VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 4 1996-1997


BÁO CÁO THẨM TRA
CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT CỦA QUỐC HỘI
VỀ BÁO CÁO QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH SỬ DỤNG
ĐẤT ĐAI CẢ NƯỚC ĐẾN NĂM 2010

(Do ông Vũ Đức Khiển, Phó Chủ nhiệm Ủy ban
pháp luật của Quốc hội đọc tại kỳ họp thứ 11,
Quốc hội khoá IX, ngày 21-4-1997)

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Theo sự phân công của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban pháp luật được giao thẩm tra báo cáo của Chính phủ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai cả nước đến năm 2010. Ngày 14 tháng 3 năm 1997, Ủy ban pháp luật đã tổ chức phiên họp toàn thể thẩm tra báo cáo nói trên để trình Quốc hội tại kỳ họp này. Tham dự phiên họp có đại diện của Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội và một số cơ quan hữu quan khác. Sau khi nghe đại diện của Chính phủ trình bày báo cáo, đại diện các cơ quan và thành viên của Ủy ban pháp luật đã thảo luận. Sau đây, chúng tôi xin trình Quốc hội ý kiến của Ủy ban pháp luật về báo cáo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai cả nước đến năm 2010.

1. Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai cả nước đến năm 2010:

Báo cáo về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai cả nước đến năm 2010 đã được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10. Tại kỳ họp này, Quốc hội nhận thấy, trong báo cáo của Chính phủ chưa thể hiện một cách đầy đủ và chi tiết về quy hoạch sử dụng đất đai trong phạm vi cả nước. Trên thực tế, nhiều địa phương, Bộ, ngành chưa xây dựng xong quy hoạch sử dụng đất; nhiều số liệu trong báo cáo chưa thật sự bảo đảm độ tin cậy và sức thuyết phục để làm cơ sở cho Quốc hội xem xét, thông qua. Vì vậy, nhiều đại biểu đề nghị Quốc hội chưa nên thông qua Báo cáo tại kỳ họp thứ 10 và giao cho Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các ngành, các địa phương khẩn trương tiến hành việc quy hoạch sử dụng đất của ngành, địa phương mình để làm cơ sở cho Chính phủ xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai cả nước trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sau. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, các địa phương khẩn trương hoàn thành việc quy hoạch sử dụng đất đai và giao cho các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh báo cáo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai trong phạm vi cả nước đến năm 2010. Báo cáo này đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp ngày 27 tháng 02 năm 1997.

So với báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, thì báo cáo trình Quốc hội lần này đã được nghiên cứu và chuẩn bị công phu; các căn cứ để làm cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch sử dụng đất được trình bày rõ hơn. Xuất phát từ những mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và những điều kiện tự nhiên của đất nước, báo cáo đã đưa ra những quan điểm, mục tiêu trong việc quy hoạch sử dụng đất đai thời kỳ 1996 - 2010 với những số liệu có tính chất định hướng. Báo cáo cũng đã tổng hợp được quy hoạch sử dụng đất của một số tỉnh, một số Bộ, đặc biệt đối với những Bộ quản lý và sử dụng nhiều diện tích đất như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng... Ngoài ra, báo cáo của Chính phủ lần này đã đề cập hiện trạng sử dụng đất đến năm 1995, trong đó đã nêu khá rõ việc quy hoạch các loại đất mà trước đây chưa được thể hiện trong báo cáo của Chính phủ như phần quy hoạch về biển, về đất quốc phòng, về đất khu công nghiệp... Đồng thời, báo cáo cũng đã nêu được một số nhận xét chính về ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân tồn tại trong việc quản lý và sử dụng các loại đất để từ đó đưa ra những kết luận và kiến nghị cụ thể.

Việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, Chính phủ đã căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước đã được chỉ rõ trong các văn kiện của Đảng. Về phương pháp tiến hành, Chính phủ đã kết hợp việc xây dựng quy hoạch theo phương pháp định hướng từ trên xuống và tổng hợp thực tiễn quy hoạch từ dưới lên. Trong điều kiện còn nhiều địa phương, Bộ chưa tiến hành xong việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của mình, Chính phủ đã chỉ đạo, tổ chức triển khai việc lập quy hoạch đối với một số vùng trọng điểm ở một số tỉnh, huyện, xã và kết hợp với việc điều tra bổ sung để tổng hợp thành các tài liệu tổng quan về quỹ đất đai nước ta, trên cơ sở đó mà dự báo sự biến động về quỹ đất đai trong thời gian tới.

Ủy ban pháp luật nhận thấy, việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một công việc rất khó khăn và phức tạp, cần phải được chuẩn bị công phu và hoàn thiện từng bước, vì vậy, xét về nhiều mặt có thể còn có những hạn chế nhất định; nhưng trong bối cảnh cụ thể của tình hình quản lý và sử dụng đất đai hiện nay của Nhà nước ta, thì việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất như báo cáo của Chính phủ là phù hợp.

Về cơ bản, chúng tôi tán thành với báo cáo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai cả nước đến năm 2010 của Chính phủ với những quan điểm mục tiêu quy hoạch sử dụng đất đai thời kỳ 1996 - 2010, những đánh giá về ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân tồn tại trong quản lý và sử dụng đất đai, những định hướng về sử dụng đất đai lâu dài, về phương pháp tiến hành, đặc biệt là những nội dung của quy hoạch sử dụng đất đã được nêu trong báo cáo của Chính phủ, cụ thể là:

- Tổng diện tích đất tự nhiên: 33.104.218 ha;

- Đất nông nghiệp là 9.418.400 ha; sản lượng lương thực quy thóc đạt từ 36 - 38 triệu tấn, trong đó có từ 32 - 33 triệu tấn thóc. Diện tích đất trồng lúa duy trì ở mức từ 4.200.000 ha đến 4.300.000 ha. Diện tích cần khai hoang đưa vào sản xuất là 1.500.000 - 1.700.000 ha; đất trồng cây hàng năm là 350.000 ha, trong đó đất trồng lúa khoảng 180.000 - 200.000 ha.

- Đất lâm nghiệp là 10.795.000 ha; đất lâm nghiệp có rừng phải bảo vệ nghiêm ngặt là 9.302.000 ha (rừng đủ tiêu chuẩn gồm 8.252.500 ha rừng tự nhiên và 1.049.700 ha rừng trồng); đồng thời, phải bảo vệ, chăm sóc và phục hồi hơn 1 triệu ha rừng chưa đủ tiêu chuẩn. Hướng quy hoạch đặt ra là tập trung khoanh nuôi và tái sinh rừng và trồng rừng có hiệu quả trên đồi núi trọc để tạo thêm được 5.000.000 ha rừng, bảo đảm mức phục hồi rừng với tỷ lệ che phủ là 46%, đưa tổng diện tích rừng năm 2010 là 15.272.800 ha.

- Đất chuyên dùng: Tổng diện tích sử dụng là 1.732.000 ha, trong đó đất làm đường giao thông là 429.100 ha, đất thủy lợi là 630.300 ha, đất xây dựng là 221.300 ha.

- Đất đô thị là 248.950 ha và đất khu dân cư nông thôn là 828.400 ha;

- Đất chưa sử dụng năm 1995 là 12.604.100 ha; đến năm 2010, đất chưa sử dụng sẽ được đưa vào sử dụng với tổng diện tích là 7.001.200 ha, chỉ còn lại 5.602.900 ha.

Đồng thời, chúng tôi cũng tán thành với nội dung của kế hoạch sử dụng đất 5 năm 1996 - 2000, cụ thể là:

- Tổng diện tích tự nhiên: 33.104.218 ha = 100%;

Trong đó:

+ Đất nông nghiệp:  8.992.500 ha = 27,1% diện tích

+ Đất lâm nghiệp: 11.008.900 ha = 33,3% diện tích

+ Đất chuyên dùng:  1.468.300 ha =  4,4% diện tích

+ Đất khu dân cư nông thôn: 751.100 ha = 2,3% diện tích

+ Đất đô thị: 155.400 ha  =  0,5% diện tích

+ Đất chưa sử dụng: 10.728.000 ha = 32,4% diện tích.

Ủy ban pháp luật nhận thấy, để thực hiện được quan điểm mục tiêu cũng như các chỉ tiêu quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã nêu trong Báo cáo thì cần phải quán triệt cho các Bộ và địa phương về vai trò quan trọng và trách nhiệm của mình trong việc xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai; phải coi đất đai là tài sản vô cùng quý giá và là nguồn vốn cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để thực hiện tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả cao và đi đôi với việc giải quyết những vấn đề bức xúc về xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, cải thiện đời sống của nhân dân, nâng cao tích lũy từ nội bộ nền kinh tế..., thì việc phân bổ sử dụng các loại đất hợp lý có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhất là đối với đất nông nghiệp, đất chuyên dùng, đất đô thị. Hơn nữa, phải xác định đây là quy hoạch được thực hiện trong thời gian dài, do đó, Chính phủ cần chỉ đạo các cấp, các ngành trước hết là các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ quản lý, sử dụng nhiều đất khẩn trương lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cụ thể ở ngành mình, địa phương mình nhằm bảo đảm việc quản lý, sử dụng đất (bao gồm việc giao đất, quản lý, sử dụng) theo đúng quy hoạch và kế hoạch; định kỳ tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch từ đó có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước nhằm sử dụng tốt hơn quỹ đất đai, bảo đảm tiết kiệm, có hiệu quả.

2. Về thực trạng tình hình quản lý và sử dụng đất đai:

Tại phiên họp của Ủy ban pháp luật, nhiều ý kiến cho rằng, từ khi có Luật đất đai năm 1993, Chính phủ đã cố gắng trong việc quản lý và sử dụng đất đai một cách chặt chẽ. Nhưng Luật đất đai mới tập trung quy định về đất nông nghiệp, còn các loại đất khác như đất đô thị, đất chuyên dùng thì các quy định còn chung chung. Trong khi Nhà nước chủ trương thực hiện công nghiệp hóa nông thôn thì việc quản lý đối với các loại đất này sẽ không tránh khỏi những lúng túng, nhất là trong điều kiện đất giao manh mún thì việc quản lý càng khó khăn. Một mặt, vừa phải bảo đảm cho người làm nghề nông có đất để sản xuất, một mặt, vừa phải thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn là vấn đề hết sức phức tạp. Mặt khác, trình độ quản lý của ta còn nhiều yếu kém; việc quản lý và sử dụng đất đai hiện nay rất phân tán; nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị vũ trang sử dụng đất còn lãng phí, không đúng mục đích và kém hiệu quả. Việc chuyển quyền sử dụng đất còn nhiều vi phạm, do vậy, Nhà nước bị thất thu nhiều về thuế chuyển quyền sử dụng đất. Tuy báo cáo của Chính phủ đã đưa ra những số liệu khá cụ thể về thực trạng tình hình quản lý và sử dụng đất đai trong thời gian 10 năm (1985 - 1995); phân tích, so sánh và đánh giá về chất lượng đất đai, về việc sử dụng đất hàng năm, sự biến động, chuyển dịch trong từng loại đất trên quy mô toàn quốc và từ đó đưa ra những nhận xét về ưu điểm, khuyết điểm trong việc sử dụng các loại đất ở các vùng khác nhau, nhưng báo cáo chưa đánh giá một cách tổng quát về những ưu điểm, khuyết điểm trong quản lý và sử dụng đất hiện nay cũng như trong công tác quy hoạch sử dụng đất đai và sự phối hợp giữa các cơ quan ở Trung ương với các địa phương, các Bộ trong việc thực hiện quy hoạch theo quy định của pháp luật về đất đai.

Về việc quản lý diện tích đất chưa sử dụng: theo số liệu báo cáo về hiện trạng sử dụng đất đai năm 1995 thì hiện nay, tổng diện tích đất chưa sử dụng ở nước ta là 12.604.100 ha = 37,8% tổng diện tích tự nhiên. Theo chúng tôi, đây là diện tích đất rất lớn. Theo quy định của Luật đất đai thì đất chưa sử dụng là đất chưa có đủ điều kiện hoặc chưa được xác định để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp; chưa được xác định là đất khu dân cư nông thôn, đô thị, chuyên dùng và Nhà nước chưa giao cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nào sử dụng ổn định lâu dài. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần có những biện pháp cụ thể để sớm triển khai việc đánh giá, phân loại, xác định mục đích sử dụng của các loại đất, trên cơ sở đó chính thức giao cho các cơ quan tổ chức, cá nhân quản lý và sử dụng ổn định lâu dài theo quy định của pháp luật đất đai, nhằm khai thác một cách có hiệu quả tiềm năng đất đai; đồng thời thực hiện quản lý đất đai một cách chặt chẽ, tránh lãng phí, ngăn ngừa tình trạng sử dụng đất đai một cách tùy tiện.

Về việc quản lý và sử dụng đất quốc phòng và an ninh: Theo báo cáo của Chính phủ thì trong thời gian qua Chính phủ đã rà soát về tình hình quản lý và sử dụng đất đai của 5 trên 7 quân khu với khoảng 5.300 điểm đã được các địa phương và các ngành có liên quan tham gia ý kiến và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy trong báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ việc rà soát về thực trạng quản lý và sử dụng đất đai ở 5 quân khu để trình Chính phủ phê duyệt là đã được quy hoạch theo đúng quy định tại Điều 62 và Điều 65 của Luật đất đai về đất chuyên dùng sử dụng cho quốc phòng, an ninh (bao gồm 9 loại đất cụ thể) hay đó là diện tích đất mà thực tế các đơn vị này đang sử dụng. Chúng tôi đề nghị Quốc hội lưu ý Chính phủ cần quan tâm làm rõ các nội dung nêu trên nhằm bảo đảm sử dụng đất đai tiết kiệm, đúng mục đích, có hiệu quả, đồng thời, cũng bảo đảm nguyên tắc ưu tiên hợp lý cho việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh theo đúng quy hoạch, kế hoạch.

Về việc quản lý và sử dụng đất nông nghiệp: Ủy ban pháp luật nhận thấy, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì việc sử dụng một phần diện tích đất nông nghiệp để xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển các khu công nghiệp là điều không thể tránh khỏi. Do đó, chúng tôi đề nghị Chính phủ cần cân nhắc thận trọng khi phê duyệt các dự án đầu tư, các dự án xây dựng các khu công nghiệp trên đất trồng cây lương thực, nhất là đất trồng lúa nước có năng suất cao để bảo đảm chương trình an toàn lương thực quốc gia. Trong quá trình thực hiện việc quy hoạch, Chính phủ cần có biện pháp triển khai đồng bộ các chính sách kinh tế - xã hội. Đối với việc chuyển đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa sang mục đích khác cần phải được tính toán một cách kỹ lưỡng theo kế hoạch hằng năm do Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét và quyết định. Mặt khác, cần quan tâm đến việc bảo đảm đời sống cho nông dân ở những nơi có đất chuyển sang mục đích khác; áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật để nâng cao sản lượng nông nghiệp, nhất là việc nâng cao năng suất lúa nhằm góp phần bảo đảm thực hiện chương trình an toàn lương thực quốc gia.

- Về đất lâm nghiệp: Theo báo cáo của Chính phủ, diện tích đất lâm nghiệp hiện nay tuy đã tăng được 1.399.826 ha do tích cực trồng mới và khoanh nuôi rừng, nhưng thực tế, rừng tự nhiên đủ tiêu chuẩn vẫn bị chặt phá mất 178.000 ha trong 5 năm 1991 - 1995 (bình quân mỗi năm mất khoảng 26.000 ha); rừng tự nhiên liên tục giảm trong suốt thời kỳ 1976 - 1995, sau 19 năm, diện tích rừng của nước ta giảm gần 2,7 triệu ha = 24,1% diện tích rừng năm 1976. Có những địa phương độ che phủ của rừng còn rất thấp (chỉ khoảng 10,7% - 10,2%). Vì vậy, cho đến năm 1995, diện tích rừng đủ tiêu chuẩn ở nước ta chỉ có 9.302.200 ha, tỷ lệ che phủ đạt 28,1%. Diện tích này không đủ để bảo vệ môi sinh tự nhiên của cả nước và không đủ để đáp ứng mọi nhu cầu về lâm sản của nền kinh tế quốc dân. Nguyên nhân của tình trạng nói trên là do nạn phá rừng bừa bãi, khai thác rừng không đúng quy hoạch, chạy theo lợi ích kinh tế cục bộ, đốt phá rừng làm rẫy. Những hành động trên đây đã làm cho nguồn vốn rừng ngày càng cạn kiệt. Để khắc phục hậu quả này, Ủy ban pháp luật đề nghị Chính phủ cần tăng cường chỉ đạo công tác trồng rừng và khoanh nuôi rừng, thực hiện tốt các Chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc, Chương trình 327...; thực hiện giao đất, giao rừng cho các tổ chức, cá nhân và áp dụng các chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với người trồng rừng, bảo vệ nghiêm ngặt nguồn vốn rừng tự nhiên đã có. Mặt khác, cần khẩn trương quy hoạch và chỉ đạo thực hiện các nội dung theo quy hoạch đã đề ra nhằm đạt chỉ tiêu 46% diện tích tự nhiên cả nước được che phủ, cải thiện môi sinh tự nhiên cho sản xuất nông nghiệp; bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, đối với một số đất khác như đất bãi bồi ven sông, ven biển, đất nghĩa trang, nghĩa địa... trong quá trình thảo luận, một số ý kiến cho rằng, hàng năm diện tích đất bãi bồi ven sông, ven biển ở một số địa phương là không nhỏ, Chính phủ cần thống kê số liệu loại đất này, đánh giá chất lượng cũng như hướng khai hoang phục hóa để bổ sung cho diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản để bảo đảm sử dụng tiết kiệm đất nghĩa trang, nghĩa địa đồng thời bảo đảm vệ sinh môi trường, Nhà nước cần vận động nhân dân áp dụng các biện pháp khoa học và từng bước tiến hành quy hoạch việc sử dụng các loại đất nói trên cho hợp lý.

3. Những vấn đề về chính sách và kiến nghị:

Trên cơ sở quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai, báo cáo của Chính phủ cũng đã nêu ra các chính sách và biện pháp nhằm bảo vệ và phát triển quỹ đất nông nghiệp; sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm, trong đó có các loại đất mang tính đặc thù; ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ, duy trì, cải thiện môi trường trong việc khai thác sử dụng đất đai… Đồng thời, báo cáo cũng đã nêu ra những kiến nghị về việc tăng cường công tác quản lý sử dụng đất đai; bao gồm việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai, tăng cường chuẩn bị những điều kiện cần thiết để quản lý và khai thác đất đai hải đảo, thềm lục địa, lãnh hải nhằm khai thác triệt để nguồn tài nguyên của đất nước; kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý đất đai từ Trung ương đến địa phương, cơ sở; xây dựng chính sách tài chính trong quản lý đất đai; chủ động đề ra các chính sách hợp lý để thực hiện việc cho phép nông dân trao đổi ruộng đất và phân công lại lao động một cách hợp lý, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng. Về cơ bản, Ủy ban pháp luật tán thành với những chính sách, biện pháp và kiến nghị như đã nêu trên của Chính phủ. Đây là những chính sách, biện pháp rất quan trọng. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, trong điều kiện phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thì đất đai là vấn đề hết sức nhạy cảm, để thực hiện những mục tiêu đã nêu trong quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, Chính phủ cần có biện pháp chỉ đạo, kiểm tra sát sao trong việc thực hiện việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, trong đó cần quan tâm đến một số vấn đề sau đây:

a) Việc xét duyệt kế hoạch giao đất cụ thể phải căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, luận chứng kinh tế - kỹ thuật đã được cấp có thẩm quyền xét duyệt; bảo đảm sử dụng đất hợp lý, đúng mục đích, có hiệu quả và không lãng phí, hạn chế đến mức thấp nhất việc chuyển đất trồng lúa nước và đất có rừng nguyên sinh sang sử dụng vào mục đích khác. Có chính sách khuyến khích và ưu đãi đối với nông dân là những người đang sử dụng đất trồng lúa nước, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an toàn lương thực quốc gia.

b) Khuyến khích việc khai hoang, phục hóa, cải tạo đất đai; khuyến khích việc bảo vệ rừng và trồng rừng nhằm tăng độ che phủ diện tích tự nhiên, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái; kiên quyết thu hồi những diện tích đất mà các cơ quan, tổ chức, đơn vị, công dân đang quản lý mà thực tế không có nhu cầu sử dụng, sử dụng không đúng mục đích hoặc sử dụng không có hiệu quả.

c) Tăng cường chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng đất; giải quyết dứt điểm các tranh chấp về đất đai; kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai; đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức và công dân, trên cơ sở đó mà nắm được đầy đủ thực trạng quản lý và sử dụng đất đai, kịp thời xử lý những trường hợp sử dụng lãng phí, sai mục đích.

d) Đất đai là tài nguyên vô cùng quý giá, có liên quan mật thiết đến mọi người dân, trong quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai phải hết sức chú ý đến các yếu tố kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đồng thời, cần tiếp tục thể chế hóa quy hoạch sử dụng đất đai bằng các biện pháp và chính sách phù hợp để thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về đất đai.

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

 Trên đây là ý kiến của Ủy ban pháp luật về báo cáo về quy hoạch sử dụng đất đai cả nước đến năm 2010, Ủy ban pháp luật xin kính trình Quốc hội xem xét, quyết định.

 

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội