TS. Nguyễn Minh Đoan**
Đại học Luật Hà Nội
Vai trò của Hiến pháp trong Nhà nước pháp quyền
Để tồn tại và phát triển, con người buộc phải liên kết lại với nhau thành những cộng đồng, thành xã hội. Và cùng với những sự liên kết đó, trong mỗi cộng đồng đã sinh ra quyền lực công cộng - một phương tiện để duy trì trật tự trong mỗi cộng đồng, cũng như trong toàn xã hội và để phối hợp hoạt động của cả cộng đồng, của xã hội theo những định hướng nhất định vì những mục tiêu chung nhằm đạt tới tự do, hạnh phúc cho mỗi người và cho cả cộng đồng. Khi trong xã hội xuất hiện nhà nước, cũng có nghĩa là xuất hiện quyền lực nhà nước - một loại quyền lực công cộng đặc biệt bắt nguồn từ nhân dân, thuộc về nhân dân nhưng không do toàn thể nhân dân tự thực hiện mà do một bộ máy chuyên môn thay mặt nhân dân thực hiện. Song trên thực tế, sự kiểm soát của nhân dân đối với quyền lực nhà nước từ xưa đến nay luôn là vấn đề rất khó khăn; trong nhiều trường hợp có thể nói là nhân dân hầu như không thể kiểm soát được quyền lực nhà nước. Để nhân dân có thể kiểm soát được quyền lực nhà nước, làm cho nhà nước thực sự là “của dân, do dân và vì dân” thì cần phải xác lập một cơ chế giao và kiểm soát quyền lực chặt chẽ từ phía nhân dân đối với các cơ quan nhà nước, những người đại diện cho nhân dân để nhân dân không bị biến thành công cụ, phương tiện phục vụ lợi ích cho những người mà họ đã uỷ quyền, thì biện pháp tốt nhất trong giai đoạn hiện nay ở nước ta là phải xây dựng nhà nước pháp quyền.
Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đòi hỏi Nhà nước ta phải được tổ chức và hoạt động theo pháp luật, luôn đề cao vị trí, vai trò của pháp luật, phấn đấu nhằm đưa lại tự do, hạnh phúc cho con người, tạo điều kiện cho xã hội tồn tại và phát triển thông qua hệ thống các thể chế và yêu cầu dân chủ xã hội chủ nghĩa. Nhà nước pháp quyền Việt Nam là người đại diện chính thức cho toàn xã hội, nên cần phải bảo đảm tính tối cao của quyền lực nhà nước so với quyền lực của các tổ chức khác trong xã hội, còn pháp luật phải là công cụ quản lý xã hội mang tính tối cao so với các công cụ quản lý khác, do vậy, đòi hỏi mọi tổ chức, cá nhân đều phải tôn trọng và nghiêm chỉnh thực hiện pháp luật. Đương nhiên, để được tôn trọng và thực hiện nghiêm minh, pháp luật phải luôn phù hợp với quy luật khách quan, luôn thúc đẩy, tạo điều kiện cho xã hội phát triển vì hạnh phúc của mọi người. Để có được điều đó thì một trong những yêu cầu quan trọng là phải bảo đảm tính tối cao của hiến pháp trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam.
Trước hết, phải khẳng định rằng: hiến pháp là một bộ phận, nhưng là bộ phận quan trọng nhất của pháp luật. Trong hệ thống các văn bản pháp luật của nhà nước ta thì Hiến pháp được xem là luật cơ bản, nó “là một văn bản duy nhất quy định việc tổ chức quyền lực nhà nước, là hình thức pháp lý thể hiện một cách tập trung hệ tư tưởng của giai cấp lãnh đạo, ở từng giai đoạn phát triển, hiến pháp là văn bản, là phương tiện pháp lý thể hiện tư tưởng của Đảng dưới hình thức những quy phạm pháp luật”1. Hiến pháp của Nhà nước ta do Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành theo trình tự, thủ tục đặc biệt (việc thông qua hoặc sửa đổi Hiến pháp phải được ít nhất là hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành). Do vậy, có thể nói, Hiến pháp nước ta là văn bản pháp lý đặc biệt thể hiện một cách tập trung nhất ý chí và những lợi ích cơ bản của nhân dân lao động trên các lĩnh vực của đời sống nhà nước và đời sống xã hội. Thông qua hiến pháp, nhân dân thực hiện việc giao quyền cho các cơ quan nhà nước, quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước, xác định địa vị pháp lý của các tổ chức xã hội, quy chế pháp lý của các cá nhân... Đồng thời, thông qua hiến pháp, nhân dân quy định sự kiểm soát của mình đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và các cá nhân. Vì vậy, các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân nghiêm chỉnh chấp hành hiến pháp tức là chấp hành ý chí của nhân dân.
Sự cần thiết phải bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp
Nhưng hiến pháp cũng chỉ là một văn bản luật. Với khuôn khổ có hạn, hiến pháp trong nhiều trường hợp không thể quy định một cách chi tiết và cụ thể để áp dụng trong mọi tình huống, mà chỉ có thể quy định những vấn đề chung, cơ bản, mang tính nguyên tắc của nhà nước và của xã hội như: chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hoá, xã hội, cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân... Do hiến pháp không thể quy định được tất cả những gì liên quan tới nhà nước và xã hội nên đòi hỏi phải có sự chi tiết, cụ thể hóa các quy định của hiến pháp bằng các văn bản pháp luật khác. Nếu không có sự chi tiết, cụ thể đó, những quy định của hiến pháp sẽ khó đi vào cuộc sống, thậm chí có những quy định không thể thực hiện được. Vì lẽ đó, thông qua hiến pháp, nhân dân còn uỷ quyền cho các cơ quan nhà nước trong quá trình hoạt động có thể ban hành luật và các văn bản dưới luật khác để chi tiết hoá hiến pháp, nhằm để thực hiện hiến pháp. Việc chi tiết, cụ thể hoá hiến pháp bằng các văn bản pháp luật khác phải được thực hiện trên cơ sở hiến pháp và phải bảo đảm điều kiện là tất cả các văn bản pháp luật đó luôn phù hợp với hiến pháp, không được trái với hiến pháp. Những cơ quan nhà nước nếu không được tổ chức và hoạt động trên cơ sở các quy định của hiến pháp thì có nghĩa là họ đã vượt quá những nhiệm vụ, quyền hạn mà nhân dân giao cho, nếu họ ban hành các văn bản pháp luật không phù hợp với hiến pháp, trái hiến pháp tức là trái với ý chí của nhân dân, không tuân theo ý chí của nhân dân. Chưa kể là, nếu không bảo đảm tính tối cao của hiến pháp thì sẽ dẫn đến tình trạng tản mạn, trùng lặp, chồng chéo hoặc mâu thuẫn trong các văn bản pháp luật, phá vỡ tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Như vậy, bảo đảm tính tối cao của hiến pháp không những là sự tôn trọng ý chí và nguyện vọng của nhân dân mà còn tạo nên tính thống nhất của hệ thống pháp luật, làm cho việc nhận thức và thực hiện pháp luật chính xác, thống nhất hơn. Chính vì thế, Điều 146 của Hiến pháp nước ta đã khẳng định: “Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với hiến pháp”.
Yêu cầu của việc bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp
Bảo đảm tính tối cao của hiến pháp đòi hỏi:
1. Tất cả các cơ quan nhà nước được nhân dân uỷ quyền không những phải tổ chức và hoạt động theo quy định của hiến pháp mà các cơ quan này còn phải ban hành các văn bản pháp luật (kể cả các văn bản luật và văn bản dưới luật) phù hợp với hiến pháp. Xuất phát từ nguyên tắc này thì: các văn bản dưới luật phải được ban hành trên cơ sở các văn bản luật, phù hợp với các văn bản luật, nội dung không được trái với các văn bản luật, nhằm để thực hiện các văn bản luật; văn bản của các cơ quan chấp hành và điều hành phải được ban hành phù hợp với văn bản của các cơ quan quyền lực, đại diện; văn bản của các cơ quan cấp dưới phải được ban hành phù hợp với văn bản của cơ quan cấp trên, nhưng phải bảo đảm sự phân định rõ ràng về thẩm quyền của cơ quan ở mỗi cấp; mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với hiến pháp.
2. Nhà nước không được tham gia ký kết các điều ước quốc tế có nội dung mâu thuẫn, đối lập với các quy định của hiến pháp. Khi có mâu thuẫn, đối lập giữa quy định của điều ước với hiến pháp thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền không tham gia ký kết, không phê chuẩn hoặc phải bảo lưu (không thực hiện) đối với những điều mâu thuẫn đó của các điều ước quốc tế.
3. Tính tối cao của hiến pháp còn đòi hỏi văn kiện của các tổ chức chính trị- xã hội khác cũng không được có nội dung trái với hiến pháp và pháp luật.
4. Trong những trường hợp có sự mâu thuẫn giữa quy định của các văn bản pháp luật khác với các quy định của hiến pháp thì thực hiện theo quy định của hiến pháp, nếu văn kiện của các tổ chức, đoàn thể xã hội có nội dung trái với hiến pháp và các văn bản luật khác của nhà nước thì phải áp dụng quy định của hiến pháp, của các văn bản luật.
Để bảo đảm được tính tối cao của hiến pháp đối với nước ta trong giai đoạn hiện nay, theo chúng tôi, cần chú ý những yêu cầu cơ bản sau:
Một là, do vị trí và tính chất đặc biệt của hiến pháp trong hệ thống các văn bản pháp luật của đất nước, theo chúng tôi, cần có thủ tục nhân dân bỏ phiếu trưng cầu về hiến pháp. Nghĩa là, sau khi được Quốc hội chính thức thông qua, thì bản hiến pháp cần được đưa ra trưng cầu dân ý để cử tri cả nước biểu thị ý chí của mình đối với bản hiến pháp hoặc chí ít là đối với những vấn đề quan trọng, còn nhiều tranh luận được quy định trong hiến pháp. Điều này cũng thể hiện quyền lực tối cao của nhân dân. Là chủ thể quyền lực nhà nước, nhân dân phải được trực tiếp thông qua hiến pháp, tự quyết định vận mệnh của mình. Nếu “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”, thì việc nhân dân giao quyền cho ai, đến đâu,... phải do nhân dân quyết định thông qua hiến pháp. Nói một cách cụ thể hơn, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước, của những người đại diện nhân dân do hiến pháp quy định phải được sự đồng ý của nhân dân. Các cơ quan nhà nước, những người đại diện nhân dân chỉ được làm những gì mà nhân dân thông qua hiến pháp và pháp luật cho phép, do vậy, họ phải quản lý xã hội bằng pháp luật chứ không phải bằng ý chí chủ quan của mình.
Hai là, về mặt kỹ thuật, hiến pháp cần được xây dựng như một văn bản mẫu, tránh việc dùng các thuật ngữ không thống nhất trong hiến pháp. Chẳng hạn, hiến pháp khi quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội là thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo hiến pháp (Điều 84), nhưng đối với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì lại là giám sát việc thi hành hiến pháp (Điều 91), lẽ ra trong cả hai trường hợp đều dùng chữ thực hiện thì sẽ khái quát và thống nhất hơn; Quốc hội làm hiến pháp, làm luật (Điều 84), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ra pháp lệnh (Điều 91), Chủ tịch nước ban hành lệnh, quyết định (Điều 106), nếu tất cả đều dùng chữ ban hành thì thống nhất hơn; Chủ tịch nước công bố hiến pháp, luật..., ra lệnh tổng động viên..., ban bố tình trạng khẩn cấp... (Điều 103), nếu tất cả đều dùng chữ công bố sẽ hợp lý hơn.
Ba là, sau khi hiến pháp được ban hành phải nhanh chóng chi tiết, cụ thể hóa những quy định của hiến pháp bằng các văn bản luật khác, tạo cơ sở cho sự phát triển và hoàn thiện của toàn bộ hệ thống pháp luật. Đồng thời, phải tiến hành giải thích chính thức đối với những quy định của hiến pháp, đặc biệt là những quy định dễ gây ra sự nhận thức không thống nhất.
Bốn là, cần thực hiện việc kiểm tra, giám sát đối với công tác tổ chức và hoạt động của tất cả các cơ quan nhà nước, thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp đối với các văn bản pháp luật của các cơ quan nhà nước từ trung ương tới địa phương, kể cả của các cơ quan nhà nước cao nhất. Đồng thời, cũng phải kiểm tra, giám sát đối với hoạt động và văn bản của các tổ chức, đoàn thể xã hội trong đất nước. Trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa hiến pháp với các văn bản khác thì phải nhanh chóng khắc phục và xử lý kiên quyết những văn bản được ban hành trái hiến pháp.
Mặc dù hiến pháp hiện hành ở nước ta đã giao cho Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo hiến pháp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thi hành hiến pháp, nhưng trên thực tế, hiệu quả hoạt động giám sát của hai cơ quan này đối với việc thực hiện hiến pháp chưa cao. Do vậy, theo chúng tôi, nên chăng hiến pháp nước ta cần quy định một cơ chế giám sát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước trong việc tôn trọng và thực hiện hiến pháp. Hoặc nghiên cứu thành lập một cơ quan có thể là Hội đồng hay Uỷ ban bảo hiến hoặc Toà án hiến pháp (thuộc Quốc hội) thay mặt nhân dân chỉ chuyên làm nhiệm vụ giám sát việc thực hiện hiến pháp (kể cả đối với Quốc hội) để bảo vệ tính tối cao của hiến pháp. Về cơ quan này, cần phải tiếp tục nghiên cứu trên nhiều bình diện, nhưng sơ bộ về mặt cơ cấu (thành phần), để phù hợp với thể chế chính trị nước ta hiện nay, chúng tôi cho rằng, cơ quan này có thể gồm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cựu Chủ tịch nước, cựu Chánh án Toà án nhân dân tối cao, cựu Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cùng một vài chuyên gia nữa. Sự phán quyết của cơ quan này về tính hợp hiến của một văn bản hay một hoạt động cụ thể nào đó là không thể thay đổi và văn bản hay hoạt động cụ thể vi hiến đó cần phải được đình chỉ, huỷ bỏ hoặc chấm dứt. Chúng ta cần tránh tình trạng tính tối cao của hiến pháp bị vi phạm nhưng Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không có biện pháp xử lý. Chẳng hạn, Hiến pháp năm 1980 quy định việc khám, chữa bệnh không mất tiền, nhưng Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân năm 1989 lại quy định người bệnh phải nộp viện phí. Hay Hiến pháp năm 1992 quy định rừng núi thuộc sở hữu toàn dân, nhưng Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 1991 lại quy định lâm sản của rừng trồng thì thuộc về người trồng... Trong những trường hợp trên, theo chúng tôi, khi ban hành luật, nếu chúng ta đồng thời sửa các quy định của hiến pháp cho phù hợp với tình hình mới thì tốt biết bao.
Bảo đảm tính tối cao của hiến pháp trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam là yêu cầu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Một mặt, nhằm bảo đảm quyền lực tối cao của nhân dân, tôn trọng ý chí và nguyện vọng của nhân dân; mặt khác, nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện cho sự phát triển và hoàn thiện hệ thống pháp luật, làm cơ sở để thiết lập trật tự pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền, củng cố và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa./.
* Nghiên cứu Lập pháp, số 5, tháng 5/2002.
1 Nguyễn Đình Lộc, Sự ra đời và phát triển của hiến pháp trong lịch sử, Giáo trình luật hiến pháp Việt Nam, Đại học luật Hà Nội, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1996, tr. 77.