BÀI PHÁT BIỂU
CỦA CHỦ TỊCH QUỐC HỘI KHÓA VIII
LÊ QUANG ĐẠO
(Tại phiên họp trù bị của kỳ họp thứ nhất,
Quốc hội khóa IX, ngày 16-9-1992)
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Sáng nay, chúng ta bắt đầu công việc trù bị cho kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá IX. Trước hết, thay mặt Quốc hội khóa VIII và nhân danh cá nhân, tôi nhiệt liệt chúc mừng các vị vừa mới trúng cử đại biểu Quốc hội về dự kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa IX.
Theo dự kiến chương trình làm việc của kỳ họp đã được gửi đến các vị đại biểu, kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa IX có tầm quan trọng đặc biệt. Để bảo đảm thực hiện đầy đủ mục đích, yêu cầu đặt ra đối với kỳ họp, tôi xin trình bày một số vấn đề về nội dung chương trình cũng như cách thức tiến hành kỳ họp để các đoàn và các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu, trao đổi và cho ý kiến.
Thứ nhất: Về chương trình làm việc trù bị của Quốc hội:
Dự kiến chương trình đã dành ba ngày (từ ngày 16 đến ngày 18-9-1992) để Quốc hội làm việc trù bị. Quốc hội sẽ nghe đồng chí Chủ tịch Quốc hội khóa VIII giới thiệu về Luật tổ chức Quốc hội; nghe đồng chí Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước giới thiệu về Dự kiến chương trình làm việc của kỳ họp và báo cáo về dự thảo "Quy định một số điểm sửa đổi, bổ sung Nội quy về kỳ họp Quốc hội để áp dụng cho kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IX". Sau đó, các đoàn sẽ họp để chuẩn bị cho phiên họp trù bị vào tối 18-9.
Thứ hai: Về cách thức tiến hành xem xét một số vấn đề quan trọng trong chương trình kỳ họp
1. Bầu cử các cơ quan và các vị lãnh đạo Nhà nước
Tại kỳ họp này, Quốc hội chúng ta sẽ tiến hành bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm và Ủy viên của Hội đồng dân tộc và 7 Uỷ ban của Quốc hội; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về danh sách các Bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ, về các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ và đề nghị của Chủ tịch nước về việc thành lập Hội đồng quốc phòng và an ninh. Đây là nội dung rất quan trọng của kỳ họp này, đòi hỏi phải bố trí đủ thời gian để các đại biểu cân nhắc, suy nghĩ và các đoàn trao đổi kỹ trước khi tiến hành bầu cử. Vì vậy, dự kiến chương trình đã bố trí một ngày rưỡi để các đoàn trao đổi về tổng thể các cơ quan và dự kiến nhân sự bầu vào các chức vụ lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước. Riêng về phê chuẩn danh sách các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, ngoài việc bố trí để các đoàn trao đổi một mức độ nhất định vào thời gian nói trên dự kiến chương trình còn dành một ngày (ngày 29-9-1992) để các đại biểu và các Đoàn đại biểu trao đổi thêm, sau khi Quốc hội đã thông qua Luật tổ chức Chính phủ (sáng 28-9-1992) và Thủ tướng Chính phủ đọc tờ trình đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định về cơ cấu tổ chức của Chính phủ và phê chuẩn nhân sự của Chính phủ (chiều 28-9-1992).
2. Về xem xét các dự án luật:
Căn cứ vào Hiến pháp năm 1992, Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua dự án Luật tổ chức Chính phủ, dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân và dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Đây là những dự án đã được chuẩn bị công phu; đã lấy ý kiến các cấp các ngành và Hội đồng Nhà nước cũng đã nhiều lần xem xét, cho ý kiến chỉnh lý.
Mục đích, yêu cầu của việc thông qua các dự án luật lần này là:
- Về dự án Luật tổ chức Chính phủ, bảo đảm để Chính phủ đủ mạnh, thống nhất quản lý và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Nhà nước. Hoạt động của Chính phủ phải bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ; các vấn đề lớn phải đưa ra Chính phủ bàn để tập thể quyết định theo đa số. Mặt khác, bảo đảm và phát huy vai trò và trách nhiệm của Thủ tướng, Bộ trưởng trong điều hành công việc. Bộ trưởng có trách nhiệm quản lý toàn ngành và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước Quốc hội. Các địa phương và các Bộ khác phải chấp hành quyết định của Bộ trưởng trong ngành và lĩnh vực do Bộ đó quản lý.
Thủ tướng Chính phủ sẽ trình Quốc hội về danh sách các Bộ và các cơ quan thuộc Chính phủ để Quốc hội xem xét, quyết định trước khi phê chuẩn danh sách các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ.
- Về dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân, các quy định trong dự án Luật đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 1992 về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, bên cạnh nhiều vấn đề đã được nhất trí, còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau. Qua nhiều lần cho ý kiến, Hội đồng Nhà nước đồng ý để lại nghiên cứu làm rõ thêm về vấn đề tổ chức Tòa án kinh tế; còn về quản lý Tòa án nhân dân địa phương Dự thảo vẫn giao cho Bộ Tư pháp như hiện nay để trình Quốc hội xem xét và quyết định.
- Về dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, chức năng kiểm sát chung của Viện kiểm sát nhân dân cần quy định thế nào để không trùng lặp với công tác thanh tra của cơ quan thanh tra của Nhà nước, là vấn đề lớn, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến để làm rõ. Đồng thời, cần xác định rõ trong luật chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát là phải thực hiện sự kiểm tra đối với các văn bản quản lý vĩ mô của các cơ quan nhà nước. Qua kiểm tra mà phát hiện những văn bản trái luật đề nghị Quốc hội sửa đổi. Việc kiểm sát cần tập trung kiểm tra những hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quốc kế, dân sinh.
- Ngoài ba dự án luật, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe báo cáo và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật đất đai. Đất đai là vấn đề rất nhạy cảm đối với nhân dân, liên quan trực tiếp đến sự ổn định chính trị của đất nước, vì vậy, việc sửa đổi Luật đất đai năm 1987 cần phải được tiến hành một cách thận trọng, không thể vội vàng, trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc: tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển sản xuất và sử dụng đất đai có hiệu quả, bảo đảm cho những người sống bằng nghề nông thì phải có đất đai để canh tác. Trên tinh thần đó, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực để cơ quan dự thảo chỉnh lý dự án luật và trình Quốc hội cho ý kiến một lần nữa vào kỳ họp sau, sau đó hoàn chỉnh rồi mới tổ chức lấy ý kiến nhân dân.
3. Xem xét báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng về tình hình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước trong 9 tháng đầu năm 1992:
Chỉ còn ba tháng nữa là kết thúc năm 1992 và tại kỳ họp sau vào tháng 12-1992, Quốc hội sẽ đánh giá chung tình hình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước cả năm 1992 và quyết định nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 1993. Vì vậy, tại kỳ họp này, sau khi nghe Hội đồng Bộ trưởng báo cáo, đề nghị Quốc hội tập trung thảo luận, đề ra các biện pháp thiết thực cho việc thực hiện thắng lợi kế hoạch và ngân sách của những tháng còn lại năm 1992; đi sâu phân tích những vấn đề nóng bỏng và cấp bách mà cử tri cả nước hết sức quan tâm, như đời sống, tiền lương, công ăn việc làm, chống tham nhũng, chống buôn lậu và giữ nghiêm phép nước.
4. Về các báo cáo của Hội đồng Nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, dự kiến kỳ họp này chỉ gửi đến các đại biểu nghiên cứu cho ý kiến. Đoàn thư ký sẽ tổng hợp ý kiến của các đại biểu.
*
* *
Thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Quốc hội khóa VIII đã hoàn thành nhiệm vụ của mình và từ thực tiễn hoạt động đã rút ra kinh nghiệm quý báu là: Hiệu quả hoạt động của Quốc hội gắn liền với việc tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội, gắn với việc không ngừng đổi mới tổ chức và lề lối làm việc, mở rộng dân chủ trong sinh hoạt của Quốc hội và tăng cường thông tin cho nhân dân về các hoạt động của Quốc hội. Đồng thời, cần nâng cao trách nhiệm và đẩy mạnh hoạt động của đại biểu, bảo đảm các điều kiện và phương tiện làm việc cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.
Tôi tin tưởng rằng các vị đại biểu Quốc hội khóa IX dưới sự lãnh đạo của Đảng sẽ phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm của Quốc hội khóa VIII, sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của mình, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân. Trước mắt, bằng trí tuệ của mình góp phần làm cho kỳ họp đầu tiên - kỳ họp mở đầu cho hoạt động của Quốc hội khóa IX thành công tốt đẹp.
Xin chúc các vị đại biểu Quốc hội mạnh khỏe.
Chân thành cám ơn các vị đại biểu Quốc hội.
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội