Phát huy những giá trị lịch sử, chính trị, pháp lý của Hiến pháp 1946 trong sự nghiệp đổi mới hiện nay


Phát biểu của PGS.TS. Bùi Đình Phong *

Nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh, nếu nói theo văn bản thì chúng ta bắt đầu từ Đại hội VII (1991), nhưng trên thực tế trước đó cũng đã có một số công trình của các nhà khoa học mang tính tự phát, sau đó những nghiên cứu tương đối quy mô cũng được thực hiện. Trong quá trình nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh khoảng 15 năm, có một vấn đề đặt ra là khi chúng ta đã hội nhập thì giá trị hoặc ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay như thế nào?

Có thể khẳng định rằng tư tưởng Hồ Chí Minh bao trùm lên tất cả các lĩnh vực và vẫn vẹn nguyên giá trị. Liên quan hội thảo này có hai nội dung quan trọng, một là chúng ta trở lại Hiến pháp 1946, hai là việc vận dụng, đánh giá tư tưởng Hồ Chí Minh qua những giá trị của Hiến pháp 1946. Theo tôi có một số điểm mới: một là thời đại mới, hai là vị thế mới của Việt Nam, ba là cơ hội mới, bốn là thách thức mới và năm là dân trí mới. Chúng ta phải đặt tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh những cái mới đó thì mới vận dụng và phát triển tốt.

 Trong báo cáo này, tôi xin được trình bày về vấn đề vì sao Bác Hồ lại đặc biệt quan tâm tới nền lập hiến ở Việt Nam.

Để đi tới xác lập một hệ thống quan điểm về nền lập hiến ở Việt Nam, qua nghiên cứu chúng ta thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua một quá trình hoạt động cách mạng khoảng 30 năm ở trong và ngoài nước­ - một quá trình hoạt động cách mạng hết sức phong phú. Tiếp cận những bài viết, bài nói của Bác Hồ về lịch sử những năm trước 1946, có thể khẳng định rằng chắc chắn Bác Hồ đã biết tới các kiểu nhà nước phong kiến Việt Nam với những bộ sử, bộ luật nổi tiếng như Đại Việt sử ký toàn thư, Lịch triều hiến chương loại chí, Quốc triều hình luật hoặc là Bộ luật Hồng Đức… Chắc chắn Hồ Chí Minh cũng biết tư tưởng về một nhà nước thân dân thời phong kiến hưng thịnh cũng như tư tưởng tiến bộ của Nho giáo về nhà nước. Đặc biệt là 30 năm hoạt động ở nước ngoài, Hồ Chí Minh cũng biết đến kiểu nhà nước tư sản của Mỹ, của Pháp. Nói cách khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh có điều kiện nghiên cứu mô hình nhà nước ra đời từ thành quả cách mạng tư sản, Người đã dành những thời gian nhất định để nghiên cứu mô hình nhà nước Xô viết - một kiểu nhà nước ra đời từ thành quả cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới. Theo các bài viết, những đánh giá của Hồ Chí Minh thì có thể khẳng định đây là một loại hình nhà nước, một loại cách mạng đã thành công, thành công đến nơi, triệt để.

Trong hành trang trên đường về Tổ quốc, sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài Hồ Chí Minh không chỉ nung nấu quyết định về việc giải phóng dân tộc cách mạng vô sản mà Người còn mang theo một khát vọng xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hợp với hoàn cảnh ở nước ta. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau, để thực hiện được một bản Hiến pháp như Hiến pháp 1946, tư tưởng Hồ Chí Minh đã phải trải qua quá trình hình thành và phát triển gắn chặt với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Có nhiều nhà nghiên cứu khi khai thác tư tưởng Hồ Chí Minh về nền lập hiến cũng như nghiên cứu tư tưởng của Người nói chung, thường nhấn mạnh đến việc khai thác những giá trị của nhà nước, tức là nghiên cứu nhấn mạnh về mặt lý luận. Nhưng chúng tôi cho rằng, để có một nền lập hiến thực sự của Việt Nam, thì ngoài việc Bác Hồ nghiên cứu về nhà nước Pháp, Mỹ, kể cả Liên Xô, cần phải gắn chặt với quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và sức mạnh dân tộc. Từ cuộc đấu tranh đó mới dẫn đến một nền lập hiến mang sắc thái Việt Nam, sắc thái Hồ Chí Minh. Khởi đầu của quá trình đó là bản Yêu sách của nhân dân An Nam và sau đó là Việt Nam yêu cầu ca. Tuy nhiên, theo chúng tôi, với những tài liệu đó thì chưa thể có một quan điểm lập hiến theo nghĩa “lý tính” phản ánh những khát vọng về quyền con người, quyền dân tộc. Đặc biệt, những trăn trở về “thần linh pháp quyền” là những hiển nhiên không ai phủ nhận. Điều cần nhấn mạnh là Hồ Chí Minh đã sớm có một cái nhìn về tầm quan trọng của lập hiến khi Người chưa phải là người cộng sản. Đó là trăn trở lớn của Người trong quá trình tổ chức lực lượng, huấn luyện mọi mặt, chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng. Trong các lớp huấn luyện của Người tại Quảng Châu, người đã truyền đạt tư tưởng về một nhà nước của số đông, quyền giao cho dân chúng số nhiều, cho các học viên. Khái niệm số đông đó, khi Đảng ra đời được thể hiện ở mệnh đề Chính phủ công - nông - binh trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng.


 

*. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh