VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VI(QUYỂN 1) 1981 - 1983

 

TỜ TRÌNH
CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI KHÓA VI
VỀ DỰ ÁN LUẬT TỔ CHỨC QUỐC HỘI VÀ
HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC

(Do ông Xuân Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa VI
trình bày tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VII,
ngày 25-6-1981)

 

Thưa Đoàn Chủ tịch,

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Sau khi Hiến pháp mới được ban hành, Nhà nước ta cần có các đạo luật về tổ chức các cơ quan lãnh đạo nhà nước. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét và thông qua bốn Dự án luật về tổ chức. Thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội, chúng tôi xin trình bày về Dự án Luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.

Tư tưởng chỉ đạo việc xây dựng Dự án Luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước là Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động và nói: “Nêu cao vị trí của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp”. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nói: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân”.

“Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân” (Điều 6).

Chúng tôi đã lấy Chương VI và Chương VII của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam làm căn cứ chủ yếu, dựa vào kinh nghiệm thi hành Luật tổ chức Quốc hội năm 1960 và tham khảo kinh nghiệm của các nước xã hội chủ nghĩa anh em để Dự thảo Luật này.

Dự án luật cụ thể hóa những quy định của Hiến pháp ở mức độ phù hợp với tính chất của một đạo luật. Những vấn đề cụ thể chi tiết sẽ được quy định trong nội quy sau này.

Luật này được Quốc hội thông qua sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng, bảo đảm phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, của các cơ quan giúp việc Quốc hội.

Dự án Luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước gồm 6 chương, 74 điều:

Chương I: Những quy định chung,

Chương II: Kỳ họp Quốc hội,

Chương III: Hội đồng Nhà nước,

Chương IV: Chủ tịch Quốc hội, các Hội đồng và các Ủy ban của Quốc hội,

Chương V: Đại biểu Quốc hội,

Chương VI: Điều khoản cuối cùng.

Dưới đây chúng tôi xin trình bày những điều chính về nội dung của Dự án Luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.

Chương I: Những quy định chung

Chương này nêu rõ vị trí, chức năng của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, những nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động của hai cơ quan này là: hoạt động theo đường lối, chủ trương của Đảng lãnh đạo, theo Hiến pháp và các pháp luật; quyết định theo đa số; quan hệ chặt chẽ với nhân dân và dựa vào các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội; các cơ quan nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Quốc hội, của các Hội đồng và ủy ban của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.

Chương II: Kỳ họp Quốc hội

Chương này quy định về tổ chức và hoạt động của kỳ họp Quốc hội, về việc bầu các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước và các cơ quan khác của Quốc hội, về trách nhiệm của các cơ quan hữu quan báo cáo công tác và trình các dự án trước Quốc hội, v.v..

Trước đây, tại mỗi kỳ họp, Quốc hội bầu Đoàn Chủ tịch kỳ họp, các vị trong thường trực Đoàn Chủ tịch thay phiên nhau chủ tọa các phiên họp. Theo Hiến pháp mới, Dự án luật này quy định các phiên họp của Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội chủ tọa, kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa Quốc hội do Chủ tịch Hội đồng Nhà nước khóa trước khai mạc, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước chủ tọa các phiên họp cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch Quốc hội khóa mới.

Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Điều 5 Dự án luật ghi: Quốc hội họp một kỳ vào giữa năm, một kỳ vào cuối năm. Quy định này bảo đảm cho Quốc hội có thể xét và thông qua kế hoạch và ngân sách nhà nước hàng năm vào tháng 11 hoặc chậm nhất là tháng 12 năm trước.

Bắt đầu mỗi khóa Quốc hội có việc thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội. Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu các khóa Quốc hội trước đây có trách nhiệm như một ủy ban thường trực, làm nhiệm vụ thẩm tra tại kỳ họp đầu tiên của khóa Quốc hội và cả đối với các đại biểu được bầu bổ sung. Theo Điều 7 của Dự án luật này, Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội, sau khi làm xong nhiệm vụ thẩm tra tại kỳ họp thứ nhất thì hết nhiệm vụ. Khi có bầu cử bổ sung, Quốc hội thành lập ủy ban thẩm tra mới.

Theo Luật tổ chức Quốc hội năm 1960, Quốc hội cử Đoàn thư ký cho mỗi kỳ họp Quốc hội. Để ổn định tổ chức, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các đồng chí thư ký và giúp các đồng chí thư ký tích lũy kinh nghiệm, Dự án luật quy định Quốc hội cử Đoàn thư ký cho tất cả các kỳ họp của mỗi khóa Quốc hội.

Trước đây, khi Quốc hội bầu các cơ quan, các vị lãnh đạo cao cấp của Nhà nước thì Đoàn Chủ tịch kỳ họp và các trưởng đoàn đại biểu Quốc hội cùng trao đổi ý kiến và giới thiệu. Theo Hiến pháp mới, ta có Chủ tịch Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, cho nên Dự án luật quy định vấn đề trên như sau:

- Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Quốc hội do Chủ tịch Hội đồng Nhà nước khóa trước và các trưởng đoàn đại biểu Quốc hội cùng giới thiệu;

- Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng Nhà nước do Chủ tịch Quốc hội và các trưởng đoàn đại biểu Quốc hội cùng giới thiệu;

- Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và các trưởng đoàn đại biểu Quốc hội cùng giới thiệu.

Xuất phát từ yêu cầu những cơ quan nhà nước và những người có trách nhiệm cần trực tiếp nghe các đại biểu Quốc hội phản ánh những nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân về những vấn đề do mình phụ trách, Dự án luật quy định: “Những thành viên của Hội đồng Bộ trưởng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền và có trách nhiệm dự các phiên họp của Quốc hội”.

Một nội dung chủ yếu của các kỳ họp là Quốc hội nghe và thảo luận báo cáo của Hội đồng Nhà nước, của Hội đồng Bộ trưởng, của Tòa án nhân dân tối cao và của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Dự án luật quy định: “Trong các kỳ họp thường lệ của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo công tác trước Quốc hội”.

Để phát huy hiệu lực giám sát của Quốc hội và đề cao trách nhiệm của các cơ quan hữu quan, Dự án luật quy định: “Quốc hội xét các báo cáo và khi cần thiết ra những nghị quyết về công tác của Hội đồng Bộ trưởng, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao”.

Để bảo đảm cho các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội có thời gian nghiên cứu, thẩm tra các báo cáo, dự án, Dự án luật quy định: “Dự án kế hoạch nhà nước và dự toán ngân sách nhà nước phải gửi đến Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Chủ tịch Quốc hội chậm nhất là 20 ngày trước khi Quốc hội họp.

Các báo cáo, các dự án luật và dự án khác phải được gửi đến Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Chủ tịch Quốc hội trong thời gian thích đáng trước khi Quốc hội và Hội đồng Nhà nước họp”.

Chương III: Hội đồng Nhà nước

Hội đồng Nhà nước là cơ quan lãnh đạo trong hệ thống cơ quan nhà nước của ta, làm chức năng chính của Ủy ban thường vụ Quốc hội và chức năng của Chủ tịch nước trước đây.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Nhà nước đã được ghi rõ trong Điều 100 của Hiến pháp.

Dự án luật cụ thể hóa những quy định của Hiến pháp về một số điểm.

Điều 25 ghi: “Chủ tịch Hội đồng Nhà nước phối hợp với Chủ tịch Quốc hội dự kiến chương trình làm việc của Quốc hội; bảo đảm việc chuẩn bị các dự án luật và các dự án khác; quyết định những vấn đề khác có liên quan đến kỳ họp”.

Cụ thể hóa điểm 9 Điều 100 của Hiến pháp nói: “Hội đồng Nhà nước giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp”, Dự án luật quy định: “Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị hành chính tương đương báo cáo với Hội đồng Nhà nước về hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp mình và cấp dưới theo quy định của Hội đồng Nhà nước. Hội đồng Nhà nước ra những nghị quyết để hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp”.

Để tăng cường hoạt động lập pháp của Quốc hội, Dự án luật quy định: “Hội đồng Nhà nước thông qua kế hoạch xây dựng pháp luật theo đề nghị của Hội đồng Bộ trưởng, của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, và giám sát việc thực hiện kế hoạch đó”.

Dự án luật đã dành nhiều quy định thể thức Hội đồng Nhà nước sử dụng một số nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng và đã dành một số điều quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Dự án luật nêu: “Chủ tịch Hội đồng Nhà nước tiếp nhận các đại diện toàn quyền ngoại giao của nước ngoài và của các tổ chức quốc tế tại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; ký thư ủy nhiệm và thư triệu hồi đại diện toàn quyền ngoại giao của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài và ở các tổ chức quốc tế”.

Chương IV: Chủ tịch Quốc hội, các Hội đồng và các Ủy ban của Quốc hội

Dự án luật ghi lại trong Điều 40 nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội đã được quy định trong Hiến pháp mới. Để Chủ tịch Quốc hội thực hiện quyền điều hòa và phối hợp hoạt động của các ủy ban, Dự án luật quy định: “Chủ tịch Quốc hội có quyền tham dự hội nghị của các ủy ban thường trực, có thể triệu tập và chủ trì hội nghị chủ nhiệm các ủy ban để điều hòa và phối hợp chương trình làm việc của các ủy ban”.

Căn cứ vào tính chất riêng biệt của Hội đồng quốc phòng, Dự án luật ghi lại nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quốc phòng như đã quy định trong Hiến pháp.

Hội đồng dân tộc là một cơ quan mới của Quốc hội có nhiệm vụ và quyền hạn quan trọng hơn Ủy ban dân tộc của Quốc hội trước đây. Dự án luật quy định cơ cấu tổ chức của Hội đồng dân tộc gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, thư ký và các ủy viên. Khi bầu Hội đồng dân tộc, Quốc hội sẽ quyết định số thành viên của Hội đồng dân tộc.

Để tăng cường công tác lập pháp và công tác giám sát của Quốc hội, đồng thời thu hút nhiều đại biểu vào các công tác của Quốc hội, Dự án luật quy định thành lập 6 ủy ban thường trực của Quốc hội: Ủy ban pháp luật; Ủy ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách; Ủy ban văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật; Ủy ban y tế và xã hội; Ủy ban thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; Ủy ban đối ngoại.

Các ủy ban hoạt động theo chương trình do các ủy ban quyết định; các ủy ban phải gửi chương trình đó cho Chủ tịch Quốc hội để điều hòa, phối hợp.

Hội đồng dân tộc và các ủy ban có thể đi điều tra, xem xét tại chỗ, có quyền chất vấn, có quyền đề nghị Hội đồng Nhà nước đưa một dự án hay một vấn đề quan trọng ra trưng cầu ý kiến nhân dân; các đại biểu Quốc hội không phải là thành viên của ủy ban có thể tham dự hội nghị của ủy ban với sự đồng ý của Chủ nhiệm ủy ban, các ủy ban có thể thành lập các tiểu ban cần thiết để giúp việc, với sự đồng ý của Hội đồng Nhà nước.

Chương V: Đại biểu Quốc hội

Chương này có những quy định cụ thể hơn so với trước, nhằm nhấn mạnh và thể hiện rõ hơn nhiệm vụ và quyền hạn của các đại biểu Quốc hội, làm cơ sở cho đại biểu Quốc hội phát huy được vai trò là người đại biểu của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Dự án luật quy định: “Đại biểu Quốc hội có nhiệm vụ tham gia các kỳ họp và phiên họp của Quốc hội. Đại biểu nào không thể tham gia các kỳ họp và phiên họp phải có lý do và phải báo trước cho Chủ tịch Quốc hội biết".

“Đại biểu Quốc hội có thể chất vấn tại kỳ họp Quốc hội cũng như giữa hai kỳ họp Quốc hội. Khi Quốc hội họp, đại biểu Quốc hội gửi chất vấn đến Chủ tịch Quốc hội để Chủ tịch Quốc hội chuyển cho cơ quan hoặc người bị chất vấn trả lời. Cơ quan hoặc người bị chất vấn phải trả lời trước Quốc hội tại kỳ họp đó. Trong trường hợp cần điều tra thì Quốc hội có thể quyết định thời gian trả lời trước Hội đồng Nhà nước hoặc tại kỳ họp sau của Quốc hội. Giữa hai kỳ họp, những chất vấn được gửi đến Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Cơ quan hoặc người bị chất vấn trả lời trước Hội đồng Nhà nước hoặc, theo quyết định của Hội đồng Nhà nước, trả lời trước Quốc hội tại kỳ họp gần nhất của Quốc hội. Khi đại biểu chất vấn Hội đồng Bộ trưởng thì Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng hoặc một thành viên được ủy nhiệm của Hội đồng Bộ trưởng trả lời. Khi đại biểu chất vấn một thành viên của Hội đồng Bộ trưởng thì thành viên đó trả lời”.

Để tăng cường hiệu lực giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước qua các chất vấn của đại biểu Quốc hội và việc trả lời chất vấn, Dự án luật quy định: “Khi cần thiết Quốc hội hoặc Hội đồng Nhà nước ra nghị quyết về việc trả lời và trách nhiệm của cơ quan hoặc người bị chất vấn”.

Trong quan hệ giữa đại biểu Quốc hội với cử tri, Dự án luật nêu rõ đại biểu phải thực hiện việc tiếp xúc thường kỳ với cử tri; sau mỗi kỳ họp Quốc hội, đại biểu phải báo cáo với cử tri về kết quả của kỳ họp, phổ biến và giải thích các luật và nghị quyết đã được Quốc hội thông qua; đại biểu Quốc hội nhận được những điều khiếu nại và tố cáo của nhân dân, có trách nhiệm nghiên cứu và chuyển đến cơ quan nhà nước hữu quan kèm theo ý kiến của mình và báo cho đương sự biết kết quả giải quyết của cơ quan đó.

Đại biểu Quốc hội có quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước về việc thi hành pháp luật, chính sách của Nhà nước và những vấn đề thuộc lợi ích chung, yêu cầu các cơ quan nhà nước và những người có trách nhiệm phải thi hành những biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt những việc làm trái pháp luật của cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức xã hội hoặc bất cứ cá nhân nào. Dự án luật quy định các cơ quan hữu quan hoặc người có trách nhiệm phải nghiên cứu và trả lời kiến nghị của đại biểu, phải tiếp đại biểu khi đại biểu yêu cầu gặp.

Đại biểu Quốc hội có quyền tham dự hội nghị Hội đồng nhân dân nơi mình được bầu. Đó là quy định cần thiết giúp đại biểu Quốc hội có thể nắm được tình hình các mặt ở địa phương để làm việc có hiệu quả; mặt khác, giữ được mối quan hệ mật thiết với các đại biểu dân cử ở địa phương mình được bầu ra.

Đại biểu Quốc hội được hưởng những bảo đảm về mặt thủ tục hình sự, không bị bắt giam, truy tố nếu không có sự đồng ý của Quốc hội hoặc của Hội đồng Nhà nước trong thời gian Quốc hội không họp.

Đại biểu Quốc hội ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương hợp thành đoàn đại biểu Quốc hội địa phương. Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương tổ chức hoạt động của các đại biểu Quốc hội tại các đơn vị bầu cử. Mỗi năm hai lần, các đoàn đại biểu Quốc hội thông báo cho Chủ tịch Quốc hội và Hội đồng Nhà nước về hoạt động của các đại biểu Quốc hội ở địa phương.

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Trên đây chúng tôi đã trình bày nội dung cơ bản của Dự án Luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước. Đề nghị Quốc hội xem xét và thông qua.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội