(Do ông Trần Văn Nhẫn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế và ngân sách
của Quốc hội đọc tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá IX, ngày 09-4-1997)
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX (tháng 10-1996), Bộ trưởng Bộ Thương mại thay mặt Chính phủ đã trình Dự thảo Luật thương mại, Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội đã báo cáo ý kiến của Ủy ban trước Quốc hội. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ý kiến của Ủy ban kinh tế và ngân sách và Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 51, tháng 12 năm 1996, sau khi tổ chức lấy ý kiến thêm tại một số tỉnh và thành phố trong cả nước, Ban soạn thảo đã chỉnh lý và hoàn thiện Dự thảo Luật.
Trong các ngày 11 và 12 tháng 3 năm 1997, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội đã họp toàn thể Ủy ban để chính thức thẩm tra Dự án Luật thương mại. Tham dự họp của Ủy ban có đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Vật giá Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và một số cơ quan hữu quan.
Sau khi nghe đại diện Bộ Thương mại thay mặt Chính phủ trình bày Dự thảo Luật thương mại và ý kiến của các đại biểu dự họp, Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội xin trình Quốc hội một số vấn đề sau:
I- VỀ SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT THƯƠNG MẠI
Để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp phát triển kinh tế và tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại, tạo cơ sở pháp lý phát triển mạnh mẽ thị trường hàng hóa và dịch vụ trên các vùng của đất nước, mở rộng giao lưu thương mại với nước ngoài; xác lập vai trò chủ đạo của thương nghiệp nhà nước trong nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền tự do hoạt động thương mại của tổ chức và cá nhân, bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước và bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng; thể chế hóa đường lối, chính sách, cơ chế quản lý thương mại của Đảng và Nhà nước trên cơ sở các nghị quyết của Đảng và Hiến pháp năm 1992.
Luật thương mại cùng với các luật liên quan đã được ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý đồng bộ góp phần giải phóng mọi năng lực sản xuất, thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh và bền vững toàn bộ nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm công bằng xã hội, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.
Việc ban hành Luật thương mại cũng sẽ tạo hành lang pháp lý cho Việt Nam hội nhập với thị trường khu vực và thế giới, thực hiện quyền và nghĩa vụ của thành viên trong Khu vực mậu dịch tự do AFTA (ASEAN), chuẩn bị tham gia Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Do vậy, việc ban hành Luật thương mại là cần thiết.
II- VỀ NỘI DUNG CỦA DỰ THẢO LUẬT
Dự thảo Luật thương mại do Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp lần này đã được nghiên cứu, soạn thảo và chỉnh lý khá công phu, đã bám sát các quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong đổi mới tổ chức và hoạt động thương mại, đưa vào Dự thảo Luật những nội dung cần thiết, chi tiết, cụ thể, vừa đáp ứng được yêu cầu bức xúc của hoạt động thương mại nước ta, vừa phù hợp với thông lệ của pháp luật quốc tế. Vì vậy, Ủy ban chúng tôi cơ bản tán thành những nội dung và kết cấu Dự thảo Luật thương mại. Tuy nhiên, Luật thương mại là một Dự án lớn, hoạt động thương mại rất đa dạng và phức tạp, liên quan đến toàn bộ các hoạt động của nền kinh tế và đời sống xã hội. Do vậy, qua thảo luận Ủy ban chúng tôi thấy còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau, kính trình Quốc hội xem xét:
1. Về phạm vi điều chỉnh của Dự Luật:
Ủy ban chúng tôi đồng ý Luật thương mại chỉ điều chỉnh các hoạt động thương mại với chủ thể hoạt động thương mại là thương nhân, bao gồm hoạt động mua, bán hàng hóa và các dịch vụ thương mại liên quan đến mua, bán hàng hóa như Dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội. Song còn có ý kiến khác nhau về những đối tượng cụ thể:
a) Đối với các hoạt động trao đổi, mua bán, kinh doanh hàng hóa là bất động sản, cụ thể như nhà ở, có hai loại ý kiến:
Loại ý kiến thứ nhất, đề nghị Luật thương mại không quy định việc mua, bán, kinh doanh nhà ở. Nhà ở là bất động sản, liên quan đến pháp luật về đất đai, kinh doanh nhà ở có những đặc thù khác với việc mua, bán hàng hóa thông thường. Do vậy, cần có quy định riêng, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.
Loại ý kiến thứ hai, đề nghị Luật thương mại phải điều chỉnh cả kinh doanh nhà ở như xây dựng nhà để bán hoặc cho thuê; mua, bán nhà để cho thuê thu lợi nhuận.
Về vấn đề này, Ủy ban chúng tôi nhất trí với loại ý kiến thứ hai, đề nghị việc “kinh doanh nhà ở” thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật thương mại. Bởi vì, thực tế hiện nay, đã có nhiều công ty được phép kinh doanh nhà ở hoặc xây dựng nhà để bán, cho thuê; vấn đề này đang diễn ra sôi động, ngoài sự kiểm soát, quản lý của Nhà nước, đòi hỏi phải có sự thống nhất quản lý hành vi thương mại này.
b) Đối với các dịch vụ gắn với trao đổi, mua bán hàng hóa cũng có hai loại ý kiến:
Có ý kiến đề nghị Luật thương mại cần điều chỉnh mọi loại dịch vụ trên thị trường, bao gồm dịch vụ gắn với thương mại; dịch vụ gắn với sản xuất; dịch vụ gắn với tiêu dùng, trong đó có cả dịch vụ “cầm đồ”.
Có ý kiến đề nghị Luật thương mại chỉ điều chỉnh những dịch vụ gắn với việc mua bán hàng hóa và liên quan đến lưu thông hàng hóa như kinh doanh khách sạn, ăn uống, giải khát..., và các dịch vụ môi giới, ủy thác, đại lý, thuê mua, quảng cáo, v.v., tư vấn thông tin thương mại... Không điều chỉnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ.
Đa số ý kiến của Ủy ban chúng tôi nhất trí đề nghị, Luật thương mại điều chỉnh các dịch vụ gắn với trao đổi, mua bán hàng hóa như: kinh doanh khách sạn, ăn uống, giải khát; tư vấn thương mại và các dịch vụ văn hóa gắn với mua, bán hàng hóa. Đối với dịch vụ “cầm đồ”, bản chất của dịch vụ này là hoạt động tín dụng, do pháp luật ngân hàng điều chỉnh. Đối với các hoạt động văn hóa văn nghệ (biểu diễn nghệ thuật, triển lãm nghệ thuật) không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này mà do các luật khác điều chỉnh để chống khuynh hướng “thương mại hóa” các hoạt động này. Đối với quyền tài sản như: cổ phiếu, tín phiếu, trái phiếu, tuy cũng là đối tượng mua, bán và được coi là hàng hóa, nhưng nó đòi hỏi phải có những quy định cụ thể phù hợp với đặc thù của các loại hàng hóa này thuộc pháp luật ngân hàng, Luật thị trường chứng khoán điều chỉnh. Luật thương mại chỉ điều chỉnh thương phiếu”, bao gồm “hối phiếu” và “lệnh phiếu” như các quy định tại Chương ba của Dự thảo Luật là phù hợp vì mang nhiều tính chất thương mại nhất là ở giai đoạn đầu.
2. Về đối tượng áp dụng:
Nội dung Dự thảo Luật thương mại trình Quốc hội kỳ này đã đưa thêm các đối tượng được quy định trong Nghị định số 66/HĐBT, gồm những hộ cá nhân và nhóm kinh doanh có vốn thấp hơn vốn pháp định theo quy định để kinh doanh thương mại là phù hợp với tính chất hành vi thương mại của đối tượng này, đồng thời đáp ứng yêu cầu thống nhất quản lý hoạt động thương mại đối với các thương nhân vừa và nhỏ là đối tượng khá đông đảo (trên 1 triệu hộ) và hoạt động trên địa bàn khá rộng trong phạm vi cả nước. Riêng đối với những người buôn bán hàng rong, quà vặt có vốn kinh doanh, doanh thu và thu nhập thấp thì còn có ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất: Đề nghị Luật thương mại cần có những quy định cụ thể đối với loại thương nhân này, để làm cơ sở cho việc quản lý thống nhất hoạt động thương mại trên phạm vi cả nước.
Loại ý kiến thứ hai: Đề nghị không đưa người bán hàng rong, quà vặt vào đối tượng áp dụng của Luật này.
Ủy ban chúng tôi nhất trí với quy định đối tượng áp dụng của Luật thương mại là các chủ thể của hoạt động thương mại là thương nhân gồm cá nhân, pháp nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình hoạt động theo các Luật doanh nghiệp nhà nước; Luật công ty; Luật doanh nghiệp tư nhân; Luật hợp tác xã và các đối tượng được điều chỉnh bởi Nghị định số 66/HĐBT. Những cá nhân, pháp nhân này tham gia hoạt động thương mại dưới hình thức mua, bán hàng hóa, thực hiện các dịch vụ thương mại đều được coi là thương nhân, bao gồm nhà buôn thuần túy với mọi hình thức hoạt động có cửa hàng, cửa hiệu, sạp hàng, quầy hàng; buôn chuyến; nhà sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tham gia thị trường dưới hình thức mua nguyên liệu vật tư, bán sản phẩm do mình sản xuất ra và thực hiện dịch vụ thương mại gắn với sản xuất; người làm dịch vụ tham gia thị trường dưới hình thức mua nguyên liệu, bán sản phẩm hoặc mua hàng để bán lại; người làm các dịch vụ gắn liền với lưu thông hàng hóa, đại diện cho thương nhân, môi giới thương mại...
Đối với những người bán hàng rong, quà vặt, người làm dịch vụ giản đơn, có thu nhập thấp; Ủy ban chúng tôi đề nghị ủy quyền cho Chính phủ ban hành quy chế riêng theo những nguyên tắc cơ bản của Luật thương mại này nhằm bảo đảm quản lý thống nhất hoạt động thương mại trong phạm vi cả nước. Bởi vì, đối tượng này không thể thực hiện được đầy đủ các quy định về thương nhân như Dự thảo Luật xác định.
3. Về các nguyên tắc cơ bản và chính sách thương mại:
Dự án Luật thương mại trình Quốc hội tại kỳ họp này thể hiện được các nguyên tắc cơ bản và chính sách thương mại của Đảng và Nhà nước trên cơ sở nghị quyết của Đảng và Hiến pháp năm 1992.
Về chính sách thương mại còn có ý kiến khác nhau về cách thể hiện:
Có ý kiến đề nghị Luật thương mại cần quy định cụ thể, đầy đủ hơn các chính sách về thương mại đối với nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; vai trò chủ đạo của thương nghiệp quốc doanh, nhất là trong những lĩnh vực và địa bàn quan trọng; vai trò vị trí của kinh tế hợp tác trong lĩnh vực thương mại, nhất là hợp tác xã trong nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có liên quan đến dịch vụ thương mại như hợp tác xã tiêu thụ, hợp tác xã mua bán, hợp tác xã dịch vụ, hợp tác xã dịch vụ tổng hợp phục vụ sản xuất nông nghiệp và nông thôn...
Có ý kiến đề nghị Luật thương mại chỉ quy định những chính sách chung có tính nguyên tắc, không nên quy định quá chi tiết, cụ thể.
Đa số ý kiến của Ủy ban chúng tôi nhất trí với nội dung của Dự thảo Luật thương mại, chỉ quy định những nguyên tắc cơ bản cho hoạt động thương nghiệp, đó là: quyền tự do hoạt động thương mại, quyền bình đẳng trước pháp luật trong hoạt động thương mại; bảo hộ sản xuất trong nước và bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, chính sách của Nhà nước đối với thương mại quốc doanh. Các chính sách cụ thể đối với hoạt động thương mại ở miền núi, vùng sâu, vùng xa trong Dự thảo Luật chỉ cần quy định có tính chất nguyên tắc, còn cụ thể sẽ giao cho Chính phủ căn cứ vào điều kiện cụ thể và tình hình thực tiễn để quy định. Riêng đối với hoạt động thương mại của các loại hình kinh tế hợp tác cần quy định rõ hơn để bảo đảm cho kinh tế nhà nước cùng với kinh tế hợp tác xã dần trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân.
4. Về đăng ký kinh doanh đối với thương nhân:
Đăng ký kinh doanh đối với thương nhân là một trong những nội dung của cơ chế quản lý thương mại. Dự thảo Luật thương mại bước đầu hình thành cơ chế quản lý thương mại bằng việc thống nhất đăng ký kinh doanh vào một đầu mối, thương nhân chỉ đăng ký kinh doanh tại một cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Riêng trường hợp người nước ngoài muốn hoạt động thương mại tại Việt Nam phải được phép của Chính phủ Việt Nam.
Về cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký kinh doanh cho thương nhân còn có ý kiến khác nhau:
- Loại ý kiến thứ nhất, đề nghị phải tuân theo các quy định của các luật hiện hành: Luật doanh nghiệp nhà nước, Luật doanh nghiệp tư nhân; Luật công ty; Luật hợp tác xã. Như vậy, tùy theo loại hình doanh nghiệp nếu là doanh nghiệp nhà nước sau khi có quyết định thành lập của Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố; nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân phải được cấp giấy phép thành lập của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đều phải đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh, thành phố, nơi doanh nghiệp có trụ sở chính.
- Loại ý kiến thứ hai cho rằng, các doanh nghiệp được thành lập theo các luật: Luật doanh nghiệp nhà nước; Luật công ty; Luật doanh nghiệp tư nhân; Luật hợp tác xã thì sau khi đã có quyết định thành lập (đối với doanh nghiệp nhà nước) hoặc đã có giấy phép thành lập (đối với doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn) khi tham gia vào hoạt động thương mại thì phải đăng ký kinh doanh tại cơ quan quản lý nhà nước về thương mại theo hệ thống quản lý nhà nước về thương mại do Chính phủ quy định.
Nhiều ý kiến trong Ủy ban chúng tôi đề nghị việc đăng ký kinh doanh hoạt động thương mại phải thống nhất vào cơ quan quản lý nhà nước về thương mại nhằm gắn chặt sự quản lý nhà nước về thương mại với hoạt động thương mại, dịch vụ của thương nhân, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát hoạt động thương mại, thực hiện các chính sách phát triển thương mại, hướng dẫn và điều tiết lưu thông, quản lý thị trường, chống hàng lậu, hàng giả... Đồng thời, bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ trong quản lý hoạt động thương mại, tránh tình trạng buông lỏng và chồng chéo, gây phiền hà cho thương nhân.
Tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp, còn có nhiều ý kiến khác nhau, trong thực tế hiện nay sản xuất thường gắn với kinh doanh thương mại và dịch vụ, khó phân biệt rạch ròi nên dễ dẫn đến tình trạng một doanh nghiệp phải đăng ký kinh doanh ở nhiều đầu mối, gây phiền hà cho nhà kinh doanh. Vậy, kính đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định.
5. Quản lý nhà nước về thương mại:
Ủy ban chúng tôi nhất trí cho rằng, Nhà nước thống nhất quản lý thương mại trên phạm vi cả nước bằng chính sách, pháp luật, kế hoạch, quy hoạch và chiến lược phát triển thương mại. Tuy nhiên, việc quản lý nhà nước về thương mại có hai loại ý kiến:
Có ý kiến đề nghị việc quản lý nhà nước về hoạt động thương mại nên tập trung vào cơ quan chức năng là Bộ Thương mại. Nhưng cũng có ý kiến đề nghị Bộ Thương mại chịu trách nhiệm trước Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thương mại; còn các bộ, ngành khác có trách nhiệm phối hợp với Bộ Thương mại quản lý nhà nước về thương mại trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình.
Đa số ý kiến trong Ủy ban chúng tôi nhất trí theo loại ý kiến thứ hai, Bộ Thương mại là cơ quan của Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng thống nhất quản lý nhà nước về thương mại. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Thương mại quản lý nhà nước về thương mại trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ của mình.
Đối với bộ máy quản lý nhà nước về thương mại, cũng có hai loại ý kiến:
Có ý kiến đề nghị Luật thương mại cần quy định rõ hệ thống bộ máy quản lý nhà nước về thương mại từ Trung ương đến địa phương, bao gồm:
- Bộ Thương mại (ở Trung ương).
- Sở Thương mại (ở cấp tỉnh, thành phố).
- Phòng Thương mại hoặc Phòng Công thương (cấp quận, huyện).
- Ủy ban nhân dân xã, phường (đối với người bán hàng rong).
Có ý kiến đề nghị Luật thương mại không quy định cụ thể, mà chỉ quy định theo hệ thống tổ chức hành chính từ Trung ương đến địa phương và giao cho Chính phủ quy định cụ thể như đã thể hiện trong Dự thảo Luật.
Đa số ý kiến của Ủy ban chúng tôi đề nghị, trong Luật thương mại nên quy định chung là hệ thống bộ máy quản lý nhà nước về thương mại phải theo hệ thống tổ chức hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương để phù hợp với tiến trình thực hiện công cuộc cải cách nền hành chính nhà nước hiện nay.
*
* *
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Trên đây là ý kiến thẩm tra của Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội về Dự án Luật thương mại. Sau khi Quốc hội thảo luận cho ý kiến, Ủy ban chúng tôi sẽ cùng với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp tục chỉnh lý và hoàn thiện Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật thương mại tại kỳ họp lần này.
Kính trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội