VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP II 1960 - 1964

BÁO CÁO CÔNG TÁC CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
TẠI KỲ HỌP THỨ 8, QUỐC HỘI KHOÁ II

(Do ông Tôn Quang Phiệt, Tổng thư ký Uỷ ban thường vụ Quốc hội
trình bày ngày 30-3-1964)

 

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Trong thời gian từ kỳ họp thứ 7 của Quốc hội đến nay, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã họp 6 phiên và thông qua 46 nghị quyết về các vấn đề thuộc quyền hạn của Uỷ ban.

Sau đây chúng tôi xin báo cáo các mặt công tác của Uỷ ban thường vụ Quốc hội,

VỀ VIỆC CHUẨN BỊ CUỘC BẦU CỬ
ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA III

Theo Điều 53 Hiến pháp thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội tuyên bố và chủ trì việc bầu cử đại biểu Quốc hội.

Để bảo đảm thi hành đúng Hiến pháp và pháp luật, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã đặc biệt quan tâm đến việc chuẩn bị bầu cử Quốc hội khoá III.

Trong kỳ họp Quốc hội lần thứ 7, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã báo cáo với Quốc hội một số vấn đề về bầu cử đại biểu Quốc hội khoá III, như vấn đề thời gian tiến hành bầu cử, vấn đề lưu nhiệm các đại biểu Quốc hội miền Nam, vấn đề số đại biểu Quốc hội sẽ bầu ở miền Bắc…

Căn cứ vào Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và sau khi tham khảo ý kiến của các cơ quan Nhà nước, của các đoàn thể nhân dân ở Trung ương và địa phương, ngày 24 tháng 02 năm 1964 Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quyết định như sau:

- Ngày Chủ nhật 26 tháng 4 năm 1964 sẽ tiến hành tuyển cử trên toàn miền Bắc để bầu cử đại biểu Quốc hội khoá III. Trong phạm vi thời gian mà Hiến pháp đã quy định, ngày 26-4 là ngày thuận tiện nhất cho nhân dân ta tham gia cuộc bầu cử.

- Số đại biểu Quốc hội được bầu ở miền Bắc ấn định là 366 đại biểu. Nói chung các địa phương đều giữ con số đại biểu cũ. Các địa phương có sự điều chỉnh địa giới hành chính thì có sự điều chỉnh tương đương về số lượng đại biểu. So với Quốc hội khoá II, lần này có tăng thêm bốn đại biểu Quốc hội phân phối như sau:

Khu tự trị Tây Bắc trước đây là một đơn vị bầu cử có 12 đại biểu nay chia thành ba tỉnh mỗi tỉnh là một đơn vị bầu cử, được bầu 14 đại biểu vì số dân miền xuôi lên khai hoang tương đối đông. Nghĩa Lộ bầu ba đại biểu, Sơn La bầu sáu đại biểu, Lai Châu bầu năm đại biểu.

Thái Nguyên trước có tám đại biểu, nay được bầu chín đại biểu, vì việc thành lập khu gang thép đã tập trung một số khá lớn công nhân từ nơi khác đến.

Đối với Yên Bái, sau khi nghiên cứu cụ thể về số dân và đối chiếu với một số tỉnh khác, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quyết định tăng số đại biểu từ ba lên bốn người.

- Trong Quốc hội khoá II có 56 đại biểu dân tộc thiểu số, nay ấn định số đại biểu dân tộc thiểu số cho khoá III là 58 người, tức là tăng thêm hai đại biểu để có đủ số đại biểu phân phối thoả đáng cho các dân tộc.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã chú ý hướng dẫn các địa phương bảo đảm cho các dân tộc thiểu số có số đại biểu tương xứng với số dân của mình. Các dân tộc Lô Lô, Puộc, Sán Chí, trước đây chưa có đại biểu ở Quốc hội, thì lần này sẽ cử mỗi dân tộc một đại biểu vào Quốc hội khoá III.

- Số đơn vị bầu cử ấn định là 59 đơn vị, nhiều hơn cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá II là 17 đơn vị. Kinh nghiệm cuộc bầu cử Quốc hội khoá II cho ta thấy rằng đơn vị bầu cử quá to đã gây nhiều khó khăn cho cử tri trong việc tìm hiểu những người ứng cử và cũng gây khó khăn cho việc kiểm phiếu và sơ kết cuộc bầu cử. Vì vậy, cho nên lần này Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quyết định chia các địa phương được bầu từ 10 đại biểu trở lên làm hai hoặc nhiều đơn vị bầu cử.

Để chiếu cố khu công nghiệp có đông công nhân như các thành phố: Việt Trì, Thái Nguyên, Nam Định, Vinh và khu Hồng Quảng cũ, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã hướng dẫn các địa phương tách các khu này thành đơn vị bầu cử riêng.

- Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thành lập Hội đồng bầu cử gồm có 25 vị, đại diện cho các chính đảng, các đoàn thể nhân dân trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với nhiệm vụ giám sát cuộc bầu cử theo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội.

Sau khi Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định ngày bầu cử, thì ở Trung ương cũng như ở địa phương, mọi công việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử được tiến hành khẩn trương.

Hội đồng bầu cử đã họp hai phiên: phiên thứ nhất để nghe đại diện Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ trình bày kế hoạch chuẩn bị cho cuộc bầu cử và để quyết định chương trình hoạt động của Hội đồng trong việc giám sát và tổng kết cuộc bầu cử; phiên thứ hai để kiểm điểm đợt đầu của việc chuẩn bị bầu cử.

Để thiết thực tham gia cuộc bầu cử sắp tới, các chính đảng, các đoàn thể nhân dân trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều đã mở nhiều cuộc Hội nghị để nhận rõ nhiệm vụ của mình đối với cuộc bầu cử, bàn việc lựa chọn người ra ứng cử và động viên, lãnh đạo đảng viên, đoàn viên của mình tích cực tham gia cuộc bầu cử sắp tới.

Các cơ quan hành chính cũng đã có kế hoạch cụ thể phục vụ công tác bầu cử.

Ở Trung ương, Phủ Thủ tướng đã ra thông tư hướng dẫn Uỷ ban hành chính các cấp chấp hành đúng đắn Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đề ra kế hoạch tuyên truyền sâu rộng cho cuộc bầu cử.

Bộ Tài chính đã dự trù các kinh phí cần thiết cho cuộc bầu cử.

Bộ Nội vụ đã mở Hội nghị cán bộ hành chính các khu, tỉnh, và thành phố trực thuộc Trung ương để hướng dẫn việc thực hiện kế hoạch phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá III.

Ở các địa phương là nơi trực tiếp tiến hành cuộc bầu cử, công việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử cũng rất khẩn trương. Các địa phương đều tỏ rõ quyết tâm thực hiện tốt cuộc bầu cử Quốc hội, bảo đảm triệt để chấp hành luật lệ bầu cử, bảo đảm đúng thời gian quy định và vận động toàn thể nhân dân tham gia cuộc bầu cử, phát huy được tính chất dân chủ thật sự và triệt để của chế độ bầu cử của chúng ta.

Ở các khu, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đã mở Hội nghị đến các cấp xã để thảo luận Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và bàn kế hoạch chuẩn bị cho cuộc bầu cử. Ngay ở Tây Bắc và một số tỉnh miền núi mà điều kiện giao thông, liên lạc rất khó khăn, cũng đã có nhiều cố gắng để phổ biến mục đích, ý nghĩa của cuộc bầu cử và trách nhiệm của cử tri trong cuộc bầu cử đến được tận các xã xa xôi nhất.

Việc thành lập các đơn vị bầu cử, chia khu vực bỏ phiếu, thành lập các Ban bầu cử, Tổ bầu cử, lập và công bố danh sách cử tri, lập danh sách ứng cử viên đã làm xong.

Căn cứ vào lịch công tác bầu cử Quốc hội khoá III, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Bộ Nội vụ và Hội đồng bầu cử đã đi về các địa phương kiểm tra tình hình chuẩn bị cuộc bầu cử, đôn đốc và góp ý kiến với các địa phương trong việc vạch ra và thực hiện chương trình, kế hoạch công tác, trong việc bảo đảm mối liên hệ giữa các Ban bầu cử với Hội đồng bầu cử và các Tổ bầu cử, để cho cuộc bầu cử được tiến hành đúng luật lệ, và để cho việc sơ kết, tổng kết cuộc bầu cử được chính xác và nhanh chóng.

Trong không khí tưng bừng chuẩn bị cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá III, nhân dân ta phát huy ý thức làm chủ của mình, đang ra sức thi đua yêu nước, nhằm hoàn thành thắng lợi kế hoạch nhà nước năm 1964 và ra sức ủng hộ cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào miền Nam chống đế quốc Mỹ và tay sai. Uỷ ban thường vụ Quốc hội tin tưởng rằng, thấm nhuần ý nghĩa trọng đại của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá III, mọi người công dân đến tuổi bầu cử sẽ nhiệt liệt tham gia cuộc bầu cử, sử dụng đầy đủ quyền hạn của mình, chấp hành đúng đắn luật lệ bầu cử, có đầy đủ ý thức trách nhiệm để lựa chọn những người đại diện thật xứng đáng, tuyệt đối trung thành với quyền lợi của nhân dân, làm cho Quốc hội khoá III sẽ là hình ảnh sinh động của khối đoàn kết toàn dân, có sức mạnh động viên được mọi lực lượng của nhân dân để đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh nhằm thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà.

*

* *

VỀ CÁC UỶ BAN CỦA QUỐC HỘI

Trong tháng 11 năm 1963 Uỷ ban kế hoạch và ngân sách của Quốc hội đã thẩm tra dự án của Hội đồng Chính phủ về việc ổn định nghĩa vụ thuế nông nghiệp trong ba năm 1963, 1964 và 1965 và đã trình bày ý kiến của Uỷ ban về vấn đề này trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội họp ngày 18 tháng 12 năm 1963.

Trong tháng 3 năm 1964, Uỷ ban kế hoạch và ngân sách đã thẩm tra dự án kế hoạch nhà nước năm 1964 và dự toán ngân sách Nhà nước năm 1964 mà Hội đồng Chính phủ sẽ trình Quốc hội xét định trong kỳ họp này.

Trước kỳ họp Quốc hội lần thứ 7, Uỷ ban dân tộc đã cử một đoàn đại biểu đi thăm đồng bào các dân tộc trong Khu tự trị Việt Bắc. Đoàn đã thu thập ý kiến và nguyện vọng của đồng bào các dân tộc về việc thi hành một số chính sách của Nhà nước ở địa phương và đã báo cáo với Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã lưu ý các cơ quan Chính phủ về những vấn đề Đoàn đã nêu ra, như vấn đề củng cố các hợp tác xã ở miền núi, vấn đề khai hoang, vấn đề y tế miền núi và nhiều vấn đề khác về đời sống vật chất và tinh thần của các dân tộc miền núi.

Ngày 05-2-1964, đại diện Uỷ ban dân tộc đã họp với đại diện của các cơ quan hữu quan của Chính phủ và Văn phòng Uỷ ban thường vụ Quốc hội để trao đổi về những vấn đề trên đây. Đại diện các cơ quan hữu quan đã báo cáo thêm về tình hình công tác của ngành mình ở miền núi và trình bày những biện pháp cụ thể của ngành mình để giải quyết các vấn đề mà Đoàn đã nêu lên.

Trong thời gian qua, Uỷ ban thống nhất của Quốc hội đã liên hệ chặt chẽ với Uỷ ban thống nhất của Chính phủ, nắm sát tình hình miền Nam và tích cực tham gia các phong trào đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai, ủng hộ cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào miền Nam (tham gia “tuần lễ đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai, đẩy mạnh sản xuất, ủng hộ đồng bào miền Nam”, và tham gia vận động ủng hộ cuộc đấu tranh anh dũng của anh chị em công nhân hãng dệt Vinatếchcô chống đế quốc Mỹ và tay sai, đòi cải thiện đời sống và tự do dân chủ v.v…).

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ ba ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và ngày Tết Âm lịch, Uỷ ban thống nhất đã cử nhiều đoàn đại biểu đi thăm một số cơ sở có thành tích sản xuất trong phong trào kết nghĩa Bắc - Nam (nông trường Rạng Đông, nông trường Ba Vì) và một số trường học sinh miền Nam. Đi đến đâu, các đoàn đại biểu cũng đã báo cáo về cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam đang dâng lên như vũ bão và thu được nhiều thắng lợi vang dội.

VẤN ĐỀ ỔN ĐỊNH NGHĨA VỤ THUẾ NÔNG NGHIỆP
TRONG BA NĂM 1963, 1964 VÀ 1965

Trong quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa ở nông thôn, Nhà nước ta đã nhiều lần bổ sung chính sách thuế nông nghiệp, làm cho việc tính thuế, thu thuế và miễn giảm thuế ngày càng thích hợp với quan hệ sản xuất mới, bước đầu ổn định nghĩa vụ thuế nông nghiệp.

Để ổn định thêm một bước nghĩa vụ thuế nông nghiệp cho đến hết năm 1965, làm cho nông dân an tâm và phấn khởi sản xuất hơn nữa, theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, ngày 18-12-1963 Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quyết định:

1. Từ nay đến hết năm 1965, Nhà nước vẫn căn cứ vào sản lượng thường niên tính thuế đã ổn định năm 1958 để tính thuế nông nghiệp. Cũng trong thời gian nói trên, Nhà nước vẫn tiếp tục tính thuế theo thuế suất năm 1962. Trong tất cả mọi trường hợp mở rộng sản xuất, tăng hay giảm diện tích canh tác, sản lượng và nhân khẩu nông nghiệp, Nhà nước đều không tính lại thuế suất.

Thực tế đã chỉ rõ rằng việc ổn định sản lượng thường niên để tính thuế và thuế suất đã góp phần tích cực đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật, thâm canh tăng năng suất, tăng vụ, bà con nông dân không phải e ngại sản lượng tăng thì thuế sẽ tăng theo, do đó thu hoạch thực tế của nông dân đã vượt khá xa sản lượng tính thuế và sự đóng góp của nông dân ngày càng giảm nhẹ.

2. Từ nay đến hết năm 1965, ngoài số diện tích đã được miễn thuế cho đến năm 1963 theo luật lệ hiện hành, Nhà nước miễn thêm thuế cho ruộng đất của nông dân do Nhà nước đã sử dụng
để làm các công trình kiến thiết cơ bản hoặc công trình trung
và đại thuỷ nông và ruộng đất hợp tác xã đã lấy để làm sân phơi, nhà kho.

Quy định trên đây vừa khuyến khích sản xuất, vừa làm cho cách tính thuế được giản đơn, lại vừa góp phần làm cho hợp tác xã nông nghiệp có thể dễ dàng sử dụng ruộng đất hoặc chuyển hướng canh tác có lợi cho sản xuất.

3. Ổn định mức thuế nông nghiệp phải nộp bằng lương thực từ nay đến hết năm 1965. Việc này có tác dụng tích cực góp phần bảo đảm thực hiện chính sách ổn định nghĩa vụ lương thực của Nhà nước trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, làm cho nông dân lại càng an tâm và phấn khởi sản xuất, cố gắng tăng năng suất, tăng diện tích và tăng sản lượng lương thực.

Quyết định của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc ổn định nghĩa vụ thuế nông nghiệp cho đến hết năm 1965 xuất phát từ lợi ích của nông dân, của sản xuất nông nghiệp, của việc củng cố hợp tác xã nông nghiệp, đồng thời cũng xuất phát từ yêu cầu của Nhà nước. Sản xuất có điều kiện phát triển, đời sống nông dân có điều kiện cải thiện thêm, nhưng thuế nông nghiệp vẫn không tăng. Chắc chắn rằng nông dân sẽ ngày càng an tâm và phấn khởi sản xuất, ra sức thi đua cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc đặng không ngừng cải thiện đời sống, phát huy tính hơn hẳn của phương thức làm ăn tập thể, góp phần tích cực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa nước nhà.

VIỆC TẶNG THƯỞNG HUÂN CHƯƠNG
VÀ DANH HIỆU VINH DỰ CỦA NHÀ NƯỚC

Trong thời gian vừa qua, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã xét những đề nghị của Hội đồng Chính phủ và quyết định tặng thưởng huân chương cho một số đơn vị và cá nhân trong những trường hợp sau đây:

- Về việc khen thưởng thành tích kháng chiến, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quyết định tặng thưởng 901 Huân chương Kháng chiến cho cán bộ, công nhân, viên chức, gia đình liệt sĩ, gia đình có đông người tòng quân, gia đình có công trong cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc. Ngoài ra, Uỷ ban thường vụ Quốc hội còn quyết định tặng thưởng 117 Huân chương Kháng chiến cho những người trong nhân dân đã có công với kháng chiến.

- Về việc khen thưởng thành tích bảo vệ công cuộc xây dựng hoà bình, giữ gìn trật tự an ninh, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quyết định tặng thưởng 80 Huân chương Chiến công cho các đơn vị, cán bộ và chiến sĩ Quân đội nhân dân, Dân quân và Công an nhân dân vũ trang.

- Về việc khen thưởng thành tích xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân vũ trang, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quyết định tặng thưởng 10.834 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quyết định truy tặng Huân chương Lao động hạng nhất cho một cán bộ công an và tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba cho 2 nghệ sĩ có nhiều thành tích công tác.

Ngoài ra, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quyết định tặng thưởng 230 Huân chương Lao động cho các chuyên gia đã có công giúp đỡ nhân dân ta trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cho các đoàn nghệ thuật của các nước anh em sang biểu diễn hữu nghị ở nước ta.

Việc khen thưởng làm kịp thời có tác dụng động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta ra sức thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà và đã góp phần thắt chặt thêm tình hữu nghị sẵn có giữa nhân dân nước ta và nhân dân các nước anh em.

VIỆC QUYẾT ĐỊNH PHÊ CHUẨN HIỆP ƯỚC

Ngày 24 tháng 11 năm 1963, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quyết định phê chuẩn Hiệp định bưu chính và điện chính đã được ký kết ngày 06-7-1962 giữa Tổng cục Bưu điện trực thuộc Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Bộ Giao thông nước Cộng hoà Cuba.

Theo hiệp định này thì giữa nước ta và nước Cộng hoà Cuba sẽ trao đổi những bưu phẩm thông thường bằng đường bộ, đường biển và đường hàng không và sẽ thiết lập đường liên lạc vô tuyến điện trực tiếp hoặc qua các nước khác sau khi thoả thuận với các nước ấy.

Hiệp định này góp phần mở rộng những mối quan hệ hữu nghị và hợp tác anh em trong mọi lĩnh vực và những quan hệ về bưu chính và điện chính nói riêng, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước Việt Nam và Cuba.

VIỆC BỔ NHIỆM NHÂN VIÊN CAO CẤP CỦA NHÀ NƯỚC

Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, ngày 18 tháng 12 năm 1963, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quyết định bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại nước Cộng hoà Ảrập Yêmen; và ngày 23 tháng 3 năm 1964, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quyết định bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại nước Cộng hoà Nhân dân Anbani và nước Cộng hoà Nhân dân Rumani.

VỀ QUAN HỆ VỚI TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO VÀ
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

Tại kỳ họp Quốc hội này, Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao sẽ báo cáo công tác năm 1963 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 1964 của ngành mình.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao luôn luôn quan hệ với nhau một cách mật thiết. Các phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội đều có đại diện của Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao tham dự.

Trong thời gian vừa qua, tiếp tục thi hành chính sách kiên quyết trấn áp bọn phản cách mạng, ngành Toà án và ngành Kiểm sát đã kịp thời đưa ra truy tố, xét xử và lên án nghiêm khắc bọn gián điệp, biệt kích do đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai tung ra để phá hoại miền Bắc nước ta.

Việc xử lý bọn gián điệp, biệt kích và các loại tội phạm phản cách mạng khác đã tiến hành theo đúng chính sách trừng trị của Nhà nước, góp phần bảo vệ an ninh và nâng cao một bước tinh thần cảnh giác cách mạng của nhân dân ta. Hai ngành Toà án và Kiểm sát cần vận dụng đúng đắn hơn nữa chính sách bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, phát huy dân chủ đối với nhân dân và tăng cường chuyên chính đối với bọn phản cách mạng, góp phần tích cực đập tan âm mưu của kẻ địch phá hoại sự nghiệp lao động hoà bình của nhân dân ta.

Về mặt phục vụ các cuộc vận động chính trị lớn của Đảng và Nhà nước, hai ngành Toà án và Kiểm sát đã có nhiều cố gắng; công tác bảo vệ trật tự trị an, công tác bảo vệ kinh tế, bảo vệ tài sản công cộng, chống tham ô, lãng phí, bảo vệ thị trường, chống đầu cơ tích trữ v.v., đã có những chuyển biến tốt, nhưng nhìn chung thì vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Hai ngành Toà án và Kiểm sát đã có nhiều cố gắng trong việc tăng cường quan hệ với nhân dân. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật của ngành Toà án và ngành Kiểm sát đã góp phần tăng thêm lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội của nhân dân, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng và ý thức tuân thủ pháp luật, ý thức đấu tranh chống phạm pháp trong nhân dân. Công tác giải quyết đơn khiếu tố của nhân dân cũng được chú trọng hơn trước.

Trong thời gian tới ngành Toà án và ngành Kiểm sát cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và công tác giải quyết các đơn khiếu tố của nhân dân.

Trong thời gian vừa qua, quan hệ giữa ngành Toà án và ngành Kiểm sát đã có nhiều tiến bộ, ảnh hưởng tốt đến công tác truy tố, xét xử, góp phần cải tiến nghiệp vụ của mỗi ngành.

Ngành Kiểm sát đã tiến hành kiểm sát việc tuân theo pháp luật của một số cơ quan nhà nước và cơ sở sản xuất trong việc quản lý kinh tế, tài chính và bảo vệ quyền dân chủ của nhân dân, và xuyên qua đó đã góp phần nâng cao ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân. Tuy nhiên, công tác này vẫn cần được đẩy mạnh hơn nữa. Ngành Kiểm sát và các cơ quan hành chính đều phải nghiên cứu và nghiêm chỉnh chấp hành Thông tư số 09 ngày 01-02-1963 của Thủ tướng Chính phủ về quan hệ công tác giữa Viện kiểm sát nhân dân các cấp với các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ và cơ quan nhà nước địa phương.

VIỆC GIẢI QUYẾT NHỮNG THƯ
KHIẾU TỐ CỦA NHÂN DÂN

Từ kỳ họp thứ 7 của Quốc hội đến nay, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã nhận được 720 thư khiếu tố của nhân dân trong đó có 143 thư do đương sự trực tiếp đưa đến Văn phòng Uỷ ban thường vụ Quốc hội và trình bày ý kiến và nguyện vọng.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã tổ chức nghiên cứu kỹ càng các thư khiếu tố nhận được trước khi chuyển đến các cơ quan có trách nhiệm để giải quyết. Văn phòng Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã liên hệ chặt chẽ với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Uỷ ban thanh tra, các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và các Uỷ ban hành chính địa phương để thúc đẩy việc giải quyết kịp thời các thư khiếu tố của nhân dân. Kết quả giải quyết đều được báo cho đương sự biết.

Nhìn chung, từ trước đến nay, cán bộ và nhân dân ta đều có thái độ chấp hành nghiêm chỉnh chính sách và pháp luật của Nhà nước. Nhưng qua các đơn khiếu tố của nhân dân gửi đến Uỷ ban thường vụ Quốc hội, qua báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, của Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ và của một số cơ quan khác, thì trong một số cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường và hợp tác xã, vẫn còn những hiện tượng vi phạm pháp luật.

Qua thẩm tra, chúng tôi đã thấy rằng phần lớn những việc nói trong các thư khiếu tố mà Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã nhận được là đúng với sự thật. Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ tổng kết công tác thanh tra xét thư khiếu tố năm 1963 và Uỷ ban hành chính tỉnh Thanh Hoá trong Hội nghị tổng kết công tác xét thư khiếu tố năm 1963 cũng đã xác nhận như vậy. Vì vậy chúng ta càng phải hết sức coi trọng việc xét và giải quyết kịp thời các thư khiếu tố của nhân dân.

Các cơ quan Nhà nước của ta ngày càng thấy rõ trách nhiệm của mình đối với công tác giải quyết các thư khiếu tố. Cùng với những cố gắng thường xuyên của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ là hai cơ quan có trách nhiệm trực tiếp giải quyết các đơn khiếu tố, nhiều cơ quan Nhà nước ở Trung ương, như Bộ Lao động, Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh v.v., cũng có quan tâm đến vấn đề này. Công tác giải quyết các thư khiếu tố ở các địa phương cũng có tiến bộ. Nhiều Uỷ ban hành chính tỉnh như Thanh Hoá, Tuyên Quang, Hà Đông, Nam Định, Phú Thọ, Hà Bắc, Hải Phòng, Hà Tĩnh v.v., đã tổng kết công tác giải quyết các thư khiếu tố trong năm 1963, đề ra những biện pháp cụ thể nhằm nâng cao nhận thức, kiện toàn tổ chức và lề lối làm việc của bộ máy chỉ đạo công tác giải quyết các thư khiếu tố. Nhiều Uỷ ban hành chính huyện cũng đã có những cố gắng đáng kể trong vấn đề này, như các Uỷ ban hành chính huyện Đông Sơn (Thanh Hoá), huyện Chương Mỹ và huyện Hoài Đức (Hà Đông), huyện Hạ Hoà (Phú Thọ). Thực tế đã chứng minh rằng nơi nào giải quyết tốt các thư khiếu tố thì đã góp phần thiết thực uốn nắn kịp thời những sai lệch trong việc chấp hành chính sách, nâng cao ý thức đấu tranh chống việc xấu, người xấu, tăng cường hơn nữa quan hệ mật thiết giữa Nhà nước và nhân dân.

Nhưng cho đến nay vẫn còn một số cơ quan chưa chú ý đúng mức đến công tác này. Lại có cơ quan tuy có chú trọng giải quyết kịp thời các thư khiếu tố, nhưng lại thiếu thận trọng trong việc điều tra, nghiên cứu, cho nên giải quyết chưa tốt. Trong thời gian tới, các cấp, các ngành ở Trung ương cũng như ở địa phương phải làm tốt hơn nữa công tác giải quyết các thư khiếu tố, nhằm bảo đảm thoả mãn nguyện vọng chính đáng của công dân, theo đúng nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước của chúng ta.

QUAN HỆ VỚI HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP

Trong thời gian vừa qua, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã chú trọng theo dõi hoạt động của các Hội đồng nhân dân, bảo đảm thực hiện những quy định về Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp.

Nhiều vị đại biểu Quốc hội trong các Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương đã tham dự Hội nghị Hội đồng nhân dân và đã góp nhiều ý kiến với địa phương, Văn phòng Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã trực tiếp bàn bạc với nhiều địa phương về những biện pháp cụ thể nhằm phát huy hơn nữa vai trò và tác dụng của các Hội đồng nhân dân.

Nhìn chung, trong thời gian vừa qua, sinh hoạt của Hội đồng nhân dân khu, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tiến bộ. Hội nghị Hội đồng nhân dân đã tiến hành theo đúng thời gian pháp luật quy định. Nội dung kỳ họp Hội đồng nhân dân ngày thêm phong phú. Sự liên hệ giữa đại biểu Hội đồng nhân dân và cử tri có được tăng cường. Các Uỷ ban hành chính ngày càng quan tâm đến việc thi hành đúng đắn Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp và phát huy tác dụng của luật đó, nghiêm chỉnh báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân và đưa những vấn đề trọng yếu của Nhà nước ở địa phương ra Hội đồng nhân dân thảo luận và quyết định.

Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy tác dụng của Hội đồng nhân dân các cấp, các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp; các Uỷ ban hành chính có trách nhiệm lớn trong sinh hoạt của Hội đồng nhân dân, cần có một sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong nhận thức đối với Hội đồng nhân dân. Các vị đại biểu Quốc hội có nhiều điều kiện tham gia vào hoạt động của Hội đồng nhân dân ở địa phương, có thể góp nhiều ý kiến với Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính, nhằm làm cho sinh hoạt của Hội đồng nhân dân ngày càng có nền nếp, có nội dung phong phú. Hội đồng nhân dân các cấp cần làm đúng vai trò Cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương và tích cực góp phần đẩy mạnh mọi mặt công tác của Nhà nước ở địa phương.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội luôn luôn chú ý bảo đảm cho các Hội đồng nhân dân hết nhiệm kỳ được bầu lại theo đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt đối với những trường hợp xét cần phải kéo dài nhiệm kỳ, thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cân nhắc kỹ càng trước khi quyết định. Ngày 23-3-1964 theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, căn cứ vào Điều 34 của Pháp lệnh về bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quyết định kéo dài nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng, Hội đồng nhân dân tỉnh Hoà Bình và Hội đồng nhân dân các xã, thị xã, thị trấn thuộc hai tỉnh Hoà Bình và Lào Cai đến ngày 30 tháng 4 năm 1965. Quyết định này của Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhằm làm cho việc bầu cử các Hội đồng nhân dân cùng hết nhiệm kỳ có thể tiến hành vào một thời gian thống nhất cho toàn miền Bắc, như vậy vừa tiện lợi cho sinh hoạt của nhân dân, vừa tiện lợi cho công tác của Nhà nước.

VỀ QUAN HỆ VỚI QUỐC HỘI CÁC NƯỚC

Ngày 24 tháng 11 năm 1963, thay mặt Uỷ ban thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội Trường Chinh đã gửi điện tới Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Unghongsath, tỏ sự đồng tình và nhiệt liệt ủng hộ của Quốc hội ta đối với việc Quốc hội Vương quốc Campuchia kêu gọi Quốc hội và Chính phủ các nước bảo vệ độc lập và trung lập của Campuchia, bảo vệ hoà bình ở Đông Nam Á và thế giới.

Ngày 03-12-1963, Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia đã gửi thư trả lời bức điện của Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trong thư viết: “Bằng sự ủng hộ mau mắn đối với đề nghị của Quốc trưởng Campuchia về việc triệu tập một cuộc Hội nghị quốc tế để đảm bảo nền trung lập, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia, nhân dân và Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã cho chúng tôi một bằng chứng quý báu về tình hữu nghị. Do đó, mối quan hệ tin cậy hiện nay giữa hai nước chúng ta sẽ được tăng cường thêm rất nhiều”.

*

* *

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Hôm nay, chúng ta họp kỳ họp lần thứ 8 của Quốc hội khoá II. Nếu không có công tác gì đột xuất đòi hỏi phải họp thêm, thì đây là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá này.

Khoá II của Quốc hội ta là khoá đầu tiên làm việc theo những nguyên tắc của Hiến pháp mới, là khoá đầu tiên mà Nhà nước và nhân dân ta đi vào kế hoạch dài hạn phát triển kinh tế quốc dân, là khoá Quốc hội được Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng soi đường.

Quốc hội khoá II đánh dấu một bước tiến mới về mặt tổ chức của Nhà nước ta, đánh dấu một bước tiến mới trong việc phát huy tác dụng của cơ quan Nhà nước, nhằm đẩy mạnh sự nghiệp cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cuộc đấu tranh nhằm thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà. Tổ chức và hoạt động của Quốc hội khoá II của ta đã thể hiện nguyên tắc cơ bản đã được xác định trong Hiến pháp mới:

“Tất cả quyền lực trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đều thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân.

“Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan Nhà nước khác đều thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ”.

Quốc hội khoá II đã thông qua 5 đạo luật trọng yếu về tổ chức các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương: Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ, Luật tổ chức Toà án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp. Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng đã thông qua những pháp lệnh nhằm củng cố và tăng cường các cơ quan nhà nước: Pháp lệnh về việc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp; Pháp lệnh quy định cụ thể về tổ chức của Toà án nhân dân tối cao và tổ chức của các Toà án nhân dân địa phương; Pháp lệnh quy định cụ thể về tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát nhân dân; Pháp lệnh quy định chế độ cấp bậc của sĩ quan và hạ sĩ quan Cảnh sát nhân dân; Pháp lệnh quy định chế độ phục vụ của sĩ quan Công an nhân dân vũ trang; Pháp lệnh đặt huân chương và huy chương chiến sĩ vẻ vang; Pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy; Pháp lệnh quy định cơ quan phụ trách quản lý công tác phòng cháy và chữa cháy và chế độ cấp bậc của sĩ quan và hạ sĩ quan phòng cháy và chữa cháy; và thông qua những nghị quyết như: Nghị quyết phê chuẩn điều lệ của Hội đồng nhân dân Khu tự trị Việt Bắc quy định cụ thể về tổ chức của Toà án nhân dân các cấp trong Khu tự trị Việt Bắc; Nghị quyết phê chuẩn Điều lệ của Hội đồng nhân dân Khu tự trị Tây Bắc quy định cụ thể về tổ chức của Toà án nhân dân các cấp trong Khu tự trị Tây Bắc; Nghị quyết về việc tập trung giáo dục cải tạo những phần tử có hành động nguy hại cho xã hội; Nghị quyết phê chuẩn việc Hội đồng Chính phủ quy định và ban bố Điều lệ tạm thời về bảo hiểm xã hội đối với công nhân và viên chức Nhà nước v.v.. Căn cứ vào những đạo luật, pháp lệnh và những nghị quyết của Quốc hội hoặc của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ra những văn bản cần thiết để kiện toàn tổ chức và hoạt động của các ngành, các cấp thuộc quyền của mình.

Trong bốn năm qua, Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội thay mặt nhân dân, đã quyết định nhiều vấn đề trọng yếu của nước nhà.

Quốc hội đã thông qua kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân 5 năm lần thứ nhất, cương lĩnh hành động của toàn dân ta nhằm hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa và bước đầu xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Quốc hội đã thông qua các kế hoạch hàng năm, xét duyệt và phê chuẩn dự toán và quyết toán ngân sách hàng năm của Nhà nước.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã họp 72 lần, thông qua 261 nghị quyết và pháp lệnh nhằm kiện toàn Nhà nước phát huy dân chủ đối với nhân dân, tăng cường chuyên chính đối với kẻ thù của nhân dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước và của nhân dân, bảo đảm những quyền lợi của công dân theo tinh thần Hiến pháp mới.

Trong tất cả các kỳ họp của mình, Quốc hội đều biểu thị thái độ của nhân dân ta kiên quyết chống đế quốc Mỹ và tay sai, nhằm thực hiện hoà bình thống nhất đất nước. Những nghị quyết, tuyên bố và kêu gọi của Quốc hội và những lời phát biểu của đại biểu Quốc hội là những đòn mạnh mẽ đánh vào bọn cướp nước và bán nước, là nguồn cổ vũ lớn lao đối với đồng bào miền Nam ruột thịt trong cuộc đấu tranh anh dũng để tự giải phóng.

Quốc hội luôn luôn quan tâm đến nghĩa vụ quốc tế của Nhà nước và của nhân dân ta: không ngừng tăng cường đoàn kết với các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, đoàn kết với các nước dân tộc chủ nghĩa, kiên quyết ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh, kiên quyết đấu tranh chống đế quốc đứng đầu là đế quốc Mỹ, kiên quyết ủng hộ phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Trong 4 năm qua, quan hệ giữa Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội với Hội đồng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo tinh thần của Hiến pháp mới ngày càng chặt chẽ. Trước Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Chính phủ đã thường kỳ báo cáo về các mặt công tác chủ yếu và trình những dự án cần thiết để Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội xét định. Giữa Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội với Chính phủ luôn luôn có sự nhất trí. Sự nhất trí đó thể hiện sự đồng tình sâu sắc và sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân ta đối với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ.

Quan hệ giữa Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội với Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao luôn luôn được xiết chặt. Điều đó thể hiện rõ ràng pháp chế của ta là của nhân dân và vì nhân dân, việc thực hiện pháp chế do cơ quan đại diện chân chính của nhân dân đảm nhiệm và giám sát. Pháp chế của ta tuy còn nhiều thiếu sót mà trong thời gian tới cần phải tiếp tục ra sức khắc phục, nhưng trong bốn năm qua cũng đã được tăng cường thêm một bước.

Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội rất quan tâm đến một vấn đề cơ bản là vấn đề Hội đồng nhân dân và đã tổ chức theo dõi hoạt động của Cơ quan quyền lực nhà nước ở các địa phương, nhằm bảo đảm cho các Hội đồng nhân dân sinh hoạt đều đặn và dân chủ, các kỳ họp của Hội đồng nhân dân ngày càng có nội dung thiết thực và phong phú, và như trên đã nói, bảo đảm cho các Hội đồng nhân dân hết nhiệm kỳ được bầu lại theo đúng quy định của Hiến pháp mới.

Trong bốn năm qua, Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và nhân dân ta gắn bó mật thiết với nhau. Nhân dân ta chăm chú theo dõi hoạt động của Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội, nhiệt liệt hưởng ứng và chấp hành những luật, pháp lệnh và nghị quyết của Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội, ra sức thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và hăng hái đấu tranh ủng hộ phong trào yêu nước của đồng bào miền Nam và thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà.

Các vị đại biểu Quốc hội hoạt động ở những địa phương và những ngành, nghề khác nhau, tuỳ theo hoàn cảnh từng người, đã cố gắng liên hệ với cử tri, báo cáo thường kỳ công tác của Quốc hội với cử tri, tìm hiểu về đời sống của nhân dân, phản ánh ý kiến và nguyện vọng của nhân dân với Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Hội đồng Chính phủ, và góp nhiều ý kiến quý báu về các mặt công tác của Nhà nước.

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Những kết quả mà Quốc hội ta đã đạt được trong khoá II này là kết quả của việc Nhà nước ta nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp mới, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân ta, luôn luôn phát huy những truyền thống tốt đẹp và lực lượng tiềm tàng trong nhân dân ta. Những kết quả ấy cũng chính là kết quả cố gắng của tất cả các vị đại biểu trong quá trình chấp hành nhiệm vụ mà nhân dân đã giao phó. Đồng thời, nó cũng gắn liền với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Hồ Chủ tịch.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.