TỜ TRÌNH CỦA CHÍNH PHỦ VỀ DỰ ÁN LUẬT GIÁO DỤC
(Do ông Trần Hồng Quân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
đọc tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá IX ngày 21-4-1997)
I- SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG LUẬT GIÁO DỤC
1. Năm mươi năm qua, nền giáo dục quốc dân đã được xây dựng thành một hệ thống, từ giáo dục mầm non đến đào tạo tiến sĩ, góp phần chủ yếu vào việc phát triển nhân cách, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một trong những bài học thành công trong quá trình xây dựng và phát triển giáo dục là Nhà nước và những cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đã quán triệt đầy đủ và kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về giáo dục.
2. Giáo dục là sự nghiệp của toàn dân, có hệ thống tổ chức rộng lớn, liên quan mật thiết đến mọi người, mọi gia đình, mọi tổ chức xã hội. Để xã hội hóa sự nghiệp giáo dục, nhân dân và các đoàn thể cần tham gia tích cực và rộng rãi hơn; Nhà nước cần xác định rõ trách nhiệm của mình; các cấp quản lý giáo dục, các cơ quan liên quan và các tổ chức xã hội cần được phân định rõ hơn về trách nhiệm và quyền hạn. Để đáp ứng yêu cầu đó, cần phải có một đạo luật về giáo dục để điều chỉnh các mối quan hệ trong lĩnh vực này.
3. Thực hiện chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Đảng, Quốc hội đang nỗ lực thực hiện chương trình xây dựng pháp luật. Các luật và pháp lệnh được ban hành đã tạo ra môi trường pháp lý, tăng cường kỷ cương, làm cho xã hội ngày càng ổn định và phát triển. Mặc dù giáo dục là một lĩnh vực rộng lớn, được đặt ở vị trí quốc sách hàng đầu, nhưng hiện tại mới chỉ có Luật phổ cập giáo dục tiểu học giới hạn phạm vi điều chỉnh ở một bộ phận quan hệ xã hội, chưa tạo ra môi trường pháp lý cho toàn hệ thống. Ngày 28-10-1995, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa IX đã thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng pháp luật, trong đó Luật giáo dục là đạo luật thứ 5 được dự kiến thông qua trong nhiệm kỳ này.
4. Việc xây dựng Luật giáo dục nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước về giáo dục, pháp điển hóa các quy định riêng lẻ vào một đạo luật nhằm tạo điều kiện để giáo dục phát triển mạnh mẽ và vững chắc, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, tăng cường hiệu quả, bảo đảm công bằng về cơ hội học tập, hội nhập thế giới, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, biến lý tưởng cao cả của chủ nghĩa xã hội thành hiện thực.
5. Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về nhiệm vụ và mục tiêu phát triển giáo dục - đào tạo từ nay đến năm 2000 đã khẳng định cần ban hành Luật giáo dục.
II- QUÁ TRÌNH DỰ THẢO LUẬT GIÁO DỤC
Quá trình dự thảo Luật giáo dục được chia thành ba giai đoạn:
- Giai đoạn chuẩn bị;
- Giai đoạn dự thảo Luật giáo dục như là một luật khung;
- Giai đoạn dự thảo Luật giáo dục như là một luật tương đối cụ thể.
1. Giai đoạn chuẩn bị (từ tháng 9-1994 đến tháng 12-1995):
a) Xây dựng đề cương Luật giáo dục. Ngày 13-9-1995, đề cương này đã được đệ trình Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Chính phủ.
b) Tập hợp các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục của Nhà nước, Chính phủ và của ngành từ tháng 9-1945 đến nay: 756 văn bản, xếp thành 34 chuyên mục.
c) Tập hợp các tư liệu tổng kết 50 năm xây dựng và phát triển nền giáo dục cách mạng, 10 năm đổi mới giáo dục và các văn bản dự thảo về chiến lược phát triển giáo dục từ nay đến năm 2020.
d) Sưu tầm và dịch 32 Luật giáo dục của các nước.
đ) Tổ chức Ban chỉ đạo, Ban soạn thảo, Ban Thư ký và mạng lưới cộng tác viên.
2. Giai đoạn dự thảo Luật giáo dục như một luật khung (từ tháng 1-1996 đến tháng 5-1996):
a) Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo thảo luận và kết luận về các quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật giáo dục và kết cấu khung của Luật (13-01-1996).
b) Xây dựng các Dự thảo 1 và 2; tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của cán bộ các cơ quan và các Viện nghiên cứu thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Dựa trên các ý kiến đóng góp này đã chỉnh lý Dự thảo 2 thành Dự thảo 3.
c) Dự thảo 3 Luật giáo dục là luật khung, đã được đệ trình Văn phòng Quốc hội vào tháng 5-1996.
3. Giai đoạn dự thảo Luật giáo dục như là một luật tương đối cụ thể (từ tháng 5-1996 đến tháng 3-1997):
a) Ngày 11-5-1996, Văn phòng Quốc hội tổ chức cuộc họp do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Văn Tửu chủ trì với sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Thường trực Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, đại diện của Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ để nghe Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo về việc chuẩn bị dự án Luật giáo dục dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10.
Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Văn Tửu kết luận:
- Luật giáo dục cần được xây dựng trên cơ sở tổng kết 10 năm đổi mới sự nghiệp giáo dục.
- Luật giáo dục không nên là luật khung mà phải tương đối cụ thể.
b) Thực hiện kết luận trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã huy động các cán bộ trong Bộ và các chuyên gia pháp luật của Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Quốc hội xây dựng các dự thảo 4, 5, 6, 7, 8 và 9.
c) Dự thảo 9 là luật tương đối cụ thể. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo 9 của các đại biểu Quốc hội trong ngành, các nhà giáo lão thành, các nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia pháp luật, đại diện các trường đại học và cao đẳng. Các Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các nhà giáo, các cán bộ quản lý giáo dục, đại diện của các cơ quan và đoàn thể ở địa phương.
Trên cơ sở những ý kiến đóng góp trên Ban soạn thảo và Ban thư ký đã sửa chữa Dự thảo 9 thành Dự thảo 10 và 11.
d) Ngày 07-8-1996, Thường trực Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã nghe Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo và góp ý kiến cho các Dự thảo 9 và 11. Dựa trên ý kiến đóng góp tại cuộc họp trên, Ban soạn thảo đã hình thành Dự thảo 12 và 13.
đ) Ngày 17-10-1996, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức buổi giới thiệu Dự thảo 13 Luật giáo dục để lấy ý kiến chính thức của các Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương.
Trên cơ sở tổng hợp những ý kiến chính thức này, Văn phòng Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉnh lý Dự thảo 13 thành Dự thảo 14 và 15.
e) Tháng 12 năm 1996, Hội nghị Trung ương 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã ra Nghị quyết về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000. Dựa trên Nghị quyết này Ban soạn thảo đã sửa Dự thảo 15 thành Dự thảo 16.
g) Ngày 31-01-1997, Thường trực Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã nghe Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo và góp ý kiến cho Dự thảo 16. Dựa trên ý kiến đóng góp này Ban soạn thảo đã chỉnh lý thành Dự thảo 16B.
h) Ngày 20-02-1997, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bình, Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, đại diện các Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Ban Khoa giáo Trung ương đã nghe báo cáo và góp ý kiến cho Dự thảo 16B. Dựa trên những ý kiến đóng góp này và những đề nghị chỉnh lý của Thường trực Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng và Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã sửa chữa Dự thảo 16B thành Dự thảo 17. Dự thảo này được đệ trình Chính phủ xem xét.
i) Trong phiên họp ngày 27-02-1997, Chính phủ đã cho ý kiến về Dự thảo 17. Dựa trên kết luận trong phiên họp này của Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, Ban soạn thảo Luật giáo dục đã chỉnh lý Dự thảo 17 thành Dự thảo lần thứ 18 và 19.
k) Ngày 25-3-1997, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự thảo 19 Luật giáo dục. Dựa trên những ý kiến đóng góp của Ủy ban thường vụ Quốc hội và ý kiến của Thường trực Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Ban soạn thảo đã chỉnh lý Dự thảo 19 thành Dự thảo 20 đệ trình Quốc hội xem xét.
III- KẾT CẤU NỘI DUNG CỦA DỰ THẢO LUẬT GIÁO DỤC
Dự thảo Luật giáo dục lần thứ 20 gồm 5 phần, 18 chương, 156 điều. Cụ thể là:
Phần một: Những quy định chung
Gồm một chương, cũng mang tên Những quy định chung, có 17 điều, từ Điều 1 đến Điều 17, trong đó xác định những vấn đề cơ bản có tính nguyên tắc của nền giáo dục quốc dân.
Vị trí quan trọng của giáo dục, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, các tổ chức xã hội và Nhà nước đối với giáo dục; quyền và nghĩa vụ học tập của công dân; tính chất, mục tiêu, nguyên lý, nội dung giáo dục, hệ thống giáo dục quốc dân; trách nhiệm đầu tư và quản lý của Nhà nước đối với hệ thống giáo dục, chính sách công bằng trong giáo dục, chính sách đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài, chính sách đối với nhà giáo; các quy định cấm hành vi lợi dụng giáo dục.
Riêng Điều 10 về hệ thống giáo dục quốc dân có trình bày hai phương án về tên gọi của các bậc học và cấp học của giáo dục phổ thông.
Phần hai: Hệ thống giáo dục quốc dân
Gồm 4 chương, từ Chương II đến Chương V có 21 điều, từ Điều 18 đến Điều 38; mỗi chương dành cho một ngành học của hệ thống giáo dục quốc dân. Cụ thể: Chương II: Giáo dục mầm non; Chương III: Giáo dục phổ thông; Chương IV: Giáo dục chuyên nghiệp; Chương V: Giáo dục đại học và sau đại học.
Mỗi chương bao gồm những nội dung chính sau: Đối tượng và tổ chức thực hiện; mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục; các quy định về vị trí, chức năng và các quy định dành riêng cho cấp học, bậc học hoặc bộ phận giáo dục đó.
Phần ba: Tổ chức hoạt động giáo dục
Gồm 7 chương, từ Chương VI đến Chương XII, có 74 điều, từ Điều 39 đến Điều 112 quy định việc tổ chức hoạt động giáo dục ở mọi cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân. Cụ thể:
- Chương VI: Nhà trường, có 21 điều từ Điều 39 đến Điều 59. Nội dung chính là: Định nghĩa nhà trường, xác định nhiệm vụ và quyền của nhà trường, thẩm quyền thành lập, giải thể hoặc sáp nhập nhà trường, việc tổ chức và quản lý các trường đặc biệt.
- Chương VII: Nhà giáo, gồm 11 điều, từ Điều 60 đến Điều 70. Nội dung chính là: Định nghĩa nhà giáo; nhiệm vụ và quyền của nhà giáo; chính sách ưu đãi nhà giáo; các quy phạm bảo vệ nhà giáo; tiêu chuẩn và thể thức tuyển dụng và bổ nhiệm nhà giáo; các quy phạm ngăn ngừa các hành vi sai phạm của nhà giáo; ngày nhà giáo Việt Nam.
- Chương VIII: Người học, gồm 7 điều, từ Điều 71 đến Điều 77. Nội dung chính là: Định nghĩa người học; nghĩa vụ và quyền của người học; quy phạm ngăn ngừa các hành vi tiêu cực của người học; trách nhiệm của người học được hưởng sự tài trợ của Nhà nước, quyền lợi của người học có thành tích xuất sắc.
- Chương IX: Nhà trường - gia đình - xã hội gồm 11 điều từ Điều 78 đến Điều 88 chế định sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình và xã hội; trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục thế hệ trẻ; nghĩa vụ và quyền của cha mẹ và người giám hộ; trách nhiệm của các tổ chức xã hội đối với giáo dục.
- Chương X: Chế độ phổ cập giáo dục gồm 9 điều, từ Điều 89 đến Điều 97. Nội dung chính là: Xác định cơ sở pháp lý của việc phổ cập giáo dục từng bước cho đến hết cấp trung học cơ sở căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội ở từng địa phương. Trách nhiệm của Nhà nước, các cấp chính quyền của gia đình và cộng đồng đối với phổ cập giáo dục; các đối tượng đặc biệt cần được quan tâm, giúp đỡ.
- Chương XI: Giáo dục thường xuyên gồm 4 điều, từ Điều 98 đến Điều 101. Nội dung chính là: Định nghĩa giáo dục thường xuyên, tổ chức thực hiện giáo dục thường xuyên, nhiệm vụ và quyền của người học.
- Chương XII: Thi và văn bằng, gồm 11 điều, từ Điều 102 đến Điều 112. Nội dung chính là: Định nghĩa thi và văn bằng; quy định khái quát về nội dung đề thi; cấp có thẩm quyền ra quy chế thi; các quy phạm bảo đảm tính nghiêm túc, công bằng và xác thực của các kỳ thi; quy định thẩm quyền cấp phát và thu hồi văn bằng, các quy phạm bảo đảm tính chân thực của văn bằng.
Riêng điểm a, khoản 1 Điều 110 về thẩm quyền cấp bằng tiến sĩ và thạc sĩ có trình bày hai phương án.
Phần bốn: Quản lý giáo dục
Gồm 4 chương, từ Chương XIII đến Chương XVI, có 34 điều, từ Điều 113 đến Điều 146, quy định nội dung và phương thức quản lý giáo dục của Nhà nước, công tác thanh tra giáo dục, việc đầu tư kinh phí cho giáo dục và quan hệ quốc tế về giáo dục. Cụ thể là:
- Chương XIII: Quản lý nhà nước về giáo dục, gồm 11 điều, từ Điều 113 đến Điều 123. Nội dung chính là: Nội dung quản lý nhà nước về giáo dục, nhiệm vụ quyền hạn của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ có cơ sở giáo dục, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và Sở Giáo dục; Ủy ban nhân dân huyện, quận và Phòng Giáo dục, Ủy ban nhân dân xã, phường.
- Chương XIV: Thanh tra giáo dục, gồm 5 điều, từ Điều 124 đến Điều 128. Nội dung chính là: Chế định về chức năng thanh tra giáo dục; nhiệm vụ của thanh tra giáo dục; hệ thống thanh tra giáo dục, các quy phạm bảo đảm để thanh tra giáo dục hoàn thành nhiệm vụ.
- Chương XV: Đầu tư cho giáo dục, gồm 11 điều, từ Điều 129 đến Điều 139. Nội dung chính là: Chế định tính ưu tiên của ngân sách giáo dục trong Tổng dự toán ngân sách nhà nước; trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước về giáo dục và trong việc huy động nguồn lực để phát triển giáo dục; chính sách ưu đãi đối với việc sản xuất, kinh doanh học liệu; quyền và trách nhiệm của nhà trường trong việc sử dụng ngân sách nhà nước và khai thác nguồn lực; chế định về: Quỹ bảo trợ phát triển giáo dục; Quỹ tín dụng giáo dục; chế độ học phí và miễn, giảm học phí; chế định đối với việc tài trợ cho giáo dục.
- Chương XVI: Quan hệ quốc tế về giáo dục, gồm 7 điều, từ Điều 140 đến Điều 146. Nội dung chính là: Chính sách của Nhà nước đối với việc du học ở nước ngoài, đối với người Việt Nam sống ở nước ngoài và người nước ngoài đến học tập hoặc hoạt động giáo dục ở Việt Nam. Chế định về việc thừa nhận văn bằng, chứng chỉ của nước ngoài, xác định sự tương đương giữa văn bằng trong nước và nước ngoài.
Phần năm: Xử lý vi phạm và điều khoản thi hành
Gồm 2 chương, từ Chương XVII đến Chương XVIII, có 9 điều, từ Điều 147 đến Điều 156. Cụ thể là:
- Chương XVII: Xử lý vi phạm, gồm 9 điều, từ Điều 147 đến Điều 155. Nội dung chính là: Các quy phạm xử lý các hành vi vi phạm Luật giáo dục, vi phạm ngân sách giáo dục, vi phạm đất đai, tài sản nhà trường, vi phạm các chế định về thi, cấp phát và sử dụng văn bằng, chứng chỉ; đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động của nhà trường.
- Chương XVIII: Điều khoản thi hành, gồm 1 điều, Điều 156 về thời gian có hiệu lực của Luật.
IV- NHỮNG ĐẶC ĐIỂM VỀ NỘI DUNG
CỦA DỰ THẢO LUẬT GIÁO DỤC
1. Dự thảo Luật giáo dục được xây dựng trên cơ sở quán triệt quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về giáo dục, phù hợp với Hiến pháp và pháp luật hiện hành
1.1. Dự thảo thể chế hóa các nghị quyết của Đảng về Giáo dục, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương khóa VII, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội toàn quốc lần thứ VIII, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000.
a) Về tính chất của nền giáo dục quốc dân Việt Nam, Dự thảo đã khẳng định: Nhà nước xây dựng nền giáo dục quốc dân theo định hướng xã hội chủ nghĩa, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, bảo đảm tính nhân dân, dân tộc, khoa học và hiện đại.
b) Về vị trí, vai trò của sự nghiệp giáo dục, Dự thảo quán triệt các quan điểm sau đây của Đảng:
- Giáo dục là quốc sách hàng đầu;
- Giáo dục là một bộ phận của kết cấu hạ tầng xã hội;
- Giáo dục là con đường chủ yếu và cơ bản để chuẩn bị con người cho sự phát triển bền vững của đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
c) Dự thảo đã xây dựng các chế định bảo đảm để sự nghiệp giáo dục thực hiện mục đích nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đào tạo con người theo mô hình nhân cách mà Đảng đã xác định.
Mô hình nhân cách được quán triệt ở mục tiêu chung cũng như được thể hiện cụ thể phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi và trình độ của đối tượng, ở mục tiêu của từng cấp học, bậc học, trong đó nhấn mạnh bản sắc dân tộc kết hợp khả năng tiếp thu tinh hoa nhân loại; nhấn mạnh phẩm chất đạo đức kết hợp năng lực tư duy, học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, thể hiện mối quan hệ cân đối, hài hòa về đạo đức, trí tuệ, tình cảm và thể chất.
d) Dự thảo bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và sự tham gia của nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục.
- Dự thảo đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương và đường lối giáo dục của Đảng, khẳng định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhà trường.
- Trên cơ sở khẳng định quyền thống nhất quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục, dự thảo xác định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước ở mỗi cấp đối với mỗi lĩnh vực hoạt động giáo dục, đối với mỗi bộ phận của hệ thống giáo dục.
- Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, dự thảo quy định quyền và trách nhiệm của gia đình, cộng đồng, các tổ chức và cá nhân trong xã hội trong việc tham gia vào sự nghiệp giáo dục về cả ba mặt: Xây dựng môi trường xã hội giàu tính giáo dục, cộng tác với nhà trường trong hoạt động giáo dục, đóng góp tiền của và công sức để xây dựng các cơ sở giáo dục.
đ) Dự thảo đã chế định các điều kiện để phát triển giáo dục trong đó đặc biệt lưu ý và nhấn mạnh các điều kiện: Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, cơ sở vật chất - kỹ thuật và nguồn tài chính.
1.2. Dự thảo cụ thể hóa quyền và nghĩa vụ công dân về mặt học tập cũng như các nguyên tắc cơ bản về giáo dục ghi trong Hiến pháp năm 1992. Đồng thời, các quy định trong Luật giáo dục cũng bảo đảm sự thống nhất pháp lý đối với các quy định của Luật phổ cập giáo dục tiểu học, các luật và bộ luật khác có liên quan như Luật chăm sóc và bảo vệ trẻ em, Luật ngân sách nhà nước, Bộ luật lao động, Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự.
Để bảo đảm quyền và nghĩa vụ công dân về mặt học tập, trong điều kiện kinh tế thị trường, Luật giáo dục đã có những định chế thực hiện công bằng trong giáo dục và bình đẳng; về cơ hội học tập, tạo điều kiện cho những người có hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện để đi học.
1.3. Dự thảo pháp điển hóa ở tầm khái quát các quy định của pháp luật hiện hành về giáo dục còn phù hợp với thực tiễn và có giá trị lâu dài hiện còn tản mạn trong các văn bản pháp quy đã ban hành.
2. Dự thảo Luật giáo dục được xây dựng trên cơ sở những kinh nghiệm, những bài học thành công rút ra từ lịch sử 50 năm xây dựng và phát triển nền giáo dục cách mạng và thành tựu 10 năm đổi mới sự nghiệp giáo dục
Bài học có giá trị lớn là tư tưởng xã hội hóa, dân chủ hóa và đa dạng hóa giáo dục kết hợp hài hòa với việc đề cao trách nhiệm quản lý thống nhất của Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục, bảo đảm kế thừa và phát triển cách làm giáo dục đã thành truyền thống Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Dự thảo Luật tạo ra cơ sở pháp lý để duy trì các yếu tố hợp lý về cơ cấu hệ thống và cơ chế điều hành hệ thống giáo dục, tạo thế cho giáo dục ổn định và phát triển, đủ sức đáp ứng được các yêu cầu và vượt qua các thử thách do công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đặt ra.
3. Dự thảo Luật giáo dục kế thừa truyền thống dân tộc
Nhiều quy định của Dự thảo nhằm mục đích duy trì và phát triển truyền thống hiếu học và tôn sư, trọng đạo. Đặc biệt, thể hiện ở những quy định về xã hội hóa giáo dục và những quy định điều chỉnh mối quan hệ với nhà giáo.
Dự thảo khi xây dựng các điều khoản liên quan đến mục tiêu đào tạo, đã nhấn mạnh việc bồi dưỡng cho thế hệ trẻ những phẩm chất vốn đã trở thành bản sắc dân tộc, những giá trị bền vững của con người Việt Nam.
4. Dự thảo Luật giáo dục được xây dựng trên cơ sở tham khảo các luật giáo dục và kinh nghiệm phát triển giáo dục của các nước cũng như kinh nghiệm xây dựng các luật và bộ luật của các ngành khác
Ban soạn thảo đã tham khảo các đạo luật giáo dục của nước ngoài để tìm ra những mô hình luật pháp về giáo dục thích hợp với hoàn cảnh và điều kiện kinh tế - xã hội của nền giáo dục Việt Nam, phù hợp với đặc điểm và tập quán luật pháp Việt Nam.
Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội