VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 4 1996-1997


BÁO CÁO
 KẾT QUẢ CHUYẾN THĂM HỮU NGHỊ CHÍNH THỨC
NƯỚC CỘNG HOÀ DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO
CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VIỆT NAM
 DO CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NÔNG ĐỨC MẠNH DẪN ĐẦU 
(từ ngày 15 đến ngày 19-8-1993)

 

Nhận lời mời của đồng chí Xamản Vinhakệt, Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta do đồng chí Nông Đức Mạnh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu đã thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào từ ngày 15 đến ngày 19 tháng 8 năm 1993.

Cùng đi với Chủ tịch Nông Đức Mạnh có các đồng chí Đặng Quân Thụy, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban quốc phòng và an ninh; Trần Văn Phác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại; Lý Tài Luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế và ngân sách; Tráng A Pao, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai; Nguyễn Như Vỹ, Thường vụ Tỉnh ủy, đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An; Triệu Thị Nái, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang; Phạm Thanh Sơn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Bùi Văn Thanh, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Trong thời gian ở thăm Lào, Đoàn đã đặt vòng hoa tại Đài liệt sĩ vô danh, tưởng niệm những người con của các bộ tộc Lào đã hy sinh xương máu vì độc lập của Tổ quốc Lào; đến chào Chủ tịch Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Khămtày Xiphănđon; Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Nuhắc Phumxavẳn; Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Xuphanuvông; gia đình Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Cayxỏn Phômvihản; hội đàm với Đoàn đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào do đồng chí Xamản Vinhakệt, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào dẫn đầu; thăm hai tỉnh phía Nam Lào là Saravan, Chămpaxắc và một số cơ sở kinh tế, văn hóa ở Thủ đô Viêng Chăn và hai tỉnh nói trên như Thạt Luổng, công trình xây dựng cầu qua sông Mê Công, chùa Vátphu, thác Khônphapheng, nhà máy thủy điện Xêsệt. Đoàn cũng đã gặp gỡ đại diện Hội hữu nghị Lào - Việt Nam, đại diện bà con Việt kiều ở thành phố Viêng Chăn và huyện Pắcxế, tỉnh Chămpaxắc; thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Viêng Chăn và Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Pắcxế, tỉnh Chămpaxắc...

Sau đây là kết quả chủ yếu đạt được và một số kiến nghị của Đoàn qua chuyến thăm vừa qua:

I- MỘT SỐ KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

1. Phát huy thêm những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua về tăng cường quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào, góp phần thực hiện sự thỏa thuận giữa hai Bộ Chính trị tại Hà Nội tháng 3 năm 1993

Năm 1992 và 6 tháng đầu năm 1993, đánh dấu bước phát triển mới, quan trọng trong việc củng cố và tăng cường quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Lào. Các cuộc thăm chính thức và làm việc của các đoàn cấp cao nhất của hai Đảng và hai Nhà nước và đặc biệt là cuộc gặp gỡ giữa hai Bộ Chính trị và những thỏa thuận đã đạt được của cuộc gặp này đã định ra những phương hướng và nội dung chủ yếu về quan hệ giữa hai nước trong giai đoạn cách mạng mới, khi tình hình quốc tế diễn biến phức tạp.

Chuyến thăm Lào lần này của Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã góp phần tiếp tục thực hiện các thỏa thuận đạt được qua các cuộc đi thăm nói trên và qua cuộc làm việc giữa hai Bộ Chính trị vừa qua.

2. Thông qua hội đàm và các hoạt động khác, ta và bạn đã tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau về tình hình của mỗi nước

a) Bạn đã thông báo với ta về tình hình trong nước và quan hệ đối ngoại của bạn, cụ thể:

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ V của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, trong thời gian qua, nhân dân các bộ tộc Lào đã khắc phục khó khăn, đạt được những thành tựu có ý nghĩa quan trọng: kinh tế có bước phát triển nhất là nông nghiệp và lâm nghiệp, trong đó tập trung đẩy mạnh trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng và bảo vệ rừng; bước đầu phát triển công nghiệp chế biến, chủ yếu là lâm sản. Về hợp tác đầu tư, chú trọng thu hút vốn vào những dự án lớn, quan trọng như thủy điện, khai thác lâm sản, khoáng sản và các cơ sở du lịch; quan tâm đến chiến lược phát triển giao thông kể cả đường hàng không, đường sông và đường bộ; chú trọng công tác giáo dục, đào tạo, phát triển y tế và các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, khó khăn gay gắt là thiếu vốn, thiếu cán bộ được đào tạo cơ bản, trình độ dân trí nhìn chung còn thấp, các tiềm năng và thế mạnh của đất nước, nhất là rừng chưa có điều kiện để khai thác một cách có hiệu quả...

Cùng với những thành tựu về kinh tế, thời gian qua, bạn giữ được ổn định về chính trị, bảo đảm quốc phòng và an ninh; từng bước đổi mới và củng cố tổ chức bộ máy của Đảng và Nhà nước; tập trung làm trong sạch nội bộ; thành lập Uỷ ban đặc nhiệm chống tham nhũng; tăng cường quốc phòng, an ninh, chủ yếu là vùng biên giới với Thái Lan là nơi còn nhiều vấn đề phức tạp.

Thắng lợi có ý nghĩa chính trị quan trọng trong thời gian qua là bạn đã bầu Quốc hội khóa III và Quốc hội đã thông qua được bản Hiến pháp - đạo luật cơ bản của đất nước.

Về quan hệ đối ngoại, bạn khẳng định sự nhất trí cao với nhận định và đánh giá của hai Bộ Chính trị về tình hình quốc tế và khu vực mà hai bên đều quan tâm; khẳng định chính sách đối ngoại của Lào là đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Đồng thời, thông báo và tỏ rõ quan điểm về quan hệ đối với một số nước trong khu vực, đó là:

- Với một số nước ASEAN: Đã cử một số đoàn thăm các nước Xingapo, Malaixia, Thái Lan... Các nước này hứa sẽ giúp đỡ về một số lĩnh vực nhất là viện trợ và đào tạo cán bộ. Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là lời hứa và cần thận trọng trong quan hệ với các nước này.

+ Với Campuchia: Khẳng định sự ủng hộ đối với việc thi hành Hiệp định Pari về Campuchia; vừa qua đã đón hai đồng Chủ tịch Chính phủ lâm thời Campuchia là Hun Xen và Ranarít thăm Lào. Mục đích của chuyến thăm này là tranh thủ sự ủng hộ của Lào về chính trị (trong khi gặp gỡ với phía Lào, Ranarít luôn luôn nói: "Quan hệ giữa Campuchia và Lào là quan hệ đặc biệt vĩ đại"); học tập kinh nghiệm của Lào về tài chính nhất là giữ ổn định đồng Kíp nhưng thực chất bên trong là thăm dò thái độ của Lào đối với các nước láng giềng và muốn chia rẽ Lào với Việt Nam.

+ Với Thái Lan:... [Một mặt vẫn] tranh thủ sự giúp đỡ của Thái Lan về kinh tế (các dự án đầu tư hợp tác xây dựng cầu, thủy điện, khách sạn du lịch...)... [nhưng mặt khác luôn luôn cảnh giác đối với chính sách hai mặt của Thái Lan mà ở Lào đã có câu "Nghe lời người Thái thì cháy nhà"].

+ Đối với Trung Quốc: Vừa qua Trung Quốc có cử một số đoàn sang thăm Lào nhằm đáp lại các chuyến thăm Trung Quốc trước đây của các đồng chí lãnh đạo Lào. Hợp tác kinh tế giữa Lào và Trung Quốc hiện nay, chủ yếu là trên lĩnh vực khai thác gỗ.

b) Ta đã thông báo với bạn về kết quả đạt được trong việc thực hiện đường lối đổi mới trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hoạt động của Quốc hội và những kinh nghiệm ban đầu được rút ra từ thực tiễn; về chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Đồng thời, khẳng định sự đúng đắn của đường lối đổi mới mà Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng, lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đã và đang thực hiện một cách có hiệu quả.

c) Ta và bạn đều đánh giá cao những thành tựu đã đạt được của mỗi nước trong thời gian qua, coi những thành tựu đó như của chính mình và là nguồn cổ vũ chung đối với nhân dân hai nước Việt - Lào.

3. Qua hội đàm và trao đổi cũng như đi thăm các cơ sở, cùng với sự hiểu biết thêm nhau, sự tin cậy lẫn nhau được tăng cường, góp phần củng cố tình hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước

Hai bên cùng khẳng định trước sau như một tinh thần đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayxỏn Phômvihẳn đặt nền móng; coi đây là xuất phát từ quy luật khách quan được đúc kết qua thực tiễn giành độc lập, xây dựng và phát triển của hai nước. Trong cuộc hội đàm và ở những nơi Đoàn đến, các đồng chí lãnh đạo của bạn từ Trung ương đến cơ sở đều xúc động nhắc lại nhiều lần truyền thống đoàn kết, gắn bó keo sơn đã có từ lâu đời và tình cảm tốt đẹp dành cho nhau giữa hai Đảng và nhân dân hai nước. Trong các cuộc gặp gỡ, các đồng chí Khămtày Xiphănđon, Nuhắc Phumxavẳn, Xamản Vinhakệt đều cảm động, tỏ lòng kính trọng Bác Hồ và nhắc lại những kỷ niệm tốt đẹp mà Bác Hồ đã dành cho Đảng và nhân dân các bộ tộc Lào. Trong hội đàm, đồng chí Xamản Vinhakệt đã nhắc lại nhiều lần lời của đồng chí Cayxỏn Phômvihản: "Việt Nam giàu thì Lào mới giàu, Lào giàu thì Việt Nam cũng giàu" và câu nói của đồng chí Khămtày Xiphănđon: "Quan hệ với Việt Nam là quan hệ chiến lược, Việt Nam là người bạn láng giềng gần gũi, thân thiết và đáng tin cậy nhất. Có quan hệ với Việt Nam, chúng ta mới có đủ điều kiện để xây dựng và bảo vệ đất nước".

Xuất phát từ tình cảm đối với Việt Nam, bạn đã đón tiếp Đoàn rất trọng thị mà gần gũi, thân tình như người nhà ở tất cả những nơi Đoàn đến.

4. Cuộc đi thăm (theo như bạn đánh giá) đã đánh dấu một mốc mới trong việc tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Quốc hội hai nước Việt Nam và Lào

a) Bạn đã thông báo với ta về tình hình Quốc hội của bạn: mới bầu, đã họp và thông qua Hiến pháp; hiện nay, đang củng cố về tổ chức và đi vào hoạt động; dự định đến tháng 9 năm 1993 Quốc hội sẽ họp để đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội và thông qua ngân sách năm 1994; sửa đổi một số luật cho phù hợp với thực tế như Luật đầu tư, Luật lao động, Luật về thành lập Chính phủ, Tòa án và Kiểm sát. Về đối ngoại, sẽ tích cực góp phần vào hoạt động chung của Liên minh Quốc hội thế giới, tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của Quốc hội các nước; gia nhập Liên minh Quốc hội châu Á  - Thái Bình Dương.

Bạn đặc biệt coi trọng quan hệ hợp tác giữa Quốc hội hai nước Lào và Việt Nam và cho rằng việc thông qua Hiến pháp vừa qua không tách rời sự giúp đỡ của Việt Nam, cảm ơn sự giúp đỡ quý báu đó và mong muốn trong thời gian tới sẽ có nhiều hình thức thích hợp, có hiệu quả và tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Quốc hội hai nước Việt Nam và Lào.

b) Ta đã thông báo với bạn về những đổi mới bước đầu trong hoạt động của Quốc hội nước ta, nhất là Quốc hội khóa VIII và các kỳ họp mở đầu của Quốc hội khóa IX; những đóng góp có hiệu quả của Quốc hội đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhằm thực hiện đường lối đổi mới mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra. Ta cũng đã trao đổi với bạn về một số kinh nghiệm bước đầu được rút ra từ thực tiễn hoạt động của Quốc hội trong thời gian qua.

c) Ta và bạn đã thỏa thuận sẽ tăng cường hơn nữa sự hợp tác về mọi mặt của Quốc hội hai nước với nhiều hình thức thích hợp và có hiệu quả trong thời gian tới; coi đây là biểu hiện sinh động của quan hệ hữu nghị đặc biệt trong lĩnh vực hoạt động của Quốc hội.

Tóm lại, chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào của Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta đã thành công tốt đẹp, đáp ứng yêu cầu và mục đích đã đề ra từ đầu.

Mặc dù thời gian ngắn nhưng hoạt động của Đoàn rất phong phú: hội đàm, thăm các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước của bạn, xuống tận cơ sở cách xa gần 1.000km để tìm hiểu tình hình phát triển mọi mặt của hai tỉnh Saravan và Chămpaxắc.

Bạn hoan nghênh, đánh giá cao chuyến đi thăm và các hoạt động của Đoàn trong thời gian ở Lào và cho rằng, cuộc đi thăm đã đánh dấu bước quan trọng trong quan hệ hợp tác của Quốc hội hai nước; mong muốn sẽ được đón các đoàn khác của Quốc hội Việt Nam trong thời gian tới.

Cũng qua chuyến thăm này, ta hiểu được thêm khó khăn của bạn; hiểu được quan điểm và hướng đi của bạn, nhất là tư tưởng và quan điểm của các đồng chí lãnh đạo, từ đó tin cậy hơn ở nhau, tăng cường đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau để xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

II- MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

Qua chuyến thăm Lào lần này, Đoàn xin có một số kiến nghị chủ yếu sau đây:

1. Bộ Chính trị, Ban Bí thư có biện pháp triển khai thực hiện có hiệu quả thỏa thuận giữa hai Bộ Chính trị về quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Lào để đáp lại lòng mong muốn và những việc làm cụ thể của bạn.

Đẩy mạnh việc giáo dục sâu rộng trong nhân dân, trong các ngành, các cấp về tầm quan trọng của việc vun đắp và tăng cường mối quan hệ hữu nghị đoàn kết đặc biệt này đối với nước ta cũng như với nước Lào.

Về vấn đề này, bạn đã và đang triển khai rất tích cực: tổ chức họp các cơ quan hữu quan do đồng chí Khămtày Xiphănđon chủ trì để phổ biến nội dung thoả thuận giữa hai Bộ Chính trị; giao cho một đồng chí Phó Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện; in tài liệu và phổ biến, quán triệt đến tận cơ sở...

2. Đề nghị Chính phủ trên cơ sở những thoả thuận giữa hai Bộ Chính trị, có kế hoạch giao cho các ngành, các địa phương rà soát lại những hợp đồng trước đây với bạn để có biện pháp khắc phục những chỗ làm ăn kém hiệu quả; tập trung giúp đỡ một số công trình thiết thực về kinh tế - xã hội cho bạn; tăng cường quan hệ giúp đỡ bạn trong hợp tác về kinh tế, đào tạo cán bộ và trao đổi kinh nghiệm...

3. Ủy ban thường vụ Quốc hội có chủ trương, biện pháp và chỉ đạo các Hội đồng, Uỷ ban của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội nghiên cứu, có kế hoạch cụ thể trong việc hợp tác với bạn về lĩnh vực xây dựng pháp luật, kinh tế, ngân sách và các vấn đề khác nhằm triển khai có hiệu quả các thỏa thuận đã đạt được giữa ta và bạn trong chuyến đi thăm vừa qua, nhất là giúp bồi dưỡng và đào tạo cán bộ làm công tác Quốc hội; thông tin, trao đổi tài liệu và kinh nghiệm...

Trước mắt, xúc tiến việc chuẩn bị đón tiếp Đoàn đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào do đồng chí Xamản Vinhakệt, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào dẫn đầu sang thăm nước ta theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh và đồng chí Xamản Vinhakệt đã nhận lời. Thời gian đến thăm, bạn sẽ thông báo cho ta qua đường ngoại giao.

4. Qua gặp gỡ tiếp xúc với bà con Việt kiều của ta tại Lào, nhìn chung cuộc sống của bà con ở đây tương đối ổn định; chính quyền bạn từ Trung ương đến cơ sở đều rất quan tâm, tạo điều kiện để bà con làm ăn, sinh sống. Tuy nhiên, do điều kiện cụ thể của nước Lào, bà con Việt kiều nhìn chung là nghèo so với các nước khác. Theo nguyện vọng của bà con kiến nghị với Đoàn, đề nghị Chính phủ quan tâm bàn với bạn để Hiệp định kiều dân mà ta và bạn đã ký tháng 4 năm 1993 được bảo đảm thực hiện trên thực tế.

Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào cần đổi mới phương thức hoạt động, củng cố các chi hội để trên cơ sở đó góp phần đắc lực vào việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về quan hệ Việt - Lào; thường xuyên liên hệ và khi cần thiết tổ chức gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với Hội Hữu nghị Lào - Việt Nam.

 

Hà Nội, ngày 20 tháng 8 năm 1993

TM. ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VIỆT NAM THĂM LÀO KT. Trưởng đoàn
Phó Trưởng đoàn

ĐẶNG QUÂN THỤY

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội