LỊCH SỬ QUỐC HỘI VIỆT NAM Tập 2 (1960 - 1976)

 

LỜI MỞ ĐẦU

 

Cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc Việt Nam chống thực dân xâm lược Pháp và can thiệp Mỹ phát triển đến đỉnh cao thắng lợi là chiến dịch Điện Biên Phủ (tháng 5-1954). Hiệp định Giơnevơ được ký kết, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương (7-1954). Miền Bắc nước ta đã hoàn toàn giải phóng, miền Nam còn tạm thời do phía Pháp quản lý. Đất nước trước mắt bị chia làm hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau. Theo Điều 6 của Bản Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Giơnevơ quy định lấy vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời ở Việt Nam và Điều 7 (khẳng định các bên tham gia Hội nghị thừa nhận về nguyên tắc độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, việc hiệp thương giữa hai miền bắt đầu từ ngày 20-7-1955 và việc Tổng tuyển cử vào tháng 7-1956". Song, sau khi thực dân Pháp thất bại, đế quốc Mỹ vội vã vào miền Nam Việt Nam, nhanh chóng gạt bỏ Pháp và tay sai của Pháp, đưa Ngô Đình Diệm lên nắm chính quyền, loại bỏ Bảo Đại, dựng lên ở miền Nam một chế độ độc tài phát xít làm công cụ cho đế quốc Mỹ chống lại nhân dân miền Nam, thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ làm bàn đạp tấn công miền Bắc, lập phòng tuyến ngăn chặn chủ nghĩa xã hội lan xuống Đông Nam Á.

Đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn do Ngô Đình Diệm đứng đầu đã trắng trợn phá bỏ Hiệp định Giơnevơ thẳng tay đàn áp, khủng bố, mở các chiến dịch tố cộng bằng cái gọi là sức mạnh của "quân lực Cộng hòa", của đạo quân cảnh sát, sen đầm đông đảo để chống lại nhân dân miền Nam, chống lại cách mạng. Ngày 4-3-1956, Ngô Đình Diệm tổ chức bầu "Quốc hội" riêng rẽ và ngày 26-10-1956 cho công bố "Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa" nhằm biến miền Nam thành một "quốc gia” riêng! Đây là việc làm hoàn toàn bất hợp pháp, trái với tinh thần Hiệp định Giơnevơ, trái với Điều 6 và Điều 7 của bản Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Giơnevơ ngày 21- 7-1954.

Để bảo vệ sinh mạng và quyền lợi cơ bản của mình, nhân dân miền Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng không có con đường nào khác là phải đứng lên đánh đổ chế độ độc tài phát xít của Mỹ và tay sai, hoàn toàn giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà, góp phần xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Miền Bắc sau khi hoàn toàn giải phóng, nhân dân ta đã phát huy sức mạnh của chính quyền dân chủ nhân dân, tăng cường đoàn kết toàn dân, khôi phục kinh tế, từng bước đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đây là một xu thế phát triển của miền Bắc đồng thời còn là một yêu cầu của cách mạng miền Nam, và của cách mạng cả nước.

Như vậy kể từ tháng 7-1954 đến tháng 5-1975, một Đảng thống nhất lãnh đạo nhân dân một nước tạm thời bị chia cắt thành hai miền, tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng khác nhau đó là đặc điểm lớn nhất và cũng là nét độc đáo của cách mạng Việt Nam.

Cách mạng ở miền Bắc và cách mạng Việt Nam ở miền Nam thuộc hai chiến lược khác nhau, mỗi chiến lược cách mạng nhằm giải quyết yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể của mỗi miền trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt làm đôi. Cách mạng mỗi miền có vị trí chiến lược quyết định của nó, song hai chiến lược cách mạng đó trước mắt đều có một mục tiêu chung, nhằm giải quyết mâu thuẫn chung của cả nước là mâu thuẫn giữa nhân dân ta với đế quốc Mỹ và tay sai của chúng để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Sự nghiệp cao cả đó của dân tộc Việt Nam đã diễn ra lâu dài, vô cùng quyết liệt. Nhân dân ta phải đương đầu chống lại các chiến lược chiến tranh xâm lược của Mỹ. Đó là chiến lược chiến tranh đơn phương của Aixenhao, “Chiến tranh đặc biệt” của Kennơđi, chiến tranh cục bộ của Giônxơn, chiến lược "Việt Nam hóa" chiến tranh của Nichxơn. Từ năm 1965 trở đi, cả nước có chiến tranh. Miền Nam là tiền tuyến lớn, miền Bắc là hậu phương lớn. Chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng của mọi người Việt Nam yêu nước. Cả dân tộc đứng lên chiến đấu với ý chí: “không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Đặc điểm tình hình và là nét độc đáo của cách mạng Việt Nam từ tháng 7-1954 đến tháng 5-1975 đã chi phối về mọi mặt tổ chức, nhiệm vụ và hoạt động của Quốc hội từ khóa II đến khóa V, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.