I. BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA II, QUỐC HỘI BẦU CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO NHÀ NƯỚC
Năm 1959 - 1960 cao trào "Đồng khởi” - khởi nghĩa từng phần, phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, giành lại quyền làm chủ các bản làng ở miền núi, thôn xã ở đồng bằng. Cách mạng miền Nam chuyển sang thế chiến lược tấn công bằng bạo lực cách mạng của quần chúng, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, khởi nghĩa của quần chúng và chiến tranh cách mạng.
Ở miền Bắc, thực hiện kế hoạch 3 năm (1955-1957), nhân dân ta đạt được những thành tích to lớn trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, bước đầu phát triển văn hóa, giảm bớt khó khăn, dần dần cải thiện đời sống của nhân dân, an ninh, trật tự được duy trì, quốc phòng được củng cố, chính quyền vững mạnh. Ngày 31-12-1959, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp mới - Hiến pháp ghi rõ những thắng lợi to lớn đã qua và nêu rõ mục tiêu phấn đấu của nhân dân ta trong giai đoạn mới.
Bước vào đầu năm 1960, qua hai năm thực hiện kế hoạch cải tạo và phát triển nền kinh tế quốc dân theo chủ nghĩa xã hội, miền Bắc đã giành được những thành tích quan trọng, được củng cố và phát triển trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, đời sống, an ninh, quốc phòng. Phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa dâng lên mạnh mẽ nhằm hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 1960, năm cuối của kế hoạch ba năm (1958 -1960). Cách mạng trên cả hai miền Nam-Bắc đã giành được những thắng lợi ngày càng lớn.
Quốc hội (khóa I) do Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 bầu ra, là Quốc hội đại đoàn kết thống nhất dân tộc, Quốc hội kháng chiến, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử do Tổ quốc giao phó. Hoàn cảnh mới của đất nước trên cả hai miền đòi hỏi phải bầu Quốc hội mới theo quyết định của Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa I, tháng 12-1959.
1. Cuộc Bầu cử Quốc hội ngày 8-5-1960
Ngày 16-2-1960, Ban Thường trực Quốc hội quyết định ngày 8-5-1960 là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa II trên toàn miền Bắc.
Bầu cử Quốc hội là một cuộc vận động chính trị quan trọng nhằm phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân, đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng miền Bắc theo con đường xã hội chủ nghĩa và đấu tranh thực hiện thống nhất đất nước. Do ý nghĩa thực tiễn chính trị trọng đại đó, cuộc vận động tổ chức bầu cử được chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc trong toàn đảng, toàn quân, toàn dân miền Bắc.
Các cơ quan tuyên truyền, thông tin đại chúng, các tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp tích cực tuyên truyền, tổ chức hướng dẫn cho toàn dân nghiên cứu, thảo luận các vấn đề về tính chất của Nhà nước, quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, nhiệm vụ và tổ chức Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, v.v... để nâng cao nhận thức của nhân dân về quyền làm chủ Nhà nước và ý nghĩa cuộc bầu cử Quốc hội khóa II.
Ban Thường trực Quốc hội họp bàn quy định số đại biểu Quốc hội khóa II và thông qua Nghị quyết thành lập Hội đồng bầu cử.
Ngày 2-3-1960, Ban Thường trực Quốc hội đã ta Nghị quyết về việc thành lập Hội đồng bầu cử gồm có 25 thành viên đại diện cho các đảng phái, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng, dân tộc, tôn giáo.
Căn cứ Nghị quyết Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội về việc thi hành Hiến pháp và Điều 12, Điều 14 của Luật Bầu cử Quốc hội, Ban Thường trực Quốc hội đã ra quyết định quy định số đại biểu được bầu là 362, trong đó có ít nhất 35 đại biểu là người các dân tộc thiểu số, số đơn vị bầu cử là 42.
Ngày 4-4-1960, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam họp để quyết định các cấp bộ Mặt trận, các chính đảng, các đoàn thể phải vận động mọi người tham gia bầu cử và giới thiệu những người ưu tú tiêu biểu ở địa phương ra ứng cử đại biểu Quốc hội. Căn cứ vào Hiến pháp và Nghị quyết đó của Ban Thường trực Mặt trận, các chính đảng, Mặt trận Tổ quốc các cấp, các đoàn thể quần chúng, đã bàn bạc giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội ở các đơn vị bầu cử.
Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định để 19 Uỷ viên Trung ương ra ửng cử đại biểu Quốc hội tại các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định và các địa phương khác theo yêu cầu của các Đảng bộ và nhân dân địa phương. Chủ tịch Hồ Chí Minh được Bộ Chính trị quyết định ra ứng cử tại đơn vị bầu cử ở Thủ đô theo yêu cầu của nhân dân và đề nghị của Thành ủy Hà Nội. Ngày 4-4-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cảm ơn đồng bào Hà Nội. Người viết: “Tôi rất cảm ơn toàn thể đồng bào Thủ đô Hà Nội đã đề nghị tôi ra ứng cử ở Thủ đô trong cuộc Tổng Tuyển cử Quốc hội khóa II.
Tôi xin báo để đồng bào biết rằng Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã đồng ý để tôi ứng cử tại Hà Nội (Khu Ba Đình).
Cuộc Tổng Tuyển cử Quốc hội là một sự kiện chính trị rất quan trọng của chế độ dân chủ ta. Mong toàn thể đồng bào hăng hái tham gia hoạt động, làm cho cuộc Tổng tuyển cử này đại thắng lợi” ([1]).
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng giới thiệu một danh sách 27 vị ra ứng cử đại biểu Quốc hội. Ngoài các vị đứng trong danh sách chung của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, các chính đảng, đoàn thể cũng giới thiệu một danh sách ứng cử viên riêng của mình.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Lời kêu gọi nhân dịp bầu cử Quốc hội khóa II. Lời kêu gọi nêu rõ: "Đồng bào nhận thức đầy đủ trách nhiệm làm chủ nước nhà, làm chủ vận mệnh của mình, hăng hái tham gia bầu cử Quốc hội khóa II. Đồng bào hãy vì lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, sáng suốt và thận trọng chọn những người có đức, có tài, những người tiêu biểu nhất cho ý chí của toàn dân là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và hòa bình thống nhất Tổ quốc" [2].
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng kêu gọi toàn dân hăng hái đi bầu cử. Lời kêu gọi có đoạn viết: “Việc bầu cử Quốc hội lần này là một cuộc vận động dân chủ rất căn bản của chế độ ta và có một ý nghĩa chính trị rất to lớn. Đó là một dịp mà mọi người công dân Việt Nam tỏ rõ nhiệt tình yêu nước và sử dụng quyền làm chủ đất nước, cầm lá phiếu tự mình chọn lấy người đại biểu xứng đáng nhất thay mặt cho mình quyết định những vấn đề to lớn của Tổ quốc, của nhân dân” [3].
Các vị ứng cử đại biểu ở tất cả các tỉnh, thành phố lần lượt ra mắt cử tri ở các đơn vị bầu cử.
Ngày 24-4-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị ứng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội ra mắt trước gần một vạn cử tri họp tại Nhà hát nhân dân. Phát biểu với cử tri Thủ đô, Người nói: "Sáng nay, một đồng chí cán bộ mời tôi đi "ra mắt cử tri".
Tôi trả lời: Đã bao nhiêu năm lòng tôi luôn luôn ở cạnh đồng bào và tôi tin rằng lòng đồng bào cũng luôn luôn ở cạnh tôi. Xa lạ gì mà phải ra mắt?
Nói thế này mới đúng: Tôi đến đây để cảm ơn đồng bào đã nhất trí yêu cầu tôi và các vị khác ra ứng cử vào Quốc hội khóa II ở Thủ đô yêu quý của chúng ta...
Quốc hội khóa II phải là Quốc hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc làm nền tảng vững chắc cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Vì vậy, Quốc hội phải có những đại biểu thật xứng đáng, những đại biểu một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và phục vụ chủ nghĩa xã hội.
Lựa chọn những đại biểu như vậy là quyền lợi và nghĩa vụ của người cử tri.
Lá phiếu cử tri có một giá trị rất cao quý; nó là một dấu hiệu xác nhận rằng nhân dân thật sự làm chủ nước nhà...” [4].
Chủ tịch Hồ Chí Minh hứa với đồng bào thủ đô rằng: “1. Thủ đô Hà Nội ta được bầu ba mươi đại biểu vào Quốc hội khóa II, mà có gần bốn mươi người ra ửng cử, đó là một điều tốt.
Chúng tôi nhận rằng được đồng bào đưa ra ứng cử là một vinh dự lớn. Người được bầu và người không được bầu sẽ đều vui vẻ, phấn khởi và đều cảm ơn đồng bào.
2. Những người được cử vào Quốc hội khóa II sẽ luôn luôn cố gắng để xứng đáng là những người đầy tớ trung thành của đồng bào, những người đại biểu cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ Chủ nghĩa xã hội”.
Ngày 8-5-1960 là một ngày hội lớn của nhân dân miền Bắc - Ngày bầu cử Quốc hội khóa II - cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hầu hết cử tri ở miền Bắc từ thành phố đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược đã nô nức đi bầu cử, thực hiện quyền làm chủ nước nhà, tự mình lựa chọn những đại biểu vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu tại các đơn vị bầu cử rất cao. Có khu vực bầu cử 100% cử tri đi bỏ phiếu.
Hà Nội có 99,85% tổng số cử tri đi bầu cử. Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội tại phòng bỏ phiếu số 52, Khu Trúc Bạch, thuộc đơn vị bầu cử số I, Hà Nội. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ người công dân, Người đến thăm phòng bỏ phiếu ở xã Nhật Tân, huyện Từ Liêm.
Ở các địa phương khác, tỷ lệ cử tri đi bầu cử trên 90%: Hưng Yên, 99,9%; Vĩnh Linh, 99,51%; Hà Tĩnh, 97,54%; Yên Bái, 97,54%; Khu Tự trị Thái - Mèo, 96,89%; Tuyên Quang, 96,54%; Lạng Sơn, 96,48%; Bắc Cạn, 96,11%; Cao Bằng, 94,73%; Hà Giang, 92%.
Cuộc tuyển cử diễn ra sôi nổi và thành công tốt đẹp, thực sự là một ngày hội lớn của toàn dân. Đây là một thắng lợi chính trị to lớn của Nhà nước ta - Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Các đại biểu do Mặt trận giới thiệu trúng cử với số phiếu rất cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với 99,91% tổng số phiếu bầu.
Ngày 27-5-1960, Hội đồng bầu cử tổng kết, đánh giá cuộc bầu cử dại biểu Quốc hội khóa II và chính thức công bố kết quả của 22.530 khu vực bầu cử của 42 đơn vị bầu như sau:
Tổng số đại biểu phải bầu là 362 trên tổng số 455 ửng cử viên, trong đó có 395 nam, 60 nữ.
Trong tổng số 8.394.987 cử tri ghi trong danh sách, có 8.192.795 cử tri đã đi bỏ phiếu, chiếm tỷ lệ 97,59%. Trong 22.530 khu vực bầu cử, có 6.616 khu vực đạt 100% cử tri đi bỏ phiếu.
Tổng số phiếu bầu có 8.135.308 phiếu hợp lệ, 54.278 phiếu không hợp lệ và 3.209 phiếu trắng. Trong tổng số 455 người ứng cử, có 362 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa II.
Số đại biểu được trúng cử ở các địa phương là: Khu tự trị Thái - Mèo: 12; Lạng Sơn: 5; Cao Bằng: 6; Bắc Cạn: 3; Thái Nguyên: 8; Tuyên Quang 4; Hà Giang: 5; Lào Cai: 4; Yên Bái: 3; Phú Thọ: 11; Vĩnh Phúc: 12; Bắc Ninh: 10; Bắc Giang: 10; Hải Ninh: 4; Hải Dương: 18; Kiến An: 9; Hưng Yên: 12; Thái Bình: 23; Hòa Bình: 6; Hà Đông: 18; Sơn Tây: 8: Hà Nam: 10; Nam Định: 22; Ninh Bình: 9; Thanh Hóa: 32; Nghệ An: 25; Hà Tĩnh: 14; Quảng Bình: 7; Vĩnh Linh: 3; Hồng Quảng: 6; Hải Phòng: 13; Hà Nội: 30.
Trong tổng số 362 đại biểu trúng cử có 65 đại biểu là những nhà khoa học kỹ thuật, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, 56 đại biểu thuộc các tộc thiểu số, 50 đại biểu là công nhân, 46 đại biểu là nông dân, 49 đại biểu là phụ nữ, 40 đại biểu là thanh niên, 34 đại biểu là cán bộ miền Nam tập kết, 20 đại biểu là quân nhân, 3 đại biểu là linh mục công giáo, 2 đại biểu là hòa thượng Phật giáo, 2 đại biểu là tư sản dân tộc.
362 đại biểu trúng cử Quốc hội khóa II cùng với 91 đại biểu miền Nam trong Quốc hội bầu khóa I được Quốc hội quyết định kéo dài nhiệm kỳ là hình ảnh khối đại đoàn kết dân tộc rộng rãi, phản ánh đây đủ ý chí và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam.
“Cuộc bầu cử thắng lợi đã có ý nghĩa và tác dụng lớn đối với việc kiện toàn bộ máy nhà nước dân chủ nhân dân, đối với việc đoàn kết toàn dân và nâng cao ý thức chủ nhân đất nước của nhân dân ta. Đó là những điều kiện quyết định cho sự phát triển của chế độ ta, cho sự thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam”[6].
2. Quốc hội (khóa II) họp bầu các cơ quan lãnh đạo nhà nước
Thực hiện Điều 46 của Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1959 quy định, kỳ họp đầu tiên phải được triệu tập chậm nhất là hai tháng sau khi tuyển cử, kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa II được triệu tập, họp tại Hà Nội vào sáng ngày 6-7-1960. Tham dự kỳ họp Quốc hội này có 427/453 đại biểu.
Khai mạc kỳ họp, Trưởng ban Thường trực Quốc hội Tôn Đức Thắng nêu rõ: "Kỳ họp Quốc hội này giải quyết những vấn đề rất căn bản để kiện toàn Nhà nước ta, đáp ứng một yêu cầu hết sức thiết yếu của cách mạng”[7].
Căn cứ vào báo cáo của Ban Thường trực Quốc hội về tình hình và kết quả cuộc bầu cử và kết luận của Uỷ ban thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội khóa II, Quốc hội đã thông qua nghị quyết xác nhận tư cách của 362 đại biểu Quốc hội trúng cử trong cuộc bầu cử ngày 8-5- 1960.
Cùng với việc thông qua các đạo luật cơ bản về tổ chức nhà nước là Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Quốc hội bầu những người đứng đầu các cơ quan cao nhất của Nhà nước và thành lập Chính phủ mới.
Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Phó Chủ tịch Tôn Đức Thắng
Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chủ tịch: Trường Chinh
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký: Hoàng Văn Hoan
Phó Chủ tịch: Xuân Thủy
Nguyễn Xiển
Trần Đăng Khoa
Chu Văn Tấn
Nguyễn Văn Hưởng
Uỷ viên: Tôn Quang Phiệt
Trần Huy Liệu
Dương Bạch Mai
Dương Đức Hiền
Trần Đình Tri
Nguyễn Thị Thập
Nguyễn Xuân Nguyên
Nguyễn Công Hòa
Vũ Quang
Nguyễn Hữu Khiếu
Linh mục Hồ Thành Biên
Pháp sư Thích Trí Độ
Hồ Đắc Di
Y Ngông NiêkĐăm
Uỷ viên dự khuyết:
Trương Tấn Phát[8]
Lò Văn Hạc
Bồ Xuân Luật
Nguyễn Khoa Diệu Hồng
Bùi Hưng Gia
Hội đồng Chính phủ
Thủ tướng Chính phủ: Phạm Văn Đồng
Phó Thủ tướng: Phạm Hùng
Võ Nguyên Giáp
Phan Kế Toại
Nguyễn Duy Trinh
Lê Thanh Nghị
Những người đứng đầu các Văn phòng Phủ Thủ tướng
Chủ nhiệm Văn phòng Nông nghiệp: Phạm Hùng
Chủ nhiệm Văn phòng Công nghiệp: Lê Thanh Nghị
Chủ nhiệm Văn phòng Tài chính - Thương nghiệp: Hoàng Anh
Chủ nhiệm Văn phòng Nội chính: Trần Quốc Hoàn
Chủ nhiệm Văn phòng Văn giáo: Tố Hữu
Bộ trưởng Phủ Thủ tướng: Nguyễn Khang
Bộ trưởng các bộ, Chủ nhiệm các ủy ban nhà nước và
thủ trưởng các cơ quan ngang bộ
Bộ trưởng các bộ
Bộ đội vụ: Phan Kế Toại
Bộ Ngoại giao: Phạm Văn Đồng
Bộ Quốc phòng: Võ Nguyên Giáp
Bộ Công an: Trần Quốc Hoàn
Bộ Nông nghiệp: Nghiêm Xuân Yêm
Bộ Nông trường: Trần Hữu Dực
Bộ Thủy lợi và Điện lực: Dương Quốc Chính
Bộ Công nghiệp nặng: Nguyễn Văn Trân
Bộ Công nghiệp nhẹ: Kha Vạng Cân
Bộ Kiến trúc: Bùi Quang Tạo
Bộ Giao thông và Bưu điện: Phan Trọng Tuệ
Bộ Lao động: Nguyễn Văn Tạo
Bộ Tài chính: Hoàng Anh
Bộ Nội thương: Đỗ Mười
Bộ Ngoại thương: Phan Anh
Bộ Văn hóa: Hoàng Minh Giám
Bộ Giáo dục: Nguyễn Văn Huyên
Bộ Y tế: Phạm Ngọc Thạch
Chủ nhiệm các Ủy ban
Ủy ban Kế hoạch nhà nước: Nguyễn Duy Trinh
Ủy ban Khoa học nhà nước: Võ Nguyên Giáp
Ủy ban Dân tộc: Lê Quảng Ba
Ủy ban Thanh tra Chính phủ: Nguyễn Lương Bằng
Ủy ban Thống nhất: Nguyễn Văn Vịnh
Tổng Giám đốc Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam: Lê Viết Lượng
Bộ trưởng không Bộ, phụ trách
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch
nhà nước: Lê Văn Hiến
Hội đồng quốc phòng
Chủ tịch: Hồ Chí Minh
Phó chủ tịch: Phạm Văn Đồng
Võ Nguyên Giáp
Uỷ viên: Văn Tiến Dũng
Nguyễn Chí Thanh
Nguyễn Duy Trinh
Trần Quốc Hoàn
Nguyễn Văn Trân
Chu Văn Tấn
Viện trưởng Viện Kiểm sát
nhân dân tối cao: Hoàng Quốc Việt
Chánh án Tòa án Nhân dân
tối cao: Phạm Văn Bạch
Quốc hội cử ra Uỷ ban Dự án pháp luật do Hoàng Văn Hoan làm Chủ nhiệm, Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách do Tôn Quang Phiệt làm Chủ nhiệm.
Tại buổi bế mạc Kỳ họp lần thứ nhất Quốc hội khóa II, danh sách toàn bộ các vị lãnh đạo, các cơ quan cao nhất của Nhà nước vừa được Quốc hội bầu ra, được công bố. Cả Hội trường đứng dậy nhiệt liệt hoan hô vị lãnh tụ tối cao Hồ Chí Minh, chào mừng các vị đứng đầu các cơ quan cao nhất của nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến. Người nói: "Chúng tôi rất cảm ơn Quốc hội, và kinh qua Quốc hội, cảm ơn đồng bào đã tin cậy và giao cho chúng tôi nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang là lãnh đạo nhà nước”[9].
Tóm tắt tình hình Việt Nam và thế giới trong những ngày đầu của Quốc hội khóa II, so sánh với tình hình mười lăm năm trước, Người nói rõ:
“Phe địch xuống dốc, phe ta lên cao
Mười lăm năm ấy biết bao nhiều tình"[10]
Đứng trước tình hình mới, Người nhấn mạnh: “Nhiệm vụ quan trọng nhất của nhân dân, Quốc hội và Chính phủ ta là: phải ra sức phấn đấu để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà và góp phần bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới” [11].
Để xứng đáng với vinh dự to lớn là người đầy tớ tuyệt đối trung thành của nhân dân, Người nhấn mạnh các đại biểu Quốc hội và cán bộ chính quyền cần phải: thực hành cần, kiệm, liêm, chính; chí công, vô tư.
Gương mẫu về mọi mặt: Đoàn kết, công tác, học tập, lao động.
Luôn luôn giữ vững tác phong khiêm tốn, chất phác và hòa mình với quần chúng thành một khối.
Nhân dân ta rất anh dũng. Chúng ta làm đúng những điều đó thì công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội nhất định thắng lợi, đấu tranh thống nhất nước nhà nhất định thành công” [12].
Hơn ba vạn nhân dân Thủ đô đã họp mít tinh chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh, chào mừng các vị lãnh đạo nhà nước.
Chiều ngày 15-7-1960, Đoàn Ngoại giao ở Hà Nội đến Nhà hát thành phố chúc mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp Người được bầu tiếp tục giữ chức Chủ tịch nước. Người cảm ơn Đoàn Ngoại giao và nói sẽ cố gắng công tác cho xứng đáng với trách nhiệm cao cả mà nhân dân giao phó, phấn đấu để củng cố và phát triển tình đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc và giữ vững hòa bình thế giới.
II. QUỐC HỘI VỚI SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở MIỀN BẮC (1960 -1964)
1. Quyết định các kế sách củng cố và tăng cường tiềm lực miền Bắc
Tháng 9-1960, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam họp ở Hà Nội. Đây là “Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà” [13].
Đường lối, chủ trương của Đại hội là ngọn cờ dắt dẫn toàn Đảng và toàn dân ta xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm cho miền Bắc nước ta có một nền công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có văn hóa, khoa học tiên tiến, làm cho nhân dân ta có một đời sống ngày thêm ấm no, vui tươi. Miền Bắc giàu mạnh về mọi mặt sẽ tạo nên sự chuyển biến lớn về so sánh lực lượng có lợi cho cách mạng của cả nước. Đại hội Đảng đã chỉ rõ: miền Bắc là căn cứ địa chung của cách mạng cả nước, sự lớn mạnh không ngừng của miền Bắc không những nâng cao lòng tin tưởng và cổ vũ tinh thần hăng hái cách mạng của đồng bào yêu nước ở miền Nam, mà còn làm cho lực lượng so sánh giữa cách mạng và phản cách mạng trên phạm vi cả nước ta càng nghiêng về phía cách mạng, tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng miền Nam phát triển mạnh mẽ và giành thắng lợi cuối cùng”[14].
Đại hội xác định những nhiệm vụ cơ bản của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất là:
- Ra sức phát triển công nghiệp và nông nghiệp, thực hiện một bước ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý đồng thời ra sức phát triển nông nghiệp toàn diện, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp nhẹ.
- Hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp nhỏ và công thương nghiệp tư bản tư doanh, củng cố và tăng cường thành phần kinh tế quốc doanh, mở rộng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân.
- Nâng cao trình độ văn hóa của nhân dân, đẩy mạnh đào tạo cán bộ và công nhân lành nghề, nâng cao năng lực quản lý của cán bộ, xúc tiến công tác khoa học và kỹ thuật.
- Cải thiện thêm một bước đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân, mở mang phúc lợi công cộng, xây dựng đời sống mới ở nông thôn và thành thị.
- Ra sức củng cố quốc phòng, trật tự, an ninh xã hội.
Đại hội chủ trương tăng cường sức mạnh của nhà nước dân chủ nhân dân, củng cố sự nhất từ về chính trị và tinh thần của nhân dân miền Bắc, đoàn kết quốc tế. v.v..
Đại hội thông qua nhiệm vụ và phương hướng kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng liên tiếp mở các hội nghị để cụ thể hóa đường lối phát triển kinh tế trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Đó là Hội nghị lần thứ năm (7-1961) bàn về phát triển nông nghiệp trong những năm 1961-1965 nhằm đưa nông nghiệp tiến nhanh, tiến mạnh, trở thành cơ sở vững chắc để phát triển công nghiệp. Hội nghị lần thứ bảy (6-1962) bàn về phát triển công nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý. Đặc biệt Hội nghị lần thứ tám (5-1963) của Ban Chấp hành Trung ương thảo luận và quyết nghị về kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), xác định phương hướng, nhiệm vụ, chỉ tiêu và biện pháp chủ yếu của kế hoạch này. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám có ý nghĩa quan trọng. Những phương hướng nhiệm vụ, mục tiêu của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất trình bày trong Nghị quyết thể hiện một cách đầy đủ đường lối của Đảng về việc thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong những năm trước mắt.
Dựa trên nội dung cơ bản các Nghị quyết của Đảng, Hội đồng Chính phủ dự thảo các kế hoạch hàng năm và kế hoạch 5 năm lần thứ nhất để trình Quốc hội phê chuẩn. Tháng 4-1961, Quốc hội thông qua kế hoạch phát triển kinh tế và văn hóa năm 1961; tháng 4-1962, thông qua kế hoạch phát triển kinh tế và văn hóa năm 1962.
Từ ngày 28-4 đến ngày 8-5-1963, Quốc hội họp Kỳ thứ 6 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Văn Đồng trình bày Báo cáo của Chính phủ, nêu rõ: "5 năm đã qua kể từ khi nhân dân ta hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ khôi phục kinh tế, bắt tay thực hiện kế hoạch 3 năm 1958 - 1960 nhằm cải tạo và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa. 5 năm ấy đã ghi những biến đổi cách mạng sâu sắc và những thắng lợi to lớn của nhân dân ta trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội ở miền Bắc"[15]. Báo cáo cũng trình bày những vấn đề lớn của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất về công nghiệp, nông nghiệp, ngoại thương, phân vùng kinh tế, phát triển văn hóa, cải thiện đời sống, chỉ đạo thực hiện những vấn đề của việc thực hiện kế hoạch.
Phó Thủ tướng kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch nhà nước Nguyễn Duy Trinh trình bày Báo cáo về Dự án kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) và Dự án kế hoạch nhà nước năm 1963.
Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất dự định sẽ đưa giá trị sản lượng công nghiệp và thủ công nghiệp năm 1965 tăng khoảng 119% so với năm 1960, bình quân hàng năm tăng khoảng trên 17% giá trị sản lượng, trong đó giá trị sản lượng công nghiệp năm 1965 sẽ tăng khoảng 37% so với năm 1960, bình quân hàng năm tăng khoảng 6,5%. Vốn đầu tư vào các ngành kinh tế và văn hóa trong 5 năm là 3.883 triệu đồng, trong đó đầu tư vào khu vực sản xuất khoảng 86%, khu vực không sản xuất là 16%....[16]
Nghiên cứu các Báo cáo của Chính phủ, bản thuyết trình của các Uỷ ban và qua thảo luận của các đại biểu, ngày 8-5-1963 Quốc hội nhất trí thông qua Nghị quyết về báo cáo của Chính phủ, thông qua Nghị quyết về kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và kế hoạch năm 1963. Trong Diễn văn bế mạc, Chủ tịch Trường Chinh nhấn mạnh: "Nghị quyết của Quốc hội là pháp lệnh của Nhà nước. Đó là mục tiêu phấn đấu trước mắt của nhân dân miền Bắc nước ta, đồng thời là chỗ dựa vững chắc để Chính phủ và các cơ quan nhà nước của ta tiến hành mọi công tác trong thời gian thực hiện kế hoạch"[17] .
Tiếp đến tháng 4-1964 Quốc hội thông qua kế hoạch nhà nước năm 1964. Nhiệm vụ, phương hướng, chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất cũng như kế hoạch nhà nước năm 1963 và kế hoạch nhà nước năm 1964 do Quốc hội thông qua, làm nức lòng đồng bào cả nước. Những chỉ tiêu pháp lệnh đó được thực hiện tốt, thì đời sống của nhân dân miền Bắc được cải thiện thêm một bước, tính hơn hẳn của chế độ miền Bắc càng được phát huy, miền Bắc càng được củng cố thành cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình, thống nhất nước nhà.
Cùng gắn bó với phong trào yêu nước của đồng bào miền Nam trong một mối tình ruột thịt, một ý chí đấu tranh kiên quyết, bền bỉ, nhân dân miền Bắc đã phát huy truyền thống anh hùng, cần cù sáng tạo để hoàn thành kế hoạch nhà nước. “Toàn Đảng và toàn dân ta đoàn kết chặt chẽ thành một khối khổng lồ. Chúng ta sáng tạo. Chúng ta xây dựng. Chúng ta tiến lên. Quyết không có lực lượng nào ngăn được chúng ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác"[18].
Trên tất cả mọi lĩnh vực hoạt động ở miền Bắc, phong trào thi đua yêu nước, xây dựng tổ và đội lao động xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là phong trào thi đua "mỗi người làm việc bằng hai” để đền đáp lại đồng bào miền Nam ruột thịt đã diễn ra sôi nổi trong tất cả các ngành, động viên mọi người hăng hái vươn lên dám nghĩ, dám làm, hoàn thành thắng lợi kế hoạch nhà nước.
Thắng lợi của kế hoạch 3 năm hàn gắn vết thương chiến tranh và khôi phục kinh tế (1955-1957), kế hoạch 3 năm cải tạo xã hội chủ nghĩa nền kinh tế miền Bắc (1958- 1960), đặc biệt thắng lợi của 4 năm thực hiện kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ nhất làm cho “miền Bắc nước ta đã tiến những bước dài chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc. Đất nước, xã hội và con người đều đổi mới” [19] . Những biến đổi căn bản đó đưa “miền Bắc trở thành căn cứ địa vững chắc cho cách mạng Việt Nam trong cả nước, với chế độ chính trị ưu việt, với lực lượng kinh tế và quốc phòng lớn mạnh" [20].
2. Tăng cường pháp chế của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Thực hiện chức năng lập pháp, theo Điều 44, Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1959, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa II thảo luận và thông qua Luật Tổ chức Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.
Luật Tổ chức Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Quốc hội (khóa II) thông qua ngày 14-7-1960. Luật này ban hành ngày 26-7-1960 quy định về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của các đại biểu Quốc hội. Luật này gồm có 4 chương, 49 điều. Chương I quy định về Hội nghị Quốc hội; Chương II quy định về Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; Chương III quy định về các Ủy ban của Quốc hội; Chương IV quy định về các đại biểu Quốc hội.
Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Quốc hội (khóa II) thông qua ngày 14-7-1960, gồm 12 điều quy định cơ cấu tổ chức, nhân sự, quyền hạn, hình thức hội nghị của Hội đồng Chính phủ.
Luật Tổ chức Tòa án nhân dân được Quốc hội (khóa II) thông qua ngày 14-7-1960, gồm 3 chương, 29 điều. Chương I quy định nguyên tắc chung, Chương II quy định quyền hạn và tổ chức của Tòa án nhân dân các cấp, Chương III quy định về thẩm phán và hội thẩm nhân dân.
Các Tòa án nhân dân là những cơ quan xét xử của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xét xử những vụ án hình sự để trừng trị những kẻ phạm tội và những vụ án dân sự để giải quyết những việc tranh chấp về dân sự trong nhân dân.
"Mục đích của việc xét xử là bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, trật tự xã hội, tài sản công cộng và quyền lợi hợp pháp của nhân dân, góp phần bảo đảm cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh nhằm thực hiện thống nhất nước nhà được tiến hành thắng lợi. Trong mọi hoạt động của mình, Tòa án nhân dân giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, với chế độ dân chủ nhân dân, tôn trọng tài sản công cộng, tự giác tuân theo pháp luật, kỷ luật lao động và quy tắc sinh hoạt xã hội.
Tòa án nhân dân xử phạt về hình sự không những chỉ trừng trị phạm nhân mà còn giáo dục và cải tạo họ” (Điều 1).
“Tòa án nhân dân xét xử theo nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nam nữ, dân tộc, nòi giống, tôn giáo, tín ngưỡng, địa vị xã hội và thành phần xã hội” (Điều 25).
"Khi xét xử, Tòa án nhân dân có quyền độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” (Điều 4).
“Việc xét xử tại các Tòa án nhân dân đều công khai, trừ trường hợp đặc biệt mà Tòa án nhân dân xét thấy cần xử kín để giữ gìn bí mật nhà nước hoặc đạo đức xã hội" (Điều 6).
“Quyền bào chữa của bị cáo được bảo đảm” (Điều7).
"Tòa án nhân dân bảo đảm cho nhân dân thuộc các dân tộc thiểu số có quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình trước tòa án” (Điều 8).
Một số điều mang tính nguyên tắc nêu trên thể hiện rõ bản chất cách mạng, dân chủ, bình đẳng và công minh của Tòa án nhân dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Luật này được ban hành ngày 26-7-1960.
Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân do Quốc hội (khóa II) thông qua ngày 15-7-1960, gồm 6 chương, 25 điều. Chương I quy định nguyên tắc chung; Chương II quy định kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan Hội đồng Chính phủ, cơ quan nhà nước địa phương, nhân viên cơ quan nhà nước và công dân; Chương III quy định kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra của cơ quan công an và của cơ quan điều tra khác; Chương IV quy định kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử của các Tòa án nhân dân và trong việc chấp hành các bản án; Chương V quy định kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giam giữ của các trại giam; Chương VI quy định nhân viên, bộ máy làm việc và biên chế của Viện Kiểm sát nhân dân. Nguyên tắc chung của luật quy định: "Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, cơ quan nhà nước địa phương, các nhân viên cơ quan nhà nước và công dân.
Viện Kiểm sát nhân dân địa phương các cấp kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan nhà nước địa phương, các nhân viên cơ quan nhà nước và công dân” (Điều 1).
“Viện Kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật, làm cho pháp luật được chấp hành một cách nghiêm chỉnh và thống nhất, pháp chế dân chủ nhân dân được giữ vững.
Mục đích của Viện Kiểm sát là bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, trật tự xã hội, tài sản công cộng và nhưng quyền lợi hợp pháp của công dân, góp phần bảo đảm cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh nhằm thực hiện thống nhất nước nhà được thắng lợi” (Điều 2).
"Khi làm nhiệm vụ của mình, Viện Kiểm sát nhân dân phải theo nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nam, nữ, dân tộc, nòi giống, tôn giáo, tín ngưỡng, địa vị xã hội và thành phần xã hội” (Điều 5).
"Viện Kiểm sát nhân dân địa phương các cấp làm nhiệm vụ của mình một cách độc lập, các cơ quan nhà nước khác không được can thiệp.
Viện Kiểm sát nhân dân địa phương các cấp chỉ chịu sự lãnh đạo của Viện Kiểm sát nhân dân cấp trên và lãnh đạo thống nhất của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao" (Điều 6). Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân được ban hành ngày 26-7-1960.
Luật Nghĩa vụ quân sự đã được Quốc hội (Khóa I) thông qua ngày l5-4-1960. Song, do yêu cầu của công tác chuẩn bị động viên thời chiến và việc thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự lúc này được triển khai đến tận cơ sở nên cần sửa đổi và bổ sung để góp phần quan trọng về nâng cao ý thức cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu; đồng thời có kế hoạch kết hợp giữa thời bình và thời chiến, giữa kinh tế và quốc phòng. Vì thế, ngày 26-10-1962 Quốc hội (khóa II) thông qua Luật sửa đổi và bổ sung Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 15-4-1960. Luật này được ban hành ngày 10-11-1962.
Củng cố và tăng cường các cơ quan nhà nước, phát huy vai trò của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, động viên quần chúng tham gia quản lý nhà nước, xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa là những đòi hỏi khách quan của đất nước trong thời kỳ mới. Một vấn đề quan trọng là ban hành một văn bản mới về tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp, để củng cố thêm một bước chính quyền địa phương các cấp, phát huy tác dụng của chính quyền địa phương, đề cao vai trò làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng kinh tế, văn hóa.
Ngày 27-10-1962, Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp gồm 4 chương, 60 điều. Trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản nêu trong chương I, luật đã quy định những điều về Hội đồng nhân dân các cấp, bao gồm các điều về nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng nhân dân các cấp, Hội đồng nhân dân các cấp trong khu tự trị, hội nghị Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng, về đại biểu Hội đồng nhân dân. Về Uỷ ban hành chính các cấp, luật quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Uỷ ban hành chính các cấp, về Uỷ ban hành chính các cấp trong khu tự trị, tổ chức và chế độ làm việc của Uỷ ban hành chính và các cơ quan chuyên môn của Uỷ ban. Ngoài ra, luật còn quy định về tổ chức trong những trường hợp thay đổi cấp hoặc về địa giới của các đơn vị hành chính. Luật được ban hành ngày 10-11-1962.
Cùng với việc ban bố các luật nói trên, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa II, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua một số pháp lệnh: Pháp lệnh quy định thể lệ bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp ngày 18-1-1961; Pháp lệnh quy định tổ chức Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân địa phương ngày 9-3-1961; Pháp lệnh quy định chế độ phục vụ của sĩ quan công an nhân dân ngày 9-8-1961; Pháp lệnh về việc đặt huân chương, huy chương chiến sĩ vẻ vang ngày 19-12-1961 để tặng thưởng cho những cán bộ chiến sĩ có công trong việc xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân vũ trang nhằm biểu dương và phát huy tinh thần thi đua yêu nước của các lực lượng vũ trang nhân dân, từng bước đưa quân đội nhân dân và Công an nhân dân vũ trang tiến dần lên chính quy và hiện đại; Pháp lệnh quy định về việc quản lý nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy ngày 27-3-1961. Pháp lệnh quy định việc tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân ngày 30-3-1961. Pháp lệnh này quy định cụ thể tổ chức của Viện, chú trọng đến vị trí và nhiệm vụ của Viện trưởng, vị trí và nhiệm vụ của Uỷ ban kiểm sát, quan hệ giữa Viện trưởng với Uỷ ban kiểm sát nhằm thực hiện dân chủ trong công tác và trong hệ thống kiểm sát của Nhà nước ta; Pháp lệnh quy định nhiệm vụ và quyền hạn của cảnh sát nhân dân và Pháp lệnh quy định chế độ cấp bậc của sĩ quan và hạ sĩ quan cảnh sát nhân dân ngày 16-7-1962; Pháp lệnh sửa đổi và bổ sung pháp lệnh ngày 27-9-1961 quy định cơ quan quản lý công tác phòng cháy và chữa cháy, chế độ cấp bậc sĩ quan, hạ sĩ quan ngành phòng cháy và chữa cháy ngày 23-3-1963.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết về việc giáo dục cải tạo những phần tử có hành động nguy hại cho xã hội (20-6-1961); phê chuẩn quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về tổ chức cụ thể của bộ máy làm việc, về biên chế của Tòa án nhân dân tối cao và tổng số biên chế của Tòa án nhân dân địa phương; phê chuẩn việc Hội đồng Chính phủ quy định và ban bố điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội đối với công nhân và viên chức nhà nước; phê chuẩn việc Hội đồng Chính phủ thỏa thuận với Tổng Công đoàn Việt Nam về việc quản lý quỹ bảo hiểm xã hội của Nhà nước và quản lý các sự nghiệp bảo hiểm xã hội; phê chuẩn điều lệ của Hội đồng nhân dân Khu tự trị Việt Bắc (2-3-1963); phê chuẩn điều lệ của Hội đồng nhân dân Khu tự trị Tây Bắc (9-3-1963), v.v...
Căn cứ vào những luật, pháp lệnh và những nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân ban hành những văn bản cần thiết để kiện toàn tổ chức và hoạt động của các ngành, các cấp thuộc quyền hạn của mình.
Trong nhiệm kỳ của Quốc hội khóa II, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã họp 72 phiên, thông qua 261 nghị quyết và pháp lệnh nhằm kiện toàn nhà nước, phát huy dân chủ đối với nhân dân, tăng cường chuyên chính đối với kẻ thù, bảo vệ nhà nước, bảo vệ quyền lợi của công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 1959.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã liên hệ chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Uỷ ban thanh tra, các cơ quan nhà nước ở Trung ương và các Uỷ ban hành chính địa phương để thúc đẩy việc giải quyết các thư khiếu tố của nhân dân. Nhìn chung, cán bộ và nhân dân ta đều có thái độ chấp hành nghiêm chỉnh chính sách và pháp luật của Nhà nước, nhưng qua đơn, thư khiếu tố của nhân dân gửi đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, qua báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, của Uỷ ban Thanh tra Chính phủ thì trong một số cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường và hợp tác xã vẫn còn nhưng hiện tượng vi phạm pháp luật, vi phạm quyền dân chủ của dân. Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ liên tục nhận được hàng ngàn đơn thư khiếu tố của nhân dân trong đó có hàng trăm người trực tiếp đến Văn phòng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình bày ý kiến và nguyện vọng.
Tính từ sau Kỳ họp thứ 4 đến Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa II, Văn phòng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được 2.376 đơn khiếu tố. Qua thẩm tra, cho thấy phần lớn những việc nêu trong các đơn khiếu tố mà Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận được là đúng sự thật. Văn phòng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu các đơn khiếu tố đó để gửi đến các cơ quan trách nhiệm ở Trung ương và địa phương trực tiếp giải quyết. Nhiều cơ quan ở Trung ương như Bộ Lao động, Bộ Giáo dục, Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Bưu điện truyền thanh, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Uỷ ban Thanh tra, Chính phủ và Uỷ ban hành chính các địa phương: Sơn Tây, Phú Thọ, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Hà Đông, Nam Định, Hà Bắc, Hải Phòng, Hà Tĩnh, đã giải quyết tốt những đơn khiếu nại của nhân dân; Uỷ ban Hành chính Hà Nội, Hà Đông, Hà Nam, đã điều tra chu đáo, giải quyết công bằng hợp lý hoặc đã mở hội nghị bàn vấn đề giải quyết đơn thư khiếu tố, kiểm điểm công tác và rút kinh nghiệm.
Những nơi giải quyết tốt các đơn khiếu tố đã góp phần thiết thực uốn nắn kịp thời những sai lệch trong việc chấp hành chính sách, nâng cao ý thức đấu tranh chống việc xấu, người xấu, tăng cường hơn nữa quan hệ gắn bó giữa Nhà nước và nhân dân. Tuy vậy vẫn còn nhiều cơ quan ở Trung ương và địa phương chưa quan tâm đúng mức công tác này, hoặc có cơ quan tuy có chú trọng giải quyết đơn khiếu tố nhưng thiếu điều tra, nghiên cứu nên giải quyết không tốt.
Tại các kỳ họp của Quốc hội khóa II, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo trước quốc hội về vấn đề giải quyết đơn thư khiếu nại của nhân dân và thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm phải thấu suốt tinh thần và những điều khoản của Hiến pháp quy định về trách nhiệm của cơ quan nhà nước và nhân viên cơ quan nhà nước trước nhân dân mà quan tâm hơn nữa đến việc giải quyết đúng đắn các đơn từ và nguyện vọng của nhân dân.
3. Kiện toàn tổ chức bộ máy và bổ nhiệm cán bộ cấp cao của Nhà nước, điều chỉnh địa giới, thực hiện khen thưởng
Từ sau Kỳ họp lần thứ nhất của Quốc hội khóa II (7-1960), Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với quyền hạn của mình được quy định trong Điều 52, Điều 53 Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1959, đã kiện toàn tổ chức bộ máy và bổ nhiệm các cán bộ cấp cao của Nhà nước nhằm tăng cường hiệu lực của các cơ quan nhà nước ở cấp Trung ương.
+ Về tổ chức và nhân sự của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Kỳ họp lần thứ 2 (4-1961), Quốc hội đã quyết định lập Uỷ ban Dân tộc của Quốc hội gồm 13 thành viên do Chu Văn Tấn làm Chủ nhiệm.
Văn phòng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng được quy định cụ thể về nhiệm vụ, về bộ máy nhằm kiện toàn thêm bộ máy giúp việc cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cử Nguyễn Văn Chi giữ chức thư ký của Ủy ban.
Ngày 25-3-1962, theo quyết định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh Lạng Sơn và khu Vĩnh Linh tiến hành bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội. Kết quả Phùng Lê Chương trúng cử ở Lạng Sơn và Hoàng Văn Đáo trúng cử ở Vĩnh Linh thay đại biểu Lâm Trọng Thư (Lạng Sơn) và Hoàng Đức Sản (Vĩnh Linh) từ trần.
Ngày 26-6-1962, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định cử Phó Chủ tịch Quốc hội Xuân Thủy kiêm nhiệm Tổng Thư ký Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, thay Hoàng Văn Hoan.
Ngày 24-4-1963, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định cử Lò Văn Hạc là Uỷ viên dự khuyết, giữ chức Uỷ viên chính thức Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thay Dương Đức Hiền từ trần
Ngày 30-4-1963, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội quyết định lập Uỷ ban Thống nhất của Quốc hội gồm 18 thành viên do Trần Huy Liệu làm Chủ nhiệm. Uỷ ban Thống nhất của Quốc hội có nhiệm vụ giúp Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề đấu tranh nhằm thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà, ủng hộ cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào miền Nam.
Ngày 30-4-1963, Quốc hội đồng ý để Xuân Thủy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Uỷ ban Thường vụ Quốc hội được miễn các chức vụ nói trên để nhận nhiệm vụ mới. Tôn Quang Phiệt, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giữ chức Tổng Thư ký Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thay cho Xuân Thủy.
Ngày 16-5-1963, Nguyễn Khoa Diệu Hồng, Uỷ viên dự khuyết Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, giữ chức Uỷ viên chính thức, thay Xuân Thủy đi nhận nhiệm vụ mới.
Ngày 13-6-1963, Trương Tấn Phát, Uỷ viên dự khuyết Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, giữ chức Thư ký Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
+ Về tổ chức và nhân sự của Chính phủ cũng có sự điều chỉnh, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu của các nhiệm vụ trước mắt. Sau Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về việc:
+ Tách Cục Thống kê Trung ương ra khỏi Uỷ ban Kế hoạch nhà nước và đặt thành một cơ quan lấy tên là Tổng Cục Thống kê trực thuộc Hội đồng Chính phủ.
+ Tách Cục Bưu điện ra khỏi Bộ Giao thông và Bưu điện đặt thành Tổng cục Bưu điện trực thuộc Hội đồng Chính phủ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ung Văn Khiêm giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (2-1961) thay cho Phạm Văn Đồng; Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Nguyễn Thanh Bình giữ chức Quyền Bộ trưởng Bộ Nội thương (2-1961) thay Đỗ Mười nghỉ dưỡng bệnh.
Tiếp đến, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về việc:
- Đặt Đài Tiếng nói Vlệt Nam thành một cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ.
- Đặt tên Tổng cục Bưu điện thành Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh.
- Đặt Việt Nam Thông tấn xã trước đây thuộc Phủ Thủ tướng thành cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ.
- Tách Cục Quản lý xây dựng cơ bản ra khỏi Uỷ ban Kế hoạch nhà nước và đặt thành cơ quan ngang Bộ lấy tên là Uỷ ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước.
Tiếp tục kiện toàn thêm một bước bộ máy của Hội đồng Chính phủ, ngày 7-1-1963, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ nhiệm và miễn nhiệm một số thành viên của Hội đồng Chính phủ như sau:
- Phó Thủ tướng Phạm Hùng thôi kiêm chức Chủ nhiệm Văn phòng Nông nghiệp Phủ Thủ tướng, để kiêm chức Chủ nhiệm Văn phòng Tài chính, Thương nghiệp Phủ Thủ tướng thay Hoàng Anh thôi giữ chức vụ này.
- Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thôi kiêm chức Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học nhà nước.
- Phó Thủ tướng Nguyên Duy Trinh kiêm chức Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch nhà nước nay kiêm thêm chức Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học nhà nước.
- Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị kiêm chức Chủ nhiệm Văn phòng Công nghiệp Phủ Thủ tướng, nay kiêm thêm chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản nhà nước.
- Trần Hữu Dực thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Nông trường và được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Văn phòng Nông nghiệp Phủ Thủ tướng.
- Lê Liêm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Văn phòng Văn giáo Phủ Thủ tướng thay Tố Hữu.
- Nghiêm Xuân Yêm thôi chức Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp để giữ chức Bộ trưởng Bộ Nông trường.
- Dương Quốc Chính thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi và Điện lực, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp.
- Hà Kế Tấn, Thứ trưởng Bộ Thủy lợi và Điện lực, nay bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Thủy lợi và Điện lực.
- Nguyễn Thanh Bình, quyền Bộ trưởng Bộ Nội thương, giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội thương.
- Tạ Hoàng Cơ, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam, được bổ nhiệm làm quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam thay Tổng Giám đốc Lê Viết Lượng.
Công tác khai hoang giữ một vị trí quan trọng trong chính sách kinh tế của Đảng và Chính phủ nước Việt Nam. Vì vậy, theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trong phiên họp ngày 7-1-1963, cũng đã thông qua chủ trương: tách Cục Khai hoang ra khỏi Bộ Nông nghiệp và thành lập Tổng cục Khai hoang trực thuộc Hội đồng Chính phủ.
+ Về tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trong phiên họp ngày 23-1-1963, quyết định:
- Bổ nhiệm Diệp Ba, Bùi Công Bằng, Trần Bình, Nguyễn Ngọc Cư (tức Trần Cung), Bùi Đắc Hương (tức Lê Trung Hà), Đặng Văn Hỷ, Nguyễn Văn Minh, Lê Chân Phương, Nguyễn Hải Thanh, Nguyễn Văn Thới, Nguyễn Thành Vĩnh giữ chức thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
- Bổ nhiệm Diệp Ba, Nguyễn Ngọc Cư (tức Trần Cung), Nguyễn Văn Minh, Lê Chân Phương, Nguyễn Hải Thanh làm Uỷ viên Uỷ ban thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
- Bổ nhiệm Đại tá Lê Đình Thiệp giữ chức Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kiêm Viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự Trung ương.
Ủy ban Thường vụ còn bổ nhiệm Trương An, Nguyễn Mạnh Hoan, Nguyễn Quốc Hồng, Huỳnh Lắm, Nguyễn Thị Minh Nhã làm kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đồng thời là Uỷ viên của Uỷ ban kiểm sát Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Ngày 30-4-1963, Quốc hội quyết nghị để Phan Kế Toại, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ được miễn kiêm chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Ung Văn Khiêm thôi chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao để giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ thay Phan Kế Toại; Xuân Thủy giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thay Ung Văn Khiêm.
Hội đồng Chính phủ cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ nhiệm một số cán bộ cấp cao trong quân đội. Trong phiên họp ngày 13-6-1963, Uỷ ban Thường vụ quyết định bổ nhiệm:
- Thiếu tướng Lê Quang Hòa giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị.
- Thiếu tướng Trần Quý Hai giữ chức Phó Tổng tham mưu trưởng.
- Đại tá Lê Đức Anh giữ chức Phó Tổng tham mưu trưởng.
- Thiếu tướng Trần Sâm giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần.
- Đại tá Trần Thọ giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần.
Ngày 23-3-1964, theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ nhiệm thêm Đinh Trọng Cung làm thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và hai thẩm phán dự khuyết là Trần Văn Kỳ và Phan Linh.
Việc kiện toàn các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ cấp cao của Quốc hội, Hội đồng Chính phủ và quân đội có ý nghĩa quan trọng đối với việc tổ chức thực thi các nghị quyết của Quốc hội và Hội đồng Chính phủ.
Căn cứ vào yêu cầu phát triển kinh tế được nêu trong các kế hoạch kinh tế đã được thông qua, Hội đồng Chính phủ đề nghị với Quốc hội điều chỉnh, sáp nhập một số đơn vị hành chính trên miền Bắc.
Hà Nội là trung tâm chính trị của cả nước. Vì vậy, Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định việc quy hoạch xây dựng Hà Nội thành một thành phố công nghiệp, một trung tâm tinh tế.
Căn cứ vào nghị quyết của Bộ Chính trị về quy hoạch Hà Nội, Hội đồng Chính phủ đệ trình Quốc hội Dự án mở rộng thành phố Hà Nội. Ngày 20-4-1962 Quốc hội phê chuẩn quy hoạch mở rộng thành phố và phân vạch địa giới mới của Hà Nội. Đây là lần thứ nhất Hà Nội được mở rộng với tổng số diện tích 586 km2, dân số 91 vạn người, với bốn khu phố nội thành: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, và bốn huyện ngoại thành: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Từ Liêm[21].
Tháng 10-1961, sau khi nghiên cứu Tờ trình của Hội đồng Chính phủ, Quốc hội phê chuẩn việc sáp nhập huyện Đông Triều thuộc tỉnh Hải Dương vào khu Hồng Quảng.
Tháng 10-1962, Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội nghiên cứu Tờ trình của Hội đồng Chính phủ về việc thành lập tỉnh trong khu tự trị Thái - Mèo. Khu tự trị Thái - Mèo được Quốc hội khóa I quyết định thành lập từ năm 1955. Khu có 1 châu, 1 thị xã, diện tích là 36.147 km2, rộng gần 1/4 diện tích miền Bắc, chạy dài từ dãy núi Hoàng Liên Sơn (Phăng Si Păng) về phía Đông đến biên giới Việt - Lào về phía Tây và biên giới Việt - Trung về phía Bắc, dân số có 437.550 người gồm hàng chục tộc người sinh sống, trong đó số đông là Thái và Mèo.
Khu Tự trị Thái - Mèo không có cấp tỉnh mà diện tích lại quá rộng, địa lý hiểm trở, dân cư sống phân tán, giao thông trên lạc khó khăn, nhiều châu đi lên đến khu mất 7,8 ngày đường. Tình hình ấy gây nhiều khó khăn, trở ngại cho việc lãnh dạo đối với các châu, các xã đẩy mạnh việc phát triển kinh tế, văn hóa. Vì vậy việc thành lập tỉnh trong khu tự trị là rất cần thiết và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân các tộc trong khu. Hội đồng nhân dân khu và các châu đã nhất trí kiến nghị thành lập tỉnh.
Ngày 27-10-1962, Quốc hội quyết định phê chuẩn việc: đổi tên Khu Tự trị Thái - Mèo thành Khu Tự trị Tây Bắc, và từ nay Khu tự trị Tây Bắc gồm có ba tỉnh là: Lai Châu, Sơn La và Nghĩa Lộ[22].
1. Tỉnh Lai Châu gồm bảy huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Tè, Mường Lay, Sình Hồ và Phong Thổ.
2. Tỉnh Sơn La gồm bảy huyện: Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La, Mai Sơn, Sông Mã, Yên Châu và thị xã Sơn La.
3. Tỉnh Nghĩa Lộ gồm bốn huyện: Than Uyên, Mù Căng Chải, Văn Chấn và Phú Yên.
Việc thành lập ba tỉnh ở Khu Tự trị Tây Bắc, tuy bước đầu có khó khăn nhất định về việc sắp xếp tổ chức, bố trí cán bộ, quy định quyền hạn cấp khu, cấp tỉnh, nhưng sẽ tạo thuận lợi cơ bản cho sự lãnh đạo và chỉ đạo phát triển kinh tế, văn hóa và cải thiện đời sống của nhân dân.
Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đã nghiên cứu Tờ trình của Hội đồng Chính phủ về việc hợp nhất một số thành phố và tỉnh ở miền Bắc.
Việc hợp nhất các thành phố và các tỉnh lúc này cũng như các tỉnh khác về sau được đề ra trong điều kiện Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa với khẩu hiệu tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, nhằm đưa nước ta từ một nước kinh tế lạc hậu, phát triển thành một nước xã hội chủ nghĩa có công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiện đại, văn hóa và khoa học tiên tiến.
Xuất phát từ đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, Hội đồng Chính phủ cho rằng: Dưới sự lãnh đạo tập trung và thống nhất của Trung ương, tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương là những đơn vị hành chính giữ vị trí rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế, văn hóa và cải thiện đời sống của nhân dân. Do đó, tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương cần có một địa giới thích đáng, có nguồn tài nguyên và nhân lực cần thiết để phát triển công nghiệp và nông nghiệp một cách toàn diện. Nhưng, đồng bằng miền Bắc nước ta hiện nay có nhiều tỉnh quá nhỏ. Tuy cán bộ và nhân dân đã có nhiều cố gắng, nhưng các tỉnh này còn gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, thiếu điều kiện để đồng thời phát triển công nghiệp, nông nghiệp một cách tương đối toàn diện, tình hình ấy hạn chế rất nhiều tính tích cực, sáng tạo của cán bộ và nhân dân địa phương. Mặt khác, do có nhiều đơn vị hành chính nhỏ, Trung ương phải trực tiếp lãnh đạo nhiều đầu mối, sự lãnh đạo bị phân tán, hệ thống bộ máy nhà nước cũng thêm cồng kềnh, tốn thêm nhiều cán bộ và chi phí hành chính.
Để khắc phục tình hình ấy, Chính phủ chủ trương cần tiến hành hợp nhất một số đơn vị hành chính nhỏ. Ngày 27-l0-1962, Quốc hội quyết nghị phê chuẩn việc:
- Hợp nhất thành phố Hải Phòng và tỉnh Kiến An thành một đơn vị hành chính, lấy tên là thành phố Hải Phòng [23].
- Hợp nhất tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang thành một đơn vị hành chính mới, lấy tên là tỉnh Hà Bắc [24].
Ngày 30-10-1963, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội quyết định phê chuẩn việc Hội đồng Chính phủ xin:
- Hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành một đơn vị hành chính mới lấy tên là tỉnh Quảng Ninh [25].
- Sáp nhập xã Hữu Sản thuộc huyện Đình Lập, tỉnh Hải Ninh (cũ) vào huyện Sơn Động tỉnh Hà Bắc [26].
Trong suốt bốn năm của nhiệm kỳ thứ hai, thi hành điểm 16 Điều 50 Hiến pháp (1959), Quốc hội đã quyết định tặng thưởng nhiều huân chương các loại để ghi nhận thành tích chiến đấu và xây dựng của cán bộ, công nhân, viên chức, quân đội và nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến, lao động xây dựng đất nước và bảo vệ tổ quốc. Kể từ đợt khen thưởng nhân dịp Quốc khánh nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà (2-9-1960) đến cuối nhiệm kỳ của Quốc hội khoá II, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tặng thưởng 85.431 Huân chương kháng chiến các loại, tặng 93.995 Huân chương chiến thắng, Huân chương Quân công, Huân chương chiến công, Huân chương chiến sĩ vẻ vang cho các đơn vị và quân nhân có thành tích trong kháng chiến, xây dựng Quân đội nhân dân và công tác tiễu phỉ bảo vệ biên cương của Tổ quốc; tặng 3.868 Huân chương lao động các hạng cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất.
Tháng 5 năm 1962, Đại hội liên hoan anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ ba họp tại Hà Nội. Đại hội tuyên dương các đơn vị lá cờ đầu là Nhà máy Cơ khí Duyên Hải (Hải Phòng), Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Phong (Quảng Bình), Hợp tác xã Thủ công nghiệp Thành Công (Thanh Hoá), Trường phổ thông cấp II Bắc Lý (Hà Nam), phong trào Ba nhất của quân đội và 45 anh hùng lao động. Nhân dịp này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định tặng danh hiệu Anh hùng lao động và Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 15/LCT (3-5-1962) tặng danh hiệu đó cho 45 cá nhân vừa được đại hội tuyên dương.
Đối với bạn bè quốc tế, Đảng và Nhà nước Việt Nam rất quý trọng tình hữu nghị quý báu, biết ơn sự ủng hộ, giúp đỡ của họ trong công cuộc xây dựng đất nước và đấu tranh để thống nhất Tổ quốc. Uỷ ban Thường vụ đã quyết định tặng hàng chục Huân chương lao động các hạng cho các chuyên gia và các đoàn nghệ thuật nước ngoài đến công tác và biểu diễn ở Việt Nam; tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho các phi công vũ trụ Liên Xô là Yuri Gagarin, Ghecman Titốp, Nicolaép Papôvích, Valêri Bưcốpxki, Valentina Têrếchcôva đã thành công trong các chuyến bay vào vũ trụ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tặng Huân chương kháng chiến hạng nhất cho bà Háctini Xucácnô, phu nhân Tổng thống Xucácnô nhân dịp bà sang thăm hữu nghị Việt Nam để tỏ lòng hoan nghênh của nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Inđônêxia đã đồng tình và ủng hộ nhân dân ta trong công cuộc đấu tranh chính nghĩa vì độc lập dân tộc, hòa bình, thống nhất Tổ quốc.
Việc quyết định khen thưởng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có tác dụng động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Việt Nam ra sức thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà và góp phần thắt chặt thêm tình hữu nghị sẵn có giữa nhân dân ta và nhân dân các nước anh em.
III. VÌ SỰ NGHIỆP KHÁNG CHIẾN CHỐNG CHIẾN TRANH ĐẶC BIỆT CỦA MỸ Ở MIỀN NAM
Từ sau phong trào "Đồng khởi", cách mạng miền Nam có sự chuyển biến cơ bản về cục diện chính trị và quân sự. Cách mạng miền Nam đã có:
- Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập ngày 20-12-1960 ngày càng mở rộng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, có hệ thống tổ chức khắp cả ba vùng nông thôn đồng bằng, miền núi và đô thị, có ảnh hưởng quốc tế ngày càng rộng.
- Lực lượng vũ trang cách mạng tuy chưa mạnh, nhưng đã hình thành ba thứ quân, có tinh thần cách mạng và chiến đấu cao. Ngày 15-2-1961, các lực lượng vũ trang miền Nam được thống nhất lại thành Quân giải phóng miền Nam.
- Một đảng bộ thống nhất từ cơ sở chi bộ đến Trung ương, đặt dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục miền Nam được thành lập theo quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 23-1-1961.
- Một khu vực chiến lược rộng lớn ở vùng rừng núi và trên một phần lớn đồng bằng, làm căn cứ và địa bàn hoạt động cho một cuộc chiến tranh lâu dài, tiến tới thắng lợi cuối cùng.
Phong trào "Đồng khởi” giáng một đòn nặng nề vào chiến lược Aixenhao, làm phá sản một hình thức thống trị điển hình của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ thực thi ở miền Nam, đẩy chế độ Ngô Đình Diệm vào thời kỳ khủng hoảng trầm trọng kéo dài.
Để cứu Chính quyền Sài Gòn khỏi bị sụp đổ, đế quốc Mỹ đã chuyển hướng chiến lược, bắt đầu thực hiện chiến lược "Chiến tranh đặc biệt” do Tổng thống Kenơđi khởi xướng.
Lực lượng chủ yếu để tiến hành "Chiến tranh đặc biệt” là quân đội của Chính quyền Sài Gòn do Mỹ tổ chức, trang bị, huấn luyện, chỉ huy, nuôi dưỡng. Chiến lược "Chiến tranh đặc biệt” là một hình thức chiến tranh xâm lược kiểu mới, một trong ba loại chiến tranh trong chiến lược phản ứng linh hoạt của chiến lược toàn cầu Mỹ, được Tổng thống Mỹ Kenơđi sử dụng khi ông ta bước vào Nhà Trắng. Dùng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt", Mỹ hy vọng có thể dập tắt được cao trào nổi dậy và tiến công của đồng bào ta ở miền Nam, đồng thời làm cuộc thí điểm về một chiến lược chiến tranh thực dân kiểu mới nhằm chống lại phong trào giải phóng dân tộc đang sục sôi trên thế giới mà Việt Nam lúc này đã trở thành tiêu điểm nóng bỏng nhất.
Để thực thi chiến lược chiến tranh đó ở miền Nam nước ta, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ thông qua kế hoạch quân sự mang tên “Kế hoạch Stalây - Taylơ” mà nội dung chủ yếu là “bình định” miền Nam trong vòng 18 tháng, tiến hành dồn dân, lập ấp chiến lược trên quy mô lớn để giành dân, coi đây là chương trình “xương sống”, là “quốc sách”; ra sức củng cố các đô thị ở miền Nam và tăng cường hoạt động biệt kích phá hoại miền Bắc. Cách mạng miền Nam đang đứng trước một thử thách mới.
Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9-1960) vạch rõ đường lối Cách mạng miền Nam và phương hướng đấu tranh để giành thắng lợi. Các Nghị quyết của Bộ Chính trị (l-1961) và (2-1962) vạch rõ phương châm đấu tranh của những chủ trương cụ thể nhằm chống có hiệu quả sự xâm lược vũ trang của Mỹ. Theo dõi diễn biến của cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam, Ban chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị đã liên tiếp có nhiều chỉ thị, nghị quyết và chỉ đạo cụ thể.
Trung ương Cục miền Nam của Đảng cũng có nghị quyết cụ thể hóa những Nghị quyết của Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương để chỉ đạo hoạt động của các đảng bộ trong toàn miền.
Tháng 12-1963, Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương Đảng phân tích tình hình, âm mưu, kế hoạch chiến tranh mới của Mỹ và đã bổ sung, hoàn chỉnh đường lối cách mạng miền Nam, chỉ đạo quân và dân ta đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Trung ương chỉ rõ phương hướng cố gắng của chúng ta là: trong lúc kiên trì chiến đấu lâu dài, cần tranh thủ thời cơ thuận lợi, tập trung lực lượng, quyết tâm giành cho được những thắng lợi có tính chất quyết định trong mấy năm tới.
Để thực hiện phương hướng nói trên và các nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam, không những đảng bộ và nhân dân miền Nam phải có sự cố gắng vượt bậc, mà các cơ sở đảng và nhân dân miền Bắc cũng phải có sự cố gắng vượt bậc; phải tăng cường chi viện cho miền Nam hơn nữa. Đánh bại cuộc “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ là nhiệm vụ lịch sử cấp bách của toàn dân Việt Nam.
Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và toàn thể nhân dân miền Bắc biểu thị lòng căm phẫn cao độ và thái độ kiên quyết chống đế quốc Mỹ vũ trang xâm lược miền Nam, uy hiếp an ninh miền Bắc, đồng thời, cũng biểu thị sự đồng tình sâu sắc của chúng ta đối với đồng bào miền Nam anh dũng chiến đấu trên tuyến đầu của Tổ quốc và tích cực chi viện cho miền Nam. Ngày 26-4-1962, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (khóa II) ra tuyên bố chống chính sách xâm lược quân sự của Mỹ đối với miền Nam Việt Nam. Tuyên bố có đoạn viết:
"Đế quốc Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, trái với Hiệp nghị Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam, trái với Hiến chương Liên Hợp Quốc, trái với Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp quốc khóa thứ 15 đòi thủ tiêu chủ nghĩa thực dân dưới mọi hình thức. Quốc hội trịnh trọng tuyên bố rằng: Chính phủ Mỹ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những hậu quả nguy hiểm do chính sách xâm lược trắng trợn của Mỹ gây ra”. Quốc hội kêu gọi toàn dân ta ở miền Bắc ra sức thi đua yêu nước, hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước, đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở cho cuộc đấu tranh nhằm thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà, luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác sẵn sàng đập tan những hoạt động phá hoại của địch, bảo vệ thành quả lao động hòa bình của nhân dân ta, tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh yêu nước vô cùng anh dũng của đồng bào miền Nam”[27].
Ngày 23-10-1962, Kỳ họp thứ 5 Quốc hội (khóa II) khai mạc tại Nhà Hát lớn. Nhân dịp này, đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam do giáo sư Nguyễn Văn Hiếu dẫn đầu, đang ở thăm miền Bắc đã đến chào mừng Quốc hội. Trong lời chúc mừng Quốc hội, giáo sư Nguyễn Văn Hiếu nói: "Hiện nay, nhân dân miền Nam chúng tôi đương kiên quyết phấn đấu để ngăn chặn sự xâm lược của đế quốc Mỹ vào miền Nam, thủ tiêu ách thống trị tàn bạo của Mỹ - Diệm và trên cơ sở liên minh ngày càng rộng rãi giữa các tầng lớp giai cấp, đảng phái, tôn giáo, dân tộc sẽ tiến tới việc thành lập ở miền Nam một chính quyền liên minh dân tộc dân chủ rộng rãi. Có được những điều kiện tiên quyết ấy, nhân dân miền Nam sẽ giành được quyền tự do, dân chủ của mình, trước hết là có quyền công dân, được tự do ứng cử. bầu cử và lựa chọn những đại biểu chân chính của mình để xây dựng một Quốc hội hợp pháp dân chủ, độc lập, thực hiện giảm tô, tiến tới cải cách ruộng đất làm cho người cầy có ruộng, xây dựng một nền kinh tế, một nền văn hóa, một quân đội dân tộc, dân chủ để phục vụ lợi ích của nhân dân, thực hiện bình đẳng, bình quyền giữa nam nữ, giữa các dân tộc. Đồng thời, chúng tôi đang phấn đấu để miền Nam Việt Nam có một chính sách ngoại giao hòa bình, trung lập, có quan hệ hữu hảo với tất cả các nước tôn trọng nền độc lập của mình và chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ hòa bình thế giới.
Trên cơ sở một chính sách đối nội và đối ngoại ấy của miền Nam, Việt Nam sẽ tiến tới hiệp thương để giải quyết một vấn đề thuộc công việc nội bộ của Việt Nam, có liên quan giữa hai miền, tức là vấn đề hòa bình thống nhất nước Việt Nam dựa vào những đặc điểm về chính trị và xã hội của hai miền và bằng một phương pháp và hình thức có lợi nhất mà nhân dân hai miền đều có thể chấp nhận. Tóm lại, mục tiêu phấn đấu của chúng tôi là thực hiện độc lập, dân chủ, cải thiện dân sinh, thực hiện hòa bình, trung lập và tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc" [28].
Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh, trong đáp từ, nhấn mạnh: nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, quyết không một lực lượng tàn bạo nào chia cắt được. Với sức mạnh của chính nghĩa, với tinh thần đoàn kết, với truyền thống đấu tranh bền bỉ và anh dũng, cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân miền Nam dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, dù nhiều khó khăn gian khổ nhưng cuối cùng nhất định thắng lợi. Quốc hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn theo dõi cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam, kêu gọi đồng bào miền Nam hãy đoàn kết chặt chẽ hơn nữa trong Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam để đấu tranh chống Mỹ - Diệm, giải phóng miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc; đồng bào miền Bắc lao động quên mình, xây dựng và củng cố miền Bắc thành cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh cách mạng miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà.
Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa II (28-4 đến 8-5-1963), Quốc hội định tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh Huân chương Sao vàng, Huân chương cao quý nhất của nước ta. Biết tin, Người tỏ lòng biết ơn Quốc hội và xin phép chưa nhận Huân hương ấy. "Vì Huân chương là để tặng thưởng người có công huân; nhưng tôi tự xét chưa có công huân xứng đáng với sự tặng thưởng cao quý của Quốc hội.
Tổ quốc ta hiện đang tạm chia cắt làm đôi. Bọn đế quốc Mỹ đang tăng cường cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam... Trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng, đồng bào miền Nam đang hằng ngày hằng giờ hy sinh xương máu, anh dũng đấu tranh kiên quyết chống bọn cướp nước hại dân, để giành lấy quyền tự do, quyền sinh sống, ... Gần 20 năm trường, hết đấu tranh chống thực dân Pháp, lại đấu tranh chống Mỹ - Diệm, đồng bào miền Nam thiệt là những người con anh hùng của dân tộc anh hùng Việt Nam. Miền Nam thiệt là xứng đáng với danh hiệu “Thành đồng của Tổ quốc” và xứng đáng được tặng Huân chương cao quý nhất.
Vì những lẽ đó, tôi xin Quốc hội đồng ý thế này:
Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình, thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng, vui mừng”[29].
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với sự ủng hộ và chi viện của miền Bắc - căn cứ địa của cả nước, quân và dân ta trên chiến trường miền Nam đã tiến công mạnh mẽ cả về chính trị và quân sự trên cả ba vùng chiến lược, làm cho Mỹ - Diệm bị những thất bại nặng nề trong việc thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Mâu thuẫn giữa Mỹ và ngụy trở nên gay gắt, buộc Mỹ phải đi đến quyết định gạt bỏ Ngô Đình Diệm bằng cuộc đảo chính ở Sài Gòn ngày 1-11-1963. Đế quốc Mỹ tiếp tục đẩy mạnh hơn chiến lược "Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam và ráo riết chuẩn bị kế hoạch đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân.
Trước tình hình nghiêm trọng đó, căn cứ vào Điều 67 của Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì Hội nghị chính trị đặc biệt họp ngày 7-3-1964 để biểu thị quyết tâm của toàn thể dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, hòa bình thống nhất đất nước. Dự Hội nghị có 327 đại biểu, thay mặt cho các chính đảng, đoàn thể, dân tộc, tôn giáo, ban ngành, thay mặt cho đồng bào miền Nam tập kết và kiều bào ngoài nước.
Báo cáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hội nghị đã đánh giá những chuyển biến to lớn của miền Bắc và những thắng lợi của đồng bào miền Nam, vạch rõ âm mưu đẩy mạnh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ, nêu rõ quyết tâm và nhiệm vụ của nhân dân toàn quốc trong cuộc đấu tranh bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam.
Đối với miền Nam, Người nói: “Tình hình ở miền Nam hiện nay chứng tỏ một cách rõ rệt sự thất bại không thể tránh khỏi của đế quốc Mỹ trong cuộc "Chiến tranh đặc biệt" này. Cuộc “Chiến tranh đặc biệt” mà chúng đang thí nghiệm ở miền Nam Việt Nam đã thất bại, thì chúng cũng sẽ thất bại ở bất kỳ nơi nào khác. Đó là ý nghĩa quốc tế của cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào miền Nam ta đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới"[30].
Trước dư luận thế giới cũng như dư luận ở Mỹ quan tâm tìm cách giải quyết cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: "Chúng ta luôn chủ trương rằng: giải pháp duy nhất đúng đắn về vấn đề miền Nam là phải thực hiện nghiêm chỉnh những điều khoản cơ bản của Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương: các nước tham gia Hội nghị Giơnevơ trong đó có nước Mỹ, phải làm đúng lời cam kết của mình: tôn trọng chủ quyền, độc lập thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, không can thiệp vào nội trị của Việt Nam... Chúng ta hoàn toàn ủng hộ những đòi hỏi rất đúng đắn của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, đòi chấm dứt sự can thiệp của đế quốc Mỹ ở miền Nam, đòi quân đội và vũ khí của Mỹ phải rút khỏi miền Nam, để công việc nội bộ của miền Nam do nhân dân miền Nam tự giải quyết lấy theo tinh thần Cương lĩnh của Mặt trận" [31].
Cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam do Chính phủ Mỹ tiến hành đã làm tốn nhiều tiền của, chết nhiều người của nhân dân Mỹ, lại làm ô nhục thanh danh của người Mỹ. Vì thế Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi nhân dân Mỹ phải kiên quyết đấu tranh mạnh hơn nữa để chấm dứt cuộc chiến tranh bẩn thỉu này, cứu vãn danh dự của nước Mỹ, xây dựng tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Mỹ.
Hội nghị chính trị đặc biệt do Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập và chủ trì là một sự kiện quan trọng được dư luận trong nước và thế giới hết sức chú ý, là một thắng lợi chính trị của toàn dân Việt Nam. Thắng lợi đó nói lên một cách hùng hồn sự nhất trí về chính trị và tinh thần của xã hội miền Bắc, đồng thời cũng nêu cao tinh thần cảnh giác và ý chí chiến đấu của nhân dân ta, cổ vũ nhân dân miền Bắc ra sức thi đua yêu nước, hoàn thành tốt kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và thúc đẩy nhân dân miền Nam hăng hái chiến đấu chống quân xâm lược Mỹ và tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Các văn kiện của Hội nghị chính trị đặc biệt đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển đến Quốc hội.
Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội (29-3 đến 4-4-1964) nghiên cứu thảo luận báo cáo Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị chính trị đặc biệt và quyết nghị:
1. Hoàn toàn nhất trí với bản báo cáo về việc đánh giá những thành tích của cả nước ta trong 10 năm đã qua.
2. Nhất trí thông qua năm nhiệm vụ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra cho nhân dân ta trong thời gian trước mắt.
3. Kêu gọi toàn thể đồng bào phát huy cao độ truyền thống đấu tranh anh dũng của nhân dân ta, sẵn sàng hy sinh phấn đấu vì quyền lợi tối cao của dân tộc, đập tan một âm mưu của đế quốc Mỹ và tay sai, thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà, thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á và trên thế giới.
Vào trung tuần tháng 5 năm 1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục lên án cuộc chiến tranh xâm lược vô cùng tàn bạo, một cuộc chiến tranh lớn nhất, dai dẳng nhất, đẫm máu nhất trên thế giới lúc đó. Cuộc chiến tranh đầy tội ác ghê tởm này chẳng những xâm phạm quyền tự do, độc lập của nhân dân Việt Nam mà còn bôi nhọ thanh danh và truyền thống tốt đẹp của nhân dân Mỹ. Người nói: “Nhân dân Việt Nam hiểu rõ rằng nhân dân Mỹ muốn sống hòa bình và hữu nghị với các dân tộc khác. Tôi đã đến nước Mỹ, tôi hiểu nhân dân Mỹ rất trọng chính nghĩa và có nhiều tài năng. Nhân dân Việt Nam không bao giờ lầm lẫn nhân dân Mỹ yêu chuộng công lý với những Chính phủ Mỹ đã phạm nhiều tội ác đối với nhân dân Việt Nam chúng tôi từ mười năm nay. Chính những kẻ đang phá hoại nền độc lập, tự do của dân tộc chúng tôi, cũng là những kẻ đã phản bội bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, trong đó đã nêu cao chân lý "tất cả một người sinh ra đều bình đẳng" và nêu cao những quyền bất khả xâm phạm của con người: "quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc... Đã mười năm nay, tất cả các Chính phủ Mỹ và tất cả bọn tay sai của chúng muốn dùng sức mạnh tàn bạo của chúng hòng đè bẹp sức kháng chiến của nhân dân một dân tộc anh hùng... Nhưng sự thật đã chứng tỏ rằng con đường xâm lược của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam hiện nay chỉ là một “con đường hầm không lôi thoát", đúng như lời cố Tổng thống Kennơđi đã thú nhận.
Nhân dân miền Nam anh dũng quyết không lùi bước trước mũi súng của kẻ xâm lược và lũ bán nước. “Đồng bào chúng tôi thà hy sinh hết thảy, nhưng quyết không chịu làm nô lệ”[32]. Người gửi lời kêu gọi khẩn thiết đến nhân dân Mỹ hãy cùng với nhân dân Việt Nam đấu tranh quyết liệt chống bọn quân phiệt hiếu chiến xâm lược Mỹ. Hãy đòi chúng phải chấm đứt cuộc chiến tranh bẩn thỉu ở miền Nam Việt Nam!
IV. HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI CỦA QUỐC HỘI
Trong điều kiện hòa bình xây dựng đất nước ở miền Bắc và đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống Mỹ và tay sai ở miền Nam, hoạt động đối ngoại của Quốc hội ngày càng phong phú, đa dạng trên các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa.
Đảng, Quốc hội, Chính phủ nước ta lần lượt cử nhiều phái đoàn đi thăm các nước, đón tiếp các đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, Quốc hội các nước đến thăm Việt Nam.
Quốc hội phê chuẩn các đoàn đại biểu của nước ta đi đàm phán về các hiệp ước kinh tế giữa nước ta với các nước ngoài, phê chuẩn việc thiết lập quan hệ ngoại giao và cử các đại diện ngoại giao của nước ta ở nước ngoài.
Từ ngày 12 đến ngày 18-6-1960, Quốc hội ta đón tiếp đoàn đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Nhân dân Anbani do Chủ tịch đoàn Quốc hội Hatgi Lêsi dẫn đầu, sang thăm nước ta.
Tại Mátxcơva, ngày 14-6-1960, đại diện Chính phủ Liên Xô và đại diện nước ta ký Hiệp định về việc Liên Xô cho Việt Nam vay 350 triệu rúp, giúp đỡ ta xây dựng một số công trình và một số xí nghiệp chế biến hoa quả. Tiếp đến ngày 23-12-1960, đại diện Chính phủ Việt Nam và đại diện Chính phủ Liên Xô ký Hiệp định kinh tế, thương mại giữa hai nước trong 5 năm (1961-1965). Theo Hiệp định này, Liên Xô giúp ta 43 xí nghiệp và các công trình làm cơ sở cho ngành công nghiệp, cho vay 430 triệu rúp, viện trợ không hoàn lại thuốc men, dụng cụ y tế trị giá 20 triệu rúp, số hàng hóa trao đổi giữa hai nước sẽ tăng lên gấp hai lần rưỡi (khoảng 1.250 triệu rúp) so với năm trước.
Tại Buđapét, ngày 29-12-1960, đại diện Chính phủ Việt Nam và đại diện Chính phủ Hungari ký Hiệp định thương mại dài hạn ba năm.
Vào những tháng đầu năm 1961, Chính phủ ta liên tiếp ký nhiều hiệp định về kinh tế, thương mại với nước ngoài. Ngày 31-1-1961, đại diện Chính phủ ta và Chính phủ Trung Quốc ký hiệp định về việc Trung Quốc cho nước ta vay dài hạn một số tiền là 141.750.000 rúp chuyển đổi. Theo Hiệp định này, trong 7 năm (1961-1967) nước ta sẽ dùng số tiền này thanh toán các thiết bị cho Trung Quốc và chi phí về các khoản viện trợ kỹ thuật trong việc xây dựng, mở rộng 28 xí nghiệp gồm các xí nghiệp luyện kim, công nghiệp nhẹ và đường sắt. Đại điện Chính phủ Việt Nam và đại diện Chính phủ nước Cộng hòa A rập Yêmen ký Hiệp định thương mại đầu tiên giữa hai nước (7-2-1961), Hiệp định trao đổi hàng hóa dài hạn 5 năm (1961-1965) giữa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Đức ký ngày 9-2-1961, Hiệp định trao đổi hàng hóa dài hạn 5 năm (1961-1965) giữa ta và Cộng hòa Rumani cũng được ký ngày 9-2-1961 và Hiệp định thương mại đầu tiên giữa Việt Nam và Vương Quốc Lào được ký ngày 12-2-1961.
Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Cu ba bắt đầu được xác lập bằng Hiệp định thương mại đầu tiên giữa hai nước được ký kết ngày 15-1-1962.
Tháng 3-1961, ta cũng đã ký một số Hiệp định kinh tế, thương mại với các nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan, Cộng hòa Ghinê, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc. Hiệp định trao đổi hàng hóa và thanh toán dài hạn 5 năm (1961- l965), giữa Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Ba Lan ký ngày 1-3-1961 trong đó có quy định kim ngạch hàng hóa trao đổi đến năm 1965 sẽ tăng 30% so với năm 1964. Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Ghinê ký ngày 14-3- l961 là Hiệp định thương mại đầu tiên giữa hai nước. Hiệp định dài hạn (1961-1965) về trao đổi hàng hóa, trả tiền giữa Việt Nam và Tiệp Khắc ký ngày 24-3-1961. Theo Hiệp định này, khối lượng hàng hóa trao đổi giữa hai nước đến năm 1965 sẽ tăng gấp hai lần năm 1961.
Các Hiệp định về kinh tế, thương mại nêu trên được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn và đã báo cáo trước kỳ họp thứ hai và thứ ba của Quốc hội. Quốc hội hoan nghênh và nhất trí thông qua.
Quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Lào có một bước tiến qua việc đi thăm Việt Nam của Hoàng thân Xuvanaphuma, Thủ tướng Chính phủ Vương Quốc Lào và Hoàng thân Xuphanuvông, Chủ tịch Neo Lào Hắcxạt từ ngày 26 đến ngày 28-4-1961. Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Vương quốc Lào cũng được kiến lập (5-9-1962).
Để tăng cường hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa, từ ngày 10-6 đến ngày 21-8-1961, Đoàn đại biểu nước ta do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu đã lần lượt thăm Trung Quốc, Triều Tiên, Mông Cổ, Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ung Văn Khiêm dẫn đầu đoàn ngoại giao của Chính phủ Việt Nam đi thăm một số nước châu Phi.
Quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội các nước trên thế giới, nhất là các nước xã hội chủ nghĩa ngày càng mở rộng và thắt chặt.
Nhận lời mời của Uỷ ban thường vụ Quốc hội nước ta, ngày 30-9-1962, Đoàn đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa gồm 9 thành viên do Bành Chân, Phó Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc làm Trưởng đoàn sang thăm Việt Nam. Đoàn hội đàm với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước ta, đến chào Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đoàn cũng đi thăm một số cơ sở công nghiệp, nông nghiệp, văn hóa ở Hà Nội và một số nơi như Việt Trì, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hồng Quảng, Quảng Bình.
Cũng theo lời mời của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước ta, Đoàn đại biểu Xôviết tối cao Liên Xô do I.V.Anđrôpốp Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Uỷ viên Uỷ ban đối ngoại Xôviết tối cao làm trưởng đoàn đã đến thăm Việt Nam từ ngày 12 đến 20-1-1963. Đoàn đến chào Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Vlệt Nam, Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ nước ta. Đoàn hội đàm với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và đã thăm một số cơ sở công nghiệp, nông nghiệp, văn hóa ở Hà Nội và một số tỉnh, tiếp xúc với các đoàn thể quần chúng và các tầng lớp nhân dân ta. Tiếp theo đoàn đại biểu Xô viết tối cao Liên Xô, từ ngày 19 đến 28-6-1963 Đoàn đại biểu Quốc hội Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên do Phó Chủ tịch Phác Kim Triết dẫn đầu sang thăm Việt Nam từ ngày 16 đến ngày 21-9-1963, Đoàn đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Inđônêxia, do Lúc man, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch thứ nhất Đảng Cộng sản Inđônêxia dẫn đầu cũng sang thăm nước ta. Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Việt Nam nhiệt liệt đón đoàn như những người anh em, những người bạn chiến đấu thân thiết. Đến đâu đoàn cũng được nhân dân Việt Nam đón tiếp nồng hậu và tỏ rõ lòng mến phục đối với nhân dân Inđônêxia đã đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, đã và đang giữ gìn nền độc lập dân chủ, xây dựng đất nước, đoàn kết với các lực lượng tiến bộ trên thế giới chống chủ nghĩa đế quốc. Đặc biệt nhân dân ta tỏ lòng biết ơn Tổng thống Xucácnô, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Inđônêxia về sự đồng tình ủng hộ cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân Việt Nam chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn, giải phóng miền Nam, hòa bình thống nhất Tổ quốc.
Từ ngày 19-5 đến 27-5-1964, Quốc hội nước ta đón Đoàn đại biểu quốc hội Vương quốc Campuchia đến thăm hữu nghị Việt Nam do ông Khiêu Van dẫn đầu. Đoàn có các cuộc tiếp xúc trao đổi ý kiến với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng và nhiều vị Bộ trưởng trong Chính phủ, đi thăm một số cơ sở công nghiệp, nông nghiệp, văn hóa. Cuộc đi thăm Việt Nam của đoàn đại biểu Quốc hội Vương quốc Campuchia là một thắng lợi của tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.
Cùng với những hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân và Quốc hội các nước trên thế giới ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam xây dựng miền Bắc, đấu tranh chống Mỹ, giải phóng miền Nam, Quốc hội nước ta cũng kịp thời và tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh chống đế quốc của các nước trên thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đặc biệt, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa luôn luôn gìn giữ và phát triển tình hữu nghị, kịp thời và tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và tiến bộ của hai nước anh em láng giềng Lào và Campuchia.
Quan hệ ngoại giao giữa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với một số nước trên thế giới được kiến lập. Đó là: Cộng hòa Cu ba (2-12-1960), cộng hòa Mani (31-l0-1960), Vương quốc Ma rốc (27-3-1961), Cộng hòa Dân chủ Công gô (13-4-1961), Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (5-9-1962), Cộng hòa Angiêri Dân chủ và Nhân dân (28-l0-1962), Cộng hòa A rập Aicập (1-9-1963), Cộng hòa Yêmen (16-l0-1963).
V. CHUẨN BỊ BẦU CỬ QUỐC HỘI KHOÁ III
Theo Điều 45 của Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1959 nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội là bốn năm, và hai tháng trước khi Quốc hội hết nhiệm kỳ phải bầu xong Quốc hội mới. Nhiệm kỳ của Quốc hội khóa II bắt đầu từ ngày 6-7-1960 và sẽ chấm dứt vào ngày 6-7-1964. Do đó, cuộc bầu cử Quốc hội khóa III sẽ phải tiến hành vào tháng 4 hoặc chậm nhất là đầu tháng 5-1964.
Điều 53 của Hiến pháp quy định, cuộc bầu cử Quốc hội do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chủ trì. Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ nghiên cứu và thảo luận việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử khóa III. Uỷ ban Thường vụ thấy có hai vấn đề đã báo cáo với Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 cuối tháng 10-1963.
1. Vấn đề đại biểu miền Nam trong Quốc hội
Trong phiên họp ngày 31-12-1959 Quốc hội khóa I ra Nghị quyết kéo dài nhiệm kỳ của các đại biểu miền Nam trong Quốc hội do nhân dân miền Nam bầu ra ngày 6-1- 1946 cho đến khi có Nghị quyết mới. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận định Nghị quyết đó vẫn còn phù hợp với tình hình Việt Nam lúc bấy giờ.
2. Về số đại biểu Quốc hội sẽ bầu ra ở miền Bắc
Căn cứ theo số nhân khẩu điều tra tháng 3-1960 là cuộc điều tra chính thức của Nhà nước thì dân số miền Bắc nước ta là 15.916.955 người. Căn cứ vào Điều 11 của Luật Bầu cử Quốc hội quy định, đại biểu Quốc hội do từng đơn vị bầu cử và số dân của đơn vị đó cứ năm vạn dân được bầu một đại biểu, nếu số lẻ quá hai vạn rưỡi thì được thêm một đại biểu. Do đó, số đại biểu miền Bắc dự định cho cuộc bầu cử khóa III không có gì thay đổi lớn.
Căn cứ vào Luật Bầu cử Quốc hội và sau khi tham khảo ý kiến của các cơ quan Nhà nước, của các đoàn thể nhân dân ở Trung ương và địa phương, ngày 24-2-1964, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định:
- Ngày chủ nhật 26-4-1964, trên toàn miền Bắc sẽ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa III.
- Số đại biểu Quốc hội được bầu ở miền Bắc ấn định là 366.
- Số đơn vị bầu cử là 59 đơn vị.
- Thành lập Hội đồng bầu cử gồm 25 vị, đại diện cho các chính đảng, các đoàn thể nhân dân trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với nhiệm vụ giám sát cuộc bầu cử theo Luật bầu cử Quốc hội.
Sau khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định ngày bầu cử thì ở Trung ương cũng như ở địa phương, mọi công việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử được tiến hành khẩn trương.
*
* *
Quốc hội khoá II là khóa Quốc hội đầu tiên hoạt động theo những nguyên tắc của Hiến pháp (1959), là khóa đầu tiên của Nhà nước và nhân dân ta đi vào thực hiện kế hoạch dài hạn phát triển kinh tế quốc dân theo đường lối do Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng vạch ra.
Trong bốn năm hoạt động, Quốc hội khóa II đã họp tám kỳ. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã họp 72 lần. Các Uỷ ban của Quốc hội đã họp hàng chục kỳ. Quốc hội khóa II thay mặt nhân dân quyết định nhiều vấn đề trọng yếu của đất nước trên cương vị là cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Quốc hội đã thông qua năm đạo luật trọng yếu về tổ chức các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương. Đó là: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thông qua chín Pháp lệnh: Pháp lệnh về việc Bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, Pháp lệnh Quy định cụ thể về tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Pháp lệnh Quy định chế độ phục vụ của sĩ quan công an nhân dân vũ trang, Pháp lệnh đặt Huân chương Huy chương chiến sĩ vẻ vang, Pháp lệnh Quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy, Pháp lệnh Quy định cơ quan phụ trách quản lý công tác phòng cháy và chữa cháy,...
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội còn thông qua các Nghị quyết như: Nghị quyết phê chuẩn điều lệ của Hội đồng nhân dân Khu Tự trị Việt Bắc, quy định cụ thể về tổ chức Tòa án nhân dân các cấp trong Khu Tự trị Việt Bắc; Nghị quyết phê chuẩn Điều lệ của Hội đồng nhân dân Khu Tự trị Tây Bắc, quy định cụ thể về tổ chức Tòa án nhân dân các cấp trong Khu Tự trị Tây Bắc; Nghị quyết về việc tập trung giáo dục cải tạo những phần tử có hành động nguy hại cho xã hội; Nghị quyết phê chuẩn việc Hội đồng Chính phủ quy định và ban bố điều lệ tạm thời về bảo hiểm xã hội đối với công nhân và viên chức nhà nước, v.v.
Căn cứ vào các đạo luật, pháp lệnh và những nghị quyết của Quốc hội hoặc của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ra những văn bản cần thiết để kiện toàn tổ chức và hoạt động của các ngành, các cấp thuộc quyền quản lý của mình. Các đạo luật, pháp lệnh và những nghị quyết nói trên nhằm kiện toàn tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các cơ quan tổ chức nhà nước, phát huy quyền dân chủ đối với nhân dân, tăng cường chuyên chính đối với kẻ thù, bảo vệ tài sản của Nhà nước và của nhân dân, bảo đảm quyền lợi của nhân dân theo tinh thần Hiến pháp.
Quốc hội đã thông qua kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) - cương lĩnh hành động của toàn dân nhằm hoàn thành nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa và bước đầu xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Quốc hội đã thông qua kế hoạch hàng năm, xét duyệt và phê chuẩn dự toán, quyết toán ngân sách hàng năm của Nhà nước.
Quốc hội đã phê chuẩn việc thành lập các tổ chức và cơ quan Nhà nước, bổ nhiệm các cán bộ cấp cao của Nhà nước, phê chuẩn việc khen thưởng và đã tích cực giải quyết các đơn thư khiếu tố của nhân dân, ân xá những phạm nhân đã cải tạo tốt.
Đất nước Việt Nam là một khối Bắc-Nam thống nhất không thể chia cắt. Vì thế, Quốc hội đã tích cực đẩy mạnh mọi hoạt động chống đế quốc Mỹ và tay sai, thực hiện hoà bình, thống nhất đất nước. Những nghị quyết, tuyên bố, lời kêu gọi của Quốc hội... là những đòn chính trị đánh mạnh vào bọn xâm lược và bọn bán nước, là nguồn cổ vũ lớn lao đối với quân và dân ta ở miền Nam trong cuộc đấu tranh để tự giải phóng.
Quốc hội đã không ngừng nêu cao nghĩa vụ quốc tế của Nhà nước và nhân dân ta, tăng cường đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa, đoàn kết với các nước dân tộc chủ nghĩa, kiên trì ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc ở Châu Á, Châu Phi và khu vực Mỹ Latinh, kiên quyết chống đế quốc xâm lược đứng đầu là đế quốc Mỹ vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thực hiện mối quan hệ chặt chẽ với Hội đồng Chính phủ, Toà án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao theo tinh thần Hiến pháp năm 1959. Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thường xuyên quan tâm theo dõi hoạt động của Hội đồng nhân dân - cơ quan quyền lực Nhà nước ở các địa phương, nhằm bảo đảm cho hội đồng nhân dân sinh hoạt đều đặn và dân chủ, các kỳ họp có nội dung thiết thực và phong phú.
Mối quan hệ giữa Quốc hội và đại biểu Quốc hội với nhân dân rất mật thiết. Nhân dân chăm chú theo dõi hoạt động của Quốc hội, nhiệt liệt hưởng ứng và chấp hành các luật, pháp lệnh và nghị quyết của Quốc hội, thi đua xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, hăng hái ủng hộ và chi viện cho cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào miền Nam, thực hiện thống nhất Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Các đại biểu Quốc hội đều thể hiện quyết tâm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước, nghiên cứu, thảo luận các báo cáo của Chính phủ, báo cáo của Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các dự án kế hoạch nhà nước, dự án ngân sách, dự án pháp luật. Số tham luận của đại biểu Quốc hội lên đến 315 bản. Các đại biểu đã cố gắng liên hệ với cử tri, tìm hiểu và phản ánh ý kiến, nguyện vọng của nhân dân với Quốc hội.
Những kết quả to lớn mà Quốc hội đã đạt được trong những năm 1960 - 1964 là kết quả của việc Nhà nước ta nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp mới, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, luôn phát huy những truyền thống tốt đẹp và lực lượng tiềm tàng trong nhân dân ta. Những kết quả ấy cũng chính là kết quả cố gắng của tất cả các vị đại biểu trong quá trình chấp hành nhiệm vụ mà nhân dân đã giao phó. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Quốc hội khóa I của ta là Quốc hội kháng chiến. Quốc hội khóa II này là Quốc hội xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà"[33].
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr.120
[2] Báo Nhân dân, số 2227, ngày 23-4-1960
[3] Báo Nhân Dân, số 2228, ngày 24-4-1960
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr.129-132.
[6] Báo Nhân dân, số 2302, ngày 8-7-1960.
[7] Báo Nhân dân, số 2302, ngày 8-7-1960.
[8] Ngày 23-4-1964, Trương Tấn Phát được bổ sung vào số Uỷ viên chính thức Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thay Dương Bạch Mai từ trần ngày 4-4-1964.
[9]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr.173 - 174.
[10] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr.173 - 174.
[11] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr.173 - 174.
[12] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr.175, 198.
[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr.175, 198.
[14] Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.21, tr.509.
[15] Các văn kiện của Kỳ họp thứ 6 khóa II, từ 28-4 - 8-5-1963, tr.39; lưu trữ Văn phòng quốc hội.
[16] Các văn kiện của jỳ họp thứ 6, tr.93, 94; lưu trữ Văn phòng Quốc hội.
[17] Diễn văn bế mạc, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, khóa II; Các văn kiện của kỳ họp thứ 6, tr.543. Lưu trữ Văn phòng Quốc hội.
[18] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr.206.
[19] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.11, tr.224.
[20] Một số văn kiện của Đảng về chống Mỹ, cứu nước, Nxb. Sự thật, Hà Nội. 1985, t.2, tr.15
[21] Trước ngày giải phóng, Hà Nội rộng 152,2 km2 (nội thành 12,2 km2, ngoại thành 140 km2) gồm có 36 phố nội thành, 115 thôn ngoại thành thuộc 4 quận: Quảng Bá, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Quỳnh Lôi.
[22] Tỉnh Lai Châu, diện tích là 18.431 km2, dân số là 141.808 người với 136 xã, được thành lập trên cơ sở tỉnh Lai Châu cũ. Tỉnh Sơn La, diện tích là 12.255 km2, dân số là 182.008 người với 144 xã được thành lập trên cơ sở tỉnh Sơn La cũ. Tỉnh Nghĩa Lộ, diện tích là 5.688 km2, dân số 113.734 người.
[23] Thành phố Hải Phòng với diện tích 539 km2, dân số 369.248 người, riêng nội thành có 12,500 km2 và 178.000 người. Kiến An với diện tích 614 km2, dân số 442.875 người. Hai đơn vị đó hợp nhất thành đơn vị hành chính mới. Hải Phòng với diện tích 1.153 km2, dân số 812.123 người, bao gồm nội thành và 9 huyện, 1 thị xã.
[24] Bắc Ninh với diện tích 728 km2,, dân số 408.871 người. Bắc Giang diện tích 4.216 km2, dân số 523.352 người. Hai tỉnh hợp nhất thành tỉnh Hà Bắc có diện tích 4.944 km2, dân số 932.223 người. Bao gồm 15 huyện, 2 thị xã và 330 xã.
[25] Tỉnh Hải Ninh diện tích 4.460 km2, dân số 164.655 người
- Khu Hồng Quảng diện tích 2.616 km2, dân số 282.732 người. Hai tỉnh hơp nhất thành Quảng Ninh rộng 7.076 km2, dân số 447.387 người, gồm 11 huyện, 5 thị xã, 157 xã.
[26] Xã Hữu Sản với số dân 480 người vốn thuộc Sơn Động mới được nhập vào Đình Lập trong thời kỳ kháng chiến, nay trở lại huyện Sơn Động.
[27] Các văn kiện của Kỳ họp thứ 4, khóa II (từ ngày 17 đến ngày 26-4-1962) tại Hà Nội, tr.470, 471.
[28] Các văn kiện của Kỳ họp thứ 5, khóa II (từ ngày 22 đến 27-6-1962 tại Hà Nội), tr.216.
[29] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.11, tr.61-62.
[30] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.11, tr.228.
[31] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.228-229
[32] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr. 271-274.
[33] 1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, 2002, t.10, tr.172