Phát huy những giá trị lịch sử, chính trị, pháp lý của Hiến pháp 1946 trong sự nghiệp đổi mới hiện nay


Phát biểu của TS. Lê Hữu Thể *

Chúng ta đang đánh giá ý nghĩa của Hiến pháp 1946 trong sự nghiệp đổi mới. Có thể nói, trong sự nghiệp cải cách bây giờ, cơ quan được nhắc đến nhiều nhất và gây ra sự tranh cãi nhiều nhất là Viện Kiểm sát. Chúng tôi xin phát biểu về một số vấn đề về cơ quan Viện Kiểm sát từ ngày thành lập nước cho đến nay, qua đó, nêu một số suy nghĩ về định hướng của chúng ta trong tương lai đối với Viện Kiểm sát:

Ở nước ta, từ năm 1945 đã bắt đầu hình thành cơ quan công tố. Trong Hiến pháp 1946, chúng ta không thấy bóng dáng của Viện công tố. Quan niệm của chúng ta lúc bấy giờ được thể hiện trong Chương VI của Hiến pháp 1946 với các điều từ Điều 63 đến Điều 69 quy định về các cơ quan tư pháp, trong đó nói rõ các cơ quan tư pháp chỉ có Tòa án tối cao, các Tòa án phúc thẩm, các Tòa đệ nhị cấp và không nói đến Viện công tố. Sau đó, một loạt các sắc lệnh của Chính phủ được ban hành như Sắc lệnh 24, Sắc lệnh 13 ngày 24-1-1946, Sắc lệnh 51 ngày 17-4-1946, Sắc lệnh 131 ngày 20-7-1946. Theo các sắc lệnh này cơ quan công tố nằm trong hệ thống tổ chức của tòa án. Hệ thống này do Bộ Tư pháp quản lý. Điều này liên quan đến một số vấn đề khi nói về cải cách hệ thống cơ quan Viện Kiểm sát hiện nay.

Hệ thống tòa án được tổ chức ở ba cấp, sơ cấp ở cấp quận và huyện, đệ nhị cấp ở cấp tỉnh, thành phố, tòa thượng thẩm ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ. Ở tòa án sơ cấp, thẩm phán làm nhiệm vụ xét xử và công tố, mà ta hay gọi nôm na là thẩm pháp đứng và thẩm phán ngồi, thẩm phán công tố và thẩm phán xét xử; trong tòa đệ nhị cấp thẩm phán được chia ra làm hai loại chức vị: thẩm phán xử án và thẩm phán buộc tội (thẩm phán công tố viện); tòa thượng thẩm có công tố viện, do chưởng lý đứng đầu gồm các viên chức làm công tác công tố chuyên trách. Đến đây công tố viện được hình thành. Nhìn từ góc độ cơ cấu của một tổ chức độc lập, dưới sự quản lý, điều hành của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ngay từ ban đầu chúng ta thấy cơ quan thực hiện công tố chịu sự quản lý, điều hành của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp không có quyền trực tiếp làm nhiệm vụ công tố, nội dung này chúng tôi sẽ trình bày sau khi chúng tôi nói về hướng phát triển sắp tới.

Các công tố viên có thẩm quyền tư pháp cảnh sát (điều tra hình sự). Các công tố viên được điều tra hình sự, thực hành quyền công tố, điều khiển công việc và giám sát công tác điều tra của tư pháp cảnh sát. Ngay ban đầu, các công tố viên của cơ quan công tố vừa trực tiếp điều tra về các vụ án hình sự, vừa thực hành quyền công tố, vừa giám sát và điều khiển hoạt động điều tra của cơ quan tư pháp cảnh sát, tức là cơ quan điều tra. Ngay từ ban đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chúng ta đã thấy các cơ quan công tố có chức năng như vậy. Ngoài việc tham gia các phiên tòa hình sự, với bổn phận là người buộc tội nhân danh Nhà nước thì công tố viên còn tham gia các phiên tòa hộ, tức là các phiên tòa về dân sự. Ở đây, nó cũng liên quan đến vấn đề chúng ta sẽ bàn cãi trong tương lai, tiếp thu những tinh hoa như thế nào trong Hiến pháp 1946 về các cơ quan tư pháp nói chung và hệ thống các cơ quan công tố nói riêng. Khi tham gia phiên tòa, công tố viên có quyền yêu cầu tòa án thi hành mọi phương sách cần thiết để chứng tỏ sự thật. Về mặt hộ, tức là mặt dân sự, công tố viên có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của các vị thành niên, các pháp nhân hành chính, công tố viên có nhiệm vụ phải can thiệp vào những quan hệ nhân thân và có căn cước, cũng như những việc mà pháp luật bắt buộc phải có ý kiến của công tố viên.

Ngoài ra, công tố viên còn có nhiệm vụ thi hành những án đã có hiệu lực, công tố viên phải đứng ra để thi hành các bản án, đảm nhiệm công việc quản trị tòa án, điều khiển và kiểm soát công việc của tất cả các nhân viên trong tòa, trừ thẩm phán xử án, các nhân viên trong tòa do công tố viên điều kiển và kiểm soát công việc. Cơ quan công tố kiểm soát công việc quản trị lao tù, việc giam giữ thì phải chịu trách nhiệm khám xét sổ sách và ngân quỹ của các phòng công lại, khám xét các sổ hộ tịch trong quản hạt của mình. Theo các sắc lệnh trên, cơ quan công tố có thẩm quyền rất rộng.

Đối với chưởng lý, tức là người đứng đầu cơ quan công tố, ngoài quyền phát ngôn ở phiên tòa hộ và hình ở tòa thượng thẩm còn phải trông nom việc thi hành các đạo luật, sắc lệnh và các quy tắc hiện hành, đồng thời có nhiệm vụ phải đốc thúc việc chấp hành án văn khi có những khoản liên quan đến trật tự chung, trông nom, giữ gìn trật tự các tòa án và hành động của tất cả các nhân viên ban tư pháp cảnh sát kỳ. Về bên hộ, tức là bên dân sự, dưới sự điều khiển của chưởng lý, các thẩm phán trong công tố viện có quyền làm chánh tố trong những trường hợp do luật lệ định trước. Như vậy, ngay từ lúc ban đầu mới được hình thành, mặc dù chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của cách tổ chức hệ thống cơ quan tư pháp của Pháp (mà đến nay chúng ta vẫn chịu ảnh hưởng), cơ quan công tố đã thể hiện xu hướng độc lập cả về tổ chức bộ máy và hoạt động. Mặc dù nằm trong cơ cấu tòa án, nhưng chánh án không có quyền điều khiển và kiểm soát các công tố viên.

Về chức năng và thẩm quyền, chức năng chủ yếu và cơ bản của cơ quan công tố là chức năng công tố, thực hiện sự buộc tội nhân danh công quyền đối với kẻ phạm tội. Để thực hiện nhiệm vụ này một cách có hiệu quả, cơ quan công tố không chỉ điều khiển, giám sát hoạt động điều tra, còn trực tiếp tiến hành hoạt động điều tra. Đồng thời, cơ quan công tố còn thực hiện sự giám sát đối với các hoạt động tư pháp và tham gia hoạt động tố tụng dân sự với phận sự bảo vệ tính chân lý các vụ kiện dân sự để bảo đảm trật tự chung. Cơ quan công tố ban đầu của chúng ta được quy định như vậy.

Năm 1950, theo Sắc lệnh 85 ngày 22-6-1950, Thông tư 21 ngày 7-6-1950 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư liên bộ 18 ngày 8-6-1950 của Bộ Kinh tế và Bộ Tư pháp, cùng với việc thành lập hệ thống tòa án nhân dân các cấp, cuộc cải cách tư pháp năm 1950 đã làm thay đổi đáng kể tổ chức và hoạt động của cơ quan công tố. Về mặt tổ chức, Ủy ban kháng chiến các cấp điều khiển công tố viện trong địa hạt của mình, Ủy ban kháng chiến hành chính có thể ra mệnh lệnh cho ngành công tố, đại diện ngành công tố phải tuân theo mệnh lệnh của Ủy ban, mệnh lệnh của Ủy ban có thể là mệnh lệnh chung về đường lối công tố trong thời gian nhất định, cũng có thể là mệnh lệnh riêng, trừ tòa án binh có hệ thống riêng, không liên quan. Về mặt thẩm quyền, theo Sắc lệnh 85 ngày 22-6-1950, công tố viện không chỉ có quyền kháng cáo về mặt hình sự mà còn có quyền kháng cáo cả về mặt dân sự, đây là sự mở rộng đáng kể thẩm quyền của cơ quan công tố, thể hiện sự thay đổi quan niệm truyền thống, cho rằng những việc dân sự chỉ là những việc mang tính tư nhân, xã hội không can thiệp đến.

Như vậy, phù hợp với điều kiện lịch sử khách quan của nước ta lúc này, nội dung chủ yếu của cải cách tư pháp lần 2 là thể hiện mạnh mẽ vai trò chỉ đạo của các cơ quan hành chính đối với các cơ quan tư pháp, thể hiện sự mở rộng, tăng cường tính nhân dân trong hoạt động này. Qua đó, cho thấy xu thế tăng cường quyền lực nhà nước chung vào các cơ quan hành chính, rất thích ứng và phát huy hiệu quả trong điều kiện nước ta lúc bấy giờ.

Năm 1959, trên cơ sở Nghị định 256 ngày 1-7-1959, Nghị định 321 ngày 2-7-1959 của Chính phủ, Viện công tố với tư cách là một hệ thống cơ quan nhà nước độc lập, có tổ chức từ Trung ương đến địa phương, hệ thống cơ quan công tố được tách ra khỏi Bộ Tư pháp, bao gồm:

 - Viện công tố Trung ương đặt trực thuộc Hội đồng Chính phủ, có trách nhiệm, quyền hạn ngang hàng với một bộ.

- Viện công tố phúc thẩm đặt tại Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, khu tự trị Việt Bắc, khu tự trị Thái Mèo.

- Viện công tố thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Viện công tố khu Hồng Quảng, Viện công tố tỉnh và khu vực Vĩnh Linh.

- Huyện và các đơn vị tương đương cấp huyện, có một công tố ủy viên phụ trách và cán bộ giúp việc.

Về nhiệm vụ, ngay năm 1959, theo Nghị định 256, các viện công tố có nhiệm vụ như sau:

- Thứ nhất, điều tra và truy tố trước tòa án những kẻ phạm pháp về hình sự.

- Thứ hai, giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác điều tra của cơ quan điều tra.

- Thứ ba, giám sát việc chấp hành pháp luật trong việc xét xử của các tòa án.

- Thứ tư, giám sát việc chấp hành pháp luật trong việc thi hành các bản án về hình sự, dân sự và trong các hoạt động của cơ quan giam giữ và cải tạo.

- Thứ năm, khởi tố và tham gia tố tụng trong những vụ án dân sự quan trọng có liên quan đến lợi ích của Nhà nước và của nhân dân.

Như vậy, từ những phân tích ở trên cho thấy, vị trí, vai trò, chức năng và thẩm quyền của Viện công tố trong bộ máy nhà nước ta có những thay đổi rất căn bản được xác định khá cụ thể, rõ ràng. Ngoài hoạt động tiến hành công tố, thẩm quyền giám sát của Viện công tố được quy định hết sức chi tiết và rõ ràng. Đây là bước cải cách mang tính chất quá độ, là bước phát triển mới của cơ quan công tố, cũng là bước chuẩn bị thiết thực cho việc chuyển cơ quan công tố thành hệ thống cơ quan của Viện Kiểm sát nhân dân vào năm 1960.

Trên cơ sở Hiến pháp 1959 và Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 1960, các cơ quan công tố được chuyển thành hệ thống các cơ quan nhà nước mới là Viện Kiểm sát nhân dân. Việc thành lập Viện Kiểm sát nhân dân xuất phát từ yêu cầu khách quan của bước chuyển giai đoạn cách mạng ở nước ta, giai đoạn vừa tiếp tục cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, vừa tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Cách mạng chuyển giai đoạn thì bộ máy nhà nước tất yếu cũng phải có những thay đổi phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Từ năm 1960 đến năm 2002, Viện Kiểm sát có hai chức năng là kiểm sát việc tuân theo pháp luật và thực hành quyền công tố. Hai chức năng đó vẫn được duy trì từ năm 2002 đến nay, nhưng chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trên lĩnh vực hành chính, kinh tế xã hội được bỏ đi, chỉ còn kiểm sát các hoạt động tư pháp. Vấn đề cần bàn, cần được tranh luận ở đây là theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, có chuyển Viện Kiểm sát thành Viện công tố không? nếu có thì chuyển như thế nào? Đánh giá như thế nào từ năm 1960 cho đến nay? chúng ta sẽ tiếp thu tinh hoa gì từ Hiến pháp 1946? Dù sao chăng nữa thì Hiến pháp1946 cũng như bất kỳ một văn bản pháp luật nào đều có tính lịch sử của nó. Hiến pháp1946 mặc dù có những cái rất tinh túy, có những cái chúng ta phải học triệt để, nhưng có những cái chúng ta phải tính toán thêm, cân nhắc thêm do thời cuộc đã thay đổi, tình hình kinh tế chính trị đã thay đổi, do tình hình thế giới đã thay đổi. Có những vấn đề tư tưởng có thể chính xác trong năm 1946, nhưng đến bây giờ chưa hẳn đã phù hợp trong thời điểm hiện tại.

Quay trở lại nói về Viện Kiểm sát từ năm 1960 cho đến nay. Qua nghiên cứu nhiều tài liệu cho thấy từ năm 1960 đến nay, quan niệm của hầu hết mọi người, trong đó có ngành kiểm sát là: Viện Kiểm sát trong thời kỳ những năm 1960 đến năm 2002 chỉ có một chức năng là kiểm sát việc tuân theo pháp luật, còn việc thực hành quyền công tố chỉ được coi là một quyền năng mà việc thực hiện nó là để bảo đảm kiểm sát việc tuân theo pháp luật. Đó là tài liệu chính thức được giảng dạy trong Trường cao đẳng Kiểm sát, tức là cái nôi đào tạo của ngành kiểm sát.

Ở đây, về tên gọi liên quan đến một vấn đề, đó là chủ trương chuyển Viện Kiểm sát thành Viện công tố theo Nghị quyết 49/NQ/TW. Phải chăng đây chỉ là bước đổi tên hay là bước đổi về chất, tức là chỉ đổi về hình thức hay đổi về chất và cả về nội dung. Vấn đề đặt ra là nếu chỉ đổi tên không thì không cần thảo luận nhiều. Có lẽ chính vì thế người ta đặt ra một loạt các vấn đề cần phải giải mã về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, cán bộ, v.v..

Từ năm 1960 đến năm 2002, ngành kiểm sát được quan niệm chỉ có một chức năng như vậy đã dẫn đến một hệ quả, hệ quả đó chúng ta đã xử lý được, đó là quá tập trung làm kiểm sát. Nghị quyết Trung ương lần thứ ba, khóa VIII đã đặt vấn đề nghiên cứu để Viện Kiểm sát không làm kiểm sát chung nữa, mà tập trung thực hành quyền công tố, làm tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Không phải đến Nghị quyết 49/NQ/TW mới có vấn đề này, mà từ khi xây dựng Hiến pháp 1992, chúng ta đã thảo luận hướng chuyển Viện Kiểm sát thành Viện công tố. Ngành kiểm sát cũng đã có một đề tài cấp bộ đầu tiên “giải mã” thế nào là “công tố”. Thực ra, ngay ở Viện Kiểm sát tối cao, khi trả lời cho câu hỏi:  Công tố là gì? Vẫn có những kiểm sát viên cao cấp trả lời không chính xác.

Khi mình chưa biết mình là ai, mình chưa hiểu và chưa biết mình phải làm như thế nào thì làm sao thực hiện tốt được các công việc được giao. Có lẽ đây là tình hình không riêng ngành kiểm sát, đây là tình trạng chung của hệ thống các cơ quan tư pháp. Lâu nay, chúng ta quan tâm nhiều đến vấn đề lập pháp, quan tâm đến vấn đề cải cách hành chính, thì mới đây chúng ta mới làm quen với cải cách tư pháp. Lâu nay vấn đề tư pháp chúng ta không quan tâm đúng mức. Vì không quan tâm đúng mức nên chúng ta không lý giải và không giải quyết được vấn đề lý luận. Nói như Lênin, không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng. Khi chưa giải mã được nó là gì, nó ở đâu và nó ra làm sao, nội dung nó như thế nào thì làm sao thực hiện nó tốt được. Trên thực tế, có nhiều ý kiến phát biểu rằng khi Viện Kiểm sát chuyển thành Viện công tố thì không làm dân sự nữa. Bởi vậy việc giải mã Viện công tố là gì? Viện công tố làm gì? là việc làm rất quan trọng. 

Viện công tố của tất cả các nước điển hình nhất trên thế giới bao gồm các nhóm cơ bản sau đây:

- Thứ nhất, nhóm các nước chuyển đổi gồm Trung Quốc và Liên bang Nga.

- Thứ hai, nhóm theo truyền thống pháp luật lục địa có Cộng hòa Pháp và Cộng hòa Liên bang Đức.

- Thứ ba, nhóm theo truyền thống pháp luật án lệ như Hoa Kỳ, Anh, Ốtxtrâylia.

- Thứ tư, nhóm ở khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Inđônêsia v.v…

Ở đây chúng tôi không nghiên cứu pháp luật các nước hồi giáo, vì rằng các nước hồi giáo theo Luật Koran thì không thể phù hợp với Việt Nam.

Về tổ chức của ngành kiểm sát, chúng tôi cho rằng, chúng ta không nên đặt lợi ích ngành lên trên, mà nên đặt lợi ích chung trong sự phát triển của Nhà nước. Như thế thì chúng ta mới định vị được vị trí của ngành kiểm sát giống như tinh thần của Hiến pháp 1946.

Có một số ý kiến cho rằng công tố thuộc hành pháp. Chúng tôi cho rằng nếu nói công tố thuộc hành pháp hay tư pháp là không đủ căn cứ. Nếu nói về hoạt động hành pháp thì không gì phải bàn luận thêm, còn nếu nói thuộc cơ quan hành pháp có lẽ chúng ta cần phải cân nhắc. Trong một cuốn sách về nhà nước pháp quyền do Nhóm 4 của Hội đồng lý luận Trung ương do đồng chí Nguyễn Văn Yểu đứng đầu xây dựng cũng đã thống nhất cho rằng các cơ quan công tố thuộc vào hệ thống các cơ quan tư pháp. Cũng có quan điểm xác định lại vị trí của Viện Kiểm sát, trong đó phần lớn là muốn đưa về trực thuộc Chính phủ, nhưng cũng có ý kiến cho rằng đặt Viện Kiểm sát bên Quốc hội như hiện nay là hợp lý.

Chúng tôi cho rằng dù đặt bên Quốc hội hay đặt bên Chính phủ thì cần phải bảo đảm một vấn đề, đó là sự độc lập. Công tố nói riêng và tư pháp nói chung không độc lập sẽ trở thành vô nghĩa, bởi vì Viện Kiểm sát giữ vai trò là người  bảo đảm tính công lý. Khi cân nhắc vị trí của Viện Kiểm sát phải nghiên cứu kỹ là nên đặt ở vị trí nào để nó bảo đảm tính độc lập. Đó chính là tinh hoa của Hiến pháp 1946, chúng ta cần phải tiếp tục phát huy nhân tố này.

Tiếp theo, về chức năng, nhiệm vụ, vấn đề đặt ra là Viện Kiểm sát sắp tới thành Viện công tố thì làm những gì? Trước hết về việc có làm kiểm sát nữa hay không. Đây là điều theo chúng tôi chúng ta cần phải cân nhắc tính toán kỹ. Theo mô hình Trung Quốc thì không có kiểm sát chung, còn các kiểm sát khác vẫn duy trì. Viện Kiểm sát nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là cơ quan giám sát pháp luật của nhà nước, giám sát tất cả, chỉ trừ kiểm sát chung. Ở Liên bang Nga, Viện Kiểm sát chỉ bỏ khâu kiểm sát xét xử, vẫn có kiểm sát chung, còn ở Pháp, Viện Kiểm sát chịu trách nhiệm thi hành án.

Vấn đề thứ hai, công tố nói vắn tắt đó là buộc tội, và đã là buộc tội thì phải nắm được điều tra. Do đó theo quan niệm của chúng tôi, và chúng tôi hiểu Nghị quyết số 49/NQ/TW của Bộ Chính trị và Báo cáo Chính trị của Đại hội X đã nêu rõ là chúng ta hướng đến xây dựng một nền công tố mạnh. Công tố mạnh theo truyền thống Châu Âu lục địa là nó phải chỉ đạo điều tra. Chúng tôi cho rằng, nếu đã coi tranh tụng là khâu đột phá trong cải cách tư pháp mà công tố không chỉ đạo điều tra thì không bao giờ có thể tăng cường tranh tụng. Hiện nay, kiểm sát viên đi theo vụ án, công an cho biết gì biết nấy, còn không thì không thể biết. Nếu đã không biết thì không thể tranh luận ở tòa. Cho nên, thiết nghĩ, phải giao cho Viện Kiểm sát được quyền chỉ đạo điều tra, còn các công việc nhân sự, cách thức làm việc thế nào, đào tạo ra sao đó là việc kỹ thuật sau này.

Vấn đề thứ ba, bảo đảm tính độc lập trong cấu trúc của Viện Kiểm sát. Có người cho rằng, nếu là Viện công tố thì nên nằm trong Bộ Tư pháp. Theo chúng tôi điều này không phù hợp với thực tế ở Việt Nam. Bởi Bộ Tư pháp của chúng ta không theo nghĩa truyền thống. Ở các nước phân quyền triệt để, cách hiểu về Bộ Tư pháp của họ khác với nước ta. Khi tranh luận có người viện dẫn mô hình của Hoa Kỳ, nhưng cần lưu ý là ở Mỹ không có Bộ Công an, cho nên họ mới phải cấu trúc như thế. Còn ở Việt Nam có Bộ Công an và cơ quan điều tra nằm trong Bộ Công an thì không thể sao chép đúng theo mô hình Hoa Kỳ được.

Vấn đề cuối cùng, chúng tôi nêu ra để thảo luận là vấn đề về bộ máy. Chúng tôi rất ủng hộ nội dung của Nghị quyết 49/NQ/TW vì nó rất gần với tư tưởng của Hiến pháp 1946. Chúng ta tổ chức các cơ quan tư pháp theo cấp xét xử, tức là nhằm đến tính độc lập của nó. Trên là Tối cao, sau là Thượng thẩm, sau nữa là khu vực, cuối cùng là khu vực sơ thẩm. Tuy nhiên, có một vấn đề phải được giải mã. Vấn đề có tính quyết định trong hoạt động tư pháp đó là sự độc lập nhưng phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng. Vụ án vừa qua ở Đồ Sơn là một ví dụ mà chúng ta đã thấy rõ hậu quả. Cái mà chúng ta phải giải mã, học tập là kinh nghiệm giải quyết vấn đề độc lập trong tư pháp nhưng vẫn bảo đảm được sự lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp 1946. Trong bối cảnh kháng chiến mà Đảng ta lãnh đạo rất tuyệt vời, Đảng vẫn lãnh đạo được, đồng thời Tư pháp vẫn độc lập. Đây là một vấn đề đáng quan tâm, cần được trao đổi bình luận thêm.

Trên đây là mấy vấn đề mà chúng tôi nêu ra để thảo luận thêm. Cuối cùng, tôi xin trình bày rất ngắn về chức năng kiểm sát chung. Chúng ta bỏ kiểm sát chung nhưng chưa xác định cụ thể cơ quan nào làm: Thanh tra hay Bộ Tư pháp. Trên thực tế, việc kiểm sát hành vi đã được giao cho Thanh tra. Nhưng trong thời gian vừa qua không có một vụ nào Thanh tra đưa sang cho kiểm sát để khởi tố cả. Một câu hỏi được đặt ra là không lẽ mới bỏ kiểm sát chung từ năm 2002 mà xã hội tốt lên nhanh thế. Có thể khẳng định ngay là không, bởi vì các vụ án lớn vẫn lần lượt diễn ra. Điều này đòi hỏi chúng ta phải xem việc bỏ chức năng kiểm sát chung của Viện Kiểm sát. Khi bỏ chức năng này, chúng ta phải tính cơ chế thay thế hiệu quả. Một xã hội, như Lênin nói, không có giám sát là không được. Kiểm sát chung đã có từ lâu nhưng không phải do Lênin khởi xướng. Lênin có viết tác phẩm bàn về chế độ song trùng trực thuộc và pháp chế, nhưng tư tưởng về kiểm sát chung đã được xuất hiện từ năm 1722 do Sa hoàng Pie Đại đế thực hiện. Cho đến năm 1864, ở Nga chấm dứt chế độ kiểm sát chung của Pie đại đế và chuyển sang mô hình của Pháp, đến năm 1922 lại quay trở lại. Điều này có nghĩa chúng ta cần xem dòng tư tưởng ấy chảy như thế nào để chúng ta đặt vấn đề về chức năng của cơ quan công tố cho hợp lý.

Chúng tôi cho rằng cơ quan công tố không chỉ là một hoạt động thực hành quyền công tố, mà ngoài ra nó còn là một luật sư công. Với tư cách là luật sư công, nó phải làm thêm một số việc để bảo đảm trật tự xã hội chung. Đó là ý kiến chúng tôi suy nghĩ ban đầu về cơ quan công tố, chúng tôi xin phép nêu ra để hội nghị thảo luận.           

 

*. Viện trưởng Viện Khoa học Kiểm sát - Viện kiểm sát nhân dân tối cao.