Phát huy những giá trị lịch sử, chính trị, pháp lý của Hiến pháp 1946 trong sự nghiệp đổi mới hiện nay


Phát biểu của PGS.TS. Nguyễn Đăng Dung *

Nói đến hiến pháp, cũng như việc soạn thảo và thi hành hiến pháp thì phải nói đến chủ nghĩa hiến pháp, có người dịch là chủ nghĩa hợp hiến (Consitutionalism). Trong quá trình nghiên cứu, tôi thấy chủ nghĩa lập hiến ở nước ta không hình thành một cách rõ nét như ở những nước khác. Chủ nghĩa lập hiến gồm những gì? Nói đến hiến pháp là phải nói đến nhà nước pháp quyền. Hiến pháp 1946 thể hiện tư tưởng nhà nước pháp quyền. Tinh thần “Bảy xin Hiến pháp ban hành; trăm đều phải có thần linh pháp quyền” chính là có tư tưởng nhà nước pháp quyền. Nếu chúng ta xây dựng hiến pháp mà không nói đến nhà nước pháp quyền, không nói đến chủ nghĩa hiến pháp, thì có lẽ hiến pháp khó có thể trở thành hiện thực.

Vậy trọng tâm nhà nước pháp quyền là gì? Đó là tạo hoá nhân quyền và phân quyền. So với các bản hiến pháp sau này, thì Hiến pháp 1946 - Hiến pháp đầu tiên của nước ta có nhiều dấu ấn của chủ nghĩa hiến pháp, hay còn có thể gọi là những dấu ấn của nhà nước pháp quyền.

Trong Hiến pháp 1992 hiện hành, chúng ta định nghĩa nhân quyền là quyền công dân và được quy định trong hiến pháp và pháp luật (Điều 50). So với các hiến pháp trước đây, thì việc có được quy định này là một điều tiến bộ vượt bậc. Nhưng đi vào cụ thể thì nội dung của quy định này không phải không có những điểm yếu. Thứ nhất, quyền công dân có hàm ý hẹp hơn quyền con người. Quyền công dân hiểu theo nghĩa căn bản của nó là quyền bầu cử kèm theo quyền ứng cử. Còn những quyền như quyền tự do kinh doanh không phải là quyền công dân. Thứ hai, đã gọi là nhân quyền thì không thể được quy định trong một văn bản có hiệu lực pháp lý thấp hơn hiến pháp. Nó phải được quy định trong đạo luật có hiệu lực pháp lý tối cao - tức là hiến pháp, thì mới có cơ hội cho việc bắt buộc đối với các cơ quan nhà nước thi hành.

Vấn đề bảo vệ nhân quyền là một vấn đề trung tâm hay còn có thể gọi là mục đích của mọi bản Hiến pháp không phân biệt chế độ chính trị. Cái lõi của việc tổ chức nhà nước là để bảo vệ nhân quyền là phân quyền. Vì vậy, nhân quyền và phân quyền là hai đối tượng chủ yếu cần phải quy định trong hiến pháp. Vì muốn bảo vệ nhân quyền thì phải chống độc tài, chuyên chế. Muốn chống độc tài chuyên chế, thì phải giới hạn quyền lực, muốn giới hạn quyền lực thì quyền lực buộc phải phân ra. Trong một thời gian dài, chúng ta vẫn thi hành nguyên tắc tập quyền, chỉ cho đến khi có cơ chế mở cửa như hiện nay chúng ta mới bước đầu chấp nhận một số hạt nhân của phân quyền. Đó là phân công, phân nhiệm và phối kết hợp giữa các quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp. 

Điểm thứ hai tôi muốn nói ở đây là so với các bản hiến pháp sau này, thì Hiến pháp 1946 thể hiện nhiều dấu ấn của sự phân quyền hơn cả. Trước hết quyền lực nhà nước được chia làm ba quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp, mà không phải là bốn quyền như các bản hiến pháp sau này với sự xuất hiện của hệ thống Viện Kiểm sát nhân dân có chức năng kiểm sát việc tuân thủ pháp luật của tất cả các cơ quan nhà nước từ Trung ương cho đến địa phương. Việc tổ chức bộ máy nhà nước của Hiến pháp 1946 có nhiều đặc điểm của cả một chế độ lưỡng tính cộng hòa, mà mãi sau này người Pháp mới có điều kiện nghĩ ra bằng Hiến pháp 1958 sau thời điểm ban hành Hiến pháp 1946 của Việt Nam những 12 năm. Đặc điểm quan trọng của mô hình này là nguyên thủ quốc gia không những là người đứng đầu nhà nước, mà còn trực tiếp điều hành Chính phủ - hành pháp. Tuy nhiên, trên thực tế Chủ tịch Hồ Chí Minh điều hành nhà nước sau Cách mạng tháng Tám không khác sự vận hành của mô hình chế độ tổng thống như hiện nay. Theo đó, nguyên thủ quốc gia trực tiếp điều hành Chính phủ; Chính phủ không có Thủ tướng; các bộ trưởng của Chính phủ không nhất thiết là người của Đảng cầm quyền.

 Điểm thứ ba, có lẽ đây cũng là một sự tài tình của Hồ Chí Minh trong việc xây dựng bản Hiến pháp 1946. Đó là sự lãnh đạo của Đảng. Không có bản Hiến pháp nào của nhà nước tư sản thừa nhận sự lãnh đạo của đảng chính trị. Đây cũng là một trong những mấu chốt tạo nên tính hình thức của nền dân chủ tư sản và cũng là một trong những biểu hiện đậm nét nhất về tính hình thức của hiến pháp tư sản, mà hiện nay xét về mặt lý thuyết họ vẫn chưa có một cách lý giải nào thỏa đáng. Trước tình hình nước sôi lửa bỏng, mọi việc phải tập trung cho việc tập hợp lực lượng cho công cuộc giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh vào thời điểm đó và các đồng chí của Người đã ra tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản. Nhưng trên thực tế, Đảng của của người vẫn hoạt động bí mật, và thủ lĩnh của Đảng là Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là người điều hành Chính phủ - hành pháp.


 

*. Giảng viên khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội