BÁO CÁO THẨM TRA CỦA ỦY BAN KINH TẾ VÀ NGÂN SÁCH
CỦA QUỐC HỘI VỀ DỰ ÁN LUẬT THUẾ TRỊ GIÁ GIA TĂNG
VÀ DỰ ÁN LUẬT THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP
(Do ông Trần Văn Nhẫn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban
kinh tế và ngân sách của Quốc hội đọc
tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá IX, ngày 07-4-1997)
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 8 tháng 10 năm 1995, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính tích cực nghiên cứu, xây dựng các dự án luật: Luật thuế trị giá gia tăng, thuế thu nhập công ty và thu nhập cá nhân.
Trong chương trình xây dựng pháp luật đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX, Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội được giao chủ trì thẩm tra các dự án luật thuế. Căn cứ nhiệm vụ được giao, ngay từ tháng 6 năm 1996, Thường trực Ủy ban kinh tế và ngân sách đã họp mở rộng để nghe đại diện Bộ Tài chính thay mặt Ban soạn thảo trình bày các dự thảo về các luật thuế trên và có ý kiến đóng góp bước đầu. Tiếp đó, tháng 7 năm 1996 và tháng 9 năm 1996, Ủy ban kinh tế và ngân sách đã họp toàn thể Ủy ban để cho ý kiến về các dự án luật thuế. Tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa IX (tháng 10 năm 1996) các dự án luật thuế đã được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến. Ủy ban kinh tế và ngân sách đã báo cáo ý kiến của Ủy ban trước Quốc hội.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Thường trực Ủy ban kinh tế và ngân sách đã nhiều lần làm việc với Ban soạn thảo để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật.
Căn cứ vào Tờ trình của Chính phủ kèm theo Dự thảo hai Luật thuế: Thuế trị giá gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp, trong hai ngày 13 và ngày 14 tháng 3 năm 1997 vừa qua tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Ủy ban kinh tế và ngân sách đã họp toàn thể Ủy ban để chính thức thẩm tra các dự án luật này. Tham dự họp của Ủy ban có đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Vật giá Chính phủ; Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và một số cơ quan hữu quan.
Dự án Luật thuế trị giá gia tăng và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 11 này đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội, của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Ủy ban kinh tế và ngân sách, có tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài.
Sau khi nghe đại diện Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ trình bày Dự án Luật thuế trị giá gia tăng và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các ý kiến phát biểu tại cuộc họp, Ủy ban chúng tôi xin báo cáo Quốc hội một số vấn đề sau:
I- VỀ SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG VÀ
BAN HÀNH LUẬT THUẾ TRỊ GIÁ GIA TĂNG,
LUẬT THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP
Luật thuế doanh thu, Luật thuế lợi tức được Quốc hội khóa VIII thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1990 và được Quốc hội khóa IX sửa đổi, bổ sung vào các năm 1993, 1995. Qua hơn 5 năm thực hiện, các luật thuế đã phát huy tác dụng và đem lại những kết quả nhất định. Thu ngân sách nhà nước hằng năm tăng đáng kể, bảo đảm được các yêu cầu chi thường xuyên ở mức cần thiết và đã dành được một phần cho chi đầu tư phát triển. Tỷ lệ động viên về thuế từ tổng sản phẩm trong nước (GDP) không ngừng tăng qua các năm, góp phần kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển; đồng thời, tăng cường một bước công tác quản lý, điều tiết vĩ mô của Nhà nước đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Hệ thống chính sách thuế đã được áp dụng thống nhất đối với các tổ chức và cá nhân thuộc các thành phần kinh tế, tạo môi trường pháp lý bình đẳng để cạnh tranh và phát triển, góp phần quan trọng thúc đẩy các doanh nghiệp tăng cường hạch toán kinh tế, làm cơ sở xác định hiệu quả sản xuất - kinh doanh.
Tuy nhiên, trong điều kiện nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần đang phát triển, nhiều loại hình sản xuất - kinh doanh mới ra đời và Việt Nam đã là thành viên chính thức của ASEAN, tham gia Khu vực mậu dịch tự do AFTA và thực hiện Chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT), chuẩn bị tham gia diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Tổ chức Thương mại toàn cầu (WTO)..., đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tiếp tục cải cách hệ thống thuế của nước ta. Mặt khác, hệ thống thuế hiện hành, trong đó có thuế doanh thu và thuế lợi tức, còn bộc lộ một số nhược điểm như thu trùng lặp, chưa bao quát hết các nguồn thu, trong mỗi sắc thuế có nhiều thuế suất khác nhau gây phức tạp trong việc tính thuế và thu thuế...; cộng với một số yếu kém trong bộ máy quản lý thu thuế đã gây nên tình trạng thất thu thuế, nhất là ở khu vực kinh tế ngoài quốc doanh mà chủ yếu còn thu theo phương thức “khoán thuế”.
Để khắc phục những nhược điểm trên, Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội nhất trí về sự cần thiết phải ban hành Luật thuế trị giá gia tăng thay cho Luật thuế doanh thu và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp thay cho Luật thuế lợi tức hiện hành nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm công bằng trong việc thực hiện các chính sách thuế, khắc phục tình trạng thu thuế trùng lặp, khuyến khích phát triển sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy việc thực hiện công tác hạch toán kế toán và mua bán hàng hóa có hóa đơn chứng từ hợp lệ, động viên nguồn thu ngày càng tăng cho ngân sách nhà nước và phù hợp với thông lệ quốc tế.
II- VỀ NỘI DUNG CỦA TỪNG SẮC THUẾ
A- THUẾ TRỊ GIÁ GIA TĂNG
Thuế doanh thu hiện hành là loại thuế gián thu quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách từ thuế. Do vậy, khi chuyển từ thuế doanh thu sang thu thuế trị giá gia tăng nếu thi hành không tốt thì sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách. Để bảo đảm Luật thuế trị giá gia tăng được ban hành thực sự đi vào cuộc sống và đem lại hiệu quả cao, bảo đảm thu ngân sách nhà nước thì công tác chuẩn bị phải được tiến hành hết sức chu đáo và khẩn trương nhất là việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho các cơ quan, các ngành, các cấp, cho cả người nộp thuế và người thu thuế, có kế hoạch tuyên truyền rộng rãi và có các biện pháp khuyến khích để mọi tổ chức, cá nhân khi mua bán hàng hóa đều phải có hóa đơn theo quy định thống nhất của Nhà nước, các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm chỉnh chế độ hạch toán kế toán, có như vậy mới có thể hạch toán được đầu ra, đầu vào để tính thuế trị giá gia tăng. Mặt khác, chúng tôi thấy rằng, đây là một công việc hoàn toàn mới mẻ và hết sức khó khăn, phải có biện pháp tiến hành đồng bộ, liên tục với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và phải tạo được sự đồng tình và hưởng ứng tích cực của toàn dân.
1. Về đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Dự án luật:
Ủy ban kinh tế và ngân sách cơ bản nhất trí với phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Dự án Luật thuế trị giá gia tăng. Tuy nhiên, trong Ủy ban chúng tôi vẫn còn một số ý kiến băn khoăn về đối tượng không thuộc diện chịu thuế trị giá gia tăng quy định tại khoản 7 và 8 Điều 3 của Dự thảo Luật như dịch vụ ngân hàng, tài chính, dịch vụ y tế. Loại ý kiến này đề nghị chỉ khi các dịch vụ nói trên phục vụ các đối tượng là người nghèo, người tàn tật, người thuộc diện chính sách... thì không phải chịu thuế trị giá gia tăng, còn trong các trường hợp khác thì vẫn phải chịu thuế. Mặt khác, cũng cần phải làm rõ nội dung về hàng hóa, dịch vụ cung ứng trực tiếp cho vận tải quốc tế và dịch vụ cung ứng cho các đối tượng tiêu dùng ngoài Việt Nam (khoản 22 và 23 Điều 3) để tránh những bất hợp lý giữa sắc thuế này với thuế xuất nhập khẩu, vấn đề này thể hiện rất rõ trong các trường hợp khi cùng một loại hàng hóa nếu đem xuất khẩu trực tiếp (thuế suất 0%) thì được thoái thuế, còn nếu dùng để cung ứng dịch vụ tiêu dùng ngoài Việt Nam thì lại không được thoái thuế vì các dịch vụ này không thuộc diện chịu thuế trị giá gia tăng.
2. Về phương pháp tính thuế:
Tại Điều 9 của Dự thảo Luật quy định hai phương pháp tính thuế: Phương pháp khấu trừ thuế và phương pháp tính trực tiếp trên trị giá gia tăng. Phương pháp tính trực tiếp trên trị giá gia tăng có ưu điểm là tránh được việc đánh thuế trùng lặp một cách triệt để nhất, nhưng lại đòi hỏi phải có trình độ quản lý cao, hạch toán kế toán đầy đủ, chính xác. Nhiều nước trên thế giới áp dụng phương pháp tính thuế này. Theo Dự thảo Luật, phương pháp tính trực tiếp trên trị giá gia tăng áp dụng cho các đối tượng kinh doanh “chưa thực hiện đầy đủ việc mua, bán có hóa đơn, chứng từ để làm căn cứ tính thuế theo phương pháp khấu trừ” và “kinh doanh mua, bán vàng, bạc, đá quý”. Đối với những đối tượng này, trên thực tế khi xác định giá trị tăng thêm để tính thuế thì thực chất là khoán doanh thu đầu vào cũng như doanh thu đầu ra. Vấn đề này đề nghị cũng phải thể hiện rõ hơn trong Dự án Luật (khoản 2, Điều 9).
Về phương pháp khấu trừ thuế trị giá gia tăng, một số thành viên của Ủy ban vẫn còn băn khoăn vì theo phương pháp này trong một số trường hợp vẫn chưa tránh khỏi việc thuế đánh trùng lên thuế. Theo cách tính thuế này thì số thuế phải nộp bằng thuế đầu ra trừ đi thuế đầu vào mà thuế đầu ra được xác định bằng cách lấy giá bán chưa có thuế trị giá gia tăng nhân với thuế suất. Vì vậy, trong một số trường hợp thì giá bán đã bao gồm cả một số thuế gián thu khác, như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên... (phương pháp tính trực tiếp thì không có những yếu tố này). Như vậy là vẫn còn trường hợp tính thuế chồng lên thuế. Do đó, đa số ý kiến trong Ủy ban chúng tôi đề nghị, để tránh việc đánh thuế trùng lặp, khi xác định thuế đầu ra phải loại bỏ các thuế gián thu đã nộp nói trên ra khỏi giá bán trước khi tính thuế trị giá gia tăng đầu ra.
3. Về thuế suất thuế trị giá gia tăng:
Dự thảo Luật thuế trị giá gia tăng quy định bốn mức thuế suất khác nhau là 0%, 5%, 10% và 20%.
Ủy ban chúng tôi nhất trí, trong điều kiện nền kinh tế của nước ta hiện nay, việc chuyển từ thu thuế doanh thu với 11 mức thuế suất khác nhau sang thu thuế trị giá gia tăng với bốn mức thuế suất là phù hợp. Việc quy định nhiều thuế suất tuy phức tạp hơn trong quản lý thu thuế nhưng thể hiện được việc điều tiết khác nhau giữa các ngành, nghề sản xuất - kinh doanh trong điều kiện còn có những khó khăn, thuận lợi khác nhau. Mặt khác, thực tế hiện nay cho thấy, đối với những ngành nghề đang áp dụng thuế doanh thu với mức thuế suất thấp mà phải chuyển sang áp dụng chung một thuế suất thuế trị giá gia tăng cùng với những ngành, nghề chịu thuế doanh thu với thuế suất cao sẽ gặp nhiều khó khăn và trong nhiều trường hợp sẽ không tránh khỏi việc đẩy giá lên. Ủy ban chúng tôi đề nghị, trong quá trình triển khai thực hiện Luật thuế trị giá gia tăng sẽ đúc rút kinh nghiệm để tiến tới việc áp dụng thuế trị giá gia tăng với ít thuế suất hơn, bảo đảm tính hiệu quả, công bằng, đơn giản trong quản lý và dễ hiểu, dễ thực hiện.
Tuy nhiên, còn một số ý kiến băn khoăn về mức thuế suất 20%, vì mức này thu trên các nhóm hàng và dịch vụ hiện đang chịu thuế doanh thu ở mức từ 20% đến 30%, như bài lá, vàng mã, dịch vụ thẩm mỹ, karaoke, khiêu vũ, mát xa, đua ngựa, sân gôn, xổ số..., sẽ dẫn đến giảm thu nhiều so với Luật thuế doanh thu hiện hành. Do vậy, đề nghị nâng mức thuế suất 20% của các nhóm hàng này lên 25% hoặc chuyển sang chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
4. Về quy định xét giảm thuế trị giá gia tăng:
Ủy ban chúng tôi đề nghị, về lâu dài không nên quy định việc xét giảm thuế. Nhưng trong thực tế hiện nay, việc chuyển đổi từ việc thu thuế doanh thu sang thu thuế trị giá gia tăng, một số doanh nghiệp trong những năm đầu thực hiện Luật thuế mới sẽ gặp khó khăn, ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh, nhất là đối với các cơ sở sản xuất, xây dựng, vận tải... Vì vậy, Ủy ban chúng tôi nhất trí trước mắt cần quy định giảm thuế trị giá gia tăng như trong Dự thảo Luật (Điều 25) là phù hợp. Tuy nhiên, cần lưu ý Chính phủ phải hướng dẫn cụ thể để tránh việc giảm thuế tràn lan, tùy tiện.
B- VỀ THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP
Theo Tờ trình của Chính phủ, để khắc phục nhược điểm của Luật thuế lợi tức hiện hành chưa bao quát được các nguồn thu nhập, còn có nhiều thuế suất khác nhau làm hạn chế thúc đẩy tự đầu tư phát triển và còn có sự phân biệt giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài. Việc thay thuế lợi tức bằng thuế thu nhập doanh nghiệp với một thuế suất thống nhất áp dụng chung cho cả các đối tượng kinh doanh trong nước và xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là cần thiết. Ủy ban chúng tôi nhất trí, việc xây dựng một thuế suất áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế là bảo đảm công bằng, phù hợp với cách đánh thuế của các nước trong khu vực và trên thế giới.
1. Về tên gọi, đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật:
Ủy ban chúng tôi nhất trí với tên gọi của Dự án Luật là Luật thuế thu nhập doanh nghiệp vì nó bao quát được hết các loại hình sản xuất kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế, không phân biệt quy mô và cũng thống nhất ý kiến về đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật gồm các tổ chức, cá nhân kinh doanh kể cả xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
2. Về thu nhập chịu thuế và thuế suất:
Ủy ban chúng tôi đề nghị cần làm rõ khái niệm “lợi tức chịu thuế” theo Luật thuế lợi tức hiện hành và “thu nhập chịu thuế” quy định trong Dự thảo Luật này. Chúng tôi đồng ý về thu nhập chịu thuế là ngoài phần lợi tức gắn với kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh, còn gồm các khoản thu nhập bổ sung từ các hoạt động khác (như thu nhập từ lãi bán tài sản thanh lý, nhượng bán tài sản, chuyển nhượng cổ phần...). Do vậy, khi xác định thu nhập chịu thuế cần có tiêu thức phân định rõ ràng, tính toán cụ thể các loại chi phí để tránh bỏ sót, trùng lặp; đồng thời, có căn cứ khoa học, đơn giản việc xác định các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ.
Một số ý kiến trong Ủy ban chúng tôi đề nghị, đối với hộ kinh doanh cá thể (hộ nhỏ) nên có quy định về mức thu nhập khởi điểm chịu thuế và cũng cần nói rõ cách tính thuế thu nhập trên cơ sở “khoán thu” phù hợp với Luật thuế trị giá gia tăng.
Đa số ý kiến trong Ủy ban chúng tôi đồng ý thống nhất một thuế suất 32% áp dụng chung cho tất cả các ngành, nghề sản xuất - kinh doanh có thu nhập chịu thuế thuộc mọi thành phần kinh tế, kể cả xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm tránh phân biệt đối xử; đồng thời, có một số thuế suất ưu đãi có thời hạn cho một số ngành, lĩnh vực kinh doanh nhằm tạo nguồn vốn cho các doanh nghiệp có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Tuy vậy, những ưu đãi về thuế quy định trong Dự thảo Luật (khoản 2, Điều 10) cần được tính toán, cân nhắc cho phù hợp với các văn bản pháp luật đã ban hành, đặc biệt là Luật khuyến khích đầu tư trong nước, Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Luật dầu khí và các văn bản có liên quan khác.
3. Về mức thuế suất cụ thể:
Ủy ban chúng tôi đồng ý với mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng chung là 32% và một số thuế suất ưu đãi như quy định tại khoản 2, Điều 10 của Dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Riêng đối với thuế suất áp dụng cho tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực dầu khí và khai thác tài nguyên quý hiếm quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 10 thì nhiều thành viên trong Ủy ban chúng tôi cho rằng chưa hợp lý, bởi vì, theo tinh thần của Luật dầu khí (Điều 33 và Điều 34) thì thuế lợi tức với thuế suất 50% chỉ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tiến hành tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; còn các nhà thầu phụ thì nộp thuế lợi tức theo quy định của Luật thuế lợi tức hoặc Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Do vậy, Ủy ban chúng tôi đề nghị phù hợp với quy định tại Điều 34 của Luật dầu khí, đỡ phức tạp trong công tác quản lý thì thuế suất thuế thu nhập đối với nhà thầu phụ trong hoạt động dầu khí cũng chỉ nên áp dụng ở mức 32%; còn đối với các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và khai thác tài nguyên quý hiếm thì có thể cao hơn mức này và đến mức 50% như đã quy định tại Điều 33 của Luật dầu khí.
4. Về “thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung”:
Trong Luật thuế lợi tức hiện hành cũng có quy định thu thuế lợi tức bổ sung đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài quốc doanh với mức khác nhau; Dự thảo Luật thuế thu nhập đã gửi trước đến các đại biểu Quốc hội có quy định ngoài việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định chung, doanh nghiệp còn phải nộp thuế thu nhập bổ sung 25% trên phần thu nhập còn lại sau khi đã nộp thuế thu nhập và trích lập các quỹ theo quy định chung. Nay trong Dự thảo Luật chính thức trình Quốc hội tại kỳ họp lần này, Chính phủ không đặt vấn đề thu thuế thu nhập bổ sung nữa nhằm tạo thêm điều kiện cho doanh nghiệp có nguồn vốn tự đầu tư phát triển. Về vấn đề này, Ủy ban chúng tôi có hai loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất đồng ý với đề nghị trong tờ trình của Chính phủ là không thu thuế thu nhập bổ sung. Loại ý kiến thứ hai đề nghị vẫn thu thuế thu nhập bổ sung, nhất là đối với các doanh nghiệp có lợi nhuận siêu ngạch do có lợi thế khách quan, tuy nhiên cũng cần phải quy định mức khởi điểm của phần thu nhập còn lại chịu thuế thu nhập bổ sung 25%. Đây là vấn đề còn có ý kiến khác nhau, đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định.
Ngoài ra, để bảo đảm thực hiện quyền lợi của tổ chức, cá nhân và phù hợp với quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, Ủy ban chúng tôi đề nghị bổ sung vào khoản 2 Điều 23 Luật thuế trị giá gia tăng và khoản 2 Điều 27 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp quyền của người khiếu nại, khởi kiện hành chính được tiến hành theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
III- VỀ HIỆU LỰC THI HÀNH HAI LUẬT THUẾ
Qua thảo luận, Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ về hiệu lực thi hành của hai Luật thuế bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 năm 1999 để các cơ quan nhà nước có đủ thời gian chuẩn bị các điều kiện và thực hiện những công việc cần thiết, bảo đảm cho việc triển khai thực hiện các luật này đạt hiệu quả cao. Điều đáng quan tâm là hai Dự án Luật thuế trị giá gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp sau khi được Quốc hội thông qua thì mới có cơ sở pháp lý để các cơ quan của Chính phủ xúc tiến khẩn trương công tác chuẩn bị và khi Luật có hiệu lực thi hành thì các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân đồng bộ triển khai.
*
* *
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Trên đây là ý kiến thẩm tra của Ủy ban kinh tế và ngân sách về hai Dự án Luật thuế trị giá gia tăng và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp; kính trình Quốc hội xem xét và quyết định.
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội