Phát huy những giá trị lịch sử, chính trị, pháp lý của Hiến pháp 1946 trong sự nghiệp đổi mới hiện nay


Phát biểu của PGS. Lê Mậu Hãn *

Cho phép tôi được trình bày tóm tắt về một số vấn đề sau:

Thứ nhất, về Tổng tuyển cử, tiến trình soạn thảo Hiến pháp

Thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám, sự thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử tiến hoá của dân tộc Việt Nam – kỷ nguyên độc lập, tự do.

Vận mệnh độc lập tự do của dân tộc vừa giành được đang đứng trước một tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Vì vậy, nhiệm vụ cấp bách của dân tộc Việt Nam lúc bấy giờ là phải củng cố cho được chính quyền cách mạng, chính thức xác lập quyền hợp hiến của chính quyền. Vì vậy, một ngày sau khi công bố Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đề ra sáu nhiệm vụ cấp bách. Một trong những nhiệm vụ đó là phải xây dựng Hiến pháp mà muốn thế phải tổ chức tổng tuyển cử.

Ngày 6-1-1946, cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội lập hiến đầu tiên của nước ta đã diễn ra toàn thắng. Cùng với việc đẩy mạnh tổ chức tổng tuyển cử, ngày 20-9-1945, Chính phủ ban hành Sắc lệnh 34/32, lập Uỷ ban dự thảo hiến pháp gồm bảy người, do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.

Ngày 10-11-1946, bản Dự thảo hiến pháp được công bố trên Báo Cứu quốc. Ngày 2-3-1946, Quốc hội tổ chức Kỳ họp thứ I tại Nhà hát lớn Hà Nội. Quốc hội đã thành lập Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, lập Ban dự thảo hiến pháp của Quốc hội gồm 11 người.

Kỳ họp thứ II của Quốc hội diễn ra tại Hà Nội từ 28-10 đến 9-11-1946. Đây là kỳ họp dài ngày đầu tiên, diễn ra dân chủ, nhiều vấn đề được thảo luận thẳng thắn, sôi nổi. Một số vấn đề gây tranh cãi gay gắt cuối cùng cũng đi đến thống nhất. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận dự án Luật Lao động với tinh thần dung hoà lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động. Tinh thần dự án Luật lao động vẫn có ý nghĩa thực tiễn quan trọng cho tới nay khi chúng ta phát triển mạnh các thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân, kể cả tư bản tư nhân.

Về Hiến pháp, căn cứ bản Dự án Hiến pháp của Chính phủ, bản Dự án Hiến pháp của Uỷ ban Nghiên cứu kiến quốc của Chính phủ, tập hợp ý kiến của nhân dân và tham khảo một số nước, tiểu ban dự án Hiến pháp của Quốc hội đã soạn thảo xong dự án Hiến pháp để trình Quốc hội. Qua nhiều lần thảo luận, đến ngày 9-1-1946 Quốc hội thông qua Hiến pháp với 240/242 phiếu.

Bản Hiến pháp được Quốc hội thông qua, nhưng do hoàn cảnh chiến tranh lan rộng nên không đưa ra để toàn dân phúc quyết và chưa ban hành Hiến pháp bằng một sắc lệnh. Vì vậy, việc bầu cử Nghị viện nhân dân chưa thể thực hiện được. Quốc hội đã có quyết định giao cho Ban Thường trực Quốc hội nhiệm vụ giúp ý kiến cùng Chính phủ thi hành Hiến pháp.

Thứ hai, nội dung cơ bản về quyền dân tộc và dân chủ.

Hiến pháp1946 là thành quả của cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ của dân tộc ta. Nước ta vốn có nền văn hiến lâu đời. Người dân Việt Nam vốn có truyền thống đoàn kết dân tộc, có ý chí độc lập và khát vọng tự do. Chủ nghĩa dân tộc Việt Nam là một động lực vĩ đại và duy nhất trong đời sống xã hội suốt tiến trình lịch sử. Điều này được phát huy trong cách mạng và tiếp thu, phát triển trong các thời kỳ kháng chiến về sau.

Có thể thấy, điều nổi bật hàng đầu trong Hiến pháp 1946 là khẳng định quyền dân tộc, độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc. Độc lập dân tộc và tự do của nhân dân là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm, sản phẩm của lịch sử, đấu tranh oanh liệt của Việt Nam. Độc lập, tự do của dân tộc mang tính nhân loại. Các dân tộc trên thế giới đều bình đẳng về quyền độc lập, quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc.

Độc lập thống nhất dân tộc bao giờ cũng gắn liền với dân chủ tự do, gắn liền với khối đoàn kết dân tộc, với chính quyền mạnh mẽ. Nước ta vừa giành lại độc lập, song nền độc lập chưa hoàn toàn, đế quốc Pháp đã trở lại xâm lược, trong điều kiện đó Hiến pháp đặt nghĩa vụ lên trước quyền lợi của công dân.

Hiến pháp nói rõ nhân dân Việt Nam phải bảo vệ Tổ quốc, tôn trọng Hiến pháp và tuân theo pháp luật. Công dân Việt Nam phải có nghĩa vụ đi lính, bảo vệ Tổ quốc. Đó là nghĩa vụ thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam yêu nước. Nước có độc lập thì dân mới được hưởng tự do, hạnh phúc, nghĩa vụ luôn gắn liền với quyền lợi thì mới phát huy được sức mạnh bảo vệ Tổ quốc của toàn dân và xây dựng chế độ mới. Chính vì vậy, Hiến pháp quy định tất cả mọi công dân đều ngang quyền về mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hoá. Để đảm bảo quyền của toàn dân, Hiến pháp quy định chế độ bầu cử là phổ thông đầu phiếu.

Về tự do, Hiến pháp thừa nhận công dân Việt Nam có quyền tự do xuất bản, tự do hội họp, tự do tín ngưỡng và tự do đi lại trong và ngoài nước (Điều 10, Hiến pháp 1946). Về kinh tế, một điều đáng lưu ý, quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm (Điều 12), quyền lợi của công nhân, trí thức, được bảo đảm, người già, tàn tật, không lao động được nhà nước giúp đỡ, trẻ nhỏ được chăm sóc về mặt giáo dưỡng.

Về giáo dục, học sinh không phải đóng học phí. Ở các trường sơ học địa phương, quốc dân thiểu số có quyền học bằng tiếng của mình, người nghèo được Chính phủ giúp, trường tư được mở tự do nhưng phải dạy theo chương trình Nhà nước quy định.

Như vậy, Hiến pháp quy định thể chế Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một chế độ trong đó quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, quyền bình đẳng, dân chủ tự do cho mọi công dân, không phân biệt nam nữ, ưu đãi đồng bào ít người. Tính chất ưu việt đó không chỉ ghi trong các sắc lệnh và Hiến pháp mà đã sớm được thực thi ngay trong năm đầu của chế độ dân chủ cộng hoà trên các mặt. Lúc bấy giờ, mọi hoạt động của Chính phủ dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nhằm vào lợi ích tối cao của dân tộc, mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Như vậy, quyền dân tộc gắn liền với quyền dân chủ, công bằng, là động lực lớn của đất nước, có giá trị trường tồn.

Thứ ba, về cơ chế của bộ máy nhà nước

Hệ thống bộ máy Nhà nước được quy định cụ thể ở Chương 3, Chương 4, Chương 5 và Chương 6. Các quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, quan hệ giữa các tổ chức trong bộ máy nhà nước đã thể hiện tính chất dân chủ, tập trung phân công khoa học, đậm nét thực tiễn Việt Nam. Nghị viện nhân dân do tất cả công dân bầu ra là cơ quan có quyền lực cao nhất của nước Việt Nam, giải quyết mọi vấn đề chung của đất nước. Về tổ chức, có ban thường trực để giải quyết khi Quốc hội không họp được. Trong tình thế lúc bấy giờ, ban thường trực Quốc hội cũng đã cùng với Chính phủ họp bàn khi quyết định phát động toàn quốc kháng chiến vào ngày 19-12.

Việc xây dựng chế định về vai trò các tổ chức trong hệ thống chính trị của nền dân chủ cộng hoà ghi trong Hiến pháp1946 và được thực thi trước khi có hiến pháp và tiếp tục những năm về sau là một nét rất đặc sắc của thể chế chính trị dân tộc, dân chủ của Việt Nam. Trong hệ thống chính trị đó, rõ ràng sau Cách mạng tháng Tám, Đảng Cộng sản như Hồ Chủ tịch nói là Đảng cầm quyền. Đảng có cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội đã biết kết hợp chặt chẽ, phát huy đúng vai trò, quyền hạn của từng tổ chức, có ý nghĩa quyết định đối với việc phát huy tích cực sức mạnh dân tộc trong điều hành công việc của đất nước. Hiến pháp nói rõ quyền hạn của Chủ tịch nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ tối cao của dân tộc, được giao trách nhiệm Nguyên thủ quốc gia, trực tiếp điều hành Chính phủ, chủ toạ các phiên họp Chính phủ. Chế định này, vừa đảm bảo quyền lãnh đạo của Đảng, vừa thực hiện được quyền lực Nhà nước dân chủ tập trung thống nhất; phát huy được cao độ, kịp thời quyền hạn của Chính phủ trong việc thực thi các nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc đang diễn ra khẩn trương lúc bấy giờ. Việc xây dựng các chế định khoa học về mối quan hệ giữa Đảng với các cơ quan hành chính tối cao lúc đó được thể hiện tập trung vào vị lãnh đạo tối cao, vị nguyên thủ quốc gia, lãnh tụ của Đảng là người trực tiếp chủ toạ hội đồng Chính phủ. Đây là một nét đặc trưng tiêu biểu của Nhà nước, của dân tộc, do dân tộc và vì dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng cầm quyền.

Hiến pháp1946 quy định về quyền dân tộc, dân chủ, công bằng của mọi công dân, phát huy vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị, tập trung quyền lực vào nguyên thủ quốc gia đã thể hiện rõ bản chất dân tộc, dân chủ sâu sắc. Không những có giá trị khoa học bền vững, mà còn có ý nghĩa thực tiễn nóng hổi đối với tiến trình phát triển đất nước hiện nay. Tư tưởng, nội dung cơ bản của Hiến pháp 1946 in đậm tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về độc lập, tự do, Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, phù hợp với xu thế phát triển của nhân loại. Tư tưởng của Hiến pháp 1946 vẫn còn nguyên giá trị trên con đường xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh.


 

* . Nhà nghiên cứu sử học, nguyên giảng viên Trường Đại học Quốc gia Hà Nội.