NGHỊ QUYẾT SỐ 402 NQ/UBTVQH9-ĐCTMT NGÀY 25-4-1997 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI, ĐOÀN CHỦ TỊCH ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC HỘI NGHỊ
LẤY Ý KIẾN CỦA CỬ TRI NƠI CÔNG TÁC VÀ NƠI CƯ TRÚ VỀ NHỮNG NGƯỜI ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
ĐOÀN CHỦ TỊCH ỦY BAN TRUNG ƯƠNG
MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
Căn cứ vào Điều 39 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội số 01/1997/QH9,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến của cử tri nơi công tác và nơi cư trú về những người ứng cử đại biểu Quốc hội (người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) được tiến hành theo quy định tại Nghị quyết này.
Điều 2. Việc lấy ý kiến của cử tri nơi công tác đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội được tổ chức ở nơi người ứng cử công tác thường xuyên và thực hiện như sau:
1. Người ứng cử đại biểu Quốc hội công tác chuyên trách tại các cơ quan Đảng các cấp thì tổ chức lấy ý kiến hội nghị cử tri của văn phòng ở tổ chức đó. Đại diện lãnh đạo của cơ quan Đảng và đại diện Ban Chấp hành Công đoàn văn phòng triệu tập và chủ trì hội nghị.
Đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội công tác tại các Thường trực Đảng ủy xã, phường, thị trấn thì tổ chức lấy ý kiến của Ban Chấp hành Đảng bộ. Đại diện Ban Thường vụ Đảng ủy xã, phường, thị trấn triệu tập và chủ trì hội nghị.
Người ứng cử đại biểu Quốc hội công tác ở các cơ quan chuyên môn của tổ chức Đảng (các ban, trường Đảng, viện nghiên cứu…) thì lấy ý kiến hội nghị cử tri cơ quan của tổ chức đó. Đại diện lãnh đạo của các tổ chức trên và đại diện Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan triệu tập và chủ trì hội nghị.
2. Người ứng cử đại biểu Quốc hội công tác ở các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội thì lấy ý kiến hội nghị cử tri của văn phòng các cơ quan đó. Đại diện Ban lãnh đạo và đại diện Ban Chấp hành Công đoàn văn phòng triệu tập và chủ trì hội nghị.
Người ứng cử đại biểu Quốc hội công tác ở Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, các cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân và các cơ quan nhà nước khác thì lấy ý kiến hội nghị cử tri của cơ quan đó. Đại diện lãnh đạo của cơ quan và đại diện Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan triệu tập và chủ trì hội nghị.
3. Người ứng cử đại biểu Quốc hội công tác tại các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương thì lấy ý kiến hội nghị cử tri cơ quan của tổ chức đó. Đại diện ban lãnh đạo của tổ chức và đại diện Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan triệu tập và chủ trì hội nghị.
Người ứng cử đại biểu Quốc hội công tác tại các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương thì lấy ý kiến hội nghị cử tri của văn phòng và Ban Thường vụ hoặc của Ban Chấp hành của tổ chức đó. Đại diện Ban lãnh đạo của tổ chức và đại diện Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan triệu tập và chủ trì hội nghị.
4. Người ứng cử đại biểu Quốc hội công tác ở các tổ chức xã hội ở Trung ương thì lấy ý kiến của Hội nghị cử tri của văn phòng và Ban Thường vụ hoặc Ban Chấp hành của tổ chức đó. Đại diện ban lãnh đạo của tổ chức và đại diện Ban Chấp hành Công đoàn văn phòng triệu tập và chủ trì hội nghị.
Người ứng cử đại biểu Quốc hội công tác ở các tổ chức xã hội ở địa phương thì lấy ý kiến hội nghị cử tri của văn phòng và Ban Chấp hành của tổ chức đó. Đại diện ban lãnh đạo của tổ chức và đại diện Ban Chấp hành Công đoàn hoặc Tổ Công đoàn văn phòng triệu tập và chủ trì hội nghị.
5. Người ứng cử đại biểu Quốc hội công tác ở các trường học, trạm, trại, viện nghiên cứu, bệnh viện, cơ sở văn hóa, nghệ thuật thì lấy ý kiến hội nghị cử tri nơi làm việc ở đơn vị đó. Đại diện ban lãnh đạo đơn vị và đại diện Ban Chấp hành Công đoàn của tổ chức triệu tập và chủ trì hội nghị.
6. Người ứng cử đại biểu Quốc hội công tác ở các tổ chức kinh tế thì lấy ý kiến hội nghị cử tri của tổ chức kinh tế đó. Đại diện lãnh đạo và đại diện Ban Chấp hành Công đoàn của tổ chức triệu tập và chủ trì hội nghị.
Trong trường hợp nơi công tác của người ứng cử đại biểu Quốc hội chưa có tổ chức Công đoàn thì việc lấy ý kiến của hội nghị cử tri do đại diện lãnh đạo của tổ chức đó triệu tập và chủ trì.
7. Người ứng cử đại biểu Quốc hội công tác ở các đơn vị vũ trang nhân dân thì lấy ý kiến hội nghị cử tri của cơ quan hoặc hội nghị quân nhân của đơn vị đó. Đại diện lãnh đạo, chỉ huy đơn vị triệu tập và chủ trì hội nghị.
Số lượng cử tri tham dự hội nghị lấy ý kiến về người ứng cử đại biểu Quốc hội ở những nơi có dưới một trăm cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể nhưng phải bảo đảm ít nhất là hai phần ba tổng số cử tri tham dự. Nơi nào có từ một trăm cử tri trở lên thì không nhất thiết tổ chức hội nghị toàn thể, nhưng phải bảo đảm ít nhất là bảy mươi cử tri tham dự.
Đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị có tổ chức Công đoàn thì do Ban Chấp hành Công đoàn phân bổ số lượng người, Tổ Công đoàn cử đại diện dự họp. Đối với cơ quan, tổ chức đơn vị không có Công đoàn thì các bộ phận chuyên môn cử người đại diện đến dự.
Người ứng cử đại biểu Quốc hội được mời dự hội nghị cử tri cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi mình công tác hoặc làm việc.
Điều 3
1. Việc lấy ý kiến của hội nghị cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội được tổ chức nơi người ứng cử cư trú thường xuyên tại thôn, xóm, bản, ấp, tổ dân phố và tương đương do đại diện Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn và đại diện Ủy ban nhân dân cùng cấp triệu tập và chủ trì. Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cùng cấp được mời dự hội nghị.
Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị có người ứng cử được mời dự hội nghị này.
2. Số lượng cử tri tham dự hội nghị lấy ý kiến về người ứng cử đại biểu Quốc hội nơi có dưới năm mươi cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể nhưng phải bảo đảm quá nửa số cử tri tham dự. Nơi nào có số cử tri từ năm mươi cử tri trở lên thì không nhất thiết tổ chức hội nghị toàn thể nhưng phải bảo đảm ít nhất là ba mươi cử tri tham dự, thành phần dự hội nghị do Ban Công tác Mặt trận phối hợp với Tổ trưởng Tổ dân phố hoặc Trưởng thôn để cử đại diện đến dự.
Điều 4. Tại hội nghị cử tri nơi công tác và nơi cư trú, các cử tri đối chiếu với tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, có ý kiến bày tỏ tín nhiệm đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội. Việc biểu quyết bằng cách giơ tay hoặc bỏ phiếu kín do hội nghị quyết định.
Trong trường hợp hội nghị quyết định biểu quyết bằng bỏ phiếu kín thì hội nghị cử Ban kiểm phiếu từ 3 đến 5 người. Phiếu tín nhiệm của cử tri nơi công tác (làm việc) thì phải có dấu của Ban Chấp hành Công đoàn hoặc của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó. Phiếu tín nhiệm của cử tri nơi cư trú phải có dấu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc hoặc của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Trên phiếu tín nhiệm ghi rõ tên người ứng cử, nếu có nhiều người ứng cử lấy ý kiến thì ghi tên đầy đủ những người ứng cử. Cử tri gạch tên người ứng cử mà mình không tín nhiệm.
Hội nghị cử tri phải có biên bản ghi rõ tổng số cử tri được triệu tập, số cử tri có mặt, ý kiến phát biểu và sự tín nhiệm của cử tri đối với từng người ứng cử.
Biên bản hội nghị lấy ý kiến của cử tri về những người ứng cử đại biểu Quốc hội được cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương giới thiệu thì gửi đến Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngay sau buổi kết thúc hội nghị. Biên bản của hội nghị lấy ý kiến cử tri về những người ứng cử đại biểu Quốc hội của địa phương thì gửi đến Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngay sau buổi kết thúc hội nghị.
Điều 5. Chương trình hội nghị lấy ý kiến của cử tri đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội được tiến hành như sau:
1. Người chủ trì hội nghị tuyên bố lý do;
2. Giới thiệu thư ký hội nghị và phải được đa số cử tri dự hội nghị tán thành;
3. Báo cáo số cử tri được mời; số người có mặt;
4. Giới thiệu khách được mời dự họp; giới thiệu danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội;
5. Thư ký đọc tiểu sử tóm tắt của từng người được giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội;
6. Đọc Điều 3 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội quy định về tiêu chuẩn đại biểu và Điều 29 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội quy định về người không được ứng cử;
7. Cử tri phát biểu ý kiến đối với từng người ứng cử đại biểu Quốc hội;
8. Người ứng cử đại biểu Quốc hội; đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị có người ứng cử phát biểu ý kiến;
9. Hội nghị biểu quyết;
10. Thông qua biên bản và kết thúc hội nghị.
Điều 6. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày ký.
TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Ủy viên
VŨ MÃO
|
TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH UBTWMTTQ VIỆT NAM
Tổng Thư ký
TRẦN VĂN ĐĂNG
|
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội