TỜ TRÌNH CỦA CHÍNH PHỦ VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ VỀ CÁC TỘI THAM NHŨNG, MA TÚY, TỘI PHẠM VỀ TÌNH DỤC ĐỐI VỚI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN
(Do ông Nguyễn Đình Lộc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp
đọc tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá IX, ngày 07-4-1997)
I- SỰ CẦN THIẾT PHẢI SỬA ĐỔI, BỔ SUNG
Bộ luật hình sự là Bộ luật đầu tiên của Nhà nước ta, được Quốc hội thông qua ngày 27 tháng 6 năm 1985 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 1986.
Là Bộ luật lớn được ban hành trên cơ sở pháp điển hóa các văn bản pháp luật hình sự của Nhà nước ta được ban hành từ những năm đầu của chính quyền cách mạng đến giữa những năm 80, cũng như thể chế hóa chính sách hình sự của Nhà nước ta trong thời kỳ cả nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội, Bộ luật hình sự là một công cụ sắc bén của Nhà nước, của nhân dân, đã phát huy vai trò, tác dụng to lớn trong công cuộc bảo vệ những thành quả của cách mạng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong quá trình phát huy tác dụng, từ ngày ban hành đến cuối năm 1992, Bộ luật hình sự đã được Quốc hội bổ sung, sửa đổi ba lần (tháng 12-1989, tháng 8-1991 và tháng 12-1992).
Tuy nhiên, do được xây dựng và ban hành trong bối cảnh tình hình kinh tế xã hội của đất nước và tình hình quốc tế có nhiều điểm khác cơ bản so với giai đoạn hiện nay, dù đã được sửa đổi, bổ sung một số lần, nhưng trong tình hình mới hiện nay, Bộ luật hình sự đã bộc lộ rõ những nhược điểm không còn có thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung cơ bản, toàn diện Bộ luật hình sự là một đòi hỏi khách quan và cấp thiết của hoạt động lập pháp và áp dụng pháp luật trong điều kiện phát triển về kinh tế và xã hội hiện nay của nước ta.
Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu nói trên đòi hỏi phải có thời gian. Trong khi đó, một số tội phạm liên quan đến tham nhũng, ma túy, các tội phạm về tình dục đối với người chưa thành niên đang có nguy cơ phát triển, gây tác hại nghiêm trọng về nhiều mặt trong đời sống kinh tế - xã hội hiện nay. Mặc dầu pháp luật của Nhà nước ta, trong đó có Bộ luật hình sự đã có một số quy định làm cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm này, song trước tình hình phát triển nghiêm trọng và tương đối phổ biến của tệ nạn tham nhũng, ma túy, hiếp dâm, đặc biệt là hiếp dâm trẻ em, thì những quy định của Bộ luật hình sự hiện hành đã có những điểm bất cập trước tình hình, có những khiếm khuyết làm hạn chế hiệu quả đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm này. Để xử lý nghiêm minh và đấu tranh có hiệu quả hơn đối với các tệ nạn này, bên cạnh các chủ trương, biện pháp khác, đòi hỏi phải tăng cường biện pháp đấu tranh về mặt hình sự. Do đó, Bộ luật hình sự hiện hành cũng cần phải được nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung những điều khoản thích hợp cần thiết, phục vụ đắc lực và kịp thời cho cuộc đấu tranh này.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự về các tội tham nhũng, ma túy và các tội phạm về tình dục đối với người chưa thành niên.
II- CƠ CẤU CỦA DỰ ÁN LUẬT
Dự án Luật gồm 5 điều:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự hiện hành liên quan đến tham nhũng, gồm:
1- Sửa đổi, bổ sung Điều 133 Bộ luật hình sự về tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa;
2- Tách điểm (đ), khoản 2, Điều 134 Bộ luật hình sự thành một điều mới - Điều 134a về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa;
3- Tách từ Điều 137 Bộ luật hình sự tội sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa thành một điều mới - Điều 137a về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa;
4- Sửa đổi, bổ sung Điều 156 Bộ luật hình sự về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của công dân;
5- Sửa đổi, bổ sung Điều 175 Bộ luật hình sự về tội lập quỹ trái phép;
6- Tách và sửa đổi, bổ sung Điều 221 Bộ luật hình sự, Tội lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ thành 2 điều: Điều 221 về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Điều 221a về tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ;
7- Sửa đổi, bổ sung Điều 224 Bộ luật hình sự về tội giả mạo trong công tác;
8- Sửa đổi, bổ sung Điều 226 Bộ luật hình sự về tội nhận hối lộ;
9- Bổ sung Điều 227a (mới) về tội sử dụng công quỹ để đưa hối lộ;
10- Bổ sung Điều 228a (mới) về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi.
11- Bổ sung Điều 228b (mới) về tội nhận tài sản dưới dạng quà biếu liên quan đến công tác.
Điều 2. Bổ sung vào Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự một chương mới - Chương VIIa về các tội phạm liên quan đến ma túy, gồm:
1- Điều 185a về tội trồng trái phép cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy;
2- Điều 185b về tội sản xuất trái phép chất ma túy;
3- Điều 185c về tội tàng trữ trái phép chất ma túy;
4- Điều 185d về tội vận chuyển trái phép chất ma túy;
5- Điều 185đ về tội mua bán trái phép chất ma túy;
6- Điều 185e về tội chiếm đoạt chất ma túy;
7- Điều 185g về tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng để điều chế trái phép chất ma túy;
8- Điều 185h về tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng để điều chế trái phép chất ma túy;
9- Điều 185i về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy;
10- Điều 185k về tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy;
11- Điều 185l về tội sử dụng trái phép chất ma túy;
12- Điều 185m về tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy;
13- Điều 185n về tội pha trộn chất ma túy vào thức ăn, đồ uống, hút;
14- Điều 185(o) về tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng chất ma túy phục vụ cho mục đích y tế, nghiên cứu khoa học;
Điều 3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự liên quan đến các tội phạm về tình dục đối với người chưa thành niên, gồm:
1- Tách từ Điều 112 Bộ luật hình sự thành một điều mới - Điều 112a về tội hiếp dâm trẻ em;
2- Bổ sung Điều 113a (mới) về tội cưỡng dâm người chưa thành niên;
3- Sửa đổi, bổ sung Điều 114 Bộ luật hình sự về tội giao cấu với trẻ em dưới 16 tuổi;
4- Sửa đổi, bổ sung Điều 202 Bộ luật hình sự về tội chứa mại dâm, môi giới mại dâm;
5- Bổ sung Điều 202a (mới) về tội mua dâm người chưa thành niên.
6- Bổ sung Điều 202b (mới) về tội dâm ô đối với trẻ em.
Điều 4. Sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản có liên quan của Bộ luật hình sự khi tiến hành sửa đổi, bổ sung các điều nói tại các Điều 1, 2 và 3 của Dự án Luật này.
Điều 5. Thay thế một số điều, khoản, điểm của Bộ luật hình sự hiện hành có liên quan.
III- MỘT SỐ NỘI DUNG CHÍNH CỦA DỰ ÁN LUẬT
1. Về các tội liên quan đến tham nhũng:
Một trong những nguyên nhân làm hạn chế hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tệ nạn tham nhũng là pháp luật hiện hành chưa quy định đầy đủ, cụ thể các hành vi tham nhũng. Bộ luật hình sự hiện hành thường quy định các hành vi có tính chất tham nhũng và các hành vi phạm tội thông thường khác vào trong cùng một tội danh với khung hình phạt quá rộng. Điều này gây không ít khó khăn cho việc xác định đúng bản chất của hành vi tham nhũng cũng như việc xác định hình phạt nghiêm khắc cho từng tội về tham nhũng, do đó, đã tạo kẽ hở cho việc áp dụng pháp luật.
Vì vậy, Dự án Luật sửa đổi lần này đã cố gắng đến mức tối đa (trong khuôn khổ của một Dự án Luật sửa đổi) để khắc phục những hạn chế nói trên theo hướng:
1- Tăng mức hình phạt đối với hầu hết các tội liên quan đến tham nhũng;
2- Hầu hết các tội liên quan đến tham nhũng đều được cá thể hóa, tăng khung hình phạt và trong những trường hợp cho phép thì chia thành 4 khung hình phạt (Bộ luật hình sự hiện hành phần lớn chỉ 2 khung, tối đa cũng chỉ có 3 khung) bảo đảm xác định chính xác hơn mức độ nguy hiểm của hành vi để quy định mức hình phạt thích đáng;
3- Bổ sung một số tình tiết tăng nặng định khung phù hợp với tình hình tội phạm và mức độ nguy hiểm của tội phạm, từ đó, có thể cá thể hóa chế tài xử phạt. Ví dụ, tình tiết “phạm tội có tổ chức” “người phạm tội có chức vụ cao”, “tài sản có giá trị lớn”, “rất lớn” hoặc “đặc biệt lớn”,...
4- Đối với một số tình tiết định khung như tài sản chiếm đoạt, hậu quả do hành vi phạm tội gây ra thì Dự án Luật cũng dự kiến chia thành 3 mức (tài sản có giá trị lớn - rất lớn - đặc biệt lớn hoặc hậu quả nghiêm trọng - rất nghiêm trọng - đặc biệt nghiêm trọng) tương ứng với các khung hình phạt khác nhau.
Để cụ thể hóa các hành vi phạm tội, quy định cụ thể, rõ ràng các dấu hiệu cấu thành tội phạm, bảo đảm cho việc áp dụng thống nhất pháp luật, Dự án Luật đã tách các điều, khoản của Bộ luật hình sự hiện hành và bổ sung nhiều hành vi mới, như các Điều 134a, 137a, 221a, 227a, 228a và Điều 228b. Việc tách các hành vi: lợi dụng chức vụ, quyền hạn để lừa đảo, sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa, lạm quyền để trục lợi, sử dụng công quỹ để đưa hối lộ, gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi, nhận tài sản có giá trị lớn dưới dạng quà biếu liên quan đến công tác đã làm rõ hơn bản chất nguy hiểm của các hành vi tham nhũng trá hình này, qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng hình phạt thích đáng đối với từng mức độ vi phạm cụ thể, khắc phục được tình trạng quy định quá chung với khung hình phạt quá rộng, khó áp dụng và dễ bị áp dụng tùy tiện như hiện nay. Ví dụ, Điều 134a được tách từ điểm (đ) khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự và được cơ cấu thành một tội danh độc lập với 4 khung hình phạt là hết sức cần thiết. Vì trên thực tế, điều luật cũ rất khó áp dụng và nếu có áp dụng cũng khó bảo đảm sự chính xác và nghiêm khắc cần thiết. Nếu nhìn vào khung hình phạt của điều luật cũ (khởi điểm là 3 năm đến 12 năm và “phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình”) thì nhìn chung, quy định hình phạt như vậy là rất nghiêm khắc, nhưng trên thực tế, lại rất khó áp dụng vì quá “cứng” và quá rộng do thiếu các tình tiết định khung để có thể phân biệt được mức độ vi phạm để chuyển từ mức phạt này sang mức phạt khác. Điều luật mới - Điều 134a với khung hình phạt khởi điểm là tù từ 1 năm đến 6 năm, khung 2 phạt tù từ 6 năm đến 13 năm, khung 3 phạt tù từ 13 năm đến 20 năm và khung 4 tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình với những tình tiết định khung cụ thể đã cố gắng khắc phục hạn chế nêu trên. Cách quy định mới này nghiêm khắc hơn nhiều so với điều luật cũ.
Để bảo đảm xử lý nghiêm khắc các tội tham nhũng, Dự án Luật cũng đã sửa đổi các điều, khoản về hình phạt bổ sung có liên quan nhằm tăng mức phạt tiền và trong một số trường hợp, Dự án Luật quy định cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề, làm công việc nhất định, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản của người phạm tội là hình phạt bổ sung bắt buộc đối với một số tội phạm.
2. Về các tội liên quan đến ma túy:
Bộ luật hình sự hiện hành chỉ có hai điều quy định các tội danh liên quan đến việc sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy hoặc tổ chức dùng chất ma túy (Điều 96a và Điều 203 Bộ luật hình sự ). Thực tiễn áp dụng hai điều luật này cho thấy, việc quy định như vậy chưa đáp ứng được yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực này. Trước hết, việc cơ cấu tội sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy vào chương các tội xâm phạm an ninh quốc gia thể hiện được thái độ nghiêm khắc của Đảng và Nhà nước ta đối với loại tội phạm này, nhưng lại gây ra những khó khăn không cần thiết trong việc điều tra, đặc biệt là trong hợp tác quốc tế đấu tranh phòng và chống loại tội phạm ma túy vì Công ước quốc tế về kiểm soát ma túy năm 1988 không quy định các tội về ma túy là tội phạm chính trị. Thêm vào đó, việc quy định các tội liên quan đến ma túy ở hai chương khác nhau với chế tài xử phạt cũng rất khác nhau (tội sản xuất, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy ở Chương I - các tội xâm phạm an ninh quốc gia có mức hình phạt cao nhất là tử hình còn tội tổ chức dùng chất ma túy lại đặt ở Chương VIII về các tội xâm phạm an toàn, trật tự công cộng và trật tự quản lý hành chính với mức hình phạt cao nhất chỉ có 10 năm tù) đã bộc lộ sự bất hợp lý, vì đây chỉ là những mắt xích trong mối quan hệ liên hoàn từ sản xuất đến tiêu thụ các chất ma túy. Ngoài ra, việc quy định các hành vi phạm tội khác nhau về tính chất và mức độ nguy hiểm vào cùng một điều luật sẽ gây khó khăn cho việc xử lý, nhất là việc cá thể hóa hình phạt. Một vấn đề đặt ra là trước thực trạng phát triển ngày càng nghiêm trọng và trở thành tệ nạn đe dọa sự phát triển lành mạnh của giống nòi và là một trong những nguyên nhân làm phát sinh nhiều loại tội phạm khác thì việc gói gọn chỉ vào hai điều luật quy định về ma túy như Bộ luật hình sự hiện hành rõ ràng là chưa đáp ứng được yêu cầu bức xúc về đấu tranh phòng và chống loại tội phạm nguy hiểm này. Qua tham khảo các đạo luật về ma túy của một số nước như Canađa, Malaixia, Philíppin, Thái Lan..., thì thấy họ đều quy định rất cụ thể các hành vi tội phạm về ma túy.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, góp phần đấu tranh có hiệu quả đối với các tội phạm về ma túy cũng như tăng cường sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này và theo đề nghị của nhiều Bộ, ngành, địa phương, Chính phủ dự kiến sửa đổi Điều 96a và Điều 203 của Bộ luật hình sự và bổ sung một số hành vi phạm tội mới để quy định thành một chương riêng - Chương VIIa, các tội phạm về ma túy. Trong chương này, ngoài việc nghiên cứu tách Điều 96a và Điều 203 Bộ luật hình sự hiện hành thành các hành vi phạm tội độc lập, có chế tài nghiêm khắc, còn quy định thêm một số hành vi phạm tội sau đây:
1- Điều 185a: Tội trồng trái phép cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy. Cùng với việc vận động, giáo dục, thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, thay thế cây trồng để động viên, khuyến khích đồng bào dân tộc tự nguyện bỏ cây thuốc phiện thì việc cấm trồng cây thuốc phiện và các loại cây khác có chưa chất ma túy trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết. Vì, nếu chúng ta không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu nguồn cung cấp chất ma túy mà trước hết là nguồn cung cấp thuốc phiện từ việc trồng cây thuốc phiện thì thực chất chỉ mới đấu tranh chống “phần ngọn” mà chưa triệt tận “gốc”. Mặt khác, Nhà nước ta nghiêm cấm và xử lý nghiêm khắc về mặt hình sự hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép, tổ chức sử dụng các chất ma túy mà lại không quy định trách nhiệm hình sự đối với hành vi trồng trái phép cây thuốc phiện thì không nhất quán về mặt chính sách và không ngăn chặn được tệ nạn ma túy từ gốc. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của cuộc đấu tranh chung. Tuy nhiên, Dự án Luật cũng chỉ xác định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người trồng trái phép cây thuốc phiện sau khi họ đã được vận động, giáo dục, đã có các chính sách hỗ trợ để chuyển đổi cây trồng và sau khi đã bị xử lý phạt hành chính mà còn vi phạm.
2- Điều 185e: Tội chiếm đoạt các chất ma túy. Thực tiễn đấu tranh chống tội phạm liên quan đến ma túy cho thấy, nhiều trường hợp kẻ phạm tội cố ý chiếm đoạt các chất ma túy bằng cách đánh tráo, trộm, cướp... Trong những trường hợp như vậy, nếu chỉ đơn thuần định tội danh là trộm, cướp tài sản xã hội chủ nghĩa hay tài sản riêng của công dân theo Bộ luật hình sự hiện hành thì hoàn toàn không thỏa đáng: Thứ nhất, ma túy là chất bị cấm, do vậy, trừ trường hợp ma túy được phép dùng cho mục đích y tế, nghiên cứu khoa học, thì ma túy không thể gọi là “tài sản”. Thứ hai, giả thiết ma túy có được gọi là tài sản đi chăng nữa, thì mục đích chủ quan của kẻ phạm tội là chiếm đoạt chất ma túy, cần phải bị trừng trị nghiêm khắc hơn so với tội trộm, cướp tài sản thông thường. Việc thiếu một quy định cụ thể về hành vi chiếm đoạt chất ma túy đã gây không ít khó khăn, lúng túng cho việc áp dụng luật và quyết định hình phạt. Chính vì lẽ đó, việc hình sự hóa hành vi chiếm đoạt các chất ma túy với hình phạt nghiêm khắc để thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật là hết sức cần thiết.
3- Điều 185g, Điều 185h: Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán các tiền chất hoặc các dụng cụ dùng để sản xuất trái phép các chất ma túy. Quy định này cũng cần thiết nhằm ngăn chặn và xóa bỏ những điều kiện mà bọn tội phạm sử dụng để điều chế ra các chất ma túy có hàm lượng độc tố cao, gây nghiện nhanh như hêrôin.
4- Điều 185l: Tội sử dụng trái phép các chất ma túy. Trước đây, người nghiện hút, tiêm chích ma túy thường được coi là nạn nhân của tệ nạn xã hội này và chỉ áp dụng biện pháp chữa trị, phòng ngừa có tính chất giáo dục đối với họ. Nhưng trong thực tế có nhiều người vẫn không chịu từ bỏ việc nghiện hút, hơn nữa, còn gây nhiều hậu quả nguy hiểm như phát tán tài sản, gia đình tan vỡ, gây mất trật tự và an toàn xã hội, dư luận rất bất bình. Do đó, để đấu tranh kiên quyết với tệ nạn này, ngoài các biện pháp đang được áp dụng. Dự án Luật quy định đối với đối tượng nghiện ma túy đã được giáo dục nhiều lần, đã đưa đi cơ sở chữa bệnh bắt buộc và tạo điều kiện lao động nhưng vẫn không chịu từ bỏ việc nghiện hút, thì phải bị xử lý về hình sự. Qua tham khảo kinh nghiệm của Thái Lan, Malaixia thì các nước này cũng buộc các đối tượng này phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại rằng, việc hình sự hóa này sẽ dẫn đến sự quá tải của bộ máy tư pháp, đặc biệt là trong khi hệ thống trường, trại còn nhiều hạn chế như hiện nay.
5- Điều 185m: Tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy. Thực tiễn cho thấy, để có thể tiêu thụ được nhiều các chất ma túy hoặc vì động cơ đê hèn, trả thù nhau một số người xấu không từ một thủ đoạn nào để có thể lôi kéo, dụ dỗ người khác, nhất là lôi kéo, dụ dỗ trẻ em, học sinh, con em cán bộ, sử dụng ma túy. Hành vi nguy hiểm này đã xảy ra trên thực tế, mà chưa bị xử lý bằng hình sự. Vì vậy, cũng cần phải được cân nhắc để quy định thành một tội danh với mức hình phạt nghiêm khắc.
6- Điều 185n: Tội pha trộn chất ma túy vào thức ăn, đồ uống, hút. Trong thời gian gần đây, trên báo chí và công luận rất lo lắng, quan tâm đến hiện tượng, vì hám lợi hoặc vì động cơ xấu (không loại trừ âm mưu phá hoại của các lực lượng thù địch) một số người nhẫn tâm đã pha trộn chất ma túy vào thức ăn, đồ uống, hút nhằm gây nghiện để dễ dàng tiêu thụ hàng và ma túy. Đây là loại hành vi hết sức nguy hiểm, khó kiểm soát và gây tác hại về nhiều mặt. Vì vậy, để ngăn chặn và xử lý loại hành vi này, mà trên thực tế rất có khả năng xảy ra, Bộ luật hình sự cần quy định hành vi này là tội phạm và có hình phạt thích đáng như là một biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa.
7- Điều 185 (o): Tội vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng các chất ma túy phục vụ cho mục đích y tế và nghiên cứu khoa học. Một hiện tượng bất bình thường, trái với đạo lý và lương tâm nghề nghiệp là một số người có trách nhiệm quản lý các thuốc có chứa chất ma túy, gây nghiện, bất chấp các quy định của Nhà nước đã tuồn ra thị trường hàng triệu ống tân dược gây nghiện và đây chính là nguồn cung cấp ma túy cho các ổ tiêm chích. Vì vậy, cũng cần phải quy định hành vi này là tội phạm và có hình phạt thích đáng.
Ngoài ra, Dự án Luật còn bổ sung Điều 185p về hình phạt bổ sung đối với các tội phạm về ma túy, trong đó quy định mức phạt tiền cao và hình phạt tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
3. Về các tội phạm tình dục đối với người chưa thành niên:
Tệ nạn hiếp dâm trẻ em và các hành vi xâm phạm tình dục khác đối với trẻ em xảy ra ngày càng tăng và nghiêm trọng đến mức báo động. Mặc dầu trong những năm vừa qua Đảng, Nhà nước và các ngành chức năng đã rất quan tâm và có nhiều cố gắng trong việc ban hành các văn bản pháp luật, chỉ đạo thực hiện công tác chống và phòng ngừa tệ nạn này nhưng kết quả vẫn còn hạn chế. Các số liệu thống kê về số vụ hiếp dâm trẻ em nói chung và trẻ em dưới 13 tuổi thậm chí dưới 11 tuổi nói riêng, cũng như số vụ trẻ em bán dâm phản ánh chiều hướng gia tăng cả về số lượng cũng như về tính chất và mức độ nghiêm trọng. Đây thực sự đã trở thành một tệ nạn xã hội đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe và nhân phẩm của các em, làm tổn hại đến thuần phong mỹ tục và đạo lý truyền thống của dân tộc, gây tâm lý bất bình và lo ngại trong nhân dân. Việc ngăn chặn tiến tới bài trừ tệ nạn này là rất cấp thiết và cần có nhiều biện pháp kết hợp đồng bộ, cương quyết của các cấp, các ngành từ các biện pháp giáo dục, phòng ngừa đến việc phát hiện, điều tra xác minh và xử lý kịp thời, nghiêm khắc bằng biện pháp hình sự.
Về chính sách hình sự, Bộ luật hình sự có các điều quy định về các tội hiếp dâm (Điều 112), cưỡng dâm (Điều 113), giao cấu với người dưới 16 tuổi (Điều 114), tội loạn luân (Điều 146) và tội chứa mại dâm, môi giới mại dâm (Điều 202) trong đó có hai điều đã được tiến hành sửa đổi theo hướng chặt chẽ và nghiêm khắc hơn (Điều 112 về tội hiếp dâm, sửa đổi năm 1991 và Điều 114 về tội giao cấu với người dưới 16 tuổi, sửa đổi năm 1989). Tuy nhiên, trong thực tế việc đưa số vụ án loại này thành án điểm để xét xử nhanh chóng, nghiêm minh chưa được nhiều, thậm chí có vụ còn dây dưa, kéo dài gây bất bình trong dư luận. Các vụ án về tội chứa chấp, môi giới mại dâm nói chung vẫn còn tình trạng được xử lý nương nhẹ, kể cả việc áp dụng hình phạt chính và hình phạt bổ sung; có nhiều bản án về loại tội phạm này chưa đủ tác dụng răn đe và phòng ngừa, chưa được nhân dân đồng tình.
Một trong những nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng tệ nạn hiếp dâm và mại dâm trẻ em chưa được ngăn chặn và đang có nguy cơ phát triển nghiêm trọng là: tuy chúng ta đã có một hệ thống văn bản pháp luật nhìn chung, khá đầy đủ làm cơ sở pháp lý cho công tác đấu tranh chống và phòng ngừa tệ nạn hiếp dâm và mại dâm nói chung, nhưng chúng ta còn thiếu những quy định cụ thể, rõ ràng và đủ nghiêm khắc, thể hiện rõ thái độ không dung thứ đối với những người có hành vi xâm phạm nhân phẩm trẻ em.
Bộ luật hình sự được ban hành năm 1985, khi các hành vi hiếp dâm và mại dâm trẻ em chưa phát triển và trở thành một tệ nạn nghiêm trọng như hiện nay. Điều này giải thích tại sao cho đến nay, Bộ luật này đã qua 3 lần sửa đổi (1989, 1991, 1992) nhưng chỉ có 2 trong số các điều luật liên quan đến tệ nạn hiếp dâm và mại dâm được sửa đổi (Điều 112 về hiếp dâm và Điều 114 về giao cấu với người dưới 16 tuổi). Trừ các Điều 112, 113 và 114, trong đó đối tượng nạn nhân là trẻ em được quy định rõ trong điều luật còn các tội khác như tội loạn luân (Điều 146) và tội chứa mại dâm, môi giới mại dâm (Điều 202) thì đối tượng nạn nhân là trẻ em không được quy định trong điều luật mà chỉ được coi là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định mà thôi. Mặt khác, hình phạt đối với các tội hiếp dâm trẻ em từ 13 tuổi trở lên, cưỡng dâm, giao cấu với người dưới 16 tuổi, loạn luân, tội chứa mại dâm, môi giới mại dâm nói chung, còn nhẹ chưa thể hiện rõ tính răn đe, phòng ngừa cần thiết.
Mặt khác, nhìn từ góc độ pháp luật hình sự, việc gộp chung hai loại đối tượng (cả người lớn và trẻ em) là nạn nhân của tội hiếp dâm vào trong cùng một điều luật quy định tại Điều 112 Bộ luật hình sự cũng cần phải được cân nhắc, xem xét lại. Việc quy định chung vào một điều luật, ở một khía cạnh nào đó đã làm giảm hiệu lực răn đe cần thiết và chưa đáp ứng được yêu cầu cần được “bảo vệ đặc biệt” trẻ em mà Công ước về quyền trẻ em đã ghi nhận.
Để thể hiện thái độ nghiêm khắc của Nhà nước ta, bảo đảm cho việc xử phạt nặng, đủ sức răn de, ngăn chặn tên nạn xã hội nghiêm trọng này. Dự án Luật đã tách đoạn 2 khoản 1 và khoản 4 Điều 112 Bộ luật hình sự thành một tội riêng - Tội hiếp dâm trẻ em, với mức hình phạt nghiêm khắc.
Ngoài ra, để bảo đảm có một hệ thống các quy định pháp lý hữu hiệu phù hợp với các chuẩn mực của pháp luật quốc tế, tạo cơ sở cho việc đấu tranh có hiệu quả đối với tệ nạn này, Dự án Luật cũng đã tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều khoản khác của Bộ luật hình sự có liên quan. Trong những trường hợp cho phép, Dự án Luật đã cố gắng tách các hành vi phạm tội về tình dục đối với người chưa thành niên thành những tội danh độc lập với khung hình phạt nặng. Trong số đó có Điều 113a (tội cưỡng dâm người chưa thành niên), Điều 114 (tội giao cấu với trẻ em dưới 16 tuổi), Điều 202 (tội chứa mại dâm, tội môi giới mại dâm). Đặc biệt, Dự án Luật đã bổ sung thêm hai tội danh mới: Điều 202a về tội mua dâm người chưa thành niên và Điều 202b về tội dâm ô đối với người chưa thành niên. Đây là loại tội phạm mới mà cùng với tệ hiếp dâm trẻ em đã và đang gây tâm lý lo lắng và bất bình trong nhân dân.
IV- MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ NỘI DUNG CỦA DỰ ÁN LUẬT CẦN XIN Ý KIẾN CHỈ ĐẠO
Dự án Luật này đề cập vấn đề sửa đổi, bổ sung một số tình tiết đối với một số điều luật hiện hành (Điều 96a, Điều 112, Điều 203 và một số điều khác về tham nhũng) cũng như bổ sung một số hành vi phạm pháp mới liên quan đến tham nhũng, ma túy, hiếp dâm trẻ em mà trong tình hình hiện nay cần thiết phải xử lý nghiêm khắc bằng biện pháp hình sự. Trong quá trình soạn thảo, một số vấn đề lớn liên quan đến chính sách hình sự và một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định như sau:
1. Về việc bổ sung tình tiết “người có chức vụ cao” trong một số tội về tham nhũng:
Nhiều ý kiến đề nghị phải tăng nặng hình phạt đối với những người được Đảng và Nhà nước giao trọng trách lớn mà phạm tội tham nhũng. Ý kiến khác nhau là về cách quy định cụ thể việc xử lý đối với các đối tượng này trong Bộ luật hình sự để qua đó tăng nặng trách nhiệm hình sự một cách hợp lý. Cụ thể là:
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, đối với “người có chức vụ cao” chỉ cần áp dụng mức án cao và nếu cần thiết, mức cao nhất trong cùng một khung hình phạt là đủ. Do đó, cần quy định việc lợi dụng “chức vụ cao” để phạm tội là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 39, Phần chung của Bộ luật hình sự hoặc quy định vào Điều 3 của Bộ luật hình sự về chính sách hình sự có tính chất nghiêm hơn đối với người lợi dụng chức vụ cao phạm tội.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, đối với những người có chức vụ cao mà thoái hóa, biến chất, phạm tội tham nhũng thì hậu quả và ảnh hưởng thường nghiêm trọng hơn nhiều so với người bình thường nên cần phải xử lý thật nghiêm, vì vậy, nếu cùng một hành vi phạm tội, thì người có chức vụ cao phải chuyển lên khung hình phạt nặng hơn, ý kiến này đề nghị Dự án Luật nên bổ sung tình tiết “Người có chức vụ cao” vào khoản 2 (khoản về khung hình phạt tăng nặng) của các điều luật có liên quan. Chính phủ tán thành với loại ý kiến thứ hai này.
2. Về việc bổ sung tội “nhận tài sản có giá trị lớn dưới dạng quà biếu liên quan đến công tác” (Điều 228b):
Ngoài tội nhận hối lộ, Dự án Luật bổ sung “tội nhận tài sản có giá trị lớn dưới dạng quà biếu liên quan đến công tác” (Điều 228b). Qua thảo luận, ý kiến chung thống nhất là trước tình hình tham nhũng biến tướng dưới dạng quà biếu đã trở thành một hiện tượng phổ biến thì cần phải được hình sự hóa, phải xem việc nhận tài sản có giá trị lớn dưới dạng quà biếu là hành vi phạm tội.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến phân vân cho rằng, việc quy định hành vi nhận tài sản có giá trị lớn dưới danh nghĩa quà biếu là một tội phạm riêng, thì xét về mặt pháp lý và trên thực tiễn, khó có thể phân định rạch ròi: lúc nào việc nhận quà biếu là mang tính tham nhũng còn lúc nào là nhận quà biếu thuần túy tình cảm. Hơn nữa, về thực chất, việc nhận quà biếu có tính tham nhũng là tội nhận hối lộ đã được quy định tại Điều 226 của Bộ luật hình sự hiện hành (nhận tài sản có giá trị lớn dưới dạng quà biếu liên quan đến công tác của người có chức vụ, quyền hạn). Hơn nữa, về mặt hình sự, nếu xử lý người nhận quà biếu thì cũng phải xem xét trách nhiệm của người đưa, môi giới đưa quà biếu.
Chính phủ thấy rằng, tuy đây là một vấn đề phức tạp, có liên quan đến phong tục tập quán, đến chế độ công chức, công vụ cho nên cần được nghiên cứu một cách toàn diện để quy định chặt chẽ và Dự thảo Luật đã cố gắng đưa ra các tiêu chí để phân biệt như: tài sản có giá trị lớn, liên quan đến công tác; dưới dạng quà biếu, tức là lấy danh nghĩa quà biếu để trá hình và vì vậy có tính chất không bình thường. Việc đưa tội danh này vào Bộ luật hình sự là nhằm bảo đảm sự trong sạch và uy tín của bộ máy nhà nước, đội ngũ cán bộ cũng như để ngăn chặn tệ nạn hối lộ biến tướng này một cách tích cực và hiệu quả hơn.
3. Về việc bổ sung tội trồng trái phép cây thuốc phiện hoặc cây khác có chứa chất ma túy (Điều 185a):
Điều 2 của Dự án Luật quy định bổ sung Điều 185a về tội trồng trái phép cây thuốc phiện hoặc cây khác có chứa chất ma túy. Hiện còn hai loại ý kiến về vấn đề này:
Ý kiến thứ nhất cho rằng, để việc đấu tranh phòng chống các tội về ma túy có hiệu quả hơn, ngăn chặn tận gốc nguồn cung cấp ma túy, bảo đảm sự hài hòa giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế, đặc biệt là các công ước của Liên hợp quốc về kiểm soát ma túy và pháp luật của các nước trong khu vực thì phải xử lý bằng biện pháp hình sự đối với những người trồng trái phép cây thuốc phiện hoặc cây khác có chứa chất ma túy. Tuy nhiên, Dự án Luật cần quy định một cách hợp lý để bảo đảm chỉ xử lý về hình sự người trồng trái phép cây thuốc phiện, các cây khác có chứa chất ma túy sau khi họ đã được vận động, giáo dục, được Nhà nước hỗ trợ để chuyển đổi sang trồng cây có ích khác và đã bị xử lý hành chính mà vẫn tái phạm. Loại ý kiến này cũng lưu ý rằng, trong khi Bộ luật hình sự hiện hành đã nghiêm cấm và quy định chế tài hình phạt nghiêm khắc đối với việc sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, tổ chức sử dụng trái phép các chất ma túy mà Dự án Luật này lại không quy định việc trồng trái phép cây thuốc phiện và các loại cây khác có chứa chất ma túy là tội phạm thì không nhất quán về mặt chính sách và không ngăn chặn được từ gốc.
Loại ý kiến thứ hai tỏ ý phân vân về tính khả thi của điều luật, vì cho rằng, đối tượng trồng cây thuốc phiện phần lớn là đồng bào các dân tộc thiểu số, có tập quán từ lâu đời trong việc trồng cây thuốc phiện. Vì vậy, việc xử lý đối với người trồng cây thuốc phiện, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số cần có bước đi hợp lý, hợp tình và cho rằng, trong thời điểm này chưa nên bổ sung ngay Điều 185a mà cần tiến hành tổng kết việc thực hiện các chủ trương, biện pháp được đề ra trong Nghị quyết 06 ngày 29 tháng 01 năm 1993 của Chính phủ về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, đặc biệt là phải tổ chức điều tra cơ bản, phân tích, đánh giá thực trạng việc trồng cây thuốc phiện ở Việt Nam, trên cơ sở đó để xem xét việc có nên quy định trách nhiệm hình sự đối với hành vi trồng cây thuốc phiện hay không?
Chính phủ thấy rằng, để đấu tranh phòng chống tệ nạn ma túy một cách triệt để thì việc quy định điều luật này vào Bộ luật hình sự là cần thiết. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất phức tạp, liên quan đến chính sách dân tộc, đời sống của một bộ phận đồng bào các dân tộc thiểu số có tập quán lâu đời trồng cây thuốc phiện, vì vậy, cần xem xét toàn diện các yếu tố về kinh tế, xã hội và phải có bước đi phù hợp. Trong giai đoạn hiện nay, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với loại hành vi này chỉ nên áp dụng đối với người đã được vận động, giáo dục, hỗ trợ chuyển giống cây trồng bảo đảm đời sống mà vẫn tiếp tục trồng và đã bị xử lý hành chính mà vẫn tiếp tục vi phạm thì cần phải xử lý bằng biện pháp hình sự.
4. Về vấn đề quy định cụ thể định lượng chất ma túy trong điều luật:
Dự án Luật có quy định số lượng cụ thể một số chất ma túy điển hình tại một số điều luật để làm tình tiết xác định hình phạt, vì cho rằng, ma túy là một loại chất độc nghiện cần phải được kiểm soát chặt chẽ. Lâu nay, ở nước ta, việc quy định cụ thể số lượng các chất ma túy đều do các cơ quan tiến hành tố tụng như Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ phối hợp hướng dẫn. Nhiều ý kiến cho rằng đây là vấn đề quan trọng, liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và quyền lập pháp của Quốc hội. Các tội phạm về ma túy thường có mức hình phạt cao thể hiện thái độ nghiêm khắc của pháp luật, đồng thời, lại liên quan trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người phạm tội. Vì vậy, không thể để việc quy định này thành quyền của chính các cơ quan áp dụng, thi hành pháp luật mà phải do chính Quốc hội quyết định. Pháp luật của một số nước trong khu vực và thế giới cũng quy định cụ thể số lượng một số chất ma túy điển hình như hêrôin, côcain, nhựa thuốc phiện vào từng điều luật cụ thể. Với tinh thần đó, để bảo đảm tính ổn định của việc áp dụng thống nhất pháp luật hình sự, phát huy tính răn đe phòng ngừa trong đấu tranh phòng chống các tội phạm về ma túy, Dự án Luật cần quy định cụ thể số lượng một số chất ma túy điển hình vào một số điều luật cụ thể với các hình thức phạt tương ứng.
Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng, ma túy là tên gọi chung cho nhiều loại chất gây nghiện khác nhau, nhưng trong Dự án Luật mới chỉ quy định số lượng cụ thể đối với một số chất như nhựa thuốc phiện, bột côca, hêrôin, côcain để làm tình tiết định khung hình phạt. Đối với các chất ma túy còn lại thì Dự án Luật lại dùng các khái niệm định lượng chung như “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, “số lượng đặc biệt lớn” làm tình tiết định khung. Việc quy định cụ thể số lượng các chất ma túy có thể dẫn đến việc phải sửa đổi các điều luật ấy khi tình hình kinh tế - xã hội và yêu cầu đấu tranh phòng chống loại tội phạm này trong từng giai đoạn có sự thay đổi. Do vậy, Dự án Luật không nên quy định trọng lượng cụ thể các chất ma túy mà để cho các ngành chức năng xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định hướng dẫn sau.
Chính phủ thấy rằng, việc cụ thể hóa vấn đề này vào Dự án Luật là cần thiết, phục vụ trực tiếp cho yêu cầu đấu tranh ngăn chặn tệ nạn ma túy và cũng phù hợp với thông lệ của các nước, bảo đảm tính chặt chẽ, nghiêm minh của pháp luật hình sự.
5. Về vấn đề bổ sung tội sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 185b):
Điều 2 của Dự án Luật bổ sung Điều 185b về tội sử dụng trái phép chất ma túy. Qua thảo luận, có hai loại ý kiến về vấn đề này:
Loại ý kiến thứ nhất, đồng ý với việc xử lý bằng biện pháp hình sự đối với những người sử dụng trái phép chất ma túy sau khi đã bị đưa vào cơ sở chữa bệnh mà vẫn tiếp tục sử dụng chất đó. Tuy nhiên, cũng cần phải có sự phân hóa giữa người trẻ với người cao tuổi, người sinh sống ở đô thị với đồng bào các dân tộc thiểu số để tránh việc xử lý tràn lan, không cần thiết.
Loại ý kiến khác cho rằng, nhiều người sử dụng trái phép chất ma túy là nạn nhân của tệ nạn xã hội. Việc tổ chức cai nghiện cho những người này là rất cần thiết nhưng đòi hỏi những khoản chi phí không nhỏ và trong tình hình thực tế hiện nay, ta chưa có đủ điều kiện để đáp ứng. Vì vậy, đối với đối tượng này chỉ nên áp dụng các biện pháp vận động tuyên truyền, giáo dục, xử lý hành chính.
Chính phủ thấy rằng, để đấu tranh kiên quyết với tệ nạn này, ngoài các biện pháp đang được áp dụng, Dự án Luật cũng nên quy định khả năng xử lý về hình sự đối với những người nghiện ma túy đã được giáo dục nhiều lần, đã đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc và đã được tạo điều kiện để lao động nhưng vẫn không chịu từ bỏ việc nghiện hút, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho cả gia đình và xã hội.
6. Về việc bổ sung tội pha trộn chất ma túy vào thức ăn, đồ uống, hút (Điều 185n):
Đây là hiện tượng được nói nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng gây tâm lý lo lắng và bất bình trong nhân dân và nếu hành vi này là có trong thực tế thì hết sức nguy hiểm, cần có biện pháp xử lý kiên quyết và để răn đe, ngăn chặn từ đầu loại hành vi mà công luận rất quan tâm và có khả năng xảy ra trên thực tế này, thì việc Dự án Luật quy định hành vi này là tội phạm là rất cần thiết thể hiện chính sách ngăn chặn, phòng ngừa loại hành vi nguy hiểm này cho xã hội.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, loại hành vi này chưa được các cơ quan có trách nhiệm xác định một cách rõ ràng là có hay không trong thực tế. Do đó, đề nghị giao cho cơ quan có trách nhiệm tiến hành khảo sát, điều tra thực tế, từ đó để có quy định chặt chẽ và có tính khả thi trong khi sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự một cách cơ bản, toàn diện.
Trên đây là một số nội dung chính của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự và một số vấn đề của Dự án Luật còn có ý kiến khác nhau, Chính phủ xin kính trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội