VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP II 1960 - 1964

BÁO CÁO CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ VỀ KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1964
(Do Phó Thủ tướng kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước Nguyễn Duy Trinh
trình bày tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá II, ngày 30-3-1964)

 

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Trước hết, tôi xin thay mặt Hội đồng Chính phủ, thân ái chào mừng các đồng chí đại biểu và chúc kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa II thành công rực rỡ.

Năm 1964 là năm thứ tư của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và là năm thứ mười kể từ khi hòa bình lập lại. Trong thời gian 10 năm qua, tình hình trong nước và trên thế giới đã trải qua những chuyển biến cách mạng sâu sắc. Ở miền Bắc, công cuộc khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế và văn hóa đã thu được những thắng lợi to lớn. Từ một nước nông nghiệp nghèo nàn và lạc hậu, chúng ta đang từng bước vững chắc thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Ở miền Nam, cuộc đấu tranh của nhân dân ta chống đế quốc Mỹ và bọn tay sai đang phát triển sâu rộng, lực lượng yêu nước không ngừng lớn mạnh, đang gây cho bọn cướp nước và bọn bán nước những thất bại nặng nề. Trên thế giới, phe xã hội chủ nghĩa hình thành và ngày càng lớn mạnh, đang trở thành nhân tố quyết định sự phát triển của xã hội loài người. Lực lượng của cách mạng, lực lượng của chủ nghĩa xã hội và của hòa bình đã hơn hẳn lực lượng của đế quốc phản động và chiến tranh. Mười năm qua là mười năm phấn đấu xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc, là mười năm đấu tranh oanh liệt của đồng bào miền Nam chống đế quốc Mỹ và bọn tay sai, là mười năm thắng lợi của nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Qua mười năm, đất nước ta, xã hội ta, con người ta đều có nhiều đổi mới.

Ba ngày trước đây, cũng tại Hội trường Ba Đình này, Hội nghị Chính trị đặc biệt do Hồ Chủ tịch triệu tập đã biểu hiện sự đoàn kết nhất trí và lòng tin tưởng vô hạn của nhân dân ta đối với đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta. Thắng lợi của Hội nghị Chính trị đặc biệt đang động viên mạnh mẽ nhân dân ta phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc anh hùng và nêu cao chí khí đấu tranh quyết thực hiện 5 nhiệm vụ lớn trước mắt do Hồ Chủ tịch đề ra, đưa sự nghiệp cách mạng của chúng ta tiến tới những thắng lợi mới.

Với tinh thần ấy, chúng ta ra sức phấn đấu để năm 1964 ghi thêm những thành tích mới, tạo nên những chuyển biến cách mạng mới, những cơ sở vững chắc cho việc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

Dưới đây, tôi xin trình Quốc hội bản báo cáo của Hội đồng Chính phủ về kế hoạch Nhà nước năm 1964.

Bản báo cáo này gồm ba phần:

1. Nhận định tình hình thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1963.

2. Nhiệm vụ, chỉ tiêu và những biện pháp chủ yếu của kế hoạch Nhà nước năm 1964.

3. Một số vấn đề về tổ chức và chỉ đạo thực hiện kế hoạch.

PHẦN THỨ NHẤT

NHẬN ĐỊNH TÌNH HÌNH THỰC HIỆN
KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1963

I. NĂM 1963 ĐÃ GHI NHỮNG THÀNH TÍCH MỚI
TRONG SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HÓA
XÃ HỘI CHỦ NGHĨA MIỀN BẮC

Năm 1963 đã ghi những thành tích to lớn của nhân dân miền Bắc trong cuộc đấu tranh chống thiên tai, bảo vệ sản xuất và cải thiện đời sống của nhân dân, thực hiện có kết quả những nhiệm vụ của kế hoạch Nhà nước.

Trong năm 1963, chúng ta đã tiến thêm một bước trong việc xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, đưa các ngành sản xuất tiếp tục phát triển theo phương hướng đã đề ra. Song song với việc xây dựng các công trình công nghiệp lớn, chúng ta dành một số vốn quan trọng để tăng cường cơ sở vật chất và kỹ thuật cho nông nghiệp tiến lên từng bước.

Số vốn Nhà nước đầu tư cho xây dựng cơ bản về kinh tế và văn hóa đã được phân phối như sau: 86% dành cho khu vực sản xuất; trong đó 48% là xây dựng về công nghiệp, 23% là xây dựng về nông nghiệp (riêng việc xây dựng các công trình thủy nông chiếm tới 10,4%, tăng 5,7% so với năm 1962). Với số vốn nói trên, chúng ta đã khởi công và tiếp tục thi công 139 công trình trên hạn ngạch và đã hoàn thành 33 công trình, trong đó có 22 công trình sản xuất và 11 công trình dân dụng. Ngành Công nghiệp trong năm qua đã có thêm 10 công trình xây dựng xong, trong đó có những công trình đi vào sản xuất toàn bộ, hoặc từng bộ phận. Hệ thống lò cao số 1 của khu gang thép Thái Nguyên và hệ thống phát điện đợt I của nhà máy nhiệt điện Uông Bí đã đánh dấu bước tiến quan trọng của miền Bắc trong sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Chúng ta cũng kể thêm những công trình quan trọng khác như: nhà máy xi măng mở rộng Hải Phòng, nhà máy điện Thanh Hóa, nhà máy liên hiệp Dệt 8/3, nhà máy thủy tinh Hải Phòng, v.v..

Ngành Nông nghiệp đã có thêm nhiều công trình thủy lợi lớn như âu thuyền sông Vân và Neo, trạm bơm La Khê, Nam sông Mã và Văn Giang, các hồ chứa nước Khuôn Thần, Suối Hai, Đại Lải và Thượng Tuy v.v., tăng thêm khả năng tưới nước cho 59.200 ha. Ngoài ra, nhiều trạm bơm nhỏ, một số trạm máy kéo cũng được xây dựng thêm.

Ngành Giao thông vận tải đã xây dựng xong ba công trình mới, tăng thêm 128 cây số đường bộ, 60 cây số đường sắt, hơn 700 cây số đường vận chuyển cho lâm nghiệp, và trang bị thêm nhiều phương tiện vận tải. Đường sắt Hàm Rồng - Vinh đang được tích cực xây dựng và có thể thông xe vào cuối quý II năm nay.

Những kết quả về xây dựng cơ bản kể trên đánh dấu sự cố gắng to lớn của Đảng, Nhà nước và của nhân dân ta. Mặc dầu kinh tế còn nghèo, vốn có ít, chúng ta đã dành tới 40% số thu trong nước cho xây dựng cơ bản, tức là cho việc xây dựng bước đầu cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội.

Dựa trên những năng lực sản xuất sẵn có và những năng lực mới tăng thêm, các ngành sản xuất tiếp tục phát triển và đạt những tiến bộ mới.

Trong năm 1963, sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do thiên tai gây ra (diện hạn vụ đông - xuân lúc cao nhất lên tới 225.000 ha và úng vụ mùa lên tới 256.000 ha), nhưng với sức mạnh của quan hệ sản xuất tập thể, nông dân ta đã chiến thắng trong cuộc đấu tranh chống hạn hán, bão lụt, bảo đảm được sản xuất. Diện tích gieo cấy đạt được 97% mức kế hoạch; so với năm 1962 là năm có diện tích gieo trồng cao nhất từ năm 1957 đến nay thì mức đạt năm 1963 bằng 99,3%; đó là một thắng lợi lớn. Diện tích trồng hoa màu, các cây công nghiệp chủ yếu, cây ăn quả và rau đều tăng so với năm 1962, riêng diện tích cây ăn quả tăng tới 77%, diện tích trồng rau tăng 17,4%. Tỷ trọng các loại cây đã có chuyển biến tốt: hoa màu từ 15,5% năm 1960 đã tăng lên tới 20,3% so với diện tích cây lương thực, cây công nghiệp từ 4,8% lên 5,8% so với diện tích gieo trồng.

Việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật cũng có những mặt tiến bộ: tăng thêm phân hóa học, bón vôi, mở rộng diện tích thả bèo hoa dâu, bảo vệ cây trồng và gia súc, chống dịch bệnh, v.v.. Phân bón các loại tăng 35% so với năm 1962, riêng phân lân tăng hơn 80%, vôi tăng 86,7%, diện tích thả bèo hoa dâu tăng gấp hai lần. Những nơi không gặp thiên tai nặng lại chú trọng các biện pháp kỹ thuật thì đều đạt năng suất và sản lượng khá, như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc v.v.. Nhưng nhìn chung, việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật vẫn còn yếu nhiều, do đó năng suất và sản lượng của nhiều cây không đạt kế hoạch.

Về chăn nuôi, đàn gia súc tiếp tục phát triển; chăn nuôi trâu, bò bước đầu có chuyển biến tốt, các loại gia súc nhỏ, và cá ao hồ ruộng phát triển khá nhanh. So với năm 1962, đàn trâu tăng 1,7%, đàn bò tăng 0,8%, trâu bò cày tăng 1,4%. Tỷ lệ sinh đẻ của trâu, bò, tỷ lệ bê, nghé nuôi được cũng tăng lên. Đàn lợn giữ xấp xỉ mức năm 1962, nhưng số cơ sở nuôi lợn của tập thể đã tăng hơn trước.

Các nông trường quốc doanh đã có một số tiến bộ mới trong việc thực hiện phương châm lấy củng cố làm chính. Việc xác định phương hướng nhiệm vụ sản xuất của nông trường đã được xúc tiến. Việc chăm sóc các cây đã trồng có tiến bộ; năng suất chè, cà phê, bông… đều đạt và vượt mức kế hoạch; nông trường cũng đã nộp được nhiều sản phẩm cho Nhà nước hơn các năm trước.

Cuộc vận động đồng bào miền xuôi tham gia phát triển kinh tế miền núi đã bước đầu lan rộng ở nông thôn và cả ở thành thị. Những cơ sở tập trung và những tổ chức xen ghép làm ăn tốt ngày một nhiều hơn.

Sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp tiếp tục phát triển, riêng các ngành công nghiệp quốc doanh Trung ương đã thực hiện vượt mức kế hoạch. So với năm 1962, nhiều sản phẩm chủ yếu tăng khá như: điện phát ra tăng 23,5%, quặng apatít tăng 36,5%, bơm nước các loại tăng 35%, gạch các loại tăng 57,9%, thuốc lá bao tăng 9,8%,… Sản xuất công nghiệp đã hướng mạnh vào việc phục vụ nông nghiệp và trang bị cho các ngành khác: so với năm 1962, máy bơm tăng 35%, điện dùng cho nông nghiệp tăng hơn hai lần, phân bón tăng 70,8%, trong đó suppe lân tăng hai lần và được dùng rộng rãi hơn trước. Chúng ta đã sản xuất được một số mặt hàng mới như: máy tiện, máy khoan đứng, động cơ điêden, máy bơm nước… Do công tác quản lý được cải tiến bước đầu, một số xí nghiệp đã thực hiện kế hoạch nhà nước được toàn diện hơn trước: công tác quản lý lao động có tiến bộ bước đầu, số người gián tiếp sản xuất có giảm, thời gian lao động của công nhân được sử dụng tốt hơn, tỷ lệ ốm đau, nghỉ việc cũng giảm bớt; tuy nhiên, sự tiến bộ ấy vẫn chưa đều, ở một số xí nghiệp quản lý kém, năng suất lao động có chiều sụt xuống, giá thành tăng lên.

Trong các Bộ quản lý công nghiệp, một số Bộ đã thực hiện vượt mức kế hoạch nhà nước. Tính đến ngày 28-12-1963, Bộ Công nghiệp nặng đã hoàn thành vượt mức 5 chỉ tiêu chủ yếu, riêng giá trị tổng sản lượng vượt 5%, năng suất lao động bình quân của một công nhân viên sản xuất công nghiệp vượt 4,8%, lợi nhuận nộp vượt 0,9%... Bộ Công nghiệp nhẹ đã thực hiện vượt mức kế hoạch 3,8% về giá trị tổng sản lượng, 0,9% về năng suất lao động của công nhân sản xuất công nghiệp, 0,1% về giá thành, và 1,2% về lợi nhuận…

Tại các tỉnh, thành phố, các cơ quan quản lý công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp đã cố gắng đi sâu nghiên cứu phương hướng sản xuất, quy hoạch phát triển các ngành nghề cho thích hợp với yêu cầu sản xuất và khả năng về nguyên liệu và về tiêu thụ. Để đi sát yêu cầu của nông nghiệp, việc sản xuất nông cụ đã được giao về các huyện, đáp ứng các yêu cầu cụ thể được tốt hơn và tránh được tình trạng ứ đọng trước đây.

Ngành Giao thông vận tải đã có nhiều cố gắng bảo đảm vận chuyển hàng hóa và hành khách và đã hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước giao, mặc dầu kế hoạch vận chuyển thường không ổn định, và chịu nhiều ảnh hưởng của bão, lụt. Công tác quản lý vận tải trong năm qua có nhiều tiến bộ, nói chung đã đạt các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật chủ yếu. Cảng Hải Phòng làm việc khá trong 6 tháng cuối năm và đã vượt 5% mức kế hoạch. Tuy vậy, ở từng nơi, từng lúc, ngành vận tải vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu, một phần do nguồn hàng thay đổi, mặt khác do việc kết hợp giữa lực lượng của Bộ với lực lượng của địa phương còn có chỗ chưa hợp lý.

Ngành Bưu điện và Truyền thanh đã tự giải quyết được một số yêu cầu về phương tiện và thiết bị, phục vụ tốt các ngành sản xuất và đời sống của nhân dân. Khối lượng nghiệp vụ bưu điện đã thực hiện vượt mức kế hoạch và tăng 12,6% so với năm 1962.

Công tác lưu thông và phân phối bước đầu có chuyển biến tốt

Trong năm 1963, cùng với việc đẩy mạnh sản xuất và xây dựng, chúng ta đã chú trọng cải tiến và tăng cường công tác lưu thông và phân phối.

Công tác thu mua nông sản trong 6 tháng cuối năm có tiến bộ và đạt được nhiều kết quả tốt. Nhiều loại đã thu mua vượt mức kế hoạch, số lượng tăng lên khá so với năm 1962 như: đay, gai, cói, chè, thuốc lá, lạc. Về lương thực, việc thu mua thóc vụ mùa có chuyển biến khá hơn vụ chiêm và đạt kết quả tốt. Từ sau khi tiến hành kiểm tra, việc phân phối lương thực đã có tiến bộ bước đầu. Cán bộ và nhân dân ta thấy rõ ý nghĩa quan trọng của việc quản lý tiêu dùng lương thực, đã tự giác đấu tranh chống những hiện tượng lãng phí và giúp cho ngành lương thực quản lý được tốt hơn.

Do việc thu mua nông sản đạt kết quả và tổ chức phân phối được cải tiến, cho nên việc cung cấp thực phẩm cho các khu công nghiệp và thành phố có tiến bộ rõ trong 6 tháng cuối năm; ở nhiều nơi, thương nghiệp quốc doanh đã tăng thêm cửa hàng bán lẻ thực phẩm, tăng thêm mặt hàng kinh doanh và tăng mức cung cấp thẳng đến các nhà ăn tập thể.

Việc cung cấp hàng hóa trong năm 1963 đã có nhiều tiến bộ, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Tổng mức hàng hóa bán lẻ trên thị trường đã vượt kế hoạch và tăng hơn năm 1962 là 4,7%. Mức bán lẻ của thương nghiệp quốc doanh về lương thực, các loại thực phẩm chủ yếu đều tăng hơn năm 1962. Mức bán lẻ hàng công nghiệp cũng tăng khá. Đối với nông thôn, giá trị các loại tư liệu sản xuất đã tăng 25,2% so với năm 1962, trong đó các loại phân bón tăng 43,2%, riêng phân lân tăng 114,3%, nông cụ cải tiến tăng 26,5%.

Về ngoại thương, giá trị xuất khẩu tăng hơn năm 1962 khoảng 4% và vượt mức kế hoạch một ít. Hàng nhập khẩu tăng hơn năm 1962 khoảng 4,7%. Công tác ngoại thương có những cố gắng đẩy mạnh hàng xuất khẩu, nhất là các loại lâm sản, thổ sản và nông sản phụ, nhưng so với yêu cầu thì vẫn còn yếu.

Về tài chính, thu trong nước vượt kế hoạch và tăng 4,8% so với năm 1962. Việc quản lý chi được chặt chẽ hơn trước, việc giúp vốn sản xuất cho nông nghiệp được chú trọng. Công tác của Ngân hàng Nhà nước về tiền tệ, tín dụng, thanh toán và quản lý tiền mặt có tiến bộ.

Đời sống của nhân dân được ổn định và được cải thiện thêm về từng mặt

Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc bao gồm ba mặt: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng về kỹ thuật, cách mạng về tư tưởng và văn hóa. Chúng ta không những chú trọng xây dựng và phát triển kinh tế, làm cho nhân dân lao động được hưởng ngày càng nhiều của cải vật chất, đồng thời chúng ta rất coi trọng việc xây dựng con người Việt Nam mới, có giác ngộ xã hội chủ nghĩa, có đạo đức, có văn hóa.

Các công tác giáo dục, văn hóa, văn nghệ trong năm 1963 đều phát triển theo hướng đó. Ngành giáo dục phổ thông đã bảo đảm cho học sinh tốt nghiệp đạt tiêu chuẩn cao hơn trước, mở thêm các trường phổ thông có học nghề, và mặt khác, đã quán triệt thêm một bước đường lối giáo dục của nhà trường xã hội chủ nghĩa, bước đầu gắn học tập với lao động sản xuất, làm cho nhận thức ấy dần dần thấm vào học sinh và gia đình của họ. Trong năm 1963, chúng ta đã có hơn 3.000 sinh viên đại học và 13.000 học sinh trung cấp kỹ thuật mới ra trường. Các ngành văn hóa, nghệ thuật mở rộng thêm hoạt động phục vụ nhân dân, tăng số buổi chiếu bóng, vượt mức kế hoạch về biểu diễn nghệ thuật và số lượt người xem phim. Số loa và đường dây truyền thanh được tăng thêm ở các khu công nghiệp và ở một số vùng nông thôn. Công tác y tế bắt đầu phát triển sâu rộng hơn tới các xã đồng bằng, biểu hiện ở phong trào vệ sinh phòng bệnh có tiến bộ. Các vấn đề phân, nước, rác đã được nhiều địa phương giải quyết tốt. Tỉnh Thanh Hóa là một tỉnh bước đầu làm tốt công tác vệ sinh phòng bệnh trong năm 1963. Ở các nơi, từ cơ quan, xí nghiệp đến các hợp tác xã, các cuộc vận động thi đua sản xuất đều gắn chặt với nội dung xây dựng con người mới, xây dựng nếp sống mới.

Về mặt đời sống vật chất, năm 1963 sản xuất nông nghiệp có gặp một số khó khăn, nhưng đời sống của nông dân nói chung vẫn được ổn định, ở những địa phương không gặp thiên tai nặng thì đời sống có được cải thiện thêm, mức mua sắm hàng tiêu dùng tăng lên khá. Đối với các vùng gặp thiên tai nhiều lần như Thanh Hóa, Nghệ An, hoặc một số nơi trong các tỉnh khác, Đảng và Nhà nước đã có biện pháp kịp thời giúp đỡ nhằm bảo đảm sản xuất và ổn định đời sống. Đối với công nhân viên chức, tuy đời sống có bị ảnh hưởng của giá cả trên thị trường tự do, nhưng cũng có một số mặt được cải thiện rõ: số người có việc làm thường xuyên, hoặc từng vụ, từng việc đã tăng lên. Nhờ việc mở rộng diện trả lương theo sản phẩm và điều chỉnh cấp bậc, tiền lương bình quân danh nghĩa tăng hơn năm 1962 được 1,5%; quỹ bảo hiểm xã hội tăng khoảng 10,5%, tiền trợ cấp nhà trẻ tăng 5,7% và trợ cấp cho các gia đình đông con cũng tăng thêm. Cũng trong năm 1963, Nhà nước đã xây dựng thêm 130.000 thước vuông nhà ở, giải quyết thêm một bước chỗ ở cho công nhân, viên chức và nhân dân lao động.

II. NHẬN ĐỊNH CHUNG VỀ THÀNH TÍCH, TIẾN BỘ
VÀ KHUYẾT ĐIỂM, NHƯỢC ĐIỂM

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Nhìn lại việc thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1963, và rộng ra, việc thực hiện kế hoạch 5 năm trong ba năm qua, chúng ta càng nhận thức sâu sắc thêm những đặc điểm của miền Bắc nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến lên chủ nghĩa xã hội, không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Yêu cầu trước mắt đối với chúng ta ngày càng lớn thì nhiều khó khăn cũng lộ rõ. Nhưng trong quá trình tiến lên, chúng ta càng thấy rõ những khả năng tiềm tàng rất lớn trong lực lượng lao động, tài nguyên thiên nhiên, và thiết bị máy móc. Nắm vững đường lối của Đảng, có phương hướng cụ thể và chủ trương sát, đúng, nhất định chúng ta sẽ khai thác tốt những khả năng tiềm tàng ấy, giảm bớt được khó khăn, vững bước tiến tới.

Đối với nhiều ngành kinh tế, năm 1963 thực sự là một năm phấn đấu rất gian khổ. Nhân dân ta đã không chùn bước, trái lại đã phát huy tinh thần nhiệt tình cách mạng và óc sáng tạo, cố gắng vươn lên.

Có thể nhận định chung về thành tích thực hiện kế hoạch trong năm 1963 như sau:

1. Các ngành sản xuất, xây dựng, lưu thông và phân phối tiếp tục phát triển theo phương hướng của nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam và các Nghị quyết hội nghị lần thứ 5, thứ 7, thứ 8 của Trung ương Đảng. Thời tiết cả năm 1963 rất xấu đã ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp, nhưng chúng ta vẫn giữ vững được sản xuất, tăng được tỷ trọng hoa màu, chăn nuôi và cây công nghiệp, xóa bỏ dần tình trạng độc canh, phát triển nông nghiệp toàn diện thêm một bước. Sản xuất công nghiệp có tiến bộ rõ trong việc phục vụ nông nghiệp; việc xây dựng các cơ sở chủ yếu của công nghiệp nặng như gang thép, điện, cơ khí, phân đạm, xi măng được đẩy mạnh, một bộ phận đã bước vào sản xuất, tạo cho nền kinh tế nhiều năng lực mới. Công nghiệp địa phương (gồm cả thủ công nghiệp) đang được sắp xếp theo những phương hướng phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Trong lúc mức sản xuất còn thấp, hàng hóa có hạn, ngành thương nghiệp đã có nhiều cố gắng vận dụng các chính sách cụ thể, đưa công tác lưu thông và phân phối đi dần vào nền nếp, phục vụ sản xuất và đời sống tốt hơn trước. Rõ ràng là bằng lao động cần cù và dũng cảm, nhân dân ta ở miền Bắc đã hạn chế được một phần ảnh hưởng xấu của thiên tai, đưa các ngành kinh tế tiếp tục phát triển.

2. Quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa được củng cố thêm, khu vực kinh tế quốc doanh được mở rộng, nhất là trong công nghiệp; kinh tế tập thể cũng được củng cố. Trong các ngành kinh tế quốc doanh, qua việc thí điểm cuộc vận động "tăng cường quản lý kinh tế tài chính, quản lý kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu" và qua việc cải tiến thường xuyên những quan điểm kinh doanh xã hội chủ nghĩa, tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức và kỷ luật, tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa được quán triệt thêm một bước. Cuộc vận động "cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc" đã hoàn thành trong một phần tư số hợp tác xã. Ý nghĩa lớn của cuộc vận động là xác định phương hướng sản xuất, nâng cao trình độ quản lý, nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa của nông dân, trên cơ sở do phát huy khả năng tiềm tàng của nông nghiệp, tăng khối lượng nông sản hàng hóa nhằm cải thiện đời sống của nông dân, và làm cho nông nghiệp thật sự là cơ sở cho sự phát triển của công nghiệp. Thắng lợi của việc chống thiên tai, bảo vệ sản xuất năm 1963 là một biểu hiện rõ rệt về sức mạnh của quan hệ sản xuất tập thể ngày càng thêm củng cố trong nông thôn.

3. Mặc dầu cơ sở vật chất còn yếu, lại gặp thiên tai, sản xuất tăng có hạn, đời sống của nhân dân lao động vẫn được bảo đảm. Mức sống của nông dân ở những vùng không gặp nhiều thiên tai được cải thiện rõ hơn; mức sống của công nhân viên chức được ổn định, số người có việc làm tăng thêm, các mặt phúc lợi xã hội được chú trọng. Sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, sự nghiệp vệ sinh, phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe đều tiếp tục phát triển tốt.

Tóm lại, trong năm 1963, chúng ta vừa chú trọng đẩy mạnh sản xuất, vừa không ngừng củng cố và tăng cường quan hệ sản xuất mới, cải tiến công tác quản lý vừa chú trọng bồi dưỡng tư tưởng, ý thức xã hội chủ nghĩa trong nhân dân. Do đó, việc thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1963 đã đạt những thành tích mới.

Những thành tích ấy bắt nguồn từ đường lối xây dựng nền kinh tế tự chủ do Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng đề ra, và từ những phương hướng cụ thể nêu trong các nghị quyết của Trung ương Đảng.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đã nâng cao thêm sự nhất trí về chính trị và tư tưởng trong cán bộ và trong nhân dân, nâng cao thêm một bước nhận thức toàn diện về những vấn đề lớn trong nền kinh tế, động viên nhân dân ta phấn đấu theo đường lối của Đảng và ra sức thực hiện các kế hoạch của Nhà nước về phát triển kinh tế và văn hóa.

Những thành tích đạt được trong năm 1963 cũng là kết quả của phong trào thi đua yêu nước được mở rộng và nâng cao trong nhiều ngành, nhiều địa phương, nhiều đơn vị. Thi đua tập thể phát triển mạnh, các tổ và đội lao động xã hội chủ nghĩa đã phát huy bước đầu tác dụng nòng cốt, đưa phong trào thi đua đi sâu hơn nữa vào việc nâng cao hiệu quả kinh tế, thực hiện kế hoạch. Trong các ngành kinh tế quốc doanh, đã có gần một vạn đơn vị ghi tên phấn đấu trở thành tổ và đội lao động xã hội chủ nghĩa. Phong trào thi đua đã giúp cán bộ và công nhân nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, và xác định bước đầu những quan điểm kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Phong trào thi đua "làm mùa đạt năng suất cao" có 11.616 hợp tác xã, tức là 40% tổng số hợp tác xã tham gia, là một phong trào thi đua lớn nhất từ trước tới nay trong nông nghiệp. Kết quả đã có 1.008 hợp tác xã đạt tiêu chuẩn và giành được giải thưởng thi đua. Tỉnh Vĩnh Phúc với 165 hợp tác xã được thưởng là tỉnh có nhiều hợp tác xã được thưởng nhất; khu vực Vĩnh Linh, tuy số hợp tác xã được thưởng ít hơn, nhưng là nơi đã đạt tỷ lệ cao nhất về số hợp tác xã được thưởng. Điểm nổi bật trong năm 1963 là phong trào thi đua yêu nước đã giáo dục sâu sắc nhân dân lao động miền Bắc kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ cách mạng của nhân dân cả nước ta hiện nay là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và giải phóng miền Nam, thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà.

Những thành tích đạt được trong năm 1963 cũng là kết quả của những tiến bộ của các cơ quan nhà nước trong việc chỉ đạo và quản lý kinh tế. Một số chính sách lớn đã được ban hành nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, như chính sách ổn định nghĩa vụ lương thực, chính sách khai hoang nhân dân, chính sách chăn nuôi, điều chỉnh giá mua lương thực v.v.. Hội đồng Chính phủ, các Bộ, các Tổng cục và các Uỷ ban Nhà nước đã đi sâu hơn vào việc giải quyết các vấn đề cụ thể cho địa phương, cho cơ sở: vấn đề khai thác than, vấn đề xây dựng bộ phận mở rộng của nhà máy xi măng, vấn đề gỗ đóng thuyền, vấn đề thủy lợi hai năm 1964-1965, vấn đề cải tiến nông cụ và cơ giới hóa nông nghiệp... Sự chỉ đạo của các địa phương đã chú trọng các đơn vị trọng điểm và đi sát các cơ sở hơn trước. Việc chỉ đạo chống hạn, chống úng, nhất là trong vụ đông - xuân 1962-1963 đã đưa lại những kết quả tốt.

Nhìn lại việc thực hiện kế hoạch trong năm 1963, chúng ta phấn khởi trước những thành tích và tiến bộ đã đạt, đồng thời cũng thấy rõ những khuyết điểm, nhược điểm trong công tác quản lý kinh tế, chỉ đạo thực hiện kế hoạch và những vấn đề cần phải tiếp tục giải quyết.

Kế hoạch sản xuất nông nghiệp có những mặt không đạt. Ở một số địa phương, nông nghiệp có tiến bộ rõ và đang trên đà chuyển biến tốt, nhưng nhìn chung, sản xuất lương thực, chăn nuôi và cây công nghiệp tăng chậm và chưa đáp ứng yêu cầu. Chúng ta còn phải cố gắng nhiều để thúc đẩy nông nghiệp tiến lên mạnh mẽ hơn nữa.

Giá trị sản lượng công nghiệp quốc doanh Trung ương tuy vượt mức kế hoạch, nhưng một số sản phẩm chủ yếu tăng còn chậm. Công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp chưa phát huy hết khả năng, nhất là về mặt tăng hàng tiêu dùng làm bằng nguyên liệu trong nước. Cần phê phán khuyết điểm của một số xí nghiệp đã để chất lượng sản phẩm sút kém. Một số xí nghiệp xây dựng chậm hoặc chuẩn bị kém, không đi vào sản xuất đúng thời hạn, cũng làm chậm một phần nhịp độ tăng của công nghiệp.

Nguyên nhân của tình hình trên đây, một phần do cơ sở vật chất của ta còn yếu, và trong năm 1963, chúng ta gặp nhiều lần thiên tai; tuy chúng ta đã có những thành tích và tiến bộ đáng kể, nhưng không thể khắc phục được hết những chỗ kém, những thiệt hại đó. Về mặt lập kế hoạch, tổ chức quản lý và chỉ đạo thực hiện, chúng ta cũng còn nhiều khuyết điểm, nhược điểm. Đối với nông nghiệp, một số mặt có đề ra trong kế hoạch, nhưng thiếu quy hoạch cụ thể, việc quy vùng sản xuất làm chậm. Việc chỉ đạo các biện pháp kỹ thuật còn thiếu sót như phân bón và sức kéo còn thiếu, chỉ đạo về giống cây trồng và giống gia súc chưa tiến bộ mấy. Mức bảo đảm nước tưới bằng các công trình thủy lợi còn kém, khả năng của các công trình đã có chưa được phát huy tốt. Trong các ngành công nghiệp, việc lập kế hoạch về một số sản phẩm thiếu cân đối các mặt, việc chỉ đạo sản xuất và quản lý các chỉ tiêu tăng năng suất lao động, hạ giá thành và bảo đảm chất lượng sản phẩm ở nhiều xí nghiệp chưa thật chặt chẽ.

Công tác lưu thông, phân phối trong 6 tháng đầu năm 1963 làm kém; kế hoạch thu mua nông sản không đạt; việc phân phối lương thực lỏng lẻo, đưa đến lãng phí khá nhiều. Công tác quản lý thị trường, tiếp tục cải tạo người buôn bán nhỏ bị xem nhẹ. Từ giữa năm, các ngành lưu thông có chuyển biến tốt và đạt được một số thành tích trong việc thu mua nông sản cũng như việc cung cấp thực phẩm, cung cấp hàng hóa. Điều đó đánh dấu một tiến bộ mới, đồng thời cũng chỉ rõ nếu ta khắc phục được khuyết điểm ấy ngay từ đầu năm thì tình hình có thể tốt hơn nữa.

Trước mắt, để tiếp tục đưa nền kinh tế phát triển nhanh, mạnh và vững chắc, chúng ta phải tập trung sức khắc phục những khuyết điểm trong công tác quản lý kinh tế, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ của năm 1964, tạo điều kiện tốt để tiến lên thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Chúng ta phải nắm vững và quán triệt tốt hơn nữa đường lối công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, xây dựng bước đầu cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Đó là yêu cầu cơ bản nhất hiện nay để khai thác tốt hơn khả năng tiềm tàng trong lực lượng lao động của dân ta, trong tài nguyên thiên nhiên phong phú của nước ta, đẩy nhanh nhịp độ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, căn cứ vào tình hình kinh tế trước mắt và kinh nghiệm thực tiễn thực hiện kế hoạch mấy năm qua, chúng ta phải khéo sắp xếp các mặt cân đối, nắm vững các khâu chủ yếu, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết nhất để tiếp tục tiến lên một cách vững chắc.

*

* *

PHẦN THỨ HAI

NHIỆM VỤ, CHỈ TIÊU VÀ NHỮNG BIỆN PHÁP CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1964

I- PHƯƠNG HƯỚNG CHUNG CỦA KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1964

Trong Hội nghị Chính trị đặc biệt ngày 27 tháng 3 vừa qua,
Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ những nhiệm vụ lớn trước mắt của chúng ta là:

1. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đoàn kết cần đoàn kết hơn nữa. Mọi người hãy nêu cao chí khí phấn đấu, tinh thần cách mạng, không sợ gian khổ khó khăn, phát huy ý thức làm chủ tập thể, dám nghĩ dám làm, hăng hái vươn lên làm tròn nhiệm vụ, hoàn thành thắng lợi kế hoạch nhà nước năm nay và kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

2. Phải làm tốt cuộc vận động "cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp"; cuộc vận động "3 xây 3 chống" trong công nghiệp và các ngành kinh tế quốc dân.

Phải đẩy mạnh phong trào đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế và văn hóa ở miền núi.

Phải ra sức thi đua yêu nước, phát triển tốt các tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa và các hợp tác xã nông nghiệp tiên tiến.

3. Tăng cường không ngừng chính quyền nhân dân. Nghiêm chỉnh thực hiện dân chủ với nhân dân, chuyên chính với kẻ địch. Triệt để chấp hành mọi chế độ và pháp luật Nhà nước. Cần tiến hành tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa III sắp tới.

Phải củng cố lực lượng quốc phòng, giữ gìn trật tự trị an, luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi hoạt động khiêu khích và phá hoại của đế quốc Mỹ và bọn tay sai của chúng.

4. Phải hết lòng ủng hộ cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào miền Nam. Mỗi người phải hăng hái lao động và công tác, góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà.

5. Phải nêu cao tinh thần quốc tế vô sản, giữ gìn và phát triển tình hữu nghị với các nước xã hội chủ nghĩa anh em; hết lòng ủng hộ phong trào giải phóng các dân tộc; đoàn kết với giai cấp công nhân và nhân dân của toàn thế giới trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc do Mỹ cầm đầu, đấu tranh cho hòa bình, độc lập, dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Đó là những phương hướng phấn đấu to lớn của toàn Đảng, toàn dân ta. Chúng ta phấn khởi trước những thắng lợi đã giành được trong 10 năm qua, cũng như những thắng lợi của năm 1963, một năm đấu tranh anh dũng chống thiên tai, bảo vệ sản xuất và ổn định đời sống của nhân dân. Chúng ta càng thêm quyết tâm tiến lên thực hiện những nhiệm vụ mà Hồ Chủ tịch đã chỉ thị, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của năm 1964, tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

Nghị quyết của Quốc hội khóa II, kỳ họp thứ 6, đã nêu rõ trong thời kỳ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, chúng ta phải "phát huy các thắng lợi đã giành được, khắc phục các khó khăn, tập trung sức giải quyết yêu cầu cơ bản nhất là xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của các ngành kinh tế quốc dân, trước hết là các ngành công nghiệp và nông nghiệp. Thực hiện nhiệm vụ đó chính là đẩy lực lượng sản xuất phát triển thêm một bước, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở đó ra sức phát triển sản xuất, nâng cao năng suất lao động xã hội để tăng tích lũy vốn cho sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, cải thiện từng bước đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân, củng cố miền Bắc về mọi mặt, làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà" (trích Nghị quyết của Quốc hội khóa II, kỳ họp thứ 6, tháng 4-1963).

Phương hướng của kế hoạch nhà nước năm 1964 là phải xuất phát từ phương hướng, nhiệm vụ chung của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, đi sâu hơn nữa vào thực tiễn, gấp rút nghiên cứu, đề ra những chủ trương và biện pháp tích cực về sản xuất, lưu thông và phân phối, sử dụng lao động và điều hòa nhân lực trong các ngành kinh tế, đồng thời nghiên cứu bố trí tốt vốn đầu tư và bố trí hợp lý các công trình xây dựng, nhằm giải quyết những vấn đề bức thiết trong nền kinh tế, bảo đảm cho nông nghiệp và công nghiệp phát triển với nhịp độ nhanh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thành những nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

Theo phương hướng nói trên, chúng ta phải tiếp tục tập trung sức giải quyết yêu cầu cơ bản nhất là xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật cho các ngành kinh tế quốc dân, trước hết là nông nghiệp và công nghiệp, bảo đảm hoàn thành tốt các công trình trọng điểm theo thời hạn đã định, đồng thời chú trọng mở rộng công trình đang sản xuất hoặc xây dựng mới một số công trình nhỏ, mau hoàn thành. Cùng với việc tăng thêm cơ sở vật chất và kỹ thuật mới, phải rất chú ý khai thác khả năng của những cơ sở hiện có, phát huy tác dụng của quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong các ngành kinh tế, tạo điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp và công nghiệp với một nhịp độ nhanh hơn. Mặt khác, chúng ta phải rất coi trọng và tổ chức tốt khâu lưu thông và phân phối, bảo đảm cho sản phẩm xã hội được sử dụng hợp lý theo hướng có lợi cho việc mở rộng sản xuất và giải quyết tốt những nhu cầu thiết yếu trong đời sống của nhân dân, trước hết là ăn, mặc, ở. Phải đề cao tiết kiệm về mọi mặt: tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu trong sản xuất và xây dựng cơ bản, tiết kiệm những tư liệu tiêu dùng có thể tiết kiệm được. Để thực hiện tốt hai nhiệm vụ nói trên, chúng ta hết sức chú trọng cải tiến công tác quản lý kinh tế: tăng cường công tác lập kế hoạch và chỉ đạo thực hiện kế hoạch, dựa vào cuộc vận động "Cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật nhằm phát triển nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc" và cuộc vận động "3 xây, 3 chống" mà cải tiến công tác quản lý ở các ngành, các cấp, các cơ sở và thúc đẩy việc thực hiện kế hoạch. Đi đôi với phát triển kinh tế, phải hết sức nâng cao cảnh giác, tăng cường kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế và quốc phòng, giữ vững trật tự an ninh, bảo vệ công cuộc lao động hòa bình ở miền Bắc, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu và hành động phá hoại, khiêu khích của đế quốc Mỹ và bọn tay sai.

Muốn tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải kiên trì thực hiện từng bước công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Dựa vào cơ sở vật chất và kỹ thuật ngày càng được tăng thêm, chúng ta dần dần giải quyết sự cân đối giữa nông nghiệp và công nghiệp, và giải quyết thêm những yêu cầu về ăn, mặc, ở của nhân dân.

Trong năm 1964 và tiếp theo mấy năm sau nữa, trong khi tiến lên giải quyết vấn đề cơ bản ấy, chúng ta cần nắm vững và giải quyết tốt vấn đề lương thực, vấn đề hàng xuất khẩu, vấn đề lao động và nhân khẩu không sản xuất nông nghiệp, vấn đề tiếp tục cải tạo thợ thủ công và người buôn bán nhỏ, coi đó là những khâu quan trọng, những vấn đề bức thiết trong nền kinh tế. Muốn giải quyết các vấn đề này, điều mấu chốt nhất là phải ra sức đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và công nghiệp tiến lên với nhịp độ nhanh hơn, phải gắn bó chặt chẽ nông nghiệp và công nghiệp, thực hiện tốt việc trao đổi sản phẩm và thúc đẩy lẫn nhau giữa hai ngành sản xuất vật chất cơ bản ấy, để tạo điều kiện tăng nhanh sản phẩm xã hội, và dựa vào đó, sắp xếp đúng đắn tỷ lệ giữa tích lũy và tiêu dùng. Mặt khác, chú ý giải quyết bốn khâu ấy chính là để tạo thuận lợi cho sự phát triển cân đối của nền kinh tế, thúc đẩy nông nghiệp và công nghiệp phát triển, phục vụ tốt yêu cầu xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội và cải thiện từng bước đời sống của nhân dân.

Dựa theo phương hướng đã trình bày trên đây, xin đề nghị Quốc hội thông qua những chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch nhà nước năm 1964 như sau:

1. Nông nghiệp:

- Giá trị tổng sản lượng nông nghiệp 2.470 triệu đồng, tăng 7% so với năm 1963.

- Sản phẩm chủ yếu:

Lương thực (quy ra thóc)

Bông hạt

Đay bẹ

Gai bẹ khô

Cói khô

Lạc vỏ

Mía cây

Thuốc lá (lá khô)

Chè khô

Cà phê nhân

Tơ tằm

Trâu và bò

Lợn

Thịt hơi (trâu, bò, lợn)

Cá ao, hồ, ruộng

Giá trị hàng nông sản do Nhà nước mua và thu thuế

6.000.000

6.900

23.500

1.550

26.000

41.000

700.000

4.000

3.500

1.600

280

2.348.000

4.500.000

180.000

90.000

505 triệu

 

tấn

"

"

"

"

"

"

"

"

"

"

con

con

tấn

tấn

đồng

 

 

2. Công nghiệp:

- Giá trị tổng sản lượng công nghiệp và thủ công nghiệp 2.485 triệu đồng, tăng 11% so với 1963.

- Sản phẩm chủ yếu:

Điện phát ra

Than sạch

Apatít

Quặng cơrôm

Phân bón các loại

Máy cắt gọt kim loại

Máy bơm nước điêden

Máy phát lực 20 – 40
mã lực

Xi măng

Gỗ tròn (đã đưa đến chỗ phân phối)

Cá (đánh ở biển)

Muối

Nước mắm

Đường và mật

Chè

Thuốc lá

Vải và lụa

Giấy các loại

Xe đạp

566 triệu KW giờ

3.600.000 tấn

700.000 tấn

28.000 tấn

200.000 tấn

420 cái

1.000 cái

800 cái

610.000 tấn

1.000.000 m


125.000 tấn

170.000 tấn

42.000.000 lít

36.000 tấn

2.670 tấn

130.000.000 bao

113.000.000 mét

20.800 tấn

60.000 chiếc

3. Vận tải:

- Khối lượng hàng hóa vận tải trong nước 1.413 triệu tấn/cây số.

4. Xây dựng cơ bản:

- Vốn đầu tư xây dựng cơ bản về kinh tế và văn hóa: 837 triệu đồng

- Tỷ trọng đầu tư vào từng ngành:

Khu vực có tính chất sản xuất 90,2%

Công nghiệp 47,7%

Nông nghiệp 25,0%

Vận tải và bưu điện 13,9%

Khu vực không có tính chất sản xuất 9,8%

Nhà ở 2,9%

Văn hóa, giáo dục, bảo vệ sức khỏe và lợi ích công cộng 4,7%

5. Nội thương:

- Mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ của thương nghiệp xã hội chủ nghĩa: 1.660 triệu đồng

- Hàng bán lẻ chủ yếu trong xã hội:

Lương thực (quy ra gạo) 660.000 tấn

Thịt xô (trâu, bò, lợn) 33.100 tấn

Nước mắm 41.000.000 lít

Đường và mật 17.500 tấn

Vải và lụa 80.900.000 mét

Chiếu cói 2.600.000 đôi

Giấy viết 6.200 tấn

Xe đạp 85.000 chiếc

6. Ngoại thương:

- Giá trị xuất khẩu tăng khoảng 20% so với năm1963.

- Giá trị hàng nhập khẩu ngang với năm 1963.

7. Năng suất lao động và giá thành:

- Năng suất lao động một nhân viên sản xuất công nghiệp quốc doanh Trung ương tăng 7,2%.

- Năng suất lao động một nhân viên xây lắp thuộc Trung ương quản lý tăng 8,0%.

- Năng suất lao động một nhân viên vận tải quốc doanh tăng 0,3%.

- Giá thành các sản phẩm có thể so sánh được của công nghiệp quốc doanh Trung ương giảm 2,75%.

- Giá thành vận tải (thuộc Bộ Giao thông) giảm 1,5%.

- Phí lưu thông của Bộ Nội thương giảm 4,8%.

8. Đào tạo công nhân và cán bộ kỹ thuật:

- Số công nhân đào tạo tại các trường lớp :16.750 người

- Số sinh viên đại học đầu năm học 1964-1965 : 28.700 người

- Số học sinh trung cấp đầu năm học 1964-1965 : 35.750 người.

9. Văn hóa, giáo dục, y tế:

- Số sách xuất bản : 25.000.000 bản

- Số báo xuất bản :72.000.000 tờ

- Số học sinh phổ thông đầu năm học : 2.844.000 người

- Số bệnh viện và bệnh xá : 450 cái

- Số giường bệnh : 28.400 giường.

II- NHIỆM VỤ CỤ THỂ VÀ BIỆN PHÁP CHỦ YẾU
CỦA CÁC NGÀNH KINH TẾ VÀ VĂN HÓA

1. Đẩy mạnh sản xuất và xây dựng, đưa các ngành nông nghiệp và công nghiệp tiến lên với nhịp độ nhanh hơn

Phát huy mạnh mẽ chí khí đấu tranh cách mạng và nhiệt tình lao động của quần chúng, dựa vào cơ sở vật chất và kỹ thuật hiện có và được tăng thêm, làm cho của cải xã hội, bao gồm cả tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng, tăng lên với nhịp độ nhanh hơn nữa, đó là yêu cầu đặc biệt trọng yếu của kế hoạch nhà nước năm 1964.

Đối với sản xuất nông nghiệp năm 1963, chúng ta dựa vào cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật và phong trào làm thủy lợi, phát huy mạnh mẽ tính hơn hẳn của quan hệ sản xuất mới trong nông thôn, tiến thêm một bước giải quyết tốt ba yêu cầu lớn: sản xuất lương thực, phát triển chăn nuôi, nhất là nuôi lợn và cá, và đẩy mạnh các loại cây công nghiệp chủ yếu phục vụ công nghiệp và phục vụ xuất khẩu.

Phát triển sản xuất lương thực, tiến lên tự giải quyết vững chắc vấn đề lương thực ở miền Bắc là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Chúng ta đã thu được kết quả bước đầu trong việc thực hiện chủ trương đó. Năm nay phải chú ý hơn nữa việc thâm canh tăng năng suất lúa, đồng thời chỉ đạo mạnh hơn nữa những biện pháp để mở rộng diện tích và tăng năng suất hoa màu, và phát triển mạnh các loại rau. Trong việc sản xuất màu, cần tùy theo điều kiện từng vùng mà chọn thứ trồng cho thích hợp; nhưng nói chung, cần phát triển rộng rãi khoai lang, đồng thời chú trọng ngô, sắn và những cây có chất bột khác, như khoai nước và giong riềng. Nghiên cứu đẩy mạnh việc tăng vụ, chuyên vụ, rải vụ, xen canh gối vụ để tăng thêm diện tích trồng màu, nhưng phải chú ý bảo đảm sản lượng lúa, đồng thời phải bảo đảm các loại cây công nghiệp chủ yếu. Chú trọng phát triển mạnh các loại rau ngắn ngày: ngoài rau xanh, chú ý bầu, bí, các thứ dưa, các loại đậu.

Ngành chăn nuôi tiến bộ còn chậm, chưa đáp ứng kịp yêu cầu về thực phẩm, phân bón, nhất là về sức kéo vẫn thiếu nhiều. Cần sử dụng thật tốt số 5% đất để lại trồng các loại cây làm thức ăn cho gia súc. Xem trọng phòng bệnh súc vật, có kế hoạch cải tạo từng bước các giống gia súc. Chú trọng phát triển chăn nuôi lợn tập thể; đẩy mạnh chăn nuôi trâu, bò đẻ ở miền núi và ở trung du để cung cấp cho đồng bằng, đồng thời hết sức xem trọng bảo vệ đàn trâu bò và phát triển chăn nuôi sinh sản ở đồng bằng để dần dần tự giải quyết sức kéo. Tiếp tục đẩy mạnh nuôi cá và các loại gà, vịt, ngan, ngỗng, thỏ, dê, hươu, ong… tùy theo điều kiện ở mỗi địa phương.

Đẩy mạnh sản xuất cây công nghiệp là một yêu cầu bức thiết nhất phục vụ công nghiệp và để xuất khẩu đổi lấy những nguyên liệu cần cho sản xuất, phục vụ nông nghiệp và các ngành kinh tế khác. Phải giải quyết tốt các vấn đề giống, phân bón, cung cấp lương thực, chính sách thu mua v.v., để tăng nhanh các loại cây công nghiệp chủ yếu: lạc, đay, gai, bông, cói, mía, chè, thuốc lá, dâu tằm… Cần có chuyển biến mạnh trong việc phát triển gai và dâu tằm để góp phần giải quyết vấn đề mặc cho nhân dân. Chú ý các loại cây có dầu như trẩu, sở và phát triển mạnh các cây ăn quả.

Các hợp tác xã phải nắm việc quản lý cây công nghiệp, trong khi mở rộng diện tích, phải chú ý chăm sóc để bảo đảm chất lượng của cây trồng.

Sơ bộ quy vùng nông nghiệp và tập trung chỉ đạo các vùng trọng điểm là một phương hướng rất lớn trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp năm nay. Phải xúc tiến bước đầu quy vùng sản xuất về lúa, ngô, cây công nghiệp, chăn nuôi, trong đó có những trọng điểm phải tập trung chỉ đạo thâm canh tăng năng suất, làm cho sản xuất ở những nơi đó tiến bộ rõ rệt, đồng thời hướng dẫn các địa phương, các hợp tác xã xác định phương hướng sản xuất một cách có lợi nhất. Trong các vùng, cần chú ý các cây chủ yếu, đồng thời tùy theo điều kiện đất đai, tập quán mà phát triển các cây phối hợp và các cây phụ, chú ý thực hiện luân canh để sử dụng đất hợp lý, góp phần cải tạo đất và tăng năng suất cây trồng.

Sau khi có dự kiến của Nhà nước, các địa phương sẽ dựa vào đó mà bước đầu quy vùng cụ thể cho địa phương mình, và phải tổ chức chỉ đạo sản xuất một cách tập trung, trong từng thời gian phải nắm chắc những cây chủ yếu.

Chúng ta tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động đồng bào miền xuôi tham gia phát triển kinh tế miền núi: một mặt, ra sức củng cố những nơi khai hoang, làm cho các cơ sở hiện có sớm tự giải quyết được lương thực tùy theo yêu cầu và khả năng từng nơi, tiến tới có nông sản hàng hóa và cải thiện dần đời sống của đồng bào đi khai hoang; mặt khác, ra sức vận động đồng bào miền xuôi tiếp tục lên miền núi. Đi đôi với khai hoang, phải thực hiện tốt các biện pháp chống xói mòn, chú trọng công tác trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ các tài nguyên khác về rừng có giá trị. Hết sức coi trọng việc khai hoang ở ven biển.

Các nông trường quốc doanh vẫn lấy củng cố làm chính, chỉ mở rộng diện tích trong phạm vi thật cần thiết và ở nơi có điều kiện. Phải kiên quyết làm như vậy để nâng cao chất lượng mọi mặt công tác của nông trường. Phải chăm sóc thật tốt các cây công nghiệp lâu năm đã có, đồng thời cố gắng hơn nữa trồng cây công nghiệp ngắn ngày, chú ý phát triển cây lương thực, chăm sóc tốt đàn gia súc hiện có, đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn.

Dựa theo phương hướng, nhiệm vụ sản xuất cụ thể, đúng đắn, của từng nông trường, phải tận dụng đúng sức người, sức máy hiện có để đạt hiệu quả kinh tế tốt hơn, nộp được nhiều sản phẩm, thực hiện kinh doanh có lãi và phát huy được tác dụng gương mẫu của nông trường quốc doanh đối với các hợp tác xã nông nghiệp. Phải thực hiện thâm canh tốt hơn, liên tục và toàn diện trong các ngành nông nghiệp của nông trường. Phải ra sức cải tiến các mặt quản lý và làm thật tốt cuộc vận động "3 xây, 3 chống" trong các nông trường.

Trong các biện pháp kỹ thuật để bảo đảm thực hiện kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 1964, chúng ta chú trọng ba khâu: nước, phân và giống, đồng thời đẩy mạnh cải tiến công cụ, và bước đầu cơ khí hóa nông nghiệp, chú ý sức kéo, bảo vệ cây trồng và gia súc. Mặt khác, cần dựa trên những nguyên tắc khoa học kết hợp với kinh nghiệm lâu đời của nông dân ta, gấp rút nghiên cứu nông lịch để hướng dẫn việc gieo trồng thích hợp với thời tiết.

Đặc biệt là về thủy lợi, chúng ta thực hiện rộng rãi phong trào làm thủy lợi hai năm 1964-1965. Thực tiễn đã xác nhận thủy lợi là biện pháp hàng đầu, là yếu tố đặc biệt quan trọng để tăng năng suất ruộng đất. Trong năm 1964, công tác thủy lợi phải bảo đảm nước tưới suốt vụ cho lúa trong điều kiện thời tiết nắng hạn bình thường, bảo đảm đủ nước và giữ độ ẩm cần thiết cho hoa màu và cây công nghiệp trồng tập trung. Đối với diện tích còn lại không đủ nước tưới suốt vụ, phải tìm mọi cách để tưới và nhất là giữ độ ẩm cần thiết để bảo đảm năng suất và sản lượng. Cần ra sức mở rộng diện tích tưới nước tự chảy, đẩy mạnh việc tưới nước theo phương pháp tiên tiến. Phải rất chú ý đắp bờ, khoanh vùng để giữ nước, giữ màu đất, phòng và chống úng và hạn, tích cực chống lũ, lụt và phòng bão; củng cố và tăng cường các đê sông, đê biển, trồng cây chống sóng. Để bảo đảm nhiệm vụ thủy lợi năm nay, phải tổ chức tốt các đội chuyên làm thủy lợi trong các hợp tác xã nông nghiệp, sử dụng rộng rãi các công cụ nửa cơ giới, nhất là ở các công trình đầu mối.

Để thực hiện các biện pháp kỹ thuật, các hợp tác cần đầu tư thêm lao động vào nông nghiệp, bỏ thêm công lao động vào một đơn vị diện tích trước hết là vào làm thủy lợi, làm đất, làm phân bón, chọn giống tốt, là những khâu có tác dụng trực tiếp nhất đến năng suất cây trồng; cần khắc phục những ý nghĩ sai lầm như sợ chi phí sản xuất cao, hoặc chỉ muốn dành thêm thì giờ phát triển kinh tế phụ gia đình mà không muốn tăng thêm số ngày công làm cho hợp tác xã.

Tóm lại, tiến thêm một bước phát triển nông nghiệp toàn diện là một yêu cầu rất lớn trong năm 1964. Để bảo đảm thực hiện yêu cầu ấy, phải đẩy mạnh và tiếp tục làm tốt cuộc vận động "Cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, nhằm phát triển nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ, và vững chắc", phát huy thắng lợi của những hợp tác xã đã cải tiến, củng cố thường xuyên các hợp tác xã chưa qua cải tiến, bảo đảm hoàn thành tốt cuộc vận động lần thứ nhất.

Trong công nghiệp, phải tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật, phấn đấu đưa sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp phát triển với nhịp độ nhanh hơn năm qua, hướng công nghiệp phục vụ tốt hơn nữa yêu cầu của nông nghiệp, của xuất khẩu, của giao thông vận tải, và của bản thân ngành công nghiệp. Đối với công nghiệp địa phương, vấn đề lớn hiện nay là khả năng chưa được khai thác tốt. Phải xúc tiến việc quy hoạch, hướng sự phát triển các ngành nghề phù hợp với đặc điểm từng địa phương (tỉnh đồng bằng, thành phố, tỉnh miền núi, trung du, tỉnh có khả năng phát triển toàn diện v.v..), chú trọng các ngành khai thác gỗ, đánh cá, làm muối, chế biến lâm thổ sản, đóng thuyền, sản xuất nông cụ, vôi, gạch, ngói, đồ sành sứ, dệt thảm, dệt chiếu cói, ươm tơ… Dựa vào quy hoạch, các địa phương cần định rõ những mặt hàng có thể phát triển sản xuất nhằm phát triển công nghiệp địa phương một cách vững chắc và mạnh mẽ.

Những ngành công nghiệp cần được đặc biệt chú ý trong năm nay là than, cơ khí, xi măng, gỗ, cá và muối.

Về than, Công ty than Hòn Gai cần kết hợp chặt chẽ kế hoạch khai thác với kế hoạch cải tạo mỏ, cố gắng vươn lên thực hiện vượt mức kế hoạch, nâng cao hơn nữa tỷ lệ than tốt (than cục và than cám tốt), giảm tỷ lệ than xấu đến mức thấp nhất. Cần tiến hành khẩn trương các công tác chuẩn bị để khai thác các mỏ phụ, góp phần tích cực bảo đảm sản lượng than. Đẩy mạnh khai thác than Na Dương.

Đối với ngành cơ khí, cần hoàn thành việc sơ bộ quy hoạch, xác định cụ thể phương hướng trang bị của các ngành và phân công sản xuất để phát huy tốt năng lực của các xí nghiệp cơ khí. Chú trọng sản xuất thêm bơm dầu và bơm điện phục vụ công tác thủy lợi; tăng sản xuất ca-nô, tàu kéo; đẩy mạnh sản xuất phụ tùng cho các ngành.

Để đáp ứng yêu cầu về xi măng ngày càng lớn, phải huy động tốt công suất của hệ thống mở rộng của nhà máy xi măng Hải Phòng.

Về gỗ, phải bảo đảm tỷ lệ các loại gỗ cần cho việc đóng thuyền vận tải và thuyền đánh cá, gỗ chống lò và gỗ cho xuất khẩu. Đặc biệt chú ý vấn đề vận chuyển gỗ.

Ngành đánh cá biển mấy năm gần đây tiến bộ chậm. Cần khắc phục khuyết điểm ấy, cố gắng tăng nhanh sản lượng cá để đáp ứng nhu cầu của nhân dân về thực phẩm. Cần tăng cường chỉ đạo phương châm nghề khơi, nghề lộng, sát với từng địa phương, và dựa vào đó, xác định việc phát triển các loại thuyền, lưới cho thích hợp. Các ngành có trách nhiệm cần hết sức chú ý cung cấp nguyên liệu làm lưới, nguyên liệu đóng thuyền, cải tiến việc cho vay và thu nợ kết hợp với việc mua cá. Phải tăng cường chỉ đạo nghề đánh cá thủ công, củng cố tốt các hợp tác xã nghề cá.

Về muối, phải đẩy mạnh sản xuất, tăng sản lượng muối nhanh hơn nữa. Muốn vậy, phải có kế hoạch huy động nhân lực, hết sức tranh thủ ngày nắng ráo, đồng thời hướng dẫn cải tiến từng bước kỹ thuật làm muối. Chú ý việc cung cấp vật tư cho nghề muối và xây dựng nhanh các đồng muối mới.

Trong việc chỉ đạo sản xuất công nghiệp, phải đặc biệt chú trọng chất lượng sản phẩm. Cần nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ và của công nhân, đồng thời tăng cường công tác chỉ đạo kỹ thuật để bảo đảm chất lượng. Tích cực giải quyết vấn đề nguyên liệu cho các xí nghiệp. Cần chú trọng bổ sung thiết bị kỹ thuật để cho dây chuyền sản xuất được cân đối, tạo điều kiện cho xí nghiệp tăng thêm sản lượng và nâng cao chất lượng. Để phát triển sản xuất, nhất là để chuẩn bị cho các năm sau, cần khắc phục tình trạng chậm trễ trong công tác điều tra cơ bản (nhất là than, gỗ, cá biển). Ngành địa chất cần đẩy mạnh hơn nữa các công tác nghiên cứu, tìm kiếm và thăm dò, đặc biệt là những khoáng sản cần thiết cho những năm trước mắt. Đẩy mạnh các công tác nghiên cứu, thiết kế, sản xuất thử, nhằm tăng thêm mặt hàng mới.

Về xây dựng cơ bản, vốn đầu tư năm 1964 được phân phối tập trung cho những nhu cầu cấp bách về sản xuất và những công trình trọng điểm, tạo điều kiện tăng nhanh năng lực sản xuất trong năm nay và các năm sau. Đi đôi với việc xây dựng mới, chúng ta chú trọng đầu tư vào các cơ sở đang sản xuất để tăng thêm thiết bị kỹ thuật, bổ sung dây chuyền sản xuất, giúp các cơ sở ấy nâng cao chất lượng sản phẩm hoặc sản xuất thêm mặt hàng mới.

Chúng ta rất xem trọng tăng thêm vốn và vật tư vào xây dựng thủy lợi, nhất là những công trình do Nhà nước đầu tư để mau chóng đưa vào sản xuất; đồng thời các địa phương cần chú ý đúng mức xây dựng các công trình nhỏ, phát triển các kênh mương, tu bổ, nạo vét các công trình cũ, để tận dụng công suất của những công trình đã có.

Khoảng 47,7% vốn đầu tư vào công nghiệp được dành cho các ngành công nghiệp nặng, trước hết là cho các ngành: điện (nhà máy điện và đường dây tải điện), các mỏ than, cơ sở gang thép, phân đạm. Chúng ta bắt đầu xây dựng một số cơ sở mới về cơ khí (như xưởng dụng cụ cắt gọt, cơ khí sửa chữa của mỏ than, nhà máy xe đạp); có chú ý tăng thêm đầu tư vào việc khai thác gỗ, và trang bị thêm cho nghề cá.

Về công nghiệp nhẹ, chúng ta tiếp tục xây dựng cho xong một số xí nghiệp (như nhà máy dệt 8/3, bộ phận mở rộng của nhà máy thuốc lá Thăng Long, nhà máy giấy Việt Trì, xưởng mỳ chính…). Đẩy nhanh xây dựng các đồng muối để sớm đưa vào sản xuất.

Ngành giao thông vận tải sẽ được tăng thêm phương tiện vận tải, phương tiện bốc xếp và sửa chữa. Việc xây dựng một số công trình quan trọng như đường sắt Hàm Rồng - Vinh, xưởng đóng tàu Hải Phòng, được chú ý đẩy mạnh.

Vốn đầu tư vào các công trình không có tính chất sản xuất chủ yếu nhằm giải quyết các yêu cầu sau đây: xây dựng nhà ở cho công nhân viên chức tại các khu công nghiệp; xây dựng 13 nhà máy nước; tiếp tục xây dựng 15 bệnh viện cho các địa phương miền núi.

Ở các tỉnh, cần dành nhiều vốn đầu tư hơn cho xây dựng thủy lợi và vận tải, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển sản xuất của địa phương.

Tóm lại, hàng năm Nhà nước chúng ta dành một số vốn khá lớn để mở rộng xây dựng cơ bản, nhằm tăng thêm tài sản cố định, thực hiện tái sản xuất mở rộng. Công nhân và nhân viên công tác ngành xây dựng cơ bản cần phải quản lý tốt việc thiết kế, thi công, ra sức tăng năng suất lao động và hạ giá thành xây dựng, bảo đảm đưa công trình đi vào sản xuất đúng thời hạn, phát huy tốt hơn nữa hiệu quả của vốn đầu tư.

Công tác giao thông vận tải cần được tăng cường hơn nữa để phục vụ tốt yêu cầu của các ngành sản xuất và yêu cầu đi lại của nhân dân. Chúng ta chú trọng cải tạo, phát triển mạnh vận tải đường thủy, đẩy mạnh vận tải đường sắt, phát triển thích đáng vận tải ô tô, tăng thiết bị bốc xếp và quản lý tốt cảng Hải Phòng, nhằm bảo đảm vận tải các hàng chủ yếu trên những tuyến đường chính.

Tích cực khai thác và sử dụng tốt lực lượng sẵn có là một yêu cầu đặc biệt quan trọng đối với ngành vận tải để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ. Muốn vậy, phải ra sức cải tiến và tăng cường công tác quản lý, nhằm nâng cao năng suất của các phương tiện, nâng cao năng lực thông quan của các bến, cảng. Cần chú trọng cải tiến và tăng cường công tác kế hoạch và điều độ vận tải, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan có hàng vận chuyển với các ngành vận tải.

Tiếp tục cải tạo và xây dựng từng bước mạng lưới giao thông vận tải cho thống nhất và hợp lý hơn, kết hợp chặt chẽ với tình hình phân bố hàng hóa giữa các vùng; phát triển giao thông đi sâu hơn nữa vào nông thôn và miền núi.

Chúng ta tiếp tục củng cố và mở rộng mạng lưới bưu điện, chú trọng miền núi, tăng cường lực lượng thông tin liên lạc từ Trung ương đi các tỉnh. Củng cố các cơ sở bưu điện nông thôn đi đôi với nâng cao chất lượng phục vụ. Mặt khác, cần mở rộng mạng lưới truyền thanh đi sâu vào nông thôn, vào các cơ sở sản xuất; đẩy mạnh việc sản xuất phụ tùng và máy móc, thiết bị thông tin và truyền thanh.

2. Cải tiến công tác thu mua và phân phối hàng hóa; hết sức tiết kiệm tiêu dùng trong nước để tăng nhanh mặt hàng xuất khẩu

Để tiến lên giải quyết một cách vững chắc vấn đề lương thực, chúng ta phải phấn đấu trên nhiều mặt: đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, đồng thời tăng cường quản lý chặt chẽ và hợp lý việc phân phối, tiêu dùng. Trước mắt, phải quản lý tốt việc phân phối, tiêu dùng, phấn đấu để với khả năng sản xuất hiện nay, nhờ có sự phân phối và tiêu dùng hợp lý, chúng ta vẫn giải quyết được tốt vấn đề lương thực.

Cần bảo đảm cho Nhà nước nắm được phần rất lớn lương thực hàng hóa; quản lý tốt việc tiêu dùng trong nông thôn cũng như trong khu vực không sản xuất nông nghiệp; tăng cường quản lý thị trường tự do về lương thực.

Cần làm cho bà con xã viên hợp tác xã nông nghiệp và toàn thể đồng bào nông dân thấu suốt và chấp hành đầy đủ chính sách ổn định nghĩa vụ lương thực; mặt khác, cần phải quản lý chặt chẽ và phân phối hợp lý số lương thực thu mua được, vừa bảo đảm yêu cầu phát triển của các ngành kinh tế, vừa tránh được lãng phí. Ngành lương thực cần nghiên cứu gấp các chế độ cấp phát cho chặt chẽ. Đối với nông thôn, cần phân định rõ phạm vi phụ trách của cơ quan nhà nước và phần phụ trách của hợp tác xã nông nghiệp trong việc phân phối lương thực.

Chúng ta cũng phải chú ý rất đúng mức việc mua các loại thực phẩm và các cây công nghiệp. Cần dựa vào việc sơ bộ quy vùng cây công nghiệp mà nâng cao hơn nữa tỷ lệ mua các cây chủ yếu. Ngành thương nghiệp và các ngành khác có trách nhiệm cần tăng cường giúp đỡ sản xuất cây công nghiệp, nhất là ở các vùng trọng điểm, chú trọng cung cấp phân hóa học, hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp lương thực và trao đổi hàng công nghiệp. Áp dụng rộng rãi hình thức hợp đồng giữa cơ quan thu mua và các hợp tác xã nông nghiệp.

Về mặt phân phối hàng hóa cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, ngành thương nghiệp phải có kế hoạch bảo đảm cung cấp một cách có trọng điểm, chú trọng những nhu cầu thiết yếu nhất. Ở các thành phố và khu công nghiệp, phải tạo cơ sở giải quyết tốt vấn đề thực phẩm, phấn đấu ổn định giá cả và đưa giá thực phẩm xuống mức hợp lý. Ở nông thôn, phải mở rộng và tăng cường trao đổi hàng hóa, chú trọng cung cấp vật liệu xây dựng, đồ dùng trong nhà và những hàng công nghiệp cần thiết cho bà con nông dân. Phải cải tiến phương thức phân phối cho thích hợp với yêu cầu của từng nơi, từng đối tượng, đồng thời phải nâng cao hơn nữa tinh thần tự giác tiết kiệm tiêu dùng, nhất là đối với những sản phẩm phải dựa vào nguyên liệu nhập khẩu.

Để bảo đảm khối lượng hàng công nghiệp, kể cả những hàng hóa do các ngành thủ công nghiệp sản xuất, phải rất chú trọng công tác kinh doanh nắm nguồn hàng, cải tiến thêm một bước các hình thức và biện pháp thu mua.

Nhiệm vụ của ngành thương nghiệp trong kế hoạch nhà nước năm 1964 rất quan trọng. Cần phải củng cố tổ chức, nâng cao quan điểm kinh doanh xã hội chủ nghĩa, nâng cao trình độ chính sách và trình độ nghiệp vụ cho các cán bộ và nhân viên công tác thương nghiệp. Phải mở rộng mạng lưới thương nghiệp quốc doanh, làm tốt việc đưa hợp tác xã mua bán về xã; sắp xếp tốt các tổ hợp tác của người buôn bán nhỏ. Phải tăng cường quản lý thị trường, tích cực chống đầu cơ tích trữ, đấu tranh để ổn định vật giá.

Công tác ngoại thương có một vị trí đặc biệt quan trọng để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Phải nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ và của nhân dân ta về tầm quan trọng của ngoại thương, động viên mọi người đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, dành hàng tốt để xuất khẩu đổi lấy thiết bị, máy móc cần thiết.

Trong năm 1964, chúng ta phải tăng xuất khẩu theo một nhịp độ nhanh hơn, chú trọng các loại sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp có giá trị, các hàng thủ công và các nông sản đã chế biến. Cần tận dụng khả năng đất đai, tổ chức lại sức lao động để phát triển các loại cây công nghiệp như đay, gai, cói, lạc, thuốc lá, chè…, điều tiết hợp lý sự tiêu dùng trong nước để vừa tăng nhanh xuất khẩu, vừa nâng cao đời sống của nông dân.

Cần quy định những vùng trồng cây công nghiệp, cây ăn quả và vùng chăn nuôi chuyên phục vụ xuất khẩu, hướng dẫn và giúp đỡ nông dân nâng cao năng suất và chất lượng các sản phẩm ấy. Các nông trường cũng phải cố gắng cung cấp ngày càng nhiều nông sản cho xuất khẩu. Đẩy mạnh hơn nữa việc khai thác các loại khoáng sản, các mặt hàng công nghiệp nhẹ và hàng thủ công, nhất là những mặt hàng dùng nguyên liệu trong nước, và không ngừng nâng cao giá trị các hàng hóa ấy nhằm tăng khối lượng hàng xuất khẩu.

Về mặt nhập khẩu, phải chú ý đáp ứng những nhu cầu thiết yếu nhất, tránh phân tán, lãng phí ngoại tệ.

Phải tăng cường công tác tư tưởng, công tác tổ chức và nghiệp vụ ngoại thương, sắp xếp hợp lý việc xuất khẩu và nhập khẩu, bảo đảm hàng nhập đúng thời gian, đúng số lượng và chất lượng.

Công tác tài chính là một công cụ quan trọng của Nhà nước chúng ta để tiến hành kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân, bảo đảm phát triển sản xuất, thực hiện công nghiệp hóa và thúc đẩy cải tạo xã hội chủ nghĩa. Chúng ta phải tăng cường hơn nữa quản lý tài chính, thực hiện tốt nhiệm vụ tích lũy vốn và dùng vốn một cách tiết kiệm và có hiệu quả hơn nữa.

Phương hướng chủ yếu để tăng thu là ra sức khai thác khả năng tiềm tàng trong nền kinh tế, nâng cao mức sử dụng công suất của thiết bị, máy móc, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, bảo đảm chất lượng hàng hóa và tổ chức tiêu thụ tốt. Các ngành kinh tế quốc doanh phải tăng cường công tác hạch toán kinh tế, phấn đấu thực hiện kế hoạch sản xuất với năng suất cao và giá thành hạ, giảm bớt phí lưu thông, tổ chức thu nộp cho Nhà nước đủ, nhanh, và đúng hạn. Đối với khu vực kinh tế tập thể và bộ phận sản xuất riêng lẻ còn lại, song song với việc giáo dục về nghĩa vụ đối với Nhà nước, thúc đẩy công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa, tăng cường quản lý tài vụ của hợp tác xã, tăng cường quản lý thị trường, cần phải chú trọng công tác thu thuế công thương nghiệp, chống thất thu có hiệu quả hơn.

Chúng ta còn phải chú ý các nguồn thu khác ở các địa phương, ở các cơ quan hành chính và sự nghiệp, động viên các cấp, các ngành thường xuyên coi trọng nhiệm vụ tích lũy vốn cho Nhà nước.

Trong việc phân phối vốn và dùng vốn, phải tập trung cho yêu cầu xây dựng cơ bản và các sự nghiệp xây dựng kinh tế, hết sức giúp đỡ nông nghiệp phát triển và bảo đảm các khoản chi cần thiết khác. Kiên quyết giảm những khoản chi quá mức về hành chính, những khoản chi không hợp lý về đào tạo cán bộ. Phải kiểm tra việc dùng vốn cho vay dài hạn; cải tiến thêm một bước việc cấp vốn lưu động cho các xí nghiệp công nghiệp và thương nghiệp: xác định mức hợp lý và quản lý chặt chẽ việc chi dùng.

Về tín dụng và tiền tệ, phải ra sức huy động vốn tạm thời nhàn rỗi trong các hợp tác xã và trong nhân dân, đẩy mạnh hơn nữa việc vận động gửi tiền tiết kiệm. Việc cho vay dài hạn đối với khu vực kinh tế hợp tác xã về thực chất là cấp vốn nhằm giúp đỡ xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật và phát triển sản xuất trong khu vực này. Cần phải đi sát các cơ sở sản xuất, góp phần thiết thực giải quyết việc cho vay một cách đúng đắn, kịp thời, bảo đảm hiệu quả tốt của đồng vốn bỏ ra, phát triển được lực lượng sản xuất, củng cố được hợp tác xã, tăng thêm thu nhập cho xã viên, tăng tích lũy của hợp tác xã và trả nợ cho ngân hàng đúng hạn. Năm 1964, vốn cho vay đối với nông nghiệp phải nhằm tăng cho việc cải tạo đất, làm thủy lợi, khai hoang và chăn nuôi. Mặt khác, cần phát huy tinh thần cần kiệm xây dựng hợp tác xã, động viên thêm vốn tự có của xã viên vào việc phát triển sản xuất. Trong khu vực kinh tế quốc doanh, kết hợp với cuộc vận động "3 xây, 3 chống", và thông qua công tác tín dụng ngắn hạn, công tác thanh toán, công tác quản lý quỹ tiền lương, ngân hàng phải phát huy tích cực hơn nữa tác dụng kiểm soát bằng đồng tiền, góp phần củng cố hạch toán kinh tế của các ngành. Cần cải tiến hơn nữa nghiệp vụ của ngân hàng, kết hợp với công tác tài chính và thương nghiệp để làm tốt việc điều hòa lưu thông tiền tệ, củng cố sức mua của đồng tiền.

3. Ra sức nâng cao năng suất lao động trong các ngành kinh tế; tăng cường đào tạo cán bộ và công nhân; bố trí hợp lý việc sử dụng lao động xã hội và công nhân, viên chức trong biên chế

Nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành và phí lưu thông là những chỉ tiêu rất quan trọng, đánh giá chất lượng công tác quản lý của chúng ta. Trong năm 1964, các ngành sản xuất và kinh doanh phải chú ý đầy đủ thực hiện các chỉ tiêu chất lượng, khắc phục triệt để hơn nữa khuyết điểm của năm trước.

Để bảo đảm các chỉ tiêu về tăng năng suất lao động, phải rất chú trọng tăng cường giáo dục tư tưởng cho công nhân và cán bộ quản lý, đồng thời giải quyết tốt các vấn đề cung cấp nguyên liệu, vật liệu, thiết bị, phụ tùng và nâng cao trình độ quản lý, trang bị kỹ thuật của xí nghiệp. Phải chú trọng quản lý chặt chẽ việc dùng lao động, giảm tỷ lệ những người không trực tiếp sản xuất; trong các bộ phận trực tiếp sản xuất thì phải theo định mức lao động mà sắp xếp số người cho hợp lý. Tăng cường hơn nữa kỷ luật lao động; giảm hơn nữa số ngày công nhân viên chức vắng mặt; nâng cao tỷ lệ ngày công thực tế so với ngày công theo chế độ; tăng hơn nữa số giờ lao động có ích.

Trong ngành xây dựng cơ bản, cần tăng cường quản lý để khắc phục những sự mất cân đối và không hợp lý trong dây chuyền xây dựng và để tận dụng sức lao động. Đẩy mạnh hơn nữa phong trào cải tiến công cụ và phương pháp lao động, đưa việc xây dựng dần dần từ thủ công lên nửa cơ giới và cơ giới.

Để thực hiện các chỉ tiêu hạ giá thành và phí lưu thông, phải ra sức bảo đảm kế hoạch tăng năng suất lao động, đồng thời đặc biệt chú ý tiết kiệm vật tư kỹ thuật. Các ngành công nghiệp, xây dựng cơ bản và vận tải phải chú ý tiết kiệm than, xi măng, gỗ, kim loại và xăng dầu; các ngành công nghiệp nhẹ chú ý tiết kiệm bông, sợi và các loại hóa chất.

Trong công tác đào tạo cán bộ năm 1964, chúng ta chú trọng về cả số lượng và chất lượng. Nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy và học tập ở các trường đại học và chuyên nghiệp. Nâng cao trình độ của cán bộ giảng dạy, điều chỉnh và bổ sung lực lượng giảng dạy và tăng thêm thiết bị cần thiết cho các trường. Xúc tiến việc phân công giữa các Bộ và các địa phương trong việc mở trường trung cấp chuyên nghiệp. Kết hợp với việc đưa một số trường ra khỏi Hà Nội, cần điều chỉnh lại một số trường, định lại quy mô, sắp xếp lại chương trình học nhằm sử dụng hợp lý lực lượng thầy giáo và thiết bị trong các trường ấy.

Công tác tuyển sinh vào các trường đại học và trung cấp năm 1964 phải tính toán đầy đủ đến yêu cầu của các ngành kinh tế và văn hóa trong những năm sinh viên và học sinh sẽ ra trường. Cùng với việc tuyển sinh để đào tạo cán bộ kỹ thuật, chú ý hơn nữa việc đào tạo cán bộ quản lý kinh tế và cán bộ giảng dạy. Chú trọng hơn việc đào tạo cán bộ có trình độ cao hơn và đi sâu hơn nữa vào những ngành cụ thể.

Về đào tạo công nhân kỹ thuật, phải rất chú trọng nâng cao chất lượng, chú ý cả việc đào tạo ở các trường và việc đào tạo ở các lớp cạnh xí nghiệp, đồng thời coi trọng hơn nữa việc dạy bổ túc cho công nhân. Phải củng cố các trường sở, nâng cao chất lượng của cán bộ giảng dạy; phối hợp tốt hơn giữa các ngành, nghiên cứu lại chương trình, nội dung và thời gian đào tạo cho thích hợp với từng ngành, nghề.

Đi đôi với việc đào tạo cán bộ và công nhân kỹ thuật, cần nhấn mạnh việc sử dụng tốt lực lượng cán bộ và công nhân hiện có. Đội ngũ cán bộ và công nhân kỹ thuật hiện có, tuy chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng, nhưng là một vốn rất quý. Các ngành, các cấp cần phải sử dụng tốt số cán bộ và công nhân kỹ thuật ấy, không ngừng bồi dưỡng, nâng cao trình độ của anh chị em về chính trị, tư tưởng và về nghề nghiệp để phát huy hơn nữa tác dụng của anh chị em trên các mặt công tác.

Điều chỉnh hợp lý sự phân phối lao động giữa các ngành, các địa phương là một yêu cầu bức thiết của năm 1964 và các năm sau, nhằm sử dụng tốt lực lượng lao động, phục vụ tốt sự phát triển của các ngành kinh tế quốc dân, tăng nhanh năng suất lao động xã hội.

Vấn đề quan trọng trước mắt là dùng tốt lực lượng lao động, kể cả những người đang lao động trong các ngành và các thanh niên, học sinh đến tuổi tham gia lao động, sắp xếp họ vào những ngành nghề, những khâu trực tiếp thúc đẩy tăng năng suất lao động xã hội, để với số cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện có, chúng ta khai thác tốt hơn nữa tài nguyên của nước ta, tăng nhanh sản phẩm cho xã hội. Hiện nay, ngoài số lao động cần bổ sung cho các ngành công nghiệp và sự nghiệp, yêu cầu về nhân lực để khai thác miền núi, miền biển rất lớn. Chúng ta chú trọng giảm bớt nhân khẩu không sản xuất nông nghiệp để tăng cường lực lượng lao động có sức khỏe, có kỹ thuật, phục vụ yêu cầu phát triển toàn diện của nông nghiệp. Dựa vào việc sắp xếp hợp lý các ngành công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp, sử dụng tốt khả năng của những người mất sức lao động một phần, bớt số người buôn không cần thiết, chúng ta giảm bớt người ở các thành thị, đưa thêm đi phát triển kinh tế ở miền núi, miền biển.

Mặt khác, để tiết kiệm lao động, chúng ta chú ý nghiên cứu những biện pháp sử dụng tốt lực lượng cán bộ, công nhân viên chức trong biên chế, theo phương hướng tăng sản lượng chủ yếu bằng tăng năng suất lao động. Phải căn cứ vào chức năng của mỗi ngành, mỗi cơ quan mà nghiên cứu, ban hành tiêu chuẩn về số lượng biên chế; khắc phục tình trạng có tổ chức mà không có nội dung công tác, hoặc có những cơ quan làm việc trùng nhau, hoặc tổ chức những bộ phận phụ để tiện việc cho đơn vị mà không dựa vào sự phân công hợp tác với đơn vị khác. Nghiên cứu định rõ tỷ lệ nhân viên thường xuyên cố định cho những ngành phải dùng nhiều lao động ngoài biên chế; sửa chữa tình trạng không đúng là một số cơ quan và xí nghiệp tuyển người vào để chuyên làm việc sản xuất tự túc một phần lương thực, thực phẩm. Phải sử dụng lực lượng thương binh vào những ngành nghề thích hợp để có thể bố trí số công nhân viên chức có sức khỏe vào những công việc cần đến nhiều sức hơn.

Trong năm 1964, chỉ tăng biên chế cho những xí nghiệp mới đi vào sản xuất hoặc mở rộng sản xuất, nhưng phải quản lý rất chặt chẽ. Đối với các xí nghiệp đang sản xuất, chủ yếu là phải quản lý, sử dụng số lao động hiện có cho tốt. Phấn đấu hạ tỷ lệ số người gián tiếp sản xuất ở các xí nghiệp, công trường hiện đang quá cao; đồng thời phải căn cứ vào các định mức lao động mà bố trí số người trực tiếp sản xuất.

Trong các ngành không sản xuất, phải tích cực sắp xếp và nâng cao hiệu suất công tác của các bộ phận trực tiếp làm việc nghiên cứu, giảng dạy hoặc các việc nghiệp vụ khác; hết sức giảm nhẹ biên chế của các bộ phận phục vụ.

4. Nâng cao chất lượng các công tác giáo dục, văn hóa, bảo vệ sức khỏe, cải thiện thêm một bước đời sống của nhân dân

Trong khi tiến hành cách mạng về lực lượng sản xuất, thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, chúng ta rất coi trọng cuộc cách mạng về tư tưởng và văn hóa, làm cho tư tưởng Mác-Lênin chiếm ưu thế tuyệt đối trong đời sống tinh thần của nhân dân ta, xây dựng cho nước ta một nền văn hóa, khoa học tiên tiến. Không có cách mạng về tư tưởng và văn hóa thì cuộc cách mạng kỹ thuật sẽ không thể thành công được, quan hệ sản xuất mới cũng không thể củng cố và tăng cường.

Ngành Giáo dục giữ một vị trí quan trọng trong cuộc cách mạng về tư tưởng và văn hóa. Trong năm 1964, bổ túc văn hóa vẫn là công tác hàng đầu của sự nghiệp giáo dục. Cần phát triển các hình thức bổ túc văn hóa không thoát ly sản xuất, không thoát ly công tác; chú trọng ổn định và tổ chức tốt việc học tập cho các cán bộ chủ chốt và cho thanh niên nam nữ ở nông thôn. Mở rộng các trường cho cán bộ và thanh niên các dân tộc thiểu số vừa học vừa sản xuất.

Tiếp tục phát triển mạnh công tác mẫu giáo. Nâng cao chất lượng của các lớp vỡ lòng, bảo đảm số học sinh vỡ lòng được vào lớp một nhiều hơn.

Về giáo dục phổ thông, vấn đề quan trọng hiện nay là phải làm cho gia đình học sinh, học sinh và cán bộ giáo dục nhận rõ một cách sâu sắc và toàn diện mục đích của trường phổ thông trong việc bồi dưỡng thế hệ trẻ thành những người lao động xã hội chủ nghĩa có văn hóa, có kỹ thuật; khắc phục những nhận thức sai lầm có ảnh hưởng xấu đến tinh thần học tập và sự tu dưỡng về đạo đức, tư tưởng của học sinh. Đối với những học sinh ở lại địa phương sản xuất, phải sử dụng tốt năng lực lao động và trình độ văn hóa, kỹ thuật, hướng dẫn họ góp phần cải tiến kỹ thuật, chấn chỉnh công tác quản lý hợp tác xã, làm tốt việc này sẽ có ảnh hưởng tốt đối với việc giáo dục tư tưởng phục vụ sản xuất, làm cho thanh niên học sinh đang học thấy rõ tiến độ của mình, thêm gắn bó với quê hương, với sản xuất nông nghiệp.

Trong năm học 1964-1965, vẫn phát triển mạnh cấp I, bảo đảm cho các em nhỏ đều được đi học; cố gắng phát triển cấp II để đáp ứng yêu cầu học tập và phục vụ cho sản xuất (khi các em học xong cấp II); phát triển cấp III một cách hợp lý. Nhà trường phổ thông phải nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy, thực hiện tốt phương châm kết hợp học tập với lao động sản xuất. Cần nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng, trình độ văn hóa và nghiệp vụ của giáo viên; cố gắng giải quyết thêm một bước yêu cầu sửa chữa, xây dựng mới các trường sở; tăng thêm đồ dùng để giảng dạy và thiết bị để làm thí nghiệm.

Trong năm 1964, các công tác văn hóa, nghệ thuật lấy củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng tác phẩm làm chính, chú trọng công tác nghiên cứu di sản văn hóa dân tộc, tổng kết kinh nghiệm giáo dục cho cán bộ, diễn viên về lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, về các vấn đề thời sự và các chính sách của Đảng và Nhà nước, về các quan điểm văn hóa - nghệ thuật xã hội chủ nghĩa, và nâng cao thêm một bước trình độ nghiệp vụ. Trong các mặt hoạt động, cần kết hợp chặt chẽ giữa phổ cập với đề cao, nhưng cần chú ý mặt phổ cập với nội dung thiết thực, gắn chặt với đời sống, bằng các hình thức nhẹ nhàng, đơn giản, thích hợp với hoàn cảnh lao động và sinh hoạt của quần chúng.

Việc xuất bản sách, báo phải đặc biệt chú ý nâng cao chất lượng; chú trọng các sách chính trị, sách phổ biến khoa học - kỹ thuật, sách giáo khoa và sách cho trẻ em; có kế hoạch sử dụng sách báo tốt hơn nữa.

Phải giải quyết tốt vấn đề kịch bản cho phim ảnh, chú trọng sản xuất các loại phim thời sự và phim tài liệu, phim phổ biến khoa học - kỹ thuật sản xuất có nội dung tốt; đưa chiếu bóng đi sâu hơn nữa vào các cơ sở sản xuất; phát triển mạnh hình thức đèn chiếu.

Các ngành nghệ thuật kịch, ca, múa, nhạc cần tăng cường công tác sáng tác và xây dựng nhiều tiết mục về cuộc sống mới, con người mới. Nâng cao hơn nữa chất lượng các đội nghệ thuật Trung ương và tích cực bồi dưỡng cho các đội văn công địa phương.

Đẩy mạnh hơn nữa phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, phát huy tác dụng của các tủ sách, câu lạc bộ, thư viện, công tác bảo tàng, triển lãm, các đội văn nghệ nghiệp dư, nhằm phục vụ sản xuất, xây dựng con người mới. Cần coi trọng việc bồi dưỡng hạt nhân văn hóa trong quần chúng.

Chúng ta đưa công tác nghiên cứu và phổ biến khoa học - kỹ thuật phục vụ sát yêu cầu phát triển của các ngành sản xuất và xây dựng, nhằm thiết thực góp phần nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm. Khoa học nông nghiệp cần tiếp tục nghiên cứu các vấn đề cải tạo đất, thủy lợi, giống cây trồng và gia súc, trừ sâu bệnh… để phục vụ nông nghiệp thực hiện thâm canh, tăng năng suất, phát triển nông nghiệp toàn diện. Công tác quản lý kỹ thuật cần được đẩy mạnh để phục vụ việc nâng cao năng suất lao động, sử dụng tốt thiết bị, nguyên liệu, vật liệu, đưa sản xuất đi vào nền nếp, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Xây dựng từng bước các định mức, quy phạm, quy trình kỹ thuật; nghiên cứu việc tận dụng các nguyên liệu trong nước; đặc biệt chú trọng việc quản lý kỹ thuật trong các xí nghiệp. Đồng thời xúc tiến việc xây dựng từng bước các ngành khoa học cơ bản. Tăng cường việc phổ biến khoa học - kỹ thuật trong nhân dân.

Trong công tác y tế, vệ sinh, bảo vệ sức khỏe, vẫn phải nắm vững phương châm phòng bệnh là chính. Đẩy mạnh công tác thể dục vệ sinh, công tác phòng dịch đi sát cơ sở sản xuất. Để thực hiện nhiệm vụ ấy, cần ra sức củng cố và xây dựng các trạm y tế hộ sinh ở xã, ở nơi đồng bào khai hoang, ở miền núi; xây dựng và củng cố cho xong các trạm vệ sinh - phòng dịch ở tỉnh, xây dựng thêm một số trạm ở huyện và khu phố; giải quyết tốt hơn nữa các vấn đề phân, nước, rác, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục trong nhân dân về ý thức vệ sinh toàn diện. Đưa công tác chống các bệnh xã hội đi vào bề sâu hơn nữa.

Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác điều trị, tăng cường việc kết hợp đông y với tây y. Chú trọng củng cố và tăng cường các bệnh xá, bệnh viện, tăng thêm số giường bệnh dành cho công nhân và cho các trẻ em.

Đẩy mạnh công tác bảo vệ bà mẹ và trẻ em, tổ chức các trạm nghiên cứu hướng dẫn công tác này mà nhiệm vụ chủ yếu là tuyên truyền rộng rãi việc sinh đẻ có hướng dẫn.

Về sản xuất và phân phối thuốc, cần cân đối chặt chẽ giữa sản xuất tiêu thụ, giữa các cơ sở của Bộ và các cơ sở của địa phương. Cố gắng tăng việc sản xuất thuốc dùng nguyên liệu trong nước, tăng cường việc trồng trọt và nghiên cứu cây thuốc.

Về thể dục thể thao, trong năm 1964 phải kết hợp với các cuộc vận động lớn, đưa phong trào thể dục thể thao đi sâu hơn nữa vào các cơ sở sản xuất, nâng cao thêm một bước sức khỏe của nhân dân.

Do việc thực hiện tốt kế hoạch nhà nước như trên đã trình bày, đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân miền Bắc sẽ được cải thiện thêm một bước, nhân dân ta có điều kiện thuận lợi hơn để phục vụ tốt yêu cầu đẩy mạnh sản xuất và các mặt công tác khác.

Về mặt đời sống vật chất, chúng ta tiếp tục tập trung sức giải quyết một cách thiết thực và có trọng điểm những nhu cầu thiết yếu nhất về ăn, mặc, ở, học tập; đồng thời phải nâng cao hơn nữa ý thức cần kiệm xây dựng Tổ quốc, ra sức tiết kiệm tiêu dùng, dành dụm vốn để thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện đẩy mạnh sản xuất và nâng cao mức sống sau này. Chúng ta ra sức phát triển sản xuất lương thực, đi đôi với việc thay đổi từng bước thành phần bữa ăn hàng ngày, tăng thêm cá, rau và các loại hoa quả cho bữa ăn thêm chất bổ. Sản xuất gai, tơ tằm được đẩy mạnh sẽ góp phần giải quyết thêm nhu cầu về mặc. Chúng ta cũng chú ý cung cấp vật liệu xây dựng và đồ dùng trong nhà cho nhân dân; phân phối hợp lý nhà ở cho công nhân, viên chức, xây dựng thêm nhà ở cho những nơi quá chật hẹp. Sự nghiệp giáo dục và văn hóa phát triển sẽ nâng cao thêm trình độ văn hóa, kỹ thuật của nhân dân ta, góp phần phục vụ sản xuất.

Mặt khác, chúng ta tiếp tục chú ý săn sóc hơn nữa điều kiện làm việc và đời sống của những công nhân làm việc nặng; nghiên cứu giải quyết tốt các chế độ đối với người mất sức lao động, người đến tuổi về hưu. Với việc mở rộng cung cấp lương thực, thực phẩm và ổn định giá cả, mức thu nhập thực tế của công nhân viên chức được bảo đảm và được nâng cao thêm một bước. Chúng ta cũng tiếp tục chú ý cải thiện các mặt phúc lợi xã hội như tổ chức nhà gửi trẻ, lớp mẫu giáo, bảo đảm đời sống của những người mất sức lao động, những người già yếu, những bà mẹ đông con mà đời sống có nhiều khó khăn, những trẻ mồ côi chưa lao động được.

Ngoài phần cố gắng của Nhà nước, các xí nghiệp, công trường, cơ quan cần cố gắng tăng gia sản xuất để tự túc một phần lương thực và thực phẩm, đồng thời tổ chức tốt việc ăn ở, và không ngừng cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân viên chức, cán bộ; chú ý hơn nữa đến các hình thức phúc lợi xã hội và sử dụng quỹ xí nghiệp cho hợp lý. Các hợp tác xã nông nghiệp phải chú ý đẩy mạnh giáo dục nông dân xã viên cần kiệm xây dựng hợp tác xã, và phát huy khả năng của hợp tác xã trong việc cải thiện đời sống của xã viên.

PHẦN THỨ BA

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TỔ CHỨC VÀ CHỈ ĐẠO
THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

Tăng cường công tác tư tưởng, đưa phong trào thi đua yêu nước phát triển mạnh mẽ theo hướng thi đua tập thể.

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Bản dự thảo kế hoạch nhà nước năm 1964 trình trước Quốc hội kỳ này đã được xây dựng theo phương hướng, nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và dựa trên thực tiễn thực hiện kế hoạch của năm trước. Các nhiệm vụ, chỉ tiêu của kế hoạch đã được thảo luận rộng rãi và cân nhắc kỹ lưỡng.

Nhưng lập kế hoạch mới là đề ra những nhiệm vụ, chủ trương và biện pháp, mới là tính toán bước đường đi và chuẩn bị những điều kiện để đi tới. Chính trong phong trào quần chúng thi đua thực hiện kế hoạch, chúng ta sẽ phát hiện thêm những khả năng mới, những thuận lợi cũng như những khó khăn chưa thể dự tính hết trong khi lập kế hoạch, do đó, công tác tổ chức, chỉ đạo thực hiện có một vị trí đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với việc bảo đảm thực hiện kế hoạch một cách toàn diện.

Kinh nghiệm những năm qua chứng tỏ quá trình đấu tranh thực hiện kế hoạch là một quá trình đấu tranh cách mạng gay go và phức tạp trên các mặt tư tưởng, tổ chức và quản lý kinh tế. Để bảo đảm hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch, trước hết phải tăng cường công tác tư tưởng. Cần làm cho cán bộ và nhân dân ta nhận thức rõ tình hình cơ bản và những nhiệm vụ cách mạng trước mắt, nâng cao hơn nữa ý thức tự lực cánh sinh, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Hiện nay, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc liên tiếp thu được nhiều thắng lợi mới, nhưng ta còn phải khắc phục rất nhiều khó khăn do cơ sở vật chất và kỹ thuật còn non yếu, và do thiên tai gây ra. Chúng ta phải cố gắng nhiều hơn gấp bội. Ở miền Nam, cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào ta chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đang phát triển với khí thế mạnh mẽ. Đế quốc Mỹ đang cố sức đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam, và các cơ quan tuyên truyền của chúng đang ba hoa về khả năng tiến hành những hoạt động khiêu khích miền Bắc. Tình hình ấy đòi hỏi chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa nhịp độ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời ra sức ủng hộ cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu và hành động khiêu khích của đế quốc Mỹ và bọn tay sai.

Công tác tư tưởng phải nhằm làm cho nhân dân lao động thấu suốt hơn nữa đường lối của Đảng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đường lối đấu tranh cách mạng ở miền Nam, bồi dưỡng tinh thần cách mạng kiên định, khắc phục những biểu hiện của tư tưởng hữu khuynh, chùn bước. Cần nhận thức sâu sắc những quan điểm của Đảng và Nhà nước về xây dựng nền kinh tế tự chủ trên cơ sở tự lực cánh sinh và hợp tác quốc tế, về thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa và phát triển nông nghiệp làm cơ sở cho sự phát triển của công nghiệp, về cần kiệm xây dựng Tổ quốc…

Nhận thức đầy đủ về tình hình và nhiệm vụ trước mắt, và được bồi dưỡng về tư tưởng mới, nhân dân lao động miền Bắc sẽ nâng cao thêm chí khí đấu tranh cách mạng, ra sức nâng cao năng suất lao động để tiến lên hoàn thành thắng lợi kế hoạch nhà nước, đẩy nhanh nhịp độ xây dựng miền Bắc. Mỗi người lao động sẽ thấy rõ sự gắn bó giữa chỉ tiêu kế hoạch với cuộc sống của chính mình, quyết tâm thực hiện kỳ được các chỉ tiêu ấy.

Cùng với việc đẩy mạnh giáo dục tư tưởng, phải đưa phong trào thi đua yêu nước phát triển mạnh mẽ theo hướng thi đua tập thể trong tất cả các ngành, các địa phương, các đơn vị. Phong trào thi đua yêu nước phải có chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, nhằm hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch nhà nước năm 1964. Phong trào thi đua phải động viên được đông đảo quần chúng thực hiện đầy đủ nội dung và yêu cầu của cuộc vận động "3 xây, 3 chống", cuộc vận động "Cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật" và cuộc vận động đồng bào miền xuôi đi tham gia xây dựng kinh tế miền núi. Trong thi đua, phải quán triệt sâu sắc nhiệm vụ xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội làm cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà. Phải nâng cao ý thức trách nhiệm đối với cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam, vì miền Nam ruột thịt, vì thống nhất nước nhà mà tích cực đẩy mạnh sản xuất, xây dựng, công tác và học tập.

Nhiệm vụ của phong trào thi đua không những phải bảo đảm thực hiện thắng lợi kế hoạch Nhà nước, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, mà đồng thời phải xây dựng những con người mới, những con người xã hội chủ nghĩa. Phong trào thi đua còn phải góp phần củng cố và phát triển quan hệ sản xuất mới.

Chúng ta phải làm cho phong trào thi đua năm 1964 đạt được mục tiêu "năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều", và đặc biệt nhấn mạnh phải bảo đảm chất lượng, khắc phục xu hướng chỉ chạy theo số lượng. Ngành nông nghiệp phải đẩy mạnh phong trào thi đua "năng suất cao, hoa màu nhiều, cây công nghiệp tăng, chăn nuôi giỏi".

Phương hướng thi đua năm 1964 của các ngành công nghiệp, sự nghiệp và hành chính là phát triển mạnh mẽ và vững chắc phong trào phấn đấu trở thành tổ và đội lao động xã hội chủ nghĩa; ra sức xây dựng và củng cố các tổ và đội sản xuất, tổ cộng tác; bồi dưỡng tổ và đội tiên tiến; có kế hoạch toàn diện; để xây dựng, củng cố, phát triển các tổ và đội lao động xã hội chủ nghĩa. Trong các ngành nông nghiệp và thủ công nghiệp, phát triển mạnh mẽ và vững chắc phong trào phấn đấu trở thành tổ và đội tiên tiến, hợp tác xã tiên tiến. Rút kinh nghiệm ở những nơi đã làm thí điểm, sẽ xây dựng thêm một số tổ và đội lao động xã hội chủ nghĩa ở những hợp tác xã nông nghiệp tiên tiến có đủ điều kiện.

Tóm lại, chúng ta cần phát huy thắng lợi của phong trào thi đua năm qua, phát động mạnh mẽ lực lượng sáng tạo của quần chúng, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, làm cho phong trào thi đua phát triển sâu rộng hơn nữa, thật sự trở thành đòn xeo thúc đẩy một cách có hiệu lực việc hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch nhà nước năm 1964.

Cải tiến thêm một bước công tác quản lý kinh tế; tiến hành tốt ba cuộc vận động lớn.

Công tác quản lý kinh tế (gồm việc lập kế hoạch và chỉ đạo thực hiện kế hoạch) hiện nay cần được cải tiến một bước mạnh hơn nữa để đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành.

Trong công tác kế hoạch hóa kinh tế quốc dân, cần thực hiện tốt hơn nữa nguyên tắc tập trung dân chủ, vừa tăng cường tính chất pháp lệnh của kế hoạch, bảo đảm sự thống nhất lãnh đạo của Nhà nước, vừa tăng cường tính chất quần chúng, phát huy tinh thần tích cực, sáng tạo và tính linh hoạt của các ngành, các cấp, nâng cao thêm một bước tinh thần trách nhiệm của các ngành các cấp trong việc thực hiện kế hoạch. Cần nâng cao thêm một bước trình độ công tác kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân, đồng thời làm cho công tác kế hoạch, từ phương pháp lập kế hoạch đến việc giao chỉ tiêu phù hợp với trình độ của nền kinh tế chung cũng như của từng địa phương, từng khu vực. Trong năm 1964, đối với khu vực kinh tế quốc doanh, nhất là quốc doanh trung ương, cần phải tiến lên lập kế hoạch toàn diện, từ kế hoạch sản xuất, kế hoạch xây dựng cơ bản, kế hoạch vật tư, kế hoạch lao động đến kế hoạch giá thành, kế hoạch nộp lãi… Đối với khu vực kinh tế tập thể và bộ phận những người còn làm ăn riêng lẻ, thì kế hoạch nhà nước chỉ đề ra và đòi hỏi thực hiện đúng những chỉ tiêu chủ yếu có quan hệ đến lợi ích chung của nền kinh tế; còn đối với các mặt khác, Nhà nước chỉ vạch kế hoạch hướng dẫn, dùng các chính sách và biện pháp về kinh tế như giúp đỡ, khuyến khích, chính sách giá cả, đi đôi với các biện pháp tuyên truyền giáo dục, biện pháp hành chính, để thúc đẩy thực hiện kế hoạch. Trong khu vực này, kế hoạch sản xuất nông nghiệp và thu mua nông sản có một vị trí đặc biệt quan trọng. Các Uỷ ban hành chính địa phương phải chấp hành đầy đủ các chỉ tiêu pháp lệnh do cấp trên giao cho; các hợp tác xã nông nghiệp cần nâng cao trách nhiệm động viên, giáo dục xã viên bảo đảm thực hiện tốt kế hoạch nhà nước. Để thực hiện việc cải tiến công tác kế hoạch hóa kinh tế, chúng ta sẽ soát lại hệ thống chỉ tiêu kế hoạch, nêu những chỉ tiêu cần giảm bớt, hoặc bổ sung; xác định rõ những chỉ tiêu pháp lệnh và những chỉ tiêu hướng dẫn, để làm cho việc chỉ đạo thực hiện vừa nghiêm chỉnh vừa linh hoạt. Mặt khác, cần định rõ những nguyên tắc xét duyệt chỉ tiêu, sự liên hệ giữa các ngành, giữa Trung ương và địa phương, làm cho việc xây dựng và duyệt kế hoạch được tiến hành sớm và kịp thời hơn.

Tăng cường công tác chỉ đạo của Hội đồng Chính phủ, của các Bộ, các Tổng cục và của các Uỷ ban hành chính tỉnh, thành đối với việc thực hiện kế hoạch. Về mặt tổ chức, cần xác định rõ nhiệm vụ, chức năng của các cơ quan và quy định rõ mối quan hệ giữa các cơ quan, các ngành, các cấp của bộ máy nhà nước. Trên cơ sở ấy, cần nâng cao ý thức tổ chức, kỷ luật và chế độ trách nhiệm, định rõ các chế độ khen thưởng và kỷ luật.

Phải tạo nên một chuyển biến có tính chất cách mạng trong sự hoạt động của các cơ quan nhà nước, làm cho bộ máy chỉ đạo thực hiện hoạt động mạnh mẽ, sâu, sát và sắc bén. Cần đi sát hơn nữa các địa phương, các cơ sở, kịp thời phát hiện những khâu yếu, những vấn đề lớn cấp bách, để tập trung vào những khâu ấy, những vấn đề ấy, đồng thời nhìn toàn diện và giải quyết các vấn đề một cách gọn, nhanh chóng.

Cần kịp thời nghiên cứu và ban hành những chính sách cụ thể, quy định cụ thể, nhằm bảo đảm thực hiện tốt các chủ trương và kế hoạch phát triển kinh tế và văn hóa.

Đề cao hơn nữa ý thức trách nhiệm của các ngành, các cấp đối với việc thực hiện các chỉ tiêu pháp lệnh do Nhà nước quản lý, đồng thời phát huy tính chủ động và sáng tạo của các ngành và các địa phương trong việc thực hiện các chỉ tiêu do các ngành, các địa phương quản lý.

Các ngành, các cấp cần đi sâu hơn nữa vào các cơ sở, giải quyết nhanh chóng các khâu yếu. Trong năm 1964, phải chú trọng chỉ đạo tốt sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh trọng điểm, các đồng lúa quan trọng và các vùng trồng cây công nghiệp tập trung, đặc biệt chú ý giúp đỡ hơn nữa việc phát triển kinh tế miền núi. Cần tăng cường tổ chức chỉ đạo sản xuất nông nghiệp ở huyện và xã. Đối với công nghiệp, cần chỉ đạo sát việc khai thác than, nhất là than Hồng Gai (1) và than Na Dương, phát huy tốt công suất của nhà máy xi măng Hải Phòng, đẩy mạnh khai thác và vận chuyển gỗ. Cần hết sức chú ý việc củng cố hợp tác xã nghề cá và nghề muối để bảo đảm kế hoạch sản xuất. Trong công tác xây dựng cơ bản, cần nắm sát những công trình trọng điểm, những công trình hoặc bộ phận công trình sắp đi vào sản xuất. Tăng cường hơn nữa chỉ đạo khâu lưu thông, phân phối. Các ngành giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, cần hướng sự chỉ đạo vào việc nâng cao chất lượng, củng cố tổ chức, nhằm phục vụ thiết thực hơn nữa sản xuất và đời sống.

Đối với các cơ sở, là nơi trực tiếp thực hiện mọi chính sách, kế hoạch của Nhà nước, việc chỉ đạo thực hiện kế hoạch cần được đặc biệt chú trọng. Chúng ta đề cao trách nhiệm của các giám đốc xí nghiệp, công trường, các Ban quản trị hợp tác xã. Các đồng chí phụ trách ở đó cần nghiên cứu sâu sắc tình hình của đơn vị mình, triệt để dựa vào quần chúng, tìm ra những biện pháp tốt nhất nhằm đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống của quần chúng và làm tròn nghĩa vụ đối với Nhà nước. Các hợp tác xã nông nghiệp phải chú trọng các biện pháp về kinh tế và kỹ thuật để bảo đảm thực hiện kế hoạch sản xuất, nhất là phải chú trọng biện pháp thủy lợi, phân bón, sức kéo, kịp thời chống hạn, chống úng, rải vụ, chuyên vụ cho kịp với sự thay đổi của thời tiết. Việc tổ chức cung cấp vật tư cho hợp tác xã cần được tăng cường. Trong các xí nghiệp công nghiệp, sự chỉ đạo phải tập trung vào các biện pháp tăng năng suất lao động, hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm. Các xí nghiệp công nghiệp, xí nghiệp vận tải, các công trường, v.v., phải chú trọng hơn nữa công tác định mức tiêu dùng vật tư kỹ thuật, phấn đấu đạt tới những định mức tiến bộ hơn, nhằm triệt để tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu, nhất là đối với những thứ phải mua ở nước ngoài. Phải mở rộng công tác hạch toán kinh tế đến phân xưởng, đến tổ sản xuất; tiến hành tốt công tác phân tích hoạt động kinh tế ở những xí nghiệp có điều kiện để làm công tác này.

Cùng với việc cải tiến quản lý trong các cơ sở kinh tế quốc doanh và các hợp tác xã nông nghiệp, chúng ta hết sức chú trọng việc tiếp tục cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thợ thủ công và người buôn bán nhỏ. Về mặt chủ yếu, họ là những người lao động, yêu nước và tán thành chủ nghĩa xã hội. Việc tổ chức các hình thức hợp tác mấy năm qua đã nâng cao thêm một bước lòng yêu nước và giác ngộ xã hội chủ nghĩa của số đông thợ thủ công và người buôn bán nhỏ, giúp họ phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập. Nhưng mặt khác, vì họ còn có mặt tiêu cực vốn có của người sản xuất nhỏ và kinh doanh nhỏ, dễ chịu ảnh hưởng của lối kinh doanh tư bản chủ nghĩa, cho nên việc cải tạo xã hội chủ nghĩa nhằm biến họ từ người lao động cá thể thành lao động tập thể là một sự thay đổi cách mạng, phải tiến hành trong một thời gian dài. Công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa bị buông lỏng, họ dễ trở lại con đường sản xuất và kinh doanh không đúng đắn, không có lợi cho nền kinh tế chung. Chúng ta chủ trương tiếp tục cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thợ thủ công và người buôn bán nhỏ là để bồi dưỡng họ thành những người lao động xã hội chủ nghĩa chân chính, củng cố các tổ chức sản xuất và kinh doanh tập thể và tăng cường quản lý các tổ chức ấy, nhằm bảo đảm cho việc sản xuất và kinh doanh của họ tiến theo phương hướng có lợi cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và cho đời sống của chính họ. Đồng thời, chúng ta cũng chú ý củng cố tốt các xí nghiệp công tư hợp doanh, đẩy mạnh việc cải tiến quản lý xí nghiệp theo phương hướng xã hội chủ nghĩa và giúp các nhà tư sản tiếp tục cải tạo và tiến bộ.

Trong việc quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa, trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch, các đoàn thể quần chúng có một vị trí rất quan trọng, góp phần rất lớn động viên, giáo dục, tổ chức quần chúng thi đua yêu nước, tham gia quản lý xí nghiệp, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đến mức cao nhất. Chúng ta nêu cao vai trò của công đoàn trong việc tham gia xây dựng kế hoạch nhà nước từ khi sơ thảo, điều đó có ý nghĩa hết sức quan trọng để phát huy vai trò của công nhân và những người lao động khác tham gia quản lý kinh tế. Vì vậy, tổ chức tốt các cuộc hội nghị đại biểu công nhân, viên chức, thực hiện tham gia quản lý ở tổ sản xuất, là những hình thức tốt để động viên công nhân, viên chức tham gia quản lý xí nghiệp, phát huy mạnh mẽ tác dụng tích cực của Công đoàn trong việc bảo đảm thực hiện thắng lợi kế hoạch nhà nước. Chúng ta nêu cao tác dụng tích cực của Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp phụ nữ và các đoàn thể nhân dân khác trong việc giáo dục, động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện kế hoạch. Thanh niên ta hãy phát huy mạnh mẽ hơn nữa tài năng và trí tuệ, nêu cao vai trò đầu tàu trong lao động sản xuất và các mặt công tác khác.

Ba cuộc vận động lớn tiến hành từ năm 1963 và sẽ tiếp tục trong năm 1964 là động cơ mạnh mẽ thúc đẩy việc cải tiến quản lý kinh tế, cải tiến chỉ đạo thực hiện kế hoạch. Trong năm 1964, chúng ta sẽ hoàn thành cuộc vận động lần thứ nhất "Cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật" trong 80% hợp tác xã nông nghiệp ở đồng bằng và trung du. Thông qua cuộc vận động, cần rất xem trọng việc xác định tốt phương hướng sản xuất của hợp tác xã, nhất là chú ý các biện pháp thực hiện, bàn nhiều hơn đến các biện pháp thâm canh, tăng năng suất lúa, màu, cây công nghiệp, và chăn nuôi tập thể. Chú trọng hơn nữa giáo dục nông dân xã viên về ý thức tăng nhanh nông sản hàng hóa để cung cấp cho nhu cầu chung của nền kinh tế. Trong các xí nghiệp quốc doanh và các cơ quan nhà nước, cuộc vận động "3 xây, 3 chống" được mở rộng, sẽ tạo nên một chuyển biến có tính chất cách mạng về tư tưởng, tổ chức quản lý và kỹ thuật, đưa công tác quản lý kinh tế tài chính tiến lên một bước mới, theo đúng quan điểm và nguyên tắc quản lý xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy các ngành kinh tế quốc doanh phát triển tốt hơn. Cần nhận thức rõ tính chất đấu tranh cách mạng của cuộc vận động, vận dụng yêu cầu chung của cuộc vận động một cách thích hợp với từng ngành, từng loại xí nghiệp, từng loại cơ quan, ra sức giải quyết cho được các vấn đề chủ yếu, kết hợp tốt "xây" và "chống", phát hiện những chỗ không hợp lý cần sửa đổi và nghiên cứu kịp thời các chính sách, chế độ, thể lệ cần thiết nhằm cải tiến tổ chức, cải tiến công tác. Cuộc vận động đồng bào miền xuôi tham gia phát triển kinh tế miền núi có ý nghĩa rất quan trọng nhằm khai thác tài nguyên phong phú của miền Bắc nước ta, phân phối lại sức lao động, làm cho công nghiệp, nông nghiệp, miền xuôi, miền núi phát triển một cách nhịp nhàng, cân đối. Trong năm 1964, cần tích cực vận động đồng bào miền xuôi đi tham gia phát triển kinh tế miền núi một cách mạnh mẽ và vững chắc; không những lên trung du và miền núi mà cả các vùng ven biển; không những làm nông nghiệp mà còn kết hợp khai thác lâm sản và trồng rừng, làm công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp, làm giao thông vận tải, làm thủy lợi… Cần làm cho đồng bào miền xuôi hiểu rõ lợi ích và tự nguyện đi, người ở thiết thực giúp đỡ người đi; cần làm cho đồng bào miền núi sốt sắng đón tiếp đồng bào miền xuôi lên và giúp đỡ đồng bào mới đến mau ổn định sản xuất, ổn định đời sống; thực hiện tốt đoàn kết giữa các dân tộc. Cần định rõ trách nhiệm của các tỉnh vận động người đi và các tỉnh tiếp nhận người đến và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước phục vụ cuộc vận động. Như vậy, tiến hành tốt ba cuộc vận động lớn sẽ tạo nên một chuyển biến mới trong nhận thức tư tưởng của cán bộ và của nhân dân, xây dựng từng bước nền nếp quản lý mới, xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển toàn diện của các ngành kinh tế và văn hóa.

*

* *

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Đến nay, việc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đã trải qua ba năm. Chúng ta rất phấn khởi với những thắng lợi đã đạt được, rất vui mừng vì những thành quả lao động đang hàng ngày thay đổi bộ mặt miền Bắc. Chúng ta cũng thấy rõ những khó khăn, những khuyết điểm, nhược điểm, những yêu cầu to lớn của cách mạng và trách nhiệm của chúng ta là dũng cảm tiến lên.

Trên miền Bắc ngày nay, chủ nghĩa xã hội đã trở thành cuộc sống hiện thực. Công nhân, nông dân, lao động trí óc và các đồng bào lao động khác ngày càng thiết tha hơn với chế độ mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, họ đang phát huy tinh thần làm chủ và liên tiếp thu được những thành tích mới trong cuộc tiến công vào nghèo nàn và lạc hậu, xây dựng cuộc sống mới. Tình hình đó làm cho những người hoài nghi nhất trước kia cũng nhìn rõ sự thật và tin tưởng ở đường lối đúng đắn của Đảng. Tình hình đó đã tăng cường sự thống nhất về chính trị và tinh thần của hơn 17 triệu đồng bào miền Bắc, đồng thời đang gây một ảnh hưởng mạnh mẽ đối với cuộc đấu tranh giải phóng của đồng bào ta ở miền Nam.

Trước mắt, trên bước đường tiến lên, chúng ta còn phải phấn đấu gian khổ, nhưng chúng ta tin tưởng ở tương lai và vững bước tiến tới. So với nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm và so với yêu cầu của cách mạng, nhiệm vụ của kế hoạch năm 1964 và kế hoạch năm 1965 còn rất nặng, nhưng chúng ta quyết tâm vươn lên để giành thắng lợi. Chúng ta càng phải cố gắng hơn nữa để xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, củng cố quan hệ sản xuất mới và đẩy mạnh lực lượng sản xuất phát triển với nhịp độ nhanh hơn. Mặt khác, chúng ta đặc biệt chú trọng nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng, văn hóa cho nhân dân, đào tạo những con người mới trong xã hội miền Bắc.

Trong những tháng đầu năm nay, các ngành kinh tế, các địa phương đều có những cố gắng mới để thực hiện kế hoạch. Nhưng có những chỉ tiêu của kế hoạch quý I thực hiện còn kém, việc hoàn thành kế hoạch cả năm đang đòi hỏi chúng ta phải cố gắng toàn diện và liên tục.

Về nông nghiệp, phải đẩy nhanh hơn nữa việc trồng cây công nghiệp, trồng màu; ra sức chăm bón lúa để bảo đảm năng suất, chú trọng tăng thêm sức lao động vào các việc bón phân, làm cỏ, phòng và trừ sâu bệnh; phải đẩy mạnh việc trồng các loại rau ngắn ngày, nhất là ở những nơi năm ngoái gặp thiên tai; phải coi trọng bảo vệ, chăm sóc gia súc. Trong công nghiệp, phải hết sức đẩy mạnh các ngành than, gỗ, cá và muối, tích cực giúp đỡ công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp. Trên cơ sở sản xuất được đẩy mạnh, phải bảo đảm thực hiện kế hoạch thu mua, cố gắng tăng mức hàng xuất khẩu; phải làm tốt các công tác thu tài chính, điều hòa lưu thông tiền tệ và hàng hóa, quản lý thị trường và ổn định giá cả. Phải làm tốt các việc nói trên, để tạo nên những cơ sở tốt hơn nữa cho việc thực hiện kế hoạch cả năm.

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Chúng ta đang sống một thời kỳ cách mạng sôi nổi nhất trong lịch sử lâu dài của dân tộc ta. Ở miền Bắc, ở miền Nam nước ta và trên thế giới, sự nghiệp cách mạng của nhân dân lao động đang tiến lên với khí thế của những người chiến thắng. Chúng ta tự hào về thành tích của mười năm qua, "mười năm đấu tranh và xây dựng, mười năm vượt qua nhiều khó khăn và tranh được nhiều thắng lợi" (2). Chúng ta hãy phát huy những thắng lợi của Hội nghị Chính trị đặc biệt, đem tinh thần nhất trí, ý chí cách mạng và lòng tin tưởng, quyết tâm của Hội nghị đến nhân dân cả nước ta, biến thành một sức mạnh vĩ đại, một sức phấn khởi mới. Chúng ta hãy phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng của các chiến sĩ Điện Biên Phủ, cách đây cũng đúng 10 năm, đã ghi một trang oanh liệt trong lịch sử chống xâm lược của dân tộc ta, khắc phục mọi khó khăn trở ngại, vững bước tiến lên.

Trước mắt, nhiệm vụ của chúng ta còn rất nặng nề, nhưng chúng ta có những thuận lợi cơ bản. Nắm vững đường lối của Đảng, nắm vững phương hướng kế hoạch nhà nước được Quốc hội thông qua, dựa vào phong trào thi đua yêu nước của quần chúng, chúng ta hãy nâng cao hơn nữa dũng khí đấu tranh cách mạng vì chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vì giải phóng miền Nam thân yêu, vì hòa bình thống nhất nước nhà, quyết giành những thắng lợi mới trong việc thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1964, tiến lên hoàn thành thắng lợi kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ nhất.

1. Nay gọi là Hòn Gai (BT).

2. Báo cáo của Hồ Chủ tịch tại Hội nghị Chính trị đặc biệt, ngày 27-3-1964

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.