VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 4 1996-1997


BÁO CÁO
 VỀ KẾT QUẢ CUỘC THĂM CHÍNH THỨC INĐÔNÊXIA VÀ XINGAPO
CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VIỆT NAM

 

Kính gửi: Ủy ban thường vụ Quốc hội

Nhận lời mời của Chủ tịch Đại hội hiệp thương nhân dân (Quốc hội) nước Cộng hòa Inđônêxia H. Oahônô và Chủ tịch Nghị viện nước Cộng hòa Xingapo Tan Soo Khoon, Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta đi thăm chính thức Inđônêxia từ ngày 11 đến 17 và Xingapo từ ngày 17 đến 23-9-1995. Đoàn gồm có:

- Đồng chí Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn;

- Đồng chí Trần Văn Phác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội;

- Đồng chí Nguyễn Văn Sỹ (Ksor Krơn), đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội;

- Đồng chí Nguyễn Trung Cang, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Uỷ ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội;

- Đồng chí Trần Bích Nga, đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng.

I- BỐI CẢNH TÌNH HÌNH VÀ MỤC ĐÍCH CUỘC THĂM

Đoàn đại biểu Quốc hội ta thăm chính thức Inđônêxia và Xingapo trong bối cảnh tình hình khu vực Đông Nam Á đã và đang phát triển thuận lợi, ta vừa trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), Quốc hội ta gia nhập Tổ chức Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPO). Quan hệ giữa nước ta với Inđônêxia và Xingapo trong những năm qua đã phát triển tốt. Nhiều đoàn cấp cao (Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội) hai bên đã thăm viếng lẫn nhau. Chủ tịch Quốc hội ta đã thăm Inđônêxia tháng 1-1991, Chủ tịch Quốc hội Inđônêxia đã thăm ta tháng 5-1992. Lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội ta thăm Xingapo sau khi Chủ tịch Quốc hội Xingapo đồng thời là Chủ tịch AIPO sang thăm ta và trực tiếp trao giấy mời Chủ tịch Quốc hội ta tham dự khóa họp Đại hội đồng lần thứ 16 của AIPO vào tháng 9-1995.

Cuộc đi thăm lần này của Đoàn là nhằm mục đích tăng cường và phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Quốc hội và nhân dân ta với Quốc hội và nhân dân Inđônêxia và Xingapo. Qua đó, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, văn hóa và khoa học - kỹ thuật. Cuộc thăm hai nước Inđônêxia và Xingapo lần này còn có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ ở khu vực vì ngoài việc thăm chính thức Xingapo, Đoàn còn tham dự lễ kết nạp Quốc hội Việt Nam vào Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á. Nhân cuộc đi thăm này, ta tranh thủ giới thiệu chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta; thông báo về những thành tựu mà nhân dân ta đã đạt được trong công cuộc đổi mới đất nước, đồng thời trao đổi kinh nghiệm trên các lĩnh vực hoạt động của Quốc hội.

II- HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN

1. Tại Inđônêxia:

Đoàn đã đến chào Tổng thống Xuháctô, hội đàm với Chủ tịch Đại hội hiệp thương nhân dân H. Oahônô, gặp và trao đổi ý kiến với Ủy ban liên Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp; thăm một số cơ sở kinh tế, văn hóa, di tích lịch sử ở Thủ đô Giacácta, Băng Đung và Bali.

2. Tại Xingapo:

Đoàn đã đến chào Tổng thống Ong Teng Cheong, hội đàm với Chủ tịch Nghị viện Tan Soo Khoon, gặp và trao đổi ý kiến với Bộ trưởng Ngoại giao S. Giayakuma.

- Dự các phiên họp toàn thể khóa họp lần thứ 16 của Đại hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPO).

- Gặp Chủ tịch Hạ viện Malaixia Tan Sri Đatô Môhamét Dahirơ bin Hagi Ixmain, một số Trưởng đoàn và Phó Trưởng đoàn tham gia khóa họp AIPO.

- Thăm một số cơ sở kinh tế, văn hóa (Nhà máy lọc dầu của Công ty Mobil, Cục Giao thông đường bộ, Cục Phát triển nhà ở và cảng biển Xingapo v.v...).

- Trả lời phỏng vấn một số hãng thông tấn báo chí.

III- MỘT SỐ NỘI DUNG CHÍNH
 TRONG HỘI ĐÀM, TIẾP XÚC

1. Qua các cuộc hội đàm, gặp gỡ tiếp xúc, hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình kinh tế - xã hội ở mỗi nước, về những thành tựu đạt được trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, về hoạt động của Quốc hội và một số vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm.

Lãnh đạo hai nước Inđônêxia và Xingapo đều nhiệt liệt hoan nghênh những thành tựu quan trọng mà nhân dân ta đạt được trong công cuộc đổi mới; bày tỏ tin tưởng vào sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam trong tương lai và đánh giá cao vị trí, vai trò của Việt Nam trong khu vực.

Lãnh đạo hai nước đều ủng hộ chính sách đối ngoại của Việt Nam, nhiệt liệt hoan nghênh việc Việt Nam gia nhập ASEAN và Quốc hội Việt Nam gia nhập AIPO; coi đó là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, tăng cường sức mạnh về mọi mặt của tổ chức này, góp phần củng cố hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, phồn vinh ở khu vực.

2. Phía Inđônêxia nhấn mạnh mối tương đồng trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc ở hai nước và những thành tựu đạt được trong 50 năm qua ở mỗi nước. Hai bên bày tỏ mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống và đẩy mạnh các quan hệ kinh tế sao cho tương xứng với mối quan hệ chính trị vốn đã phát triển tốt đẹp từ lâu.

Tổng thống Xuháctô cho rằng việc phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước là nhiệm vụ chung của cơ quan lập pháp và hành pháp và mọi công dân hai nước. Việc trao đổi kinh tế, tài chính giữa hai nước chưa được nhiều song điều quan trọng là hai nước chân thành giúp đỡ lẫn nhau, học hỏi lẫn nhau và cùng chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng đất nước, trong đó có cả những bài học thành công và thất bại để giúp bạn bè tránh lặp lại những thiếu sót đã mắc phải mà phải trả giá tốn kém. Tổng thống nhấn mạnh, Inđônêxia không cho phép mình để cho Việt Nam mắc những khuyết điểm mà Inđônêxia đã mắc phải và không giấu giếm những thất bại của mình.

Về tình hình khu vực, Tổng thống Xuháctô bày tỏ mong muốn xây dựng Đông Nam Á thành khu vực hòa bình, độc lập, tự do, thịnh vượng và tự cường, không dùng các biện pháp quân sự để giải quyết tranh chấp mà phải giải quyết thông qua thương lượng hòa bình, hợp tác, hữu nghị. Mỗi quốc gia ở Đông Nam Á phải tự bảo đảm nền độc lập của mình, góp phần xây dựng khu vực lớn mạnh và sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xấu có thể xảy ra. Tổng thống cũng cho rằng, kinh tế ở các nước Đông Nam Á còn yếu kém, vì vậy cần đẩy mạnh và tăng cường quan hệ hợp tác để cùng phát triển, đó cũng là mối quan tâm của các nước không liên kết. Quan hệ hợp tác Nam - Nam cũng quan trọng, nhưng phải mở rộng quan hệ hợp tác với các nước phát triển để tranh thủ vốn, kỹ thuật và công nghệ của các nước này.

- Trong buổi trao đổi ý kiến với Ủy ban liên Quốc hội, các đại biểu Quốc hội Inđônêxia tỏ ra quan tâm tới tình hình biển Đông, nhất là vấn đề quần đảo Trường Sa. Phía Inđônêxia bày tỏ mong muốn đóng góp vào quá trình giải quyết tranh chấp thông qua các cuộc thương lượng hòa bình, như tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, gặp gỡ song phương và đa phương để tìm ra những giải pháp thích hợp. Ta đã khẳng định chủ quyền của mình về Trường Sa, Hoàng Sa và nhấn mạnh lập trường của ta trong việc giải quyết vấn đề này thông qua hòa bình, thương lượng. Kiên quyết không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực. Trong khi còn có tranh chấp thì đề nghị giữ nguyên hiện trạng không làm phức tạp thêm tình hình. Phía Inđônêxia đồng tình và tán thành với quan điểm lập trường của ta.

- Bộ trưởng Ngoại giao Inđônêxia Ali Alatát khẳng định rằng giữa Inđônêxia và Việt Nam hiện nay không còn vấn đề gì tồn tại.

- Qua thăm các cơ sở kinh tế ở Inđônêxia, phía Inđônêxia tỏ ý chào hàng muốn giới thiệu với Việt Nam các sản phẩm công nghiệp quốc phòng và hàng không của Inđônêxia.

3. Trong các cuộc trao đổi ý kiến với Tổng thống, Chủ tịch Nghị viện và Bộ trưởng Ngoại giao Xingapo, phía Xingapo khẳng định mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước thông qua nhiều hình thức, nhất là việc trao đổi các Đoàn ở các cấp khác nhau và cho rằng việc Quốc hội Việt Nam trở thành thành viên chính thức của AIPO sẽ rất thuận lợi trong quan hệ hợp tác song phương và đa phương với các nước trong khu vực. Quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước trong những năm gần đây phát triển tốt đẹp. Về quan hệ kinh tế, Xingapo là bạn hàng đang cạnh tranh vị trí số một với Nhật và là nước đứng thứ tư về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, các dự án của Xingapo đều có hiệu quả. Xingapo hứa sẽ tiếp tục khuyến khích các nhà đầu tư Xingapo vào làm ăn tại Việt Nam và thúc đẩy việc đầu tư xây dựng khu công nghiệp Xingapo tại Việt Nam như dự án mà các nhà đầu tư đang tiến hành và hy vọng sẽ thành công.

Tổng thống bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước thông qua việc trao đổi các đoàn cấp cao, các đoàn chuyên viên, các nhà doanh nghiệp hai nước và các cấp khác nhau, kể cả việc tìm ra các hình thức hợp tác thích hợp. Xingapo không có kinh nghiệm gì bí mật, Xingapo sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam. Trên thế giới không thể có hai nước hoàn toàn giống nhau về mọi mặt, bởi vậy việc áp dụng những kinh nghiệm cũng phải điều chỉnh sao cho phù hợp với hoàn cảnh của mỗi nước. Trong hội đàm và tiếp xúc, các vị lãnh đạo cấp cao Xingapo không nêu những thắc mắc như ông Lý Quang Diệu đã nêu ra với lãnh đạo cấp cao Việt Nam.

4. Về khóa họp lần thứ 16 Đại hội đồng AIPO (có báo cáo riêng).

5. Chủ tịch Hạ viện Malaixia trong cuộc gặp Chủ tịch Quốc hội ta đã bày tỏ mong muốn trao đổi Đoàn cấp cao Quốc hội hai nước để trao đổi và học tập kinh nghiệm lẫn nhau, qua đó tạo mối quan hệ gần gũi nhau hơn. Ông cho rằng, nhân dân Việt Nam có truyền thống đoàn kết, có tinh thần yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường cao, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Đó chính là sức mạnh vật chất to lớn đối với sự phát triển đất nước. Chủ tịch Hạ viện Malaixia đã mời Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh dẫn đầu đại biểu Quốc hội Việt Nam sang thăm Malaixia. Chủ tịch Quốc hội ta đã vui vẻ nhận lời.

- Phó Trưởng đoàn Philíppin bày tỏ khâm phục cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam và tự hào là một trong 8 Nghị sĩ Philíppin đã lên tiếng chống việc đưa quân Philíppin sang Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ trước đây.

Về vấn đề Trường Sa, ông nhấn mạnh rằng, có 5 nước tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa; việc giải quyết tranh chấp nên thông qua thương lượng hòa bình. Vấn đề này khó có thể có giải pháp nhanh chóng, khó giải quyết bằng phương pháp đa phương, nhưng với phương pháp song phương thì có thể giải quyết được. Ông gợi ý Việt Nam và Philíppin thành lập tiểu ban  kỹ thuật để nghiên cứu chung.

6. Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh đã mời Chủ tịch Đại hội hiệp thương nhân dân Inđônêxia, Chủ tịch Nghị viện Malaixia và Chủ tịch Hạ viện Philíppin thăm chính thức Việt Nam. Các vị Chủ tịch đều vui vẻ nhận lời.

IV- NHẬN XÉT CHUNG VÀ KIẾN NGHỊ

1. Nhận xét chung:

- Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta thăm chính thức Inđônêxia và Xingapo đồng thời với việc dự lễ kết nạp Quốc hội Việt Nam vào AIPO tại Đại hội đồng lần thứ 16 của AIPO diễn ra ở Xingapo là hoạt động đối ngoại lớn, rất quan trọng có ý nghĩa chiến lược trong quan hệ của Quốc hội Việt Nam với Quốc hội các nước khu vực, được các nước đánh giá cao và hưởng ứng nhiệt liệt.

- Cuộc đi thăm của Đoàn đã đạt được mục đích, yêu cầu đặt ra, qua đó đã tăng cường hiểu biết lẫn nhau và mở ra hướng phát triển mới trong quan hệ hợp tác kinh tế, văn hóa và khoa học - kỹ thuật song phương và đa phương giữa các nước trong khu vực.

- Inđônêxia và Xingapo đều coi trọng chuyến thăm của Đoàn, đón tiếp Đoàn ta trọng thị, hữu nghị, chân tình và chu đáo.

2. Kiến nghị:

a) Việt Nam ta đã từ vị trí quan sát viên, chuyển sang cương vị là thành viên chính thức của AIPO, đây là nhiệm vụ mới rất quan trọng về đối ngoại của Quốc hội, cần có sự tham gia của Ủy ban thường vụ Quốc hội, của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban thường trực và của các đại biểu Quốc hội. Vì vậy, cần xây dựng một đề án chi tiết về chức năng, nhiệm vụ, quy chế của Tổ chức AIPO, về nghĩa vụ và lợi ích của nước thành viên, về tổ chức lực lượng cần thiết của Quốc hội để tham gia hoạt động thường xuyên của AIPO.

b) Ngoài việc thực hiện chức năng giám sát hoạt động của Chính phủ tại ASEAN, cần xây dựng quy chế phối hợp giữa Quốc hội và Chính phủ tại ASEAN và AIPO bảo đảm sự thống nhất hoạt động của Việt Nam tại hai tổ chức trên.

 

TM. UỶ BAN ĐỐI NGOẠI
 KT. Chủ nhiệm
 Phó Chủ nhiệm

TRẦN VĂN PHÁC

 

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội