Phát biểu của PGS. TS. Hoàng Thế Liên
1. Chúng ta có lịch sử lập hiến hơn 60 năm. Trong hơn 60 năm đó, chúng ta có bốn bản Hiến pháp (1946, 1959, 1980 và 1992). Xuyên suốt bốn bản hiến pháp có một đặc trưng rất tiêu biểu của lịch sử lập hiến nước ta, đó là tất cả các bản Hiến pháp đều được xây dựng và ban hành trong thời đại do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Tại mỗi thời điểm bước ngoặt của lịch sử đất nước, chúng ta đều xây dựng, ban hành Hiến pháp mới thể hiện đường lối chiến lược mới. Vì vậy, trong lý luận cũng như thực tiễn lập pháp, có thể dễ dàng nhận thấy rằng, Hiến pháp nước ta có một sứ mệnh lớn trong việc thể chế hoá đường lối của Đảng. Do đó, trong các bản Hiến pháp của nước ta thường có hai nhóm nội dung.
Với tư cách là đạo luật cơ bản của đất nước, Hiến pháp quy định những vấn đề lớn mang tính chiến lược, thể hiện sự ghi nhận những giá trị mà cả dân tộc đã đạt được trong suốt chiều dài lịch sử, kế thừa và tiếp tục phát triển những giá trị được thực tiễn kiểm nghiệm của những bản Hiến pháp trước. Nội dung này biến động không nhiều, thường khá ổn định.
Bên cạnh đó, như đã nêu ở trên, tất cả các bản Hiến pháp của chúng ta đều được xây dựng và ban hành trong thời đại do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Trong đặc điểm của hệ thống chính trị do một Đảng cầm quyền nên trong nội dung của các bản Hiến pháp đều thể hiện rất rõ những chủ trương lớn được Đảng đặt ra trong các cương lĩnh. Tuy nhiên, nếu chúng ta quá nhấn mạnh sứ mệnh này của Hiến pháp, thể chế một cách máy móc đường lối của Đảng trong từng thời kỳ phát triển thì trong điều kiện mới với nhiều biến động đòi hỏi phải có sự cải cách, đổi mới, chúng ta sẽ tự gây khó khăn cho mình.
Vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây là giải quyết như thế nào về mối quan hệ giữa Hiến pháp với tư cách là đạo luật cơ bản (đạo luật gốc) đặt nền tảng cho cả hệ thống pháp luật của đất nước và sứ mệnh thể chế hoá đường lối của Đảng trong lập hiến. Thể chế hoá đường lối của Đảng vào Hiến pháp những vấn đề gì? Ở tầm nào? Đây là vấn đề cần được cân nhắc kỹ. Tôi nghiệm thấy rằng do chúng ta chưa giải quyết tốt các vấn đề này, nên vẫn còn một số vấn đề tuy đã đưa vào Hiến pháp nhưng chưa thực sự ngang tầm với vị trí của Hiến pháp. Đồng thời, tính khái quát mang tầm chiến lược trong một số quy định của Hiến pháp cũng chưa thật ngang tầm với quy định hiến định. Do đó, lẽ ra Hiến pháp phải có tính bền lâu lại luôn bị đặt trong trạng thái đòi hỏi phải được sửa đổi, bổ sung, làm cho quá trình cải cách gặp những khó khăn nhất định vì nhiều vấn đề cải cách chưa phù hợp với Hiến pháp, đòi hỏi phải sửa đổi Hiến pháp mới có thể thực hiện được. Hơn nữa, nếu chúng ta giải quyết không thoả đáng các vấn đề nêu trên thì vô hình chung sẽ “thời sự hoá Hiến pháp” với tư cách là văn bản cần được bảo đảm tính ổn định cao nhất trong hệ thống pháp luật, biến Hiến pháp thành một đạo luật bình thường. Đó là điều cần phải tránh.
2. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, trong lúc còn phải đối mặt với nhiều vấn đề cấp bách nhưng Đảng và Bác Hồ vẫn đặt ra nhiệm vụ lớn là xây dựng cho được Hiến pháp. Xin nêu ra các dẫn chứng chứng minh cho tính nhất quán, quyết liệt, thể hiện khát vọng của cả dân tộc trong vấn đề xây dựng Hiến pháp. Ngày 02-09-1945, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ngày 03-09-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra sáu nhiệm vụ trong đó có nhiệm vụ xây dựng Hiến pháp. Ngày 20-09-1945, Chính phủ đã thành lập Ban dự thảo Hiến pháp. Đến tháng 11-1945, dự thảo Hiến pháp được công bố cho toàn dân thảo luận. Ngày 02-03-1946, Quốc hội thành lập Ban dự thảo Hiến pháp của Quốc hội. Ngày 08-11-1946, Hiến pháp được thông qua. Nhìn vào những sự kiện này, chúng ta thấy một tinh thần khẩn trương, quyết liệt và bài bản. Chúng ta còn nhớ vào năm 1919, Bác Hồ đại diện cho dân tộc ta đưa ra yêu sách phải ban hành Hiến pháp ở Việt Nam để bảo đảm quyền dân chủ cho nhân dân. Lúc bấy giờ nước ta còn nằm trong tay thực dân phong kiến, chúng ta có quyền đòi và đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và dân chủ cho nhân dân bằng việc yêu cầu ban hành Hiến pháp. Nhưng khi chúng ta đã giành được độc lập, có chính quyền trong tay nhân dân, thì có đầy đủ điều kiện nhất để Bác thực hiện khát vọng của mình là xây dựng, ban hành Hiến pháp để thực hiện một Nhà nước thực sự dân chủ. Điều đó thể hiện sự nhất quán trong tư duy chính trị của Đảng và Bác Hồ, đau đáu một khát vọng xây dựng một nước Việt Nam độc lập dân chủ và giàu mạnh.
3. Về vấn đề tư pháp, Hiến pháp 1946 có nhiều giá trị rất đáng trân trọng. Quy định về cơ quan tư pháp trong Hiến pháp 1946 có 7 điều, 13 dòng với 151 từ, nhưng đã chuyển tải đầy đủ, sâu sắc những nguyên tắc lớn, cơ bản, phổ biến ở mức độ cô đọng và phù hợp với thông lệ quốc tế. Khái niệm cơ quan tư pháp rõ ràng chỉ là toà án; tổ chức toà án theo thẩm quyền xét xử và hai cấp xét xử; tính độc lập của xét xử được đề cao; xét xử công khai; phụ thẩm nhân dân chỉ có trong xét xử vụ án hình sự... Đó là những nguyên tắc có giá trị bền lâu làm nền tảng cho một nền tư pháp hiện đại. Trong khi đó ở các Hiến pháp sau này, nhất là Hiến pháp 1992 quy định về tư pháp nhiều điều, nhiều dòng và từ hơn (15 điều, 75 dòng với khoảng 830 từ). Nhưng càng quy định nhiều vấn đề, chúng ta càng thấy lúng túng trong triển khai các tư tưởng đổi mới về cải cách tư pháp.
Chẳng hạn trong Hiến pháp 1992, tại Chương X, không gọi là cơ quan tư pháp như Hiến pháp 1946 mà gọi là Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân. Do đó, khái niệm tư pháp có nội hàm rộng hơn. Sách kinh điển coi tư pháp là hoạt động trong xét xử của toà án. Bây giờ chúng ta mở rộng khái niệm tư pháp bao gồm cả điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, gây trùng lấn về chức năng tư pháp và hành chính, làm cho một số cơ quan tư pháp trở thành “lưỡng tính”, không biết nằm trong phạm vi của cuộc cải cách nào tư pháp hay hành chính?
Gần đây, theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp, thì toà án được coi là khâu trung tâm trong cải cách tư pháp. Đó là một tiến bộ lớn trong quan niệm về tư pháp, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho chúng ta trong việc xác định thứ tự ưu tiên trong các giải pháp cải cách tư pháp. Tuy nhiên, chủ trương lớn đó cũng đòi hỏi phải lý giải rõ nội hàm của chủ trương coi toà án là khâu trung tâm của cải cách tư pháp. Theo hiểu biết bước đầu của tôi, thì vai trò trung tâm của toà án được hiểu như sau:
- Phải xây dựng toà án thành thiết chế có đủ sức giải quyết hầu hết các tranh chấp xảy ra trong xã hội. Trong điều kiện mới, được kiện ra toà án để giải quyết các tranh chấp xảy ra đã trở thành một quyền rất quan trọng.
- Phải cải cách như thế nào để toà án trở thành cơ quan cao nhất trong các cơ quan tư pháp. Ngoài Quốc hội ra, không nên giao cho một cơ quan nào khác đứng cao hơn Toà án, có quyền giám sát hoạt động xét xử của toà án. Ở nhiều nước trên thế giới, chỉ có toà án mới có thẩm quyền ra lệnh bắt người.
- Cải cách các cơ quan tư pháp khác không ngoài mục đích phục vụ tốt nhất hoạt động xét xử công khai, độc lập, dân chủ vì công lý của toà án.
Hiến pháp 1946 đặt nền móng để chúng ta xây dựng một nền tư pháp nhân dân. Tính nhân dân của nền tư pháp ít nhất phải bảo đảm cho được hai nội dung: một là, toà án phải phục vụ cho lợi ích của nhân dân và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân. Thứ hai, hoạt động của toà án phải được mở rộng để nhân dân tham gia như chế định phụ thẩm, luật sư bào chữa, xét xử công khai, công bố bản án, quyết định của toà án. Phụ thẩm trong Hiến pháp 1946 chỉ tham gia vào xét xử các vụ án hình sự thôi. Điều này rất đúng với thông lệ quốc tế. Nhưng ở Hiến pháp 1992, chúng ta phát triển chế định Hội thẩm nhân dân có quyền tham gia cả vào các vụ án dân sự, hình sự. Chúng ta có phần lẫn lộn giữa pháp luật về công pháp và pháp luật về tư pháp trong vấn đề này. Các nước trên thế giới quy định trong xét xử vụ án hình sự mới có công tố, có bồi thẩm đoàn; trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự, không có sự tham gia của công tố, bồi thẩm đoàn.
Hiến pháp nào của nước ta cũng quy định nguyên tắc hai cấp xét xử. Trên thực tế, chúng ta lại không tổ chức toà án theo hai cấp xét xử mà một cấp xét xử lại nhiều thẩm quyền xét xử, trừ toà án cấp huyện có thẩm quyền xét xử sơ thẩm chưa thật đầy đủ. Chính vì chúng ta chưa tổ chức toà án theo đúng nguyên tắc hai cấp xét xử mà lại tổ chức theo lãnh thổ với nhiều thẩm quyền ở một cấp toà án nên dẫn tới có nhiều toà sơ thẩm, nhiều toà phúc thẩm trong lúc còn thiếu cán bộ tư pháp và thiếu kinh phí hoạt động. Vì vậy, phải coi việc tổ chức toà án theo cấp xét xử (bỏ cách tổ chức toà án theo lãnh thổ) là một trong những giải pháp cấp bách cần tập trung thực hiện cho bằng được trong thời gian trước mắt.
4. Nguyên tắc tư pháp độc lập cần được hiểu như thế nào? Tư pháp độc lập có phải chỉ trong xét xử không? Theo tôi, cần hiểu rộng ra tư pháp độc lập không chỉ trong xét xử. Trong xét xử, hội đồng xét xử phải độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; đó là điều không còn bàn cãi. Nhưng theo tôi, để đạt được sự độc lập đó, yêu cầu đặt ra là giữa các cấp xét xử cũng phải độc lập với nhau và từng thẩm phán, hội thẩm nhân dân trong hội đồng xét xử cũng phải độc lập với nhau. Điều tối kỵ là giữa các cấp toà án có mối quan hệ hành chính; bởi quan hệ giữa các cấp toà án là quan hệ tố tụng. Việc gộp cả hai quan hệ hành chính, quan hệ tố tụng vào làm một là không phù hợp với nguyên tắc độc lập của tư pháp.
Do đó, tôi đề nghị chúng ta cần có một đề tài nghiên cứu không những nhằm làm rõ nội hàm của nguyên tắc tư pháp độc lập dưới sự lãnh đạo của Đảng mà còn tìm ra các giải pháp hữu hiệu nhằm bảo đảm thực hiện nguyên tắc quan trọng này.
Trong cuộc hội thảo hôm nay, tôi xin có một số ý kiến như vậy, mong nhận được sự góp ý, trao đổi lại của các đồng chí và các bạn.