Hiến pháp 1946 với tư tưởng pháp quyền
TS. Nguyễn Sĩ Dũng
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Thế là 60 năm đã trôi qua kể từ ngày người dân Việt Nam - người dân của một nước tự do độc lập nô nức đi bầu cử những người đại diện cho mình vào Quốc hội. Và cũng 60 năm đã trôi qua kể từ ngày Quốc hội thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa. Sống mãi với thời gian là tư tưởng pháp quyền kết tinh trong bản Hiến pháp đó - Hiến pháp 1946.
Trong bối cảnh vận mệnh của Tổ quốc, của nền độc lập vừa mới giành được đang ở vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, một trong những nhiệm vụ cấp bách được đề ra tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ là xây dựng cho được một bản Hiến pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do, dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ”[1]. Qua quá trình dự thảo và chỉnh lý, bản Hiến pháp đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được Quốc hội khóa I, Kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 9-11-1946 với sự nhất trí của 240/242 đại biểu dự họp.
Có thể nói rằng, Hiến pháp 1946 là bản hiến pháp dân chủ, tiến bộ không kém bất kỳ bản hiến pháp nào trên thế giới. Nó là bản hiến pháp mẫu mực trên nhiều phương diện. Hiến pháp 1946 là một bản hiến văn hết sức ngắn gọn, súc tích. Toàn bộ bản hiến văn chỉ gồm 70 điều. Trong đó có những điều chỉ vẻn vẹn có một dòng (ví dụ Điều 12 được viết như sau: “Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm”). Một trong những lý do giải thích sự ngắn gọn này là: Hiến pháp 1946 đã được thiết kế theo tư tưởng pháp quyền.
Cũng phải nói thêm rằng, trước Hiến pháp 1946, tư tưởng pháp quyền đã xuất hiện trong các tác phẩm của Bác Hồ. Năm 1919, trong “Bản yêu sách” được Nguyễn Ái Quốc gửi đến hội nghị Vécxây, yêu sách thứ 7 là pháp quyền. Sau này, yêu sách đó được Bác thể hiện thành lời ca: “Bảy xin Hiến pháp ban hành/Trăm đều phải có thần linh pháp quyền” (“Việt Nam Yêu cầu ca”, Báo Nhân dân, ngày 30-1-1977). Và như vậy, Người xem Hiến pháp là linh hồn của pháp quyền, là công cụ quan trọng nhất để xác lập và phân định các quyền. Bởi thế Hiến pháp 1946 là bản văn thấm đẫm tư tưởng pháp quyền của Người.
Nếu pháp quyền là những nguyên tắc và phương thức tổ chức quyền lực sao cho lạm quyền không thể xảy ra và quyền tự do, dân chủ của nhân dân được bảo vệ, thì Hiến pháp 1946 đã phản ánh đúng tinh thần đó.
Trước hết, để lạm quyền không thể xảy ra thì hiến pháp đã được đặt cao hơn nhà nước. Về mặt lý luận, điều này có thể đạt được bằng hai cách: (i) hiến pháp phải do quốc hội lập hiến thông qua; (ii) hoặc hiến pháp phải do toàn dân thông qua. Hiến pháp 1946 đã thực sự do một Quốc hội lập hiến thông qua. Theo quy định của Hiến pháp 1946, nước ta không có Quốc hội mà chỉ có Nghị viện nhân dân với nhiệm kỳ ba năm. Sau khi thông qua Hiến pháp, Quốc hội sẽ tự giải tán để tổ chức bầu Nghị viện nhân dân. Nghị viện nhân dân không thể tự mình sửa đổi hiến pháp. Mọi sự sửa đổi, bổ sung đều phải đưa ra toàn dân phúc quyết (Điều 70, Hiến pháp 1946). Tuy nhiên, do chiến tranh lan rộng, việc bầu Nghị viện nhân dân theo quy định của Hiến pháp là chưa thể tổ chức được. Quốc hội đã thảo luận và nhất trí giao cho Ban thường trực Quốc hội phối hợp với Chính phủ để quy định việc thi hành Hiến pháp. Quốc hội tiếp tục hoạt động, gánh vác trách nhiệm mới, làm nhiệm vụ lập hiến và cả nhiệm vụ lập pháp.
Hai là, các quyền của người dân được Hiến pháp ghi nhận và bảo đảm. Hiến pháp ghi nhận và bảo đảm thì cao hơn là nhà nước ghi nhận và bảo đảm. Vì rằng nếu nhà nước ghi nhận và bảo đảm thì quyền chủ động là thuộc nhà nước, các quyền của người dân có thể bị thay đổi mà không hoàn toàn phù hợp với ý chí nguyện vọng của họ. Nhưng nếu Hiến pháp ghi nhận và bảo đảm thì nhà nước không có quyền chủ động ở đây vì Hiến pháp được ban hành bởi Quốc hội lập hiến và người dân có quyền phúc quyết Hiến pháp (Điều 21, Điều 70, Hiến pháp 1946).
Ba là, Hiến pháp 1946 xác định quyền làm chủ xã hội là của người dân và có nhiều chương, điều thể hiện rõ tinh thần đó. Ví dụ, Điều 10 của bản Hiến pháp này qui định rõ ràng các quyền tự do cá nhân: “Công dân Việt Nam có quyền:
+ Tự do ngôn luận;
+ Tự do xuất bản;
+ Tự do tổ chức và hội họp;
+ Tự do tín ngưỡng;
+ Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”.
Những quy định về quyền tự do cá nhân một cách rộng mở và tiến bộ này của Hiến pháp 1946 đã thể hiện được đầy đủ tính “nhân bản”[2] của một Hiến pháp dân chủ - một bản văn bảo vệ quyền con người, quyền của người dân.
Bốn là, quyền năng giữa các cơ quan nhà nước được phân chia khá rõ và nhiều cơ chế kiểm tra và giám sát lẫn nhau đã được thiết kế. Ví dụ, quyền “biểu quyết những dự án sắc luật của Chính phủ, kiểm soát và phê bình Chính phủ” của Ban Thường vụ Nghị viện; quyền “ưng chuẩn hoặc phế bỏ” các sắc luật của Nghị viện nhân dân (Điều 36, Hiến pháp 1946); quyền của “nghị viên không bị truy tố vì lời nói hay biểu quyết trong Nghị viện” (Điều 40, Hiến pháp 1946); “Trong hạn 24 giờ sau khi Nghị viện biểu quyết không tín nhiệm Nội các thì Chủ tịch nước Việt Nam có quyền đưa vấn đề tín nhiệm ra Nghị viện thảo luận lại. Cuộc thảo luận lần thứ hai phải cách cuộc thảo luận lần thứ nhất là 48 giờ. Sau cuộc biểu quyết này, Nội các mất tín nhiệm phải từ chức” (Điều 54, Hiến pháp 1946); “Các Bộ trưởng phải trả lời bằng thư từ hoặc bằng lời nói những điều chất vấn của Nghị viện hoặc của Ban thường vụ. Kỳ hạn trả lời chậm nhất là 10 ngày sau khi nhận được thư chất vấn” (Điều 55, Hiến pháp 1946)... Như vậy, trong Hiến pháp 1946 Nghị viện có quyền xem xét và phê chuẩn các dự án sắc luật của Chính phủ đệ trình trên cơ sở lợi ích của người dân; Nghị viện nhân dân đã giám sát Chính phủ với những hình thức rất tiến bộ như bỏ phiếu tín nhiệm. Những quy định này là cơ sở pháp lý để hạn chế sự lạm quyền mà đặc biệt là quyền hành pháp.
Năm là, bên cạnh việc phân định quyền năng giữa các nhánh lập pháp, hành pháp, tư pháp thì phạm vi thẩm quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương cũng được phân cấp rất rõ. Nghị viện nhân dân là cơ quan đại diện cho người dân của cả nước, chỉ quyết định những vấn đề có ý nghĩa “chung cho toàn quốc” (Điều 23, Hiến pháp 1946). Hội đồng nhân dân được quyền quyết nghị “những vấn đề thuộc địa phương mình” (Điều 59, Hiến pháp 1946). Tuy nhiên, “những nghị quyết của Hội đồng nhân dân không được trái với chỉ thị của các cấp trên” (Điều 59, Hiến pháp 1946).
Cuối cùng, tính độc lập xét xử của tòa án được bảo đảm. Và đây là một trong những yêu cầu tối quan trọng của tổ chức quyền lực trong nhà nước pháp quyền. Tòa án có độc lập xét xử thì mới đảm bảo được tính khách quan của các phán quyết, nhất là trong trường hợp một bên của quan hệ tố tụng là cơ quan nhà nước. Điều 63, Hiến pháp 1946 quy định cơ quan tư pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gồm có: Tòa án tối cao, các tòa án phúc thẩm, tòa án đệ nhị cấp và sơ cấp. Quy định này đã phá vỡ được sự phụ thuộc giữa tòa án vào chính quyền địa phương trên cơ sở nguyên tắc phân cấp quản lý nhà nước theo lãnh thổ. Điều 69 quy định: “trong khi xét xử, các viên thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp”. Như vậy, tính độc lập xét xử của Tòa án trong Hiến pháp 1946 đạt được nhờ hai yếu tố: các tòa được thiết kế không theo cấp hành chính và sự độc lập của thẩm phán khi xét xử.
Sáu mươi năm là một khoảng thời gian không dài nhưng cũng chẳng quá ngắn đối với sự phát triển của một dân tộc và đất nước ta đã bao lần thay da đổi thịt. Từ một góc nhìn sau 60 năm, Hiến pháp 1946 vẫn còn nguyên giá trị, bởi mỗi câu chữ trong đó đều “vang vọng tiếng dân”.
[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4 t. 8
[2]. Từ dùng của PGS.TS. Nguyễn Đăng Dung, Khoa Luật, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội.