THUYẾT TRÌNH CỦA UỶ BAN KẾ HOẠCH VÀ NGÂN SÁCH CỦA QUỐC HỘI
VỀ DỰ ÁN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1964
(Do ông Tôn Quang Phiệt, Chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch và ngân sách của Quốc hội
trình bày tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá II, ngày 03-4-1964)
Thưa Đoàn Chủ tịch,
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Uỷ ban kế hoạch và ngân sách chúng tôi đã nghiên cứu bản báo cáo của Hội đồng Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1963 và dự án kế hoạch nhà nước năm 1964. Chúng tôi cũng đã nghiên cứu những ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội. Chúng tôi xin trình bày trước Quốc hội những nhận xét sau đây:
Về tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1963
Uỷ ban chúng tôi xác nhận rằng, việc thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1963 đã thu được những thành tích quan trọng. Trong điều kiện cơ sở vật chất và kỹ thuật còn non yếu, lại gặp thiên tai liên tiếp, các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng cơ bản, lưu thông và phân phối cũng như các ngành giáo dục, văn hóa, bảo vệ sức khỏe đều phát triển theo phương hướng của kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân 5 năm lần thứ nhất.
Sản xuất nông nghiệp đã được thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống hạn hán, úng thủy, giữ vững được sản xuất; diện tích trồng hoa màu, trồng các cây công nghiệp chủ yếu, đều tăng so với năm 1962, chăn nuôi tiếp tục phát triển. Các biện pháp thâm canh được thực hiện ngày càng tốt hơn.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển, riêng các ngành công nghiệp quốc doanh trung ương đã thực hiện vượt mức kế hoạch. Nhìn chung, sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp có nhiều tiến bộ trong việc phục vụ nông nghiệp.
Chính phủ đã quan tâm nhiều đến việc xây dựng cơ bản, đã giành cho nó tới 40% số thu trong nước; số vốn đầu tư ấy được phân phối thích đáng: 86% dành cho khu vực sản xuất. Đó là một cố gắng rất lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Việc xây dựng những cơ sở chủ yếu của công nghiệp nặng như gang thép, điện, xi măng, phân đạm được chú trọng, nhiều bộ phận đã bước vào sản xuất, tạo cho nền kinh tế của nước ta nhiều khả năng mới. Đồng thời, việc xây dựng thủy lợi, xưởng đóng tàu, đường sắt cũng được đẩy mạnh.
Đi đôi với việc đẩy mạnh sản xuất và xây dựng, công tác lưu thông và phân phối đã được chú trọng cải tiến và tăng cường, nhất là trong 6 tháng cuối năm. Ngành thương nghiệp đã có nhiều chuyển biến tốt và có tiến bộ trong việc phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân.
Quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa được củng cố thêm. Trong nông nghiệp, cuộc vận động "cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện mạnh mẽ và vững chắc" hoàn thành trong một phần tư số hợp tác xã, đã bước đầu xác định phương hướng sản xuất, nâng cao trình độ quản lý, nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa của nông dân, phát huy thêm tính hơn hẳn của quan hệ sản xuất mới ở nông thôn. Trong các ngành kinh tế quốc doanh, qua việc mở rộng thí điểm cuộc vận động: "tăng cường quản lý kinh tế tài chính, quản lý kỹ thuật, chống tham ô lãng phí quan liêu" và qua việc cải tiến thường xuyên, những quan điểm kinh doanh xã hội chủ nghĩa được quán triệt thêm một bước. Phong trào thi đua yêu nước đã phát triển mạnh mẽ trên cơ sở quan hệ sản xuất mới đang được củng cố, và ý thức giác ngộ xã hội chủ nghĩa, tinh thần hăng hái phấn khởi cách mạng của các tầng lớp nhân dân được nâng cao.
Năm 1963, Chính phủ đã không ngừng chú trọng cải thiện đời sống của nhân dân, thực hiện việc phân phối phù hợp với bản chất của chế độ miền Bắc nước ta, làm cho đời sống của nhân dân được ổn định và được cải thiện thêm về từng mặt.
Tóm lại, việc thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1963 đã đạt được những thành tích mới. Chúng ta đã anh dũng đấu tranh có kết quả chống thiên tai liên tiếp. Việc xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội được tiếp tục đẩy mạnh. Quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa được tăng cường thêm một bước. Trên cơ sở ấy, chúng ta vừa chú trọng đẩy mạnh sản xuất theo phương hướng của Đảng và Nhà nước, cải thiện đời sống của nhân dân vừa chú trọng bồi dưỡng tư tưởng, ý thức xã hội chủ nghĩa xây dựng con người mới.
Trong năm 1963, những phương hướng lớn của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và của Nghị quyết của Quốc hội khóa II kỳ họp thứ 6 về kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đã dần dần thấm sâu đến các ngành các cấp và các tầng lớp nhân dân lao động, nâng cao thêm sự nhất trí về tư tưởng và chính trị trong nhân dân, nâng cao thêm nhận thức toàn diện về những vấn đề lớn của nền kinh tế quốc dân. Những nghị quyết đó đã bồi dưỡng cho cán bộ và nhân dân ta tinh thần phấn đấu anh dũng, tinh thần tự lực cánh sinh, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm cho phong trào sản xuất và xây dựng của chúng ta có nhiều chuyển biến tốt. Nghị quyết của Đảng và Quốc hội và sức lao động sáng tạo của quần chúng là nguồn gốc thắng lợi của chúng ta.
Chúng ta vui mừng phấn khởi trước những thành tích đã đạt được trong năm 1963, một năm đấu tranh anh dũng chống thiên tai phát triển sản xuất và cải thiện đời sống của nhân dân. Đồng thời chúng ta vô cùng tự hào về thành tích đã đạt được trong 10 năm qua, kể từ khi hòa bình lập lại. Như Hồ Chủ tịch đã nói tại Hội nghị Chính trị đặc biệt vừa qua, đó là "10 năm đấu tranh và xây dựng, 10 năm vượt qua nhiều khó khăn và tranh được nhiều thắng lợi". "Cảnh tượng miền Bắc ngày càng đổi mới, càng lớn mạnh, là một việc đáng tự hào, phấn khởi của cả dân tộc ta, từ Bắc đến Nam. Đó cũng là điều vui mừng chung của anh em bầu bạn ta khắp thế giới".
Chúng tôi đề nghị Quốc hội nhiệt liệt hoan nghênh những thành tích xây dựng miền Bắc vô cùng to lớn của chúng ta, biểu dương tinh thần anh dũng, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn của công nhân, nông dân, lao động trí óc và các tầng lớp nhân dân ta.
Chúng tôi đề nghị Quốc hội tỏ lời cảm tạ chân thành Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em đã nhiệt tình giúp đỡ nhân dân ta trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Thưa các đồng chí đại biểu,
Như trong bản báo cáo của Hội đồng Chính phủ đã nêu rõ, trong quá trình thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1963, chúng ta còn có những nhược điểm, khuyết điểm về quản lý kinh tế và chỉ đạo thực hiện kế hoạch.
Kế hoạch sản xuất nông nghiệp có những mặt không đạt. Sản xuất lương thực, chăn nuôi và cây công nghiệp tăng chậm và chưa đáp ứng yêu cầu. Trong việc chỉ đạo nông nghiệp, việc xây dựng các quy hoạch và quy vùng sản xuất tiến hành chậm. Các hợp tác xã nông nghiệp chưa thật xem trọng việc bỏ thêm lao động vào nông nghiệp để thâm canh tăng năng suất. Ở một số xí nghiệp việc chỉ đạo sản xuất công nghiệp chưa chú trọng đầy đủ thực hiện các kế hoạch tăng năng suất lao động, hạ giá thành và bảo đảm chất lượng sản phẩm, do đó đã có hiện tượng chất lượng sản phẩm sút kém. Công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp chưa được quy hoạch kịp thời để phát huy tốt khả năng của nó, nhất là về mặt tăng hàng tiêu dùng làm bằng nguyên liệu trong nước. Việc chỉ đạo xây dựng cơ bản còn có thiếu sót ở chỗ một số xí nghiệp xây dựng chậm hoặc chuẩn bị kém, cho nên đã không đi vào sản xuất đúng thời hạn.
Trong 6 tháng đầu năm 1963, công tác lưu thông và phân phối làm kém. Ngành lương thực cũng như các cơ quan, xí nghiệp thiếu quản lý chặt chẽ việc phân phối lương thực. Công tác quản lý thị trường, tiếp tục cải tạo những người buôn bán nhỏ bị xem nhẹ, giá cả một số loại hàng trên thị trường tự do thiếu ổn định. Đến 6 tháng cuối năm các ngành lưu thông và phân phối đã có những tiến bộ mới, nhưng đồng thời vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục giải quyết.
Uỷ ban chúng tôi cho rằng những khuyết điểm ấy, một phần là do trình độ của chúng ta nói chung về mặt quản lý và kỹ thuật chưa theo kịp yêu cầu của cách mạng, nhưng một phần là do những khuyết điểm chủ quan của chúng ta. Ở đây, chúng tôi xin nhấn mạnh vào những khuyết điểm về tổ chức và chỉ đạo thực hiện kế hoạch để lưu ý các cơ quan nhà nước cần cố gắng cải tiến công tác, giải quyết tốt những vấn đề cấp thiết trước mắt, nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm của các ngành các cấp trong việc thực hiện kế hoạch nhà nước.
VỀ DỰ ÁN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1964
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Uỷ ban chúng tôi nhận thấy phương hướng và nhiệm vụ kế hoạch nhà nước năm 1964 đề ra như trong bản báo cáo của Hội đồng Chính phủ là đúng đắn, phù hợp với phương hướng nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đã được Quốc hội thông qua và quán triệt 5 nhiệm vụ lớn trước mắt do Hồ Chủ tịch đề ra trong Hội nghị Chính trị đặc biệt vừa qua. Chúng ta cần phải thực hiện những phương hướng và nhiệm vụ ấy, vì trong năm 1964 chúng ta không những phải giải quyết các vấn đề tồn tại của năm 1963 mà còn phải tạo ra những điều kiện thuận lợi để tiến tới thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.
Uỷ ban chúng tôi đã nghiên cứu các chỉ tiêu kế hoạch do Hội đồng Chính phủ đề ra và nhận thấy rằng những chỉ tiêu ấy đã dựa trên cơ sở cân nhắc các mặt thuận lợi và khó khăn, có nghiên cứu kỹ đến yêu cầu của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình thực hiện kế hoạch những năm qua, có tính chất tích cực và vững chắc.
Uỷ ban chúng tôi tán thành những phương hướng, nhiệm vụ và các chỉ tiêu của kế hoạch nhà nước năm 1964 do Hội đồng Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội. Uỷ ban chúng tôi xin nhấn mạnh thêm một số điều sau đây:
a) Về nông nghiệp :
Phương hướng sản xuất và quan hệ cân đối giữa lương thực, chăn nuôi và cây công nghiệp đề trong dự án kế hoạch là hợp lý. Những chỉ tiêu ấy là yêu cầu tối thiểu cần được thực hiện, yêu cầu là nông nghiệp phải bảo đảm về mặt cung cấp lương thực và thực phẩm, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp và cung cấp vật tư cho xuất khẩu. Trong việc chỉ đạo sản xuất nông nghiệp năm 1964, việc sơ bộ quy vùng nông nghiệp và tập trung chỉ đạo các vùng trọng điểm là rất cần thiết. Các ngành các cấp cần có kế hoạch cụ thể cho từng địa phương và tổ chức chỉ đạo sản xuất một cách tập trung; trong từng thời gian phải nắm chắc những loại cây chủ yếu.
Trước mắt, chúng ta phải tập trung đẩy mạnh sản xuất đông -xuân, đặc biệt chú trọng việc trồng hoa màu và cây công nghiệp. Các ngành các cấp ở Trung ương và địa phương phải ra sức thực hiện với một tinh thần quyết tâm và khẩn trương rất lớn để bảo đảm cho vụ đông - xuân thắng lợi toàn diện, chuẩn bị điều kiện tốt cho vụ thu và vụ mùa.
b) Về công nghiệp và thủ công nghiệp :
Các chỉ tiêu đề ra đã thể hiện được nhiệm vụ đường lối công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, có chú trọng đẩy mạnh công nghiệp nặng, đặc biệt các ngành chế tạo cơ khí, khai thác than, gỗ, sản xuất xi măng, sản xuất muối và đánh cá, đồng thời ra sức phát triển công nghiệp nhẹ. Các chỉ tiêu ấy đã thể hiện được yêu cầu công nghiệp phục vụ nông nghiệp và phục vụ xuất khẩu. Trong khi chỉ đạo thực hiện, cần cố gắng khai thác tốt hơn nữa khả năng tiềm tàng trong các xí nghiệp, thực hiện vượt mức các chỉ tiêu đã đề ra.
Chúng tôi đề nghị lưu ý các cơ quan hết sức chú trọng bảo đảm kế hoạch tăng năng suất lao động, hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm. Cần xúc tiến việc quy hoạch công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp để đưa các ngành này phát triển vững chắc và mạnh mẽ.
c) Về xây dựng cơ bản:
Số vốn đầu tư đã được tập trung cho các ngành sản xuất, trước hết là để tiếp tục xây dựng những cơ sở quan trọng của công nghiệp nặng, để đẩy mạnh công tác thủy lợi và xây dựng giao thông vận tải, như vậy là hợp lý.
Các ngành xây dựng cơ bản cần quản lý tốt việc thiết kế, thi công, ra sức tăng năng suất lao động, hạ giá thành xây dựng, nhất là cần chú trọng hoàn thành việc xây dựng đúng thời hạn để sớm đưa công trình vào sản xuất và sử dụng, phát huy hiệu quả của vốn đầu tư tốt hơn nữa.
d) Về công tác lưu thông và phân phối hàng hóa:
Trong kế hoạch năm nay, Uỷ ban chúng tôi đã chú trọng xét các chỉ tiêu thu mua các nông sản chủ yếu, và xem đó là những chỉ tiêu cần thiết phải được thực hiện đầy đủ.
Chính phủ cần chú trọng tuyên truyền giáo dục cho nông dân nhận rõ nghĩa vụ bán nông sản cho Nhà nước đồng thời các cơ quan Nhà nước cần thực hiện tốt chính sách thu mua và trao đổi hàng hóa với nông dân.
Việc phân phối lương thực cần được tiếp tục quản lý chặt chẽ và hợp lý, phát huy tốt kết quả của đợt tổng kiểm tra lương thực cuối năm 1963, và coi đó là một công tác quan trọng thường xuyên. Công tác tổ chức phân phối các hàng hóa khác cũng cần được tăng cường. Mặt khác, ngành thương nghiệp cần chú ý việc quản lý thị trường, tiếp tục cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với người buôn bán nhỏ.
e) Về xuất nhập khẩu:
Để phục vụ cho nhiệm vụ công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa miền Bắc, việc trao đổi sản phẩm với nước ngoài để lấy máy móc, thiết bị là đặc biệt quan trọng. Cần chú trọng đẩy mạnh sản xuất và thực hiện tốt việc thu mua các sản phẩm cần cho xuất khẩu, chú trọng điều tiết sự tiêu dùng trong nước để vừa tăng nhanh xuất khẩu, vừa nâng cao đời sống của nhân dân. Về mặt nhập khẩu, cần chú ý đáp ứng những nhu cầu thiết yếu nhất, tránh phân tán, lãng phí ngoại tệ.
g) Về lao động:
Uỷ ban chúng tôi tán thành những biện pháp do Chính phủ đã đề ra nhằm thực hiện tốt việc điều hòa lao động trong các ngành kinh tế, và sử dụng tốt lực lượng lao động trong biên chế Nhà nước. Cần thực hiện những biện pháp ấy để phát huy mạnh mẽ lực lượng lao động của nhân dân ta, tăng năng suất lao động xã hội với nhịp độ nhanh hơn nữa.
h) Về đời sống :
Bản dự thảo kế hoạch nhà nước năm 1964 đã chú ý đến việc cải thiện đời sống nhân dân, trên cơ sở phát triển sản xuất và thực hành tiết kiệm, tập trung giải quyết những nhu cầu thiết yếu nhất về ăn, mặc, ở, học tập của nhân dân, chú ý đến những đặc điểm của các địa phương, của miền xuôi cũng như của miền núi.
Những chỉ tiêu về sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, về phân phối vốn đầu tư vào xây dựng nhà ở, lưu chuyển hàng hóa thu mua nông, lâm sản, quỹ phúc lợi, quỹ tiền lương, văn hóa, giáo dục, y tế v.v., đều thể hiện những cố gắng to lớn của Nhà nước ta luôn luôn chăm lo cải thiện đời sống của nhân dân.
Chính phủ cần đặc biệt chú ý đến những vùng sản xuất nông nghiệp thường gặp nhiều thiên tai. Đối với công nhân viên chức cần bảo đảm thu nhập thực tế của họ bằng cách ổn định vật giá, và tăng các mặt phúc lợi xã hội.
Trong điều kiện dân số miền Bắc tăng với mức độ như hiện nay, sức mua xã hội tăng nhanh, sản xuất hàng hóa chưa theo kịp, chúng ta cần động viên các tầng lớp nhân dân nhận rõ tình hình, tích cực thi đua lao động sản xuất và thực hành tiết kiệm tốt hơn nữa trong sản xuất cũng như trong đời sống để thúc đẩy sản xuất phát triển nhanh hơn nữa, tạo điều kiện cải thiện đời sống của nhân dân một cách lâu dài và căn bản.
Để bảo đảm thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1964, các cơ quan nhà nước cần hết sức coi trọng việc cải tiến công tác quản lý kinh tế, tăng cường công tác lập kế hoạch và chỉ đạo thực hiện
kế hoạch.
Cần đẩy mạnh cuộc vận động "nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, quản lý kỹ thuật chống tham ô lãng phí, quan liêu", nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa, tinh thần làm chủ của công nhân viên chức các cơ quan nhà nước, đồng thời xây dựng từng bước nền nếp quản lý kinh tế mới, xã hội chủ nghĩa. Cần đẩy mạnh cuộc vận động "cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc", phát huy thắng lợi của các hợp tác xã đã qua cải tiến, củng cố thường xuyên các hợp tác xã chưa qua cải tiến, bảo đảm hoàn thành cuộc vận động lần thứ nhất trong năm 1964. Đồng thời cần đẩy mạnh cuộc vận động đồng bào miền xuôi tham gia phát triển kinh tế miền núi, có phương hướng sản xuất tốt cho các cơ sở khai hoang, chú ý bảo vệ rừng, chống sói mòn và thực hiện tốt đoàn kết giữa các dân tộc. Cần chỉ đạo tốt phong trào làm thủy lợi hai năm 1964-1965, phát triển mạnh các công trình thủy lợi mới đi đôi với việc khai thác tốt các công trình hiện có, đưa mức bảo đảm về tưới và tiêu nước lên cao hơn nữa, phục vụ tốt yêu cầu thâm canh, tăng năng suất cây trồng.
Các cơ quan nhà nước cần hết sức xem trọng việc cải tiến công tác quản lý kinh tế, cải tiến việc lập kế hoạch và chỉ đạo thực hiện kế hoạch. Cần tạo nên một chuyển biến có tính chất cách mạng trong lề lối làm việc: đi sát địa phương, sát cơ sở, giải quyết công việc một cách nhanh, gọn. Nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm của các giám đốc xí nghiệp, nông trường, lâm trường, công trường xây dựng, các ban quản trị hợp tác xã trong việc chấp hành chỉ tiêu kế hoạch nhà nước; tăng cường tính chất pháp lệnh của các chỉ tiêu kế hoạch.
Cần chỉ đạo tốt việc tiếp tục cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thợ thủ công và người buôn bán nhỏ, hướng sản xuất và kinh doanh của họ phục vụ tốt yêu cầu sản xuất và cải thiện đời sống của nhân dân.
Phong trào thi đua yêu nước có tác dụng rất quan trọng trong việc động viên, tổ chức quần chúng thực hiện kế hoạch nhà nước, đồng thời góp phần rất lớn để giáo dục, bồi dưỡng con người mới. Trong năm 1963, phong trào thi đua yêu nước đã có nhiều tiến bộ, khí thế thi đua của quần chúng đang vươn lên mạnh mẽ. Năm 1964, chúng ta cần đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước phát triển sâu rộng hơn nữa, theo hướng thi đua tập thể, trong các ngành, các địa phương, các đơn vị. Trong phong trào thi đua yêu nước, cần làm cho các ngành kinh tế quốc doanh, các hợp tác xã, các cán bộ, công nhân, xã viên hiểu rõ nhiệm vụ, quyết tâm phấn đấu thực hiện vượt mức kế hoạch. Mỗi người phải nâng cao ý thức trách nhiệm của mình vì sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, vì đấu tranh giải phóng miền Nam, thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà. Chúng ta cần đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước năm 1964, làm cho nó trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi và liên tục, thực sự trở thành đòn xeo thúc đẩy việc hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch nhà nước.
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Chúng ta đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch năm 1963, và những năm trước của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Có được kết quả tốt đẹp đó là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Chính phủ, sức phấn đấu dũng cảm của nhân dân ta, đồng thời nhờ có sự giúp đỡ nhiệt tình của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Những thắng lợi ấy đang cổ vũ mạnh mẽ nhân dân ta trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà.
Sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta rất là vĩ đại. Bên cạnh những thuận lợi căn bản, chúng ta cũng có những khó khăn trong bước trưởng thành. Chúng ta cần thấy rõ thuận lợi và thấy hết khó khăn, nâng cao hơn nữa tinh thần lạc quan cách mạng, thực hiện tốt 5 nhiệm vụ mà Hồ Chủ tịch đã đề ra trong Hội nghị Chính trị đặc biệt, phấn đấu không mệt mỏi cho thắng lợi của kế hoạch nhà nước năm 1964, tạo điều kiện thuận lợi để tiến lên hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Trên đây, chúng tôi đã trình bày những ý kiến của Uỷ ban kế hoạch và ngân sách của Quốc hội đối với bản dự án kế hoạch Nhà nước năm 1964 của Chính phủ sau khi đã thẩm tra kỹ. Bản dự án kế hoạch này được thông qua và thực hiện tốt sẽ đẩy mạnh thêm một bước quan trọng việc xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội và chuẩn bị cho việc hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ nhất. Uỷ ban chúng tôi đề nghị Quốc hội thông qua bản dự án kế hoạch nhà nước năm 1964 mà Chính phủ đã trình bày.