VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 4 1996-1997


BÁO CÁO
 KẾT QUẢ CHUYẾN ĐI THĂM
 CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VIỆT NAM
TẠI TÂY - BẮC ÂU

Nhận lời mời của Chủ tịch Nghị viện Cộng hòa Phần Lan, Vương quốc Thụy Điển, Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Pháp và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen, Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta do Chủ tịch Nông Đức Mạnh dẫn đầu đã đi thăm hữu nghị chính thức năm nước nói trên từ ngày 09 đến 30-10-1993.

Đây là lần đầu tiên Đoàn lãnh đạo cấp cao của Quốc hội ta chính thức đi thăm các nước Tây - Bắc Âu trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam và các nước Tây - Bắc Âu được cải thiện rõ rệt, tuy rằng ở các nước này đang phải đối phó với nhiều vấn đề khó khăn, song đều quan tâm đến việc tăng cường quan hệ giữa bạn với Việt Nam nói riêng và với khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung.

Mục đích chuyến thăm của Đoàn là thay mặt nhân dân ta cám ơn nhân dân và Quốc hội các nước Tây - Bắc Âu, đã tỏ tình hữu nghị đối với Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, giới thiệu đường lối chính sách và thành tựu toàn diện nước ta, nhấn mạnh sự đổi mới của Quốc hội, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước Tây - Bắc Âu về nhiều mặt, trong đó có các quan hệ về nghị viện.

Đoàn đã được Quốc hội và Chính phủ các nước trên đón tiếp trọng thị, chu đáo và nồng nhiệt, tạo điều kiện tiếp xúc và làm việc rộng rãi với các đảng phái trong các nhóm nghị sĩ của Quốc hội.

I- NHỮNG NỘI DUNG CHÍNH TRONG HOẠT ĐỘNG
CỦA ĐOÀN TẠI CÁC NƯỚC ĐẾN THĂM

Đối với tất cả các nước đến thăm, Đoàn đã thông báo cụ thể về đường lối đổi mới toàn diện của nước ta, những thành tựu đã đạt được, những vấn đề tồn tại và phương hướng phát triển lâu dài của Việt Nam. Nhấn mạnh đường lối đối ngoại rộng mở của ta là muốn làm bạn với tất cả các nước, trong đó coi trọng việc củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước Tây - Bắc Âu vì lợi ích của đôi bên và cũng vì hòa bình, an ninh và hợp tác quốc tế. Ta đánh giá cao sự giúp đỡ có hiệu quả của bạn (nhất là với Thụy Điển, Phần Lan, Pháp) về viện trợ phát triển và giúp khai thông quan hệ với các tổ chức tiền tệ quốc tế, đòi hỏi Mỹ sớm bỏ cấm vận đối với Việt Nam...

Ngoài việc giới thiệu những thành tựu bước đầu quan trọng đổi mới về kinh tế, Đoàn đã nhấn mạnh các bước đi và hiệu quả của quá trình đổi mới chính trị trong đó có việc thông qua Hiến pháp năm 1992, đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân và vì dân, bảo đảm các quyền của con người phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của nước ta.

Sau đây là một số nội dung cụ thể ở từng nước:

1. Phần Lan

Bạn hoan nghênh những thành tựu đổi mới của Việt Nam, khẳng định đường lối đổi mới toàn diện là nền móng để Việt Nam nhanh chóng phát triển nền kinh tế của đất nước. Phần Lan coi Việt Nam là một đối tác quan trọng ở châu Á. Các nhà doanh nghiệp Phần Lan rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Hiện nay Phần Lan đang có khó khăn về kinh tế, tài chính, nhưng Phần Lan sẽ tiếp tục giúp đỡ và hợp tác với Việt Nam nhiều hơn nữa. Việt Nam và Phần Lan có nhiều điểm tương đồng về lịch sử và đã có truyền thống đoàn kết hữu nghị. Vì vậy Chính phủ, Quốc hội Phần Lan sẽ tạo điều kiện để các công ty của Phần Lan thực hiện có hiệu quả các dự án đã ký kết. Các vị lãnh đạo Quốc hội, các nhóm nghị sĩ tỏ lòng mong muốn tăng cường hợp tác giữa Quốc hội hai nước. Phần Lan là một trong 10 nước giàu trên thế giới; nổi tiếng về các ngành công nghiệp về rừng, 80% xuất khẩu là sản phẩm liên quan đến công nghiệp rừng. Phần Lan mong muốn hợp tác với ta về lĩnh vực này.

2. Thụy Điển

Các vị lãnh đạo Quốc hội, đại diện Chính phủ và các cơ quan, cơ sở của Thụy Điển đều hoan nghênh chuyến thăm đầu tiên của Đoàn Quốc hội Việt Nam và coi đây là mốc quan trọng trong quan hệ giữa Thụy Điển - Việt Nam. Phía Thụy Điển đánh giá cao những thành tựu đổi mới của Việt Nam, tỏ lòng khâm phục Việt Nam đã vượt qua khó khăn, thử thách để vươn lên và cho rằng sự nghiệp đổi mới của Việt Nam là phù hợp với xu thế của thời đại, mở triển vọng tốt đẹp cho Việt Nam, đồng thời tạo cơ sở vững chắc cho sự hợp tác Việt Nam - Thụy Điển ngày càng phong phú và hiệu quả. Thụy Điển vui mừng thấy các công trình viện trợ của Thụy Điển ở Việt Nam đang phát huy hiệu quả. Bạn nói Việt Nam không nên nói đến việc cám ơn Thụy Điển mà coi đó là sự giúp đỡ bình đẳng cùng có lợi, nhất là trong thời gian hiện nay càng có ý nghĩa quan trọng. Mặc dù đang gặp khó khăn về kinh tế, tài chính, Thụy Điển vẫn coi Việt Nam là thị trường lớn và tiếp tục giúp đỡ Việt Nam trong khả năng của mình. Chính phủ Thụy Điển mong muốn Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện cho các công ty của Thụy Điển vào làm ăn với Việt Nam được quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi. Bạn cũng đã giới thiệu cho Đoàn ta một số hoạt động của các Uỷ ban của Quốc hội, hoạt động của Hội đồng thành phố Xtốckhôm. Bạn cho rằng, Thụy Điển đã trải qua nhiều thế kỷ của chế độ nghị viện, có một số kinh nghiệm tốt, song cũng còn nhiều vấn đề tồn tại phải tiếp tục nghiên cứu giải quyết.

3. Cộng hòa Liên bang Đức

Các nhà lãnh đạo Quốc hội, đại diện các đảng trong Quốc hội, Chính phủ... đều đánh giá cao thành tựu đổi mới của Việt Nam; khẳng định tiếp tục ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam trong quá trình đổi mới và phát triển đất nước. Mặc dù hiện nay Đức đang có khó khăn về kinh tế, chủ trương giảm mức viện trợ cho các nước, nhưng vẫn tiếp tục tăng viện trợ cho Việt Nam. Bạn đề nghị Quốc hội, Chính phủ hai nước phối hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư của Cộng hòa Liên bang Đức vào Việt Nam, thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả các dự án viện trợ và hợp tác kỹ thuật. Ngoài việc hợp tác ở cấp Liên bang, Đức cũng mong muốn xúc tiến hợp tác giữa các bang ở Đức với Việt Nam, trong đó kể cả các bang ở Đông Đức cũ. Chủ tịch Nông Đức Mạnh đã được mời tới dự lễ khai mạc và đọc diễn văn tại "Hội thảo về đầu tư và thương mại ở Việt Nam" tại thành phố Xtútgát, có trên 50 nhà doanh nghiệp của Đức dự.

Cộng hòa Liên bang Đức cho rằng, hàng vạn người Việt Nam đã được đào tạo ở Đức và biết tiếng Đức là chiếc cầu nối cho mối quan hệ hợp tác giữa hai nước. Phía Đức nhắc lại Việt Nam sớm giải quyết việc đền bù tài sản cơ sở lò mổ ở Thành phố Hồ Chí Minh của Hãng Hoecht và trả khoản nợ 9,3 triệu DM xây dựng Nhà máy cọc sợi Hà Nội của Hãng Klocnơ để tạo cơ sở cho việc mở rộng hợp tác, đầu tư nhiều hơn nữa. Phía Đức có đề cập vấn đề nhân quyền, muốn Việt Nam quan tâm hơn đến vấn đề này, mặt khác Đức cũng lấy làm tiếc về bọn cực hữu ở Đức đã gây ra một số vụ việc xấu, khủng bố người nước ngoài, trong đó có cả nạn nhân là người Việt Nam.

4. Cộng hòa Pháp

Trong làm việc, các nhà lãnh đạo Quốc hội, thượng viện, chính quyền, các nhóm nghị sĩ Pháp đều đánh giá cao đường lối đổi mới, chính sách đối nội, đối ngoại và những bước phát triển về kinh tế, chính trị của Việt Nam, coi đó là "tấm gương". Pháp cho rằng, Việt Nam có vai trò quan trọng ở châu Á, Pháp cũng muốn qua Việt Nam để phát huy vai trò của mình ở khu vực này về chính trị và kinh tế. Pháp vui mừng vì đã góp phần giúp đỡ Việt Nam trong thời gian qua và sẽ tiếp tục giúp đỡ và hợp tác với Việt Nam nhiều hơn. Phía Pháp coi trọng chuyến thăm của Đoàn ta và cho rằng sẽ mở ra một bước mới trong quan hệ giữa Quốc hội hai nước.

Chủ tịch Quốc hội Pháp khẳng định, Pháp luôn ở bên cạnh Việt Nam sẵn sàng làm bất cứ việc gì có thể làm được để giúp đỡ Việt Nam phát triển; tạo điều kiện để xây dựng Nhà văn hóa Việt Nam ở Pari, Chủ tịch Thượng viện nói trong chính sách đối ngoại của mình, Pháp sẽ dành cho Việt Nam vị trí ưu tiên.

Pháp lưu ý ta tạo điều kiện để các chương trình hợp tác, đầu tư được thực hiện có hiệu quả, hoan nghênh ta đăng cai Hội nghị cấp cao các nước sử dụng tiếng Pháp vào năm 1997, sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam trong việc chuẩn bị cho Hội nghị này cũng như triển khai các chương trình dạy tiếng Pháp ở Việt Nam. Pháp cho rằng ngoài việc tăng cường hợp tác về kinh tế, thương mại, kỹ thuật, Pháp rất quan tâm đến việc tăng cường các quan hệ vốn có về văn hóa giữa Việt Nam và Pháp.

5. Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen

Các nhà lãnh đạo Nghị viện, các nhóm nghị sĩ, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao đều đánh giá cao đường lối đổi mới và thành tựu của Việt Nam, vui mừng về kết quả hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua. Anh coi trọng Việt Nam có vị trí quan trọng ở Đông Nam Á và cho rằng chuyến đi thăm của Đoàn Quốc hội ta ở Anh lần này mở ra bước phát triển mới trong quan hệ giữa hai nước. Nghị viện Anh sẽ thúc đẩy và ủng hộ Chính phủ Anh tăng cường giúp đỡ và hợp tác với Việt Nam, nhất là về dầu khí.

Bà Chủ tịch Hạ nghị viện Anh, thuộc Công đảng có những lời lẽ và cử chỉ rất chân tình với Việt Nam. Bà nhắc lại những ấn tượng sâu sắc khi được gặp Bác Hồ trong chuyến thăm của Đoàn nghị sĩ Anh ở Việt Nam năm 1956.

II- ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ CHUYẾN THĂM VÀ KIẾN NGHỊ

So với yêu cầu đề ra, chuyến thăm của Đoàn đại biểu Quốc hội tại năm nước Tây - Bắc Âu đã đạt được những kết quả tốt đẹp. Về chính trị chuyến thăm này càng tăng cường thêm sự hiểu biết lẫn nhau, củng cố thêm quan hệ hữu nghị và phát triển sự hợp tác nhiều mặt giữa ta và bạn, góp phần thúc đẩy việc thực hiện các hiệp định mà phía hai bên đã ký kết, đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác về nghị viện. Thời điểm của chuyến thăm là thích hợp, đúng vào lúc nghị viện các nước này đang bàn về ngân sách, trong đó có vấn đề viện trợ năm 1994.

Chuyến thăm này, tiếp sau chuyến thăm của Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở Tây Âu là những sự kiện quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ giữa nước ta với Tây - Bắc Âu.

Chuyến thăm này cũng cho thấy vai trò ngày càng to lớn của "nền ngoại giao nghị viện" vừa mang tính chất nhà nước, vừa mang tính chất nhân dân, là cầu nối quan trọng trong việc xúc tiến quan hệ hợp tác hai bên.

Qua chuyến thăm, Đoàn xin kiến nghị một số vấn đề sau đây:

a) Về Quốc hội: Chủ động có kế hoạch mở rộng quan hệ hợp tác với Quốc hội các nước, trước mắt cần sớm có kế hoạch đón tiếp lãnh đạo nghị viện các nước trên sang thăm ta trong thời gian tới.

b) Về Chính phủ:

- Xúc tiến việc triển khai các hiệp định đã ký, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty của bạn vào làm ăn ở Việt Nam.

- Bàn bạc cụ thể để giải quyết một số tồn tại trong quan hệ kinh tế mà bạn nêu lên, nhất là với Cộng hòa Liên bang Đức.

- Về vấn đề nhân quyền: Ta nên cung cấp những thông tin cần thiết cụ thể để cho bạn hiểu rõ ta hơn. Nếu ta không trả lời thì bạn có thể hiểu lầm về chính sách của ta.

- Cần rà soát lại các cơ chế, thủ tục của ta để khắc phục tình trạng phiền hà mà các nước thường nêu lên.

- Có kế hoạch chuẩn bị sớm cho Hội nghị cấp cao các nước nói tiếng Pháp năm 1997.

- Về Việt kiều: Cần nghiên cứu những đề nghị của bà con Việt kiều, được hay không được cũng cần trả lời đầy đủ cho bà con như: nguyện vọng được Nhà nước ta tạo điều kiện thuận lợi cho việc về làm ăn ở Việt Nam, việc thuê đất làm nhà, cho về nghỉ hưu ở quê nhà, được giữ hai quốc tịch. Việt kiều ta ở Pháp đề nghị Chính phủ ta tác động với Chính phủ Pháp tạo điều kiện dễ dàng cho thân nhân ở Việt Nam sang thăm Pháp dễ dàng hơn.

Trên đây là những nét chính về kết quả chuyến thăm của Đoàn, xin báo cáo Bộ Chính trị và Ủy ban thường vụ Quốc hội rõ.

 

Hà Nội, ngày 03 tháng 11 năm 1993

TRƯỞNG ĐOÀN
 NÔNG ĐỨC MẠNH

 

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội

Về trang mục lục

Trở về đầu trang