VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 4 1996-1997


BÁO CÁO
 VỀ CUỘC ĐI THĂM HỮU NGHỊ CHÍNH THỨC
 NƯỚC CỘNG HÒA ẤN ĐỘ
 CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VIỆT NAM
 DO CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NÔNG ĐỨC MẠNH DẪN ĐẦU

 

Nhận lời mời của Ngài Shivraj V.Patil, Chủ tịch Hạ Nghị viện nước Cộng hòa Ấn Độ, Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta do đồng chí Nông Đức Mạnh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu, đã đi thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Ấn Độ từ ngày 20 đến ngày 26 tháng 4 năm 1994. Đoàn gồm có:

- Đồng chí Hà Mạnh Trí, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội;

- Đồng chí Trần Văn Phác, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội;

- Đồng chí Trần Văn Nhẫn, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội;

- Đồng chí Nguyễn Thị Tuyết, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tây, Ủy viên Ủy ban pháp luật của Quốc hội;

- Đồng chí Vi Xuân Thanh, đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, Ủy viên Hội đồng dân tộc của Quốc hội;

- Đồng chí H' Ngia, đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, Ủy viên Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội;

- Thượng tọa Dương Nhơn, đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng;

- Đồng chí Nguyễn Văn Nhận, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Bắc;

- Đồng chí Phạm Thanh Sơn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

- Đây là Đoàn cấp cao đầu tiên của Quốc hội nước ta đi thăm hữu nghị chính thức Ấn Độ. Cuộc đi thăm nhằm mục đích tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống và sự hợp tác mọi mặt giữa Quốc hội và nhân dân hai nước Việt Nam - Ấn Độ. Qua đó góp phần thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, v.v.. Nhân cuộc thăm lần này, Đoàn tranh thủ tìm hiểu về một số hoạt động của Nghị viện Ấn Độ và tìm hiểu về công cuộc cải cách kinh tế của Ấn Độ.

I- HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN:

- Đặt vòng hoa viếng Mahátma Ganđi.

- Chào xã giao Tổng thống Sancơ Đâyan Xácma.

- Chào xã giao Thủ tướng P.V.Nara Ximba Rao.

- Hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Sivơrát V.Patin.

- Trao đổi ý kiến với các nghị sĩ thuộc các đảng phái chính trong Nghị viện Ấn Độ.

- Dự phiên họp chung của Thượng Hạ viện và phiên họp riêng của Hạ viện.

- Gặp và trao đổi ý kiến với Bộ trưởng phụ trách công việc của Nghị viện Viđiacharan Sucla.

- Gặp và trao đổi ý kiến với Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao R.L.Bhatia.

- Thăm đồng chí Indragit Gupta, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Ấn Độ (CPI) và đồng chí Hackixan Xing Xurơgiét, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Ấn Độ Mácxít (CPI-M).

- Gặp và trao đổi ý kiến với lãnh đạo bang Cacmataca: Chủ tịch Hội đồng lập pháp D.B. Cácmataca, Chủ tịch Viện Lập pháp V.S. Koujalagi, Thống đốc bang Cácmataca và Phó Thủ hiến S.M.Krishna.

- Gặp và trao đổi ý kiến với Thống đốc bang Maharasơtra P.C.Alếxandơ.

- Thăm một số cơ sở kinh tế: Công ty liên doanh sản xuất ôtô du lịch Maruti Udyog Ltd. ở Niu Đêli, Hãng sản xuất máy bay Hindustan Aeronauties Ltd. và Công ty sản xuất thiết bị điện thoại Indian Telephone Ltd. ở Bangalorơ.

- Thăm một số công trình văn hóa và di tích lịch sử ở thành phố Agra và bang Cácmataca.

- Thăm thị trường chứng khoán Bom Bay.

- Thăm cán bộ, nhân viên Đại sứ quán ta tại Ấn Độ.

- Chủ tịch Hội các nghị sĩ Ấn Độ về dân số và phát triển Mahendra Prasad và Chủ tịch Phòng Thương mại Ấn - Việt thành phố Bom Bay đã đến chào Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh.

II- MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHÍNH NỔI LÊN
TRONG HỘI ĐÀM VÀ GẶP GỠ LÃNH ĐẠO

1. Trong các cuộc gặp gỡ các nhà lãnh đạo cấp cao của Nhà nước Ấn Độ và lãnh đạo các bang nơi Đoàn đến thăm, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh đã tập trung giới thiệu những thành tựu quan trọng về kinh tế, chính trị, đối ngoại mà nhân dân ta đã đạt được trong công cuộc đổi mới đất nước; về hoạt động của Quốc hội và quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam, Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh đã chuyển lời thăm của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta tới các vị lãnh đạo Nhà nước Ấn Độ.

Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh bày tỏ lòng khâm phục đối với cuộc đấu tranh anh dũng kiên cường của nhân dân Ấn Độ vì độc lập, tự do của đất nước; khẳng định mối quan hệ hữu nghị truyền thống và sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước Việt Nam - Ấn Độ, ca ngợi công lao của các vị lãnh tụ kiệt xuất của cả hai dân tộc là Mahatma Gandhi, Jawaharlal Nehru và Hồ Chí Minh đã dẫn dắt nhân dân hai nước trong công cuộc đấu tranh giành lại độc lập, tự do cho mỗi nước và đã đặt nền móng bền vững cho tình hữu nghị vĩ đại Việt Nam - Ấn Độ.

Thay mặt Quốc hội và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh cảm ơn Nghị viện, Chính phủ và nhân dân Ấn Độ đã tận tình giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay. Chủ tịch bày tỏ mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Quốc hội và nhân dân hai nước. Để tương xứng với mối quan hệ đó, hai nước cần đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác về mọi mặt bảo đảm có hiệu quả và thiết thực hơn.

2. Về quan hệ hai nước: Các nhà lãnh đạo Ấn Độ đều bày tỏ sự khâm phục và kính trọng lòng dũng cảm, ý chí kiên cường của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, coi đó là một tấm gương của nhân dân thế giới. Đồng thời chân thành ca ngợi mối quan hệ truyền thống giữa hai nước do M. Ganđi, G. Nêru và Hồ Chí Minh dày công vun đắp ngày càng được giữ vững và phát triển. Ngay cả trong những lúc tình hình quốc tế phức tạp, Việt Nam phải chịu nhiều sức ép, nhưng Ấn Độ vẫn có quan hệ gắn bó với Việt Nam. Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ độc đáo mà không một nước nào có thể so sánh được. Quan hệ hai nước không chỉ đơn thuần về mặt tình cảm mà còn biết quan tâm tới vận mệnh của nhau, mách bảo cho nhau biết nguy cơ cần chú ý. Tổng thống khẳng định: Một dân tộc dù nhỏ bé nhưng đã dũng cảm đấu tranh cho độc lập tự do của mình thì không một kẻ thù nào có thể đè bẹp được. Trong quá khứ, hiện tại và tương lai, Ấn Độ đã, đang và sẽ dành cho Việt Nam những tình cảm tốt đẹp nhất. Việt Nam có một vị trí độc đáo không chỉ ở trong khu vực mà còn vượt ra ngoài khu vực. Để phát triển, Ấn Độ và Việt Nam phải đi cùng và hợp tác với nhau thì mới phát triển được. Tổng thống đánh giá cao vai trò của lãnh đạo Việt Nam có tầm nhìn xa trông rộng, biết cách nhìn nhận sự việc bằng trí óc của mình.

- Thủ tướng N.Rao cảm ơn Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã mời Thủ tướng sang thăm Việt Nam, hứa sẽ cố gắng thu xếp đến thăm Việt Nam vào thời gian sớm nhất và hy vọng chuyến thăm này sẽ đặt nền móng cho quan hệ hai nước trong thời gian tới. Thủ tướng cho rằng Việt Nam đang tiến hành công cuộc đổi mới, Ấn Độ đang tiến hành cải cách kinh tế, hai nước có nhiều tiềm năng to lớn có thể tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Ấn Độ luôn luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ Việt Nam. Hai nước phải có cách nhìn nhận mới để tăng cường hơn nữa quan hệ chính trị và kinh tế, qua đó sẽ giúp hai nước có sức mạnh mới.

- Chủ tịch Hạ viện cũng khẳng định Nghị viện và nhân dân Ấn Độ luôn luôn có mối quan hệ rất tốt đẹp với Việt Nam và sẵn sàng hợp tác trên bất cứ lĩnh vực nào. Chủ tịch nêu một số lĩnh vực mà hai nước có thể hợp tác như khoa học - công nghệ, chăn nuôi, lâm nghiệp, đánh cá, di truyền học, cơ khí, vận tải, v.v., và cho rằng cần có sự hợp tác về công nghệ để giúp phát triển công nghiệp.

3. Về quan hệ giữa hai Quốc hội: Bạn giới thiệu cho Đoàn ta về hoạt động của Nghị viện, về quan hệ hai Viện và chế độ lưỡng viện, về hoạt động của đảng cầm quyền trong Nghị viện.

Ta và bạn đều bày tỏ mong muốn tăng cường và phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp cao nhất của hai nước. Hai bên đều nhất trí cho rằng việc trao đổi Đoàn Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội thăm viếng lẫn nhau, cung cấp thông tin, trao đổi kinh nghiệm và các văn bản luật quan trọng là cần thiết. Bạn sẵn sàng giúp ta đào tạo cán bộ.

Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh đã mời Chủ tịch Hạ Nghị viện S.V.Patin thăm hữu nghị chính thức nước ta, Chủ tịch S.V.Patin đã vui vẻ nhận lời mời.

4. Ngoài những vấn đề về quan hệ mật thiết giữa hai nước và hai Quốc hội, các nhà lãnh đạo và các nghị sĩ Ấn Độ còn quan tâm đến một số tình hình quốc tế và khu vực có quan hệ trực tiếp với Việt Nam như tình hình Campuchia, tình hình quần đảo Trường Sa và quan hệ giữa Việt Nam với các nước ASEAN... Có nghị sĩ cho rằng Đông Nam Á là một thị trường buôn bán vũ khí, Việt Nam là một bộ phận của Đông Nam Á và muốn biết lập trường của Việt Nam về vấn đề này. Các nghị sĩ khác băn khoăn trước việc các công ty nước ngoài "chạy đua" đầu tư vào Việt Nam và muốn biết biện pháp của ta trong việc bảo đảm giữ vững quốc phòng, an ninh và văn hóa, xã hội khi đầu tư nước ngoài vào nhiều. Đoàn ta đã trình bày rõ ràng quan điểm của ta về những vấn đề mà bạn đặt ra.

5. Về vấn đề kinh tế: Bạn cho biết Ấn Độ đang thực hiện chính sách tự do phát triển kinh tế, bao gồm các thành phần kinh tế hỗn hợp: Nhà nước, công cộng, tư nhân và một số công ty đa quốc gia.

Đoàn nhận thấy Ấn Độ có công nghệ tiên tiến, khoa học và kỹ thuật hiện đại, luôn nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường, đổi mới công nghệ để tự sản xuất hàng hóa và chủ trương dùng hàng nội địa. Bạn muốn giới thiệu về tiềm năng kinh tế, muốn hợp tác bằng nhiều hình thức với quy mô vừa và nhỏ, phù hợp với điều kiện kinh tế và trình độ phát triển của ta, đồng thời sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với ta. Nhưng Ấn Độ cũng còn gặp khó khăn về nguồn vốn.

6. Về chính sách đối ngoại của Ấn Độ: Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao R.L.Bhatia thông báo: Ấn Độ có quan hệ tốt với các nước láng giềng như Xri Lanca, Mianma, Bănglađét, Butan và Nêpan; với Trung Quốc có vấn đề tranh chấp biên giới đang tiếp tục thảo luận. Ấn Độ có quan hệ không tốt với Pakixtan vì Pakixtan bảo trợ cho chủ nghĩa khủng bố, huấn luyện quân đưa sang Giamu và Casơmia để chống Ấn Độ. Ấn Độ muốn đàm phán hòa bình để giải quyết vấn đề tồn tại hai nước nhưng gặp khó khăn vì hai yếu tố: thứ nhất là trong nội bộ Pakixtan có các thế lực phản đối giải quyết bằng đàm phán, thương lượng; thứ hai là thế lực bên ngoài cản trở mỗi khi chuẩn bị đàm phán.

7. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Ấn Độ (CPI) và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Ấn Độ Mácxít (CPI-M) đánh giá cao cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc của nhân dân ta, coi đó là những cống hiến của Đảng Cộng sản Việt Nam và của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho chủ nghĩa cộng sản, là biểu tượng của cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới và là nguồn cổ vũ cho các dân tộc đấu tranh cho độc lập, tự do và tiến bộ xã hội. Cả hai đồng chí đều ca ngợi công cuộc đổi mới trong khuôn khổ chủ nghĩa Mác - Lênin do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng, cho đó là sự sáng tạo trong việc thực hiện chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng chí H.E.Xurơgiét cho biết Đảng Cộng sản Ấn Độ Mácxít vừa xuất bản Báo cáo chính trị của Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ của Đảng ta và bày tỏ tin tưởng rằng Đảng ta sẽ khắc phục được những khó khăn và tiếp tục đi theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra.

III- NHẬN XÉT CHUNG

- Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta đi thăm Ấn Độ vào thời điểm thuận lợi sau khi Chủ tịch Quốc hội ta đã đi thăm Trung Quốc (cuối tháng 2-1994) và trước khi Thủ tướng Ấn Độ dự định thăm ta. Đoàn đến Ấn Độ trong lúc hai Viện của Quốc hội Ấn Độ đang họp nên đã có dịp gặp được nhiều nghị sĩ thuộc các đảng phái chính trị khác nhau ở cả Trung ương và địa phương. Cuộc đi thăm đã đạt được mục đích, yêu cầu của cả ta và bạn. Nhiều đồng chí thành viên trong Đoàn nhận xét là đạt yêu cầu cao.

- Cuộc viếng thăm lần này của Đoàn đã góp phần thúc đẩy bước phát triển mới nhằm tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác mọi mặt giữa Việt Nam và Ấn Độ, đặc biệt là hai cơ quan lập pháp cao nhất của hai nước. Cả hai bên đều khẳng định tình hữu nghị thủy chung trước sau như một giữa hai nước và momg muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế phát triển tương xứng với quan hệ chính trị. Việc Thủ tướng N.Rao nhấn mạnh về quan hệ kinh tế và bố trí Đoàn thăm các cơ sở kinh tế cho thấy rõ bạn không những chỉ nhấn mạnh về quan hệ chính trị mà còn cố gắng đẩy mạnh quan hệ kinh tế và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm giúp đỡ ta.

- Cuộc đi thăm đã đặt cơ sở và mở ra quan hệ hợp tác mới giữa các Ủy ban của Quốc hội hai nước.

-  Bạn đón tiếp Đoàn ta trọng thị, cởi mở, chân tình. Mặc dù sức khỏe yếu (mới mổ về) nhưng Tổng thống S.D.Xácma vẫn tranh thủ dành thời gian tiếp Đoàn.

Nói chung cuộc đi thăm của Đoàn đạt kết quả tốt đẹp.

IV- KIẾN NGHỊ

1. Với Chính phủ: Trong buổi tiếp Đoàn đại biểu Quốc hội ta, Thủ tướng N.Rao đồng thời là thủ lĩnh Đảng cầm quyền đã nhắc đi nhắc lại với Chủ tịch Nông Đức Mạnh sẽ thu xếp và mong sớm được thăm Việt Nam. Đề nghị đồng chí Thủ tướng Võ Văn Kiệt chuẩn bị tốt để đón bạn.

2. Vấn đề hợp tác về kinh tế cần được thúc đẩy phát triển nhanh hơn như cả hai bên đều mong muốn. Về phía Việt Nam, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành có liên quan rà soát lại, có biện pháp giải quyết tốt những vấn đề còn tồn đọng để việc hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực làm cơ sở cho mối quan hệ hữu nghị, hợp tác bền vững lâu dài.

3. Về Quốc hội: Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội có kế hoạch hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các Ủy ban tương đương của Nghị viện Ấn Độ.

 

TM. CHỦ NHIỆM UỶ BAN ĐỐI NGOẠI
 Phó Chủ nhiệm

 TRẦN VĂN PHÁC

 

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội