LỊCH SỬ QUỐC HỘI VIỆT NAM Tập 2 (1960 - 1976)

 

QUỐC HỘI NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA KHÓA IV (1971 - 1975)

 

I - BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA IV.

QUỐC HỘI BẦU CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO NHÀ NƯỚC

 

Bước vào mùa xuân năm 1971, cuộc chiến đấu chống Mỹ của ba dân tộc trên bán đảo Đông Dương đã giành thêm nhiều thắng lợi to lớn, mở đầu là chiến thắng đường 9 - Nam Lào. Chiến dịch đường 9 - Nam Lào kéo dài trong gần 2 tháng (8-2 đến 23-3-1971), quân và dân Việt Nam - Lào đã đập tan cuộc hành quân lớn của quân đội chính quyền Sài Gòn, đánh bại một bước quan trọng và mở ra khả năng hiện thực để đánh bại hoàn toàn chiến lược “Việt Nam hóa” chiến tranh của Mỹ. Cùng với cuộc hành quân “Lam sơn - 719” ở đường 9 - Nam Lào, quân đội của chính quyền Sài Gòn còn mở cuộc hành quân “Toàn thắng 1-71” đánh vào vùng giải phóng Đông Bắc Campuchia. Khi cuộc hành quân vừa mới bắt đầu (4-3-1971), chúng đã bị quân đội chủ lực của ta phối hợp với quân dân Campuchia tấn công quyết liệt, buộc phải bỏ dở cuộc hành quân trong tháng 3-1971. Thừa thắng, quân chủ lực của ta và quân giải phóng Campuchia tiếp tục tiến công địch mạnh mẽ ở vùng đông bắc Campuchia.

Trên miền Bắc, sau hai năm (1969-1970) thực hiện kế hoạch ngắn hạn trong hoàn cảnh mới sau khi Mỹ ngừng ném bom và bắn phá bằng không quân và hải quân, nhân dân ta đã bước đầu khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh và bắt đầu thực hiện kế hoạch Nhà nước 3 năm (1971-1973) nhằm khôi phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa.Khối đoàn kết toàn dân, các cơ quan quyền lực của Nhà nước càng được củng cố và vững mạnh về mọi mặt. Giữa bối cảnh lịch sử đó, cuộc bầu cử Quốc hội khóa IV đã diễn ra sôi nổi trên toàn miền Bắc nước ta.

1. Cuộc bầu cử Quốc hội ngày 11-4-1971.

Thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mọi công dân từ 18 tuổi trở lên không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tôn giáo tín ngưỡng thuộc 80 đơn vị bầu cử đã nô nức đi bỏ phiếu để bầu những người đại biểu cho mình vào Quốc hội, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Cuộc bầu cử đã tiến hành đúng luật lệ bầu cử. Tổng số cử tri đã đi bầu đạt 98,88% tổng số cử tri ghi trong danh sách. Cử tri đã lựa chọn bầu được 420 đại biểu trên tổng số 529 đại biểu ứng cử trong đó Hà Nội đã bầu được 42 đại biểu, Hải Phòng 26 đại biểu, Lai Châu 6 đại biểu, Sơn La 7 đại biểu, Nghĩa Lộ 4 đại biểu, Hà Giang 6 đại biểu, Tuyên Quang 6 đại biểu, Bắc Thái 15 đại biểu, Cao Bằng 7 đại biểu, Lạng Sơn 7 đại biểu, Lao Cai 5 đại biểu, Yên Bái 5 đại biểu, Hòa Bình 7 đại biểu, Vĩnh Phú 25 đại biểu, Hà Bắc 21 đại biểu, Quảng Ninh 14 đại biểu, Hải Hưng 32 đại biểu, Hà Tây 26 đại biểu, Nam Hà 35 đại biểu, Thái Bình 24 đại biểu, Ninh Bình 10 đại biểu, Thanh Hóa 36 đại biểu, Nghệ An 28 đại biểu, Hà Tĩnh 15 đại biểu, Quảng Bình 8 đại biểu, Vĩnh Linh 3 đại biểu.

Trong số 420 đại biểu Quốc hội khóa IV có 94 đại biểu là công nhân, 90 đại biểu nông dân, 8 đại biểu thợ thủ công, 125 đại biểu phụ nữ, 82 đại biểu thanh niên (từ 21 đến 30 tuổi), 87 đại biểu là những người làm công tác khoa học, kỹ thuật, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật, 27 đại biểu là quân nhân, 65 đại biểu là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, 73 đại biểu là người các dân tộc thiểu số, 138 đại biểu là anh hùng lao động, anh hùng quân đội và chiến sỹ thi đua, 8 đại biểu là người đại diện các tôn giáo, 5 đại biểu là thân sỹ yêu nước.

Thành công của cuộc bầu cử Quốc hội khóa IV một lần nữa khẳng định sự nhất trí về chính trị và tinh thần của xã hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sự tín nhiệm của nhân dân đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lòng tin đối với sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam và ý thức chính trị, ý thức làm chủ đất nước, làm chủ xã hội của nhân dân Việt Nam.

2- Quốc hội (khóa IV) bầu cử  các cơ quan lãnh đạo Nhà nước.

Căn cứ vào Điều 46 của Hiến pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã triệu tập Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa IV, họp tại Hà Nội từ ngày 6 đến ngày 10-6-1971. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã nghe báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo của Chính phủ về tình hình đấu tranh quân sự, ngoại giao, tiến hành bầu các vị đứng đầu các cơ quan Nhà nước và thành lập Chính phủ mới.

 

CHỦ TỊCH VÀ PHÓ CHỦ TỊCH NƯỚC
VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA:

Chủ tịch nước:

Tôn Đức Thắng

Phó chủ tịch nước:

Nguyễn Lương Bằng

Ủy ban th­êng vô Quèc héi

Chủ tịch 

Trường Chinh

Các Phó chủ tịch

Hoàng Văn Hoan

Nguyễn Xiển

Trần Đăng Khoa

Chu Văn Tấn

Nguyễn Thị Thập

Tổng thư ký

Tôn Quang Phiệt

Các ủy viên        

Trần Xuân Bách

Linh mục Hồ Thành Biên

Nguyễn Văn Chi

Hồ Đắc Di

Pháp sư  Thích Trí Độ

Bùi Hưng Gia

Lò Văn Hạc

Bồ Xuân Luật

Y Ngông Niêk Đam

Vũ Quang

Trần Đình Tri

Nguyễn Tấn Gi Trọng

Trần Bảo

Nguyễn Công Hòa

Nguyễn Xuân Linh

Lê Thị Xuyến

Các Uỷ viên dự khuyết

Hoàng Mậu

Nguyễn Thị Minh Nhã

Hồ Ngọc Thu

Hội đồng Chính phủ:

Thủ tướng Chính phủ

Phạm Văn Đồng

 Phó Thủ tướng

Võ Nguyên Giáp

Nguyễn Duy Trinh

Lê Thanh Nghị

Phan Kế Toại

Nguyễn Côn

Đỗ Mười

Hoàng Anh

Bộ trưởng, Chủ nhiệm các Uỷ ban

và các thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ:

Bộ Quốc phòng

Võ Nguyên Giáp

Bộ Ngoại giao

Nguyễn Duy Trinh

Bộ Công an       

Trần Quốc Hoàn

Bộ trưởng không bộ

Xuân Thủy

Bộ Nội vụ          

Dương Quốc Chính

Bộ Tài chính

Đặng Việt Châu

Bộ Thủy lợi        

Hà Kế Tấn

Bộ Điện và Than

Nguyễn Hữu Mai

Bộ Cơ khí và Luyện kim

Đinh Đức Thiện

Bộ Công nghiệp nhẹ       

Kha Vạng Cân

Bộ Lương thực và Thực phẩm

Ngô Minh Loan

Bộ Kiến Trúc

Bùi Quang Tạo

Bộ Giao thông và Vận tải           

Phan Trọng Tuệ

Bộ Lao động      

Nguyễn Hữu Khiếu

Bộ Vật tư          

Trần Danh Tuyên

Bộ Nội thương

Hoàng Quốc Thịnh

Bộ Ngoại thương

Phan Anh

Bộ Văn hóa       

Hoàng Minh Giám

Bộ Giáo dục      

Nguyễn Văn Huyên

Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp

Tạ Quang Bửu

Bộ Y tế  

Nguyễn Văn Hưởng

Bộ trưởng Phủ Thủ tướng           

Trần Hữu Dực

Bộ trưởng chuyên trách Văn giáo

Trần Quang Huy

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Phủ thủ tướng

Đặng Thí

Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước

Nguyễn Côn

Bộ trưởng,  Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch NN

Nguyễn Lam

Bộ trưởng,  Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch NN

Nguyễn Văn Kha

Chủ nhiệm Uỷ ban Vật giá Nhà nước      

Nguyễn Lam

Chủ nhiệm Uỷ ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước

Đỗ Mười

Chủ nhiệm Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương

Hoàng Anh

Bộ trưởng, Phó Chủ  nhiệm Uỷ ban Nông  nghiệp TƯ

Nguyễn Văn Lộc

Bộ trưởng, Phó Chủ  nhiệm Uỷ ban Nông  nghiệp TƯ

Nghiêm Xuân Yêm

Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước VN

Tạ Hoàng Cơ

Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật NN

Trần Đại Nghĩa

Chủ nhiệm Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ

Nguyễn Thanh Bình

Hội đồng Quốc phòng:

Chủ tịch 

Tôn Đức Thắng

Phó chủ tịch

Phạm Văn Đồng

Uỷ viên  

Lê Duẩn

Trường Chinh

Võ Nguyên Giáp

Văn Tiến Dũng

Trần Quốc Hoàn

Nguyễn Côn

Chu Văn Tấn

Song Hào

Trần Hữu Dực

Các Uỷ ban của Quốc hội:

Chủ nhiệm Uỷ ban Dự án Pháp luật

Hoàng Văn Hoan.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch và Ngân sách

Đoàn Trọng Truyến

Chủ nhiệm Uỷ ban Thống nhất

Nguyễn Thị Lựu

Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc

Chu Văn Tấn

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa và Xã hội

Trần Duy Hưng

 

Bộ máy Nhà nước mới do Quốc hội khóa IV bầu ra đảm nhận trọng trách điều hành đất nước, tổ chức nhân dân ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đập tan mọi âm mưu đánh phá miền Bắc trở lại của đế quốc Mỹ, tích cực chi viện mạnh mẽ cho tiền tuyến lớn ở miền Nam, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, thu giang sơn thống nhất về một mối.

 

II- QUỐC HỘI VỚI SỰ NGHIỆP TIẾP TỤC XÂY DỰNG MIỀN BẮC
TRONG NHỮNG NĂM 1971-1975

 

1. Phê chuẩn các kế hoạch kinh tế của Chính phủ.

Từ năm 1971 nhân dân miền Bắc bắt tay vào thực hiện kế hoạch Nhà nước 3 năm (1971-1973) nhằm khôi phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa.

Thực hiện nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế theo phương hướng của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết của Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa IV, nhiệm vụ khôi phục kinh tế miền Bắc đã được thực hiện một bước quan trọng. Nền kinh tế của ta đang trên đà chuyển biến tốt và có thể tiếp tục vươn lên mạnh mẽ.

Tại Kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa IV (từ 19 đến 25-3-1972) Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đọc báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội những vấn đề lớn của cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước và việc thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1971. Phó Thủ tướng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Nguyễn Côn báo cáo về việc đẩy mạnh khôi phục và phát triển kinh tế, hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước năm 1972.

 Báo cáo đã trình bày những thành tích trong việc thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1971, về phương hướng nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước năm 1972, và mấy vấn đề lớn về tăng cường và cải tiến công tác quản lý kinh tế. Báo cáo nhấn mạnh: “Nhân dân ta ở miền Bắc phải ra sức khôi phục và phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, sẵn sàng chiến đấu, tăng cường và củng cố hậu phương về mọi mặt, làm đầy đủ nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến và tiếp tục đưa sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội tiến lên”[1]. Mục tiêu cấp bách về kinh tế lúc này của nhân dân ta là phải phấn đấu tăng nhanh sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của xã hội, tạo nguồn vốn tích luỹ trong nước để đẩy mạnh tái sản xuất mở rộng và từng bước nâng cao đời sống nhân dân”[2]. Về việc cải tiến quản lý kinh tế, phương hướng cơ bản là xoá bỏ quản lý hành chính cung cấp, thực hiện quản lý theo phương hướng kinh doanh xã hội chủ nghĩa, khắc phục cách tổ chức quản lý  của sản xuất nhỏ, xây dựng cách tổ chức quản lý nền công nghiệp lớn, thúc đẩy quá trình đưa nền kinh tế quốc dân từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa”[3].

Báo cáo cũng đã trình bày những nhiệm vụ chủ yếu và những chỉ tiêu của kế hoạch Nhà nước năm 1972. Các báo cáo trên của Chính phủ đã được Quốc hội nhất trí thông qua ngày 25-3-1972. Đến ngày 17-8-1972, căn cứ vào ý kiến của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua phương hướng điều chỉnh kế hoạch Nhà nước năm 1972, tiếp đến ngày 9-8-1973 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua phướng hướng, nhiệm vụ và những chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế quốc dân năm 1973.

Đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa IV, đã nghiên cứu và phê duyệt phương hướng, nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế hai năm 1974-1975 và thông qua chỉ tiêu của kế hoạch Nhà nước năm 1974.

Nhiệm vụ của miền Bắc trong hai năm 1974-1975 là: nhanh chóng hoàn thành việc hàn gắn vết thương chiến tranh, ra sức khôi phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của Chủ nghĩa xã hội, củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, củng cố chế độ xã hội chủ nghĩa về mọi mặt, ổn định tình hình kinh tế và đời sống nhân dân, củng cố quốc phòng, ra sức làm tròn nhiệm vụ đối với miền Nam anh hùng.

 Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa IV (từ 23 đến 25-12-1974) đã thông qua phương hướng và nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước năm 1975.

Kế hoạch kinh tế năm 1971 đang bắt đầu thực hiện trong điều kiện thuận lợi do Mỹ đã ngừng cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc thì một trận lụt lớn xẩy ra kéo dài từ cuối tháng 8 đến cuối tháng 9-1971 đã gây hậu quả nặng nề về kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Tiếp đến giữa tháng 4-1972 R.Nichxơn gây ra cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai, ra lệnh thả mìn, phong toả bến cảng, các sông lạch, vùng biển miền Bắc (5-1972). Cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của Mỹ với qui mô, cường độ lớn, đã sử dụng các loại máy bay hiện đại nhất như F111, B52... và đỉnh cao các cuộc chiến tranh phá hoại lần này là cuộc tập kích bằng không quân chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng (từ 18 đến 29-12-1972) đã gây cho chúng ta những tổn thất lớn.

Phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trong những năm 1971-1974, trên khắp miền Bắc giai cấp công nhân, nông dân, trí thức xã hội chủ nghĩa,... đã hăng hái lao động và công tác, nhanh chóng khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, tích cực chi viện mạnh cho tiền tuyến miền Nam.

Đánh giá về việc thực hiện kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế ở miền Bắc, báo cáo của Chính phủ trình trước Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa IV (12-1974) đã nêu rõ: Chúng ta đã khôi phục và phát triển được một phần quan trọng năng lực sản xuất của các ngành kinh tế, các mặt sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, vận tải, v.v... bắt đầu tăng lên, các mặt cân đối lớn của nền kinh tế quốc dân đang phát triển theo chiều hướng tích cực. Mức độ thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1974 là khá nhất song vẫn còn thấp so với yêu cầu tăng lên của nền kinh tế quốc dân. Nhiều loại vật tư hàng hóa chưa đáp ứng nhu cầu. Đời sống của nhân dân nhất là của công nhân viên chức còn có nhiều khó khăn, công tác quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước chuyển biến chậm [4].

Tình hình nói trên đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn nữa, ra sức khai thác mọi tiềm năng đất nước, khắc phục mọi khó khăn, khuyết điểm và nhược điểm để tạo ra một sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong nền kinh tế và đời sống nhân dân, trước hết là phải thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1975, năm cuối của kế hoạch kinh tế miền Bắc trong hai năm 1974-1975. Kế hoạch đó phải quán triệt nhiệm vụ chung do Nghị quyết Hội nghị lần thứ 22 của Ban chấp hành Trung ương Đảng vạch ra cho miền Bắc trong hai năm, là: “Nhanh chóng hoàn thành việc hàn gắn vết thương chiến tranh, ra sức khôi phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa về mọi mặt, ổn định tình hình kinh tế và đời sống nhân dân, củng cố quốc phòng, ra sức chi viện cuộc đấu tranh cách mạng và xây dựng vùng giải phóng của đồng bào miền Nam”[5].

Với phương hướng chỉ đạo đó của Ban chấp hành Trung ương Đảng, kế hoạch Nhà nước năm 1975 được Quốc hội thông qua tháng 12-1974 trước khi năm mới bắt đầu. “Đó là một bước tiến của Nhà nước ta. Nó bảo đảm ngay từ đầu năm, nhân dân ta có những mục tiêu phấn đấu cụ thể để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế và văn hóa, kết hợp kinh tế với quốc phòng”[6].

2- Quốc hội phê chuẩn về một số vấn đề tổ chức và bổ nhiệm cán bộ cấp cao của Nhà nước.

Xuất phát từ đòi hỏi khách quan của tình hình và nhiệm vụ mới, việc điều chỉnh về tổ chức và thay đổi bổ nhiệm cán bộ cấp cao của Nhà nước là nhiệm vụ thường xuyên của Quốc hội.

Vào đầu năm 1972, do yêu cầu công tác, Ban Thư  ký Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được bổ sung. Ngày 19-1-1972, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định cử Nguyễn Xuân Linh, ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hồ Ngọc Thu, ủy viên dự khuyết Ủy ban làm thư ký Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngày 28-3-1974, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cử Hoàng Mậu, ủy viên dự khuyết làm nhiệm vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thay Tôn Quang Phiệt thành viên của Ủy ban đã từ trần ngày 1-12-1973.

Ủy ban Thường vụ Quốc Hội có quyền hạn, nhiệm vụ lớn. Văn phòng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần được kiện toàn và tăng cường hoạt động để phục vụ Ủy ban ngày càng hữu hiệu và kịp thời hơn. Chính vì vậy, ngày 23-3-1974 theo đề nghị của Tổng thư ký, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định đặt chức Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban thường vụ để giúp Tổng thư ký trong việc điều khiển và quản lý Văn phòng. Trần Đình Tri, ủy viên thư  ký Ủy ban thường vụ Quốc hội được bổ nhiệm kiêm giữ chức Chủ nhiệm Văn  phòng Ủy ban.

Về tổ chức, theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn việc thành lập Ủy ban Pháp chế trực thuộc Hội đồng Chính phủ (14-9-1972); thành lập Bộ Xây dựng trên cơ sở hợp nhất Bộ Kiến trúc và Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước (14-6-1973); đặt Cục Đo đạc và Bản đồ Nhà nước trực thuộc Hội đồng Chính phủ (29-1-1974), thành lập Ban Quản lý xây dựng công trình thủy lợi, thủy điện Hòa Bình trên sông Đà, gọi tắt là Ban Quản lý xây dựng công trình sông Đà, một cơ quan ngang Bộ do Bộ trưởng đặc trách xây dựng công trình sông Đà làm trưởng ban (16-12-1974).

Về nhân sự của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có quyết định miễn nhiệm và bổ nhiệm thành viên mới.

- Ngày 17-4-1973, bổ nhiệm Phan Mỹ giữ chức Chủ nhiệm Văn  phòng Phủ thủ tướng thay cho Đặng Thí đi nhận nhiệm vụ mới.

- Ngày 14-6-1973, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định: Phó Thủ tướng Nguyễn Côn thôi giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch Nhà nước để làm công việc của Hội đồng Chính phủ.

- Bộ trưởng, phó Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch Nhà nước Nguyễn Lam giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban này thay Nguyễn Côn.

- Phó Thủ tướng Đỗ Mười kiêm chức Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

- Bùi Quang Tạo thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Kiến trúc để nhận nhiệm vụ khác.

- Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra của Chính phủ Nguyễn Thanh Bình giữ chức Bộ trưởng Bộ Thủy lợi thay Hà Kế Tấn.

- Hà Kế Tấn thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Thủy lợi để giữ chức Bộ trưởng đặc trách việc xây dựng công trình sông Đà....

Năm 1974, các thành viên của Hội đồng Chính phủ cũng có một số thay đổi mới:

- Ngày 28-3-1974, Ủy ban Thường vụ đã quyết định: Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị kiêm chức Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.

- Phó Thủ tướng Nguyễn Côn kiêm chức Bộ trưởng Bộ Cơ khí và  Luyện kim.

- Trần Hữu Dực giữ chức Phó Thủ tướng kiêm chức Bộ trưởng Phủ Thủ tướng.

- Phan Trọng Tuệ thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải để giữ chức Phó Thủ tướng.

- Đặng Việt Châu thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính để giữ chức Phó Thủ tướng.

- Nguyễn Văn Lộc thôi giữ chức Phó chủ nhiệm Ủy ban Nông nghiệp Trung ương để giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra của Chính phủ.

- Đặng Thí giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất của Chính phủ.

- Dương Bạch Liên giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

- Đinh Đức Thiện thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Cơ khí và Luyện kim để nhận nhiệm vụ khác.

- Nguyễn Lam thôi giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch Nhà nước và Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Nhà nước để giữ nhiệm vụ khác.

Ngày 26-4-1974, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định miễn nhiệm và bổ nhiệm:

- Phó Thủ tướng Hoàng Anh thôi kiêm chức Chủ nhiệm Ủy ban Nông nghiệp Trung ương.

- Nguyễn Thọ Chân giữ chức Bộ trưởng Bộ Lao động thay Nguyễn Hữu Khiếu thôi giữ chức vụ này đi nhận nhiệm vụ khác.

- Nguyễn Hữu Mai thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Điện và Than để nhận nhiệm vụ khác.

- Ngày 9-6-1974, quyết định Nguyễn Văn Kha thôi giữ chức Bộ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước để nhận nhiệm vụ khác.

- Ngày 19-11-1974, quyết định bổ nhiệm Võ Thúc Đồng giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Nông nghiệp Trung ương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã quyết định bổ nhiệm các thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao:

Ngày 31-11-1971, bổ nhiệm Nguyễn Trường Châu và Nguyễn Văn Phương làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bổ nhiệm Trần Lâm, Trần Sang, Vương Đăng Bôi, Đặng Thanh, Hoàng Vĩnh Thành, Phạm Công, Nguyễn Bá Kim làm thẩm phán dự khuyết.

Ngày 17-10-1974, đã bổ nhiệm Nguyễn Ngọc Khanh, Lê Phương Hằng, Đào Duy Khánh, Phạm Công, Trần Sang, Trần Văn Kỳ, Đặng Thanh, Vũ Thụy Châu, Vương Đăng Bôi, Hoàng Vĩnh Thạnh, Nguyễn Bá Kim giữ chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Dương Đình Ngạnh, Nguyễn Hữu, Phạm Cán, Hồ Trinh, Lê Nguyên Anh và Hoàng Thị Trâm giữ chức Thẩm phán dự khuyết.

Về nhân sự của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, ngày 3-3-1973 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định bổ nhiệm Nguyễn Văn Quảng (tức Hồng Quang) giữ chức Uỷ viên Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Nguyễn Đình Quang và Trần Trí Đức giữ chức Kiểm sát viên; Đoàn Gia Khoát, Nguyễn Anh Phong, Đào Văn Cựu tức Vũ Bắc, Xuân Trình, Đặng Huy Phúc, Hoàng Thị Kim Thành, Hoàng Thị Tâm, Trần Thị Thái Hà, Lê Thị Kiêm, Hoàng Đức Luật, Nguyễn Văn Hội, Hà Thị Ngân Giang, Nguyễn Đình Tôn, Lê Mai, Phan Phố, Quảng Đức Thịnh tức Thêm, Võ Văn An giữ chức Kiểm sát viên dự khuyết.

Ngày 30-8-1973, bổ nhiệm Huỳnh Lắm và Nguyễn Quốc Hồng giữ chức Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Việc bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại các nước cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trong các kỳ họp theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ.

Ngày 12-6-1971, Nguyễn Hữu Ngô được bổ nhiệm giữ chức Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Thụy Điển, thay Nguyễn Thọ Chân thôi giữ chức vụ này và Dương Đức Hà giữ chức Đại sứ Việt Nam tại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc thay Nguyễn Hữu Ngô.

Ngày 30-10-1971, bổ nhiệm Võ Thúc Đồng giữ chức Đại sứ Việt Nam tại Liên xô thay Nguyễn Thọ Chân về nước nhận nhiệm vụ mới.

Ngày 6-4-1972, bổ nhiệm Nguyễn Anh Vũ giữ chức Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Ấn Độ; Văn Bá Kiếm giữ chức Đại sứ Việt Nam tại nước Cộng hòa Angiêri dân chủ và nhân dân, kiêm Đại sứ Việt Nam tại nước Cộng hòa Xênêgan thay Nguyễn Đức Thiệng về nước nhận nhiệm vụ mới; Nguyễn Hữu Ngô Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Thụy Điển kiêm chức Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Nauy và Vương quốc Đan Mạch.

Ngày 17-10-1972, bổ nhiệm Chu Văn Biên giữ chức Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Ấn độ thay Nguyễn Anh Vũ (bị ốm không nhận công tác được); Dương Thiết Sơn giữ chức Đại sứ Việt Nam tại nước Cộng hòa thống nhất Tandania, kiêm chức Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa dân chủ Xômali thay Lê Thanh Tâm về nước nhận công tác khác; Vũ Hắc Bồng thôi giữ chức Đại sứ Việt Nam tại nước Cộng hòa Ghinê, nước Cộng hòa Hồi giáo Môritani, nước cộng hòa Mali để giữ chức Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Chilê, Trần Văn Được giữ chức Đại sứ Việt Nam tại nước Cộng hòa Ghinê, kiêm chức Đại sứ Việt Nam tại nước Cộng hòa Hồi giáo Môritani và nước Cộng hòa Mali, Lê Trang Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa nhân dân Balan kiêm chức Đại sứ Việt Nam tại Liên Bang Thụy Sĩ.

Ngày 23-5-1973, bổ nhiệm Phan Bảng giữ chức Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Thụy Điển, kiêm chức Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Nauy, Vương quốc Đan Mạch và Cộng hòa Phần Lan thay Nguyễn Hữu Ngô về nước nhận công tác khác; Nguyễn Thu giữ chức Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Ả Rập Ai Cập kiêm chức Đại sứ tại Cộng hòa dân chủ Xuđăng, Cộng hòa Ả Rập Yêmen và Cộng hòa nhân dân Nam Yêmen thay Trần Văn Sớ về nước nhận nhiệm vụ khác; Nguyễn Mạnh Cầm giữ chức Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa nhân dân Hungari kiêm chức Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Áo thay Hoàng Cương về nước nhận nhiệm vụ khác; Nguyễn Hòa giữ chức Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Inđônêxia thay Phạm Bình về nước nhận nhiệm vụ khác; Ngô Thuyền  Đại  sứ Việt Nam tại Cộng hòa nhân dân Trung Hoa nay kiêm Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Hồi giáo Pakixtan, Chu Văn Biên, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Ấn Độ nay kiêm Đại sứ Việt Nam tại  Cộng hòa Băng la đét; Dương Thiết Sơn Đại sứ Việt Nam tại nước Cộng hòa thống nhất Tandania, kiêm Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa dân chủ Xômali và nước Cộng hòa Dămbia, nay kiêm thêm chức Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Mađagatsca. Văn Bá Kiếm Đại sứ Việt Nam tại nước Cộng hòa Angêri dân chủ và nhân dân kiêm chức Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Xênêgan, nay kiêm thêm chức Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Thống nhất Camơrun và nước Cộng hòa Ghinê xích đạo.

Năm 1974, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ nhiệm Đại sứ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại nhiều nước.

Ngày 18-1-1974, bổ nhiệm Hà Văn Lâu giữ chức Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Cu ba thay Nguyễn Ngọc Sơn về nước nhận nhiệm vụ mới.

Ngày 26-3-1974, bổ nhiệm Hoàng Tú giữ chức Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa dân chủ Đức thay Nguyễn Song Tùng; Nguyễn Thanh Hà giữ chức Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Ru ma ni kiêm chức Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa liên bang Nam Tư thay Nguyễn Đăng Hành; Long Thuận Phước giữ chức Đại sứ Việt Nam tại nước Cộng hòa Ả Rập Xiri, kiêm Đại sứ Việt Nam tại nước Cộng hòa Irắc thay Hoàng Đức Phong; Nguyễn Ngọc Uyển giữ chức Đại sứ Việt Nam tại nước Cộng hòa nhân dân Ba Lan, kiêm chức Đại sứ Việt Nam tại Liên Bang Thụy Sĩ thay Lê Trang; Nguyễn Xuân Hòe giữ chức Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa nhân dân Mông Cổ thay Đỗ Quốc Cường; Chu Văn Biên giữ chức Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Ấn Độ và Cộng hòa Băng la đét kiêm Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Sơ ri lan ca thay Hoàng Thành Trai.

Ngày 26-4-1974, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã quyết định bổ nhiệm Nguyễn Hữu Khiếu giữ chức Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết thay Võ Thúc Đồng; Nguyễn Trọng Vĩnh giữ chức Đại sứ Việt Nam tại nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thay Ngô Thuyền.

Ngày 21-8-1974, bổ nhiệm Đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh kiêm giữ chức Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Hồi giáo Pakixtan; Trần Văn Được Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Ghi nê kiêm Đại sứ tại nước Cộng hòa Mali, Cộng hòa Hồi Giáo Môritani và Cộng hòa Ghinê Bítxao; Võ Văn Sung giữ chức Đại sứ Việt Nam tại nước Cộng hòa Pháp kiêm Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Vương quốc Hà Lan, và Đại công quốc Luychxămbua; Lê Quang Khải giữ chức Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên thay Lê Đông; Nguyễn Việt giữ chức Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Thụy Điển, kiêm Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Na uy, Vương quốc Đan Mạch và Cộng hòa Phần Lan, thay Phạm Bảng; Hà Văn Lâu Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Cu ba kiêm chức Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Achentina; Nguyễn Mạnh Cầm Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa nhân dân Hungari và Cộng hòa Áo kiêm chức Đại sứ  Việt Nam tại Vương quốc Irăng.

Ngày 31-5-1975, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định bổ nhiệm Nguyễn Tiến Thông giữ chức vụ Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc thay Dương Đức Hà, kiêm luôn chức Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Achentina; Nguyễn Văn Hồng giữ chức Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa nhân dân Bungari thay Đinh Thị Ngọc Tảo; Mai Văn Bộ giữ chức Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Italia; Nguyễn Quang Tạo giữ chức Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Australia; Trần Văn Hưng giữ chức Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Uganđa kiêm chức Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Ápganixtan.

3. Khen thưởng và giải quyết các đơn thư khiếu tố, hoạt động của các đoàn đại biểu Quốc hội.

Thực hiện điểm 15 của Điều 53 Hiến pháp (1959) trong 4 năm của nhiệm kỳ thứ IV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tuyên dương công trạng, danh hiệu anh hùng và tặng thưởng nhiều huân chương cao quý các hạng để ghi nhận thành tích của các tập thể và cán bộ viên chức, quân đội và nhân dân trong sự nghiệp kháng chiến, xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 18-10-1972, nhân dịp miền Bắc bắn rơi chiếc máy bay thứ 4.000 của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã quyết định tuyên dương công trạng của quân và dân miền Bắc anh hùng. Các lực lượng vũ trang nhân dân đã trải qua 30 năm xây dựng và liên tục chiến đấu, lớn mạnh không ngừng, đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trung với nước, hiếu với dân, lập nên những chiến công oanh liệt, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó nên đã được Quốc hội tặng thưởng Huân chương Sao vàng.

Trong nhiệm kỳ thứ IV này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho 216 đơn vị tập thể và cá nhân đã có nhiều chiến công xuất sắc trong chiến đấu chống Mỹ, cứu nước, tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho 34 đơn vị và cá nhân đã có thành tích trong lao động sáng tạo xây dựng đất nước.

Ủy ban Thường vụ đã tặng 3 Huân chương Hồ Chí Minh cho các phong trào và các tổ chức của Công đoàn Việt Nam, Đoàn Thanh niên lao động Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã lập nhiều thành tích to lớn trong lao động sản xuất và chiến đấu; 2 Huân chương Hồ Chí Minh cho 2 cán bộ có nhiều cống hiến trong sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ; 4 Huân chương độc lập, 29.707 Huân chương quân công và Huân chương chiến công, 5.820 Huân chương kháng chiến, 638 Huân chương lao động và nhiều Huân chương chiến sĩ vẻ vang. Nhiều chiến sĩ và chuyên gia các nước xã hội chủ nghĩa đã có công giúp nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng đất nước và chiến đấu chống Mỹ cứu nước đã được nhận các loại Huân chương cao quí của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tặng thưởng.

Công tác khen thưởng của Nhà nước đã bám sát các nhiệm vụ trong từng thời kỳ cách mạng, đã góp phần cổ vũ, động viên, giáo dục cán bộ, quân đội và nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, chiến đấu và công tác, góp tài, góp sức vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Việc khen thưởng nhiều chuyên gia, nhiều đơn vị vận tải của các nước xã hội chủ nghĩa đến giúp đỡ ta có tác dụng tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước bạn.

Cũng như các khóa trước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa IV đã quan tâm giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân và thư dân nguyện nhằm bảo đảm quyền tự do dân chủ, quyền lợi chính đáng của dân.

Các đơn, thư hoặc ý kiến của dân trực tiếp gửi đến Văn phòng Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày càng nhiều hơn trước. Nội dung các đơn thư chủ yếu nêu lên các vấn đề lớn sau:

- Quyền dân chủ của nhân dân bị xâm phạm

- Cán bộ không chấp hành đúng chính sách, chế độ

- Cán bộ lợi dụng chức quyền tham ô, ăn hối lộ, móc ngoặc, bao che...

- Vi phạm pháp chế xã hội chủ nghĩa

- Trình bày nguyện vọng, góp ý kiến, bổ sung chính sách hoặc kiến nghị biện pháp giải quyết một số vấn đề xã hội.

Theo các báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các kỳ họp Quốc hội cho biết, từ tháng 3-1972 đến tháng 6-1975 Văn phòng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được 13.526  đơn khiếu nại, tố cáo và thư dân nguyện, 3.401 lượt người đến trực tiếp trình bày sự việc. Những đơn khiếu tố gửi đến đã được Ủy ban Thường vụ nghiên cứu và chuyển cho các cơ quan và địa phương hữu trách giải quyết. Việc tiếp dân ở Văn phòng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được coi trọng.

Nhiều cơ quan và địa phương hữu trách khi nhận được đơn khiếu tố đã quan tâm đúng mức việc giải quyết và có những việc giải quyết tốt. Nhưng kết quả đó chưa đều khắp và tỷ lệ đơn khiếu tố được giải quyết rất thấp. Năm 1973 tổng số đơn nhận được là 3.162 đơn, song các ngành các địa phương chỉ mới giải quyết được 322 đơn, chiếm tỷ lệ 10,18%. Tình hình trên đã phản ảnh khá rõ quyền tự do dân chủ của nhân dân và pháp chế xã hội chủ nghĩa bị vi phạm nghiêm trọng, là trái với điều 29, chương III của Hiến pháp (1959) quy định. “Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền khiếu nại và tố cáo với bất cứ cơ quan Nhà nước nào về những hành vi phạm pháp của nhân viên cơ quan Nhà nước. Những việc khiếu nại và tố cáo phải được xét và giải quyết nhanh chóng. Người bị thiệt hại vì hành vi phạm pháp của nhân viên cơ quan Nhà nước có quyền được bồi thường”[7]. Tình hình vi phạm nêu trên không những chỉ gây ảnh hưởng đến đời sống tinh thần chính trị và kinh tế của dân mà còn làm giảm sút uy tín của Đảng và Nhà nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Để đề cao pháp luật của Nhà nước, tôn trọng quyền dân chủ của dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan ở Trung ương, các Ủy ban hành chính ở địa phương cần phải quan tâm đúng mức, quán triệt đầy đủ nội dung Điều 29 chương III của Hiến pháp. Các đại biểu Quốc hội cần có sự quan tâm đúng mức đến những đỏi hỏi chính đáng của cử tri, đến đơn khiếu tố của dân, phải ra sức đôn đốc các cơ quan ở Trung ương và địa phương khắc phục tình trạng buông lỏng, thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc giải quyết những yêu cầu, khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Cũng giống như các kỳ họp trước, yêu cầu đó của Ban Thường vụ Quốc hội chưa có hiệu lực.

Sau các kỳ họp Quốc hội, các đoàn đại biểu đã tổ chức báo cáo nội dung và kết quả của kỳ họp, kết hợp với tình hình thực tế của địa phương nhằm động viên cán bộ và nhân dân ra sức hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước, thực hiện tốt chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nhiều đại biểu Quốc hội đã tiếp xúc với cử tri, thu nhận kiến nghị, nguyện vọng của cử tri, và góp ý với các cơ quan địa phương để giải quyết kịp thời yêu cầu của nhân dân.

Các đoàn đại biểu Quốc hội cũng đã họp tổng kết hoạt động trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa IV và góp ý về dự thảo quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội. Đến cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa IV có 19 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh thành: Tuyên Quang, Vĩnh Phú, Hà Bắc, Thái Bình, Ninh Bình, Yên Bái, Nam Hà, Bắc Thái, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thanh Hóa, Hà Tây, Nghệ An, Sơn La, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Cao Bằng, Nghĩa Lộ đã tổng kết xong.

 

III. QUỐC HỘI VỚI CUỘC KHÁNG CHIẾN ĐÁNH THẮNG CHIẾN LƯỢC
“VIỆT NAM HÓA CHIẾN TRANH” CỦA ĐẾ QUỐC MỸ

 

Sau thất bại của chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược bằng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, một chiến lược cực kỳ tàn bạo và phản động. Đế quốc Mỹ đã dùng mọi thủ đoạn tàn bạo về quân sự, xảo quyệt về chính trị và ngoại giao, cố tạo ra một “thế mạnh” buộc ta phải chấp nhận một giải pháp chính trị có lợi cho Mỹ, hòng bám giữ miền Nam nước ta thực hiện chủ nghĩa thực dân kiểu mới của chúng.

Với tinh thần kiên trì kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn, chúng ta đã đẩy mạnh cuộc kháng chiến trên cả ba mặt quân sự, chính trị và ngoại giao, đoàn kết phối hợp chiến đấu chặt chẽ với nhân dân Lào và Campuchia, từng bước đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đánh bại “Học thuyết Nichxơn” của Mỹ, giành thắng lợi ngày càng to lớn, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

Sau những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của quân và dân Việt Nam cũng như quân và dân Lào và Campuchia năm 1971, cục diện chiến trường có những chuyển biến quan trọng. Kịp thời nắm bắt thời cơ thuận lợi mới, trên cơ sở nắm vững phương châm chiến lược đánh lâu dài, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng lao động Việt Nam chủ trương đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị, ngoại giao, phát triển thế chiến lược tiến công mới trên toàn chiến trường miền Nam và cả chiến trường Đông Dương, đánh bại một bước quan trọng kế hoạch xâm lược của Mỹ ở Campuchia và Lào, giành thắng lợi quyết định trong năm 1972, buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trên thế thua, đồng thời sẵn sàng chuẩn bị, kiên trì và đẩy mạnh kháng chiến trong trường hợp chiến tranh còn kéo dài.

Nắm vững quyết tâm đó, tại Kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa IV (họp từ 19 đến 25-3-1972), Quốc hội thông qua báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Văn Đồng trình bày, trong đó đã nói rõ một trong những nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch Nhà nước năm 1972 là phải: “Bảo đảm kịp thời và đầy đủ nhất các yêu cầu về sức người sức của chi viện cho tiền tuyến. Nâng cao cảnh giác, tăng cường lực lượng vũ trang, chuẩn bị tốt, sẵn sàng chiến đấu giỏi nhằm đập tan mọi âm mưu và hành động của địch xâm phạm nước Việt Nam Dân Chủ cộng hòa”[8].

Trên mặt trận đấu tranh ngoại giao, Quốc hội đã thông qua báo cáo do Phó Thủ tướng Nguyễn Duy Trinh trình bày, trong đó nêu rõ phương hướng hoạt động của chúng ta trên mặt trận đấu tranh ngoại giao là nêu cao lập trường chính nghĩa và ý chí quyết chiến quyết thắng, đồng thời nêu cao thiện chí của ta trong thương lượng nhằm giải quyết đúng đắn vấn đề Việt Nam, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới, tập trung đấu tranh đòi Mỹ phải chấm dứt chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh”, chấm dứt cuộc chiến tranh bằng không quân và mọi hành động chiến tranh khác chống nhân dân Việt Nam trên cả hai miền đất nước, kiên trì thương lượng ở Hội nghị Pari và kịp thời vạch mặt ngoan cố, xảo quyệt của chính quyền Níchxơn trong thương lượng.

Thực hiện nhiệm vụ chi viện kịp thời và đầy đủ nhất các yêu cầu  cho tiền tuyến đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức huy động hàng vạn bộ đội, thanh niên xung phong, dân công anh dũng ngày đêm lao động nâng cấp, mở rộng và làm mới các tuyến đường trên tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn để vận chuyển người và của vào chiến trường. Trong mùa khô năm 1971-1972 miền Bắc đã chuyển vào chiến trường miền Nam 16 vạn tấn hàng, tăng gấp 2 lần so với mùa khô năm 1970-1971.

Từ cuối năm 1971 đến đầu năm 1972 miền Bắc đã đưa vào tiền tuyến lớn miền Nam 55.000 cán bộ, chiến sĩ cùng một số lượng lớn trang bị kỹ thuật trong đó có cả xe tăng và pháo lớn. Nắm vững thời cơ thuận lợi mới, với lực lượng đối sánh có lợi cho ta, ngày 30-3-1972 quân và dân ta đã mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam, tiến công mạnh mẽ trên hầu hết các địa bàn chiến lược quan trọng, đã chọc thủng ba phòng tuyến mạnh nhất của địch là Quảng Trị, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Ở các địa phương được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, nhân dân đã nổi dậy giành quyền làm chủ, đẩy mạnh chiến tranh du kích ở những vùng địch kiểm soát.

Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 đã mở ra một bước ngoặt quan trọng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giáng một đòn mạnh vào quân đội của chính quyền Sài Gòn và quốc sách “bình định” của chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ.

Để cứu vãn tình thế, chính quyền Níchxơn đã “Mỹ hóa” trở lại cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam bằng cách huy động lực lượng lớn không quân và hải quân ồ ạt tham chiến ở miền Nam và gây lại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc.

Ních xơn ra lệnh thả mìn phong toả bến cảng, cửa sông, vùng biển miền Bắc, ném bom bắn phá ác liệt các tuyến giao thông, kho tàng, đánh phá nhiều nơi ở Vinh, Thanh Hóa, Hải Phòng ngoại vi Hà Nội và trắng trợn nhất là chúng đã mở cuộc tập kích bằng không quân chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng từ 18 đến 29-12-1972. Nhờ cảnh giác cao độ và chuẩn bị tốt về mọi mặt quân và dân miền Bắc đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích bằng máy bay chiến lược B52 của Mỹ.

Thắng lợi của nhân dân Việt Nam trên cả mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao đã đem lại kết quả to lớn là việc ký kết Hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ngày 27-1-1973. Hiệp định Pari về Việt Nam được ký kết đã ghi nhận sự chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam trên cơ sở tôn trọng những quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam, thừa nhận thực tế ở miền Nam Việt Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát và ba lực lượng chính trị. Hoa Kỳ và các nước khác phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, Hoa Kỳ cam kết phá hết các khu quân sự Mỹ, phải rút hết quân đội, các loại nhân viên, cố vấn, vũ khí, đạn dược dụng cụ chiến tranh của Mỹ và các nước đồng minh ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Đây là một thắng lợi to lớn, kết quả của cả một quá trình đấu tranh lâu dài gian khổ và anh dũng của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam theo ngọn cờ cách mạng của Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Thắng lợi đó đã tạo ra thế mới, lực mới và những nhiệm vụ đấu tranh cách mạng mới của nhân dân ta.

Ngày 28-1-1973, Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cùng ngày đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ra những bản tuyên bố đánh giá thắng lợi và nêu lên những nhiệm vụ mới của quân và dân trên cả hai miền đất nước.

Trước tình hình đó, Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa IV đã được triệu tập họp từ ngày 18 đến 21-2-1973 ở Hà Nội. Đây là một kỳ họp đặc biệt của Quốc hội để nghe Chính phủ báo cáo về việc ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam và để Quốc hội biểu thị thái độ của mình về vấn đề này.

Sau khi nghe Thủ Tướng Phạm Văn Đồng đọc báo cáo của Chính phủ, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Duy Trinh đọc báo cáo về ngoại giao, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp đọc báo cáo về tình hình và nhiệm vụ quân sự, cùng nhiều tham luận của đại biểu, Quốc hội biểu thị thái độ hoan nghênh Hiệp định Pari và thông qua Nghị quyết về việc ký Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Quốc hội nhất trí tán thành hoạt động của Chính phủ đã thể hiện một cách xuất sắc đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta là đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế, kiên quyết đấu tranh trên ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao. Thắng lợi của việc chấp hành đường lối đó đã dẫn đến việc ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam trên cơ sở Hoa kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và quyền tự quyết của đồng bào miền Nam Việt Nam.

“Quốc hội nhất trí tán thành chính sách của Chính phủ ta thi hành nghiêm chỉnh và triệt để mọi điều khoản của Hiệp định Pari về Việt Nam, đồng thời đòi Chính phủ Hoa Kỳ và chính quyền Sài gòn cũng phải tôn trọng và thực hiện đầy đủ các điều khoản của Hiệp định đó”[9]. Quốc hội quyết tâm động viên toàn quân và toàn dân Việt Nam triệt để hoàn thành nhiệm vụ trước mắt của nhân dân ta là tăng cường đoàn kết, luôn luôn đề cao cảnh giác, ra sức phấn đấu để củng cố những thắng lợi đã giành được, đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, giữ vững hòa bình lâu dài, hoàn thành độc lập dân chủ ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà.

Thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước dẫn đến việc ký kết Hiệp định Pari về Việt Nam là thắng lợi của cuộc chiến đấu gian khổ hy sinh của nhân dân cả nước được bạn bè quốc tế giúp đỡ đầy tình nghĩa do Đảng Lao động Việt Nam lãnh đạo, do Chính phủ và Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định và tổ chức điều hành.

Vui mừng và tự hào về công lao và thành tích của Quốc hội, trong lời chào mừng kỳ họp Quốc hội, đoàn đại biểu của quân dân Hà Nội đã phấn khởi gọi Quốc hội khóa IV là “Quốc hội đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược”.

Tại Kỳ họp thứ ba này, Quốc hội cũng đã nhiệt liệt hoan nghênh chính sách của Mặt trận dân tộc giải phóng và Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam  -“Người đại diện chân chính duy nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam, nêu cao tình cốt nhục, nghĩa đồng bào, phát huy sức mạnh vô địch của khối đoàn kết toàn dân, tạo điều kiện cho mọi người Việt Nam yêu nước góp phần cống hiến vào sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc”[10].

Ngày 6-6-1973, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cử một đoàn đại biểu Quốc hội nước ta do Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Xiển dẫn đầu vào thăm vùng giải phóng miền Nam và dự lễ kỷ niệm lần thứ 4 ngày thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Hiệp định Pari đã được ký kết, nhưng ở miền Nam Việt Nam tiếng súng chiến tranh vẫn chưa ngừng hẳn. Được sự giúp đỡ của Mỹ, chính quyền Sài Gòn đã phá hoại Hiệp định, liên tiếp mở các cuộc hành quân lấn chiếm tới các vùng do Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam kiểm soát, hành quân bình định trong vùng do chính quyền Sài Gòn kiểm soát, chà đạp lên mọi quyền tự do dân chủ của nhân dân, không chịu trao trả hết nhân viên dân sự mà họ còn giam giữ. Đế quốc Mỹ và tay sai vẫn không chịu từ bỏ dã tâm áp đặt chủ nghĩa thực dân mới của chúng.

Hội nghị lần thứ 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (7-1973) đã xác định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới là hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Nhiệm vụ trước mắt là đẩy mạnh đấu tranh trên cả 3 mặt trận chính trị quân sự và ngoại giao một cách chủ động, linh hoạt, tùy từng lúc, từng nơi để buộc đối phương phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định đã ký, không ngừng giữ vững và phát triển lực lượng cách mạng về mọi mặt, thắng địch từng bước và chủ động trong mọi tình huống đưa cách mạng miền Nam tiến lên. Con đường cách mạng miền Nam là con đường cách mạng bạo lực. Bất kể trong tình hình nào ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững chiến lược tiến công. Vấn đề giành dân, giành quyền làm chủ, phát triển thực lực của cách mạng là yêu cầu vừa bức thiết vừa cơ bản trong giai đoạn mới.

Trong 2 năm 1973-1974 về cơ bản, miền Bắc đã khôi phục xong các cơ sở kinh tế, các công trình văn hóa, giáo dục, y tế. Kinh tế có bước phát triển bảo đảm ổn định đời sống của nhân dân và đáp ứng yêu cầu chi viện lớn cho miền Nam tiền tuyến lớn, cho cả Lào và Campuchia trong giai đoạn cuối.

Ngay sau khi Hiệp định Pari được ký kết, tất cả các ngành, các địa phương ở miền Bắc đã được lệnh tập trung lực lượng chi viện cho miền Nam theo kế hoạch của Chính phủ đã được Quốc hội tán thành. Chi viện cho miền Nam trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến không chỉ nhằm phục vụ nhiệm vụ chiến đấu để hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam mà còn phục vụ yêu cầu xây dựng vùng giải phóng trên các mặt.

Trong 2 năm 1973-1974, miền Bắc đã đưa vào miền Nam gần 20 vạn bộ đội, hàng vạn thanh niên xung phong, cán bộ chuyên môn. Từ đầu mùa khô 1973-1974 đến đầu mùa khô 1974-1975, miền Bắc đã đưa vào miền Nam hơn 26 vạn tấn gồm vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng, xăng dầu, thuốc men...

Nguồn chi viện này của hậu phương lớn đã tăng cường nhanh chóng lực lượng cách mạng trên chiến trường miền Nam, thiết thực chuẩn bị cho cuộc tiến công và nổi dậy để hoàn thành giải phóng miền Nam.

Tháng 12-1974, tại Kỳ họp thứ 5, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa IV, báo cáo về tình hình và nhiệm vụ quân sự của Hội đồng Chính phủ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã phân tích rõ tương quan lực lượng giữa ta và địch, cục diện chiến trường đã thay đổi hoàn toàn mới. Báo cáo kết luận: “Cục diện của đất nước Việt Nam... đã hoàn toàn đổi mới, khác hẳn 30 năm về trước. Cục diện miền Nam cũng đã có bước biến chuyển mới khác với lúc mới ký kết Hiệp định Pari”. Chúng ta đã có điều kiện thuận lợi mới để tiến lên hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ. Quốc hội đã tán thành báo cáo đó của Chính phủ.

Lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường miền Nam đã thay đổi nhanh chóng có lợi cho ta, tạo nên một thời cơ mới để giải phóng miền Nam. Từ cuối tháng 9-1974 đến tháng 1-1975 Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã liên tiếp họp bàn kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong 2 năm, trong đó có kế hoạch nếu “thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.

Sau khi hoàn thành việc chuẩn bị, cuộc Tổng tiến công chiến lược của ta đã mở đầu từ 4-3-1975 bằng chiến dịch Tây Nguyên. Giữa lúc tiếng súng chiến dịch mở đầu cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa xuân năm 1975, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên đặc biệt để nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng báo cáo về cuộc tiến công và nổi dậy của quân và dân Việt Nam nhằm đánh đổ tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu, đánh đổ chế độ thực dân mới của Mỹ ở miền Nam. Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất vui mừng về những thắng lợi cực kỳ to lớn của quân và dân ta ở miền Nam đang làm thay đổi hẳn lực lượng so sánh, tạo nên thời cơ mới để tiếp tục tiến lên giành thắng lợi to lớn hơn, đưa cách mạng miền Nam đến thắng lợi hoàn toàn.

 

IV. QUỐC HỘI VÀ CHÍNH PHỦ CÁCH MẠNG LÂM THỜI CỘNG HÒA
MIỀN NAM VIỆT NAM TĂNG CƯỜNG HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI

 

Cuộc chiến đấu chống Mỹ của nhân dân Việt Nam ta là cuộc đụng đầu lịch sử quyết liệt giữa lực lượng cách mạng và lực lượng phản cách mạng trên thế giới, giữa chính nghĩa và phi nghĩa, giữa văn minh và bạo tàn. Chính vì vậy, ngay từ đầu cuộc kháng chiến, các lực lượng hòa bình dân tộc, dân chủ và xã hội chủ nghĩa đã ủng hộ chúng ta, dần dần hình thành trên thực tế mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ.

Phát huy các thắng lợi về quân sự và chính trị, chúng ta tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao, tăng cường hoạt động quốc tế. Quốc hội đã mời và đón tiếp nhiều đoàn đại biểu các nước, các Đảng, Quốc hội, các tổ chức tiến bộ từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi lần lượt đến thăm Việt Nam, mang đến cho nhân dân ta tình đoàn kết chiến đấu và tình hữu nghị thắm thiết.

Hàng trăm nghị sĩ Quốc hội, các nhân vật nổi tiếng ở các nước Côlômbia, Ấn Độ, Canađa, Phần Lan, Thụy Điển, Xâylan, Manta, Giamaica, Chi Lê,  Xyri... đã ra tuyên bố hoặc ký vào các bản kiến nghị lên án đế quốc Mỹ kéo dài cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của chúng ta.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã đón tiếp một số đoàn đại biểu Quốc hội và nghị sĩ các nước đến thăm chính thức Việt Nam. Đó là đoàn đại biểu Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Pháp (2-1972); đoàn đại biểu Quốc hội Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc do Alôixo Inđơra, Chủ tịch Quốc hội liên bang dẫn đầu (4-11-1973); đoàn đại biểu Xô Viết tối cao Liên Xô do Niadơbêcốp Xabia Bilialôvích, Phó chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô dẫn đầu (từ 19 đến 26-12-1973); đoàn nghị sĩ Nhật Bản (từ 2 đến 9-6-1973); các nghị sĩ Canada trong đoàn của Bộ trưởng ngoại giao Canađa (18-3-1973); đoàn đại biểu Hội luật gia Ấn Độ (26-6-1973); hạ nghị sĩ B.Đờgay Phoocman, Chủ tịch Đảng chính trị cấp tiến Hà Lan (28-8-1973), Chưtômi Hôsinô, Thượng nghị sĩ Nhật Bản (21-10-1973); Đoàn nghị sĩ Thụy Điển (11-10-1974); Tuliacauttôni, Phó chủ tịch nghị viện Italia (18-1-1974); đoàn đại biểu Tòa án tối cao cộng hòa nhân dân Hungari (28-11-1974); đoàn đại biểu Hội hữu nghị Mông Cổ - Việt Nam (30-11-1974); đoàn đại biểu Hội đồng quốc gia chính trị liên hiệp Lào do Phó chủ tịch Hội đồng Hoàng thân Xixumang Xixalơmxăc dẫn đầu (từ 22 đến 28-3-1975); đoàn nghị sĩ Mêhicô (từ 20 đến 24-5-1975).

Các cuộc đón tiếp đó đã làm cho các đoàn đại biểu, các nghị sĩ các nước hiểu rõ hơn sự nghiệp xây dựng miền Bắc trong hoàn cảnh chiến tranh, tích cực ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam...

Đảng, Quốc hội và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng đã cử một số đoàn đại biểu đi thăm các nước xã hội chủ nghĩa.

Từ ngày 18-8 đến 28-9-1971 đoàn đại biểu Quốc hội nước ta do Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hoàng Văn Hoan dẫn đầu đã đi thăm Liên Xô, Balan, Tiệp Khắc và Rumani. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước của các nước trên đã ủng hộ lập trường của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Pari, biểu thị quyết tâm tiếp tục giành cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam sự giúp đỡ tích cực cho đến thắng lợi cuối cùng.

Từ ngày 20 đến 27-5-1974 một nhóm đại biểu Quốc hội nước ta do Trần Danh Tuyên dẫn đầu đã đi thăm hữu nghị Nhật Bản. Các đại biểu Quốc hội nước ta đã gặp gỡ các đoàn nghị sĩ của các Đảng, chủ tịch hai viện, nhiều vị Bộ trưởng trong Chính phủ và các đoàn thể chính trị ở Nhật Bản. Sau cuộc đi thăm này của các đại biểu Quốc hội Việt Nam, ở Nhật Bản đã thành lập “Liên minh nghị sĩ Nhật Bản - Việt Nam” bao gồm hơn 300 nghị sĩ nhằm mục đích tăng cường quan hệ hữu nghị với Việt Nam, ủng hộ Hiệp định Pari, xúc tiến việc lập quan hệ ngoại giao của Nhật với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Từ ngày 14-5 đến 12-6-1974, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc hội nước ta đi thăm hữu nghị nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc và Cộng hòa nhân dân Hungari theo lời mời của Quốc hội hai nước bạn.

Tiếp theo từ ngày 20 đến ngày 29-1-1975, một nhóm đại biểu Quốc hội nước ta do Nguyễn Văn Trân dẫn đầu đi thăm nước Italia theo lời mời của các nghị sĩ Italia trong Ủy ban đoàn kết Italia - Việt Nam. Chủ tịch Thượng nghị viện, Chủ tịch Hạ nghị viện, nhiều nghị sĩ và Thượng nghị sĩ thuộc nhiều đảng phái chính trị ở Italia đã tiếp các đại biểu Quốc hội nước ta. Cuộc đi thăm này đã góp phần tăng thêm sự hiểu biết và tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và Italia, tranh thủ thêm sự đồng tình của nhân dân, của các đoàn thể dân chủ, các Nghị sĩ Italia đối với cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Sự lớn mạnh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thắng lợi ngày càng to lớn của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước đã làm cho quan hệ của nước ta với các nước trên thế giới ngày càng mở rộng. Nhiều nước tiếp tục thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là Liên bang Thụy Sỹ (11-10-1971), Vương quốc Đan Mạch (25-11-1971), Vương quốc Na Uy (25-11-1971), Cộng hòa Ấn Độ (7-1-1972), Cộng hòa Chilê (1-6-1972), Cộng hòa thống nhất Camơrun (30-8-1972), Cộng hòa Ghinê Xích đạo (1-9-1972), Cộng hòa Dămbia (13-9-1972), Cộng hòa Hồi giáo Pakixtan (8-11-1972), Cộng hòa Aó (11-12-1972),  Cộng hòa Tuynidi (15-12-1972), Cộng hòa Mađagatxca (19-12-1972), Cộng hòa Phần Lan (25-1-1973), Cộng hòa nhân dân Bănglađét (11-2-1973), Cộng hòa Uganđa (9-2-1973), Ôxstrâylia (26-2-1973), Cộng hòa Bênanh (14-3-1973), Vương quốc Bỉ (22-3-1973), Cộng hòa Italia (23-3-1973), Malaixia (30-3-1973), Vương quốc Hà Lan (9-4-1973), Cộng hòa Pháp (12-4-1973), Cộng hòa Burun (16-4-1973), Cộng hòa Xinggapo (1-8-1973), Cộng hòa Hồi giáo Iran (4-8-1973), Cộng hòa Aixơlen (3-8-1973), Canada (21-8-1973), Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen (1-9-1973), Nhật Bản (21-9-1973), Cộng hòa Ghinê Bítxao (30-9-1973), Cộng hòa Achentina (25-10-1973), Cộng hòa Gămbia (30-10-1973), Đại công quốc Lucxămbua (15-11-1973), Buốckina Phasô (16-11-1973), Cộng hòa Manta (14-1-1974), Nhà nước Hồi giáo Apganixtan (16-9-1974), Cộng hòa Gabông (9-1-1975), Cộng hòa Tôgô (8-2-1975), Cộng hòa Nigiê (7-3-1975), Cộng hòa Giamahiriia Arập Libi nhân dân xã hội chủ nghĩa vĩ đại (15-3-1975), Cộng hòa hợp tác Guyana (19-4-1975), Cộng hòa Hy Lạp (15-4-1975), Niu Dilân (19-6-1975), Cộng hòa Bồ Đào Nha (4-7-1975) [11].

Phối hợp với cuộc đấu tranh trên mặt trận quân sự, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao, mở rộng hoạt động đối ngoại để tiếp tục tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của thế giới đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam kiên quyết đấu tranh đòi chính phủ Mỹ phải thương lượng nghiêm chỉnh phải đáp ứng tích cực những giải pháp của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và những sáng kiến của Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam đưa ra tại Hội nghị Pari về vấn đề chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Quan hệ quốc tế của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam ngày càng mở rộng thông qua các cuộc hội nghị, các đại hội quốc tế và quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới.

Tháng 7-1971, Nguyễn Thị Bình đến thăm Lusaka, thủ đô nước Cộng hòa Zambia để vận động cho Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tham gia vào Phong trào không liên kết và vận động thêm một số nước châu Phi công nhận về mặt ngoại giao Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam. Năm 1972, tại Hội nghị ngoại trưởng các nước không liên kết họp ở Gióocgiơtao, thủ đô nước Cộng hòa hợp tác Guyana đã công nhận Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là thành viên chính thức của Phong trào không liên kết.

Từ giữa tháng 2-1973, đoàn đại biểu Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Bình đã đi thăm nước Cộng hòa Angiêri dân chủ và nhân dân, Cộng hòa I rắc, Cộng hòa Arập Xyri. Tiếp theo vào cuối tháng 3 và thượng tuần tháng 4-1973, Đoàn tiếp tục đi thăm Liên Xô, Mông Cổ, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên,…

Đến năm 1973, đoàn cấp cao của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ dẫn đầu đã tham dự Hội nghị cấp cao phong trào không liên kết họp lần thứ tư tại Angiê, thủ đô nước Cộng hòa Angiêri dân chủ và nhân dân. Sau hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã đi thăm một số nước ở châu Phi: Angiêri, Xênêgan, Ai Cập, Tandania, Uganđa…

Từ tháng 6-1969 đến tháng 4-1970, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 23 nước trên thế giới. Từ năm 1971 đến năm 1975, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tiếp tục đặt quan hệ ngoại giao với Cộng hòa xã hội chủ nghĩa liên bang Nam Tư (22-5-1971), Cộng hòa dân chủ Xômali (15-2-1972), Cộng hòa Ma i (25-2-1972), Cộng hòa Chi Lê (8-9-1972), Cộng hòa Uganđa (9-2-1973), Cộng hòa Burunđi (16-4-1973), Cộng hòa Xênê gan (3-7-1973), Cộng hòa  Ghinê (25-7-1973), Cộng hòa Manta (8-9-1973), Cộng hòa Dămbia (8-9-1973), Cộng hòa nhân dân Bănglađét (24-10-1973), Cộng hòa Ghinê Bitxao (20-5-1974), Cộng hòa Arập Yêmen (13-11-1974), Cộng hòa Gabông (9-1-1975), Cộng hòa Ghinê Xích đạo (17-1-1975), Cộng hòa Arập Libi (15-4-1975), Cộng hòa hợp tác Guyana (19-4-1975), Cộng hòa Ấn độ (30-4-1975), Vương quốc Đan mạch (2-5-1975), Vương quốc Nauy (2-5-1975), Cộng hòa Pháp (14-5-1975), Hợp chủng quốc Mêhicô (26-5-1975), Liên bang Miến Điện (30-5-1975), Vương quốc Anh và Bắc Ai len (23-6-1975), Cộng hòa Xrilanca (24-6-1975), v.v..

Theo lời mời của Giáo hoàng Đoàn Đại biểu của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu dẫn đầu đã đi thăm Vaticăng.

Nước Cộng hòa Cuba là nước rất tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh chống Mỹ xâm lược của nhân dân Việt Nam, sớm thừa nhận Mặt trận dân tộc giải phống miền Nam Việt Nam và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là người đại diện hợp pháp của nhân dân Việt Nam. Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đặt đại diện thường trực đầu tiên của Mặt trận tại Cuba. Ngày 15-9-1973, Thủ tướng Phiđen Catxtơrô đã đến thăm vùng giải phóng ở miền Nam. Đây là vị Thủ tướng đầu tiên của một nước bạn tới thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam.

Chính phủ Thụy Điển cũng đã cử một đoàn Đại biểu do Quốc vụ khanh Lêôna Clăckenbe dẫn đầu đã đến thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam từ ngày 16 đến ngày 18-8-1974.

Về quan hệ kinh tế, văn hóa, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cũng đã lần lượt ký kế hoạch hợp tác văn hóa năm 1975 với cộng hòa nhân dân Hungari (31-1-1975), ký nghị định thư về cung cấp hàng hóa năm 1975 với Cộng hòa dân chủ Đức (14-2-1975), ký hiệp định về việc Cộng hòa Ba Lan viện trợ kinh tế cho Cộng hòa miền Nam Việt Nam (15-2-1975), ký văn kiện viện trợ kinh tế năm 1975 của Vương quốc Nauy cho Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam (27-2-1975) v.v..

Hoạt động trong những năm tháng kháng chiến chống lại cuộc chiến tranh của Mỹ xâm lược nước ta bằng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, Quốc hội khóa IV và Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh trên mặt trận chính trị và ngoại giao, kiên trì thực hiện đường lối quốc tế của Đảng. Kết quả của những hoạt động đó đã góp phần tích cực tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ quốc tế rộng rãi, mạnh mẽ đối với sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc ta, tạo thêm sức mạnh cho nhân dân ta thực hiện chiến lược tiến công, giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn vào mùa Xuân 1975.

 

V. CHUẨN BỊ BẦU CỬ QUỐC HỘI KHÓA V

 

Quốc hội khóa IV được nhân dân bầu ngày 11-4-1971. Nhiệm kỳ của Quốc hội khóa IV bắt đầu từ ngày họp thứ nhất và sẽ chấm dứt khi Quốc hội khóa V họp vào Kỳ thứ nhất trong tháng 6-1975.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa IV họp ngày 19-11-1974 đã quyết định tổ chức bầu cử Quốc hội khóa V vào ngày chủ nhật 6-4-1975.

Theo số liệu của cuộc điều tra dân số, tính đến ngày 1-4-1974 toàn miền Bắc có 23.787.375 người vì vậy trong kỳ họp thứ V (tháng 12-1974) Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đệ trình Quốc hội quyết định việc sửa đổi một số điều khoản trong Luật bầu cử đại biểu Quốc hội có liên quan đến số lượng đại biểu cho phù hợp với tình hình phát triển dân số mới của miền Bắc. Căn cứ vào Điều 45Điều 50 của Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 28-12-1974 Quốc hội đã quyết định sửa đổi Điều 11Điều 12, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 31-12-1959 như sau:

Điều 11 (mới):

Đại biểu Quốc hội do từng đơn vị bầu cử bầu ra.

Số đại biểu định cho mỗi đơn vị bầu cử là căn cứ vào số dân của đơn vị đó: cứ bảy mươi nghìn (70.000) dân được cử một đại biểu, nếu số lẻ còn lại quá ba vạn năm nghìn (35.000) thì được thêm một đại biểu.

Ở những khu công nghiệp tập trung và những thành phố trực thuộc Trung ương thì có thể từ hai vạn (20.000) đến năm vạn (50.000) dân được cử một đại biểu.

Điều 12 (mới):

Dựa vào dân số dân tộc thiểu số so với dân số toàn quốc, số đại biểu Quốc hội dành cho các dân tộc thiểu số bằng một phần sáu tổng số đại biểu Quốc hội. Số đại biểu Quốc hội dành cho các dân tộc thiểu số do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân phối nhằm bảo đảm cho các dân tộc thiểu số có số đại biểu tương xứng trong Quốc hội[12].

Ủy ban Thường vụ Quốc hội căn cứ vào dân số từng địa phương và Quyết định của Quốc hội ngày 28-12-1974 đã tổ chức 85 đơn vị bầu cử, tổng số đại biểu Quốc hội là 425 người. Hội đồng bầu cử Quốc hội được thành lập để chỉ đạo việc chuẩn bị bầu cử  Quốc hội.

Việc chuẩn bị, tuyên truyền vận động bầu cử Quốc hội khóa V được triển khai trong bối cảnh cả nước sắp bước vào thời điểm lịch sử trọng đại của dân tộc - thời điểm mở đầu cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975. Vì vậy, nhiệm vụ chuẩn bị và thực hiện tuyển cử bầu Quốc hội khóa V là một sự kiện lịch sử chính trị, minh chứng thêm tài năng tổ chức điều hành đất nước của Đảng, Quốc hội và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vừa bí mật, khẩn trương hoàn thành kế hoạch chiến lược để mở cuộc Tổng tiến công chiến lược ở tiền tuyến lớn, vừa động viên toàn dân dốc sức chi viện cho chiến trường trong thời điểm phải kết thúc toàn thắng của cuộc chiến, vừa tiếp tục thực hiện việc lãnh đạo phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc bầu cử người đại biểu của mình vào Quốc hội cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.

Việc chuẩn bị, tuyên truyền, tổ chức bầu cử đã diễn ra theo đúng Luật bầu cử Quốc hội.

*

*     *

Quốc hội khoá IV do nhân dân miền Bắc bầu ngày 11-4-1971. Trong 4 năm hoạt động, Quốc hội họp 5 kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp 53 lần, thông qua 559 nghị quyết về các vấn đề thuộc quyền hạn của Ủy ban.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu, thông qua phương hướng, nhiệm vụ, chỉ tiêu của các kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế năm 1972, năm 1973 và kế hoạch 2 năm 1974- 1975; phê chuẩn các dự án và quyết toán ngân sách hàng năm của nhà nước.

 Các kế hoạch kinh tế đó đã đạt được những thắng lợi quan trọng. Miền Bắc xã hội chủ nghĩa tiếp tục được củng cố và giữ vững, bảo đảm sức mạnh để đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của Mỹ, tiêu biểu là trận “Điện Biên Phủ trên không” vào hạ tuần tháng 12-1972; đã dốc sức chi viện cho miền Nam tiền tuyến lớn trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chi viện cho cả Lào và Campuchia. Nguồn chi viện lớn của miền Bắc đã tăng nhanh thế và lực cho quân và dân ta trên chiến trường, đẩy mạnh thế chiến lược tiến công chống lại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Nichxơn, đưa đến việc ký kết hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam trên cơ sở Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam.

Quốc hội hoan nghênh và thông qua nghị quyết tán thành việc ký kết hiệp định Pari. Quốc hội đã tán thành kế hoạch quân sự của Chính phủ về việc mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta nhằm đánh đổ tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu, đánh đổ chế độ thực dân mới của Mỹ ở miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất tổ quốc.

Quốc hội đã phê chuẩn việc tổ chức một số Bộ và cơ quan ngang Bộ; bổ nhiệm một số thành viên của Chính phủ, của Tòa án nhân dân tối cao, của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, và các Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở nước ngoài.

Quốc hội cũng đã đẩy mạnh hoạt động trên mặt trận đối ngoại, góp phần tích cực tranh thủ sự ủng hộ quốc tế ngày càng rộng rãi đối với sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.

Hoạt động trong những năm tháng vào giai đoạn cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quốc hội đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa -  Quốc hội khóa IV là Quốc hội chiến thắng cuộc “chiến tranh Việt Nam hóa” của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, non sông thu về một mối.

 


 

[1] Các văn kiện của Kỳ họp thứ 2, khóa IV; Lưu trữ Văn phòng Quốc hội, Tr. 55.

[2] Các văn kiện của Kỳ họp thứ 2, khóa IV; Lưu trữ Văn phòng Quốc hội, Tr. 55.

[3] Các văn kiện của Kỳ họp thứ 2, khóa IV; Lưu trữ Văn phòng Quốc hội, Tr. 55.

[4] Các văn kiện của Kỳ họp thứ 5, khóa IV; Lưu trữ Văn phòng Quốc hội, tr.26, 27

[5] Các văn kiện của Kỳ họp thứ 5, khóa IV; Lưu trữ Văn phòng Quốc hội, tr.29, 393

[6] Các văn kiện của Kỳ họp thứ 5, khóa IV; Lưu trữ Văn phòng Quốc hội, tr.29, 393

[7] Hiến pháp Việt Nam (năm 1946, 1959, 1980 và 1992 và Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, Tr. 36

[8] Các văn kiện Kỳ họp thứ 2, khóa IV, Lưu trữ Văn phòng Quốc hội, 1973, Tr. 30.

[9] Xem các văn kiện của Kỳ họp thứ 3, khóa IV; Lưu trữ Văn phòng Quốc hội, Tr. 101-104.

[10] Xem các văn kiện của Kỳ họp thứ 3, khóa IV; Lưu trữ Văn phòng Quốc hội, Tr. 101-104.

[11] Danh sách các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam, Vụ lễ tân Bộ Ngoại giao, Hà Nội, 2-2003

[12] Các văn kiện Kỳ họp thứ 5, khóa IV, Lưu trữ Văn phòng Quốc hội.1975, Tr. 385.