VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 4 1996-1997


BÁO CÁO
 VỀ CUỘC ĐI THĂM HỮU NGHỊ CHÍNH THỨC
 NGHỊ VIỆN CHÂU ÂU, VƯƠNG QUỐC BỈ,
CỘNG HÒA SÉC VÀ CỘNG HÒA XLÔVAKIA
CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VIỆT NAM
(Từ ngày 20-2 đến 04-3-1995)
 

Nhận lời mời của Nghị viện châu Âu, Nghị viện Vương quốc Bỉ, Nghị viện Cộng hòa Séc và Hội đồng dân tộc (Quốc hội) Cộng hòa Xlôvakia, Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta do Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh dẫn đầu, đã đi thăm hữu nghị chính thức Nghị viện châu Âu và Vương quốc Bỉ từ ngày 20 đến ngày 24-2, Cộng hòa Séc từ ngày 24 đến ngày 28-2 và Cộng hòa Xlôvakia từ ngày 28-2 đến ngày 04-3-1995.

I- HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CHÍNH
NỔI LÊN TRONG HỘI ĐÀM, TIẾP XÚC

A- Tại Nghị viện và Liên minh châu Âu:

1. Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta đã hội đàm với Đoàn Nghị viện châu Âu quan hệ với các nước Đông Nam Á, ASEAN, Hàn Quốc do Tiến sĩ Guntơ Rinsơ, Chủ tịch Uỷ ban các phái đoàn của Nghị viện châu Âu quan hệ với Quốc hội các nước làm Trưởng đoàn.

Đoàn đã có các cuộc gặp và trao đổi ý kiến với bà Nicôn Phôngten, Quyền Chủ tịch Nghị viện châu Âu; ông Đavít Máctin, Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu; Nhóm Nghị sĩ xã hội trong Nghị viện châu Âu (do bà Chủ tịch Pôlinơ Grin và ông Phó Chủ tịch Luigi Côlagianni chủ trì).

Đoàn cũng có các cuộc gặp và trao đổi ý kiến với ông Manun Marin, Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, ông Hoan Prát, Tổng Vụ trưởng Tổng Vụ chính trị - đối ngoại và Tổng Vụ kinh tế - đối ngoại, phụ trách quan hệ Bắc - Nam.

2. Nghị viện châu Âu đã giới thiệu với Đoàn ta về quá trình phát triển của Nghị viện châu Âu và các vấn đề khác nhau liên quan đến nhất thể hóa châu Âu, đặc biệt là cố gắng tiến tới Liên minh kinh tế - tiền tệ châu Âu. Nghị viện châu Âu gồm 626 nghị sĩ, đại diện cho 15 quốc gia châu Âu. Hiện nay một số nước châu Âu đang xin gia nhập Liên minh châu Âu (Manta, Síp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Bungari, Hunggari, Séc và Xlôvakia). Việc mở rộng Liên minh đòi hỏi phải xem xét lại quy chế cho phù hợp với tình hình mới. Vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị cấp cao của Liên minh châu Âu trong năm 1996. Tại Hội nghị này sẽ xem xét lại Hiệp ước Maaxtrích và vai trò của Nghị viện châu Âu sẽ được xem xét theo hướng tăng cường hơn nữa quyền lực cho Nghị viện châu Âu.

Mục tiêu của Liên minh châu Âu là đoàn kết xây dựng một châu Âu thống nhất, cân bằng, bảo đảm hòa bình, thịnh vượng. Phấn đấu đến năm 1997 trở thành một liên minh kinh tế - tiền tệ thống nhất, có một thị trường hòa nhập, tạo điều kiện tốt hơn cho việc kiểm soát lạm phát và giải quyết thất nghiệp.

Nghị viện châu Âu cũng cho rằng hợp tác là vấn đề sống còn ở mức độ quốc gia và toàn cầu. Liên minh châu Âu là một tổ chức kinh tế mạnh và là tác nhân chính trị - kinh tế lớn trên thế giới. Bởi vậy Liên minh châu Âu mong muốn có sự phát triển hài hòa giữa Liên minh châu Âu (EU) và Khối kinh tế Bắc Mỹ (NAFTA) và sự hợp tác giữa ba khối kinh tế lớn (EU, ASEAN và NAFTA).

- Đánh giá cao thành tựu đạt được trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam và bày tỏ thông cảm với những thách thức và khó khăn mà Việt Nam đang gặp phải, hoan nghênh chính sách đối ngoại của Việt Nam và việc Việt Nam gia nhập ASEAN.

3. Ta đã thông báo khái quát những thành tựu quan trọng đạt được trong công cuộc đổi mới toàn diện ở Việt Nam trong những năm qua trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội; về đổi mới hoạt động của Quốc hội và cải tiến bầu cử nhằm mở rộng dân chủ, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia rộng rãi vào công việc quản lý nhà nước; ta đã làm rõ một số vấn đề mà bạn quan tâm nhất là về các quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền tự do dân chủ và tự do tín ngưỡng, được pháp luật bảo hộ. Về chính sách đối ngoại của Việt Nam, quan hệ của Việt Nam với các nước, đặc biệt là với các nước láng giềng (Trung Quốc, ASEAN, Campuchia), với Mỹ và việc Việt Nam chuẩn bị gia nhập ASEAN.

Ta đánh giá cao vị trí và vai trò của Nghị viện châu Âu và Liên minh châu Âu trên trường quốc tế; đánh giá cao sự giúp đỡ của Liên minh châu Âu đối với sự nghiệp xây dựng đất nước nói chung và giúp đỡ trong chương trình hồi hương tái hòa nhập, chương trình giúp đỡ kỹ thuật chuyển sang kinh tế thị trường, dự án trồng rừng và bảo vệ thiên nhiên, đào tạo cán bộ, v.v.. Đồng thời, bày tỏ mong muốn Liên minh châu Âu tăng cường mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác với Việt Nam, đặc biệt là hợp tác kinh tế - thương mại theo hướng thực chất đi vào chiều sâu, viện trợ vốn, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tạo công ăn việc làm cho người lao động Việt Nam.

 4. Về quan hệ hai bên: Ta và Nghị viện châu Âu bày tỏ mong muốn tăng cường và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác. Nghị viện châu Âu và Liên minh châu Âu đánh giá cao cuộc đi thăm của Đoàn, coi đó là dịp tốt để hai bên trao đổi thông tin cần thiết và hiểu biết lẫn nhau. Liên minh châu Âu cho rằng phải tăng cường và mở rộng quan hệ với Việt Nam, vì lợi ích của cả Liên minh châu Âu và Việt Nam và coi Việt Nam là một đối tác quan trọng xứng đáng được hưởng quyền ưu tiên. Liên minh châu Âu còn cho rằng có quan hệ với Việt Nam, Liên minh châu Âu sẽ thúc đẩy được quan hệ của mình với ASEAN.

Ta và bạn đều khẳng định, hợp tác hai bên trong bốn năm qua đã đi đúng hướng và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Nhưng Liên minh châu Âu cho rằng sự hợp tác với Việt Nam trong tương lai phụ thuộc rất nhiều vào việc có ký được Hiệp định khung hay không? Hiệp định khung là cơ sở pháp lý hợp tác kinh tế - thương mại lâu dài. Đó là một cơ hội tốt tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam vay vốn tín dụng ngân hàng, trong đó có Ngân hàng Đầu tư châu Âu và giải quyết các vấn đề khác. Đặc biệt, việc ký kết nên diễn ra trước lúc Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN, nếu để sau đó sẽ khó cho Liên minh châu Âu vì chính sách chung của họ đối với ASEAN. Khoảng vài tháng nữa, Nghị viện châu Âu sẽ họp để xem xét và quyết định ngân sách viện trợ cho các nước.

Ta cũng bày tỏ mong muốn hai bên thường xuyên trao đổi và sớm ký Hiệp định kinh tế - thương mại, cải tiến Hiệp định hàng dệt và mong Liên minh châu Âu sớm mở cơ quan đại diện tại Hà Nội, giúp đào tạo cán bộ, v.v..

Liên minh châu Âu thông báo đã quyết định cử ông Rianrdo Ravênna làm Đại sứ tại Việt Nam. Ta đã cảm ơn và cho đó là việc làm có thiện chí của Liên minh châu Âu.

5. Các Nghị sĩ châu Âu cũng quan tâm tìm hiểu vấn đề an ninh khu vực Đông Nam Á, quần đảo Trường Sa và mong muốn giải quyết tranh chấp bằng thương lượng hòa bình. Liên minh châu Âu muốn thông qua quan hệ với Việt Nam để mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Hai bên cũng trao đổi một số vấn đề về thuế quan, GATT và Tổ chức thương mại thế giới.

B- Tại Vương quốc Bỉ:

1. Đoàn đến Bỉ trong lúc tình hình Quốc hội Bỉ đang chuẩn bị giải tán, Chủ tịch Hạ viện đi công tác nước ngoài. Đoàn đã có các cuộc gặp và trao đổi ý kiến với Chủ tịch Thượng viện Phranco Xoaêlen, Phó Chủ tịch Hạ viện Đucamiơ, Bộ trưởng hợp tác và phát triển Êríc Đerícke, Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Bỉ - Việt và Liên đoàn các nhà doanh nghiệp Bỉ.

Phía Bỉ bày tỏ khâm phục cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta, cho rằng hai dân tộc Bỉ - Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm và có mối tương đồng. Bỉ đánh giá cao cuộc đi thăm Nghị viện châu Âu và Vương quốc Bỉ của Đoàn, vui mừng về những thành tựu đổi mới của Việt Nam. Bạn nhấn mạnh xuất phát từ tình cảm và sự quý trọng nhân dân Việt Nam nên Bỉ đã thiết lập quan hệ với Việt Nam, đã viện trợ cho Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam xóa nợ và hòa giải với các tổ chức tiền tệ quốc tế, và hứa tiếp tục viện trợ giúp đỡ Việt Nam.

2. Nhiều nhà doanh nghiệp Bỉ có mặt trong buổi gặp đã đến Việt Nam trong các phái đoàn kinh tế, bày tỏ vui mừng trước quan hệ kinh tế - thương mại hai nước phát triển tích cực trong năm qua và tỏ ra quan tâm tới thị trường Việt Nam. Họ cho rằng, hai nước có tiềm năng to lớn, để tăng cường hợp tác đầu tư, phát triển thương mại cần mau chóng biến các hiệp ước đã được ký kết thành hiện thực. Họ cho rằng còn thiếu những thông tin kinh tế - thương mại và còn có những ngăn cản các công ty Bỉ vào thị trường Việt Nam và mong muốn phía Việt Nam giảm bớt các thủ tục phiền hà, tiêu cực.

C- Tại Cộng hòa Séc:

1. Đoàn đã có các cuộc hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Milan Uđơ, gặp và trao đổi ý kiến với Phó Chủ tịch Hạ viện Giancaxan, với Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Bộ trưởng Ngoại giao G. Diêlenếch, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nông nghiệp Giôdép Luxơ, Bộ trưởng Công nghiệp và thương mại V. Đluky.

- Đoàn đã thăm một số cơ sở kinh tế, văn hóa ở Praha, Cáclôry Vary và Plden.

2. Trong các cuộc hội đàm, tiếp xúc, phía Séc nhiệt liệt hoan nghênh những thành tựu đạt được trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam, ca ngợi chính sách đối ngoại của ta và hoan nghênh việc ta gia nhập ASEAN.

Về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ở Cộng hòa Séc trong thời gian gần đây, phía Séc cho biết:

Quá trình chuyển đổi nền kinh tế là thuận lợi. Gần 80% tài sản Nhà nước đã được tư nhân hóa. Cân bằng ngân sách, dự trữ ngoại tệ đạt 9 tỷ USD. Lạm phát giữ ở mức dưới 10%, hiện nay là 3,4%, mục tiêu phấn đấu đến năm 2000 là 3%. Giá trị đồng Cuaron ổn định, trong 2-3 năm nữa có khả năng chuyển đổi hoàn toàn.

Theo Hiến pháp, Quốc hội Séc gồm hai Viện nhưng nay mới có Hạ viện, chưa bầu được Thượng viện. Việc gia nhập Liên minh châu Âu và tham gia vào khối NATO đang tiến triển thuận lợi.

Khó khăn: Còn có một số bất đồng quan điểm trong Chính phủ về vấn đề hoàn trả tài sản cho tôn giáo, vấn đề trợ cấp và hưu trí.

3. Về quan hệ hai nước: Phía Séc đánh giá cao việc Việt Nam là nước đầu tiên công nhận Nhà nước Séc khi Tiệp Khắc tách thành Cộng hòa Séc và Cộng hòa Xlôvakia. Bạn khẳng định mong muốn đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thông, đặc biệt là quan hệ kinh tế - thương mại để tương xứng với quan hệ chính trị và tiềm năng của hai nước. Ta nêu vấn đề nếu hai bên cùng có khó khăn về vốn, có thể tính tới việc liên doanh với một bên thứ ba để huy động vốn. Các doanh nghiệp Séc như hãng SKODA, một hãng lớn (sản xuất máy móc, tuốcbin, xe hơi v.v.) thành lập cách đây 135 năm mong muốn hợp tác, liên doanh với bạn hàng truyền thống Việt Nam.

4. Trong hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Milan Uđơ và trong cuộc gặp Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Giôdép Luxơ, phía Séc khẳng định: hiện nay quan hệ hai nước không có vấn đề gì gay cấn, Séc tôn trọng những vấn đề thuộc nội bộ của Việt Nam, nhưng thanh minh rằng Séc là nước dân chủ, đa nguyên, đa đảng và tỏ ra dè dặt, miễn cưỡng thông báo với Đoàn ta việc "Nhóm phục hưng" do Nguyễn Việt Hùng cầm đầu đã trao cho họ danh sách hơn 1.000 "tù nhân chính trị Việt Nam", trong đó có hai nhà sư. Ông G.Luxơ nói rằng đây không phải là nhiệm vụ của ông. Ông ta chỉ nói thế chứ không trao danh sách.

Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh đã nói rõ quan điểm, chính sách của Nhà nước Việt Nam về quyền và nghĩa vụ công dân đã được  ghi trong Hiến pháp. Khẳng định ở Việt Nam không có vi phạm nhân quyền, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, có quyền tự do theo hoặc không theo tôn giáo nào, tất cả những ai vi phạm pháp luật đều bị Tòa án xét xử công khai.

- Sau cuộc hội đàm giữa hai Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Milan Uđơ và Chủ tịch Nông Đức Mạnh đã trả lời câu hỏi của các nhà báo. Chủ tịch Milan Uđơ khẳng định kết quả hội đàm là bổ ích, thiết thực, qua trao đổi ý kiến hai bên hiểu biết lẫn nhau hơn. Ông khẳng định ông là người hiểu biết Việt Nam hơn ai hết vì ông đã đi trên đường phố Việt Nam và không thấy có sự vi phạm nhân quyền. Chủ tịch Nông Đức Mạnh nhất trí với ý kiến của Chủ tịch Milan Uđơ và khẳng định nhân dân Việt Nam đã phải trải qua hàng nửa thế kỷ đấu tranh đầy hy sinh gian khổ mới có được cuộc sống trong hòa bình, độc lập, tự do, được quyền làm chủ đất nước, mới có được quyền tối thiểu là quyền được làm người. Nhân dân Việt Nam luôn luôn mong muốn có hòa bình ổn định để xây dựng đất nước.

Theo báo cáo của Đại sứ quán ta, sau cuộc gặp gỡ báo chí này, báo chí Séc đưa tin và bình luận tốt về kết quả cuộc đi thăm của Đoàn.

D- Tại Cộng hòa  Xlôvakia:

1. Chủ tịch Nông Đức Mạnh đã đến chào xã giao Tổng thống Michal Kovac.

Hội đàm với Chủ tịch Hội đồng dân tộc Xlôvakia Ivan Gasparôvích (Chủ tịch Quốc hội).

Gặp và trao đổi ý kiến với Thủ tướng Vladimir Marian Anđen, các Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc A.M.Huska, Marian Anđen, Gian Lúptak, Bộ trưởng Ngoại giao Giurai Senkơ, Ủy ban đối ngoại, Ủy ban Hiến pháp, Ủy ban giáo dục, khoa học, văn hóa và thể thao.

Thăm một số cơ sở kinh tế văn hóa ở Bratixlava, Kômárô và Gabxikôvô.

Họp báo và gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt ở Xlôvakia.

2. Phía Xlôvakia đánh giá cao cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam và nhiệt liệt hoan nghênh những thành tựu trong công cuộc đổi mới đất nước và chính sách đối ngoại rộng mở của Việt Nam. Xlôvakia cho đó là niềm tự hào.

Phía Xlôvakia thông báo một số tình hình: Cộng hòa Xlôvakia là một Nhà nước non trẻ chưa đầy 3 tuổi, một Nhà nước dân chủ, đa nguyên. Trong Quốc hội có đại diện các đảng phái chính trị tả, hữu, trung lập (không có cực đoan) và có đại diện dân tộc thiểu số. Quốc hội mới thành lập, kinh nghiệm chưa có, từ khi ra đời đã thông qua hơn 200 luật lớn nhỏ, nhưng chất lượng chưa cao, một năm phải sửa lại 2 đến 3 lần.

Tình hình kinh tế - xã hội ổn định, ngân sách cân bằng nhưng còn gặp nhiều khó khăn. Sắp kết thúc giai đoạn tư nhân hóa các xí nghiệp, quá trình chuyển đổi cơ chế kinh tế mới gặp phải một số sai lầm. Hậu quả là từ một nước nông nghiệp phát triển, nay nhiều cơ sở nông nghiệp có nguy cơ bị phá sản, lương thực lại phải nhập. Ruộng đất chia cho nông dân nhưng nhiều nông dân lại muốn hợp tác ruộng đất lại để làm ăn thuận lợi hơn. Hệ thống ngân hàng hoạt động kém hiệu quả. Nhiều xí nghiệp nhận được nhiều vốn đầu tư nhưng vẫn có nguy cơ phá sản do không biết cách quản lý. Ngân hàng không làm hết chức năng quản lý các xí nghiệp, còn để thất thu thuế.

- Về chính sách đối ngoại: phía Xlôvakia cho rằng mặc dù Chính phủ thay đổi nhưng chính sách đối ngoại của Xlôvakia không thay đổi. Tuyệt đại đa số các đảng phái chính trị khác nhau trong Hội đồng dân tộc đều thống nhất quan điểm trong chính sách đối ngoại, trước hết là gia nhập vào Liên minh châu Âu và cơ cấu an ninh châu Âu. Xlôvakia cho rằng trong thời kỳ chiến tranh lạnh, thế giới chia thành phe nhóm chống lại nhau, nay hình thành các nhóm nước khu vực hợp tác với nhau. Nếu Xlôvakia được gia nhập Liên minh châu Âu, Việt Nam gia nhập ASEAN sẽ tạo ra những "kênh" hợp tác mới. Là một dân tộc yêu hòa bình, Xlôvakia muốn có quan hệ tốt với tất cả các nước, hợp tác để xây dựng, không bao giờ chống lại ai. Trước kia Xlôvakia đi theo một hướng, nay đi về mọi hướng, bắt tay với tất cả mọi người.

Phía Xlôvakia lấy làm tiếc về vụ giết hại 6 người Việt ở Xlôvakia và cho đó là một vụ án hình sự thô bạo chứ không phải là vấn đề phân biệt sắc tộc. Chủ tịch Ivan Gasparôvích cho rằng dân chủ, mở cửa, đa nguyên đã mang lại những yếu tố không tốt lành cho đất nước. Tự do, dân chủ được mở rộng nhưng phải nghiêm khắc hơn, dân chủ cũng phải trong khuôn khổ nhất định. Xlôvakia còn gặp nhiều khó khăn trong việc chống lại những vụ vi phạm hình sự. Luật hình sự còn nương nhẹ đối với những kẻ vi phạm pháp luật.

- Về quan hệ hai nước: Ta và Bạn đều khẳng định hai nước có quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống từ lâu đời. Phía Xlôvakia bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước và mong muốn Việt Nam sớm mở Đại sứ quán tại Xlôvakia và cho đó là bước đi quan trọng trong quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước. Cả hai bên đều cho rằng hai nước có quan hệ chính trị tốt, làm thế nào để thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại phát triển ngang tầm với quan hệ chính trị. Phía Xlôvakia mong muốn sớm ký Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế trùng.

- Trong quá trình tiếp xúc và làm việc với các nhà lãnh đạo cấp cao của Xlôvakia, phía Xlôvakia tỏ thái độ rất chân tình, cởi mở, nói thẳng, nói thật những ưu điểm và những sai lầm khuyết điểm của mình trong việc thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

E- Một số hoạt động khác:

- Trong thời gian ở thăm Brúcxen, Đoàn Nghị sĩ Nhật Bản do ông Hata, Cựu Thủ tướng Nhật Bản, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện đã đến chào xã giao Chủ tịch Quốc hội ta và nhắc lại lời mời Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản mời Chủ tịch Quốc hội ta thăm Nhật Bản.

- Theo đề nghị của Đảng Cộng sản Séc, Chủ tịch Quốc hội ta đã có cuộc gặp Chủ tịch Đảng Cộng sản Séc tại Đại sứ quán ta để nghe thông báo về một số tình hình của Đảng Cộng sản Séc và tình hình chính trị, kinh tế - xã hội Séc.

- Trên đường quá cảnh Xingapo và Hồng Kông, Chủ tịch Quốc hội ta đã có các cuộc gặp xã giao và trao đổi ý kiến với Chủ tịch Hội đồng lập pháp Hồng Kông, Toàn quyền Hồng Kông và Phó Chủ tịch Quốc hội Xingapo.

- Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh đã mời Chủ tịch Nghị viện châu Âu, Chủ tịch phái đoàn Nghị viện châu Âu quan hệ với Đông Nam Á, ASEAN và Hàn Quốc, Chủ tịch Thượng và Hạ Nghị viện Bỉ, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Xlôvakia thăm Việt Nam. Các vị lãnh đạo Nghị viện châu Âu và Nghị viện các nước đều vui vẻ nhận lời.

II- NHẬN XÉT CHUNG VÀ KIẾN NGHỊ

A- Nhận xét chung:

- Lần đầu tiên Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta thăm hữu nghị chính thức Nghị viện châu Âu, tuy thời gian ngắn nhưng Đoàn đã có nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi ý kiến thẳng thắn, cởi mở, chân thành với lãnh đạo Nghị viện và Ủy ban châu Âu. Qua đó đã tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và đã thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai bên. Phía Nghị viện và Liên minh châu Âu đánh giá cao chuyến đi của Đoàn, coi đó là cái mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển mới trong quan hệ hai bên.

- Việc Liên minh châu Âu quyết định đặt cơ quan đại diện và đã bổ nhiệm ông Ricácđô Ravênna làm Đại sứ tại Việt Nam chứng tỏ Liên minh châu Âu coi trọng vị trí của Việt Nam ở khu vực. Trong khi đó, Liên minh châu Âu chỉ đặt một cơ quan đại diện với một Đại sứ chung cho 6 nước ASEAN ở Băng Cốc.

- Đoàn đại biểu Quốc hội ta thăm các nước Bỉ, Séc và Xlôvakia lần này cũng nhằm củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác, tăng cường hiểu biết lẫn nhau góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại song phương.

- Ở những nơi đến thăm, Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta được  đón tiếp trọng thị, hữu nghị, chân thành, chu đáo. Cuộc thăm đạt kết quả tốt đẹp, không có những tiêu cực từ phía các chủ nhà, nhất là đối với các vấn đề nhân quyền và tôn giáo. Một số hãng tin và đài nước ngoài đã tung tin bịa đặt là Chính phủ Séc do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Giôdép Luxơ đã trao cho Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam danh sách hơn 1.000 tù nhân chính trị ở Việt Nam. Trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam, Thường trực Ủy ban đối ngoại của Quốc hội ta đã bác bỏ tin bịa đặt trắng trợn này.

- Trong quá trình đến thăm các nước, Đại sứ quán đã tích cực phối hợp chặt chẽ và phục vụ tốt các hoạt động của Đoàn, riêng ở Nghị viện châu Âu và Vương quốc Bỉ, Bạn đánh giá tốt hoạt động của Đại sứ Đinh Phú Định. Đoàn cũng đã tới thăm cán bộ, nhân viên Đại sứ quán ta ở Brúcxen và Praha nhằm thông báo tình hình trong nước và động viên anh chị em làm tốt nhiệm vụ.

- Công tác tuyên truyền thông tin đối ngoại của ta còn thiếu và yếu. Các nhà doanh nghiệp thiếu các thông tin kinh tế - thương mại, cộng đồng người Việt thiếu thông tin về đất nước.

B- Một số kiến nghị:

- Đề nghị Chính phủ nghiên cứu để sớm ký Hiệp định khung với Liên minh châu Âu, tạo cơ sở pháp lý hợp tác kinh tế - thương mại lâu dài với Liên minh châu Âu.

- Đề nghị Chính phủ nghiên cứu việc mở cơ quan đại diện Xlôvakia nhằm đáp ứng yêu cầu của phía Xlôvakia vì lợi ích của cả hai nước.

- Đề nghị Chính phủ nghiên cứu có biện pháp tăng cường công tác tuyên truyền thông tin đối ngoại. Nghiên cứu chính sách tạo điều kiện để người Việt Nam làm ăn sinh sống ở nước ngoài khi về nước được thuận lợi, góp phần xây dựng đất nước.

- Quốc hội sớm thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị với Nghị viện châu Âu và Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Bỉ.

- Đề nghị Bộ Nội vụ cùng với Bộ Ngoại giao nghiên cứu giải quyết làm rõ trách nhiệm của mỗi cơ quan về vấn đề cấp visa cho người nước ngoài và cộng đồng người Việt ở nước ngoài về Việt Nam theo đúng với luật, pháp lệnh của Nhà nước ta ban hành. Giải quyết dứt điểm việc thu giữ hộ chiếu của những người Việt Nam đang sinh sống ở Séc và một số nước Đông Âu về nước, Đại Sứ quán ta ở Séc đã phản ánh chính thức với Đoàn những thắc mắc khá nặng nề của những người Việt ở Séc, để tránh bọn xấu lợi dụng.

 

TM. UỶ BAN ĐỐI NGOẠI
 KT. Chủ nhiệm
 Phó Chủ nhiệm

TRẦN VĂN PHÁC

 

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội