Hiến pháp 1946: Quyền dân tộc và quyền dân chủ, tự do
và bình đẳng xã hội là động lực tiến hóa của Việt Nam
PGS. Lê Mậu Hãn
Đại học Quốc gia Hà Nội
1. Tổng tuyển cử bầu Quốc hội và tiến trình soạn thảo Dự án Hiến pháp
Cuộc tổng khởi nghĩa dân tộc tháng Tám 1945 thắng lợi. Chính quyền cách mạng đã được thành lập trong cả nước từ cơ sở đến Trung ương. Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã được thành lập. Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ công bố bản Tuyên ngôn độc lập, long trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới: “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Việt Nam là một nước có ngàn năm văn hiến. Nhân dân Việt Nam có ý chí độc lập và khát vọng tự do, đã anh dũng đấu tranh, nổi dậy giành chính quyền từ tay Nhật, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít, dân tộc đó phải được tự do, phải được độc lập. Vì lẽ đó: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám và sự thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã mở ra một kỷ nguyên mới trong tiến trình lịch sử tiến hoá của dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, tự do.
Vận mệnh độc lập, tự do của dân tộc vừa mới giành lại được đang đứng trước tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Nhiệm vụ cấp bách của dân tộc Việt Nam lúc này là phải củng cố chính quyền cách mạng, chính thức xác lập quyền hợp hiến; chống thực dân Pháp xâm lược; bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân.
Ngày 3-9-1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đề ra sáu nhiệm vụ cấp bách, trong đó có nhiệm vụ xây dựng tổ chức nhà nước, tổ chức tổng tuyển cử bầu Quốc hội để ấn định cho Việt Nam một Hiến pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị với Chính phủ: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do, dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống v.v...” Lời đề nghị của Người có ý nghĩa như một tuyên bố lập hiến của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Thực hiện lời tuyên bố lập hiến đó, ngày 8-9-1945, Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thay mặt Chủ tịch Chính phủ ký Sắc lệnh số 14/SL quy định trong thời gian hai tháng kể từ ngày ký Sắc lệnh này sẽ mở cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất thay mặt toàn dân để ấn định cho nước Việt Nam một Hiến pháp dân chủ cộng hoà. Ngày 26-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 39/SL thành lập Uỷ ban dự thảo thể lệ tổng tuyển cử và ngày 17-10-1945 ký Sắc lệnh số 51/SL quy định tổng tuyển cử bằng cách phổ thông đầu phiếu… Đây là những văn bản pháp lý quan trọng về quyền dân chủ của công dân tự mình lựa chọn, bầu những đại diện làm chủ của mình vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà.
Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó.
Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”.
Quá trình chuẩn bị tổng tuyển cử diễn ra khẩn trương, trong điều kiện vừa kháng chiến ở miền Nam, vừa phải giải quyết các nhiệm vụ chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội và ngoại giao. Đây là một cuộc đấu tranh rất gay go và phức tạp, phải vượt qua mọi khó khăn để giành cho kỳ được thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử.
Ngày 6-1-1946, cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội lập hiến đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã diễn ra thắng lợi trong toàn quốc.
Cùng với việc đẩy mạnh cuộc vận động, tổ chức tổng tuyển cử, ngày 20-9-1945, Chính phủ đã ban hành Sắc lệnh số 34/SL lập Uỷ ban dự thảo Hiến pháp gồm có: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thuỵ, Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu. Căn cứ vào thực tiễn của đất nước, tham khảo Hiến pháp của một số nước Âu - Mỹ, Uỷ ban đã khẩn trương soạn thảo trong thời gian hơn một tháng và đệ trình để Chính phủ thảo luận, góp ý, sửa chữa, hoàn chỉnh bản dự thảo.
Bản dự thảo Hiến pháp được soạn thảo ngắn gọn, súc tích đã nêu rõ tính chất dân tộc và dân chủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, một nhà nước của dân tộc, do dân tộc và vì dân tộc; một nhà nước dân tộc thống nhất, quyền bính trong nước thuộc về nhân dân với cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội và cơ quan hành chính cao nhất là Chính phủ; quyền hạn của Chính phủ tập trung vào Chủ tịch nước; về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân...
Ngày 10-11-1945 bản Dự án Hiến pháp đã được công bố trên báo Cứu quốc và cùng với 30.000 phụ trương về Dự án đó được gửi về tận các làng xã để nhân dân bàn thảo, bổ sung. Uỷ ban nghiên cứu kế hoạch kiến thiết quốc gia được thành lập ngày 31-12-1945 theo Sắc lệnh số 78/SL có 50 thành viên là những nhân sĩ, trí thức cũng đã soạn thảo một Dự án Hiến pháp đệ trình với Chính phủ. Đây là một đóng góp tích cực của các nhân sĩ, trí thức đối với nhiệm vụ chuẩn bị xây dựng Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ngày 2-3-1946, kỳ họp thứ nhất của Quốc hội đã được khai mạc, Quốc hội đã công nhận
Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, Kháng chiến uỷ viên hội do Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch và Vũ Hồng Khanh làm Phó Chủ tịch, Cố vấn đoàn do Cố vấn tối cao Vĩnh Thuỵ đảm nhận. Chính phủ liên hiệp kháng chiến đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh do Quốc hội - cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân Việt Nam, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất công nhận là một chính phủ chính thức, hợp pháp. Quốc hội “trao quyền bính cho chính quyền ấy”, thực hiện triệt để nhiệm vụ thống nhất các lực lượng của quốc dân về phương diện quân sự, tuyên truyền cũng như về phương diện hành chính, tư pháp, tổng động viên nhân lực và tài sản của quốc gia theo nhu cầu của tình thế, để đưa kháng chiến đến thắng lợi, nước nhà đến độc lập hoàn toàn. Chính phủ liên hiệp kháng chiến phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội và toàn thể quốc dân. Quốc hội đã quy định nhiệm vụ và bầu Ban Thường trực Quốc hội gồm 15 uỷ viên chính thức và ba uỷ viên dự khuyết do Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban và hai Phó Trưởng ban là Phạm Văn Đồng và Cung Đình Quỳ.
Quốc hội đã lập Ban dự thảo Hiến pháp của Quốc hội gồm 11 thành viên là: Tôn Quang Phiệt, Trần Duy Hưng, Huỳnh Bá Nhung, Trần Tấn Thọ, Nguyễn Cao Hách, Đỗ Đức Dục, Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Đào Hữu Dương, Phạm Gia Đỗ và Nguyễn Thị Thục Viên. Ban có nhiệm vụ dự thảo bản Hiến pháp và nghiên cứu cả Quốc kỳ và Quốc ca. Trong lúc chờ đợi, lá cờ đỏ sao vàng vẫn là Quốc kỳ và bài Tiến quân ca là Quốc ca.
Thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử (6-1-1946) và kỳ họp thứ nhất của Quốc hội (2-3-1946) là một bước phát triển về thể chế dân chủ của nước Việt Nam mới; một nhà nước pháp quyền của dân tộc, do dân tộc và vì dân tộc. Chính phủ có đầy đủ uy tín và hiệu lực pháp lý để điều hành đất nước, đã triển khai mọi hoạt động trên tất cả các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, giáo dục, văn hoá, xã hội vì lợi ích tối cao của toàn dân tộc là độc lập, tự do, sớm mang lại hạnh phúc thực tế cho mọi người dân trong điều kiện đất nước đang gặp muôn vàn khó khăn. Đó là một kỳ tích của chế độ dân chủ cộng hoà Việt Nam, là sức mạnh để giữ vững chính quyền cách mạng, để kháng chiến và kiến quốc.
Chính trong bối cảnh đó, kỳ họp thứ hai của Quốc hội đã họp ở Hà Nội từ 28 tháng 10 đến 9-11-1946. Đây là một kỳ họp dài ngày, diễn ra sôi nổi, thảo luận dân chủ, thẳng thắn, có khi gay go song cuối cùng đã đi đến thống nhất. Đúng như lời tổng kết của cụ Tôn Đức Thắng, Trưởng đoàn Chủ tịch kỳ họp của Quốc hội đã nói: “Nếu ai có thành kiến của giai cấp, của đảng phái, của tôn giáo, thì vào đến trong phòng họp này, chúng ta cũng đã để lòng nghe theo một tiếng gọi cao cả và thiêng liêng hơn cả bấy nhiêu tiếng gọi lúc thường: tiếng gọi của Tổ quốc. Cái không khí ấy đã hoàn toàn phản chiếu được tình trạng của của đất nước.., tình trạng thống nhất ý chí và hành động”.
Dân tộc trên hết! Tổ quốc trên hết! Đó là mục tiêu cao cả, ý chí của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và của toàn dân Việt Nam hàm ẩn trong chiều sâu nội dung lời tuyên bố đầy tâm huyết và trí tuệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước Quốc hội, trước quốc dân và thế giới: “Tôi chỉ có một đảng, đảng Việt Nam”- một Tổ quốc Việt Nam độc lập, tự do và thống nhất.
Quốc hội đã giao phó cho Hồ Chí Minh đứng ra thành lập chính phủ mới. Chính phủ gồm 14 thành viên do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Đây thực sự là một chính phủ tỏ rõ tinh thần quốc dân liên hiệp, tập hợp nhân tài, chú trọng thực tế, nỗ lực làm việc, liêm khiết, quyết đi vào mục đích tranh thủ quyền độc lập và thống nhất lãnh thổ, kiến thiết một nước Việt Nam mới.
Ban Thường trực mới được Quốc hội bầu lại gồm 18 thành viên do Bùi Bằng Đoàn làm Trưởng ban và hai Phó Trưởng ban là Tôn Đức Thắng và Tôn Quang Phiệt.
Quốc hội đã thảo luận bản Dự án Luật Lao động do Nguyễn Văn Tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động thay mặt Chính phủ đọc tờ trình. Dự án luật đã được Ban Thường trực Quốc hội, Tổng Liên đoàn Lao động cùng với Viện Thương mại tham gia ý kiến. Trong điều kiện ở nước ta, nền kinh tế cần được phát triển, nên phải dung hoà quyền lợi của nghiệp chủ và của người lao động để kiến thiết nước nhà. Tinh thần của Luật Lao động lúc này không khuếch trương đấu tranh giữa người lao động với chủ xí nghiệp mà phải đoàn kết, dung hoà quyền lợi của đôi bên. Bản Dự án Luật Lao động đã được Quốc hội thông qua để đặt nền móng cho Bộ luật Lao động mà Chính phủ đang soạn thảo.
Về Hiến pháp, căn cứ vào bản Dự án Hiến pháp của Chính phủ và bản Dự thảo Hiến pháp của Uỷ ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết quốc gia của Chính phủ, tập hợp những kiến nghị của nhân dân, đồng thời tham khảo hiến pháp của một số nước Âu, Mỹ, Tiểu ban dự thảo Hiến pháp của Quốc hội đã soạn thảo xong Dự án Hiến pháp để trình Quốc hội. Ngày 29-10-1946, Quốc hội quyết định mở rộng thêm 10 vị đại diện của các nhóm, đại biểu trung lập, đại biểu Nam Bộ, đại biểu đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia vào Tiểu ban dự thảo Hiến pháp để tu bổ và hoàn chỉnh bản Dự thảo Hiến pháp. Đỗ Đức Dục thay mặt Tiểu ban đã thuyết trình trước Quốc hội bản Dự thảo Hiến pháp đã được tu chỉnh. Đại diện các nhóm đảng trong Quốc hội: Mác-xít, Dân chủ, Xã hội, Việt Minh, Việt Cách, Việt Quốc đã lần lượt phát biểu, nêu những ưu điểm cơ bản, tính chất tiến bộ của Hiến pháp và góp thêm một số ý kiến cụ thể và cuối cùng đều tán thành dự thảo. Riêng Trần Trung Dung và Phạm Gia Đỗ, đại biểu của phái Việt Quốc tuy cũng tán thành dự án song không đồng ý về chế độ một viện với lý do dân Việt Nam chưa hiểu biết nhiều về chính trị (!) nên chế độ một viện không thích hợp với Việt Nam và một viện là “độc tài của đa số”(!). Cuộc tranh luận về vấn đề chế độ một viện diễn ra sôi nổi và có lúc gay gắt…
Qua nhiều buổi thảo luận và tranh cãi sôi nổi để bổ sung sửa đổi từng điều cụ thể, ngày 9-11-1946, Quốc hội đã nhất trí thông qua Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với 240 đại biểu trên tổng số 242 đại biểu có mặt (hai đại biểu không tán thành là Nguyễn Sơn Hà và Phạm Gia Đỗ). Toàn thể đại biểu Quốc hội đều đứng lên nghiêm trang chào cờ đỏ sao vàng, ngọn cờ thiêng liêng của Tổ quốc và đồng thanh hát bài “Tiến quân ca”, Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã được chính thức ghi trong Điều 3 của Hiến pháp.
Bản Hiến pháp được Quốc hội thông qua và Quốc hội cũng đã quyết định không đưa Hiến pháp ra trưng cầu ý kiến của nhân dân nữa. Bản Hiến pháp đã trở thành chính thức có hiệu lực từ ngày 9-11-1946. Song do cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp đang lan rộng, nguy cơ bùng nổ cuộc chiến tranh trong toàn quốc ngày càng đến gần, nên chưa ban hành Hiến pháp bằng một Sắc lệnh và chưa thi hành Hiến pháp ngay lúc bấy giờ. Việc bầu ra Nghị viện nhân dân theo quy định của Hiến pháp chưa thể tổ chức ngay được.
Quốc hội đã quyết định giao cho Ban Thường trực Quốc hội nhiệm vụ phải giúp ý kiến và phê bình Chính phủ, cùng với Chính phủ quy định việc thi hành Hiến pháp, quyết định tuyên chiến hay đình chiến hoặc ký hiệp ước với nước ngoài. Chính phủ phải dựa vào những nguyên tắc đã định trong Hiến pháp để ban hành các đạo luật… Với các quyết định trên, Quốc hội phải tiếp tục hoạt động, gánh vác trách nhiệm mới, làm nhiệm vụ lập hiến và lập pháp.
2. Về quyền dân tộc và quyền dân chủ tự do, bình đẳng xã hội
Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà năm 1946 phản ánh rõ rệt thắng lợi của cuộc đấu tranh dân tộc và dân chủ lâu dài, gian khổ, hy sinh của dân tộc Việt Nam, trực tiếp là thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc tháng Tám 1945. Thắng lợi đó là sự hiện thực hoá vào cuộc sống đấu tranh của dân tộc học thuyết giải phóng và phát triển vì độc lập, tự do, và quan điểm thần linh pháp quyền, lập hiến, lập pháp của Hồ Chí Minh. Học thuyết chính trị đó của Hồ Chí Minh là cở sở để Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra đường lối, chủ trương và tổ chức thực hiện trong quá trình vận động và tổ chức thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Quyền dân tộc, dân chủ tự do của toàn dân đã được kết hợp thực thi và phát huy sức mạnh vĩ đại của nó ngay trong đêm trước cuộc tổng khởi nghĩa, trong năm đầu của chính quyền cách mạng và được ghi vào đạo luật cơ bản đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hoà - Hiến pháp 1946.
a) Về quyền dân tộc của Việt Nam:
Việt Nam là một nước “vốn xưng nền văn hiến đã lâu”, “Núi sông bờ cõi đã chia”, “Núi sông nước Nam thì vua Nam ngự trị”. Dân Việt Nam có truyền thống đoàn kết dân tộc lâu đời, có ý chí độc lập và khát vọng tự do. Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của chiến đấu để giữ vững độc lập, chủ quyền thống nhất và xây dựng đất nước. Hồ Chí Minh sớm tổng kết giá trị của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam, coi đó là động lực vĩ đại và duy nhất của đời sống xã hội của Việt Nam trong tiến trình lịch sử.
Trong những năm 1940-1945, ách thống trị của Pháp - Nhật đối với các dân tộc ở Đông Dương quá nặng nề. Vấn đề sinh tử, tồn vong của dân tộc Việt Nam được đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết. Ban Chấp hành Trung ương Đảng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hồ Chí Minh đã thay đổi chiến lược cách mạng, coi cách mạng nước ta lúc này là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giành lại độc lập, tự do, kiến lập một nhà nước dân chủ không phải thuộc quyền riêng một giai cấp nào mà là của chung toàn thể dân tộc. Chính phủ cách mạng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do quốc dân đại hội cử ra.
Đến giữa tháng 8 - 1945, thời cơ cách mạng ngàn năm có một để giành chính quyền đã đến. Quốc dân đại hội Tân Trào đã tán thành chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền. Quốc dân đại hội Tân Trào đã tán thành chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền từ tay quân Nhật, dùng địa vị cầm quyền mà tiếp quân Đồng minh vào giải giáp quân Nhật trên đất nước ta.
Quốc dân đại hội nhất trí quyết nghị: Hiệu triệu nhân dân toàn quốc thực hiện giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trên nền tảng hoàn toàn độc lập; ban bố các quyền của dân, do dân: nhân quyền, tài quyền (quyền sở hữu), dân quyền, quyền phổ thông đầu phiếu, quyền tự do dân chủ (tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, ngôn luận, hội họp, đi lại), dân tộc bình quyền, nam nữ bình đẳng...
Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam tức là Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do quốc dân đại hội cử ra trước khi thành lập một chính phủ chính thức, có nhiệm vụ thay mặt quốc dân để giao thiệp với các nước ngoài và chủ trì mọi công việc trong nước.
Đây là một quyết sách sáng tạo của Hồ Chí Minh được thực thi ngay đêm trước của cuộc tổng khởi nghĩa bằng việc kết hợp sức mạnh dân tộc với tính hợp pháp của sự nghiệp đấu tranh giành quyền độc lập, tự do, kiến lập chế độ Cộng hoà Dân chủ Việt Nam, một nhà nước pháp quyền với cơ quan có tính chất quyền lực cao nhất lúc này là Đại hội đại biểu quốc dân và Uỷ ban dân tộc giải phóng, tức là Chính phủ lâm thời, cơ quan hành chính cao nhất do Đại hội đại biểu quốc dân cử lên.
Cách mạng tháng Tám thành công. Uỷ ban dân tộc giải phóng tự cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Ngày 2-9-1945, thay mặt Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”, tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra đời.
Tuyên ngôn độc lập khẳng định quyền dân tộc bình đẳng của các nước là bất khả xâm phạm. Đó là: “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Quyền độc lập tự do của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là sản phẩm của cuộc đấu tranh cách mạng của toàn dân Việt Nam để thực hiện quyền dân tộc thiêng liêng của mình và phù hợp với các nguyên tắc dân tộc bình đẳng đã được các nước Đồng minh công nhận ở các hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn. “Tuyên ngôn độc lập” là một văn kiện pháp lý quan trọng đầu tiên của Chính phủ khẳng định về quyền độc lập và tự do của dân tộc Việt Nam.
Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngay từ kỳ họp thứ nhất (2-3-1946) đã trịnh trọng tuyên bố vời quốc dân đồng bào và với thế giới:
“Chủ quyền của nước Việt Nam độc lập thuộc về toàn thể nhân dân Việt Nam”.
“Chính thể của nước Việt Nam là chính thể dân chủ cộng hoà, có nhiệm vụ bảo vệ tự do và mưu đồ hạnh phúc cho mọi tầng lớp nhân dân”.
“Quốc hội Việt Nam kiên quyết bảo vệ đến cùng nền độc lập và lãnh thổ của quốc gia và quyền tự do cho nhân dân Việt Nam”.
Quyền dân tộc thiêng liêng của nhân dân Việt Nam là Độc lập, Tự do. Chính thể dân chủ cộng hoà, quyền lực của toàn dân và nghĩa vụ của công dân Việt Nam đã được quy thành các điều quan trọng hàng đầu của Hiến pháp 1946.
Lời nói đầu của Hiến pháp đã ghi rõ:
Cuộc cách mạng tháng Tám đã giành lại chủ quyền cho đất nước, tự do cho nhân dân và lập ra nền dân chủ cộng hoà.
Nhiệm vụ của dân tộc ta trong giai đoạn này là bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ.
Được quốc dân giao phó trọng trách thảo Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Quốc hội nhận thấy rằng Hiến pháp Việt Nam phải ghi lấy những thành tích vẻ vang của cách mạng và phải xây dựng trên những nguyên tắc sau:
“Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo.
Đảm bảo các quyền tự do dân chủ.
Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân”.
Căn cứ vào nhiệm vụ của dân tộc trong giai đoạn lịch sử lúc bấy giờ và nguyên tắc đã được xác định, Hiến pháp nêu rõ:
“Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa”
Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo” (Điều 1).
“Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất Trung Nam Bắc không thể phân chia” (Điều 2).
Lá cờ đỏ sao vàng năm cánh là ngọn cờ khởi nghĩa của nhân dân Nam kỳ năm 1940 đã trở thành ngọn cờ hiệu của Mặt trận Việt Minh ra đời năm 1941. Chương trình của Việt Minh đã ghi rõ: Sau khi đánh đuổi được đế quốc Pháp, Nhật, chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Quốc dân đại hội cử ra sẽ lấy lá cờ đỏ, giữa có ngôi sao vàng năm cánh làm lá cờ toàn quốc. Ngọn cờ đỏ được Quốc dân đại hội Tân Trào nghiêm trang đứng chào, nhân dân cả nước giương cao trong cuộc tổng khởi nghĩa dân tộc tháng Tám 1945 và hiển nhiên trở thành ngọn cờ của Tổ quốc. Tám ngày sau khi Bảo Đại ra tuyên cáo thoái vị và ba ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra đời, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thay mặt Chính phủ đã ký Sắc lệnh số 5/SL bãi bỏ cờ que ly của chính quyền Bảo Đại trước đây và ấn định Quốc kỳ Việt Nam hình chữ nhật, chiều ngang bằng 2/3 chiều dài; nền cờ màu đỏ, ở giữa có ngôi sao năm cánh màu vàng tươi. Lá cờ đỏ sao vàng đó đã nhuốm bao nhiêu máu của chiến sĩ Việt Nam ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, đã đi từ Á sang Âu lại từ Âu sang Á, tới đâu, cũng được chào kính cẩn - Vì vậy, lá cờ cách mạng thiêng liêng đó đã được quốc dân nhất trí chọn và ghi vào Điều 3 của Hiến pháp:
“Cờ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nền đỏ, giữa có sao vàng năm cánh” và “Quốc ca là bài Tiến quân ca”, “Thủ đô đặt ở Hà Nội”.
b) Nghĩa vụ và quyền lợi của công dân:
Độc lập, chủ quyền thống nhất của dân tộc gắn liền với dân chủ tự do, dựa vào khối sức mạnh đại đoàn kết dân tộc với một chính quyền của toàn dân được xây dựng mạnh mẽ, sáng suốt, biết làm việc nhằm phấn đấu để đưa nước Việt Nam đến độc lập hoàn toàn và thống nhất để tiến bước trên con đường vinh quang và hạnh phúc cùng nhịp với trào lưu tiến hoá của thế giới. Mọi công dân Việt Nam đều bình đẳng được hưởng quyền lợi và có nghĩa vụ đối với Tổ quốc. Nước ta vừa giành lại độc lập, tự do song nền độc lập của dân tộc chưa được hoàn toàn. Đế quốc Pháp đã trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai. Cuộc chiến tranh xâm lược của chúng đang mở rộng ở Nam Bộ, nam phần Trung Bộ và đang rắp tâm chuẩn bị mở rộng ra cả nước. Vì vậy, Hiến pháp đã đặt ra nghĩa vụ của công dân Việt Nam trước quyền lợi của công dân. Điều 4 và Điều 5 của Hiến pháp ghi:
“Mỗi công dân Việt Nam phải:
+ Bảo vệ Tổ quốc
+ Tôn trọng Hiến pháp
+ Tuân theo pháp luật”
“Công dân Việt Nam có nghĩa vụ phải đi lính”
Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ cao cả thiêng liêng của mỗi công dân, của mọi người Việt Nam yêu nước. Nước có độc lập thì dân mới được tự do, hạnh phúc. Nghĩa vụ luôn luôn gắn liền với quyền lợi. Khi quyền lợi của mọi công dân được quy định bằng pháp luật và được thực thi sẽ phát huy mạnh mẽ sức mạnh bảo vệ Tổ quốc của toàn dân. Chính vì vậy, Hiến pháp đã quy định: “Tất cả mọi công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hoá” (Điều 6), “đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tuỳ theo tài năng và đức hạnh của mình” (Điều 7); “những quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung” (Điều 8); “đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện” (Điều 9).
Để bảo đảm quyền lực nhà nước là của toàn dân tộc, Hiến pháp quy định chế độ bầu cử là phổ thông đầu phiếu và bỏ phiếu phải được tự do, trực tiếp và kín (Điều 17). Tất cả mọi công dân Việt Nam, từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt gái trai, đều có quyền bầu cử, trừ những người mất trí và những người mất công quyền (Điều 18). Nhân dân có quyền bãi miễn các đại biểu mình bầu ra (Điều 20); có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia (Điều 21).
Về quyền tự do, Hiến pháp thừa nhận công dân Việt Nam đều có quyền: tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra ngoài nước (Điều 10). Khi chưa có quyết định của tư pháp thì không được bắt bớ và giam cầm công dân Việt Nam. Nhà ở và thư tín của công dân Việt Nam không ai được xâm phạm một cách trái pháp luật (Điều 11).
Về kinh tế, quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm (Điều 12). Quyền lợi các giới cần lao trí thức và chân tay được bảo đảm (Điều 13). Những công dân già cả hoặc tàn tật không làm được việc thì được giúp đỡ. Trẻ con được săn sóc về mặt giáo dưỡng (Điều 14).
Về giáo dục, nền sơ học cưỡng bách và không học phí. Ở các trường sơ học địa phương, quốc dân thiểu số có quyền học bằng tiếng của mình. Học trò nghèo được Chính phủ giúp. Trường tư được mở tự do và phải dạy theo chương trình nhà nước (Điều 15).
c) Hệ thống bộ máy nhà nước dân chủ cộng hoà
Hệ thống bộ máy nhà nước dân chủ cộng hoà Việt Nam được quy định cụ thể ở Chương III (Nghị viện nhân dân), Chương IV (Chính phủ), Chương V (Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính), Chương VI (Cơ quan tư pháp).
Các quy định về tổ chức, Nghị viện nhân dân có một Ban Thường vụ trong đó có Trưởng Ban và Phó Trưởng Ban Thường vụ. Khi Nghị viện không họp được, Ban Thường vụ có quyền: a/ Biểu quyết những dự án sắc luật của Chính phủ b/ Triệu tập Nghị viện nhân dân. c/ Kiểm soát và phê bình Chính phủ (Điều 36). Và “cùng với Chính phủ có quyền quyết định tuyên chiến hay đình chiến”(Điều 38).
Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc (Điều 42). Chính phủ gồm có Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch và Nội các.
Chủ tịch nước được chọn trong Nghị viện và phải được hai phần ba tổng số nghị viên bỏ phiếu thuận, được giữ nhiệm kỳ trong thời hạn năm năm và có thể được bầu lại.
Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có quyền:
“a/ Thay mặt cho nước. b/ Giữ quyền Tổng chỉ huy quân đội toàn quốc, chỉ định hoặc cách chức các tướng soái trong lục quân, hải quân, không quân. c/ Ký sắc lệnh bổ nhiệm Thủ tướng, nhân viên Nội các và nhân viên cao cấp thuộc các cơ quan Chính phủ. d/ Chủ toạ Hội đồng Chính phủ. đ/ Ban bố các đạo luật đã được Nghị viện quyết định. e/ Thưởng huy chương và các bằng cấp danh dự. g/ Đặc xá. h/ Ký hiệp ước với các nước. i/ Phái đại biểu Việt Nam đến nước ngoài và tiếp nhận đại biểu ngoại giao của các nước. k/ Tuyên chiến hay đình chiến như Điều 38 đã định (Điều 49). Chủ tịch nước Việt Nam không phải chịu một trách nhiệm nào, trừ khi phạm tội phản quốc”.
Nội các của Chính phủ có Thủ tướng, các Bộ trưởng, Thứ trưởng và có thể có Phó Thủ tướng. Thủ tướng do Chủ tịch nước chọn trong Nghị viện và được Nghị viện biểu quyết. Thủ tướng chọn các Bộ trưởng trong Nghị viện và đưa ra Nghị viện biểu quyết toàn thể danh sách... Những thành viên của Ban Thường vụ Nghị viện không được tham gia vào Chính phủ.
Chính phủ có quyền hạn: a/ Thi hành các đạo luật và quyết nghị của Nghị viện. b/ Đề nghị những dự án luật ra trước Nghị viện. c/ Đề nghị những dự án luật ra trước Ban Thường vụ, trong lúc Nghị viện không họp mà gặp trường hợp đặc biệt. d/ Bãi bỏ những mệnh lệnh và nghị quyết của cơ quan cấp dưới nếu cần. đ/ Bổ nhiệm hoặc cách chức các nhân viên trong các cơ quan hành chính hoặc chuyên môn. e/ Thi hành luật động viên và mọi phương sách cần thiết để giữ gìn đất nước. g/ Lập dự án ngân sách hàng năm (Điều 52).
Bộ trưởng nào không được Nghị viện tín nhiệm thì phải từ chức. Toàn thể Nội các không phải chịu liên đới trách nhiệm về hành vi của một Bộ trưởng. Thủ tướng phải chịu trách nhiệm về con đường chính trị của Nội các.
Việc xây dựng hệ thống toà án ở các cấp, hoạt động thực thi pháp luật, thực hiện tính pháp trị của chế độ dân chủ cộng hoà được xúc tiến khá sớm. Hệ thống tổ chức các toà án và ngành thẩm phán đã được Chính phủ quy định theo Sắc lệnh số 13/SL ngày 24-1-1946. Trong Hiến pháp 1946, cơ quan tư pháp đã được quy định ở Điều 63. Theo đó, cơ quan tư pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gồm có: a/ Toà án tối cao. b/ Các toà án phúc thẩm. c/ Các toà án đệ nhị cấp và sơ cấp. Các viên thẩm phán đều do Chính phủ bổ nhiệm. Các phiên toà đều phải công khai, trừ trường hợp đặc biệt. Người bị cáo được quyền tự bào chữa hoặc nhờ luật sư. Không được tra tấn, đánh đập, ngược đãi những bị cáo và tội nhân. Trong khi xét xử, các thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan không được can thiệp. Từ những sắc lệnh đầu tiên của Chính phủ đến Hiến pháp 1946 thì cơ quan tư pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà giữ vị trí quan trọng trong việc bảo vệ chế độ dân chủ, bảo vệ công lý và công bằng xã hội và lợi ích hợp pháp của công dân. Nội dung các văn kiện đó, mà tiêu biểu là Hiến pháp 1946 đã thể hiện tính nhất quán về nguyên tắc xét xử khách quan, công bằng, dân chủ của cơ quan toà án Việt Nam.
Hiến pháp cũng đã quy định về hệ thống tổ chức và quyền hạn của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp và những điều quy định về sửa đổi Hiến pháp.
3. Một vài ngẫm suy
Hiến pháp 1946 - Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước Việt Nam là một Hiến pháp dân tộc, dân chủ phản ánh rõ thắng lợi của cách mạng Việt Nam và phù hợp với những giá trị dân chủ, nhân văn của thời đại mới mang đậm dấu ấn Việt Nam.
Điều nổi bật hàng đầu của Hiến pháp là khẳng định quyền dân tộc độc lập, chủ quyền, thống nhất lãnh thổ của nước Việt Nam. Độc lập dân tộc và tự do của nhân dân là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm, là sản phẩm của lịch sử đấu tranh oanh liệt của dân tộc Việt Nam mang tính pháp quyền của nhân loại như tư tưởng về quyền của các dân tộc đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra trong “Tuyên ngôn Độc lập” ngày 2- 9-1945. Chính đó là động lực vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do và quyết tâm đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy. Chính các nhà quân sự giỏi của Pháp bị thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đã rút ra bài học là không thể dùng sức mạnh sắt thép để đánh bại chủ nghĩa dân tộc, ý chí độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam. Chính phủ Pháp phải chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình trên cơ sở cùng các nước tham dự hội nghị Giơnevơ trong đó có đại diện Chính phủ Trung Quốc, Liên Xô, Hoa Kỳ, Anh... đã chính thức cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của dân tộc Việt Nam (bao gồm cả Lào và Campuchia) là độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Hiến pháp đã quy định về thể chế dân chủ cộng hoà, một chế độ trong đó quyền lực thuộc về nhân dân, đảm bảo quyền bình đẳng, dân chủ tự do cho mọi công dân không phân biệt nam nữ, ưu đãi với đồng bào các dân tộc thiểu số... Tính chất ưu việt của chế độ mới không chỉ ghi trong các sắc lệnh và Hiến pháp mà sớm được thực thi trong thực tế ngay trong năm đầu của chế độ dân chủ cộng hoà trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, tài chính, văn hoá, giáo dục... Mọi hoạt động của Chính phủ đều nhằm vào lợi ích tối cao của dân tộc là độc lập, tự do, sớm mang lại hạnh phúc thực tế cho nhân dân ngay trong điều kiện đất nước đang gặp muôn vàn khó khăn. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định Chính phủ tỏ rõ một ý muốn duy nhất làm sao đem lại cho dân chúng được hưởng tự do độc lập như muôn vật được hưởng ánh sáng mặt trời. Điều đó thể hiện rõ rệt bản chất ưu việt của chế độ dân chủ cộng hoà dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, tạo nên sức mạnh của dân tộc để bảo vệ độc lập, tự do, quyết tâm xây dựng một Tổ quốc Việt Nam độc lập, tự do, mọi người ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành trên con đường tiến lên thực hiện mục tiêu vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của thời đại. Quyền dân tộc gắn liền với quyền dân chủ, tự do, công bằng xã hội là một động lực lớn của sự phát triển đất nước, có giá trị trường tồn.
Xây dựng chế định về vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị của nền dân chủ cộng hoà Việt Nam được ghi trong Hiến pháp 1946 đã sớm được thực thi trước và sau khi có Hiến pháp, là một nét rất đặc sắc của thể chế chính trị dân tộc dân chủ Việt Nam. Hệ thống chính trị của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sau Cách mạng tháng Tám 1945 bao gồm Đảng Cộng sản là đảng cầm quyền thông qua Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc dựa trên sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc được tập hợp trong các hội quần chúng, trong Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam. Sự kết hợp chặt chẽ và phát huy đúng vai trò, quyền hạn của từng tổ chức đó được tập trung thống nhất, có ý nghĩa quyết định đối với việc phát huy sức mạnh của dân tộc, của chế độ mới để thực hiện nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc.
Hiến pháp Việt Nam 1946 đã ghi rõ cơ quan hành chính cao nhất của cả nước là Chính phủ gồm cả Chủ tịch nước là người thay mặt quốc gia và Nội các. Chủ tịch nước trực tiếp chủ toạ Hội đồng Chính phủ. Quyền hạn, nhiệm vụ của Chủ tịch nước và Chính phủ do Hiến pháp quy định thể hiện quyền tập trung thống nhất, đặc biệt tập trung cao nhất vào Chủ tịch nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ tối cao của Đảng, của dân tộc, được Quốc hội thay mặt toàn dân tôn vinh Người “xứng đáng với Tổ quốc” và giao trọng trách giữ cương vị nguyên thủ quốc gia trực tiếp điều hành Chính phủ. Chế định về vai trò của Chủ tịch nước đồng thời là người trực tiếp điều hành Chính phủ là một đặc trưng tiêu biểu về tổ chức nhà nước Việt Nam được thực thi ngay trong năm đầu của chế độ cộng hoà và tiếp tục những năm kháng chiến về sau. Chế định đó vừa bảo đảm quyền lãnh đạo của Đảng, vừa thực hiện được quyền lực nhà nước dân chủ, tập trung, thống nhất, vừa phát huy vai trò và quan hệ của các tổ chức trong hệ thống chính trị, vừa tập trung quyền tối cao vào nguyên thủ quốc gia mang bản chất dân dân tộc dân chủ sâu sắc, có giá trị khoa học bền vững và tính thực tiễn nóng hổi đối với tiến trình phát triển của đất nước. Tư tưởng, nguyên tắc, nội dung cơ bản của Hiến pháp Việt Nam 1946 in đậm dấu ấn tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập tự do, về một nhà nước pháp quyền của dân tộc, do dân tộc, vì dân tộc và phù hợp với xu thế phát triển tiến bộ của thời đại
Các quyền dân tộc, tự do, dân chủ, công bằng xã hội được ghi trong Hiến pháp đầu tiên cách đây hơn 60 năm vẫn còn giá trị bền vững trên con đường xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đó là một động lực tiến hoá của Việt Nam.
[1]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.4, tr.1,4.
[3]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.4, tr.8.
[5]. Văn kiện Quốc hội: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2006, t.1, tr.123.