PGS, TS. Nguyễn Đăng Dung**
Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
Hiến pháp kể từ khi ra đời đã mau chóng trở thành một văn bản quan trọng nhất của mọi quốc gia và là một biểu tượng của nền văn minh và dân chủ của mỗi một dân tộc. Việt Nam- kể từ khi nhà nước kiểu mới được thành lập, hiến pháp đã trở thành một văn bản chính thức đầu tiên được ban hành. Với tầm quan trọng như vậy, nhưng các câu hỏi Hiến pháp là gì và nội dung cơ bản của nó như thế nào vẫn chưa có câu trả lời thống nhất.
Vì vậy, chúng ta cần phải bàn lại nội dung cơ bản của Hiến pháp, nhất là khi vấn đề ngày càng trở nên bức xúc hơn khi Đảng và Nhà nước ta đang đặt ra nhiệm vụ hiện nay là sửa đổi Hiến pháp năm 1992, sau những năm thực hiện.
Nội dung của hiến pháp có thể hiểu là tất cả những gì cần phải được quy định trong hiến pháp. Trong khoa học pháp lý còn một thuật ngữ có rất nhiều điểm tương đồng với nội dung của hiến pháp, đó là đối tượng điều chỉnh của Hiến pháp. Đối tượng điều chỉnh của một văn bản pháp luật, cũng như của một ngành luật nói chung bao giờ cũng là vấn đề cơ bản của khoa học pháp lý. Thuật ngữ “đối tượng điều chỉnh” của hiến pháp nói riêng cũng như của các văn bản pháp luật khác nói chung có tính khái quát cao hơn thuật ngữ “nội dung”. Nhưng nếu là nội dung cơ bản thì giữa chúng có nhiều điểm tương đồng hơn, hay nói cách khác, giữa chúng hầu như không có gì phân biệt. "Nội dung cơ bản" là thuật ngữ có tính chất phổ thông, còn đối tượng điều chỉnh là thuật ngữ có tính chất chuyên ngành của luật học.
Sở dĩ vấn đề đối tượng điều chỉnh của văn bản pháp luật hay của một ngành luật được coi là quan trọng vì thông qua đối tượng điều chỉnh của chúng mà người ta xác định được tên gọi, nội dung, phạm vi... đến phương pháp điều chỉnh, và nhất là khái niệm (định nghĩa) của chúng. Một cách hiểu dễ nhất được gọi là phổ quát hiện nay của chúng ta về đối tượng điều chỉnh của các văn bản luật thường được ghi nhận ngay ở các trang hay dòng đầu tiên của chính văn bản luật đó. Ví dụ, Lời nói đầu trong các bản Hiến pháp năm 1980 và 1992 đều ghi nhận: Hiến pháp này quy định chế độ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, cơ cấu tổ chức và nguyên tắc hoạt động của bộ máy nhà nước.
Quy định trên được hợp thức hoá thành nội dung hay đối tượng điều chỉnh của hiến pháp. Do đó có mấy điều cần phải bàn: Thứ nhất, việc liệt kê trùng với các tên chương của Hiến pháp, làm cho nội dung của Hiến pháp bị dàn trải khó thấy được nội dung cơ bản của hiến pháp. Thứ hai, nếu căn cứ vào từ ngữ của quy định nêu trên thì với 147 điều, 12 chương như Hiến pháp hiện hành thì không thể đủ sức quy định tất cả các vấn đề có liên quan đến việc xác định các chế độ của quốc gia, từ chế độ chính trị đến các chế độ khác như văn hoá, xã hội, giáo dục, y tế và an ninh quốc phòng...
Các bản Hiến pháp của các nước Xã hội chủ nghĩa thường cũng có quy định tương tự. Hiến pháp năm 1977 của Liên Xô khi quy định việc xây dựng nhà nước toàn dân cũng nêu trong Lời nói đầu của mình rằng:
"Nhân dân Xô viết,... dựa trên các quan điểm, nguyên tắc đã được quy định trong các Hiến pháp của năm 1918, 1924, 1936 quy định cơ sở chính trị xã hội của chế độ Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô viết, xác định quyền, nghĩa vụ, tự do của công dân, những nguyên tắc tổ chức và mục đích của nhà nước xã hội chủ nghĩa toàn dân, công bố và thông qua bản hiến pháp này"[1].
Sở dĩ chúng ta có những định nghĩa như vậy, mà sau này được gọi là những định nghĩa hiến pháp ở nghĩa rộng, hay còn được gọi là những hiến pháp xã hội, tức là so với hiến pháp lịch sử, chúng đã vượt ra ngoài phạm vi hạn hẹp của một hiến pháp chỉ quy định những vấn đề về nhà nước ở tầm tổ chức quyền lực nhà nước vĩ mô. Chính định nghĩa này làm cho đối tượng điều chỉnh của luật hiến pháp vượt ra khỏi phạm vi một ngành luật gây rất nhiều khó khăn cho việc hiểu và luận giải chúng.
Trong lịch sử, việc thông qua những Hiến pháp như vậy thường xảy ra ở một số nhà nước trên con đường phát triển, mà là chậm phát triển. Lý giải cho vấn đề là những nước này vì phải hướng đến tương lai mong muốn cho nhà nước mình phát triển ngang hàng với các nhà nước phát triển nên buộc phải có những quy phạm hiến pháp mang tính định hướng cho cả xã hội không riêng gì ở lĩnh vực tổ chức quyền lực nhà nước.
Việc buộc phải có một định nghĩa về luật hiến pháp như vậy, còn một lý do khách quan nữa. Đó là trong thời kỳ đầu của chủ nghĩa xã hội, với nhận thức cũ chúng ta muốn tiến nhanh, tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội, nên đã xoá bỏ chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, vốn vẫn còn nhiều tiềm năng của sự phát triển. Chúng ta đã nhà nước hoá nhiều hoạt động đơn thuần chỉ mang tính xã hội. Nhận thức đó đã dẫn đến một quan điểm phải tập trung mọi thứ vào nhà nước.
Cũng như khi xem xét và luận giải đối tượng điều chỉnh của bất kể ngành luật nào khác không thể không xem xét đến vấn đề lịch sử của nó. Sự thực của vấn đề, luật hiến pháp được sinh ra thuở ban đầu trong cách mạng tư sản, nhằm mục đích lật đổ chế độ phong kiến, với phương pháp thành lập nên nhà nước bằng thế tập truyền ngôi, và để khẳng định quyền lực nhà nước không do thiên định, không thần bí, không là của riêng một thế lực nào, mà thuộc về nhân dân (đương nhiên là chỉ bao gồm những người có của), đoạn tuyệt với cả lý thuyết quyền lực là thần bí gắn liền với nhà trời thiên định của quyền lực nhà nước, khẳng định quyền của nhân dân được tham gia vào giải quyết các công việc của nhà nước, khẳng định quyền con người, ngăn cấm mọi hành vi vi phạm đến quyền con người từ bất kể phía nào, trong đó quan trọng là từ phía nhà nước.
Chính vì vậy, hiến pháp là bản văn quy định việc tổ chức quyền lực nhà nước, là văn bản khẳng định quyền lực thuộc về nhân dân. Vì vậy có thể nói rằng, Hiến pháp là bản văn khẳng định việc tổ chức quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Đây là nội dung hẹp hay còn gọi là cơ bản của Hiến pháp.
Việc hiến pháp chỉ được hiểu ở nghĩa hẹp không chỉ ở các nước phương Tây, mà ngay cả ở Liên Xô (cũ) những năm đầu tiên của việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Giáo sư về Luật hiến pháp nổi tiếng của Trường Đại học Tổng hợp Lomoloxop, Kráp- trúc đã từng cho rằng "Hiến pháp là một ngành luật bao gồm tổng thể các quy phạm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội liên quan đến việc xây dựng Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô viết như là một nhà nước xã hội chủ nghĩa, cơ sở của quy chế công dân, tổ chức nhà nước, hệ thống các cơ quan nhà nước Liên Xô, và những mối quan hệ có liên quan đến sự toàn quyền nhà nước thuộc về nhân dân"[2]. Đành rằng trong định nghĩa này của ông vẫn còn có chỗ rất khó hiểu, ví dụ như đoạn văn "...xây dựng Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô viết như là một nhà nước xã hội chủ nghĩa". Nhưng thực ra khó có thể tìm thấy một cụm từ nào khác hơn. Trước đó, Kráp- trúc còn đưa ra một định nghĩa khác cô đọng hơn: Luật hiến pháp quy định hay còn gọi là điều chỉnh những mối quan hệ có liên quan đến việc tổ chức quyền lực nhà nước. Với định nghĩa ngắn gọn này, tác giả của nó gặp không ít nhà luật học tỏ ý phủ nhận. Họ cho rằng, quan điểm này chỉ phù hợp với việc khái niệm của luật công pháp, tức là nó không đủ sức để phân biệt với luật hành chính[3].
Nếu tổ chức quyền lực của một nhà nước nào đó không thuộc về nhân dân, thì có lẽ ở nhà nước đó cũng không cần có một bản hiến văn cả ở nghĩa rộng cũng như ở nghĩa hẹp. Vì vậy, hiến pháp phải được quy định như thế nào đó để nhân dân càng tham gia vào công việc nhà nước bao nhiêu càng thể hiện tính dân chủ của nó bấy nhiêu. Hiến pháp gắn liền với dân chủ. Một hình thức chứa đựng của dân chủ.
Vấn đề cơ bản thứ hai ngay sau vấn đề trực tiếp quy định sự tham gia của nhân dân vào các công việc nhà nước, như việc tham gia của nhân dân bầu cử ra các cơ quan nhà nước trung ương..., việc nhân dân tham gia vào kiểm tra, giám sát các hoạt động của các cơ quan nhà nước đã được nhân dân bầu ra. Và thứ đến là các cơ quan khi đã được nhân dân thành lập phải luôn luôn tự kiểm tra lấy mình, tránh lạm dụng quyền lực nhà nước được nhân dân giao phó mà vi phạm đến quyền lợi của nhân dân.
Để làm được những vấn đề như nêu ở phần trên, Hiến pháp của tất cả các nước đều quy định khoảng thời gian nhất định phải tiến hành các cuộc bầu cử của nhân dân được diễn ra theo luật định. Chỉ khác nhau ở chỗ thời gian ít hay nhiều cho mỗi một nhiệm kỳ đảm trách chức vụ do dân bầu ra một cách trực tiếp. Đồng thời, nhiều nước còn nghiêm cấm việc đảm trách ba nhiệm kỳ một chức vụ liên tục... Nước Pháp đang có đề nghị làm xôn xao dư luận về việc cần phải thay đổi nhiệm kỳ của Tổng thống, vì Hiến pháp năm 1958 quy định quá dài- những 7 năm, mà không những thế lại còn không bị cấm việc đảm nhiệm hai nhiệm kỳ liên tục.
Ngoài vấn đề nêu trên, để bảo đảm cho quyền lực nhà nước luôn luôn thuộc về nhân dân, nhất là tránh được các cuộc lạm dụng quyền lực thường xuyên trong lịch sử. Cơ cấu tổ chức quyền lực nhà nước ở một số nước đã tạo ra cơ chế gìn giữ cho nhau mà Hiến pháp của Mỹ gọi là cơ chế kìm chế và đối trọng. Đó là đối tượng điều chỉnh của hiến pháp cổ điển. Việc nghiên cứu, mổ xẻ vấn đề về nguyên tắc nhiều khi phải đi từ, hoặc phải lần về cái gốc của nó. Hiến pháp của Mỹ, bản Hiến pháp đầu tiên của thế giới cũng có một đối tượng điều chỉnh hẹp như vậy, tức là chỉ điều chỉnh những vấn đề có liên quan đến việc tổ chức quyền lực nhà nước. Hiến pháp này chỉ có 7 điều quy định về quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp và một vài điều về mối quan hệ giữa nhà nước trung ương và nhà nước ở địa phương. Vì lúc bấy giờ đang ngự trị một quan điểm: "Nhà nước tốt nhất là một nhà nước quản lý ít nhất", kinh tế, xã hội đều là những lĩnh vực thuộc về tự do của cá nhân, nhà nước không được quyền can thiệp. Việc can thiệp của nhà nước thông qua các quy định của Hiến pháp vào lĩnh vực này chỉ nhằm mục đích đảm bảo cho các quyền đó của cá nhân con người không bị xâm phạm. Đó chính là những điều bổ sung đầu tiên của Hiến pháp Hoa Kỳ[4]. Những Tu chính án thứ nhất này, được gọi nhân quyền của người Mỹ, là bản phụ văn của Hiến pháp và 7 điều được thông qua năm 1787 được gọi là Hiến pháp chính văn.
Khi dự thảo cũng như khi thảo luận về Hiến pháp, những nhà lập hiến của Hoa Kỳ có quan niệm cho rằng, quyền hành của Chính phủ đi quá xa, nhiều khi xâm phạm đến quyền lợi của cá nhân, vì vậy đòi hỏi phải có sự che chở của pháp luật, trước hết phải là đạo luật có hiệu lực pháp lý tối cao, có như vậy thì mới hạn chế quyền hạn của chính phủ được. Mục đích của sự hạn chế này cũng là để bảo vệ tự do cho các cá nhân.
Hầu hết các Hiến pháp trên thế giới ngày nay đều có phần tuyên ngôn nhân quyền hoặc có quy định các quyền của cá nhân có thể đòi hỏi sự đáp ứng của các viên chức chính phủ. Khi các quyền này được quy định trong Hiến pháp thì trở thành dân quyền. Đây là những quyền thường ghi trong Tuyên ngôn nhân quyền, như: tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do khế ước, quyền tư hữu tài sản, quyền bất khả xâm phạm thân thể và nơi cư trú... Việc Hiến pháp Việt Nam hiện hành chưa quy định cụ thể về nhân quyền cũng là một trong những nội dung cần phải bổ sung bởi một lẽ giản đơn rằng, mỗi một nhà nước hiện hành không chỉ bó hẹp trong các mối quan hệ với các công dân của mình, mà còn có nhiều mối quan hệ với các cá nhân khác, nhất là trong giai đoạn mở cửa hiện nay.
Ở bình diện này, Hiến pháp là bản văn hạn chế quyền lực của nhà nước. Cho đến nay, quan niệm hạn chế quyền lực của Nhà nước vẫn còn tồn tại ở Mỹ[5]. Vấn đề nhận thức về nhà nước thế nào trong xã hội và nhất là của những nhà cầm quyền rất quan trọng có ý nghĩa quyết định cho nội dung cơ bản của Hiến pháp. Như trên đã nêu, ngay từ khi Hiến pháp mới ra đời, các nhà lập hiến của Mỹ đã phải thay đổi lại nhận thức của mình, tức là phải quy định thêm vấn đề nhân quyền trong bản hiến văn của họ như đã nêu ở phần trên. Nhưng nhận thức đó đến nay vẫn cần phải thay đổi. Trong bản Thông điệp đọc trước Quốc hội ngày 27/01/1998 của mình, Tổng thống Bill Clinton lại thông báo cho chúng ta thấy rõ Người Mỹ một lần nữa lại phải thay đổi nhận thức của mình về Nhà nước: "Chúng ta đã qua rồi cuộc tranh cãi vô ích giữa những người nói chính phủ là kẻ thù và những người nói chính phủ là câu trả lời. Thưa đồng bào Mỹ của tôi, chúng ta đã tìm thấy một con đường thứ ba, tức là một chính phủ gọn hơn, nhưng phải là một chính phủ tiến bộ hơn"[6].
Hiện nay, việc hạn chế quyền lực của nhà nước không đi đôi với việc làm cho nhà nước yếu đi. Vấn đề là ở chỗ: đóng yên cương một con ngựa là một việc, còn việc cột chân nó là một việc khác. Kiểm soát công việc của chính quyền là một việc hoàn toàn khác với việc tìm cách làm chúng bị tê liệt. Vì vậy, một bản hiến pháp tốt không nên quá quan tâm đến việc chống lạm quyền. Mà mục tiêu của hiến pháp phải tạo ra một nhà nước với cung cách tổ chức và hoạt động của mình như "một con kênh, mà quyền lực ở trong đó được chảy ra và phát huy được năng lực phụng sự cho nhân dân, hơn là một con đập ngăn cản chúng lại".
Việc tổ chức chính quyền nhà nước hay nói gọn hơn là tổ chức nhà nước là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng xác định nên chế độ chính trị của mỗi một chế độ xã hội. Vì vậy, có thể nói rằng, hiến pháp là bản văn xác định chế độ chính trị. Mỗi một bản hiến pháp phải tìm cho mình một chế độ chính trị phù hợp. Sự phù hợp của nó sẽ là điều kiện cho việc phát triển của xã hội nói chung và của từng con người nói riêng, điều ngược lại sẽ là cơ sở cho việc kìm hãm sự phát triển xã hội. Chính trị cũng như mọi lĩnh vực hoạt động xã hội khác, không thể thiếu trong hoạt động xã hội, nếu như không có ý muốn nói rằng đây là một trong những lĩnh vực quan trọng, mặc dù nó phụ thuộc vào kinh tế cũng như các cơ sở hạ tầng khác, nhưng nó lại có tác dụng ngược trở lại đối với hạ tầng cơ sở. Đây là một luận điểm chính yếu trong học thuyết của chủ nghĩa Mác. Cũng như các lĩnh vực hoạt động khác, một khi hoạt động kinh tế hay hoạt động quản lý kinh tế của nhà nước cần thiết phải quy định thành pháp luật, thành chế độ kinh tế, thì chính trị cũng cần được quy định thành pháp luật. Việc không quy định thành văn một cách rõ ràng lĩnh vực này là cơ sở tạo nên chế độ chuyên chế phong kiến trước đây.
Việc quy định thành văn hình thành nên chế độ dân chủ với hình thức là thể chế cộng hoà của chế độ chính trị tư bản và chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa. Với tư cách là một chế độ chính trị tốt đẹp hơn về nguyên tắc, việc xây dựng chủ nghĩa xã hội vẫn phải cần đến nhà nước. Khi vẫn cần đến nhà nước thì tất vẫn cần đến hiến pháp. Và thể chế chính trị của nó kèm theo không thể là quân chủ mà chỉ có thể là cộng hoà. Trong khi đó, nhà nước của chế độ chính trị tư bản có thể dưới hình thức cộng hoà và có thể là hình thức quân chủ, dưới dạng quân chủ hạn chế, mà hình thức hạn chế được quy định bằng hiến pháp gọi là quân chủ lập hiến, trong đó mô hình quân chủ đại nghị là phổ biến hơn cả.
Câu hỏi cần trả lời là chế độ chính trị gồm những yếu tố nào cấu thành. Chính trị theo tiếng cổ La Mã là "politis", tức là các công việc nhà nước. Vì vậy có thể nói rằng, mọi hoạt động của nhà nước đều là hoạt động chính trị và đều góp phần tạo nên chế độ chính trị. Nhưng chế độ chính trị là một thuật ngữ được khái quát hoá cao phải được quy định trong đạo luật có hiệu lực pháp lý tối cao. Đó là Hiến pháp. Đến đây, cần phải xem xét lại khái niệm về chế độ chính trị của chúng ta trong làng khoa học pháp lý. Trong các giáo trình Lý luận chung về nhà nước và pháp luật, Chế độ chính trị chỉ được định nghiã bằng tổng thể các phương pháp, biện pháp mà giai cấp thống trị dùng để quản lý nhà nước[7]. Đành rằng, phương pháp quản lý là quan trọng nhưng chưa phải là tất cả để tạo nên chế độ chính trị.
Đối với khoa học luật hiến pháp cũng như bản thân luật hiến pháp, chế độ chính trị cần được hiểu ở nghĩa cơ bản khác hơn. Trước hết, chế độ chính trị phải được tạo ở mức độ tham gia của công dân vào các công việc nhà nước. Nếu không được tham gia, chỉ thụ động thực hiện những gì mà nhà nước (nhà vua) quy định, tạo thành chế độ chính trị quân chủ chuyên chế. Việc tổ chức quyền lực nhà nước này không được quy định thành văn. Ngược lại, nếu các thần dân có quyền tham gia vào các công việc nhà nước, thì nguồn gốc nhà nước được xác định xuất phát từ nhân dân, chế độ chính trị phải là dân chủ, tức là cộng hoà, không thể là quân chủ. Và ở đó phải có hiến pháp thành văn. Chế độ chính trị ở giác độ chung nhất thể hiện mức độ tham gia hay không tham gia của quần chúng nhân dân lao động vào các công việc nhà nước, tạo ra hai loại chính thể cơ bản là quân chủ và cộng hoà tương ứng với hai chế độ chính trị là phong kiến và tư bản.
Một vấn đề quan trọng không kém cũng cần phải được quy định trong bất cứ một bản hiến văn nào là địa vị và trách nhiệm cũng như cách thức thành lập các cơ quan nhà nước trung ương. Thứ đến là mối quan hệ qua lại giữa chúng với nhau cho phép chúng ta xác định các loại hình khác nhau của quân chủ và cộng hoà. Hai đặc điểm nêu trên tạo nên chính thể của nhà nước. Chính thể là yếu tố quan trọng tạo nên chế độ chính trị. Vì vậy, đến đây có thể nói rằng, đối tượng điều chỉnh của luật hiến pháp là xác định chính thể của mỗi quốc gia. Chính thể trong một chừng mực nào còn được nhà khoa học gọi tắt là chế độ chính trị. Các thuật ngữ "chế độ chính trị", "chính thể", "thể chế chính trị"... trong nhiều sách của phương Tây nhiều khi không có sự phân biệt[8]. Luật Hiến pháp có trách nhiệm phải tìm ra cho nhà nước mình một chính thể phù hợp với điều kiện hoàn cảnh kinh tế, xã hội của mình. Nếu như là chính thể phù hợp thì cho đất nước phát triển, và ngược lại sẽ là lực cản cho đà phát triển xã hội[9].
Về các cơ quan chính quyền trung ương: dù ít dù nhiều trong mọi hiến pháp của các nước trên thế giới đều có sự phân định chính phủ thành 3 cơ quan chính yếu: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hiến pháp của các nước tư bản đều công nhận và áp dụng học thuyết phân chia quyền lực. Phân chia quyền lực một cách cứng rắn giữa lập pháp và hành pháp tạo ra chính thể Tổng thống Cộng hoà của Mỹ quốc. Việc áp dụng nguyên tắc phân quyền một cách mền dẻo tạo nên chính thể đại nghị mà mô hình của nó là của Nhà nước Anh quốc. Đặc biệt, tính độc lập của tư pháp là rất mạnh. Vì mô hình chính thể chỉ được xác định thông qua mối quan hệ giữa lập pháp và hành pháp. Ngành tư pháp phải được phân định kỹ lưỡng với các ngành “chính trị” (lập pháp và tư pháp) hơn là phân biệt giữa hai ngành sau, để giữ được độc lập và vô tư tối đa cho ngành tư pháp. Một nhà nước dân chủ phải gắn liền với nhà nước pháp quyền, với một ngành tư pháp độc lập. Cho dù ở chính thể cộng hoà tổng thống hay là ở chính thể đại nghị, thì tư pháp ở các nhà nước này đều phải độc lập. Hiến pháp năm 1992 của nước ta đã nhận thức được vấn đề này, nhưng các biện pháp kèm theo là chưa đủ. Đây cũng là một yêu cầu đổi mới bộ máy Nhà nước Việt Nam giai đoạn hiện nay theo tinh thần của nghị quyết Trung ương lần thứ ba về việc hoàn thiện bộ máy nhà nước.
Nếu áp dụng khái niệm phân quyền một cách triệt để thì không một ai trong ba ngành có thể tham gia vào việc thực hiện các chức năng của các ngành quyền kia. Nhưng ngược lại, trên thực tế, bằng phương thức kiềm chế và quân bình hầu hết trong các hiến pháp hiện đại chấp nhận, cho phép hành pháp tham dự vào lập pháp, như quyền phủ quyết của Tổng thống hành pháp đối với các đạo luật do Quốc hội lập pháp đã làm ra; cho phép lập pháp can thiệp vào những nhiệm vụ rõ ràng thuộc hành pháp, như việc bổ nhiệm các chức vụ của hành pháp, hay việc phê chuẩn các hiệp ước bang giao quốc tế mà Chính phủ ký kết với các nước ngoài, cho phép tư pháp tham dự vào quá trình làm luật của Quốc hội như tuyên phán một đạo luật mà Quốc hội đã ban hành vi hiến...
Việc phân định trên không những làm tăng được hiệu năng của mỗi ngành trong việc thực thi những nhiệm vụ được giao phó, mà còn nhằm không để cho cơ quan riêng biệt nào nắm độc quyền và lạm dụng quyền hành trong khi thi hành phận sự. Lối phân chia quyền lực đó bao hàm việc “cản trở và quân bình”, vì mỗi loại quyền nói trên đều có khả năng chặn đứng không cho một loại quyền lực khác được tự do tung hoành. Quyền lập pháp chẳng hạn là quyền được phép ấn định một cách khái quát bản chất của nền hành chính. Còn quyền hành chính lại là quyền ấn định thực chất của các loại luật lệ[10]. Việc quy định có tính chất phân định và quân bình của các ngành quyền lực nêu trên theo quan điểm của nhiều nhà khoa học là thể hiện tính nhân bản của hiến pháp[11]. Trong khoa học pháp lý của chúng ta, việc tổ chức quyền lực nhà nước mới chỉ dừng ở mức độ phân công, phân nhiệm một cách rạch ròi, mà chưa thấy được hoặc chí ít là chưa nhấn mạnh được vấn đề tự kiểm tra lẫn nhau của các cơ quan nhà nước, với mục đích chống lại và hoặc ngăn ngừa kịp thời sự tha hoá của bộ máy nhà nước thông qua các hoạt động cụ thể của con người, mà con người luôn luôn có sự thể hiện đầy đủ các đặc tính con người của họ.
Luật hiến pháp còn được các nhà khoa học luật của Pháp quốc phân tích dưới 2 giác độ. Thứ nhất, mặt nội dung bao gồm tất cả quy định các cơ quan tối thượng của quốc gia, cơ cấu quốc gia. Thứ hai, về phương diện hình thức, hiến pháp là một văn bản luật đặc biệt do cơ quan đặc biệt làm ra, có hiệu lực pháp lý cao hơn các đạo luật thường khác. Luật hiến pháp là những quy tắc quy định sự thiết lập, sự chuyển nhượng và hành xử quyền chính trị (M.Pre'lot: Le Droit Constitutionnel est la science des re'gles juridique suivant lesquelles s'e'tablist, se transment, et s'exerce l'autorite politique)[12].
Nói tóm lại, từ những điều trình bày ở trên, chúng tôi muốn nghiêng về nội dung cơ bản của luật hiến pháp ở nghĩa cổ điển chỉ là bản văn quy định về việc tổ chức quyền lực nhà nước, có mục đích xác định chế độ chính trị mà trong đó chính thể là trọng tâm với thể thức cộng hoà, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
Còn việc bản văn này của nhà nước xã hội chủ nghĩa có cả các quy định về chế độ kinh tế, văn hoá, xã hội, thì đó chẳng qua chỉ là việc quy định những cơ sở của việc tổ chức quyền lực nhà nước mà thôi. Và như vậy, quan điểm đó sẽ góp phần giảm bớt những mâu thuẫn hay là sự không đồng nhất của bản thân khái niệm luật hiến pháp lâu nay của chúng ta./.
* Nghiên cứu Lập pháp, số 7, tháng 10/2000.
[1] Xem, Tuyển tập các văn bản pháp luật về Luật Nhà nước Liên bang Cộng hòa Xô viết.
[2] Xem, Kraptruc (chủ biên), Giáo trình Luật Nhà nước Liên Xô, 1975.
[3] Xem, Koz lop K (chủ biên), Giáo trình luật Hiến pháp Nga, 1996.
[4] Xem, Hiến pháp Mỹ năm 1787, bản Hiến pháp chính văn.
[5] Xem, Bài phát biểu của ông John Bentley- Chuyên gia tư vấn pháp lý của Bộ Tư pháp, ngày 16/9/2000 tại Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.
[6] Xem, Nguyễn Đăng Dung và Nguyễn Trọng Điệp, Muôn mặt đời thường của Nguyên thủ Quốc gia và Thủ tướng các nước trên thế giới, Nxb. Thanh niên, 1999.
[7] Xem, Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và pháp luật, Khoa Luật- Trường Đại học Tổng hợp, H.1993; Giáo trình Lý luận chung về nhà nước và pháp luật, Trường Đại học Luật Hà Nội, 1996.
[8] Xem, Thế giới địa chính trị, Nxb. Khoa học Xã hội, 1992,1993,1994, 1996.
[9] Xem, Nguyễn Đăng Dung, Chính thể của Hiến pháp năm 1946 - Sự sáng tạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong cuốn: Hiến pháp năm 1946 sự kế thừa và phát triển, Nxb. Chính trị Quốc gia, 1998.
[10] Xem The Elements of Political Science by Alf red de Grazia, Copyright 1959 by Metron Princeton, New Jersey, tr. 426.
[11] Xem Khái quát về chính quyền nước Mỹ, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1999.
[12] Xem Vũ Văn Mẫu, Lê Đình Chân, Từ điển kinh tế và luật học, Tủ sách Đại học, Sài Gòn, 1974. Các nhà khoa học của Pháp cũng như các nhà khoa học của chế độ cũ hầu như không có sự phân biệt giữa khoa học và ngành luật.