TỜ TRÌNH CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
VỀ DỰ ÁN LUẬT BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
(SỬA ĐỔI)
(Do ông Vũ Mão, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội,
Trưởng Ban soạn thảo Dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội
đọc tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá IX, ngày 02-4-1997)
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Luật bầu cử đại biểu Quốc hội hiện hành được Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 15-4-1992. Trên cơ sở quy định của Luật này, đã tiến hành cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX vào ngày 19-7-1992, bầu ra 395 đại biểu Quốc hội, những người đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân, thay mặt nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình tại cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội (sửa đổi) trình Quốc hội lần này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở nghiên cứu, tổng kết thực tiễn của các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội trước đây, những vấn đề đặt ra qua việc đánh giá những kết quả và những tồn tại trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ khóa IX.
Luật bầu cử đại biểu Quốc hội được Quốc hội thông qua trong kỳ họp này sẽ là cơ sở để tiến hành cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa X, nhằm bầu ra những đại biểu Quốc hội có chất lượng cao, để góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo tinh thần Nghị quyết đại hội lần thứ VIII của Đảng.
Dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội (sửa đổi) đã được các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan hữu quan, các vị đại biểu Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội, các tổ chức chính trị - xã hội đóng góp ý kiến.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến và hoàn chỉnh Dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội (sửa đổi) và xin trình Quốc hội.
I- VỀ CÁC VẤN ĐỀ CẦN SỬA ĐỔI, BỔ SUNG
Dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội (sửa đổi) đề cập các vấn đề sau đây:
- Quyền bầu cử và ứng cử của công dân.
- Tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội.
- Tổng số đại biểu Quốc hội.
- Các tổ chức phụ trách bầu cử.
- Việc ứng cử và hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội.
- Việc xác định kết quả bầu cử, bầu cử thêm, bầu cử lại.
Các vấn đề được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng đòi hỏi của yêu cầu mới và phù hợp với Hiến pháp năm 1992.
II- BỐ CỤC CỦA DỰ ÁN LUẬT
Dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội (sửa đổi) gồm 10 chương, 77 điều (Luật hiện hành gồm 10 chương, 70 điều), trong đó có 10 điều mới, 46 điều sửa đổi, bổ sung.
- Chương I: Những quy định chung.
- Chương II: Số đại biểu Quốc hội, đơn vị bầu cử và khu vực bỏ phiếu.
- Chương III: Các tổ chức phụ trách bầu cử.
- Chương IV: Danh sách cử tri.
- Chương V: Ứng cử và hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội.
- Chương VI: Trình tự bầu cử.
- Chương VII: Kết quả bầu cử.
- Chương VIII: Việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội.
- Chương IX: Xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về bầu cử.
- Chương X: Điều khoản thi hành.
III- NỘI DUNG CẦN SỬA ĐỔI
1. Quyền bầu cử, ứng cử:
Tại Điều 2 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội hiện hành đã quy định những nguyên tắc chung về quyền bầu cử và ứng cử của công dân. Còn quy định cụ thể đối với các trường hợp công dân bị tước quyền bầu cử, công dân không được sử dụng quyền bầu cử, công dân bị mất trí không được tham gia bầu cử thì được hướng dẫn tại Nghị quyết của Hội đồng Nhà nước.
Chúng tôi thấy nội dung này rất quan trọng, liên quan đến quyền cơ bản của công dân. Vì vậy, cần thiết được quy định trong Luật bầu cử đại biểu Quốc hội.
Về cách thể hiện nội dung trên thì có các loại ý kiến sau:
- Loại ý kiến thứ nhất: Đề nghị cụ thể hóa các nội dung về quyền bầu cử và ứng cử của công dân đối với từng trường hợp vào Chương I (những quy định chung).
- Loại ý kiến thứ hai: Đề nghị có một chương riêng quy định vấn đề này.
- Loại ý kiến thứ ba: Đề nghị giữ nguyên Điều 2 của Luật hiện hành. Bổ sung quy định những trường hợp công dân bị tước quyền bầu cử, không sử dụng quyền bầu cử, không tham gia bầu cử vào Điều 22 Chương IV (danh sách cử tri). Bổ sung quy định những trường hợp công dân không được quyền ứng cử vào Điều 27 Chương V (ứng cử và hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội).
Chúng tôi thấy loại ý kiến thứ ba là hợp lý và đã thể hiện trong Dự án Luật.
2. Tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội:
Tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội là nội dung rất quan trọng, góp phần quyết định chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Xác định được vấn đề đó, tại Điều 3 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1992 đã chính thức quy định về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội. Đồng thời, trong quá trình chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa IX, do có quan tâm hơn trong chỉ đạo nên chất lượng của đại biểu Quốc hội đã được nâng lên một bước và góp phần vào kết quả hoạt động của Quốc hội khóa IX.
Tuy nhiên, vì các lý do khác nhau, hoạt động của đại biểu Quốc hội vẫn còn hạn chế. Để Quốc hội khóa tới hoàn thành tốt hơn trách nhiệm của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới, Quốc hội phải gồm các đại biểu có phẩm chất đạo đức, có năng lực và điều kiện hoạt động để quyết định các vấn đề quan tâm của đất nước.
Về cách thể hiện nội dung của tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, thì trong quá trình soạn thảo và các ý kiến đóng góp rất phong phú. Các loại ý kiến như sau:
- Có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn tiêu chuẩn về trình độ, năng lực của đại biểu Quốc hội. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng không nên quy định quá cụ thể về các tiêu chuẩn, nhất là về trình độ văn hóa mà chỉ nên quy định những tiêu chuẩn cơ bản còn trong quá trình tổ chức chỉ đạo thực hiện sẽ vận dụng cụ thể đối với từng đối tượng khác nhau.
- Nhiều ý kiến nhấn mạnh tới điều kiện hoạt động của đại biểu Quốc hội, coi đây như một yếu tố rất quan trọng để người đại biểu làm tròn nhiệm vụ của mình.
Nhiều ý kiến đề nghị nói rõ đại biểu Quốc hội phải có mối liên hệ mật thiết với cử tri.
Tiếp thu các ý kiến nêu trên, xin đề nghị Điều 3 về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội được viết như sau:
“Tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội:
1- Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.
2- Có phẩm chất và đạo đức tốt, gương mẫu chấp hành pháp luật.
3- Có trình độ hiểu biết và năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, đáp ứng yêu cầu tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
4- Liên hệ, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.
5- Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội”.
3. Về việc Mặt trận Tổ quốc giám sát cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội:
Có ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 4 quy định về quyền giám sát của Mặt trận Tổ quốc trong cuộc bầu cử.
Chúng tôi đề nghị bổ sung vào dự án luật nội dung này. Điều 4 được viết lại như sau:
“Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, tham gia giám sát cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội”.
4. Tổng số đại biểu Quốc hội và cách phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Tổng số đại biểu Quốc hội:
Các khóa Quốc hội trước đây có tổng số đại biểu Quốc hội khác nhau. Từ Quốc hội khóa I đến Quốc hội khóa III, thì tổng số đại biểu Quốc hội có từ 403 đến 453 đại biểu. Từ Quốc hội khóa IV (1971) đến Quốc hội khóa VIII (1987), thì tổng số đại biểu Quốc hội có từ 420 đến 496 đại biểu.
Luật bầu cử đại biểu Quốc hội hiện hành quy định tổng số đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không quá 400 người. Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX đã bầu 395 đại biểu.
Trong thực tế, với số lượng đại biểu Quốc hội khóa IX không quá 400 người, thì khi chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn, bố trí đại biểu Quốc hội ở các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương. Cụ thể là:
- Theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội 1992, ở mỗi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đã được bố trí ít nhất ba đại biểu. Đây là bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, khi bố trí cụ thể, nhất là đối với các tỉnh có số dân ít mà lại có nhiều dân tộc thì gặp nhiều trở ngại.
- Một số ngành, lĩnh vực quan trọng không được phân bổ đại biểu Quốc hội. Một số tổ chức, đoàn thể thì giảm bớt hoặc không có đại biểu, nên cũng chưa hài lòng.
Việc bố trí tổng số đại biểu Quốc hội khóa X được căn cứ vào các phân tích nêu trên và quan tâm tới các vấn đề sau:
- Hiện nay, dân số đã tăng lên so với năm 1992.
- Số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng từ 53 lên 61.
- Đa số các ý kiến đóng góp đều đề nghị tổng số đại biểu Quốc hội không quá 450 người.
Vì vậy, xin đề nghị tổng số đại biểu Quốc hội được quy định tại Điều 8 của Dự án Luật là không quá 450 người.
b) Cách phân bổ số đại biểu Quốc hội:
Trong Luật bầu cử đại biểu Quốc hội hiện hành chưa quy định việc Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định cơ cấu thành phần đại biểu Quốc hội, số lượng người của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội; cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương được bầu làm đại biểu Quốc hội. Nhưng, trong thực tế thì Ủy ban thường vụ Quốc hội (trước đây là Hội đồng Nhà nước) đã cùng với các cơ quan hữu quan dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội thuộc các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương. Vì vậy, cần quy định vấn đề này trong Luật để Ủy ban thường vụ Quốc hội có cở pháp lý thực hiện nhiệm vụ của mình. Một vấn đề cần được chú ý là đối với cơ cấu và số lượng đại biểu Quốc hội ở địa phương theo ngành và đoàn thể thì lâu nay chưa quan tâm đến việc tạo điều kiện cho Ban lãnh đạo của các tổ chức này tham gia đầy đủ để góp phần lựa chọn những đại biểu ưu tú tiêu biểu cho ngành, giới mình ở địa phương. Vì vậy, cần tạo điều kiện để các tổ chức, đoàn thể tham gia ý kiến trong việc chuẩn bị cơ cấu đại biểu Quốc hội, nhất là việc giới thiệu người ứng cử thuộc ngành, giới mình trong phạm vi cả nước. Làm được như vậy sẽ phát huy vai trò của các đoàn thể trong việc giám sát và tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội theo ngành, giới hoạt động tốt hơn.
Nội dung này đã được thể hiện trong Điều 9 (mới) của Dự án Luật như sau:
Căn cứ vào số lượng đại biểu Quốc hội quy định tại Điều 8 của Luật này, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, để bảo đảm tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp nhân dân, sau khi tham khảo ý kiến của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến:
- Cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội;
- Số lượng đại biểu được bầu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội; cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương;
- Số lượng đại biểu Quốc hội làm việc theo chế độ chuyên trách.
Tiếp theo đó, tại Điều 29 (mới) của Dự án Luật cũng đã quy định:
Căn cứ kết quả hiệp thương lần thứ nhất của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội; số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội; cơ quan nhà nước ở Trung ương và ở địa phương được bầu làm đại biểu Quốc hội.
5. Về tổ chức phụ trách bầu cử:
Về cơ bản các quy định về tổ chức phụ trách bầu cử vẫn giữ như Luật hiện hành. Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung cụ thể như về thành phần, cách thức thành lập, thời gian thành lập và nhiệm vụ của các tổ chức phụ trách bầu cử cho phù hợp với các quy định ở các chương, điều khác của Dự án Luật và quy định của pháp luật hiện hành.
6. Về danh sách cử tri:
Chúng tôi đề nghị bổ sung các vấn đề sau:
- Hiện nay, nhiều quân nhân có hộ khẩu thường trú ở địa phương, để phù hợp với thực tế đó, đề nghị bổ sung quy định quân nhân có hộ khẩu thường trú ở địa phương thì được ghi tên vào danh sách cử tri nơi mình cư trú. Chỉ huy đơn vị cấp giấy giới thiệu để quân nhân được ghi tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu ở địa phương nơi cư trú.
- Trường hợp những người bị tước quyền bầu cử và những người chưa được ghi tên vào danh sách cử tri như đã phân tích ở trên được quy định tại Điều 22 của Dự án Luật.
7. Ứng cử và hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội:
Đây là một trong các vấn đề cốt lõi. Cần làm rõ nội dung này trong Luật bầu cử đại biểu Quốc hội. Nhiều ý kiến đề nghị cần có quy định cụ thể theo hướng phát huy dân chủ hơn nữa, tạo điều kiện để công dân thực hiện tốt hơn quyền bầu cử, ứng cử của mình.
Cùng với tiến trình đổi mới toàn diện của đất nước, thì quyền bầu cử, ứng cử của công dân càng ngày càng được bảo đảm một cách đầy đủ hơn. Hầu hết các ý kiến cho rằng quy định về việc hiệp thương, lựa chọn giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội như trong Luật hiện hành cơ bản là tương đối phù hợp và nhất trí với những quy định trong dự thảo về vấn đề ứng cử và hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội. Có ý kiến đề nghị trong Luật mới cần quy định rõ cơ chế để công dân thực hiện quyền tự ứng cử của mình.
Chúng tôi cho rằng, đây là vấn đề rất quan trọng và cần có bước đi thích hợp để vừa bảo đảm phát huy dân chủ, vừa bảo đảm để nhân dân lựa chọn những người thực sự xứng đáng làm đại biểu Quốc hội. Vì vậy, đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của chương này theo hướng: Hoàn chỉnh để luật hóa những quy định về quy trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử mà trước đây do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra văn bản hướng dẫn.
Trong Dự thảo Luật đã thể hiện nội dung này như sau:
a) Về người ứng cử và hồ sơ ứng cử:
Công dân ứng cử đại biểu Quốc hội ghi trong Dự án Luật được hiểu là những người được giới thiệu ra ứng cử và những người tự ứng cử phải có đơn và hồ sơ xin ứng cử đại biểu Quốc hội. Những người được các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội; cơ quan nhà nước ở Trung ương giới thiệu ứng cử thì nộp hồ sơ tại Hội đồng bầu cử Trung ương. Những người được các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội; cơ quan nhà nước ở địa phương giới thiệu ứng cử và những người tự ứng cử đại biểu Quốc hội thì nộp hồ sơ tại Ủy ban bầu cử của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi mình ứng cử. Sau khi nhận được hồ sơ của những người ứng cử nếu thấy hợp lệ theo quy định của Luật này, thì Hội đồng bầu cử gửi tiểu sử tóm tắt của những người được các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cơ quan nhà nước ở Trung ương giới thiệu đến Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ủy ban bầu cử tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi tiểu sử tóm tắt của những người được các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, cơ quan nhà nước ở địa phương giới thiệu ứng cử và tiểu sử tóm tắt của những người tự ứng cử đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để đưa vào danh sách hiệp thương.
Trong Dự án Luật cũng quy định những trường hợp công dân không được ứng cử đại biểu Quốc hội tại Điều 27.
b) Về hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội:
Trong quá trình thảo luận cũng có một số rất ít ý kiến đề nghị:
- Người tự ứng cử phải lấy được một số chữ ký của cử tri ủng hộ (như 500 chữ ký ...) và được ghi vào danh sách ứng cử mà không cần qua hiệp thương của Mặt trận Tổ quốc.
- Đồng ý người tự ứng cử cần qua hiệp thương của Mặt trận Tổ quốc, nhưng nếu họ không được giới thiệu thì vẫn để tên trong danh sách ứng cử.
Còn hầu hết các ý kiến đều đề nghị, những người được các cơ quan, tổ chức giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và những người tự ứng cử đều phải qua các bước hiệp thương của Mặt trận và được Mặt trận giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội thì mới được ghi tên vào danh sách những người ứng cử.
Vì vậy, Dự án Luật đã được thể hiện theo ý kiến của đa số mà đã nêu ở trên.
c) Về danh sách những người ứng cử:
Phần này quy định danh sách những người ứng cử là danh sách những người được các tổ chức, cơ quan giới thiệu và những người tự ứng cử qua hiệp thương đã được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội. Đồng thời, quy định thủ tục chuyển giao và công bố danh sách những người ứng cử.
d) Về việc vận động bầu cử:
Tại Điều 36 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội hiện hành quy định người ứng cử thực hiện quyền vận động bầu cử thông qua việc gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri và báo cáo với cử tri về trách nhiệm của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội. Việc gặp gỡ tiếp xúc cử tri do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức.
Nhiều ý kiến đề nghị nên quy định các tổ chức, cơ quan có quyền vận động cho những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và tạo điều kiện để người ứng cử thực hiện việc vận động bầu cử bằng hình thức phát biểu trên báo chí, đài phát thanh, vô tuyến truyền hình ở Trung ương và địa phương.
Chúng tôi thấy đề nghị này là hợp lý và quy định tại các Điều 41, 42 trong Dự án Luật.
8. Về việc xác định người trúng cử trong trường hợp nhiều người có số phiếu hợp lệ bằng nhau, việc bầu cử thêm, bầu cử lại, bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội:
a) Việc xác định người trúng cử trong trường hợp có nhiều người có phiếu bầu bằng nhau:
Theo quy định của Luật hiện hành thì trong đơn vị bầu cử, người ứng cử đại biểu Quốc hội đạt quá nửa số phiếu hợp lệ và được nhiều phiếu hơn là người trúng cử. Trong trường hợp nhiều người có số phiếu bầu bằng nhau thì người nhiều tuổi hơn được trúng cử.
Một số ý kiến cho rằng quy định này cần được cân nhắc và sửa đổi để phù hợp với Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, bảo đảm sự thống nhất trong các quy định pháp luật. Do vậy, đề nghị sửa đổi quy định này theo hướng: khi có nhiều người được số phiếu bầu bằng nhau và đạt quá nửa số phiếu hợp lệ thì Hội đồng bầu cử xét, quyết định người trúng cử theo đề nghị của Ủy ban bầu cử và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Chúng tôi vẫn giữ quy định này như Luật hiện hành.
b) Việc bầu cử thêm và bầu cử lại:
Trong Luật hiện hành quy định việc xác định kết quả người trúng cử trong cuộc bầu cử thêm hoặc bầu cử lại không cần phải có quá nửa số phiếu hợp lệ và không cần phải có quá nửa số cử tri đi bầu.
Nhiều ý kiến đề nghị cần cân nhắc và xem xét lại quy định này, và cho rằng quy định như vậy tạo nên sự không bình đẳng trong việc tính phiếu đối với người trúng cử ở cuộc bầu cử lần đầu và như vậy sẽ tạo điều kiện cho một số người chưa hội đủ sự tín nhiệm của nhân dân vẫn được bầu làm đại biểu Quốc hội.
Chúng tôi thấy những ý kiến đó là hợp lý và đề nghị sửa đổi quy định này theo hướng: Đối với cuộc bầu cử thêm và bầu cử lại chỉ có giá trị khi có quá nửa số cử tri đi bầu. Người trúng cử phải được quá nửa số phiếu hợp lệ. Nếu bầu cử thêm mà vẫn chưa đủ số đại biểu thì không tổ chức bầu cử thêm lần thứ hai; nếu bầu cử lại mà số cử tri đi bầu vẫn chưa được quá nửa số cử tri ghi trong danh sách thì không tổ chức bầu cử lại lần thứ hai.
Có ý kiến đề nghị trong cuộc bầu cử thêm, bầu cử lại không nên tiếp tục bầu người có tên trong danh sách những người ứng cử lần đầu. Qua nghiên cứu thấy rằng, nếu bầu cử theo danh sách những người ứng cử mới thì không bảo đảm thời gian để tiến hành các bước đề cử, hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội. Do đó, đề nghị vẫn giữ quy định như Luật hiện hành.
c) Việc hủy bỏ các cuộc bầu cử ở đơn vị có vi phạm pháp luật và quyết định bầu cử lại:
Trong Luật bầu cử đại biểu Quốc hội hiện hành mới chỉ quy định việc bầu cử lại đối với trường hợp các đơn vị bầu cử nào có số cử tri đi bầu chưa đạt quá nửa số cử tri ghi trong danh sách; chưa có quy định về việc xử lý cuộc bầu cử ở đơn vị có vi phạm pháp luật nghiêm trọng và quyết định việc bầu lại ở các đơn vị này. Nhiều ý kiến nhất trí đề nghị bổ sung quy định về việc hủy bỏ cuộc bầu cử ở đơn vị bầu cử có vi phạm pháp luật để bảo đảm tính chặt chẽ của pháp luật. Chúng tôi đề nghị bổ sung vào Dự án Luật một điều như sau:
“Hội đồng bầu cử tự mình hoặc theo đề nghị của Chính phủ, của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc của Ủy ban bầu cử tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hủy bỏ cuộc bầu cử ở đơn vị có vi pháp luật nghiêm trọng và quyết định việc bầu cử lại ở đơn vị bầu cử đó” (Điều 62 mới).
*
* *
Trên đây là nội dung sửa đổi, bổ sung Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội