VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VI(QUYỂN 1) 1981 - 1983

 

TỜ TRÌNH
CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ VỀ DỰ ÁN
LUẬT TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

(Do ông Đặng Thí, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng
trình bày tại kỳ họp thứ nhất,
Quốc hội khóa VII, ngày 25-6-1981)

 

Thưa Đoàn Chủ tịch,

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Thay mặt Hội đồng Chính phủ, chúng tôi xin trình Quốc hội Dự án Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng để Quốc hội xét.

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chủ yếu là Chương VIII nói về Hội đồng Bộ trưởng, Dự án Luật này quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Bộ trưởng trong việc quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội; phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân; bảo đảm xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Dự án Luật này nêu rõ trách nhiệm tập thể của Hội đồng Bộ trưởng và trách nhiệm của từng thành viên của Hội đồng Bộ trưởng, quy định mối quan hệ giữa Hội đồng Bộ trưởng và Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, các đoàn thể nhân dân, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp.

Dự án Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng gồm 5 chương, 38 điều.

Chương I: Những quy định chung,

Chương II: Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng Bộ trưởng,

Chương III: Lề lối làm việc và quan hệ công tác của Hội đồng Bộ trưởng,

Chương IV: Nhiệm vụ, quyền hạn và quan hệ công tác của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước,

Chương V: Điều khoản cuối cùng.

Dưới đây chúng tôi xin trình bày về nội dung của Dự án Luật.

Chương I: Nói về những quy định chung

Trong Chương này trình bày nhiệm vụ tổng quát của Hội đồng Bộ trưởng và các nguyên tắc cơ bản về hoạt động của Hội đồng Bộ trưởng, quy định thành phần của Hội đồng Bộ trưởng, nhiệm kỳ công tác và chế độ chịu trách nhiệm của Hội đồng Bộ trưởng trước Quốc hội, Hội đồng Nhà nước.

Chương II: Nói về nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng Bộ trưởng

Căn cứ vào Điều 108 của Hiến pháp, Chương này nêu lên các nhiệm vụ của Hội đồng Bộ trưởng trong các lĩnh vực công tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật, văn hóa và giáo dục, y tế và xã hội, quốc phòng, trật tự, an ninh, đối ngoại, pháp chế xã hội chủ nghĩa, tổ chức và cán bộ.

Các quy định trong Chương này nhằm thể hiện chức năng quản lý toàn diện của Hội đồng Bộ trưởng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Chương III: Nói về lề lối làm việc và quan hệ công tác của Hội đồng Bộ trưởng

Dự án Luật định rõ Hội đồng Bộ trưởng làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định vấn đề theo đa số.

Nói rõ Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng là cơ quan thường trực của Hội đồng Bộ trưởng có nhiệm vụ chuẩn bị các phiên họp của Hội đồng Bộ trưởng; bảo đảm việc thi hành các nghị quyết, nghị định, quyết định của tập thể Hội đồng Bộ trưởng; căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng Bộ trưởng, giữa hai kỳ họp của Hội đồng Bộ trưởng, quyết định những vấn đề thuộc quyền hạn của Hội đồng Bộ trưởng và báo cáo lại với Hội đồng Bộ trưởng.

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng là người đứng đầu Hội đồng Bộ trưởng, lãnh đạo và quản lý mọi hoạt động của Hội đồng Bộ trưởng. Vì vậy, Dự án Luật nêu rõ những quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Các Phó Chủ tịch có nhiệm vụ giúp Chủ tịch trong việc lãnh đạo chung và được phân công điều hòa, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc một số ngành hoặc lĩnh vực công tác.

Về quan hệ với các Hội đồng, các Ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội, các Bộ, Ủy ban Nhà nước, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp, các đoàn thể nhân dân, Dự án Luật quy định Hội đồng Bộ trưởng và các thành viên của Hội đồng Bộ trưởng có trách nhiệm trả lời chất vấn và các kiến nghị của các Hội đồng và các Ủy ban của Quốc hội hoặc của đại biểu Quốc hội; các thành viên Hội đồng Bộ trưởng có nhiệm vụ trình bày hoặc cung cấp tư liệu về những vấn đề cần thiết theo yêu cầu của các Hội đồng và các Ủy ban của Quốc hội.

Dự án Luật nói rõ Hội đồng Bộ trưởng có quyền lãnh đạo công tác, kiểm tra hoạt động và có quyền đình chỉ, sửa đổi hoặc bãi bỏ các văn bản không thích đáng của các Bộ, các Ủy ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng.

Dự án Luật nêu rõ Hội đồng Bộ trưởng có nhiệm vụ bảo đảm cho Hội đồng nhân dân các cấp hoạt động và lãnh đạo Ủy ban nhân dân các cấp làm tròn nhiệm vụ.

Dự án Luật quy định những điều cần thiết để các đoàn thể nhân dân phát huy vai trò tích cực trong việc tham gia quản lý nhà nước.

Chương IV: Nói về quyền hạn, nhiệm vụ và quan hệ công tác của Bộ trưởng và Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước.

Dự án Luật định rõ Bộ trưởng và Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước là người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước Trung ương, chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng về toàn bộ sự phát triển của một (hay một số) ngành hoặc lĩnh vực trong cả nước. Hoạt động của Bộ trưởng là một mặt hoạt động của Hội đồng Bộ trưởng. Bộ trưởng và Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước là người lãnh đạo, người thủ trưởng cao nhất, và là người thay mặt Hội đồng Bộ trưởng để điều khiển mọi công việc của ngành hoặc lĩnh vực được giao. Vì vậy, Bộ trưởng và Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước có quyền ra những quyết định, chỉ thị, thông tư về những vấn đề thuộc chức năng quản lý của mình và hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành các văn bản đó đối với các ngành, các cấp, các đơn vị trong cả nước. Bộ trưởng và Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước có trách nhiệm quản lý hành chính đối với công việc của ngành hoặc lĩnh vực trong cả nước; đồng thời chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác, kết quả thực hiện kế hoạch và ngân sách được giao, chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng lao động, tiền vốn, vật tư, thiết bị và bảo vệ tài sản thuộc quyền quản lý của mình và có trách nhiệm chỉ đạo toàn diện các cơ quan, đơn vị do mình trực tiếp quản lý; chỉ đạo về nghiệp vụ, hướng dẫn kiểm tra các đơn vị thuộc ngành nhưng do Bộ khác hoặc do Ủy ban nhân dân các cấp trực tiếp quản lý. Trường hợp phát hiện Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước các ngành khác hoặc Ủy ban nhân dân các cấp có chủ trương hoặc văn bản trái với nội dung quản lý của ngành mình, thì Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban ngành chủ quản có quyền yêu cầu sửa đổi hoặc bãi bỏ; nếu yêu cầu không được chấp nhận thì kiến nghị Hội đồng Bộ trưởng quyết định.

Các điều nói trên được thể hiện trong các điều 29, 30, 31, 32, 33, 34 của Dự án Luật.

Dự án Luật quy định Bộ và Ủy ban Nhà nước đều làm việc theo chế độ thủ trưởng. Dự án Luật còn quy định Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng cũng có nhiệm vụ, quyền hạn quy định cho các thành viên của Hội đồng Bộ trưởng ghi trong Chương IV của Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng.

Thưa Đoàn Chủ tịch,

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Trên đây chúng tôi đã trình bày nội dung chính của Dự án Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng, đề nghị Quốc hội xét và quyết định.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội