VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 4 1996-1997


TỜ TRÌNH CỦA CHÍNH PHỦ
VỀ QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI
CẢ NƯỚC ĐẾN NĂM 2010

(Do ông Nguyễn Công Tạn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn đọc tại kỳ họp thứ 11,
Quốc hội khoá IX, ngày 21-4-1997)

Kính thưa Quốc hội,

 Thực hiện quy định tại Điều 18 Luật đất đai (1993), Chính phủ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai cả nước đến năm 2010, trình Quốc hội xem xét quyết định như sau:

Từ năm 1994, Chính phủ đã cho triển khai xây dựng quy hoạch sử dụng đất đai cả nước đến năm 2010 để Quốc hội xem xét quyết định làm căn cứ cho các ngành, các địa phương tiến hành quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của ngành và địa phương mình.

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai đến năm 2010 được lập trên cơ sở các căn cứ: Hiến pháp 1992, Luật đất đai 1993, Văn kiện Đại hội VII, Đại hội VIII; tổng sơ đồ phát triển và phân bố lực lượng sản xuất, quy hoạch vùng lãnh thổ, chiến lược và quy hoạch phát triển về công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông, thủy lợi; đô thị của các ngành; các vùng kinh tế, quy hoạch tổng thể phát triển, kinh tế xã hội đến năm 2010 của 53 tỉnh, thành phố. Kết quả trong kiểm kê đất đai toàn quốc năm 1995 và các kết quả nghiên cứu quy hoạch sử dụng đất các cấp tỉnh, huyện, xã trên địa bàn cả nước.

Phương pháp nghiên cứu tiếp cận đi từ trên xuống (từ vĩ mô đến vi mô) kết hợp tổng hợp từ dưới lên.

Báo cáo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2010 đã được trình Quốc hội khóa IX kỳ họp thứ 10 từ ngày 15-10-1996 đến ngày 12-11-1996.

Căn cứ nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp nói trên, Chính phủ đã tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của ngành và địa phương mình. Trên cơ sở đó, Chính phủ xây dựng “Báo cáo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai cả nước đến năm 2010”. Báo cáo này đã được Thường trực Ủy ban pháp luật của Quốc hội thảo luận góp ý kiến ngày 22-02-1997 theo Tờ trình số 772/KTN ngày 20-02-1997 và sau đó ngày 27-02-1997, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghe và nhất trí tán thành báo cáo của Chính phủ, yêu cầu Chính phủ bổ sung làm rõ thêm một số vấn đề và đã quyết định trình ra Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 11.

Tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội nay Chính phủ đã bổ sung hoàn chỉnh báo cáo “quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai cả nước đến năm 2010” trình Quốc hội quyết định với những nội dung chủ yếu và kiến nghị sau đây:

I- QUAN ĐIỂM, MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU CỦA QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI THỜI KỲ 1996 - 2010

1. Cơ sở xuất phát:

1.1. Các yếu tố tự nhiên:

Việt Nam có diện tích đất tự nhiên 33.104.218 ha (chỉ tính phần đất liền), là nước có quy mô trung bình, xếp thứ 59 trong tổng số trên 200 nước, dân số 75,4 triệu người (năm 1996) xếp thứ 13 trên thế giới; bình quân đất đai tính theo đầu người (0,45 ha) rất thấp, chỉ bằng 1/6 mức bình quân của thế giới; đứng hàng thứ 9 trong 10 nước Đông Nam Á và thứ 135 trong số trên 200 nước trên thế giới.

Bình quân đất nông nghiệp theo đầu người thấp 1.081 m2 (1995) và còn tiếp tục giảm ở các năm tiếp theo.

Việt Nam nằm trong vành đai nhiệt đới Bắc bán cầu, nắng nóng, mưa nhiều thường có thiên tai bão lụt. Môi trường đất Việt Nam thường bị tác động của các hiện tượng xói mòn, rửa trôi, lầy úng, phèn mặn... Trên 16 triệu ha đất đai có những mặt hạn chế lớn đối với sản xuất nông nghiệp bao gồm 3,8 triệu ha đất bằng (đất phèn, đất mặn, cồn cát, đất cát biển) và 13 triệu ha đất dốc (trong đó trên 10 triệu ha đất trống, đồi núi trọc và 0,5 triệu ha đất xói mòn trơ sỏi đá).

1.2. Các yếu tố kinh tế - xã hội:

Nghị quyết Đại hội VIII đề ra “Từ nay đến năm 2020, ra sức phấn đấu đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp”. Và xác định phương hướng nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 1996 - 2000 với những mục tiêu sau: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm 9 - 10%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp bình quân hằng năm 4,5 - 5%; tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân hằng năm 14 - 15%.

Nhu cầu tăng trưởng kinh tế cao, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lại lao động, việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các công trình, các khu công nghiệp tập trung, bố trí lại các khu dân cư thành thị và nông thôn phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng. Bảo đảm an toàn lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường để phát triển bền vững đòi hỏi phải tiến hành quy hoạch sử dụng đất đai để bảo đảm đất đai được sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả.

2. Mục đích yêu cầu:

Quy hoạch sử dụng đất đai thời kỳ 1996 - 2010 mang tính chất dự báo, được xây dựng kết gắn và thể hiện những mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế xã hội của các vùng, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau khi được phê duyệt, quy hoạch sử dụng đất đai vừa mang tính khoa học vừa mang tính pháp lý nhằm phục vụ cho cấp có thẩm quyền quản lý, điều chỉnh việc khai thác sử dụng đất đai phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn; đồng thời, hạn chế chủ sử dụng đất tự ý thay đổi mục đích sử dụng đất đai gây thiệt hại cho toàn xã hội.

Yêu cầu xây dựng quy hoạch sử dụng đất đai cả nước lần này là phải tính toán đưa ra một khung chung có tính nguyên tắc để tiến tới xây dựng chiến lược khai thác sử dụng toàn bộ lãnh thổ Việt Nam bao gồm cả đất đồi, núi trọc, đất bãi bồi ven sông, ven biển, hải đảo và thềm lục địa, đồng thời làm cơ sở để các ngành, các cấp lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của mình đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cân đối giữa nhiệm vụ xây dựng nông thôn, phát triển nông nghiệp bảo đảm an toàn lương thực và nhiệm vụ công nghiệp hóa, đô thị hóa, khắc phục hiện tượng mất đất nông nghiệp có năng suất cao.

3. Quan điểm mục tiêu quy hoạch sử dụng đất đai thời kỳ 1996 - 2010:

(1) Xuất phát từ một nước có 80% dân số là nông dân, kinh tế nông nghiệp chiếm tới 29% GDP, việc phát triển công nghiệp, đô thị, kết cấu hạ tầng phải phù hợp với chiến lược phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa. Sử dụng đất đai một cách hết sức tiết kiệm nhất là đất trồng lúa nước, nhằm bảo vệ và khai thác sử dụng thật tốt quỹ đất nông nghiệp bảo đảm an toàn lương thực quốc gia.

(2) Phải coi trọng việc bảo đảm diện tích phủ xanh bằng cây rừng. Có chính sách và xây dựng quan điểm toàn dân bảo vệ rừng, nhất là rừng đầu nguồn; chăm sóc, tu bổ, phục hồi rừng, trồng cây gây rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc nâng tỷ lệ che phủ bằng cây rừng lên mức 46% để khôi phục và cải thiện môi trường sống theo quan điểm cân bằng sinh thái bền vững.

(3) Dành một quỹ đất đai hợp lý trong việc xây dựng và phát triển các khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất ở những địa bàn kinh tế có điều kiện thuận lợi để phát huy nhanh hiệu quả đầu tư, đồng thời chủ động chuẩn bị những địa bàn kinh tế khác tuy trước mắt còn khó khăn nhưng không lấn nhiều vào đất nông nghiệp.

(4) Quỹ đất dành cho phát triển cơ sở hạ tầng còn phải tiếp tục tăng nhanh để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, để thực hiện từng bước cải thiện nhà ở chống lũ, lụt cho dân cư trong vùng, cần kết hợp sử dụng thật hợp lý ba quỹ đất cho khu dân cư, giao thông và thủy lợi.

Phát triển cơ sở hạ tầng trước một bước ở các tỉnh trung du miền núi Bắc bộ và ở các tỉnh dọc theo các trục đường quốc gia có tính chiến lược theo hướng Bắc Nam và các trục đường theo hướng Đông Tây để tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu phát triển kinh tế - xã hội tương đối đồng đều ở các vùng.

(5) Từng bước bố trí lại các khu dân cư cả ở nông thôn và đô thị ở những nơi đã hình thành, kết hợp với quy hoạch xây dựng các khu dân cư mới phát triển theo hướng vừa chú ý tới môi trường sinh thái như cây cảnh, lâm viên, công viên..., vừa đáp ứng các nhu cầu về giao thông, thông tin liên lạc, giáo dục, văn hóa, thể dục, thể thao, du lịch và các công trình phúc lợi xã hội khác.

Ở đồng bằng sông Cửu Long, phải vừa hình thành các khu dân cư tập trung ở các đầu mối giao thông vừa phân bố dọc theo các bờ kênh thoát lũ.

Ở các tỉnh miền núi, phải ưu tiên quy hoạch sử dụng đất cho việc xây dựng 1.045 trung tâm cụm xã, trong đó có 447 trung tâm cụm xã miền núi và 598 trung tâm cụm xã vùng cao.

Tại các vùng biên giới đất liền hình thành khoảng 181 đô thị ở các cửa khẩu, các tỉnh lỵ, huyện lỵ và các điểm dân cư tập trung kết hợp giữa mục tiêu phòng thủ an ninh quốc gia với mục tiêu phát triển kinh tế văn hóa xã hội.

(6) Khai thác sử dụng đất đai phải đặc biệt coi trọng nguyên tắc quốc phòng kết hợp với kinh tế và kinh tế kết hợp với quốc phòng. Trước hết, phải ưu tiên bố trí những địa thế tự nhiên thuận lợi cho mục tiêu an ninh quốc phòng. Đặc biệt quan tâm các yếu tố an ninh quốc phòng trong khai thác sử dụng đất đai vùng biên giới đất liền, vùng bờ biển và hải đảo.

(7) Với 3.260 km bờ biển và hơn 3.000 hải đảo, Việt Nam có thềm lục địa và lãnh hải rộng lớn gấp hơn nhiều lần diện tích đất liền. Phải tiến tới xây dựng chiến lược khai thác sử dụng và quản lý chặt chẽ hải đảo, thềm lục địa và lãnh hải để vừa tạo ra khả năng phân bố lại dân cư và phát triển kinh tế vừa tăng cường bảo đảm chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia.

II- HIỆN TRẠNG SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI NĂM 1995

 

ha

%

Tổng diện tích tự nhiên

33.104.218

100

Tổng diện tích đang sử dụng

20.600.100

62,2

Trong đó:

 

 

- Đất nông nghiệp

7.993.700

24,2

- Đất lâm nghiệp

10.795.000

32,6

- Đất chuyên dùng

1.271.000

3,8

- Đất ở nông thôn

382.866

1,2

- Đất ở đô thị

57.504

0,2

- Tổng diện tích đất chưa sử dụng

12.604.100

37,8

Trong đó đất đồi núi

8.726.704

 

Biến động các loại đất thời kỳ 1980 - 1995:

* Đất nông nghiệp

1985

1990

1995

Tổng diện tích đất nông nghiệp (1.000 ha)

6.942,2

6.993,2

7.993,7

1- Đất trồng cây hàng năm (1.000 ha)

5.615,8

5.339,0

5.624,4

- Trong đó đất lúa

4.296,6

4.108,8

4.328,1

Riêng lúa nước

...

3.966,4

4.113,6

- Hệ số sử dụng đất (lần/năm)

1,4

1,52

1,66

- Diện tích gieo trồng (ha)

7.840,3

8.104,5

9.336,5

- Năng suất lúa (tạ/ha)

27,8

31,9

36,9

- Sản lượng lương thực (1.000 tấn)

18.200,2

21.488,5

27.570,9

Trong đó riêng lúa (1.000 tấn)

15.874,8

19.255,2

24.963,7

2- Đất trồng cây lâu năm (1.000 ha)

804,8

1.045,2

1.418,2

* Đất lâm nghiệp

1985

1990

1995

Tổng diện tích rừng

9.641,7

9.395,2

10.795,2

Trong đó rừng đủ tiêu chuẩn

9.308,3

9.175,6

9.302,2

1- Rừng tự nhiên

9.022,2

8.723,2

9.477,6

Trong đó rừng đủ tiêu chuẩn

...

8.430,7

8.252,5

2- Rừng trồng

619,5

671,9

1.316,5

Trong đó rừng đủ tiêu chuẩn

...

...

1.049,5

* Đất chuyên dùng

1985

1990

1995

Tổng diện tích đất chuyên dùng

766,8

972,2

1.271,0

Trong đó:

 

 

 

- Đất xây dựng

...

91,4

117,3

- Đất đường giao thông

207,1

219,6

230,1

- Đất thủy lợi

244,6

352,3

448,7

* Đất khu dân cư (đất ở nông thôn và đất ở đô thị)

1985

1990

1995

Tổng diện tích

855,7

817,8

717,5

* Đất chưa sử dụng

1985

1990

1995

Tổng diện tích đất chưa sử dụng

14.827,7

14.924,9

12,604,0

 Nhận xét:

Bức tranh hiện trạng sử dụng đất đai năm 1995 là kết quả của sự chuyển mình trong mỗi bước đi của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hiện đại hóa, công nghiệp hóa gắn liền với đô thị hóa và cải thiện môi sinh và môi trường ở hầu hết các vùng của đất nước.

Đất nông nghiệp, lâm nghiệp và nông thôn:

- Diện tích đất nông nghiệp (1995): 7.993.700 ha chiếm 24,2% diện tích tự nhiên. Bình quân đất nông nghiệp theo đầu người giảm từ 1.159 m2 (1985) xuống 1.056 m2 (1990) lên mức 1.081 m2 (1995).

So với năm 1990, diện tích đất nông nghiệp năm 1995 tăng được 1 triệu ha trong đó diện tích đất trồng lúa tăng được 219.233 ha, riêng đất trồng lúa nước tăng 147.200 ha là rất có ý nghĩa; diện tích đất nông nghiệp tăng chủ yếu ở ba vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Đông Nam bộ.

Diện tích đất trồng cây lâu năm tăng mạnh ở các vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên lên mức 477.532 ha trong 5 năm 1991 - 1995 đã và đang hình thành những vùng sản xuất nguyên liệu tập trung lớn cho công nghiệp chế biến phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

- Năm 1995, cả nước có 10.795.000 ha rừng gồm 9.477.600 ha rừng tự nhiên và 1.316.400 ha rừng trồng, chiếm 32,61% diện tích tự nhiên của cả nước. Trong giai đoạn (1991 - 1995), diện tích đất lâm nghiệp tăng 1.399.826 ha; nhưng diện tích rừng tự nhiên giảm 178.000 ha, mỗi năm giảm 26.000 ha (thời kỳ 1976 - 1990, giảm 190.000 ha/năm).

- Diện tích rừng hiện còn là không đủ để bảo vệ môi sinh tự nhiên của cả nước, càng không đủ để đáp ứng mọi nhu cầu về lâm sản của nền kinh tế quốc dân.

Đất khu dân cư nông thôn và đô thị:

- Đất khu dân cư nông thôn hiện có 1.313.204 ha, trong đó đất ở là 382.866 ha đã được kiểm kê thống kê đăng ký sử dụng theo quy định của pháp luật.

Nhờ có nhiều chính sách đổi mới trong đó có chính sách đất đai, một bộ phận lớn nông dân đã có tích lũy để xây dựng nhà ở và phát triển kinh tế. Toàn quốc có khoảng 12.114.100 nhà ở, trong đó nhà kiên cố chiếm 12%, nhà bán kiên cố 46%, nhà tạm 42%. Ở đồng bằng sông Cửu Long, nhà tạm chưa bảo đảm chống lũ lụt, mưa, nắng, chiếm tới 73%. Ở các vùng khác, tỷ lệ này cũng còn cao (Đông Nam bộ: 53%, duyên hải miền Trung: 47%, Tây Nguyên: 44%).

- Về đất đô thị và đất ở đô thị.

Cả nước có gần 500 đô thị (4 thành phố trực thuộc Trung ương, 72 đô thị là thành phố, thị xã thuộc tỉnh và tỉnh lỵ và khoảng trên 400 đô thị là thị trấn, huyện lỵ và vài vạn điểm dân cư nông thôn trong đó đang hình thành mạnh các tụ điểm dân cư như các thị tứ, có lối sống theo kiểu dân thành thị).

Nếu tính theo ranh giới hành chính khoanh định các đô thị đến năm 1995 có 836.117 ha đất đô thị, trong đó đất ở chỉ có 57.504 ha.

Đất chuyên dùng:

- Diện tích đất chuyên dùng hiện có 1.271.000 ha, tăng xấp xỉ 300.000 ha trong 5 năm 1991 - 1995.

Diện tích đất dành cho xây dựng cơ bản bao gồm các khu cụm công nghiệp, cơ sở khoa học - kỹ thuật, văn hóa, thể thao, giáo dục, sân bay, bến cảng, nhà ga... là 117.300 ha chỉ chiếm 0,9% diện tích đất chuyên dùng. So với năm 1990, tăng 25.900 ha, bình quân mỗi năm tăng 5.180 ha. Điều đáng chú ý là về diện tích thì chiếm tỷ trọng không lớn nhưng thường phải lấy từ đất nông nghiệp trong đó cả đất trồng lúa tốt.

Diện tích đất làm đường giao thông hiện có 230.100 ha chiếm 18,1% diện tích đất chuyên dùng, tăng 10.500 ha so với năm 1990.

Diện tích đất thủy lợi hiện có 448.700 ha, chiếm 35,3% diện tích đất chuyên dùng, tăng 96.400 ha so với năm 1990 bình quân mỗi năm tăng khoản 20.000 ha.

Điều rất đáng chú ý là chỉ riêng ba loại đất dành cho xây dựng, giao thông và thủy lợi đã có diện tích 796.100 ha chiếm 62,6% và vẫn còn phải tiếp tục tăng nhanh trong giai đoạn 10 - 15 năm tới.

- Đất khu công nghiệp tập trung:

Tính đến năm 1995, với khoảng 56 khu công nghiệp tập trung có quy mô diện tích khoảng từ 50 ha đến 500 ha đã và đang có đủ điều kiện để hình thành với tổng diện tích chiếm đất khoảng 8.000 ha tập trung ở các vùng động lực phát triển kinh tế Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh; Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Khánh Hòa; Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Sông Bé, Vũng Tàu.

- Đất an ninh - quốc phòng đã được rà soát trên 5 quân khu có khoảng 5.300 điểm đã được các tỉnh và các ngành có liên quan tham gia ý kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích là 143.959 ha. Các quân khu còn lại đang tiếp tục rà soát để có cơ sở giao cho Quân đội quản lý theo Luật đất đai quy định.

- Về các loại đất chuyên dùng khác như các công trình kiến trúc văn hóa, di tích lịch sử, khu vực vườn, rừng quốc gia, du lịch, an dưỡng, nghỉ mát, nghĩa trang, nghĩa địa, đền miếu, chùa chiền, thánh thất, đất làm gạch ngói, đất làm muối..., tổng diện tích khoảng 400.000 ha phân bố đều khắp tới từng xã, ấp của cả nước. (Riêng đất nghĩa trang, nghĩa địa đang sử dụng một cách tùy tiện, thiếu quy hoạch, vừa lãng phí vừa ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan trước mắt cần quy hoạch bố trí sử dụng đất hợp lý về lâu dài nên áp dụng hình thức hỏa táng).

Đất chưa sử dụng:

Tại Điều 72 Luật đất đai quy định đất chưa sử dụng là đất chưa có đủ điều kiện hoặc chưa được xác định để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp, chưa được xác định là đất khu dân cư nông thôn, đô thị, chuyên dùng và Nhà nước chưa giao cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nào sử dụng ổn định lâu dài.

Theo thống kê đơn thuần như luật quy định, đất chưa sử dụng hiện còn có 12.604.000 ha.

Trong đó đất đồi núi là 8.852.800 ha chiếm tới 70%, tập trung ở các vùng trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và phía Tây các tỉnh duyên hải miền Trung và có 1.666.300 ha là núi đá trọc, sông suối; còn lại là phần đất bằng tập trung ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên.

Giai đoạn trước năm 1990, đất chưa sử dụng có xu hướng tăng do bỏ hoang hóa, từ 1991 đến nay, giảm dần mỗi năm khoảng 464.000 ha.

Từ sau khi có Luật đất đai cùng với những chính sách đổi mới kinh tế của Đảng và Nhà nước ta, việc quản lý đất đai đã có những tiến bộ rõ rệt. Tuy quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đã gây sức ép lớn đối với đất đai nhưng do khai hoang, đẩy mạnh trồng rừng nên diện tích đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp đã không bị suy giảm mạnh và bắt đầu phục hồi, môi trường sinh thái được chú trọng và cải thiện. Việc quản lý và sử dụng đất chuyên dùng đã tốt hơn nên vẫn đáp ứng được mọi nhu cầu, nhưng diện tích đất chuyên dùng hàng năm tăng ít hơn thời kỳ trước.

Bên cạnh ưu điểm chính trên còn những mặt tồn tại:

- Tiềm năng đất nông nghiệp còn nhưng chưa được khai thác do điều kiện tự nhiên và khả năng đầu tư có hạn và suất đầu tư lớn. Việc mất đất nông nghiệp nhất là đất trồng lúa cho mục đích phát triển công nghiệp, kết cấu hạ tầng và đô thị hóa còn là vấn đề gay cấn.

- Rừng vẫn còn bị tàn phá trong khi phục hồi còn chậm nên đã ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Ở những nơi còn nhiều đất thì mật độ dân số thưa, dân trí còn thấp, tập quán canh tác lạc hậu..., khó có thể đẩy nhanh tốc độ và quản lý tốt đất rừng.

- Việc sử dụng đất xây dựng các công trình công nghiệp và các khu công nghiệp tập trung còn bị động, chắp vá, sử dụng đất lãng phí do chưa có quy hoạch đồng bộ. Mặt khác, do cơ sở hạ tầng yếu kém nên đã hạn chế thu hút đầu tư phát triển công nghiệp tới các vùng đất ít thuận lợi và ít lấn vào đất nông nghiệp.

- Việc mở rộng các khu dân cư ở đô thị còn thiếu quy hoạch vững chắc cả về kinh tế, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng và chính sách đền bù tái định cư chưa đồng bộ nên đã ảnh hưởng đến việc mở rộng đô thị và các khu công nghiệp.

Trong một thời gian việc quản lý và sử dụng đất của các tổ chức chưa được quản lý sử dụng chặt chẽ nên đã gây ra lãng phí và sử dụng không đúng mục đích.

- Quỹ đất dành cho các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí..., bị thu hẹp do quản lý đất đai lỏng lẻo nên đã bị lấn chiếm sử dụng vào mục đích khác.

Về quản lý đất đai còn nhiều bất cập:

- Do nhiều đặc điểm của quá trình sử dụng trước đây, các thửa đất của ta bị chia cắt quá nhỏ; toàn quốc hiện có gần 100 triệu thửa đất. Đây là một đặc thù quan trọng liên quan tới quyết định cấu trúc hệ thống quản lý đất đai và việc hình thành các chính sách đất đai để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

- Trải qua một thời gian dài buông lỏng quản lý nên tài nguyên đất không được khai thác đầy đủ, sử dụng đất còn lãng phí, nguồn thu từ đất bị thất thoát.

- Trong việc thi hành Luật đất đai các ngành, các cấp chưa quan tâm đầy đủ gắn quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội với quy hoạch sử dụng đất đai nhất là đất đai ở vùng biên giới, hải đảo.

- Tổ chức bộ máy quản lý đất đai ở các cấp đặc biệt cấp xã, phường đã được hình thành, nhưng chưa đủ mạnh để nắm, quản và giải quyết những vấn đề phát sinh trong việc quản lý và sử dụng đất đai ngay từ cơ sở.

Những mặt hạn chế và tồn tại trên là những thách thức lớn đối với nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai trước yêu cầu nhiệm vụ mới trong giai đoạn trước mắt từ nay đến năm 2000 trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

III- HƯỚNG SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI LÂU DÀI

1. Dự báo dài hạn về sử dụng đất đai:

Đất đai nằm trong nhóm tài nguyên hạn chế và vô cùng quý giá thuộc sở hữu toàn dân của Việt Nam nhưng lại là điều kiện không thể thiếu được trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, vì vậy, việc sử dụng tốt tài nguyên quốc gia này không chỉ quyết định tương lai của nền kinh tế đất nước mà còn là sự bảo đảm cho mục tiêu ổn định chính trị, an ninh quốc phòng vững chắc. Xã hội càng phát triển thì giá trị của đất đai sẽ càng cao và yêu cầu về sử dụng đất càng đòi hỏi hiệu quả kinh tế và xã hội cao hơn. Dự báo vào khoảng sau những năm 2020, dân số nước ta sẽ phát triển ổn định với mức khoảng 120 - 130 triệu người, lương thực bình quân đầu người đạt trên 300 kg thóc/người/năm, công nghiệp hóa đã bước vào thời kỳ phát triển và dân số đô thị (kể cả các thị tứ có lối sống kiểu thành thị) đã đạt tới khoảng 80% tổng dân số với một môi trường sinh thái cân bằng, trong lành và bền vững. Vào thời điểm đó, nước ta đã thực sự trở thành một nước công nghiệp thì bức tranh toàn cảnh về sử dụng đất đai cả nước được hình dung như sau:

- Hơn một nửa lãnh thổ (18 triệu ha) được che phủ bằng cây rừng với một môi trường trong lành và một hệ sinh thái bền vững.

- Trên 10 triệu ha đất nông nghiệp (có 4,1 - 4,2 triệu ha đất trồng lúa và 3 triệu ha đất trồng cây công nghiệp lâu năm), đáp ứng được yêu cầu an toàn lương thực, nhu cầu thực phẩm của toàn xã hội và đủ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.

- Gần 3 triệu ha được sử dụng vào các mục đích chuyên dùng thỏa mãn các nhu cầu về công nghiệp, dịch vụ, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng.

- Hơn 3% lãnh thổ (1,1 triệu ha) dùng để xây dựng khu dân cư, về cơ bản đã được đô thị hóa (0,7 - 0,8 triệu ha, kể cả các thị tứ), bảo đảm được một mức sống có chất lượng cao cho toàn dân.

- Đất bãi bồi ven sông, ven biển cùng với hàng nghìn hải đảo, thềm lục địa và lãnh hải về cơ bản đã được xác định cho những mục tiêu phân bố dân cư, phát triển kinh tế an ninh quốc phòng và chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

- Cả nước chỉ còn lại 1,7 triệu ha, là sông suối và núi đá trọc, trong đó chỉ có một số ít diện tích khai thác cho các mục đích khác, còn lại chủ yếu là tồn tại dưới dạng hoàn toàn tự nhiên với nhiệm vụ bảo đảm cảnh quan, môi trường.

2. Dự báo dài hạn về an toàn lương thực quốc gia:

Cũng vào thời điểm như trên nếu hạn chế được phát triển dân số ổn định ở mức khoảng 110 triệu người vào thời điểm những năm 2020 thì vấn đề an toàn lương thực của nước ta sẽ ở mức an toàn tối đa. Dự báo dưới đây tính theo quan điểm ổn định phát triển dân số ở mức 120 - 130 triệu người.

Bình quân lương thực trên đầu người cho một năm ở mức 300 kg - 400 kg được coi là khoảng an toàn lương thực. Như vậy, sẽ cần có sản lượng lương thực từ 42 triệu tấn - 45 triệu tấn, trong đó thóc từ 35 triệu tấn đến 38 triệu tấn.

Hiện nay, cả nước có 4,3 triệu ha đất trồng lúa. Đất chưa sử dụng có khả năng khai hoang trồng lúa còn 350.000 ha. Diện tích này đủ để bù vào đất lúa chuyển mục đích sử dụng. Nhưng để chống lũ triệt để (cả cho thủy lợi, giao thông và dân cư) ở đồng bằng sông Cửu Long thì phải mất thêm khoảng 200.000 ha đất trồng lúa. Như vậy, quỹ đất trồng lúa tối thiểu cũng còn 4,0 - 4,1 triệu ha.

Về năng suất lúa hiện nay còn có khoảng trống để đưa lên vì mới bằng 78% của Inđônêxia; 58% của Trung Quốc và Nam Triều Tiên mà điều kiện đất đai, khí hậu của ta không thua kém, chưa kể lượng phân bón mới sử dụng khoảng 50% so với các nước này. Do đó, nếu tính khiêm tốn thì trong vòng 30 - 35 năm nữa năng suất lúa của ta cũng phải bằng của Trung Quốc hiện nay là 6 tấn/ha/vụ.

Về hệ số lần trồng lúa trong năm hiện nay là 1,6. Khả năng đưa lên mức 1,7 - 1,9 tính chung cho cả nước và riêng ở đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng có thể đưa lên 1,8 - 2,2.

Với cách tính này diện tích gieo trồng lúa sẽ đạt được trên 7 triệu ha và sản lượng thóc đạt 36 - 38 triệu tấn. Cùng với khoảng 7 triệu tấn màu quy thóc thì sản lượng lương thực sẽ đạt khoảng 42 -45 triệu tấn, bình quân đầu người đạt khoảng 350 kg là mức an toàn lương thực vững chắc.

IV- QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI ĐẾN NĂM 2010

Đến năm 2010, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã đi vào thời kỳ phát triển cao để bắt đầu vào thời kỳ hoàn thiện nhằm đạt GDP bình quân đầu người tăng 5 lần so với hiện nay, cơ cấu công nghiệp chiếm trên 40% và nông nghiệp khoảng 15%, dân số khoảng 100 triệu người.

Để đạt các mục tiêu trên, dự kiến phân bố quỹ đất quốc gia như sau:

Đơn vị tính: 1.000 ha; %

Loại đất

1995

2010

Biến động 1995-2010

DT

%

DT

%

DT

%

Tổng diện tích tự nhiên

33.104,2

100,0

33.104,2

100,0

-

-

1- Đất nông nghiệp

7.993,7

24,2

9.419,2

28,5

+1.425,5

+4,3

2- Đất lâm nghiệp

10.795,0

32,6

15.272,8

46,1

+4.477,8

+13,5

3- Đất chuyên dùng

1.271,0

3,8

1.732,0

5,2

+ 461,0

+1,4

4- Đất khu dân cư nông thôn

382,9(*)

1,2

828,4

2,5

+ 445,5

+ 1,3

5- Đất đô thị

57,5 (**)

0,2

248,9

0,8

+ 191,4

+ 0,6

6- Đất chưa sử dụng

12,604,1

38,1

5.602,9

16,9

- 7.001,2

-21,2

1. Đất nông nghiệp:

Bảo đảm an toàn lương thực cho trước mắt và lâu dài, phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện đi đôi với đẩy mạnh sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp. Mà mục tiêu nông nghiệp đến năm 2010 là phải đạt 36 - 38 triệu tấn lương thực trong đó: 32 - 33 triệu tấn thóc (bình quân lương thực trên đầu người 360 - 380 kg). Theo đó, trong tổng số 9.418.400 ha thì đất trồng cây hàng năm 5.903.500 ha. Trong đó, đất lúa 4.200.000 - 4.300.000 ha; đất màu, cây công nghiệp ngắn ngày 1.525.100 ha; đất trồng cây lâu năm, 2.574.800 ha; đồng cỏ 524.700 ha; mặt nước nuôi trồng thủy sản 415.400 ha.

Dự kiến diện tích khai hoang đưa vào sản xuất khoảng 1.500.000 ha - 1.700.000 ha, đồng thời, tăng hệ số sử dụng đất trồng cây hàng năm lên khoảng 1,8 - 2,0 lần.

Diện tích khai hoang được phân bổ cho các mục tiêu sau:

- Đất trồng cây lâu năm 750.000 ha, tập trung ở các vùng Tây Nguyên 204.600 ha; Đông Nam bộ 94.100 ha; trung du miền núi Bắc bộ 51.500 ha; Bắc Trung bộ 44.900 ha... cho cao su 257.500 ha, cà phê 94.700 ha, điều 53.700 ha, chè 33.000 ha...

- Đất trồng cây hàng năm 350.000 ha, trong đó đất trồng lúa khoảng 180.000 ha - 200.000 ha, tập trung chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long khoảng 150.000 ha; Tây Nguyên khoảng 20.000 ha; còn lại là ở các vùng khác khoảng 30.000 ha.

- Đất cỏ dùng cho chăn nuôi là 450.000 ha, tập trung chủ yếu ở các vùng trung du miền núi Bắc bộ khoảng 250.000 ha; Bắc Trung bộ khoảng 80.000 ha; Tây Nguyên khoảng 60.000 ha; Đông Nam bộ khoảng 30.000 ha...

- Đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản 100.000 ha, tập trung phần lớn ở các tỉnh vùng Trung du miền núi Bắc bộ (có nhiều hồ lớn) khoảng 40.000 ha; Bắc Trung bộ khoảng 27.000 ha; đồng bằng sông Hồng khoảng 14.000 ha...

Về vốn: tính riêng cho 1,1 triệu ha đất trồng trọt cần khoảng 22.000 tỷ đồng, trong đó cho đất trồng lúa (kể cả thủy lợi) là 14.000 tỷ đồng, cho đất trồng cây lâu năm 7.500 tỷ đồng, cho đất chuyên màu và cây công nghiệp ngắn ngày khoảng 500 tỷ đồng. Như vậy, bình quân mỗi năm cần khoảng 1.400 tỷ đồng. Nếu có chính sách thích hợp để huy động vốn của các thành phần kinh tế thì vốn ngân sách hàng năm khoảng 400 tỷ đồng là mức cao gấp hơn hai lần so với bình quân hiện nay.

2. Đất lâm nghiệp:

Bảo vệ nghiêm ngặt 9.302.000 ha rừng hiện có bao gồm 8.252.500 ha rừng tự nhiên và 1.049.700 ha rừng trồng.

Tập trung khoanh nuôi tái sinh rừng và tích cực trồng rừng có hiệu quả trên đồi núi trọc để tạo thêm được 5.000.000 ha rừng mới và cây công nghiệp trong đó có 1.000.000 ha rừng trồng thâm canh.

Đưa 4.000.000 hộ nông dân vào kinh doanh nghề rừng theo phương thức nông lâm kết hợp gắn với công tác định cư vùng đồng bào dân tộc ít người khoảng 970.000 ha.

Dự kiến đến năm 2010, tổng diện tích rừng 15.272.800 ha (không kể gần 1 triệu ha nông lâm kết hợp).

Như vậy đến sau năm 2010, đất có cây rừng sẽ đạt tỷ lệ che phủ ở mức 46% diện tích  tự nhiên cả nước, cải thiện được đáng kể môi sinh tự nhiên có lợi cho sản xuất nông nghiệp.

3. Đất chuyên dùng:

Tập trung phát triển ở các vùng kinh tế trọng điểm và các địa bàn cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới, các trục lộ giao thông và các công trình thủy lợi. Diện tích chiếm đất sẽ tăng thêm 461.200 ha để có tổng số là 1.732.000 ha.

3.1. Đất đường giao thông:

Phát triển các trục giao thông xuyên quốc gia (quốc lộ 1A), đường cao tốc xuyên Việt, đường Trường Sơn công nghiệp hóa và các đường 18, đường 51, đường Hà Nội - Núi Múc, đường Hà Nội - Điện Biên... nâng cấp đường sắt Thống nhất và các tuyến đường bộ quốc lộ như đường số 5, số 3, số 2... và đường sắt tại các vùng, cùng với việc mở mang phát triển mạng lưới tỉnh lộ, huyện lộ và giao thông nông thôn, chiếm khoảng 429.100 ha (tăng hơn năm 1995 là 99.000 ha).

3.2. Đất thủy lợi:

Với các công trình dự kiến xây dựng mới và nâng cấp từ nay đến năm 2010 để cấp nước cho sinh hoạt, cấp nước cho công nghiệp, cấp nước cho nông nghiệp, đưa diện tích được tưới từ 5.900.000 ha hiện nay lên 8.000.000 ha thì diện tích đất thủy lợi sẽ tăng thêm 181.600 ha.

Đất dành cho thủy lợi nhằm vào các mục tiêu cụ thể sau đây:

Tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống thủy nông ở đồng bằng sông Hồng, bảo đảm 2 vụ lúa ăn chắc đồng thời mở rộng cây vụ Đông.

Đối với đồng bằng sông Cửu Long bảo đảm tưới tiêu chủ động phần lớn diện tích, đưa hệ số gieo trồng lên 1,8 - 2,0 lần.

Ở các vùng khác nhất là trung du, miền núi, Đông Nam bộ, Tây Nguyên cần tạo điều kiện tưới nước cho cây công nghiệp có giá trị cao, cây ăn trái, tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm từ nông nghiệp.

Đến năm 2010, diện tích đất thủy lợi là 630.300 ha (nếu cải tạo triệt để đất đồng bằng sông Cửu Long thì đất thủy lợi sẽ còn cao hơn).

3.3. Đất xây dựng:

Tăng thêm 104.000 ha, trong đó có 21.000 ha đất xây dựng các khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất (tổng hợp đề nghị của các tỉnh là 38.000 ha, các khu cụm công nghiệp đã được duyệt là 27.000 ha). Một hệ thống cảng biển lớn như Cái Lân, Hải Phòng, Cửa Lò, Vũng Áng, vịnh Chân Mây, Đà Nẵng, Dung Quất, Thành phố Hồ Chí Minh kết hợp với các cảng sông của đồng bằng sông Cửu Long sẽ được xây dựng và mở rộng. Đất xây dựng năm 2010 sẽ là 221.300 ha.

Đất xây dựng sẽ tăng nhanh ở ba vùng kinh tế trọng điểm:

- Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc với ba trung tâm lớn Hà Nội, Hải Phòng và Hạ Long sẽ phát triển công nghiệp dọc theo các trục giao thông chính và vùng phụ cận của cụm cảng biển Cái Lân - Hải Phòng.

Đến nay, đã xác định được 22 địa điểm có khả năng phân bố công nghiệp tập trung lớn với diện tích khoảng 10.000 ha.

- Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là động lực phát triển của cả vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên, dải công nghiệp từ thành phố Đà Nẵng đến Dung Quất (Quảng Ngãi) có chiều dài 120 km bám sát theo quốc lộ 1A, 7 khu công nghiệp thuộc thành phố Đà Nẵng và 5 khu công nghiệp thuộc tỉnh Quảng Ngãi có diện tích 4.120 ha, các địa điểm này nằm vào các khu vực đất cát hoặc đất trồng lúa nước có năng suất thấp. Đồng thời, xem xét việc mở rộng và phát triển các khu công nghiệp lên vùng Tây Nguyên đi đôi với công nghiệp chế biến sản phẩm cây công nghiệp.

- Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu có quy mô và giá trị sản lượng công nghiệp lớn nhất nước. Đã xác định được 49 địa điểm có khả năng phân bố các công trình công nghiệp với diện tích khoảng 23.000 ha.

Tiềm năng đất đai công nghiệp của vùng này là rất lớn và không lấn vào đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa nước có năng suất cao.

4. Đất đô thị và đất khu dân cư nông thôn:

a) Đất đô thị:

Trục đô thị hóa chủ đạo của cả nước chạy dọc theo các quốc lộ từ Lạng Sơn đến Minh Hải. Các trục quan trọng khác còn có: Hà Nội - Hải Dương - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái; Hà Nội - Yên Bái - Lào Cai; Hà Nội - Điện Biên - Lai Châu; Đà Nẵng - Kon Tum - Pleiku - Buôn Ma Thuột - Đà Lạt - Chơn Thành.

Từ đó, sẽ hình thành một mạng lưới đô thị (có 20 - 40 đô thị mới và 2.000 - 3.000 thị tứ) vào những năm 2010 và xa hơn và đất đô thị cũng được phân bổ trên các vùng lãnh thổ của cả nước. Đồng thời, chú ý xây dựng những điểm thị tứ, thị trấn ở các cửa khẩu biên giới, vừa gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế với nhiệm vụ an ninh quốc phòng.

Trong giai đoạn quy hoạch này phải chú ý ngay tới việc dành đất cho lâm viên, công viên, cây xanh..., để cải thiện môi trường đô thị.

Đất đô thị trong báo cáo quy hoạch này tính theo mức chuẩn từ 70 - 80m2/người và có diện tích 248.950 ha.

b) Đất khu dân cư nông thôn:

Tuân theo quy luật đô thị hóa, một bộ phận dân cư nông thôn sẽ chuyển dịch tới các đô thị cư trú.

Mức bình quân đất khu dân cư nông thôn hiện nay là 120 m2/người.

Duy trì định mức này sau khi trừ đi phần dân cư di chuyển tới các đô thị, đất khu dân cư nông thôn đến năm 2010 là 828.400 ha.

5. Đất chưa sử dụng:

Đến năm 2010, sẽ được phân cho nông nghiệp 1.500.000 ha - 1.700.000 ha. Trong đó, cây dài ngày: 750.000 ha; cây hằng năm: 350.000 ha; trong đó, có khoảng 180.000 - 200.000 ha đất trồng lúa; cho lâm nghiệp: 5.025.100 ha; cho mục đích chuyên dùng: 232.800 ha; cho đất khu dân cư nông thôn: 35.900 ha; cho đất đô thị: 7.000 ha; tổng số là 7.974.100 ha và chỉ còn lại khoảng 5.602.900 ha.

V- KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI 5 NĂM 1996 - 2000

Đất đai cả nước đến năm 2000 sẽ được phân bổ như sau:

 

ha

%

Tổng diện tích tự nhiên

33.104.200

100

Trong đó:

 

 

- Đất nông nghiệp

8.992.500

27,1

- Đất lâm nghiệp (rừng đủ tiêu chuẩn)

11.008.900

33,3

- Đất chuyên dùng

1.468.300

4,4

- Đất khu dân cư nông thôn

751.100

2,3

- Đất đô thị

155.400

0,5

- Đất chưa sử dụng

10.728.000

32,4

VI- NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ CHÍNH SÁCH VÀ KIẾN NGHỊ

1. Những vấn đề về chính sách và biện pháp:

Để quản lý ngày càng tốt hơn quỹ đất đai, việc tiến hành lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở cả bốn cấp: Cả nước, tỉnh, huyện, xã là một biện pháp rất có hiệu quả. Thực hiện sử dụng đất theo quy hoạch và pháp luật cần có các chính sách và biện pháp tích cực phù hợp với quan điểm sử dụng đất đã nêu trong báo cáo quy hoạch này và phải được đông đảo nhân dân tiếp thu vận dụng trong đời sống xã hội.

Trong nhận thức và hành động cần quán triệt sự nghiệp quản lý đất đai là sự nghiệp toàn dân, các cấp ủy Đảng, chính quyền phải lãnh đạo, tổ chức, phối hợp lực lượng các ngành, các cấp, huy động sự đóng góp về trí tuệ, nhân lực, tiền của của nhân dân cho việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý đất đai, đặc biệt là có những chính sách đầu tư cho thực hiện quy hoạch sau khi được phê duyệt để vừa tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với đất đai của chính quyền các cấp vừa phát huy hiệu quả sử dụng đất đai trên khắp mọi miền của đất nước.

Dưới đây là những vấn đề về chính sách và biện pháp lớn cần được tiếp tục nghiên cứu:

1.1. Những chính sách và biện pháp nhằm bảo vệ và phát triển quỹ đất nông nghiệp:

- Chính sách ưu tiên phát triển hợp lý đất nông nghiệp.

- Chính sách bảo vệ người nông dân có đất sản xuất ổn định lâu dài.

- Chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa nước.

- Chính sách khuyến khích người trồng lúa.

- Chính sách đền bù thỏa đáng để có thể khai hoang, thâm canh, tăng vụ để bù sản lượng do mất đất trồng lúa.

- Chính sách đánh thuế thích đáng khi chuyển đất trồng lúa sang mục đích sử dụng khác.

1.2. Những chính sách và biện pháp nhằm tiết kiệm sử dụng đất:

- Ban hành định mức sử dụng các loại đất.

- Chính sách về tận dụng không gian trong quy hoạch xây dựng công nghiệp và đô thị...

- Chính sách phát triển các điểm dân cư nông thôn theo hướng đô thị hóa tại chỗ.

- Chính sách đầu tư đồng bộ giữa giao thông và thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương để tiết kiệm đất.

1.3. Những chính sách và biện pháp sử dụng hợp lý các loại đất mang tính đặc thù:

- Chính sách ưu tiên dành đất cho những nhu cầu bắt buộc về an ninh, quốc phòng và những chính sách khác về đất quốc phòng sử dụng vào mục đích làm kinh tế, đất ở của gia đình quân nhân.

- Chính sách khuyến khích tiết kiệm diện tích đất nghĩa trang, nghĩa địa...

1.4. Những chính sách và biện pháp về ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ, duy trì, cải thiện môi trường trong việc khai thác sử dụng đất đai như:

- Chính sách khuyến khích áp dụng các kỹ thuật, công nghệ phù hợp với phát triển tính đa dạng sinh học trong phát triển nông nghiệp.

- Chính sách khuyến khích phát triển đầu tư cơ bản vào đất đai nhất là ở khu vực nông thôn.

- Chính sách đánh thuế vào những hưởng thụ do môi trường đem lại để tăng vốn tái tạo, cải thiện môi trường.

- Chính sách xử phạt những hành vi làm tổn hại đến môi trường.

2. Kiến nghị:

2.1. Tăng cường công tác quản lý sử dụng đất đai:

- Cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai cần phải được cụ thể hóa trong luật và đồng thời phải quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, coi công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai là nhiệm vụ thường xuyên của tất cả các cấp, các ngành.

- Do đất đai là tài nguyên quý hiếm và có hạn nên cùng với việc quản lý và sử dụng tốt quỹ đất liền còn cần tăng cường chuẩn bị những điều kiện cần thiết để quản lý và khai thác hải đảo, thềm lục địa và lãnh hải rộng lớn của ta trong chiến lược phát triển dài hạn.

- Để quản lý ngày càng tốt hơn quỹ đất đai, việc tiến hành lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở cả bốn cấp: cả nước, tỉnh, huyện, xã là một yêu cầu khách quan và tất yếu. Đồng thời, kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý đất đai bốn cấp trên nguyên tắc thống nhất quản lý nhà nước về đất đai vào một cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp.

- Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai phải được tính toán từng bước gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, coi đất đai vừa là tài nguyên vừa là yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

- Xây dựng chính sách tài chính trong quản lý đất đai, coi đây là nguồn thu thường xuyên của ngân sách. Trên cơ sở đó, có đầu tư một phần trở lại cho ngành địa chính để hiện đại hóa ngành.

- Để đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp cần phải chủ động đề ra các chính sách hợp lý, thực hiện việc cho phép nông dân trao đổi ruộng đất và phân công lại lao động để tích tụ đất đai phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng. Từng bước hình thành những vùng sản xuất hàng hóa nông sản quy mô lớn gắn liền với công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

- Trong các quy hoạch sử dụng đất đai phải từng bước quy hoạch lại các khu dân cư cả ở nông thôn và thành thị, cải thiện dần môi trường sống nhất là phải tăng thêm quỹ đất cho phát triển văn hóa, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí như lâm viên, cây xanh, sân chơi, các khu vực du lịch, nghỉ mát, an dưỡng...

- Xây dựng phát triển kinh tế phải luôn gắn với an ninh quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc nhất là vùng biên giới, hải đảo.

2.2. Phê duyệt các chỉ tiêu sử dụng đất đai.

Quốc hội xem xét báo cáo “Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai cả nước đến năm 2010” để làm khung chung triển khai các quy hoạch sử dụng đất cụ thể và chi tiết hơn theo những nội dung quan điểm và chỉ tiêu chủ yếu dưới đây:

1. Phê duyệt quan điểm sử dụng đất dài hạn của nước ta:

Trong vòng 30 năm tới, quỹ đất đai quốc gia được phân bổ theo 6 loại đất như sau:

 

Đơn vị: triệu ha

%

Tổng diện tích tự nhiên

33,1

100

 a) Đất nông nghiệp

9,3 - 10,0

28,1 - 30,2

Trong đó:

- Đất trồng lúa nước

- Đất nông nghiệp tăng thêm do khai hoang

- Đất nông nghiệp chuyển sang sử dụng vào mục đích khác

Trong đó đất trồng lúa

 

4,1 - 4,2

3,0

 

0,7 - 0,9

 

0,3 - 0,4

 

b) Đất lâm nghiệp

Trong đó:

- Rừng phòng hộ

- Rừng đặc dụng

- Rừng sản xuất

(Có 972,7 ngàn ha nông - lâm kết hợp)

Tỷ lệ che phủ bằng cây rừng và cây nông nghiệp lâu năm

17,6 - 18,6

 

6,0

3,0

9,6

 

 

 

53,2 - 56,2

 

 

 

 

 

 

 

63%

c) Đất chuyên dùng

2,7 - 3,0

8,1 - 9,1

d) Đất khu dân cư nông thôn

0,3

0,9

e) Đất đô thị

0,7 - 0,8

2,1 - 2,4

f) Đất chưa sử dụng

1,7

5,1

2. Quyết định phương án quy hoạch sử dụng đất của cả nước đến năm 2010:

 

Đơn vị: triệu ha

%

Tổng diện tích tự nhiên

33,1

100

 a) Đất nông nghiệp

9,0 - 9,5

27,1 - 28,7

Trong đó:

- Đất trồng lúa nước

- Đất nông nghiệp tăng thêm do khai hoang

- Đất nông nghiệp chuyển sang sử dụng vào mục đích khác

Trong đó đất trồng lúa

 

4,2 - 4,3

1,5 - 1,7

 

 

0,3

0,2

 

 

 

 

 

 

b) Đất lâm nghiệp

Trong đó:

- Rừng phòng hộ

- Rừng đặc dụng

- Rừng sản xuất

Tỷ lệ che phủ bằng cây rừng và cây nông nghiệp lâu năm

15,2

 

6,9

1,4

6,9

 

 

46,0

 

 

 

 

 

51,9%

c) Đất chuyên dùng

1,7

5,2

d) Đất khu dân cư nông thôn

0,8

2,4

e) Đất đô thị

0,2

0,6

f) Đất chưa sử dụng

Trong đó đất sông, suối, núi đá trọc

5,5

1,7

17,1

3. Quyết định những chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch sử dụng đất 5 năm 1996 - 2000:

Đơn vị tính: 1.000 ha; %

Loại đất

Hiện trạng

Năm 2000

Diện tích

%

Diện tích

%

Tổng diện tích tự nhiên

33.104,2

100

33.104,2

100

a) Đất nông nghiệp

Trong đó:

- Đất trồng lúa nước

- Đất nông nghiệp tăng thêm do khai hoang

- Đất nông nghiệp chuyển sang sử dụng vào mục đích khác

 Trong đó đất trồng lúa

7.993,7

 

4.328,1

 

24,2

8.992,5

 

4.230,0

 

500,0-700,0

 

141,8

82,3

33,2

b) Đất lâm nghiệp có rừng đủ tiêu chuẩn

9.302,2

28,1

11.045,9 -

11.800,0

33,4 -

35,6

Trong đó:

- Rừng phòng hộ

- Rừng đặc dụng

- Rừng sản xuất

Trồng mới và khoanh nuôi tái sinh

Trong đó:

- Trồng mới

- Khoanh nuôi

Tỷ lệ che phủ bằng cây rừng và cây nông nghiệp lâu năm

Trong đó:

- Riêng cây rừng: 33%

- Các cây lâu năm khác: 7%

 

3.478,7

898,3

4.925,2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

40%

 

4.129,0

953,5

5.963,4

2.500,0

 

1.000,0

1.500,0

 

 

c) Đất chuyên dùng

1,271,0

3,8

1.468,3

4,4

d) Đất khu dân cư nông thôn

 

 

751,1

2,3

e) Đất đô thị

 

 

155,4

0,5

g) Đất chưa sử dụng

Trong đó đất sông, suối, núi đá trọc không sử dụng được vào mục đích kinh tế

12.604,1

 

 

1.700,0

38,1

10.728,0

 

 

1.700,0

32,4

Để thực hiện quy hoạch sử dụng đất đai có hiệu quả trong cả nước, vấn đề đặt ra là các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của các ngành, các cấp phải ăn khớp với quy hoạch sử dụng đất đai, vừa sử dụng tiết kiệm đất đai vừa nâng cao giá trị sử dụng của đất đai. Đồng thời, phải tiếp tục thể chế hóa quy hoạch sử dụng đất đai bằng các biện pháp và chính sách để thực hiện nghiêm Luật đất đai và các văn bản dưới luật, tăng cường quản lý đất đai thống nhất theo hệ thống từ Trung ương tới địa phương.

Sau khi được Quốc hội xem xét phê chuẩn, Chính phủ sẽ tiếp tục cho triển khai hoàn chỉnh lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cụ thể và chi tiết của các vùng, các Bộ, ngành, và địa phương và triển khai các nhiệm vụ cụ thể của từng giai đoạn để tăng cường quản lý nhà nước về đất đai theo quy hoạch và pháp luật như Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định.


 

(*)  Đất ở nông thôn.

(**)  Đất ở đô thị.

 

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội