Phát biểu của GS.TS. Phạm Ngọc Quang
Lời nói đầu của Hiến pháp 1946 đã khẳng định cuộc Cách mạng tháng Tám đã giành lại chủ quyền cho đất nước, tự do cho nhân dân, lập nền dân chủ cộng hoà. Đó là lời khẳng định đanh thép về chế độ cho nhân dân ta, một chế độ do dân làm chủ. Với hình thức tổ chức quyền lực Nhà nước dựa trên nguyên tắc toàn bộ quyền lực thuộc về nhân dân, nhiệm vụ trung tâm sau khi giành được chính quyền là bảo toàn lãnh thổ, độc lập hoàn toàn và xây dựng Hiến pháp dân chủ…
Tinh thần Nhà nước của dân do dân và vì dân ghi nhận trong Hiến pháp 1946 được thể hiện như sau:
Một là, Nhà nước là do nhân dân bầu ra thông qua phổ thông đầu phiếu và bỏ phiếu kín.
Hai là, Nhà nước hoạt động theo nguyên tắc việc gì có lợi cho dân thì làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh.
Ba là, mọi hoạt động của Nhà nước phải đặt dưới sự kiểm soát của nhân dân.
Bốn là, nhân dân có quyền tín nhiệm hay bất tín nhiệm đối với Chính phủ.
Năm là, mọi cơ quan Nhà nước không có quyền, quyền lực mà cơ quan Nhà nước có được đều do dân uỷ quyền.
Trong 60 năm qua, kể từ khi có Hiến pháp1946 những nguyên tắc cơ bản đó luôn đóng vai trò chỉ đạo chúng ta trong việc xây dựng Nhà nước. Dù trong điều kiện hoà bình hay chiến tranh, chúng ta đều tiến hành các cuộc tổng tuyển cử theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu và kín để lập ra Quốc hội, Quốc hội bầu các chức danh chủ chốt của Nhà nước đều đúng hạn… Tuân thủ nguyên tắc nhân dân làm chủ, chúng ta không tổ chức theo nguyên tắc phân quyền, nhưng có sự phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Nhà nước với nhau thành ba quyền, lập pháp, hành pháp, tư pháp. Chúng ta cũng có những bước tiến quan trọng đổi mới hành chính quốc gia trên cả bốn phương diện, thể chế hành chính, bộ máy hành chính, cán bộ hành chính… là điều kiện thuận lợi rất cơ bản để phục vụ nhân dân, có thể kiểm tra, giám sát tốt hơn đối với hoạt động của cơ quan công quyền, cũng như để Nhà nước nắm được ý nguyện của nhân dân.
Tổng kết thành tựu đổi mới của đất nước, Đại hội X đã khẳng định việc xây dựng Nhà nước pháp quyền của Việt Nam, Nhà nước của dân, do dân, vì dân có bước tiến trên cả ba mặt, lập pháp, hành pháp, tư pháp, khối đại đoàn kết toàn dân được phát huy. Trong đổi mới, Nhà nước đã mang lại sự khởi sắc đáng kể của nền dân chủ, dân chủ đại diện từng bước được khẳng định, dân chủ trực tiếp được phát huy. Dân chủ ngày càng mở rộng và sâu sắc hơn; vai trò kiểm tra, giám sát của nhân dân, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở có bước tiến rõ rệt, nhiều vụ tham nhũng đã được nhân dân phát hiện và có sự tham gia tích cực của nhân dân với cơ quan công quyền để tiến hành xử lý nghiêm minh, thước đo đánh giá mức độ dân chủ là mức độ nhân dân tham gia vào công việc Nhà nước và xã hội. Chúng ta thấy rõ dân chủ của nhân dân được thể chế hoá và được Nhà nước quan tâm trong thực tiễn chỉ đạo, quản lý của mình, làm cho bản chất của Nhà nước của dân, do dân và vì dân ngày càng được bộc lộ rõ. Bên cạnh những bước tiến cơ bản đó, việc xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân của Nhà nước ta còn không ít những hạn chế cần khắc phục. Liên quan đến vấn đề Nhà nước, sự quan tâm lớn nhất của xã hội hiện nay là tình trạng tham nhũng của bộ máy Nhà nước không những chưa bị đẩy lùi mà ngày càng diễn biến tinh vi và phức tạp, quy mô lớn…Bệnh quan liêu của một số cơ quan Nhà nước còn rất trầm trọng khiến nhân dân rất bất bình.
Tiếp cận vấn đề từ góc độ đó, theo chúng tôi, việc nghiên cứu và giải quyết vấn đề bức xúc về lý luận và thực tiễn hiện nay phải dựa trên cơ chế và biện pháp hữu hiệu để không dẫn đến tình trạng nhân dân uỷ quyền rồi mình mất quyền. Theo quy luật phát triển thì Nhà nước ngày càng nhỏ thì xã hội ngày càng lớn, xã hội dân chủ càng tăng lên. Đó là quy luật vận động của nền dân chủ. Khi mà tự mình, nhân dân có thể tự đảm đương được mọi công việc, Nhà nước sẽ trở thành thừa, sẽ tiêu vong, đó là một trong những điểm cốt lõi trong học thuyết mácxit về Nhà nước. Sự vận động của Nhà nước trong xã hội hiện đại mang lại nhiều bằng chứng thể hiện tính đúng đắn của tư tưởng đó.
Để nâng cao bản chất của dân, do dân và vì dân cũng phải hoàn thiện cơ chế bầu cử, ứng cử trong quá trình hình thành những cơ quan, cương vị chủ chốt trong bộ máy Nhà nước. Hiến pháp1946 đã khẳng định đúng đắn rằng, Nghị viện không chỉ thay mặt cho địa phương mình mà còn thay mặt cho toàn thể nhân dân, tinh thần đó được khẳng định trong tất cả Hiến pháp sau này. Song, vấn đề là làm sao cử tri có điều kiện hiểu sâu sắc các đại biểu mà mình bầu ra, làm cách nào để nhân dân giám sát chặt chẽ mọi hoạt động của đại biểu sau khi đắc cử; làm sao phát hiện kịp thời những vấn đề mà đại biểu đó phạm phải cả trong sinh hoạt đời tư cũng như việc thực hiện chức trách của mình. Hệ quả là cả đại biểu được bầu lẫn người bầu ra đại biểu không sát nhau, đại biểu không nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của cử tri trực tiếp bầu mình.
Để khắc phục thực trạng nêu trên, các đại biểu phải ứng cử ngay tại địa bàn cư trú của mình. Khi cần bầu một số đại biểu ở ban ngành thì đại biểu ứng cử ở ban, ngành mình, cũng phải được cử tri bầu tại địa bàn cư trú của mình. Tỷ lệ có thể khác nhau nhưng không nên theo cách làm như hiện nay để bảo đảm rằng cử tri và đại biểu gần gũi nhau hơn, giám sát nhau chặt chẽ hơn. Cách bầu hiện nay còn rất hình thức và rất tốn kém mà hiệu quả lại thấp.
Trong những năm gần đây, chúng ta không chỉ truyền hình trực tiếp những buổi khai mạc các kỳ họp Quốc hội mà còn cả các buổi chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Đó là bước tiến rất đáng ghi nhận trong quá trình dân chủ hoá, công khai hoá các hoạt động của Quốc hội. Có lẽ, đã đến lúc việc xây dựng một kênh truyền hình riêng đã chín muồi, các phiên thảo luận của Quốc hội, kể cả những buổi thảo luận về ngân sách, các dự án qua đó sẽ giúp cử tri nắm được các hoạt động của đại biểu Quốc hội, là áp lực buộc đại biểu Quốc hội phải nâng cao tầm tư tưởng, chiến lược của mình. Tuy nhiên, nhiều phiên thảo luận của chúng ta còn được tổ chức dưới hình thức họp kín, nhiều vấn đề chưa được công khai hoá.
Nhân dân có thể tham gia để hoàn tất các chủ trương, văn bản của pháp luật, do đó trình độ dân chủ của nhân dân cũng được phát triển lên. Qua việc theo dõi các phiên thảo luận như vậy, nhân dân sẽ có cơ hội đóng góp trực tiếp ý kiến của mình, từ đó rèn luyện mình, trình độ dân chủ nhân dân được tăng lên. Việc nêu cao vai trò kiểm tra, giám sát, phản biện của mặt trận, các tổ chức xã hội của mọi công dân cũng là vấn đề hết sức cần thiết để đảm bảo Nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân. Trong vấn đề này, chúng ta không chỉ cần quy chế hoá, pháp luật hoá các quyền đó, quan trọng hơn là phải nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát của tổ chức, cá nhân nêu trên, phải đảm bảo các điều kiện, phương tiện giám sát, kiểm tra sao cho thực sự hiệu quả. Muốn vậy, bản thân mặt trận, đoàn thể phải mạnh lên, các cá nhân công tác trong đó phải thực quyền hơn.
Thực hiện tư tưởng Nhà nước của dân, do dân, vì dân mà Hiến pháp 1946 nêu ra là một đòi hỏi bức xúc, nhưng đó cũng là một quá trình rất không đơn giản, đụng chạm đến nhận thức và lợi ích của con người. Song, sức mạnh của Nhà nước ta phụ thuộc vào quyết định và việc thực hiện cho được bản chất của Nhà nước mình, nhân dân ta, đất nước ta đòi hỏi phải thực hiện cho được bản chất của Nhà nước mình, nhân dân ta, đất nước ta đòi hỏi phải thực hiện cho được bản chất đó. Đó là một trong những nội dung quan trọng trong việc giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong tình hình nước ta hiện nay.