Phát huy những giá trị lịch sử, chính trị, pháp lý của Hiến pháp 1946 trong sự nghiệp đổi mới hiện nay


Phát biểu của TS. Ngô Đức Mạnh *

Trước hết, tôi trình bày một số suy nghĩ về hiệu lực của Hiến pháp 1946. Có người nói Hiến pháp 1946 không được công bố nên trên thực tế bản Hiến pháp này không được thực hiện. Do đó, sau này chúng ta chỉ thực hiện những gì mà các bản Hiến pháp sau được công bố. Ở đây, chúng ta có thể nói đến hai khái niệm. Khái niệm thứ nhất là về giá trị pháp lý của bản Hiến pháp. Giá trị pháp lý thể hiện ở chỗ, bản Hiến pháp đã được Nghị viện nhân dân thông qua,và bản Hiến pháp này sẽ được toàn dân phúc quyết. Cũng chính Nghị viện nhân dân biểu quyết đồng ý là trong tình hình đất nước có chiến tranh thì không thể đưa Hiến pháp ra để toàn dân phúc quyết. Thứ hai là hiệu lực (hay căn cứ thực tế). Căn cứ thực tế có nghĩa là trên thực tế, sau khi Hiến pháp được thông qua, toàn bộ tổ chức chính quyền của chúng ta: Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chính quyền địa phương đều được vận hành theo các quy định của Hiến pháp 1946. Như vậy, không thể phủ nhận những căn cứ như tôi đã nêu ở trên.

Giá trị nổi bật của Hiến pháp 1946 là thiết lập nền pháp chế, nền lập hiến, nhà nước pháp quyền. Có ý kiến cho rằng, chúng ta không có nền lập hiến vì chúng ta không có nhà nước pháp quyền. Tôi nghĩ rằng, các nền văn minh khác từ thế kỷ 19 của Pháp, Mỹ cũng gọi là nhà nước pháp quyền mặc dù đã có bản Hiến pháp. Cho nên tinh thần, giá trị pháp quyền chứa đựng các bản Hiến pháp ấy. Vấn đề làm sao để tinh thần, giá trị ấy được kế thừa, phát huy và được triển khai trên thực tế. Đó là cả một quá trình lâu dài, cho nên với suy nghĩ như vậy, tôi cho rằng nền lập hiến của chúng ta phải được khẳng định và bắt đầu từ bản Hiến pháp 1946. Ở đây, chúng ta nhận thấy Hiến pháp 1946 chứa đựng những giá trị tư tưởng, giá trị chính trị - pháp lý. Đây là một bản Hiến pháp rất ngắn gọn, cô đọng so với các bản Hiến pháp hiện nay khá nặng nề, vì chúng ta quy định rất nhiều điều.

Tôi nghĩ chúng ta phải hiểu được tinh thần của Hiến pháp thì mới có thể giải thích được Hiến pháp. Hiến pháp 1946 và Hiến pháp khác không thể quy định đầy đủ được. Do đó, cần có cơ chế giải thích Hiến pháp và bảo vệ Hiến pháp. Có ý kiến cho rằng Hiến pháp 1946 không có cơ chế bảo vệ Hiến pháp. Tôi nghĩ vấn đề không phải như vậy, vì khi Hiến pháp được thông qua và theo quy định thì Hiến pháp phải được toàn dân phúc quyết. Cơ chế đó đã là sự bảo vệ rất vững chắc cho Hiến pháp. Có điều trong hoàn cảnh khó khăn lúc bấy giờ, chúng ta không thể thực thi được quy định đó một cách đầy đủ.

Cho nên, để kế thừa những giá trị của Hiến pháp 1946, phải kế thừa cả tư tưởng của Hiến pháp. Nếu kế thừa được tư tưởng của bản Hiến pháp thì chúng ta mới có thể soi rọi trong công cuộc xây dựng nhà nước hiện nay và trở lại tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái; trở lại quyền con người và tư tưởng về quyền của chủ sở hữu của từng cá nhân được tự do về quyền tài sản của mình; quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; …và những quyền cơ bản khác. Như vậy, chúng ta sẽ có căn cứ giải thích Hiến pháp đầy đủ. Nhiều nước trên thế giới thường có quan điểm giải thích Hiến pháp là giải thích tinh thần của Hiến pháp đó, không phải là những quy định cụ thể. Vì thế nên một thẩm phán khi áp dụng luật hoặc giải thích Hiến pháp, họ phải căn cứ vào tinh thần của các quy định và chính tinh thần đó là động lực phát huy được tính pháp lý cũng như đạo đức của người thẩm phán khi nhận thức và hiểu được vấn đề mà không phải chờ những quy định cụ thể. Giá trị đó của bản Hiến pháp 1946 được kế thừa và phát triển trong các bản hiến pháp sau này.

Về mặt kỹ thuật lập pháp, chúng ta đã cố gắng xây dựng Hiến pháp thành đạo luật cơ bản mà không phải là bản Hiến pháp có giá trị pháp lý cao nhất. Điều này thể hiện ở chỗ, chúng ta cố gắng đưa ra tất cả các quy định cụ thể. Ví dụ, khi sửa đổi Hiến pháp vào năm 2001, chúng ta bổ sung cả quy định Quốc hội có thể quyết định vấn đề phân bổ ngân sách trung ương. Những quy định cụ thể như thế, vô hình chung đã làm giảm giá trị của Hiến pháp và biến Hiến pháp thành một đạo luật thông thường với những quy định rất cụ thể. Điều này đặt ra một vấn đề khó cho chúng ta là: muốn đổi mới bộ máy nhà nước thì phải sửa đổi Hiến pháp, dẫn đến tính trường tồn, giá trị lâu bền của Hiến pháp bị xâm phạm. Nếu nghiên cứu Hiến pháp 1946 về khía cạnh tổ chức bộ máy nhà nước, về Quốc hội thì trong bản Hiến pháp này cần phải quy định những gì có giá trị cao cả nhất, những gì có tính vĩnh hằng, tính trường tồn. Với những quy định về Quốc hội của chúng ta hiện nay thì không thể nói đến những đặc điểm bản chất thuộc về chức năng của Quốc hội. Hướng cần đổi mới chính là phát huy chức năng đại diện của Quốc hội bên cạnh chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Ở đây, chúng ta không thể lạm dụng Hiến pháp để quyết định tất cả các quyền Quốc hội có thể thực hiện được. Chúng ta phải hiểu tinh thần của Hiến pháp quy định những vấn đề nguyên tắc, nền tảng. Bên cạnh đó, chúng ta sẽ có những quy định cụ thể hơn trong các luật tổ chức bộ máy Nhà nước, đó là điều có thể thay đổi, bổ sung. Còn quy định của Hiến pháp chính là những quy định có giá trị lâu bền.

Về một số vấn đề khác liên quan đến tổ chức hoạt động của Quốc hội hiện nay, các bản hiến pháp của chúng ta đang quy định nhiều quyền của cơ quan thường trực Quốc hội. Trong khi đó, với tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội, đây là cơ quan quyết định tập thể, theo đa số và có tính đại diện cao nhất. Do đó, nếu nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp về các phần liên quan đến Quốc hội thì cần phải cân nhắc lại những quy định giữa việc đề cao quyền Quốc hội - với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất với quyền của cơ quan thường trực Quốc hội. Cơ quan thường trực không thể có những quyền mà quyền đó có thể ảnh hưởng đến phạm vi thẩm quyền của Quốc hội, ví dụ như quyền giải thích hiến pháp, vì đây là một thiết chế rất quan trọng. Với cách thức tổ chức như hiện nay thì rõ ràng những quy định như vậy không thể thực hiện được và sẽ ảnh hưởng đến tính uy nghiêm và tính giá trị cao nhất của Hiến pháp.

Những quy định khác cũng cần tính đến trong lần sửa đổi hiến pháp sắp tới, đó là những quy định về đại biểu Quốc hội. Tôi thấy rằng những quy định của Hiến pháp 1946 về nghị viên cũng rất rõ ràng và đầy đủ, thể hiện ở chỗ nghị viên không chỉ là đại diện cho cử tri địa phương mà còn đại diện cho nhân dân cả nước. Tôi nghĩ rằng, tinh thần đó phải được quán triệt và như vậy với quy định ngắn gọn này, rõ ràng nghị viên phải làm theo chức năng đại diện của mình. Sau này, chúng ta cố gắng quy định nhiều điều khoản khác như là phải tiếp xúc cử tri, phải có trách nhiệm báo cáo. Những quy định như vậy nên được quy định ở những văn bản dưới Hiến pháp mới bảo đảm được giá trị của Hiến pháp.

 Từ những phân tích cho thấy không những chúng ta phải hiểu Hiến pháp 1946 theo quan điểm lịch sử và đặt trong bối cảnh hiện nay mà về mặt kỹ thuật lập pháp, cách thức quy định cũng là vấn đề có ý nghĩa không nhỏ đối với chúng ta khi nghiên cứu Hiến pháp 1946.


 

*. Nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học, Văn phòng Quốc hội. Hiện là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Khóa XII.