp luật này. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường đã được giao chủ trì thẩm tra và phối hợp với các cơ quan khác của Quốc hội thẩm tra các văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực khoa học, công nghệ và môi trường (chiếm khoảng 12,5% văn bản pháp luật được Quốc hội khóa IX thông qua). Sự phối hợp của Ủy ban với các cơ quan khác của Quốc hội và Chính phủ đã bảo đảm các văn bản pháp luật được thông qua có tính chính xác về mặt chuyên môn và pháp lý, có khả năng thực thi trong đời sống.

Trong 5 năm qua, Ủy ban đã chủ trì thẩm tra và chuẩn bị để giúp Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua các luật và pháp lệnh sau:

a) Luật:

1- Luật bảo vệ môi trường (1993).

2- Luật khoáng sản (1996).

b) Pháp lệnh:

1- Pháp lệnh thú y.

2- Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

3- Pháp lệnh phòng, chống lụt bão.

4- Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.

5- Pháp lệnh bảo vệ công trình giao thông.

6- Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thủy văn.

7- Pháp lệnh an toàn và kiểm soát bức xạ.

Để có thể thẩm tra tốt các dự án luật và pháp lệnh được giao, giúp Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội thực hiện chương trình xây dựng pháp luật, Ủy ban đã chủ động làm việc với các Ban soạn thảo dự án về tiến độ xây dựng và nội dung điều chỉnh của văn bản pháp luật; phân công thành viên theo dõi ngay từ đầu; trong trường hợp Ban soạn thảo đề nghị, đã cử chuyên viên đến tham gia vào quá trình soạn thảo luật để có thể theo dõi được ngay những vấn đề cần xin ý kiến hoặc còn có ý kiến khác nhau, kịp thời hợp tác giải quyết. Ủy ban cũng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia về các dự thảo luật và pháp lệnh được giao thẩm tra; trong trường hợp cần thiết, có mời chuyên gia làm cố vấn cho Ủy ban giúp thẩm tra luật được chính xác, sát với thực tế. Luật bảo vệ môi trường có phạm vi điều chỉnh liên quan đến đông đảo nhân dân đã được Quốc hội chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân và Ủy ban đã tổ chức đi khảo sát thực tế; các văn bản pháp luật có tính chất chuyên ngành, Ủy ban đã tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia (Luật khoáng sản, Pháp lệnh an toàn và kiểm soát bức xạ...). Nhờ đó các báo cáo thẩm tra của Ủy ban trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội có tính chính xác, toàn diện và có chất lượng, được nhiều Ban soạn thảo và các đại biểu Quốc hội đồng tình, giúp cho các văn bản pháp luật có tính thực thi cao hơn và dễ đi vào cuộc sống.

Việc lấy ý kiến của các thành viên Ủy ban về các dự thảo văn bản pháp luật là thật sự dân chủ, Ủy ban đã tổ chức thẩm tra bằng hình thức tổ chức họp ở hai địa điểm Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào những thời điểm thích hợp, bảo đảm đúng tiến độ và tạo điều kiện để các thành viên có thể tham gia được nhiều nhất. Các thành viên nào không tham gia được trực tiếp thì có thể tham gia bằng hình thức cho ý kiến bằng văn bản.

Nhìn chung, việc thẩm tra của Ủy ban được tiến hành kỹ càng, thận trọng, có trách nhiệm và đúng quy trình lập pháp, được hoan nghênh và tán thành. Các văn bản pháp luật mà Ủy ban chủ trì thẩm tra cho đến nay có thể nhận xét là chưa có gì sai sót hoặc sơ hở so với đường lối chung của Đảng và Nhà nước. Ý kiến thẩm tra đúng mức, rõ ràng, nêu đầy đủ các vấn đề cần thảo luận được Quốc hội xem xét và các Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thụ. Sự phát huy trí tuệ của các thành viên, tinh thần phối hợp với Hội đồng dân tộc và các Ủy ban khác, ý thức tôn trọng ý kiến đóng góp của các chuyên gia, của các nhà khoa học, các nhà quản lý, của đội ngũ chuyên viên giúp việc đã tạo điều kiện để các luật, pháp lệnh được Ủy ban thẩm tra đạt chất lượng tốt, đúng tiến độ quy định.

Ngoài ra, Ủy ban cũng đã chủ động tham gia ý kiến vào những phần có liên quan đến khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường của các dự thảo văn bản pháp luật khác (như Phần sở hữu trí tuệ trong Bộ luật dân sự, Luật về thuế...).

Riêng dự thảo Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà Chính phủ trình, Ủy ban đã tổ chức thẩm tra và trình Ủy ban thường vụ Quốc hội một số lần, tuy nhiên vì những lý do khách quan mà dự thảo Pháp lệnh này chưa được thông qua.

Đối với các dự án luật được giao trách nhiệm chủ trì thẩm tra để thông qua vào các kỳ họp tiếp theo gồm: Luật khoa học và công nghệ, Luật xây dựng, Luật về nước, Luật bưu chính viễn thông, Luật phòng cháy, chữa cháy, Luật đường sắt, Luật đường bộ... Ủy ban đã chủ động tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia như dự thảo Luật khoa học và công nghệ, Luật xây dựng. Các ý kiến của hội thảo và của Ủy ban đóng góp được đánh giá tốt và được các ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý để hoàn thiện. Thường trực Ủy ban cũng đã cử chuyên viên theo dõi và tham gia việc xây dựng các luật này theo đề nghị của các Ban soạn thảo.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Ủy ban đã hoàn thành nhiệm vụ lập pháp được Quốc hội giao. Tuy nhiên, việc thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh còn ít thời gian, nhiều khi bị động, vì cơ quan soạn thảo chuyển tài liệu quá gấp hoặc chương trình họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội khẩn trương..., do đó, thiếu thời gian nghiên cứu kỹ, không thuận lợi cho công tác thẩm tra.

2. Công tác giám sát:

Một trong hai chức năng chính của Ủy ban được luật định là chức năng giám sát. Công tác giám sát các địa phương trong lĩnh vực thuộc nhiệm vụ của Ủy ban đã chiếm một thời gian đáng kể trong hoạt động của Ủy ban. Vì vậy, nếu không đề ra được một phương thức giám sát thích hợp thì khó hoàn thành được nhiệm vụ và chất lượng, kết quả giám sát không cao. Trong từng thời kỳ, Ủy ban cũng đã chú trọng đề ra các phương hướng giám sát, bám theo các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà nghị quyết của Đảng và các nghị quyết của Quốc hội đã đề ra như giám sát theo chuyên đề, theo đặc điểm địa lý, kinh tế (thành phố, các địa phương miền biển, miền núi, còn khó khăn, các khu công nghiệp, các công trình lớn...), qua đó, góp ý kiến cho việc định hướng phát triển nền khoa học, công nghệ hiện nay cũng như đưa ra các kiến nghị thiết thực đối với địa phương và các cấp, các ngành có trách nhiệm.

Ủy ban đã tập trung giám sát các lĩnh vực sau đây:

1- Giám sát việc thực hiện luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường.

2- Giám sát việc thực hiện ngân sách cho công tác khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường; chính sách phát triển khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường; kế hoạch 5 năm và hằng năm phục vụ chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và xây dựng tiềm lực khoa học, công nghệ, cải thiện môi trường.

Ủy ban đã giám sát việc thực hiện Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật bảo vệ môi trường, Pháp lệnh đo lường, chất lượng hàng hóa, Pháp lệnh bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Pháp lệnh thú y, v.v. tại các cơ quan Trung ương (Bộ, ngành) cũng như tại các địa phương, Ủy ban thấy rằng nhìn chung, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật thường rất chậm và không đồng bộ nên còn gây nhiều trở ngại cho việc thi hành pháp luật tại địa phương. Bên cạnh đó, việc phổ biến tuyên truyền pháp luật trong các cơ quan quản lý và trong nhân dân còn yếu, điều kiện vật chất để thực hiện chưa đầy đủ, một số cơ quan nhà nước còn buông lỏng quản lý nên việc thực hiện các văn bản pháp luật này chưa triệt để, hiệu quả thiết thực chưa cao.

Trong nhiệm kỳ, Ủy ban đã tổ chức đi giám sát được hầu hết các tỉnh, thành phố, tạo được mối quan hệ có hiệu quả giữa Ủy ban và các địa phương. Qua báo cáo đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ từng năm của Chính phủ, kết quả giám sát các Bộ, ngành và giám sát các địa phương, Ủy ban nhận thấy trong những năm qua, trên các lĩnh vực hoạt động khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường đã có những chuyển biến tích cực, tiến bộ. Tuy nhiên, cần nhìn rõ những vấn đề còn yếu và chưa có những kết quả mong đợi để tìm ra cách giải quyết. Môi trường nước ta trong những năm qua vẫn tiếp tục bị suy thoái, trong đó, cần quan tâm hơn tình trạng ô nhiễm của môi trường biển và sông ngòi. Nạn tràn dầu đã xảy ra ở một số nơi nhưng chưa có quy định cụ thể về quản lý, thủ tục giải quyết. Môi trường sống ở một số vùng, đặc biệt là vùng đồng bằng Nam bộ còn rất khó khăn, nhất là về nước sinh hoạt, một mặt là do tập quán, mặt khác do thiên nhiên. Môi trường trong nhiều khu đô thị, khu công nghiệp đang bị ô nhiễm nặng do chưa quản lý kịp thời hoặc buông lỏng quản lý của các cơ quan có chức năng. Qua báo cáo của các địa phương và Bộ, về vốn rừng hiện có và việc nuôi trồng rừng hiện nay tại Việt Nam, có thể thấy rằng các con số báo cáo chưa hoàn toàn chính xác với thực tế mà các đoàn giám sát đã xem xét. Nạn chặt phá rừng bừa bãi vẫn chưa ngăn chặn được, nạn đốt phá rừng để nuôi trồng các loại có nguồn lợi cao như cà phê, nuôi tôm..., đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường ở trong vùng, gây ra hạn hán, lũ lụt ở nhiều nơi. Việc thực hiện Luật bảo vệ và phát triển rừng ở nhiều địa phương chưa mang lại kết quả. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là chưa gắn liền việc giao đất rừng với việc hướng dẫn phương pháp sản xuất nhằm bảo đảm đời sống của dân. Diện tích rừng trồng mới ở vùng Tây Bắc về cơ bản vẫn chưa đáng kể. Các nguồn lợi thủy sản ven bờ vẫn tiếp tục bị đánh bắt bằng các phương pháp hủy diệt nên nguồn lợi thủy sản đang bị cạn kiệt trong khi khả năng khai thác nguồn lợi thủy sản xa bờ còn thấp và chưa quản lý được. Tại nhiều địa phương Ủy ban đến giám sát, nhất là những nơi có cửa khẩu nhưng chưa có trạm kiểm dịch thực vật, việc quản lý giao lưu động thực vật bị buông lỏng nên đã xuất hiện một số bệnh ở động thực vật trong thời gian qua ở một số địa phương (như bệnh lở mồm long móng ở trâu bò, ốc bươu vàng lan tràn, một số loài sâu lạ dùng làm thức ăn cho chim cảnh...).

Vấn đề bảo vệ môi trường là lĩnh vực mới được pháp luật hóa, do đó nhận thức và việc thực hiện của nhân dân còn nhiều yếu kém, mặc dù các địa phương và ngành đã có cố gắng tuyên truyền, giáo dục luật trong nhân dân. Hằng năm, Chính phủ đã có báo cáo tổng quan về tình hình môi trường Việt Nam tại các kỳ họp cuối năm của Quốc hội; theo đó, mới chỉ có hơn 50% số cơ sở sản xuất làm báo cáo đánh giá tác động môi trường. Để thực hiện Điều 18 của Luật bảo vệ môi trường, Ủy ban đã phối hợp với cơ quan của Chính phủ xây dựng văn bản nhưng cho đến nay vẫn chưa được xem xét xong. Mặt khác, Điều 15 của Luật ngân sách cũng quy định việc Quốc hội quyết định đối với những công trình lớn được đầu tư bằng ngân sách nhà nước. Do đó, kết hợp thực hiện cả hai Luật này thì Quốc hội sẽ phải phê duyệt một số công trình lớn. Theo sự chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban đã phối hợp với Hội đồng dân tộc và các Ủy ban có liên quan nghe các cơ quan của Chính phủ báo cáo và đi nghiên cứu thực tế một số công trình lớn sẽ xây dựng như thủy điện Sơn La, khu công nghiệp Dung Quất, quy hoạch tổng thể của thành phố Hà Nội...

Mấy năm qua, bên cạnh việc chỉ đạo, điều hành đổi mới quản lý kinh tế, Chính phủ cũng đã quan tâm đến việc đổi mới quản lý trong lĩnh vực hoạt động khoa học, công nghệ như tổ chức các sở khoa học, công nghệ và môi trường ở địa phương; tổ chức đơn vị nghiên cứu - triển khai ở các Bộ; sắp xếp, tổ chức lại hệ thống viện - trường, kết hợp việc nghiên cứu khoa học và sản xuất ở các trường và các trung tâm nghiên cứu; phong tặng danh hiệu cho các nhà khoa học (tuy nhiên, về lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ chưa có danh hiệu)... Bên cạnh những mặt tích cực đó, Chính phủ cũng cần xem xét, đánh giá lại kết quả thực hiện để từ đó rút ra những kinh nghiệm cho việc tổ chức đào tạo, sử dụng lực lượng trí thức, kỹ thuật, làm chủ được công nghệ cao, tránh nguy cơ thiếu đội ngũ kế cận trong thời gian sắp tới. Mặt khác, cần có chính sách thích hợp để hạn chế nạn “chảy máu chất xám” từ các trường, viện, trung tâm nghiên cứu khoa học của Nhà nước làm ảnh hưởng đến đội ngũ nghiên cứu khoa học của đất nước. Việc kiểm duyệt, thẩm định các dây chuyền công nghệ, máy móc nhập khẩu trong thời gian vừa qua tuy đạt được một số kết quả tốt song cũng để lọt lưới nhiều dây chuyền công nghệ lạc hậu, cũ nát. Một trong những nguyên nhân là cơ chế quy định xét duyệt, thẩm định công nghệ nhập vào hoặc thực hiện chưa nghiêm hoặc chưa đồng bộ. Việc chi ngân sách cho phát triển khoa học và công nghệ đã được Chính phủ quan tâm, nhưng chưa có tiến bộ rõ rệt (đều dưới 1% chi ngân sách nhà nước). Ủy ban cho rằng, phát triển khoa học, công nghệ không thể chỉ dựa vào ngân sách nhà nước, nhất là trong tình hình ngân sách còn hạn hẹp, cho nên, việc khuyến khích (hoặc ràng buộc) đầu tư phát triển đổi mới công nghệ ở các doanh nghiệp là rất cần thiết, cần có chính sách hướng dẫn đầu tư cho khoa học, công nghệ của các doanh nghiệp và thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, cũng như để có được thị trường khoa học và công nghệ hấp dẫn đối với các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế.

Về tình hình hoạt động khoa học, công nghệ ở các địa phương, Ủy ban nhận thấy trong thời gian qua có chuyển biến tốt. Một số địa phương có khả năng nghiên cứu, cải tiến, tự chế tạo công nghệ và đưa vào sản xuất có hiệu quả, có sức cạnh tranh lớn. Tuy nhiên, một số địa phương (đặc biệt là các tỉnh mới được tách ra theo nghị quyết của Quốc hội) hoạt động khoa học, công nghệ còn rất khó khăn, nhất là về đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất. Lực lượng cán bộ khoa học ở các tỉnh một mặt còn rất thiếu do nhiều nguyên nhân trong đó có vấn đề về đãi ngộ, về nhận thức, mặt khác lại sử dụng kém hiệu quả. Một vấn đề lớn chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động khoa học, công nghệ là vấn đề hiệu quả của quản lý khoa học, công nghệ từ cấp Trung ương đến các địa phương và vốn để đầu tư cho khoa học, công nghệ còn quá ít (kể cả con người và cơ sở vật chất kỹ thuật). Nếu không sớm có một kế hoạch của Nhà nước cũng như của mỗi địa phương về đào tạo, sử dụng, duy trì, bổ sung đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngân sách đầu tư cho khoa học, công nghệ ở địa phương đã hạn hẹp, lại không kịp thời nên việc ứng dụng, nhân rộng các kết quả nghiên cứu vào thực tế rất khó khăn.

Trong nhiệm kỳ, Thường trực Ủy ban đã tổ chức cho thành viên của Ủy ban tham gia nhiều đoàn công tác đi cơ sở với hình thức gọn, nhẹ. Trong những trường hợp cần thiết Ủy ban đã mời chuyên gia đại diện các ngành thuộc các lĩnh vực có liên quan tham gia. Các đoàn đi công tác của Ủy ban được tổ chức chu đáo, kỹ lưỡng; có lịch trình chuyến đi, đề cương gợi ý để địa phương chuẩn bị báo cáo và được gửi đi trước từ 2 đến 3 tuần. Tại địa phương đoàn công tác nghe báo cáo chung, đi thực tế cơ sở, có đánh giá, nhận xét của đoàn với lãnh đạo địa phương và các ngành hữu quan của tỉnh. Kết thúc các đợt công tác, Ủy ban đều có báo cáo gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội. Những kiến nghị của địa phương, của đoàn công tác được gửi tới các cơ quan có trách nhiệm giải quyết và có theo dõi kết quả giải quyết. Việc tổ chức các đoàn đi giám sát thực tế tại địa phương là cần thiết vì vừa mang tính giám sát việc thực hiện các chính sách đối với địa phương, vừa giúp các nhà lập pháp kiểm tra lại những chủ trương, chính sách vĩ mô của Nhà nước tại cơ sở và trong cuộc sống. Tuy nhiên, cần nghiên cứu cải tiến phương thức hoạt động giám sát địa phương, kết hợp các đoàn giám sát của các Ủy ban để nâng cao chất lượng giám sát, tránh gây phiền hà nhiều cho địa phương và phải có hình thức kiến nghị có hiệu lực để giúp địa phương tháo gỡ những khó khăn.

Ngoài ra, Ủy ban còn tổ chức giám sát các Bộ, ngành theo những nội dung cụ thể có liên quan. Sau các buổi làm việc này, Ủy ban đều có báo cáo gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội, đưa ra các kiến nghị đối với Chính phủ, các cấp, các ngành và theo dõi các kết quả thực hiện. Một số kiến nghị sau giám sát đã được các cơ quan của Chính phủ tiếp thu như kiến nghị với Bộ Năng lượng chuyển nhà máy sàng tuyển than mới ra khỏi thị xã Hòn Gai và đã được chấp nhận; thành lập tiểu ban đánh giá phương án giải quyết về kỹ thuật cho đoạn đê Yên Phụ, đề nghị Chính phủ nghiên cứu việc xây dựng sân gôn Thủ Đức tránh ảnh hưởng đến môi trường... Các kết quả này còn là do sự phối hợp tác động của nhiều cơ quan khác. Đây là một hình thức hoạt động có kết quả tốt của Ủy ban, tuy nhiên, việc kết hợp giám sát ở các địa phương với các Bộ, ngành để giải quyết dứt điểm những tồn tại khó khăn của địa phương có liên quan đến công tác cấp vĩ mô chưa có nhiều hiệu quả. Trong nhiệm kỳ, Ủy ban cũng chưa tổ chức giám sát hết được các Bộ, ngành để đánh giá tình hình hoạt động của các cơ quan này về lĩnh vực khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường.

Ủy ban cũng đã tổ chức các cuộc hội thảo giám sát theo chuyên đề tại các địa phương như hội thảo về phát triển mạng lưới điện ở nông thôn (Thái Bình), hội thảo về nuôi tôm ở vùng nước mặn (Minh Hải), hội nghị về phát triển chương trình lúa rẫy và hệ thống canh tác vùng sinh thái đồi rừng (Cao Bằng)...

Đối với từng thành viên Ủy ban, bên cạnh việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội, các thành viên đã căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và chương trình công tác của Ủy ban, kết hợp với cương vị công tác chuyên môn của mình để tìm hiểu, nghiên cứu, cố vấn trực tiếp cho địa phương và báo cáo các vấn đề mà Ủy ban quan tâm. Đây là một hình thức giám sát có tính đặc thù của Ủy ban, nếu thực hiện tốt phương thức làm việc này thì sẽ có thêm nhiều thông tin, tư liệu cho công tác của Ủy ban cũng như phát huy vai trò đại biểu Quốc hội của mỗi thành viên. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà các thành viên Ủy ban chưa thường xuyên làm tốt được hình thức kết hợp công tác này.

Các hình thức giám sát từ các cơ quan Trung ương đến cơ sở của Ủy ban nói chung là đa dạng, thích hợp với mục tiêu đề ra và đã đạt được một số kết quả nhất định. Qua mỗi chuyến công tác, Ủy ban đều có nhận xét, cải tiến cho hoạt động này. Tuy nhiên, so với hiệu quả làm luật thì hiệu quả giám sát có phần kém hơn. Ý kiến giám sát của Ủy ban đối với các cơ quan, ban, ngành hầu như ít được hồi âm. Một trong những nguyên nhân của tình hình đó là do chưa có quy chế giám sát của các cơ quan Quốc hội, của đại biểu Quốc hội đối với các cơ quan hành pháp, tư pháp. Mặt khác, một số cơ quan và địa phương còn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí của các cơ quan của Quốc hội. Về mặt chủ quan, trong một số trường hợp Ủy ban còn chưa tích cực theo dõi, kiểm tra việc giải quyết các kiến nghị của Ủy ban.

3. Về các công tác khác:

Trong suốt nhiệm kỳ, Ủy ban đã có những đóng góp tích cực trong việc góp ý kiến vào báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của Chính phủ, đặc biệt là các lĩnh vực có liên quan đến phát triển khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường. Bằng hình thức thuyết trình tại các kỳ họp cuối năm. Ủy ban đã nêu những mặt có tiến bộ, những mặt còn yếu kém trong lĩnh vực hoạt động khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường, qua đó đã góp nhiều ý kiến vào việc xây dựng các nghị quyết của Quốc hội (phần liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Ủy ban).

Nhằm tăng cường quan hệ hợp tác và trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội nước ta với các nước, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban đã tổ chức đi thăm và đón đoàn nghị sĩ Quốc hội và Ủy ban tương ứng của Quốc hội một số nước như: Hàn Quốc, Malaixia, Philíppin, Thái Lan... và cử thành viên tham gia vào hoạt động đối ngoại chung của Quốc hội. Một số thành viên của Ủy ban cũng đã tham dự các hội nghị quốc tế theo chuyên đề được mời.

Ủy ban đã tham gia với Ủy ban về các vấn đề xã hội trong hoạt động của Diễn đàn nghị sĩ châu Á quan tâm đến vấn đề phát triển và dân số (AFPPD) chuẩn bị tích cực các kiến nghị về chính sách an toàn lương thực quốc gia để Việt Nam tham gia vào Hội nghị thượng đỉnh lương thực tháng 11 năm 1996.

Ủy ban cũng đã chú trọng đến công tác mở rộng quan hệ đối ngoại, đã phối hợp với Ủy ban đối ngoại lập chương trình hoạt động đối ngoại hằng năm song vì những lý do này hay lý do khác mà chương trình chưa được thực hiện đầy đủ. Tuy nhiên, hầu hết các thành viên Ủy ban đều được cử tham gia các công tác đối ngoại và có tính đến chuyên môn của từng thành viên. Nhìn chung, công tác đối ngoại của Ủy ban đã được đẩy mạnh và đổi mới.

Trong nhiệm kỳ, Thường trực Ủy ban đã tăng cường công tác cung cấp thông tin đến cho từng thành viên, duy trì mối quan hệ với các đại biểu ở địa phương. Mỗi tháng, các thông tin chuyên đề, chuyên ngành và báo cáo công tác tháng của Ủy ban đều được gửi tới từng thành viên Ủy ban. Các tài liệu này đã giúp các thành viên có một lượng thông tin nhất định để tham gia và nắm được tình hình hoạt động chung của Ủy ban.

Thường trực Ủy ban đã xem xét và chuyển đến cơ quan có chức năng giải quyết các đơn khiếu nại của công dân liên quan đến lĩnh vực khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường.

Ủy ban đã tiến hành lắp đặt mạng máy vi tính phục vụ công tác của Ủy ban. Mạng vi tính này đã mang lại hiệu quả trong việc xử lý nhanh các văn bản tài liệu và bước đầu nâng cao hiệu quả xử lý thông tin của Ủy ban.

Kết hợp với các đợt giám sát, Ủy ban đã tặng một số máy chữa bệnh bằng phương pháp hiện đại và máy vi tính để học tập cho một số cơ sở chữa bệnh và trường phổ thông tại một số địa phương còn có nhiều khó khăn.

II- VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ỦY BAN

1. Về cơ cấu, tổ chức hoạt động của Ủy ban:

Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội khóa IX gồm 26 thành viên, trong đó có 25 nam và 01 nữ, là những đại biểu Quốc hội có trình độ và uy tín trong lĩnh vực hoạt động khoa học, công nghệ và lĩnh vực quản lý của nhiều ngành ở Trung ương cũng như ở địa phương. Có 15 người là tiến sĩ, phó tiến sĩ, trong đó có 10 người là giáo sư, phó giáo sư, 16 thành viên khác có trình độ đại học thuộc nhiều ngành kinh tế, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, tuy nhiên, ở lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn còn ít (02 người). Thường trực Ủy ban có 7 người, 2 Ủy viên thường trực ở phía Nam, hai người (Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm) hoạt động chuyên trách, còn lại là kiêm nhiệm.

Thường trực Ủy ban cũng đã thành lập bốn tiểu ban để phụ trách và theo dõi các phần công việc theo các lĩnh vực sau đây:

- Tiểu ban khoa học tự nhiên, tài nguyên và môi trường gồm 7 thành viên;

- Tiểu ban khoa học xã hội - khoa học quản lý gồm 5 thành viên;

- Tiểu ban công nghiệp gồm 7 thành viên;

- Tiểu ban nông nghiệp gồm 7 thành viên.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội đã bước đầu được chuyên trách hóa, đặc biệt từ khi Ủy ban có đồng chí Chủ nhiệm và một Phó Chủ nhiệm hoạt động chuyên trách thì công việc của Ủy ban đã được đẩy mạnh rõ rệt. Ủy ban bầu ra bộ phận Thường trực Ủy ban gồm 7 đồng chí là thành viên chuyên trách và không chuyên trách để chuẩn bị đưa ra chương trình hoạt động, theo dõi, kiểm điểm, đôn đốc công tác của Ủy ban. Để giúp Ủy ban quyết định, Thường trực Ủy ban họp mỗi tháng một lần để triển khai, điều hành các hoạt động của Ủy ban trong tháng, quý theo chương trình 6 tháng, một năm của Ủy ban hoặc bàn biện pháp giải quyết những công việc đột xuất có liên quan đến các lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Ủy ban. Trong nhiều trường hợp, do yêu cầu công việc, Thường trực Ủy ban đã đại diện cho Ủy ban giải quyết các công việc đột xuất sau đó đã báo cáo lại Ủy ban. Cách làm này đã đẩy mạnh thêm công tác của Ủy ban trong nhiệm kỳ qua.

Hầu hết các thành viên của Ủy ban hoạt động kiêm nhiệm, quỹ thời gian dành cho công việc của Quốc hội ngoài hai kỳ họp hằng năm, còn lại nói chung là rất hạn hẹp, song Thường trực Ủy ban và mọi thành viên trong nhiệm kỳ qua đã có nhiều cố gắng để duy trì hoạt động đều và đã làm tốt nhiệm vụ của Quốc hội giao cũng như các chương trình hoạt động hằng năm của Ủy ban. Thường trực Ủy ban đã tập trung được trí tuệ của các thành viên để xây dựng các báo cáo, thuyết trình của Ủy ban cho sát thực tế và có chất lượng tốt. Các thành viên của Ủy ban đều có tinh thần trách nhiệm cao, chủ động kết hợp công việc chuyên môn với nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội để đóng góp vào hoạt động của Ủy ban, cố gắng thu xếp và dành thời gian để tham gia các đoàn công tác giám sát tại địa phương, đặc biệt là những chuyến đi dài ngày. Tuy nhiên, còn có một số ít thành viên của Ủy ban vì những lý do công tác nên chưa tham gia đều và đầy đủ các hoạt động của Ủy ban.

Ủy ban hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số đúng như quy chế hoạt động quy định. Ủy ban họp toàn thể thường kỳ hai lần một năm vào trước kỳ họp Quốc hội. Đây là thời gian mà các thành viên của Ủy ban có thể tham gia đầy đủ cuộc họp toàn thể Ủy ban. Tại các cuộc họp này, Ủy ban chủ yếu họp để làm các công việc sau đây:

- Xem xét, cho ý kiến và thông qua bản thẩm tra chính thức một dự án luật hoặc một dự án pháp lệnh mà Ủy ban chủ trì theo sự phân công của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.

- Đóng góp ý kiến và quyết định thông qua bản thuyết trình hoặc bài phát biểu của Ủy ban đọc trước Quốc hội về vấn đề có liên quan tới khoa học, công nghệ và môi trường.

- Nghe một số bộ, ngành hữu quan báo cáo những vấn đề mà Ủy ban chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát và xem xét, quyết định.

- Kiểm điểm công tác 6 tháng, cả năm và quyết định chương trình hoạt động của Ủy ban trong thời gian tiếp theo.

Do tính chất của công việc, Ủy ban còn tổ chức các cuộc họp Thường trực mở rộng để làm nhiệm vụ giám sát.

Trong nhiệm kỳ qua, Ủy ban đã xây dựng được những quy định cụ thể trong công tác lập pháp, từ khâu phân công, theo dõi, xem xét đến thẩm tra, phản biện các dự án luật, pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

Lãnh đạo Ủy ban, Thường trực Ủy ban tuy đã có cố gắng tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ ngày càng tốt hơn nhưng vẫn còn nhiều mặt chưa kịp thời, chưa phát huy được năng lực của tất cả thành viên Ủy ban.

Các thành viên của Ủy ban công tác tại nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau, trên địa bàn rộng cho nên về thời gian dành cho công tác của Ủy ban của Quốc hội có khác nhau, ảnh hưởng tới việc điều hành của Thường trực Ủy ban đối với công tác của toàn thể Ủy ban.

Lực lượng chuyên viên giúp việc còn mỏng nên chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày càng cao cho hoạt động của Ủy ban.

2. Mối quan hệ với các cơ quan hữu quan:

Trong suốt nhiệm kỳ, Ủy ban đã kết hợp với một số Ủy ban có liên quan như các Ủy ban kinh tế - ngân sách, pháp luật và các cơ quan khác của Quốc hội trong việc thẩm tra các luật, pháp lệnh, một số dự án công trình quan trọng và việc phân bổ kinh phí cho hoạt động khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường.

Ủy ban có quan hệ thường xuyên với các cơ quan của Chính phủ nhất là các Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan khác để phối hợp khi giải quyết các việc có liên quan.

Vụ khoa học, công nghệ và môi trường đã có nhiều đóng góp tích cực giúp Ủy ban hoạt động trong suốt nhiệm kỳ, như chuẩn bị các văn bản, tài liệu, giao dịch công tác, tổ chức các đợt hoạt động của Ủy ban và các đoàn công tác của Ủy ban. Những cố gắng này là đáng khích lệ nhất là trong điều kiện chỉ có Chủ nhiệm và một Phó Chủ nhiệm hoạt động chuyên trách, lực lượng cán bộ của Vụ lại quá mỏng. Cơ sở vật chất của Văn phòng Quốc hội đã có cải thiện, phương tiện làm việc đã được nâng cấp một bước rõ rệt làm cho công tác của Ủy ban được thuận lợi.

III- MỘT SỐ KINH NGHIỆM VÀ KIẾN NGHỊ

Trên cơ sở kiểm điểm, đánh giá tình hình hoạt động trong nhiệm kỳ qua, Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường xin đề xuất một số kiến nghị như sau:

1. Về cơ cấu, tổ chức Ủy ban:

- Nên duy trì cơ cấu tổ chức Ủy ban vừa có cán bộ khoa học của các ngành và quản lý khoa học với số lượng từ 20 đến 30 người và ở đều khắp Bắc, Trung, Nam như hiện nay. Tuy nhiên, cần xem xét lại các thành viên là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và giám đốc, tổng giám đốc các doanh nghiệp rất bận rộn với công việc tại địa phương, cơ sở, do đó, quỹ thời gian quá eo hẹp cho các hoạt động của Ủy ban.

- Cần tăng cường thêm cho Ủy ban các thành viên chuyên trách đại diện các miền để hoạt động của Ủy ban được bảo đảm, có điều kiện thực hiện tốt chức năng hoạt động của mình và đều khắp trong cả nước.

- Nên có chế độ cộng tác viên cụ thể cho các Ủy ban trong việc giúp thực hiện một số công tác đòi hỏi các kinh nghiệm sâu, rộng.

- Có hình thức thành lập các Hội đồng lâm thời để giải quyết vấn đề có tính tạm thời của Quốc hội. Đây có thể là Hội đồng bao gồm đại diện của một số Ủy ban có liên quan và các chuyên gia có uy tín được mời để giải quyết các vấn đề liên quan (như Hội đồng thẩm định phương án giải quyết kỹ thuật cho đê Yên Phụ vừa qua).

Quốc hội cần có nhiều phương thức tập trung trí tuệ làm chính sách về khoa học, công nghệ vì công tác này ngày càng quan trọng. Xin lưu ý rằng, các nhà khoa học thường thiếu kinh nghiệm trong công tác làm chính sách (ở các nước khác cũng có hiện tượng như vậy), vì vậy, phải có phương thức thích hợp để huy động tốt trí tuệ của các nhà khoa học vào các công tác của Quốc hội.

2. Về lập pháp:

Các văn bản pháp luật về khoa học, công nghệ và có liên quan đến khoa học và công nghệ thì cần có đặc thù về quy trình lập pháp. Có thể lấy ý kiến một số giới khoa học là đủ đối với các dự án thuộc lĩnh vực chuyên ngành. Cần huy động nhiều hơn ý kiến của các nhà khoa học ngoài Quốc hội trong việc thông qua các dự án luật, pháp lệnh như việc mời các nhà khoa học đến phát biểu về nội dung có liên quan trước phiên họp của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội (nhưng các đại biểu này không có quyền biểu quyết).

Để tránh tình trạng ban hành luật rồi nhưng vẫn không thực hiện được vì chưa có nghị định hướng dẫn thi hành, do đó, ngoài việc thẩm tra các dự thảo luật Ủy ban cần thẩm tra các văn bản hướng dẫn thi hành luật, nếu đủ các văn bản này thì mới trình Quốc hội thông qua luật.

3. Về giám sát:

Cần cải tiến phương thức giám sát. Nên có kế hoạch phối hợp giám sát giữa các cơ quan của Quốc hội và có sự theo dõi việc thực hiện kiến nghị đến kết quả cuối cùng. Tăng cường việc giám sát các cơ quan nhà nước về công tác quản lý ở tầm vĩ mô.

Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội cần ban hành Quy chế giám sát của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, của các đại biểu Quốc hội trong đó quy định rõ quyền hạn, nhiệm vụ của các cơ quan của Quốc hội cũng như đại biểu Quốc hội đối với các cơ quan hành pháp trong công tác giám sát và việc tiếp thụ, giải quyết các kiến nghị của các đoàn giám sát của Quốc hội.

TM. ỦY BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ
VÀ MÔI TRƯỜNG

Chủ nhiệm

VŨ ĐÌNH CỰ


 

* Báo cáo này được gửi tới các vị đại biểu Quốc hội (BT).

 

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội