VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960

 

BÁO CÁO
ĐẶC BIỆT CỦA CHÍNH PHỦ
VỀ VIỆC GIAO THIỆP VỚI CHÍNH PHỦ PHÁP

DO ÔNG PHẠM VĂN ĐỒNG, TRƯỞNG PHÁI ĐOÀN QUỐC HỘI VIỆT NAM
SANG PHÁP TRÌNH BÀY TẠI KỲ HỌP THỨ 2,
QUỐC HỘI KHOÁ I NGÀY 30-10-1946

Thưa Cụ Chủ tịch,

Thưa các vị đồng Viện,

Bản báo cáo của tôi về vấn đề ngoại giao của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chuyên nói về việc giao thiệp của chúng ta với Chính phủ Pháp.

Đối với cường quốc như Anh, Mỹ, chúng ta bao giờ cũng hết sức thân thiện và tin chắc rằng một ngày không xa sẽ có những sự giao thiệp chính thức và mật thiết giữa hai cường quốc ấy với chúng ta về mọi phương diện.

Đối với Trung Hoa là nước mà xưa nay có quan hệ nhiều với nước ta về địa lý và lịch sử, văn hóa chúng ta bao giờ cũng coi như người bạn rất tốt và khẩu hiệu Liên - Hoa mà nhân dân Việt Nam hô to trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung ngày ngày càng thực hiện.

Gần đây đối với nước Ấn Độ độc lập chúng ta bắt đầu có những mối quan hệ có ý nghĩa về tương lai.

Trong những nước láng giềng chúng ta, chúng ta nhớ đến nước Xiêm1 vì kiều bào ta ở đấy rất đông và rất giàu lòng ái quốc.

Bán đảo Mã Lai2, nước Diến Điện3, quần đảo Nam Dương4 là những nước trước đây cùng ở trong một cảnh ngộ như chúng ta, ngày nay tuy kẻ chóng người chậm, nhưng đều tiến mạnh trên con đường giải phóng. Đối với những nước ấy chúng ta rất thân thiện về tinh thần và mong đợi ngày thực hiện được tình thân thiện ấy.

Về phía Đông quần đảo, Phi Luật Tân5 là cái cầu thiên nhiên trên con đường tiến triển của chúng ta ra ngoài hướng về châu Mỹ hay châu Úc.

Nhìn qua con đường tiến triển của chúng ta về ngoại giao với các nước, chúng ta quay lại vấn đề chính là sự giao thiệp của ta với Chính phủ Pháp.

Cuộc giao thiệp giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp từ lúc Chính phủ thành lập, nhất là từ tháng 3-1946 đã trải qua mấy giai đoạn rất rõ rệt:

Bản Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946;

Cuộc đàm phán trù bị Đà Lạt đồng thời với sự hoạt động của phái đoàn Quốc hội ở Pháp.

Cuộc đàm phán Fontainebleau đi đến bản thỏa hiệp tạm thời ngày 14-9. Mỗi giai đoạn kể trên là một bước tiến thủ của nước Việt Nam trên con đường tranh thủ tự do và độc lập.

Tôi xin lần lượt trình bày cùng Quốc hội sự cố gắng và sức phấn đấu của Chính phủ Việt Nam trên con đường ấy.

Trước hết tôi xin nói về: Bản Hiệp định sơ bộ 6-3-1946.

Nhắc lại bản Hiệp định sơ bộ 6-3 nghĩa là nhắc lại cả tình thế của nước Việt Nam lúc bấy giờ.

Ngày 19-8 cuộc tổng khởi nghĩa thắng lợi giành lại chính quyền cho nhân dân Việt Nam suốt Trung Nam Bắc: chính thể dân chủ cộng hòa thành lập. Nhưng sau đó một tháng vì quân đội Pháp muốn chiếm lại xứ Nam bộ thân mến của chúng ta cho nên chiến tranh đã xảy ra giữa Pháp và ta ở đó.

Ngày ... tháng 86 đồng bào Nam bộ đã tranh thủ được tự do ở trong tay quân phát xít Nhật. Lẽ nào đồng bào Nam bộ để tự do quý báu ấy lọt lại trong tay người Pháp và trở lại chế độ nô lệ ngày xưa.

Đồng bào Nam bộ không có súng đạn đầy đủ.

Đồng bào Nam bộ không có bộ đội thao luyện.

Đồng bào Nam bộ không ngờ đến chiến tranh và không chuẩn bị chiến tranh với người Pháp.

Trái lại bộ đội Pháp thì sẵn vũ khí tối tân, giàu kinh nghiệm trên bao nhiêu chiến trường ở châu Phi và châu Âu; họ tưởng chiến thắng dễ dàng dân quân của chúng ta; chinh phục mau chóng xứ sở chúng ta.

Họ đã lầm to.

Cuộc kháng chiến anh dũng xảy ra hồi tháng 9 đã kéo dài đến đầu năm 1946.

 Trong sáu tháng bao nhiêu máu mủ đã nhuộm đỏ miền Nam đất Việt, nhưng anh chị em Nam bộ được sức ủng hộ của đồng bào toàn quốc vẫn trơ như đá vững như đồng quyết giữ gìn chủ quyền cho dân tộc.

Đó là nguyên nhân chính của Hiệp định sơ bộ ngày 6-3, bản hiệp định đầu tiên thừa nhận nền tự chủ của nước Việt Nam.

Nguyên nhân thứ hai là sự bất mãn của nhân dân Pháp, của dư luận Pháp đối với một cuộc chiến tranh thực dân hao tốn và phiêu lưu, một cuộc chiến tranh vì chính nghĩa đối với một nước dân chủ cộng hòa mới thành lập sau 5 năm kháng Nhật đồng thời với các nước đồng minh.

Đó là về phần người Pháp.

Về phần chúng ta, dân ta và Chính phủ ta từ tháng 9 đến nay vì vận mệnh của nước nhà mà phải chiến đấu, ở Nam bộ, nay có cơ hội trở lại hòa bình, mà đồng thời cũng đi đến được độc lập; mục đích cuối cùng vẫn đạt được mà lại tránh được bao nhiêu sự hy sinh đau đớn.

Hồ Chủ tịch trước khi cùng đại diện chính phủ Pháp ký bản Hiệp định sơ bộ đã cân nhắc lợi hại gần xa của dân tộc một cách rõ như thế. Trong hai con đường đưa đến độc lập, Hồ Chủ tịch đã chọn con đường đỡ hao tổn mà cũng chắc chắn hơn.

Xét qua nội dung của bản Hiệp định sơ bộ, chúng ta phải chú ý mấy điều sau này:

1- Trước hết bản Hiệp định ấy là một bản Hiệp định đình chiến.

Xin các bạn đồng Viện nghe lại câu này: "Các điều khoản kể trên đây sẽ được tức khắc thi hành. Sau khi ký hiệp định, hai Chính phủ lập tức quyết định mọi phương sách cần thiết để đình chỉ ngay cuộc xung đột, để giữ nguyên quân đội hai bên tại vị trí hiện thời và để gây một bầu không khí êm dịu cần thiết cho việc mở ngay cuộc điều đình thân thiện và thành thực".

Ai cũng biết người Pháp không làm đúng theo điều đã ký. Và đồng bào Nam bộ đã trả lời một cách đích đáng cho họ rằng con đường ấy là con đường sai lầm.

Bẩy tháng sau khi bản Hiệp định sơ bộ này đã ký và hôm nay đúng ngày 30-10 là ngày bắt đầu thi hành bản Thỏa hiệp tạm thời vừa ký, chúng ta nên nhắc lại cho người Pháp câu tục ngữ: Xe trước đã đổ, xe sau phải coi chừng; để kêu gọi người Pháp thi hành cho đúng khoản thứ 9 trong bản Thỏa hiệp tạm thời, khoản nói về Nam bộ.

2- Điều quan trọng trong bản Hiệp định sơ bộ mà chúng ta nên nêu ra là điều thừa nhận "nước cộng hòa Việt Nam là một nước tự do có Chính phủ, Nghị viện, bộ đội, tài chính riêng của mình".

Trong lúc bản Thỏa hiệp tạm thời ngày 14-9 sắp đem ra thi hành cũng nên nhắc lại điều này trong bản Hiệp định sơ bộ vì đó là điều quyết định nền tự chủ của Việt Nam về vấn đề tiền tệ và quan thuế.

3- Về vấn đề Nam bộ, bản Hiệp định sơ bộ đã chủ trương: Trưng cầu dân ý để cho người Việt Nam ở Nam bộ tự quyết định số phận của mình, nghĩa là tự quyết định muốn trở lại làm nô lệ cho người Pháp hay nhất định làm công dân tự do của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Lúc bấy giờ có người hỏi: sao Cụ Hồ ký nhận điều ấy? Nhưng thật ra nếu chúng ta không dùng võ lực, không dùng chiến tranh thì chỉ có cách trưng cầu dân ý để giải quyết vấn đề thống nhất Trung Nam Bắc.

Lúc bấy giờ có người lo: Trưng cầu dân ý trong lúc quân đội Pháp chiếm đóng nhiều nơi quan trọng trong Nam, trong lúc họ dùng khủng bố để áp bức, ép buộc thì e bất lợi cho ta. Nhưng Hồ Chủ tịch đã tin tưởng chắc chắn vào lòng ái quốc, chí dũng cảm; sức tranh đấu của toàn thể đồng bào Nam bộ, và toàn thể đồng bào Nam bộ mặc dầu đại bác liên thanh, mặc dầu thiết giáp xe tăng đã trả lời cho người Cha già của dân tộc Việt Nam rằng: đây là đất nước Việt Nam, đây là dân tộc Việt Nam, cùng một nguồn, cùng một gốc, một tiếng nói, một chí hướng và cùng như lời anh Nguyễn Văn Tạo đã nói: đại bác, liên thanh, xe tăng, thiết giáp không thể chia rẽ giang sơn đất Việt.

Quân đội Pháp chiếm đóng nhiều nơi ở Nam bộ; bộ máy chính quyền người Pháp có nhiều lợi khí ủng hộ cho dã tâm của mình nhưng đến nay họ vẫn chưa chịu tổ chức cuộc trưng cầu dân ý. Thế là nghĩa gì? Thế nghĩa là: Nam bộ là miền Nam đất Việt và đồng bào Nam bộ là người Việt miền Nam; và vũ khí tối tân không có thể thay đổi gì về điều thiên nhiên ấy.

Về cuộc trưng cầu dân ý có người lo ngại nếu tình thế này kéo dài tôi e càng ngày càng thiệt thòi vì đồng bào Nam bộ phần bị khủng bố, phần bị mua chuộc, phần mệt mỏi. Chúng ta có nên quá lo ngại thế không? Khủng bố, thì kể sao cho xiết, và thật là vô cùng dã man tàn ác, mua chuộc cũng có, nhưng chỉ thu phục được một nhóm người không đáng kể; còn mệt mỏi thì không, nhất định không. Không, đồng bào Nam bộ không những không mệt mỏi mà trái lại càng kháng chiến càng thêm phấn khởi càng bị khủng bố càng quyết sống chết với tự do. Và ai cũng phải công nhận rằng người Pháp càng dùng những thủ đoạn tàn khốc bất chính để chia xé Nam bộ thì phong trào chia rẽ càng thụt lùi và phong trào thống nhất càng tiến bước không chỉ ở thôn quê, mà đến các đô thị, tại trung tâm Sài Gòn. Người Pháp càng kéo dài tình thế này chừng nào thì số đồng bào đã giác ngộ lại giác ngộ thêm; số rất ít người chưa giác ngộ sẽ dần dần giác ngộ cho nên cuộc trưng cầu dân ý nếu người Pháp sợ nó mà hoãn lại thì chỉ giúp cho sự thắng lợi của chúng ta càng vẻ vang thêm.

Tóm lại trên con đường tranh thủ độc lập của chúng ta, Hiệp định sơ bộ 6-3 là bước đầu đã nêu cao địa vị quốc tế của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và mở đường cho cả một cuộc tiến triển về sau.

Ngoài ra bản Hiệp định sơ bộ đã dự phòng giữa hai chính phủ Pháp và Việt những cuộc đàm phán chính thức để giải quyết những vấn đề quan trọng này:

- Quyền lợi kinh tế và văn hóa của người Pháp;

- Chế độ tương lai của Liên bang Đông Dương7;

- Sự quan hệ về ngoại giao của nước Việt Nam với nước ngoài.

Ngày 24-3-1946, Hồ Chủ tịch hội đàm với Đô đốc D'Argenlieu tại vịnh Hạ Long. Đến ngày 1-4-1946, các báo có đăng lời tuyên bố sau này của Cụ:

1) Vào độ trung tuần tháng tư một đoàn phái bộ đại biểu Quốc hội Việt Nam sẽ đi Pháp để tỏ tình thân thiện giữa Quốc hội và nhân dân Việt Nam đối với Quốc hội và nhân dân Pháp;

2) Cùng trong thời gian đó sẽ có một phái bộ chừng độ 10 người từ Pháp qua Việt Nam sửa soạn các tài liệu cần thiết;

3) Đến hạ tuần tháng năm, phái bộ ta sẽ qua Pháp để mở cuộc đàm phán chính thức.

HỘI NGHỊ TRÙ BỊ ĐÀ LẠT

Thế là ngày 16-4 tại trường bay Gia Lâm phái đoàn Việt Nam bay đi Đà Lạt để cùng phái đoàn Pháp mở cuộc đàm phán trù bị Đà Lạt.

 Cuộc đàm phán ấy khai mạc ngày 19-4 và bế mạc ngày 11-5 tính được 22 ngày và đã xét qua tất cả những vấn đề mà bản Hiệp định sơ bộ đã nêu ra chính trị, kinh tế, tài chính, văn hóa, quân sự. Trong đó vấn đề trưng cầu dân ý ở Nam bộ đã làm sôi nổi hội nghị và dư luận.

Đây tôi xin thuật qua tình hình đàm phán về các vấn đề ấy: (xem văn kiện).

Hội nghị trù bị Đà Lạt chỉ cốt để cho đôi bên bày tỏ lập trường của mình và ai cũng thấy rằng lập trường ấy còn xa nhau nhiều và không dễ gì đi đến sự thỏa thuận toàn vẹn và nhanh chóng.

PHÁI ĐOÀN QUỐC HỘI SANG PHÁP

Đồng thời một ngày với phái đoàn đàm phán đi Đà Lạt thì phái đoàn Quốc hội từ Gia Lâm bay sang Pháp.

Công việc phái đoàn Quốc hội đã làm bên Pháp có thể tóm tắt trong bản thông cáo này:

"Từ giã Hà Nội ngày 25 phái đoàn chúng tôi đến Ba-lê8. Ở nước Pháp được 20 ngày, hôm 16-5 chúng tôi đáp máy bay về nước, đến ngày 23 chúng tôi về tới Hà Nội.

"Nhiệm vụ của phái đoàn Quốc hội Việt Nam là sang tỏ lòng thân thiện với Quốc hội Pháp và nhân dân Pháp. Chúng tôi tin rằng chúng tôi làm trọn nhiệm vụ đó.

"Vì nghĩ rằng tình thân thiện giữa hai dân tộc cần được xây trên nền tảng vững vàng nên chúng tôi đã mạnh bạo nêu lên tất cả những vấn đề phân tranh giữa Việt và Pháp, nhất là về vấn đề Nam bộ. Chúng tôi đã tiếp xúc với nhiều nghị viên Quốc hội Pháp, với các chính đảng, các nhà báo, cùng các nhân sĩ có danh của nước Pháp, đâu đâu chúng tôi cũng thấy mối cảm tình với nước Việt Nam và sự nhận xét thỏa đáng về vấn đề Nam bộ. Do sự hoạt động của chúng tôi mà người Pháp nhận thấy rõ ràng nếu nước Việt Nam cần thân thiện với nước Pháp thì nước Pháp cũng cần thân thiện với nước Việt Nam, và muốn thực hiện tình thân thiện ấy được hoàn toàn thì phải giải quyết vấn đề Nam bộ cho hợp với ý nguyện của toàn thể dân tộc Việt Nam.

"Chúng tôi không bao giờ quên thái độ lịch sự và cảm tình mật thiết của nhân dân Pháp đối với chúng tôi."

Trong lúc ở Đà Lạt hai phái đoàn Việt và Pháp họp nhau lại để chứng kiến nhiều chỗ phân tranh hơn chỗ thỏa thuận thì phái đoàn Quốc hội sang Pháp đã cùng với những người đại diện của Quốc hội Pháp, các giới chính trị Pháp, các cơ quan ngôn luận Pháp, các đoàn thể dân chúng Pháp chứng kiến nhiều chỗ thỏa thuận hơn chỗ phân tranh và chúng ta đã nhận thấy rằng nước Pháp của cuộc Đại Cách mệnh9 1789, nước Pháp vừa thoát khỏi cuộc ngoại xâm tàn khốc đã hiểu và sẵn lòng ủng hộ hai nguyện vọng chính đáng và tha thiết của dân tộc Việt Nam là thống nhất và độc lập.

Vì thế cho nên chúng ta không nên vì những việc xảy ra ở Nam bộ hay ở Hải Phòng, những việc đã xảy ra hôm qua và có thể xảy ra ngày mai mà quên nước Pháp mới đương tiến mạnh trên con đường dân chủ và hòa bình, nước Pháp sẵn lòng thân thiện với ta và chúng ta quyết tâm thân thiện.

Lúc chúng tôi ở Pháp, có nhiều nghị viên Quốc hội Pháp tỏ ý rồi đây nghị viện Pháp sẽ gửi một phái đoàn sang để đáp lễ chào mừng của Quốc hội Việt Nam. Cho nên chúng tôi mong rằng: rồi đây nghị viện Pháp bầu xong chúng ta sẽ được hân hạnh tiếp đón phái đoàn nghị viện Pháp sang nước ta để xây đắp cho được vững bền thêm tình thân thiện giữa hai nước cùng nhau phụng sự dân chủ và hòa bình.

Thưa các bạn đồng Viện,

Từ ngày 6-3-1946 chúng ta mong đợi, ngày mà Chính phủ Việt Nam sẽ phái một phái đoàn để cùng với Chính phủ Pháp chính thức đàm phán tại Pháp.

Ngày ấy đã đến.

Và ngày ấy, không chỉ có một phái đoàn Việt Nam sang Pháp, Hồ Chủ tịch vị lãnh tụ yêu quý của dân Việt Nam và đồng thời là người bạn chân thành của dân Pháp, cũng sang Pháp.

Lần đầu tiên đối với thế giới, nước Việt Nam đã xuất hiện dưới hình ảnh một ông già tiêu biểu cho ý chí của 20 triệu con người quyết tâm giành địa vị xứng đáng của mình trong gia đình các nước dân chủ trên thế giới.

Thưa các bạn đồng Viện, Hồ Chủ tịch đã đem lại cho dân tộc Việt Nam một ảnh hưởng sâu xa và rộng rãi cho nên tôi xin diễn đạt lòng hâm mộ toàn dân mà tỏ hoan nghênh đối với vị lãnh tụ yêu quý của chúng ta, tại thủ đô nước Pháp cũng như ở Hà Nội, cũng như xưa kia trong rừng núi, bao giờ cũng thiết tha tận tụy với dân tộc, cương quyết và khôn khéo tranh thủ quyền lợi tối cao của quốc gia, luôn luôn sáng suốt dìu dắt vận mệnh nước nhà trên con đường Tự do, Độc lập, Hạnh phúc.

Quay lại cuộc đàm phán Fontainebleau, chúng tôi không khỏi bùi ngùi hổ thẹn vì nếu Quốc hội hỏi chúng tôi mang lại cái gì xứng đáng với sự hy sinh phấn đấu của quốc dân trong một năm nay thì chúng tôi phải thú nhận rằng chúng tôi đã không thực hiện được những hy vọng mà quốc dân đã đặt vào chúng tôi.

Quả thật chúng tôi chưa mang về được cái gì đảm bảo cho sự thống nhất ba kỳ, chúng tôi chưa mang về được chữ ký của chính phủ Pháp thừa nhận nền độc lập của Việt Nam, nhưng về mặt tinh thần chúng ta thu được những thành tích rất quan trọng và quý báu là sự đồng tình, và sức ủng hộ của nhân dân Pháp, dư luận Pháp, nhiều chính giới, các đoàn thể dân chúng Pháp đối với vị Chủ tịch của nước Việt Nam và đối với nước Việt Nam của vị Chủ tịch ấy.

Cho nên sau khi ở Pháp về, Hồ Chủ tịch mạnh dạn tuyên bố:

Nước Việt Nam phải thống nhất.

Nước Việt Nam phải độc lập.

Bây giờ tôi xin báo cáo về cuộc đàm phán ở Pháp từ Fontainebleau đến bản Thỏa hiệp tạm thời 14-9-46.

Từ Fontainebleau đến bản Thỏa hiệp tạm thời có thể chia làm ba giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất là cuộc đàm phán chính thức ở Fontainebleau giữa hai phái đoàn Việt - Pháp từ buổi khai mạc 6-7-46 đến ngày 1-8 là ngày cuộc đàm phán tạm hoãn, nguyên nhân là vì phái đoàn Việt Nam phản kháng về việc triệu tập hội nghị liên bang ở Đà Lạt.

Giai đoạn thứ hai là giai đoạn Hồ Chủ tịch trực tiếp với nhân viên trọng yếu trong chính phủ Pháp để thỏa thuận về cách mở lại hội nghị Fontainebleau cho có hiệu quả. Giai đoạn này kéo dài trong suốt tháng tám.

Giai đoạn thứ ba là giai đoạn đi đến bản Thỏa hiệp tạm thời 14-9 là giai đoạn tạm thời kết thúc cuộc đàm phán chính thức của chúng ta ở Pháp.

Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn đàm phán chính thức giữa hai phái đoàn, trong những phiên họp toàn thể hai phái đoàn và những phiên họp các tiểu ban chính trị, kinh tế, tài chính, văn hóa và quân sự. Trong những phiên họp này, trừ vấn đề Nam bộ ra, các vấn đề khác đều đem ra bàn cãi, nhưng trong đó nên chú ý những vấn đề này:

- Địa vị nước Việt Nam trong khối Liên hiệp nước Pháp;

- Vấn đề ngoại giao của nước Việt Nam;

- Vấn đề Liên bang Đông Dương.

Giai đoạn thứ hai là giai đoạn Hồ Chủ tịch thương thuyết để thỏa thuận với chính phủ Pháp về những điều căn bản có thể mở lại cuộc đàm phán Fontainebleau một cách thuận tiện để đi đến một bản hiệp định dứt khoát. Chính lúc này là lúc cụ Hồ Chủ tịch nêu ra hai vấn đề thiết cốt của dân tộc Việt Nam và hết sức tranh thủ sự đồng tình của chính phủ Pháp.

Một là vấn đề chính phủ Pháp thừa nhận nền độc lập của nước Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp.

Hai là vấn đề tổ chức trưng cầu dân ý ở Nam bộ.

Vì vấn đề thứ nhất, căn bản chính phủ Pháp không có lý do gì phản đối và chỉ vì hoàn cảnh chính trị nước Pháp lúc bấy giờ mà chưa giải quyết được.

Thật thế chính phủ nước Pháp cộng hòa không thể có lý do căn bản gì không thừa nhận công nhiên trước thế giới nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và chúng ta ngạc nhiên vì sao chính phủ Pháp đối với chúng ta còn quá e lệ rụt rè trong lúc chính phủ Hoa Kỳ thừa nhận nền độc lập của Phi Luật Tân10, chính phủ Anh thừa nhận nền độc lập của Ấn Độ.

Vấn đề thứ hai là vấn đề tổ chức trưng cầu dân ý ở Nam bộ. Về vấn đề này Hồ Chủ tịch có trao cho chính phủ Pháp một bản đề nghị chủ trương cách tổ chức và cơ quan phụ trách việc trưng cầu dân ý. Về vấn đề này cũng thế, căn bản chính phủ Pháp cũng không có lý do gì phản đối việc tổ chức trưng cầu dân ý, nhưng chính phủ Pháp cũng chỉ viện ra những lẽ e ngại lo sợ về việc trị an chưa hoàn toàn khôi phục mà tổ chức cuộc trưng cầu dân ý thì có chỗ chưa thích hợp, thuận tiện.

Vì hai vấn đề căn bản này đôi bên không thỏa thuận được nên việc mở lại hội nghị Fontainebleau: nghĩa là việc hoãn hội nghị Fontainebleau còn kéo dài, nhưng sẽ kéo dài đến chừng nào? Đó là một vấn đề mà hai Chính phủ đều lưu tâm, nhưng chính đó là vấn đề quan hệ Việt - Pháp mà hai chính phủ không thể không giải quyết, nếu không toàn bộ giải quyết thì cũng phải giải quyết những điều cấp bách và cần thiết.

Đứng về nội dung mà nói thì bản Thỏa hiệp tạm thời 14-9 có thể phân thành hai phần: một phần đặc biệt quan thiết đến quyền lợi kinh tế và văn hóa người Pháp ở Việt Nam, một phần đặc biệt quan thiết đến tình hình chính trị ở miền Nam Trung bộ và nhất là ở Nam bộ ngoài ra có vấn đề đặt lãnh sự ở những nước láng giềng mà chúng ta cùng quan tâm. Phân ra như thế để cân phần nặng nhẹ, chứ thật ra người Việt chúng ta cũng cần ổn định tình hình kinh tế chung ở miền Bắc như người Pháp cũng cần ổn định tình hình chính trị chung ở miền Nam. Tình hình kinh tế chung ở Bắc tốt đẹp thêm thì Pháp và Nam đều có lợi. Tình hình chính trị chung ở Nam yên ổn thì người Nam cũng như người Pháp đều có lợi. Chúng ta phải nói rõ chỗ này để cho mọi người nhận thấy rằng: quyền lợi của người Việt và người Pháp mật thiết liên quan với nhau từ kinh tế đến chính trị và từ Bắc vào Nam; quyền lợi này đều liên đới quan hệ với nhau. Muốn lợi cho mình phải nhớ đến lợi người; muốn làm hại người phải nhớ rằng người có thể làm hại mình. Quên điều này, làm trái điều này, nghĩa là muốn lợi mình hại người sẽ không thành và có hại.

Cố nhiên: Đối với bản Thỏa hiệp tạm thời chúng ta không ca khải hoàn mà hoan nghênh nó nhưng chúng ta cũng không lấy gì làm bi quan.

Kẻ bi quan trong sự nhận xét bản Thỏa hiệp tạm thời cũng như kẻ bi quan trong công cuộc chung của quốc gia dân tộc đều không đúng.

Kẻ bi quan ấy lo ngại rằng bản Thỏa hiệp tạm thời lúc thi hành ra sẽ lợi cho Pháp nhiều hơn lợi cho ta vì người Pháp sẽ tìm hết cách để thi hành đầy đủ những điều lợi cho họ và đồng thời dùng đủ thủ đoạn để ngăn sự thi hành những điều lợi cho ta.

Nhưng có đạo lý nào lại như thế. Đối với chính phủ Pháp, chính phủ Việt Nam tin tưởng vào lòng tín nghĩa của kẻ nắm quyền bính một nước văn minh. Đối với người Pháp ở xứ ta, chúng ta tin cậy vào sự nhận thức quyền lợi của họ một cách cho thích hợp.

Về kinh tế, văn hóa, chúng ta sẵn sàng khôi phục trong vòng những hiệp định đã ký, quyền lợi của người Pháp, và chúng ta còn hoan nghênh họ phát triển thêm, nhưng không một phút nào chúng ta không bao giờ quên đảm bảo chủ quyền của nước Việt Nam, của chính phủ Việt Nam về nền kinh tế và văn hóa của quốc dân.

Ví dụ như về quan thuế, người Pháp lâu nay muốn nhập nền quan thuế Việt Nam vào khuôn khổ chế độ quan thuế Liên bang nghĩa là dưới quyền người Pháp điều khiển, chúng ta đã trả lời bằng lời nói và hành động: không được, nhất định không được muốn gì thì muốn chứ không được. Chúng ta cần duy trì nền quan thuế tự chủ của chúng ta cũng như chúng ta cần duy trì bộ máy hô hấp quan yếu đến tính mệnh của chúng ta vậy.

Về vấn đề đặt lãnh sự, bản Thỏa hiệp tạm thời thừa nhận quyền đặt lãnh sự của chúng ta là một điều hiển nhiên chỉ còn thỏa thuận với người Pháp những vấn đề thủ tục.

Trong lúc Ấn Độ đương đặt sứ thần ở nhiều nước lớn và đặt lãnh sự tại nhiều nơi, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cũng phải bắt đầu đặt lãnh sự ở những nước lân cận để xây đắp con đường ngoại giao về tương lai.

Nhưng đối với chúng ta vấn đề cốt yếu trong bản Thỏa hiệp tạm thời là vấn đề Nam bộ và miền Nam Trung bộ.

Vì vấn đề Nam bộ, bản Thỏa hiệp tạm thời đã ghi những điều rất minh bạch và dứt khoát:

Phải đình chiến hẳn;

Phải tha chính trị phạm và người bị tù trong lúc giao chiến;

Phải thi hành các tự do dân chủ;

Phải có người đại diện chính phủ Việt Nam vào Nam cùng với viên Thượng sứ trông nom sự thi hành bản Thỏa hiệp tạm thời.

Đấy! chưa có trưng cầu dân ý nhưng chúng ta có tất cả điều kiện thuận tiện để đi đến sự tiến hành cuộc trưng cầu dân ý ấy theo ý muốn của đôi bên, nhất là theo ý muốn của chính phủ Pháp vì chính chính phủ Pháp cho là phải khôi phục lại trị an thì mới tổ chức được cuộc đầu phiếu thành thực.

Những người lo ngại cho số phận bản Thỏa hiệp tạm thời, lo ngại nhất cho sự thi hành những điều khoản này:

Những người ấy nhắc lại bản Hiệp định sơ bộ chủ trương lập tức đình chiến mà chiến sự vẫn không đình.

Những người ấy nhắc lại tiểu ban do hội nghị trù bị Đà Lạt tổ chức ra để nghiên cứu về phương pháp đình chiến mà đến nay vẫn chưa làm được việc gì thực tế.

Những người ấy còn kể thêm bao nhiêu hành vi trái Hiệp định sơ bộ của người Pháp từ đó đến nay rải rác khắp xứ Việt Nam.

Nào là chiếm cứ cao nguyên Nam Trung bộ.

Nào là thành lập nước Nam Kỳ tự trị.

Nào là chiếm đóng một đôi nơi ở Bắc bộ.

Rồi những người ấy hỏi chúng ta: Chuyến này người Pháp sẽ thành thực đến chừng nào, sẽ quyết tâm thi hành đến đâu những điều khoản thuộc về Nam bộ trong bản Thỏa hiệp tạm thời.

Lo ngại, kể ra đáng lo ngại.

Kinh nghiệm đã qua làm cho chúng ta lo ngại, đã đành.

Những việc hiện đương xảy ra cũng còn nuôi sự lo ngại ấy trong lòng ta.

Nhìn đến tương lai và nhớ đến sự tham vọng không bờ bến của một số người Pháp đối với Nam bộ chúng ta không thể yên tâm dễ dàng.

Nhưng lần đầu xe tăng thiết giáp đã không chinh phục được Nam bộ cho nên mới có bản Hiệp định sơ bộ. Lần thứ hai xe tăng thiết giáp cũng không chinh phục được Nam bộ cho nên mới có bản Thỏa hiệp tạm thời 14-9.

Nghĩa là kẻ quyết định số phận Nam bộ cuối cùng không phải người Pháp, quyết định số phận Nam bộ cuối cùng là đồng bào Nam bộ, nhân dân Việt Nam và Chính phủ Việt Nam. Đồng bào Nam bộ, nhân dân Việt Nam và Chính phủ Việt Nam sẽ đủ sức lực và thủ đoạn tranh thủ thắng lợi cuối cùng, tranh thủ cho kỳ được Nam bộ ở trong vòng thân ái của Tổ quốc Việt Nam.

Đó là công việc của chúng ta trong những ngày sắp tới.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.

 

1. Từ cũ để chỉ nước Thái Lan (BT).

2. Malaixia (BT).

3. Mianma (BT).

4. Inđônêxia (BT).

5. Philíppin (BT).

6.Tài liệu gốc thiếu ngày, có lẽ là ngày 25-8 (BT).

7.Một từ cũ để chỉ khu vực địa lý chính trị gồm các nước Việt Nam, Lào, Campuchia (BT).

8. Tức Pari - Thủ đô của nước Pháp (BT).

9. Cách mệnh: Cách mạng (BT).

10. Philíppin.