Lạm bàn về hiến pháp 1946:
những món nợ lịch sử
PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa
Khoa Luật, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội
Những gì chưa trả được thì người ta gọi là nợ. Lịch sử là nhiều điều chúng ta đã biết và vô vàn ẩn số mà chúng ta chưa biết, những sự thật ấy nếu được nghiên cứu và phổ biến một cách trung thực có thể giúp người đời sau hiểu quy luật hưng thịnh của các dân tộc. Năm 1946, chúng ta đã có một bản hiến văn dân chủ vào loại bậc nhất Đông Nam châu Á lúc bấy giờ. Chỉ có điều, nhiều sự thật liên quan đến bản hiến văn ấy dường như vẫn chưa được soi rọi một cách đầy đủ. Bản tham luận ngắn dưới đây góp phần bàn luận một cách tản mạn ba khía cạnh vẫn chưa được nghiên cứu một cách thấu đáo liên quan đến Hiến pháp 1946.
Thứ nhất, Hồ Chí Minh - một người cộng sản đã từng làm việc cho Đệ tam quốc tế, chắc chắn ít hay nhiều phải chịu các ảnh hưởng lập pháp đã diễn ra thời đó tại Liên Xô. Từ Hiến pháp ngày 31-01-1924 với nhiều tư tưởng của Lênin, Liên Xô đã bước sang thời kỳ của Hiến pháp ngày 1-6-1936 với ảnh hưởng đáng kể của Stalin. Bản Hiến pháp 1936 ghi nhận vai trò lãnh đạo xã hội của Đảng Cộng sản, ghi nhận sở hữu xã hội chủ nghĩa, hệ thống nông trang kiểu hợp tác xã Kolchos (nông trường) được xác lập. Trong đầu năm 1937, các nước cộng hòa thuộc Liên Xô đã thông qua các bản hiến văn theo mô hình kể trên.
Điều thú vị là tất cả 70 điều của Hiến pháp 1946 của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều ít có bóng dáng của Hiến pháp Liên Xô 1936. Thậm chí so với những gì đã diễn ra trong lịch sử pháp luật ở Trung Hoa lục địa sau khi Đảng Cộng Sản thâu tóm quyền lực quốc gia năm 1949, người ta vẫn thấy bản hiến văn năm 1946 của Việt Nam chứa đựng những tư tưởng dân chủ hơn hẳn. Người ta thấy những dấu hiệu phân chia và đối trọng quyền lực, thấy rõ thái độ thượng tôn và tiếp nối truyền thống tư pháp đã có từ thời thực dân, chứ tuyệt nhiên không phủ nhận và xây mới hoàn toàn như Mao Trạch Đông đã làm với hệ thống pháp luật dưới thời Quốc dân Đảng. Nhiều người giải thích bản hiến văn 1946 như một thỏa hiệp cho giai đoạn dân chủ nhân dân, một bước đệm cho cuộc cách mạng vô sản sẽ diễn ra sau đó. Đó là sự suy diễn lôgích một chiều, thường là của các nhà soạn sử khi Đảng đã có thực quyền. Người ta cũng có thể giải thích bởi những đóng góp của nhân sĩ yêu nước không phải là cộng sản đã được tập hợp dưới ngọn cờ độc lập dân tộc vào việc soạn thảo bản hiến văn này. Cũng có thể do mối quan hệ cá nhân giữa các lãnh tụ Hồ Chí Minh và Stalin, hoặc do mối quan tâm không đáng kể của Stalin đến khu vực Đông Dương, tất cả những ẩn số đó có thể giải thích thêm cho sự thật rằng Hiến pháp 1946 rất ít chịu ảnh hưởng của Liên Xô.
Thứ hai, Có thể thấy những bước đi chập chững đầu tiên của Việt Minh và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại có sự góp mặt và chứng kiến đáng kể của người Mỹ. Những dấu ấn của chúng có thể thấy ở Tuyên ngôn độc lập và bản Hiến văn năm 1946. Điều này ít được nhắc đến trong sử liệu của Việt Nam. Chỉ tiếc rằng, sau cái chết của Roosevelt vào tháng 4 - 1945, chính quyền Mỹ đã nhân nhượng đáng kể quyền lợi của thực dân, thậm chí công khai đứng sau các thế lực thực dân để đàn áp các lực lượng kháng chiến ở Việt Nam. Đây là một bi kịch lớn, có lẽ chẳng riêng cho người Mỹ. Người ta thấy vai trò và quyền lực của chủ tịch nước rất lớn, điều này đã giảm đi rất đáng kể trong các bản hiến văn theo mô hình Xôviết sau này. Những vấn đề này dường như giới sử học Việt Nam còn ít quan tâm. Nước nhỏ, dân tộc nhỏ có thể hiểu thêm lịch sử của chính trong mối tương quan quyền lực giữa các nước lớn.
Thứ ba, bản Hiến pháp 1946 được thông qua chỉ có hơn một tháng trước ngày kháng chiến toàn quốc bùng nổ, người Pháp bắt đầu cuộc đàn áp vũ lực. Khi ấy quân Tưởng đã rút, mâu thuẫn đôi khi đẫm máu giữa Quốc dân Đảng và Việt Minh dường như cũng đã được dẹp sang một bên, người ta đã thấy xu hướng chính phủ kháng chiến dường như hoàn toàn do Đảng Cộng sản kiểm soát. Từ đây xuất hiện câu hỏi liệu bản hiến văn này có còn giá trị ngay trong thời kỳ kháng chiến và thực sự những người cầm quyền có muốn tuân thủ nó hay không. Để trả lời câu hỏi này cần tìm hiểu xem bản hiến pháp này tuy đã được Quốc hội thông qua, song có kịp được công bố hay chưa, đã được nhân dân phúc quyết hay chưa (Điều 21, 32, 70 Hiến pháp 1946). Nói theo ngôn ngữ mácxít, các tiền đề chính trị-xã hội đã không còn tồn tại để bản hiến văn năm 1946 có thể có hiệu lực ngay sau khi nó vừa được ban hành. Bản hiến văn ấy chưa từng được sửa theo cách thức mà nó đề nghị; nó đã bị thay thế bởi những tuyên bố chính trị khác.
Người Việt Nam đã có ít nhất bốn bản hiến pháp (nếu không kể tới các bản hiến pháp của chính quyền Sài Gòn). Vậy mà dân tộc ta dường như vẫn chưa được làm quen với tư tưởng lập hiến. Hiến pháp 1946 đã có thể là một bản khế ước tốt để ràng buộc và khống chế công bộc với lợi ích của ông chủ nhân dân. Nó chỉ lóe lên như một ánh chớp trong đêm trước lúc kháng chiến bùng nổ, điều đó dường như nó ít được thực thi trên thực tế. Chỉ khi bàn nhiều về chủ quyền nhân dân, người ta bỗng nhớ tới bản hiến văn này với những ước mong và hoài niệm.