VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 4 1996-1997


BÁO CÁO
VỀ KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU
QUỐC HỘI VIỆT NAM TẠI KỲ HỌP LẦN THỨ 16
ĐẠI HỘI ĐỒNG TỔ CHỨC LIÊN MINH NGHỊ VIỆN
HIỆP HỘI CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á - AIPO

 

Kính gửi: Ủy ban thường vụ Quốc hội

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xingapo, đồng thời là Chủ tịch Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPO), từ ngày 17 đến 23-9-1995, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh dẫn đầu đã sang thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Xingapo đã tham dự một số hoạt động tại kỳ họp thứ 16 Đại hội đồng AIPO. Tại kỳ họp này, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã chính thức gia nhập Tổ chức Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á.

Do tính chất và yêu cầu của hoạt động nên Đoàn đại biểu ta chia thành hai bộ phận: Đoàn do Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu thăm hữu nghị chính thức kết hợp dự một vài hoạt động chính của AIPO, một bộ phận do đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội chủ trì các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội ta tại kỳ họp thứ 16 Đại hội đồng AIPO.

I- QUÁ TRÌNH CHUẨN BỊ VÀ THỰC HIỆN
VIỆC QUỐC HỘI TA GIA NHẬP AIPO

Tổ chức Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPO) được chính thức thành lập từ tháng 9-1977 tại kỳ họp gồm đại diện các vị lãnh đạo Quốc hội các nước ASEAN tại Manila, Philíppin. Kỳ họp này cũng đã thông qua Điều lệ của AIPO mà theo Điều lệ thì Quốc hội của tất cả các nước thành viên ASEAN mặc nhiên có thể trở thành thành viên đầy đủ của AIPO nếu chấp nhận Điều lệ và sẵn sàng gia nhập.

Từ 28-7-1995, Việt Nam chính thức trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN. Ngay sau đó, Quốc hội các nước thành viên của AIPO đã có trao đổi ý kiến và đều nhất trí bày tỏ mong muốn Quốc hội Việt Nam gia nhập AIPO (ta đã tham gia một số hoạt động với tư cách là quan sát viên của AIPO từ năm 1992). Ngày 07-9-1995, được sự ủy nhiệm của Chủ tịch Quốc hội các nước thành viên, Chủ tịch AIPO - là Chủ tịch Quốc hội Xingapo đã sang thăm Việt Nam trân trọng trao tận tay Chủ tịch Quốc hội ta thư mời Đoàn đại biểu Quốc hội ta dự kỳ họp thứ 16 Đại hội đồng AIPO và mời Quốc hội ta chính thức gia nhập AIPO.

Trước đó, vào trung tuần tháng 8, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội ta đã sang thăm làm việc tại Xingapo và Inđônêxia để trao đổi chi tiết về việc chuẩn bị cho Quốc hội ta gia nhập AIPO với đương kim Chủ tịch và Tổng Thư ký AIPO và Ban Thư ký thường trực AIPO cũng như gặp gỡ với Ban Thư ký thường trực ASEAN.

Ngày 19-9-1995 tại kỳ họp thứ 16 Đại hội đồng AIPO, lễ kết nạp Quốc hội Việt Nam vào AIPO đã diễn ra với nghi thức rất trọng thể tại phiên họp toàn thể đầu tiên. Chủ tịch AIPO và các vị đứng đầu Nghị viện các nước Inđônêxia, Malaixia, Philíppin và Thái Lan đã long trọng ký Nghị quyết kết nạp Quốc hội ta vào AIPO (Brunây không có Quốc hội nên họ tham gia AIPO với tư cách "Quan sát viên đặc biệt", vì vậy không ký được vào văn kiện trên). Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh cũng đã ký vào Nghị quyết xác nhận sự kiện trên. Sau lễ kết nạp, với tư cách là thành viên chính thức của AIPO, theo chương trình làm việc của kỳ họp thứ 16 Đại hội đồng, lần đầu tiên tại Diễn đàn này Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đã đọc diễn văn quan trọng có tính chất như một tuyên bố về đường lối chủ trương, chính sách của ta đối với khu vực Đông Nam Á, trên cơ sở đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Nội dung chính tập trung vào các vấn đề sau:

- Hoan nghênh xu thế hợp tác hữu nghị vì hòa bình ổn định và phát triển. Việt Nam mong muốn hợp tác với các nước trong khu vực cùng phấn đấu xây dựng một Đông Nam Á hòa bình, ổn định hợp tác và phồn vinh, không có vũ khí hạt nhân và căn cứ quân sự của nước ngoài vì hòa bình, an ninh và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.

- Bày tỏ tin tưởng rằng AIPO - Tổ chức nghị viện khu vực có uy tín đại diện cho hơn 400 triệu dân ở một khu vực phát triển năng động của thế giới sẽ góp phần xứng đáng vào việc xây dựng một trật tự thế giới mới tốt đẹp hơn.

- Khẳng định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình hữu nghị với chính sách rộng mở, đa đạng hóa, đa phương hóa theo tinh thần "Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc và phát triển". Việt Nam mở rộng quan hệ với tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, hợp tác bình đẳng cùng có lợi, vì lợi ích và sự phát triển của mỗi quốc gia cũng như ở khu vực và trên thế giới.

- Bày tỏ rõ chủ trương của Việt Nam thông qua thương lượng hòa bình giải quyết các vấn đề tồn tại giữa các nước kể cả tranh chấp trên biển Đông theo tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của mỗi nước ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Đề nghị các bên liên quan duy trì ổn định trên cơ sở giữ nguyên trạng, tự kiềm chế, không làm gì phức tạp thêm tình hình, không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, cùng tìm kiếm hình thức hợp tác thích hợp mà các bên liên quan đều chấp nhận được trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và hợp tác bình đẳng cùng có lợi, vì lợi ích của hòa bình, an ninh và phát triển của mỗi nước, góp phần xây dựng một trật tự thế giới mới tốt đẹp hơn. Đối với an ninh khu vực, Việt Nam chủ trương cùng với các nước phấn đấu xây dựng một Đông Nam Á hòa bình, ổn định, hợp tác và phồn vinh, không có vũ khí hạt nhân và căn cứ quân sự nước ngoài.

Tại Diễn đàn kỳ họp thứ 16 Đại hội đồng AIPO, Trưởng đoàn đại biểu các nước thành viên AIPO cũng như quan sát viên và khách mời đều nồng nhiệt chúc mừng Quốc hội Việt Nam trở thành thành viên chính thức của AIPO, coi Việt Nam gia nhập tổ chức này là nhân tố mới quan trọng, tăng cường thêm sức mạnh cho Tổ chức Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPO) - đại biểu cho hơn 400 triệu dân ở một khu vực phát triển năng động của thế giới, sẽ góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phấn đấu cho hòa bình, an ninh và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.

II- HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TA

Tại kỳ họp 16 Đại hội đồng AIPO, Đoàn đại biểu Quốc hội ta đã tham dự các phiên họp của tất cả 4 Ủy ban gồm:

- Ủy ban Chính trị; Ủy ban Kinh tế; Ủy ban Xã hội và Ủy ban Về công tác tổ chức của AIPO; ngoài ra, Đoàn ta còn tham gia các buổi đối thoại với các đoàn: Trung Quốc, Ôxtrâylia và Liên bang Nga.

- Về tình hình chính trị khu vực, các đoàn bày tỏ sự hài lòng về những tiến bộ trong việc thực hiện "Chương trình hành động về khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân" được thông qua năm 1993 và những biện pháp các nước ngoài khu vực thực hiện trong khuôn khổ Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á đã thúc đẩy quá trình duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Đối với vấn đề biển Đông, AIPO bày tỏ mối lo ngại trước một số sự kiện xảy ra gần đây trên biển Đông, đồng thời cũng khẳng định lại các nước ASEAN cần giải quyết các tranh chấp trên biển Đông thông qua thương lượng, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982; nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc khuyến khích các biện pháp xây dựng lòng tin, hợp tác cùng có lợi như đã quán triệt trong các hội thảo về ngăn chặn tranh chấp có thể xảy ra trên biển Đông theo sáng kiến của Inđônêxia. Đại hội đồng mong muốn tiếp tục mở rộng quan hệ giữa các nước thành viên ASEAN với Campuchia, Lào và Mianma, khuyến khích các nước này gia nhập ASEAN và AIPO trong tương lai.

Về vấn đề quốc tế, Hội nghị bày tỏ mối quan tâm sâu sắc về tình hình ở Bôxnia - Hécdêgôvina và tiếp tục ủng hộ những cố gắng của cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết tình hình bằng biện pháp hòa bình; ủng hộ lời kêu gọi của Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN hủy bỏ bao vây quân sự đối với Bôxnia - Hécdêgôvina.

Hội nghị hoan nghênh những tiến bộ đạt được trong các cuộc thương lượng hòa bình ở Trung Đông, đặc biệt là những nguyên tắc về dàn xếp tự trị nêu trong tuyên bố của Tổ chức giải phóng Palextin, việc ký kết Hiệp ước hòa bình giữa Ixraen và Gioócđani là bước tiến bảo đảm cho hòa bình lâu dài ở Trung Đông và các cuộc thương lượng giữa Xiry và Ixraen.

- Về các vấn đề kinh tế, Đoàn ta đã tham gia thảo luận và tích cực ủng hộ việc thành lập Tổ chức mậu dịch thế giới (WTO) cũng như các nguyên tắc mậu dịch tự do đa phương thông qua bộ máy của WTO. Tại Ủy ban Kinh tế, các thành viên  AIPO đã khẳng định ủng hộ việc Việt Nam tham gia vào WTO và APEC với tư cách là thành viên chính thức của hai tổ chức này. Đoàn ta cũng phát biểu ủng hộ việc thành lập các nhóm công tác nhằm giải quyết về mặt kỹ thuật trong hợp tác kinh tế về lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, giao thông và thông tin liên lạc; khuyến khích hợp tác kinh tế theo nhóm ngành hàng theo khái niệm "khu vực hóa rộng mở". Đại diện của Đoàn đại biểu Quốc hội ta cũng tham gia thảo luận về hợp tác du lịch giữa các nước thành viên ASEAN, cũng như vấn đề an toàn thực phẩm và quan hệ kinh tế giữa ASEAN với các nước khu vực khác trên thế giới.

- Về các vấn đề xã hội, cùng với các đoàn khác, ta tham gia bàn về hợp tác y tế, cùng các thành viên AIPO khác xem xét, đánh giá tình hình bảo vệ sức khỏe trong khu vực, hỗ trợ các quốc gia thành viên ASEAN tiến hành các biện pháp có hiệu quả hơn, ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các đoàn bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về tệ nạn buôn bán và tiêm chích ma túy. Vấn đề bảo vệ sức khỏe trẻ em, hợp tác giáo dục và giao lưu văn hóa, dân số và phát triển, bảo vệ lực lượng lao động nhập cư theo các hợp đồng hợp tác lao động giữa các quốc gia ASEAN cũng được đề cập.

- Về công tác tổ chức của AIPO, Đoàn ta tích cực tham gia thảo luận và nhất trí về việc xây dựng hệ thống thông tin điện tử của AIPO dùng cho các nhà làm luật, cơ quan nghiên cứu chính sách và chuyên viên phục vụ Quốc hội các nước thành viên AIPO. Philíppin đã đăng cai tổ chức một hội thảo chuyên đề về việc thiết lập hệ thống này. Ủy ban Về công tác tổ chức đã thảo luận và nhất trí thông qua việc thành lập nhóm làm việc đặc biệt về pháp luật của AIPO nhằm dần dần tiến tới xây dựng một bộ luật chung về du lịch cho các nước ASEAN nhằm đẩy mạnh ngành kinh tế này và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa công dân các nước ASEAN. Với việc Việt Nam gia nhập AIPO, biểu trưng của tổ chức này cũng được thay đổi, thể hiện nguyện vọng và ý chí của AIPO với tư cách là tổ chức đại diện cho hơn 400 triệu dân trong khu vực phấn đấu cho một Đông Nam Á hòa bình, độc lập, phát triển và thịnh vượng. Ngoài ra ta đã tích cực tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến xác đáng về việc trao đổi đoàn giữa các nước thành viên AIPO, về cơ chế hoạt động của Ban thư ký thường trực với Chủ tịch, Tổng thư ký AIPO.

Trong khuôn khổ của Đại hội đồng, đồng chí Chủ tịch Quốc hội ta cũng đã tiếp xúc gặp gỡ với các vị Chủ tịch Quốc hội, các vị Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội các nước Inđônêxia, Xingapo, Thái Lan, Malaixia và Philíppin. Thông qua các buổi tiếp xúc trên đã tạo dựng những cơ sở rất tốt đẹp cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa ban lãnh đạo và Quốc hội các nước ASEAN để thúc đẩy cho sự hợp tác liên kết khu vực ngày càng chặt chẽ. Bạn bè quốc tế đều nhấn mạnh những điểm đồng, đề cao vị trí vai trò của Việt Nam, bày tỏ nguyện vọng chân thành cùng góp sức với Việt Nam phấn đấu cho lý tưởng chung của các dân tộc trong khu vực vì hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác phát triển và phồn vinh. Lãnh đạo Quốc hội các nước thành viên AIPO cũng bày tỏ thông cảm với ta và sẵn sàng chấp nhận việc ta xin lui đăng cai tổ chức kỳ họp Đại hội đồng vào vòng sau (nghĩa là sau 6 năm nữa mà lẽ ra theo Điều lệ thì tới năm 1997 đã tới lượt Việt Nam).

III- ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ

- Công việc chuẩn bị kết nạp Quốc hội ta vào AIPO được Đoàn ta chuẩn bị chu đáo đồng thời được sự hỗ trợ rất tích cực và chân tình của Quốc hội Xingapo nói chung và cá nhân Chủ tịch, Tổng Thư ký AIPO nói riêng.

- Công tác chuẩn bị của ta được tiến hành khẩn trương, chi tiết và chu đáo; có nghiên cứu tìm hiểu kỹ về AIPO, về điều lệ, các quy định và thủ tục nên tại buổi lễ kết nạp ta hoàn toàn chủ động thực hiện các nghi thức được đặt ra.

- Việc chuẩn bị về nội dung được đặt lên hàng đầu, hai bài phát biểu quan trọng của Chủ tịch Quốc hội ta tại Diễn đàn AIPO đã thu hút sự chú ý của công luận và được đánh giá cao.

- Đoàn đại biểu Quốc hội ta bước đầu đã tham gia tương đối có hiệu quả các hoạt động chính của Đại hội đồng AIPO thứ 16 (tham gia các Ủy ban, dự thảo các nghị quyết, tuyên bố chung...). Việc này được các Đoàn thành viên của AIPO đánh giá cao về khả năng tiếp cận nhanh với cơ chế hợp tác nghị viện khu vực của Quốc hội ta.

- Quốc hội ta gia nhập AIPO vào đúng thời điểm với những điều kiện thuận lợi, phù hợp với chiến lược của Đảng và Nhà nước ta về việc hội nhập cộng đồng khu vực.

IV- MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

- Quốc hội ta gia nhập AIPO với tư cách là thành viên chính thức, điều đó đòi hỏi phải có sự chuẩn bị cho đại biểu Quốc hội tham dự các cuộc hội nghị, thảo luận và sinh hoạt của tổ chức này có hiệu quả thiết thực, xứng đáng với vị trí, vai trò của Việt Nam. Muốn vậy phải nhanh chóng hình thành đội ngũ đại biểu theo từng lĩnh vực chuyên môn, có kiến thức về đối ngoại và đặc biệt phải thông thạo ngoại ngữ (ngôn ngữ trong sinh hoạt của AIPO là tiếng Anh). Bạn bè sẽ không thể chấp nhận tình trạng đại biểu Quốc hội ta dự hội nghị quốc tế lại thông qua phiên dịch. Hơn nữa, nếu làm như vậy thực chất ta sẽ không đóng góp được là bao.

Có kế hoạch tuyển dụng và bồi dưỡng một đội ngũ cán bộ phục vụ Quốc hội đủ mạnh để giúp các Đoàn của Quốc hội tham gia hoạt động của AIPO cũng như các cơ chế hợp tác quốc tế khác tiến tới chuẩn bị cho việc đăng cai kỳ họp của Đại hội đồng AIPO luân phiên theo thứ tự. Điều đó cũng có nghĩa ta cần phải tích cực chuẩn bị mọi phương diện để hoàn thành nghĩa vụ mà ta đã cam kết khi gia nhập AIPO.

- Phối hợp trao đổi thông tin với Chính phủ và các cơ quan hữu quan thuộc Chính phủ về các chương trình hoạt động của ASEAN, thông qua đó nâng cao chất lượng tham gia hoạt động của ta tại AIPO.

 

TM. ỦY BAN ĐỐI NGOẠI
  Chủ nhiệm

HOÀNG BÍCH SƠN

 

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội