Phát huy những giá trị lịch sử, chính trị, pháp lý của Hiến pháp 1946 trong sự nghiệp đổi mới hiện nay


Phát biểu của TS. Nguyễn Đình Lộc *

Để hiểu được một số nét đặc thù của truyền thống lập hiến Việt Nam và hệ thống tư pháp, tôi nghĩ chúng ta phải đi vào lịch sử lập hiến Việt Nam nói chung và từng thiết chế trong hệ thống lập hiến nói riêng và đặt nó trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể.

Trước hết, tôi muốn đề cập một vài tình tiết lịch sử, chẳng hạn: Tuyên ngôn độc lập được xem như vương miện. Đó không chỉ là vấn đề của Việt Nam. Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp năm 1789 từ nền Cộng hòa thứ 4 với bản Hiến pháp Cộng hòa Pháp năm 1946 luôn luôn đi liền với các Hiến pháp. Hiến pháp 1958 mở đầu nền Cộng hòa thứ 5 cũng tôn Tuyên ngôn 1789 của Cách mạng Pháp làm phần mở đầu.

Có ý kiến cho rằng, chưa có văn bản nào thể hiện Quốc hội năm 1946 là Quốc hội lập hiến. Thực chất, tư tưởng Quốc hội lập hiến thể hiện ngay trong bài phát biểu có tính chương trình hành động của Chính phủ lâm thời đầu tiên ngày 3-9-1945 được gọi là “Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân Chủ cộng hòa”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra sáu vấn đề được coi là nhiệm vụ cấp bách. Ở vị trí thứ 3, Người nói rõ: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”[1] bầu Quốc hội để xây dựng Hiến pháp dân chủ. Điều đó chứng tỏ Quốc hội năm 1946 chính là Quốc hội lập hiến. Trong Sắc lệnh của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về tổ chức bầu cử, đã xác định bầu Quốc hội lập hiến.

Hiến pháp 1946 chưa công bố nhưng không có nghĩa nó không được động chạm đến. Quốc hội đã hình dung điều kiện lúc bấy giờ chưa thể công bố Hiến pháp. Do đó, Quốc hội đã ra Nghị quyết: Ban thường vụ Quốc hội căn cứ vào tư tưởng và nội dung của Hiến pháp để phối hợp với Chính phủ thực hiện việc điều hành đất nước, đến khi tình hình thuận lợi thì sẽ công bố. Có nghĩa là Hiến pháp1946 luôn luôn chỉ đạo hoạt động của Chính phủ, nhất là trong tổ chức bộ máy. Vì vậy, không thể nói Hiến pháp đó hoàn toàn bị lãng quên và Quốc hội không có trách nhiệm hoặc là muốn điều hành đất nước thế nào cũng được. Chính là việc nhìn thấy tình hình chiến tranh nên không công bố Hiến pháp.  Năm 1953, Quốc hội được triệu tập họp để thông qua Luật cải cách ruộng đất. Tuy Quốc hội không ra Nghị quyết này nhưng tính chất Quốc hội từ một Quốc hội lập hiến đã trở thành Quốc hội lập pháp. Đến sau năm 1954, tức là sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, thành phố Hà Nội được tiếp quản từ tay quân đội Pháp và trở lại với vị trí là Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì kỳ họp thứ 4 từ ngày 20-3-1955 đến 26-3-1955 đã được tiến hành tại Thủ đô Hà Nội. Quốc hội được triệu tập với tư cách Quốc hội lập pháp, trở thành Quốc hội lập pháp khóa I, và tồn tại cho đến năm 1960 khi Quốc hội khóa II được bầu để thay thế. Như vậy, Hiến pháp 1946 tuy chưa được công bố và chưa phát huy được đầy đủ hiệu lực của mình nhưng trên danh nghĩa, bản Hiến pháp này vẫn tồn tại cho đến ngày được thay thế bằng Hiến pháp thứ hai - Hiến pháp 1959. Cũng trong tinh thần ấy, cơ quan xây dựng dự thảo Hiến pháp này được kỳ họp thứ 6, ngày 23-1-1957 thành lập gọi là Ban sửa đổi Hiến pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban mà không phải là Ban xây dựng dự án Hiến pháp mới.

Từ Hiến pháp 1946 đến Hiến pháp 1959, xét về tính chất cũng như thiết kế bộ máy đã có sự thay đổi lớn, nhất là về tư pháp. Cụ thể hơn, Hiến pháp 1959 đã là một Hiến pháp theo mô hình Xô viết, mô hình Hiến pháp Xã hội chủ nghĩa. Toà án Liên xô tổ chức theo mô hình đơn vị hành chính. Do vậy, mô hình tổ chức toà án của chúng ta đã phỏng theo mô hình tòa án của Liên xô. Điều này cũng dễ hiểu, vì sau khi hòa bình lập lại vào năm 1954, tình hình đã có sự chuyển biến gắn liền với việc hàn gắn vết thương chiến tranh, tiếp tục đấu tranh thống nhất nước nhà. Do điều kiện lịch sử ở từng thời điểm khác nhau nên dù đều do chủ tịch Hồ Chí Minh là Trưởng Ban nhưng Hiến pháp 1946 hoàn toàn khác Hiến pháp 1959.

Nói đến ý nghĩa lịch sử của Hiến pháp 1946, trong một thời gian dài, dường như bản Hiến pháp này chưa được chúng ta quan tâm lắm. Không phải ngẫu nhiên mà tính từ ngày Hiến pháp 1946 được thông qua đến ngày 9-11-2006 vừa qua tròn 60 năm mà không có ai đặt vấn đề tổ chức một cuộc hội thảo để không chỉ nhớ lại mà còn cùng nhân thể xem xét ý nghĩa lịch sử của nó có những điểm gì? Không phải ngẫu nhiên tại Hội thảo Quốc tế lần thứ nhất về Việt Nam trong các ngày từ 15 đến 17-7-1998, Giáo sư, Tiến sĩ Stein Tonnesson thuộc Học viện Bắc Âu về nghiên cứu châu Á, Copenhagen, Đan Mạch trong báo cáo “Bản Hiến pháp đầu tiên (1946) của cụ Hồ Chí Minh” có nhận xét: ngày 9-11-1946, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên. Tuy nhiên, trong các công trình học thuật về đề tài lịch sử - chính trị Việt Nam, bản Hiến pháp này lại ít được đề cập, còn chính ông lại nhận xét: “Hiến pháp 1946 lại không có được vị trí lẽ ra nó phải có trong lịch sử dựng nước của Việt Nam...” [2].

Trong việc thực hiện Hiến pháp, nếu đúng tinh thần Hiến pháp 1980 thì chúng ta không thể có một số đạo luật tạo nền tảng cho nền kinh tế thị trường như Luật Công ty (năm 1991), Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (năm 1988), v.v… vì tại Điều 21 Hiến pháp 1980 quy định “Nhà nước độc quyền về ngoại thương và mọi quan hệ kinh tế khác”.

Hiến pháp 1946 cũng có trường hợp tương tự như vậy. Điều 12, Hiến pháp 1946 quy định “quyền sở hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo lưu” chưa được hủy bỏ nhưng Quốc hội lúc đó đã ban hành Luật cải cách ruộng đất quy định việc tịch thu, trưng thu, trưng mua ruộng đất thuộc quyền sở hữu tư nhân của giai cấp địa chủ.

Vấn đề là ở chỗ, dù trong trường hợp nào thì cũng không được bỏ qua các quy định của Hiến pháp mà phải bình tĩnh cân nhắc, xem xét để việc sửa đổi Hiến pháp theo đúng quy trình đã định, tạo cơ sở pháp lý cho việc ban hành những văn bản pháp luật mới, đáp ứng yêu cầu mới của phát triển đất nước. Phải làm như vậy để vừa bảo đảm tính phù hợp, tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản sẽ được ban hành vừa vẫn có thể đáp ứng nhu cầu của giai đoạn phát triển mới. Có làm được như vậy chúng ta mới có thể xây dựng, duy trì thói quen tôn trọng Hiến pháp, tạo lập truyền thống Hiến pháp.

Cũng phải nói thêm rằng, truyền thống tôn trọng Hiến pháp hay nói một cách khác, truyền thống, khẩu hiệu lập hiến là một trong những dấu hiệu cơ bản để đánh giá bản chất pháp quyền của một chế độ, một xã hội dân chủ.

Ra đời ở thời kỳ các dân tộc đấu tranh lật đổ giai cấp quý tộc, các vương triều phong kiến chuyên chế, tàn bạo, lập hiến là khẩu hiệu có sức cổ vũ lớn và ban hành Hiến pháp là cách trực tiếp hạn chế, thậm chí là có khi trực tiếp xóa bỏ, thủ tiêu các chế độ cường quyền tàn bạo với người dân. Yêu sách lập hiến, khẩu hiệu lập hiến trong những trường hợp đó gắn liền với sự giải phóng, đổi đời của các tầng lớp dân cư của một xã hội mà đại đa số là các giai cấp lao động vốn đang sống dưới đáy xã hội. Lâu ngày, qua nhiều thế hệ, lập hiến trở thành truyền thống cao quý, có tính thiêng liêng đối với các dân tộc. Trong các xã hội như vậy, truyền thống lập hiến chuyển hóa vào tình cảm của mọi tầng lớp nhân dân, thành một thứ tâm lý xã hội mà mọi người đều tôn trọng. Mọi việc, dù của ai, làm sai, làm trái quy định, tinh thần của Hiến pháp là một sự xúc phạm lớn, dư luận xã hội không chịu chấp nhận.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khi còn mang tên Nguyễn Ái Quốc, chuyển dịch yêu sách thứ 7 của bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi Hội nghị Vécxây năm 1919 thành bài Việt Nam yêu cầu ca, đã viết: “Bảy xin Hiến pháp ban hành, trăm đều phải có thần linh pháp quyền” cũng chính trong tinh thần đó. Rất tiếc, hoàn cảnh đấu tranh của nhân dân ta diễn ra trong một môi trường hoàn toàn khác nên chưa xây dựng được truyền thống lập hiến cao đẹp. Công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thực sự của dân, do dân, vì dân hiện nay đang có đầy đủ điều kiện, môi trường xã hội để làm việc đó. 


 

*. Ủy viên Ủy ban pháp luật của Quốc hội khóa XI

[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 8

[2]. Các nhà Việt Nam học nước ngoài viết về Việt Nam, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2002, t.7, tr. 284, 285, 294.