BÁO CÁO
CỦA ỦY BAN ĐỐI NGOẠI CỦA QUỐC HỘI
VỀ HOẠT ĐỘNG NHIỆM KỲ QUỐC HỘI KHÓA IX (1992-1997)
I- VỀ TỔ CHỨC ỦY BAN ĐỐI NGOẠI
Theo quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội, tại kỳ họp lần thứ nhất Quốc hội khóa IX, tháng 9 năm 1992, Ủy ban đối ngoại của Quốc hội đã được bầu 13 thành viên. Sau đó tới kỳ họp lần thứ 8, bầu bổ sung một thành viên. Như vậy, tổng số thành viên của Ủy ban đối ngoại là 14 người. Lãnh đạo Ủy ban gồm một Chủ nhiệm và ba Phó Chủ nhiệm, Chủ nhiệm và một Phó Chủ nhiệm chuyên trách, hai Phó Chủ nhiệm kiêm nhiệm. Còn các thành viên khác đều hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm. Như vậy, về mặt tổ chức, Ủy ban đối ngoại có số lượng ít nhất trong các Ủy ban của Quốc hội, nhưng thấy hợp lý vì các thành viên trong Ủy ban hầu hết là những đại biểu có trình độ đã từng hoặc còn đang giữ những cương vị quan trọng của Đảng và Nhà nước, các đoàn thể như Trưởng ban, Bộ trưởng, Chủ tịch các đoàn thể quần chúng, v.v., có uy tín trong nước và nước ngoài, do đó, đã tạo nên sức mạnh tập thể trong hoạt động của Ủy ban. Nhưng nhìn chung toàn khóa IX, hoạt động của Ủy ban có mặt bị hạn chế trước hoạt động đối ngoại của Quốc hội ngày càng mở rộng, phát triển nhưng đa số các thành viên bị vướng bận vào công tác chính của mình nên không có điều kiện giành nhiều thời gian cho công tác của ủy ban. Vì vậy, Ủy ban thấy cần có sự điều chỉnh về tổ chức, về cách làm việc và mời một số cộng tác viên về đối ngoại. Việc này tiếp tục chuẩn bị để thực hiện trong khóa X tới.
Ngoài ra, Ủy ban có bộ máy giúp việc là Vụ đối ngoại. Tới nay, tổ chức của Vụ có trên 10 cán bộ và nhân viên. Nhìn chung, anh, chị có ý thức trách nhiệm, có nhiều cố gắng trong công tác, những chỗ yếu hiện nay cần khắc phục ngay là lực lượng mỏng, trình độ không đồng đều, còn thiếu những chuyên viên già dặn về chính trị và chuyên môn nên chưa đáp ứng kịp thời những đòi hỏi ngày càng cao của hoạt động đối ngoại của Quốc hội.
II- VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA ỦY BAN ĐỐI NGOẠI
1. Ủy ban đối ngoại đã hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do Hiến pháp năm 1992 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật tổ chức Quốc hội và quy chế hoạt động của Hội đồng và các Ủy ban của Quốc hội quy định với đặc điểm của thời kỳ đổi mới. Ủy ban đối ngoại, ngoài những nhiệm vụ được quy định chung cho Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội còn có nhiệm vụ thực hiện và giúp Quốc hội thực hiện quan hệ đối ngoại với Quốc hội các nước, Liên minh Nghị viện thế giới và các tổ chức quốc tế và khu vực.
Tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, ngày 30 tháng 9 năm 1993, thay mặt Ủy ban đối ngoại, đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban đã trình bày tổng quát đề cương hoạt động đối ngoại của nước ta trong giai đoạn mới và phương hướng nhiệm vụ đối ngoại của Quốc hội ta.
Trên cơ sở đó, hằng năm, Ủy ban đối ngoại có nhận định tình hình và đề ra phương hướng và kế hoạch hoạt động đối ngoại của Quốc hội trình Ủy ban thường vụ Quốc hội bao gồm hoạt động của Chủ tịch, của các Phó Chủ tịch Quốc hội, của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, của các Nhóm nghị sĩ hữu nghị với các nước. Sau khi được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua, Ủy ban đối ngoại đã trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức thực hiện toàn bộ kế hoạch đó, đồng thời, thường xuyên phối hợp với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban và Văn phòng Quốc hội triển khai các hoạt động đa phương và song phương của Quốc hội.
Trong quan hệ đa phương, Ủy ban đối ngoại đã trực tiếp tham gia và quan tâm chỉ đạo hoạt động của Đoàn Việt Nam trong các Liên minh Nghị viện thế giới và khu vực, thông qua đó đề cao vai trò và vị trí của Quốc hội ta, tranh thủ bằng nhiều hình thức giới thiệu đường lối đối ngoại của Đảng, tranh thủ sự ủng hộ đối với sự nghiệp đổi mới của ta, thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác về nhiều mặt của các nước với Việt Nam.
Ủy ban đối ngoại đã tiến hành mọi công tác chuẩn bị chu đáo để Quốc hội ta gia nhập Tổ chức Liên minh Nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPO), phối hợp với Văn phòng Quốc hội tổ chức hội nghị Ban chấp hành Tổ chức nghị sĩ các nước sử dụng tiếng Pháp (AIPLF) tại Hà Nội. Điểm nổi bật trong quan hệ đa phương hoạt động đối ngoại của Quốc hội là Quốc hội ta đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Liên minh Nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPO). Đoàn đại biểu Quốc hội ta với tư cách là thành viên chính thức của AIPO đã tích cực tham gia vào các Ủy ban của tổ chức khu vực này, vừa làm nghĩa vụ của nước thành viên, vừa phải đấu tranh bảo vệ đường lối quan điểm đối ngoại của Đảng, vừa bảo vệ lợi ích chính đáng của dân tộc mình.
Trong quan hệ song phương, Ủy ban đã trực tiếp chỉ đạo phục vụ Đoàn Chủ tịch Quốc hội ta thăm hữu nghị chính thức tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á và một số nước Tây Bắc Âu. Những hoạt động này đã thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các nước đó, góp phần tích cực vào việc quyết định của Chính phủ các nước Tây Bắc Âu giảm hoặc xóa nợ cho nước ta và kết quả nổi bật là Hiệp định khung giữa Việt Nam và EU được ký kết; đã chỉ đạo chuẩn bị cho các đoàn Quốc hội cấp Phó Chủ tịch thực hiện các chuyến thăm tại các nước Trung Đông và các nước Đông Âu đạt kết quả tốt.
Ủy ban đối ngoại đã tổ chức thực hiện các hoạt động đối ngoại của Ủy ban thường vụ Quốc hội và phối hợp thực hiện những hoạt động đối ngoại của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban và Văn phòng Quốc hội, Hội đồng và các Ủy ban của Quốc hội đều đã có trao đổi đoàn với các Ủy ban tương ứng của Quốc hội các nước. Riêng Ủy ban quốc phòng và an ninh đi thăm Ấn Độ với danh nghĩa là Đoàn đại biểu Quốc hội. Theo thống kê chung, hàng năm, Ủy ban đối ngoại của Quốc hội tổ chức hoặc giúp tổ chức thực hiện trao đổi khoảng 60 đoàn đại biểu Quốc hội các nước kể cả đoàn ra, đoàn vào.
Ủy ban đối ngoại đã thực hiện việc trao đổi các đoàn với Ủy ban đối ngoại của Quốc hội các nước. Với đặc điểm của nhiệm kỳ này, do công cuộc đổi mới thu được những thành tựu quan trọng, nhất là trong lĩnh vực đối ngoại, Ủy ban hoạt động chuyển từ chế độ bán chuyên trách sang chế độ chuyên trách, cố gắng chỉ đạo và tích cực tham gia mọi hoạt động đối ngoại của Quốc hội, góp phần đáng kể nâng cao vị thế và vai trò của Nhà nước ta trên trường quốc tế.
Cho đến nay, nhiều đại biểu Quốc hội khóa IX đã được bố trí đi thăm hoặc làm việc tại nước ngoài, Ủy ban đối ngoại có chủ trương lần lượt bố trí cho các đại biểu địa phương, cơ sở chưa có dịp đi nước ngoài tham gia vào các đoàn đại biểu thăm các nước.
Về nội dung hoạt động đối ngoại của Quốc hội, ta tập trung vào việc làm cho quốc tế thấy rõ hơn về đổi mới của ta, đặc biệt là đổi mới về chính trị, trong đó chú trọng đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội ta, đại diện cho nhân dân cả nước, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Từ đó, làm rõ Nhà nước của ta thực sự là Nhà nước của dân, do dân và vì dân cho nên Nhà nước ta hết sức phát huy dân chủ, tự do, hết sức tôn trọng quyền con người, bác bỏ những luận điệu của các lực lượng phản động, xuyên tạc vu cáo ta về vấn đề nhân quyền và tự do dân chủ.
Tiếng nói của đoàn Quốc hội ta trong các diễn đàn đa phương cũng như trong các cuộc tiếp xúc song phương ngày càng được coi trọng và đánh giá cao. Trên thực tế, hoạt động đối ngoại của Quốc hội ta đã phát triển theo nền ngoại giao nghị viện, vừa mang tính chính thức nhà nước, vừa mang tính nhân dân, hỗ trợ cho ngoại giao Chính phủ, góp phần gặt hái những thành tựu đáng kể trên mặt trận đối ngoại của nước ta.
2. Công tác xây dựng pháp luật:
Ủy ban đã chủ trì thẩm tra các báo cáo về hoạt động đối ngoại của Chính phủ trước khi trình ra các kỳ họp toàn thể của Quốc hội, các dự án luật và pháp lệnh cần thiết đối với việc quản lý công tác đối ngoại hiện nay: Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam; Pháp lệnh về cơ quan đại diện Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; Pháp lệnh về hàm, cấp ngoại giao; chuẩn bị cho Quốc hội ta phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.
Ủy ban còn tham gia thẩm tra các văn bản pháp luật, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội có liên quan đến đối ngoại như Luật đầu tư nước ngoài (sửa đổi); Luật dầu khí, Bộ luật Lao động, dự án Pháp lệnh công nhận thủ tục và thi hành tại Việt Nam, các bản án của Tòa án nước ngoài, Dự án Pháp lệnh về hôn nhân và gia đình của công dân Việt Nam với người nước ngoài.
Để tham gia thẩm định các văn bản trên có hiệu quả, Ủy ban đều tổ chức cuộc họp toàn thể Ủy ban hoặc gửi lấy ý kiến của mỗi thành viên trong Ủy ban, thường xuyên kết hợp với Ủy ban pháp luật và các Ủy ban, các Bộ có liên quan.
Những pháp lệnh có liên quan đến hoạt động đối ngoại do Ủy ban đối ngoại chủ trì thẩm tra và được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động đối ngoại của Nhà nước ta. Pháp lệnh về hàm, cấp ngoại giao là cơ sở pháp lý để xây dựng ngành Ngoại giao chính quy nhằm đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của công tác đối ngoại trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, chất lượng công tác xây dựng pháp luật của Ủy ban còn bị hạn chế do còn thiếu chuyên viên được đào tạo cơ bản và thành thạo về luật pháp quốc tế để phục vụ cho công tác quan trọng này của Ủy ban.
3. Công tác giám sát:
Theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, Ủy ban đối ngoại đã tiến hành giám sát thực hiện luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực đối ngoại, giám sát hoạt động của các cơ quan Chính phủ trong việc thực hiện chính sách đối ngoại của Nhà nước.
Trong nhiệm kỳ, Ủy ban đối ngoại đã tiến hành công tác giám sát một số vấn đề bức xúc ở trong nước như việc thực hiện Pháp lệnh về “Xuất nhập cảnh, cư trú và đi lại của người nước ngoài ở Việt Nam” ở các địa phương (Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Nam - Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên - Huế, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng) và làm việc với Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Tổng cục Du lịch. Sau khi nghe địa phương và cơ sở báo cáo, Thường trực Ủy ban có nêu một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau dưới hình thức chất vấn để các Bộ trả lời bằng văn bản.
Ủy ban cũng đã tiến hành giám sát hoạt động đối ngoại tại Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Sông Bé là những nơi có nhiều hoạt động đối ngoại.
Ủy ban đã giám sát việc thực hiện Pháp lệnh về Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài ở Đại sứ quan Việt Nam ở Canađa, Pháp, Ấn Độ, Philíppin, Thái Lan.
Qua các đợt giám sát có thể rút ra một số nhận xét chung sau đây:
Pháp lệnh về xuất nhập cảnh, cư trú và đi lại của người nước ngoài ở Việt Nam và các nghị định, thông tư của Chính phủ đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc quản lý những tổ chức và cá nhân người nước ngoài ra, vào Việt Nam, làm việc và sinh sống tại Việt Nam. Các địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc khắc phục khó khăn để thực hiện nghiêm chỉnh Pháp lệnh và các văn bản pháp luật liên quan. Nhìn chung, số vi phạm gây ảnh hưởng nghiêm trọng, xảy ra rất ít. Điều kiện làm việc, tính mạng và tài sản của người nước ngoài được bảo đảm và cải thiện đã làm cho họ yên tâm làm việc tại Việt Nam. Điều đó có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy công tác hợp tác và đầu tư của các tập đoàn, v.v. công ty nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế nhất định: quy trình chưa thống nhất, còn những kẽ hở để một số tổ chức và cá nhân lợi dụng vào mục đích vụ lợi, gây một số lộn xộn trong đời sống kinh tế xã hội, ảnh hưởng nhiều đến công tác quản lý.
Trong khi thực hiện chính sách đối ngoại mở rộng của Đảng và Nhà nước ta, các địa phương đã chủ động thực hiện công tác đối ngoại có kết quả. Tuy vậy, các cơ quan Trung ương theo ngành dọc và lãnh đạo các tỉnh thành cần có kế hoạch sắp xếp tổ chức hợp lý, đủ mạnh và bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ làm tốt cả công tác chính trị đối ngoại và kinh tế đối ngoại ở địa phương. Lực lượng cán bộ này cần có phẩm chất chính trị tốt, giỏi về nghiệp vụ và ngoại ngữ để đáp ứng nhiệm vụ ngày càng nặng nề của công tác này.
Việc thi hành Pháp lệnh về xuất nhập cảnh, cư trú và đi lại của người nước ngoài ở Việt Nam thi hành không được nghiêm do việc cấp visa vẫn tiếp tục gây ra nhiều tiêu cực, không được ngăn chặn, mặc dù Ủy ban đã có nhiều lần kiến nghị những biện pháp khắc phục.
4. Công tác nghiên cứu:
Thường trực Ủy ban coi trọng công tác nghiên cứu, chỉ đạo Vụ đối ngoại tìm hiểu về Quốc hội các nước trên thế giới. Cuốn sách Nghị viện các nước trên thế giới đã được xuất bản và phân phát rộng rãi cho các đại biểu Quốc hội. Hiện đang chuẩn bị ra cuốn sách về các tổ chức Nghị viện quốc tế và khu vực như về IPU, AIPO, AIPLF, EP..., để phục vụ các đại biểu Quốc hội ta có thêm hiểu biết để tham gia vào các hoạt động chung của Quốc hội.
III- TỔ CHỨC NGHỊ SĨ VIỆT NAM HỮU NGHỊ
VỚI CÁC NƯỚC
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX đã thành lập Tổ chức nghị sĩ Việt Nam hữu nghị với các nước. Tổ chức mang tính chất tự nguyện của các nghị sĩ và tính chất tương đối độc lập trong khuôn khổ Quốc hội, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội có sự phối hợp chặt chẽ với Ủy ban đối ngoại của Quốc hội.
Ban lãnh đạo tổ chức gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Chủ tịch các Nhóm nghị sĩ hữu nghị với các nước. Chủ tịch nhóm là Ủy viên Ủy ban đối ngoại để tiện kết hợp trong công tác là hợp lý. Vụ đối ngoại trực tiếp phục vụ cho công tác của tổ chức này nên không phải đẻ thêm ra bộ máy và biên chế. Đến nay, đã thành lập được Nhóm nghị sĩ hữu nghị với các nước Lào, Trung Quốc, Cuba, Thái Lan, Pháp, Nhật Bản, Nga, Bỉ, Philíppin, Canađa, Hàn Quốc, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Mêhicô, Nghị viện châu Âu.
Tổ chức Nghị sĩ hữu nghị với các nước là bộ phận cấu thành của hoạt động đối ngoại Quốc hội làm cho các hình thức hoạt động của Quốc hội thêm phong phú, đa dạng. Vừa qua, có một số đoàn nghị sĩ nước ngoài đến thăm và làm việc chính thức với Quốc hội ta với danh nghĩa là Đoàn nghị sĩ hữu nghị, nhưng có một số đoàn vào làm việc mà Quốc hội ta không có Ủy ban tương ứng để tiếp nên Ủy ban thường vụ Quốc hội đã giao cho Tổ chức nghị sĩ hữu nghị Việt Nam làm đối tác chính là rất thích hợp như đối với Ủy ban điều tra các vấn đề quốc tế của Nhật Bản, Ủy ban giao thông Quốc hội Đức, v.v..
Tuy tổ chức Nghị sĩ hữu nghị với các nước mới được thành lập, nhưng đã phát huy tác dụng thiết thực trong việc tiếp đón các đoàn nghị sĩ các nước, nhất là nghị sĩ các nước tư bản vào ta tìm hiểu tình hình. Qua các hoạt động trong khóa IX của Tổ chức nghị sĩ hữu nghị Việt Nam với các nước, Ủy ban đối ngoại thấy cần tiếp tục củng cố và phát triển tổ chức Tổ chức nghị sĩ hữu nghị Việt Nam với các nước và được chuyển giao lại Quốc hội khóa X.
V- ĐÁNH GIÁ CHUNG VÀ KIẾN NGHỊ
1. Đánh giá:
Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới trong công tác đối ngoại hiện nay, hoạt động của Ủy ban đối ngoại nhiệm kỳ khóa IX có những bước tiến bộ so với trước, Ủy ban đã có bộ phận chuyên trách trong đó có Chủ nhiệm và một Phó Chủ nhiệm Ủy ban; Vụ giúp việc cũng đã được tăng cường từng bước.
Ủy ban đã cố gắng, chủ động trong mọi hoạt động, góp phần tích cực có hiệu quả vào tất cả các hoạt động đối ngoại của Quốc hội nhằm đưa công tác đối ngoại Quốc hội ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn.
Ủy ban đã thực hiện việc giám sát các hoạt động đối ngoại của các cơ quan của Chính phủ, các địa phương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Quan hệ phối hợp với Hội đồng dân tộc và các Ủy ban, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan liên quan khác của Đảng và Nhà nước trong công tác đối ngoại tương đối tốt.
Tuy nhiên, do công tác đối ngoại của Nhà nước ta nói chung và của Quốc hội nói riêng ngày càng lớn và phức tạp, song bộ máy chuyên trách của Ủy ban đối ngoại và bộ máy giúp việc còn quá mỏng, do đó, Ủy ban mới chú trọng thực hiện được một số hoạt động chính về đối ngoại, chưa có điều kiện đi sâu vào công tác lập pháp, giám sát đối ngoại, kinh tế đối ngoại; hoặc phân công người chuyên sâu trong từng khu vực, địa bàn và từng lĩnh vực.
Việc cấu tạo thành phần Ủy ban đối ngoại khóa IX vừa có mặt thuận là các ủy viên Ủy ban gồm các đồng chí giữ cương vị trọng trách của các cơ quan quan trọng của Đảng và Nhà nước, Chính phủ, vừa có mặt hạn chế vì các đồng chí đó không có điều kiện thời gian tham gia công tác của ủy ban.
2. Kiến nghị:
Tăng cường số lượng đại biểu trong Ủy ban nhất là tăng cường đại biểu chuyên trách của Ủy ban và nên có người chuyên trách về từng lĩnh vực và từng khu vực địa bàn. Chuyên trách gồm Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm, cần có các Ủy viên Ủy ban đối ngoại tại miền Bắc, miền Trung, miền Nam.
Tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội làm công tác đối ngoại: Công tác đối ngoại là công tác chính trị, vì vậy, các ủy viên đối ngoại cần phải có trình độ chính trị và bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm chắc đường lối quan điểm của Đảng. Mặt khác, do yêu cầu của công tác này, ủy viên đối ngoại cần có trình độ ngoại ngữ, nhất là đại biểu chuyên trách phải thông thạo ít nhất một ngoại ngữ thông dụng hiện nay để đi hoạt động quốc tế được, các ủy viên đối ngoại cũng cần am hiểu về đối ngoại và một số hiểu biết về luật pháp quốc tế, kinh tế đối ngoại, an ninh quốc phòng...
Hình thành nhóm cộng tác viên đối ngoại của Ủy ban gồm những người có quan điểm đúng đắn, có hiểu biết rộng, có kinh nghiệm đối ngoại. Quốc hội cần có chính sách đãi ngộ thích đáng, thường xuyên và đối với từng vụ việc làm theo yêu cầu.
Tăng cường củng cố Vụ đối ngoại: Cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề củng cố bộ máy của Vụ, cần tăng cường về số lượng, đặc biệt chuyên viên về tổng hợp, về luật pháp quốc tế và kinh tế đối ngoại. Chú ý việc đào tạo nghiệp vụ, ngoại ngữ cho cán bộ.
Tổ chức Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam với các nước được chuyển giao lại khóa X.
Cần có cơ chế phối hợp giữa Ủy ban đối ngoại và Bộ Ngoại giao. Với việc Nhà nước ta gia nhập ASEAN, Quốc hội ta là thành viên của AIPO, cần có cơ chế để phối hợp hoạt động, vừa bảo đảm tính thống nhất, vừa mang tính đặc thù của hai tổ chức.
Đất nước ta đã qua hơn 10 năm đổi mới, những quy định về lễ tân đã được quy định từ 40 năm về trước nên có nhiều điểm không thích hợp. Vì vậy, cần có quy định mới về lễ tân cho cả Trung ương và các địa phương.
TM. ỦY BAN ĐỐI NGOẠI
Chủ nhiệm
HOÀNG BÍCH SƠN
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội