VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 4 1996-1997


BÁO CÁO
VỀ KẾT QUẢ CUỘC THĂM HỮU NGHỊ
 CHÍNH THỨC NHẬT BẢN CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
VIỆT NAM DO CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NÔNG ĐỨC MẠNH DẪN ĐẦU

 

Nhận lời mời của bà Takakô Dôi, Chủ tịch Hạ nghị viện Nhật Bản, Đoàn đại biểu Quốc hội ta đã đi thăm hữu nghị chính thức Nhật Bản từ ngày 10 đến 17-12-1995. Đoàn gồm có:

- Đồng chí Nông Đức Mạnh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn;

- Đồng chí Vũ Mão, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội;

 - Đồng chí Trần Thị Tâm Đan, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội;

- Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Phượng, đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội;

- Đồng chí Đinh Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, Ủy viên Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội;

- Đồng chí Lê Văn Tu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa.

Cùng đi với Đoàn còn có một số cán bộ và hơn 20 nhà doanh nghiệp.

I- BỐI CẢNH, MỤC ĐÍCH CUỘC THĂM
VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN

1. Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta thăm Nhật Bản trong thời điểm quan hệ hai nước, hai Quốc hội trong những năm gần đây đã có những bước phát triển tốt. Tổng Bí thư Đỗ Mười đã thăm Nhật Bản (tháng 4-1995), Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã thăm Nhật Bản (tháng 3-1993), Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo đã thăm Nhật Bản (tháng 12-1991).

Thủ tướng Nhật Bản đã thăm Việt Nam (tháng 8-1994), Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Yôsiô Xakurauchi với danh nghĩa Chủ tịch Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt cũng đã thăm ta nhiều lần; Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt - Nhật cũng đã thăm Nhật Bản (tháng 7-1995).

Quan hệ kinh tế hai nước cũng phát triển tốt, Nhật đã tăng viện trợ ODA cho ta và vốn đầu tư của Nhật đã lên tới hơn 1,6 tỷ USD (tính đến tháng 8-1995) đứng thứ ba so với các nước đầu tư vào Việt Nam.

2. Mục đích cuộc thăm của Đoàn là nhằm tăng cường và mở rộng hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước và hai Quốc hội. Góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước phát triển lên một bước mới với quy mô rộng lớn hơn, đi vào chiều sâu, có hiệu quả và chất lượng cao hơn. Nhân cuộc thăm này, ta tranh thủ giới thiệu về chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta; về những thành tựu mà nhân dân ta đã đạt được trong công cuộc đổi mới đất nước. Đồng thời, trao đổi kinh nghiệm về các lĩnh vực luật pháp và hoạt động của Quốc hội, hoạt động của các cơ quan dân cử ở địa phương. Tìm hiểu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa truyền thống của Nhật Bản.

3. Hoạt động của Đoàn:

Trong thời gian ở thăm chính thức Nhật Bản, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh đã đến chào xã giao Nhật hoàng Akihitô. Đoàn đã có hai cuộc hội đàm với Chủ tịch Hạ nghị viện Takakô Dôi và Chủ tịch Thượng nghị viện Juro Saito, gặp và trao đổi ý kiến với Thủ tướng Tômiichi Murayama, dự chiêu đãi của Chủ tịch Hạ viện (có nhiều nghị sĩ thuộc các đảng phái chính trị khác nhau tham dự, trong đó có đại diện Đảng Cộng sản).

Đoàn đã có cuộc gặp thân mật với Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt. Cựu Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch danh dự Liên minh Yôsiô Xakurauchi, Chủ tịch Liên minh Kêydô Ôbuchi, Tổng thư ký Kogi Kakidaoa và một số nghị sĩ đã tham gia cuộc gặp.

Đoàn đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi ý kiến với Chủ tịch Liên đoàn Các tổ chức kinh tế Nhật Bản "Kêidanren", một tổ chức kinh tế lớn nhất Nhật Bản, là diễn đàn quan trọng nhất của giới kinh doanh và công thương Nhật Bản. "Kêidanren" có tác động mạnh mẽ đối với việc hoạch định chính sách đối nội, đối ngoại của Chính phủ Nhật Bản cũng như đầu tư trực tiếp của Nhật Bản ra nước ngoài. "Kêidanren" rất quan tâm thúc đẩy quan hệ kinh tế Nhật - Việt.

Đoàn cũng đã có cuộc gặp và trao đổi ý kiến với Hội đồng xúc tiến giao lưu kinh tế Nhật - Việt do Hạ nghị sĩ, Tổng Thư ký Đảng Dân chủ tự do Kôichi Katô chủ trì, có một số nghị sĩ, đại diện Bộ Ngoại giao, Ngoại thương và lãnh đạo một số công ty lớn của Nhật Bản tham dự, trong đó có nhiều người đã sang thăm Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh cũng đã tiếp lãnh đạo Công ty Sumitômô và Chủ tịch Hãng hàng không ANA Kiyôharu Phukatsu (có Hạ nghị sĩ Phukiô Kisiđa tham dự).

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão đã có cuộc gặp làm việc, trao đổi ý kiến với Chủ tịch Uỷ ban điều hành Hạ viện Tanigaki Sadakadu; Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Trần Thị Tâm Đan đã có cuộc gặp làm việc, trao đổi ý kiến với Chủ tịch Ủy ban văn hóa, giáo dục Hạ viện Yanagi Saoahkuô; Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã có cuộc gặp làm việc, trao đổi ý kiến với Phó Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mihara Asahikô và Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản (cùng dự có đồng chí Lê Văn Tu và đồng chí Đinh Trung).

Đoàn đã đến thăm một số cơ sở kinh tế, văn hóa ở thành phố Nagoya và Osaka, tỉnh Kagoshima và Miyazaki, thăm vùng quy hoạch đô thị Makuhari; Trung tâm mậu dịch châu Á - Thái Bình Dương và sân bay quốc tế mới, hiện đại Kansai (ở thành phố Osaka); Nhà máy công cụ Yamazaki và Nhà máy ôtô Tôyôta (ở thành phố Nagoya); Nhà máy sản xuất máy công cụ kỹ thuật cao Kyosela và cơ sở công nghệ thủy tinh truyền thống (ở tỉnh Kagoshima); Nông trại Takachiho, Nhà máy chế biến gỗ và cơ sở sản xuất cây giống (ở tỉnh Miyazaki); Thành cổ Inuyama và Trung tâm văn hóa v.v...

Đoàn đã được lãnh đạo các tỉnh, thành phố và các cơ sở kinh tế văn hóa nói trên đón tiếp trọng thị, chân tình và giới thiệu những kinh nghiệm tổ chức, quản lý nhằm mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở Nhật Bản.

Đoàn cũng đã đến thăm cán bộ, nhân viên Đại sứ quán ta và đại diện học sinh, Việt kiều đang học tập và làm việc tại Nhật Bản.

II- MỘT SỐ NỘI DUNG CHÍNH
TRONG HỘI ĐÀM, TIẾP XÚC

1. Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh đã giới thiệu khái quát về chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta; về những thành tựu đạt được trong công cuộc đổi mới đất nước, về hoạt động lập pháp của Quốc hội, về nội dung và ý nghĩa quan trọng của Hiến pháp năm 1992 và các đạo luật khác nhằm tạo môi trường pháp lý, bảo đảm cho công cuộc đổi mới đất nước tiếp tục phát triển, thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh", "sống và làm việc theo pháp luật". Đánh giá cao việc Nhật Bản ủng hộ chính sách đổi mới và chính sách đối ngoại của Việt Nam, ủng hộ Việt Nam hội nhập với sự phát triển của cộng đồng khu vực và quốc tế; hoan nghênh việc Nhật Bản tăng viện trợ ODA, tăng đầu tư vào Việt Nam và bày tỏ mong muốn thông qua Quốc hội hai nước thúc đẩy hai Chính phủ thực hiện các Hiệp định đã ký kết, tiếp tục tăng cường viện trợ và mở rộng hơn nữa quan hệ kinh tế, giao lưu văn hóa, hợp tác đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển giao công nghệ, khuyến khích các nhà đầu tư Nhật Bản ổn định làm ăn lâu dài tại Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh đã chuyển lời thăm hỏi của Tổng Bí thư Đỗ Mười và các vị lãnh đạo khác của Nhà nước ta đến Nhật hoàng và Thủ tướng Nhật Bản.

2. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản nhiệt liệt hoan nghênh những thành tựu đổi mới và chính sách đối ngoại của Việt Nam; bày tỏ khâm phục trước sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng ở Việt Nam, đánh giá cao vị trí của Việt Nam ở châu Á và vai trò của Quốc hội Việt Nam trong hoạt động lập pháp, đặc biệt là việc Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Bộ luật dân sự, việc đó có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân và cho rằng Việt Nam là một trong các nước xã hội chủ nghĩa có Bộ luật dân sự hoàn chỉnh. Phía Nhật Bản khẳng định tiếp tục ủng hộ chính sách đổi mới ở Việt Nam và hỗ trợ tăng cường hợp tác phát triển, mong muốn trong thời gian gần nhất, Nhật Bản sẽ đứng đầu trong số các nước đầu tư vào Việt Nam.

Phía Nhật Bản bày tỏ mong muốn trao đổi kinh nghiệm trên lĩnh vực luật pháp và sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam, đào tạo cán bộ pháp lý, mong muốn Quốc hội và Chính phủ Việt Nam tạo môi trường pháp lý phù hợp để các nhà doanh nghiệp Nhật Bản vào đầu tư làm ăn được thuận lợi.

3. Về quan hệ hai nước, hai Quốc hội: Hai bên đều bày tỏ vui mừng trước sự phát triển của quan hệ hai nước, hai Quốc hội và quan hệ hợp tác kinh tế phát triển nhanh chóng vì lợi ích của cả hai nước, mong muốn tăng cường và mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, môi trường và đào tạo cán bộ, v.v., trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi và tin cậy lẫn nhau. Về quan hệ hai Quốc hội, ta và phía Nhật Bản đều mong muốn thông qua việc trao đổi đoàn để trao đổi kinh nghiệm về các hoạt động của Quốc hội.

4. Về quan hệ Việt - Trung, Nhật - Trung, một số chính giới Nhật Bản cho rằng hai nước Nhật Bản và Việt Nam, một nước ở Đông - Bắc Á, một nước ở Đông Nam Á nhưng đều có điểm giống nhau là ....

5. Về vấn đề giáo dục, Nhà nước Nhật Bản thực hiện chính sách miễn học phí và cấp sách giáo khoa cho học sinh để thực hiện phổ cập giáo dục, còn xây dựng trường sở thì địa phương đảm nhận 50%, Nhà nước Trung ương tài trợ 50%. Đối với giáo dục đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề thì học sinh đi học đều phải đóng học phí. Còn học bổng thì do nhiều nguồn. Các doanh nghiệp lớn tổ chức các cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ, có trách nhiệm tiếp nhận học sinh đến thực tập miễn phí. Trường tư phát triển nhanh ở cấp đại học, đảm nhận đào tạo tới 2/3 tổng số sinh viên. Nhật Bản mong muốn Việt Nam quan tâm đầu tư cho phát triển giáo dục.

6. Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh đã mời Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện đã vui vẻ nhận lời.

III- VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC NHÀ DOANH NGHIỆP

(Có báo cáo riêng)

Lần đầu tiên có các nhà doanh nghiệp, đại diện một số công ty quốc doanh và tư nhân do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Nhạc phụ trách đi theo Đoàn Chủ tịch Quốc hội. Ngoài các hoạt động  riêng như hội thảo với "Kêidanren", gặp gỡ các đối tác song phương v.v..., các nhà doanh nghiệp có các hoạt động chung với Đoàn chính thức khi đi thăm cơ sở kinh tế và các địa phương. Đây là dịp để các doanh nghiệp ta có điều kiện tiếp cận với một trong ba trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới, tìm kiếm các đối tác và học hỏi kinh nghiệm quản lý kinh tế của Nhật Bản.

IV- NHẬN XÉT CHUNG VÀ KIẾN NGHỊ

1. Nhận xét chung:

- Đoàn đại biểu Quốc hội ta thăm Nhật Bản trong thời điểm quan hệ hai nước đang trên đà phát triển tốt. Cuộc thăm đạt được mục đích và yêu cầu đặt ra, góp phần quan trọng vào việc tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước và hai Quốc hội cả chiều rộng và chiều sâu, trên cơ sở củng cố niềm tin và tăng cường hiểu biết lẫn nhau, đẩy mạnh hợp tác kinh tế cùng có lợi, tạo thế ổn định để phát triển quan hệ lâu dài.

- Việc bố trí thu xếp chương trình để Chủ tịch Quốc hội ta gặp Nhật hoàng, Đoàn hội đàm với Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện, gặp Thủ tướng Chính phủ và Tổng thư ký Đảng Dân chủ tự do, thể hiện phía Nhật Bản rất coi trọng chuyến thăm của Đoàn và đánh giá cao vai trò của Quốc hội trong việc phát triển quan hệ hai nước.

- Việc thu xếp chương trình để Đoàn gặp lãnh đạo Liên đoàn các tổ chức kinh tế "Kêidanren", một tổ chức kinh tế có sức mạnh ở Nhật Bản, gặp Hội đồng xúc tiến giao lưu kinh tế - Nhật - Việt, thăm một số cơ sở kinh tế: vi mạch, tự động hóa, kỹ thuật cao, cơ cấu công - nông nghiệp, lâm nghiệp v.v. thể hiện Nhật Bản muốn giới thiệu những thành tựu kinh tế, giới thiệu các ngành công nghệ mới và cách quản lý của Nhật Bản như việc giới thiệu với Đoàn quy hoạch xây dựng trung tâm mới của Tôkyô để triển khai những ngành công nghiệp kỹ thuật cao vào thế kỷ XXI. Chính phủ Nhật Bản đã có chính sách tài trợ 2/3 kinh phí đầu tư cho phát triển nông nghiệp và trồng rừng.

Phía Nhật Bản muốn thông qua Quốc hội ta để Quốc hội tạo môi trường pháp lý, giảm các thủ tục hành chính rườm rà, ổn định giá cả đất đai... tạo điều kiện thuận lợi để các công ty Nhật Bản ổn định làm ăn lâu dài tại Việt Nam.

- Phía Nhật Bản đánh giá cao và coi trọng chuyến thăm của Đoàn đại biểu Quốc hội ta. Đón tiếp Đoàn ta trọng thị, chân tình và chu đáo, chương trình làm việc phong phú, thiết thực, tạo điều kiện tốt cho Đoàn hiểu biết thêm về tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đất nước và con người Nhật Bản.

2. Kiến nghị:

- Quốc hội và Chính phủ xem xét, ban hành các văn bản pháp luật, tạo môi trường pháp lý thuận lợi nhằm khuyến khích các công ty nước ngoài, trong đó có Nhật Bản đầu tư ổn định lâu dài tại Việt Nam.

- Chính phủ nghiên cứu và quy định về giá cả đất đai cho phù hợp, đồng thời chỉ đạo các cơ quan hữu quan thực hiện tốt cải cách hành chính, bỏ các thủ tục rườm rà gây trở ngại cho việc hợp tác đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam.

 

CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI

 VŨ MÃO

 

 

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội