Phát huy những giá trị lịch sử, chính trị, pháp lý của Hiến pháp 1946 trong sự nghiệp đổi mới hiện nay


Phát huy giá trị của hiến pháp 1946 trong quá trình hội nhập quốc tế

GS. VS. Nguyễn Duy Quý

Nguyên Viện trưởng
Viện Khoa học xã hội Việt Nam

Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được Quốc hội khoá I, kỳ họp thứ hai thông qua ngày 9-11-1946, tính đến nay vừa tròn 60 năm. Đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học, nhất là các luật gia trong và ngoài nước bàn về ý nghĩa và những giá trị của Hiến pháp 1946, về những tư tưởng, nội dung cơ bản quan trọng được tiếp tục phát triển trong các hiến pháp 1959, 1980 và 1992 của nước ta. Trong các giá trị của Hiến pháp 1946 và các hiến pháp sau này, chúng ta càng thấy rõ giá trị lịch sử, chính trị, pháp lý, giá trị nhân văn, tính nhân văn cao cả là những giá trị lớn, giá trị bền vững nhất như sợi chỉ đỏ xuyên suốt tinh thần và nội dung các hiến pháp của nước ta.

Chúng tôi rất hoan nghênh Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học thuộc Văn phòng Quốc hội có sáng kiến tổ chức Hội thảo khoa học “Phát huy những giá trị lịch sử, chính trị, pháp lý của Hiến pháp 1946 trong sự nghiệp đổi mới hiện nay”.

Như chúng ta đều biết, giá trị lịch sử, chính trị, pháp lý, giá trị nhân văn trong Hiến pháp 1946 có cội nguồn từ truyền thống mấy nghìn năm lịch sử của dân tộc ta về đạo lý làm người, từ chủ nghĩa nhân đạo của chủ nghĩa Mác - Lênin và đã thể hiện đậm nét trong tư tưởng Hồ Chí Minh, trong chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngay từ những năm bôn ba nơi hải ngoại tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy ở đó chủ nghĩa nhân đạo và tinh thần nhân văn cao cả. Người lên án chế độ thực dân độc đoán, hà khắc, phản dân chủ, áp bức các dân tộc thuộc địa. Trong tác phẩm Đường kách mệnh, Người viết: “Tụi tư bản và đế quốc chủ nghĩa nó lấy tôn giáo và văn hoá làm cho dân ngu, lấy pháp luật buộc dân lại, lấy sức mạnh làm cho dân sợ, lấy phú quý làm cho dân tham”[1].

Tư tưởng quyết tâm đấu tranh vì độc lập, tự do cho dân tộc gắn bó chặt chẽ với tư tưởng lập hiến của Người. Trong Yêu sách của nhân dân An Nam (1919), Người đã yêu cầu phải cải cách nền công lý ở Đông Dương bằng cách ban cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những bảo đảm về mặt pháp luật như người Âu châu; xoá bỏ hoàn toàn và triệt để các toà án đặc biệt dùng làm công cụ khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam; Người yêu cầu phải để cho nhân dân An Nam có các quyền tự do, như tự do ngôn luận, tự do lập hội và hội họp, tự do giáo dục và đặc biệt là thay thế chế độ ra sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật. Năm 1922, trong bài “Việt Nam yêu cầu ca”, Người đã thể hiện nội dung những yêu sách trên để phổ biến rộng rãi:

“...Bảy xin hiến pháp ban hành

Trăm đều phải có thần linh pháp quyền”[2]

Tư tưởng lập hiến trên đây đã được vận dụng thực hiện ngay sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công. Bản Tuyên ngôn độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á được mở đầu bằng lời bất hủ trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”; và trong bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi[3].

Những quyền ấy của con người được coi là chân lý, nhưng không chỉ gắn với từng người mà gắn với cả dân tộc, “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”[4]. Một trong những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (3-9-1945) là: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống, v.v..”[5].

Lời nói đầu Hiến pháp 1946 đã nêu rõ: nhiệm vụ của dân tộc ta trong giai đoạn này là bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ. Hiến pháp 1946 đã được xây dựng trên ba nguyên tắc cơ bản:

·         Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, trai gái, giai cấp, tôn giáo.

·         Đảm bảo các quyền tự do dân chủ.

·         Thực hiện chính quyền của nhân dân.

Như chúng ta đều biết, hình thức chính thể của nhà nước có ý nghĩa rất quan trọng, đó chính là phương thức tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước.

Điều 1 Hiến pháp 1946 đã quy định: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hoà. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Quy định này của Hiến pháp 1946, đạo luật cơ bản đầu tiên của nước ta là nền tảng, là xuất phát điểm cho không những đối với các điều khoản khác của Hiến pháp 1946, mà còn đối với các điều khoản của Hiến pháp 1959, 1980 và 1992 của Nhà nước ta.

Hiến pháp 1946 đã có bốn điều quy định về quyền bình đẳng. Nhìn từ góc độ lịch sử mà xem xét chúng ta mới thấy rõ ý nghĩa lịch sử, pháp lý, nhân văn của Hiến pháp 1946 trong những quy định về quyền bình đẳng. Trong một xã hội thuộc địa, nửa phong kiến, dưới ách thống trị của thực dân và chế độ quân chủ chuyên chế thì quyền bình đẳng là thứ không tưởng.

Điều 6, Hiến pháp 1946 quy định: “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hoá” và ngay sau đó, Điều 7 quy định: “Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật”. Như vậy, nguyên tắc bình đẳng trở thành nguyên tắc hiến định, một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của Hiến pháp đầu tiên của nước ta.

Ai đã sống, chứng kiến những ngày tháng Tám lịch sử năm 1945 mới thấy hết ý nghĩa những giá trị thiêng liêng của quyền bình đẳng nam nữ. Suốt hàng ngàn năm, người phụ nữ Việt Nam phải sống theo lễ giáo “tam tòng tứ đức”, không có địa vị gì trong gia đình, trong dòng họ, chứ nói gì đến địa vị trong đời sống xã hội, đời sống chính trị của đất nước. Vậy mà ngay sau Cách mạng tháng Tám, ngay trong Hiến pháp đầu tiên của nước ta, nguyên tắc bình đẳng nam nữ đã được khẳng định, đã trở thành hiện thực trong đời sống của nhân dân ta. Vào thời điểm này của đất nước, nguyên tắc bình đẳng nam nữ “về mọi phương diện” đã có sức cổ vũ lớn lao, như luồng gió mới, như nguồn ánh sáng làm rực rỡ những giá trị pháp lý và nhân văn mà người phụ nữ Việt Nam hằng mơ ước hàng ngàn năm nay đã thành hiện thực.

Nước ta là một nước đa dân tộc. Đại gia đình các dân tộc Việt Nam từ buổi bình minh của đất nước, từ Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc đã luôn sát cánh bên nhau, chung lưng đấu cật trong suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Dưới chế độ phong kiến, các dân tộc thiểu số thường bị phân biệt đối xử, bị miệt thị. Đó là một sự thật lịch sử. Sau Cách mạng tháng Tám, trong Hiến pháp 1946, nguyên tắc bình đẳng giữa các dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam đã được khẳng định.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công. Đoàn kết là giá trị bền vững của dân tộc ta. Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc là một nhân tố hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hôm nay.

Mỗi nhà nước đều thực hiện các chức năng nhất định: chức năng đối ngoại, chức năng đối nội. Trong nhóm chức năng đối nội, bên cạnh chức năng kinh tế, nhà nước chú trọng tới chức năng xã hội - một chức năng mang tính nhân văn sâu sắc. Điều 14 Hiến pháp 1946 quy định: “Những người công dân già cả, hoặc tàn tật không làm được việc thì được giúp đỡ. Trẻ con được săn sóc về mặt giáo dưỡng”. Một truyền thống trọng già, yêu trẻ, giúp đỡ những người ốm đau, tàn tật “bầu ơi thương lấy bí cùng” của tinh thần giàu lòng nhân ái của dân tộc ta đã được “pháp điển hoá”, “luật hoá” trong đạo luật cơ bản của Nhà nước ta.

Cho tới nay, sau Hiến pháp 1946 đã có Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980 và Hiến pháp 1992. Mỗi bản hiến pháp được ban hành, về thực chất không phải là Hiến pháp hoàn toàn mới mà chỉ là Hiến pháp sửa đổi, sửa đổi cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Mỗi bản Hiến pháp đều có sứ mệnh lịch sử, nhiệm vụ riêng cho mỗi thời kỳ. Chẳng hạn, Hiến pháp 1992 của nước ta thể chế hoá đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo thực hiện từ Đại hội lần thứ VI của Đảng năm 1986. Mỗi Hiến pháp có những điều khoản quy định cụ thể khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy sự nhất quán của Hiến pháp Việt Nam, từ Hiến pháp 1946 đến Hiến pháp 1992 - sự nhất quán bền vững về giá trị lịch sử, chính trị, pháp lý và giá trị nhân văn cao cả.

Trong điều kiện đổi mới hiện nay, Điều 2 của Hiến pháp 1992 đã xác định: Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả những điều này vẫn dựa trên nguyên tắc hiến định của Hiến pháp 1946, ở nước ta mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân.

Trong hơn 20 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã lần lượt đề ra và thực hiện có hiệu quả những chính sách quan trọng đáp ứng yêu cầu hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế với Việt Nam, phá được thế bao vây, cấm vận, mở rộng quan hệ đối ngoại theo hướng đa phương hoá, đa dạng hoá. Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức và có uy tín của ASEAN, ASEM, APEC, và hiện nay đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Để tranh thủ thuận lợi, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ hơn, phát triển với tốc độ nhanh hơn và bền vững hơn, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thì một trong những nhiệm vụ quan trọng mà nhân dân ta phải phấn đấu thực hiện là tiến hành một cách nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế. Như Đại hội lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định: “Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực”[6].

Để hội nhập kinh tế quốc tế, sau khi nước ta gia nhập WTO, chúng ta phải chuẩn bị về nhiều mặt, trước hết là phải điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước ta, thực hiện cải cách hoàn chỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, giữ vững độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, tạo mọi thuận lợi cho các hiệp hội, các doanh nghiệp, đặc biệt là bà con nông dân có điều kiện tham gia vào quá trình hội nhập rộng lớn này.

Một trong những việc làm thiết thực phục vụ đắc lực cho quá trình hội nhập quốc tế là chúng ta cần phải tiến hành nghiên cứu truyền thống lịch sử, chính trị, pháp lý, hệ thống pháp luật của đất nước nhằm phát huy các giá trị của Hiến pháp đầu tiên - Hiến pháp 1946. Đây là việc làm có ý nghĩa hết sức thiết thực về lý luận cơ bản và thực tiễn.


 

 

[1]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 267.

[2]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.1, tr. 438.

[3]. Dẫn trên, t.4, tr.1.

[4]. Dẫn trên, t.4, tr.1.

[5]. Dẫn trên, t.1, tr.8.

[6]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 38.