VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 4 1996-1997


BÁO CÁO
 VỀ HỘI NGHỊ LẦN THỨ 14 CỦA AIPO
CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VIỆT NAM
 THAM DỰ HỘI NGHỊ

 

A. TỔ CHỨC VÀ NỘI DUNG CỦA HỘI NGHỊ

Hội nghị Đại hội đồng lần thứ 14 của Tổ chức Liên nghị viện Đông Nam Á (AIPO) họp ở Cuala Lămpơ, Thủ đô Malaixia từ 20 đến 25-9-1993.

Nhận lời mời của ngài Muhamét Dahit, Chủ tịch Hạ nghị viện Malaixia đồng thời là Chủ tịch AIPO, Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta do đồng chí Đặng Quân Thụy, Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu đã tham dự Hội nghị với tư cách quan sát viên: tham gia Đoàn còn có đồng chí Trần Văn Phác, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội và đồng chí Trần Xuân Anh, Vụ trưởng Vụ Đối ngoại, Văn phòng Quốc hội.

- Hội nghị có khoảng 150 nghị sĩ, gồm năm đoàn chính thức của Nghị viện năm nước ASEAN: Malaixia, Xingapo, Inđônêxia, Thái Lan và Philíppin, Brunây là thành viên của ASEAN nhưng theo chế độ quân chủ, không có Quốc hội, là quan sát viên đặc biệt. Ngoài ra có 9 đoàn quan sát viên khác Việt Nam, Lào, Nga, Canađa, Nhật Bản, Trung Quốc, Nam Triều Tiên, Ôxtrâylia, Niu Dilân... Mỹ và Papua Niu Ghinê cũng được mời nhưng không đến dự.

Hội nghị lần này họp trong bối cảnh khu vực Đông Nam Á có chuyển biến mới, xu thế đối thoại, hợp tác khu vực đang tiến triển.

Tình hình các nước ASEAN nhìn chung ổn định hơn, phía ASEAN với Việt Nam - Lào được cải thiện rõ.

Hội nghị lần thứ 14 của AIPO đề cập nhiều vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội chung trên thế giới và khu vực. Nhưng trọng tâm tập trung mấy vấn đề:

- Củng cố hòa bình, an ninh ở Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương.

- Tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước ASEAN.

- Quan điểm của ASEAN về nhân quyền.

Nhìn chung các đoàn AIPO đều có quan điểm tương tự về những vấn đề trên.

1. Về vấn đề hòa bình và an ninh

AIPO hoan nghênh Hiệp ước hòa bình giữa PLO - Ixraen, việc thành lập Quốc hội mới ở Campuchia, bày tỏ hy vọng vấn đề xung đột ở Bôxnia Hécxêgôvina giải quyết bằng hòa bình, quá trình cải cách ở Nam Phi được tiếp tục...

Bày tỏ mong muốn có những biện pháp nhằm duy trì và củng cố hòa bình, an ninh và hợp tác lâu dài ở châu Á - Thái Bình Dương. Cần thiết tranh thủ Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam và các nước khác trong quá trình xây dựng hòa bình, an ninh và hợp tác ở châu Á - Thái Bình Dương.

Về biển Đông, Hội nghị kêu gọi các nước ủng hộ Tuyên bố Manila tháng 7-1992 của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN, cam kết giải quyết tranh chấp bằng hòa bình thương lượng, đề nghị thiết lập cơ chế hợp tác khai thác vùng Trường Sa.

2. Hợp tác kinh tế khu vực Đông Nam Á

Các đoàn AIPO đều khẳng định những tiến bộ đã đạt được trong việc hợp tác kinh tế của ASEAN. Trong bối cảnh hợp tác và cạnh tranh gay gắt về kinh tế hiện nay trên thế giới, cần thiết phải có những biện pháp thúc đẩy nhanh quá trình hợp tác, tiến tới nhất thể hóa kinh tế ASEAN, thành lập khu mậu dịch tự do vào năm 2010. Trước mắt cần giảm dần thuế quan giữa các nước và thiết lập các tam giác phát triển kinh tế ở ASEAN, bảo đảm an ninh, môi trường vùng eo biển Malaca.

ASEAN mong muốn Việt Nam - Lào sớm tham gia ASEAN và tiếp sau là Campuchia và Mianma.

AIPO cần thúc đẩy hợp tác giữa các nghị viện các nước về lập pháp giúp cho quá trình nhất thể hóa trên thuận lợi.

3. Về vấn đề nhân quyền

AIPO ủng hộ Tuyên bố về nhân quyền của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tháng 7-1993, hoan nghênh Tuyên bố về nhân quyền của Hội nghị Viên tháng 6-1993; thừa nhận tầm quan trọng và giá trị chung về nhân quyền, song cần lưu ý đến đặc điểm dân tộc, lịch sử của từng nước; phản đối chính trị hóa vấn đề nhân quyền, can thiệp nội bộ các nước.

Phát biểu của các đoàn quan sát viên đều bày tỏ nguyện vọng tăng cường hợp tác với ASEAN và AIPO. Đoàn Trung Quốc thanh minh là "Trung Quốc không theo đuổi bá quyền và gây ảnh hưởng".

Canađa lưu ý cần giải quyết vấn đề tồn tại ở biển Đông bằng hòa bình. Canađa không nghiêng về nước nào cả. Ôxtrâylia nhấn mạnh việc hợp tác kinh tế với Đông Nam Á. Đoàn đại biểu Xô viết Nga không phát biểu ở Hội nghị và về sớm vì sự kiện ở Nga.

B. HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN TA

Ngoài việc tham gia các buổi họp chung của Đại hội đồng, Đoàn ta đã được mời phát biểu tại lễ khai mạc và bế mạc của AIPO.

Đoàn ta đã thông báo cho Hội nghị về những thành tựu đã đạt được của sự nghiệp đổi mới, khẳng định mong muốn của Việt Nam củng cố tình hữu nghị và hợp tác với ASEAN trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi.

Tại cuộc đối thoại với Việt Nam có chín nghị sĩ của nước ASEAN đến dự. Các nghị sĩ ASEAN hoan nghênh sự nghiệp đổi mới của Việt Nam, mong muốn Việt Nam sớm gia nhập ASEAN và AIPO. Họ nêu lên một số vấn đề hỏi Đoàn ta và mong ta xem xét:

- Inđônêxia, Thái Lan đề nghị Nhà nước Việt Nam sớm đưa những người di tản trong trại tị nạn về nước. Trong tuyên bố của Hội nghị cũng nêu lại vấn đề này và kêu gọi sự giúp đỡ của quốc tế.

- Philíppin hỏi quan điểm của ta về việc năm nước (Philíppin, Đài Loan, Trung Quốc, Việt Nam, Malaixia) hợp tác khai thác vùng Trường Sa, và quan điểm của ta về hòa bình và an ninh khu vực.

- Xingapo hỏi về đường lối kinh tế thị trường ở Việt Nam, sự hợp tác giữa Việt Nam với ASEAN có lâu dài không?

Đoàn ta đã trả lời cụ thể những vấn đề trên, được bạn hoan nghênh.

Trong thời gian Hội nghị, Đoàn ta cũng đã có những cuộc tiếp xúc với các đoàn của AIPO và các đoàn quan sát viên khác; một số nghị sĩ các nước tỏ thái độ thiện cảm với Việt Nam, mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam.

Đồng chí Trần Văn Phác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại và đồng chí Trần Xuân Anh, Vụ trưởng Vụ đối ngoại, Văn phòng Quốc hội đã làm việc với sứ quán về nội dung dự thảo Pháp lệnh về quy chế hoạt động của cơ quan đại diện nước ta ở nước ngoài.

C. MỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ HỘI NGHỊ, HOẠT ĐỘNG
 CỦA ĐOÀN TA VÀ KIẾN NGHỊ

Hội nghị AIPO lần này thể hiện khá rõ nét xu hướng muốn tăng cường các hoạt động của AIPO nhằm thúc đẩy quá trình hợp tác kinh tế của ASEAN, tìm kiếm những hợp tác an ninh chung cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh quan hệ giữa nhiều nước được cải thiện. Nước chủ nhà Malaixia đạt được thành tựu lớn về xây dựng kinh tế, Hội nghị được tổ chức chu đáo cũng gây ấn tượng tốt đối với các đại biểu, không khí giữa các đoàn chính thức của AIPO với nhau, cũng như giữa họ với các đoàn quan sát viên tỏ ra cởi mở, hiểu biết lẫn nhau.

Bề ngoài, Hội nghị tỏ ra hòa dịu, thân mật, tuy vậy bên trong cũng có vấn đề phức tạp tiềm tàng như sự cạnh tranh kinh tế trong nội bộ ASEAN, giữa ASEAN với các nước và khu vực khác, vấn đề hòa bình và an ninh khu vực, vấn đề biển Đông và vai trò của Trung Quốc ở vùng này sẽ diễn biến ra sao vẫn là những câu hỏi lớn mà nhiều đại biểu quan tâm.

Việc có mặt của Đoàn ta tại Hội nghị AIPO được bạn bè rất hoan nghênh. Đoàn đã có dịp giao tiếp rộng để thông báo cho bạn bè hiểu rõ hơn tình hình Việt Nam, đặc biệt về chính sách đối ngoại. Nước chủ nhà, các đoàn Inđônêxia, Xingapo, Ôxtrâylia, Canađa, Lào chủ động đến chào mừng Đoàn ta, hoan nghênh sự nghiệp đổi mới và mong muốn tăng cường hợp tác kinh tế. Nhiều đại biểu tỏ ra có thiện cảm với ta.

Qua Hội nghị, Đoàn ta cũng tìm hiểu rõ thêm hoạt động của AIPO và một số nước ASEAN.

Kiến nghị:

1. Đảng và Nhà nước ta cần nghiên cứu và có chủ trương cụ thể về việc nước ta có thể gia nhập ASEAN, tranh thủ những điều kiện đang phát triển thuận lợi hiện nay.

2. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ và các ngành nghiên cứu xử lý vấn đề người di tản ở trại tị nạn ở các nước ASEAN.

Nghiên cứu đề nghị của ASEAN về biển Đông và Trường Sa để Nhà nước ta có chủ  trương thích hợp.

3. Quốc hội, nhất là các Ủy ban của Quốc hội nên có các cuộc tiếp xúc, nắm các thông tin có ích kịp thời để rút được những kinh nghiệm của các nước ASEAN và tạo điều kiện cho sự hợp tác trên các mặt cần thiết.

 

Hà Nội, ngày 29 tháng 9 năm 1993

TM. ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
DỰ HỘI NGHỊ AIPO
 Trưởng đoàn

ĐẶNG QUÂN THỤY

 

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội