Thưa Đoàn Chủ
tịch,
Thưa các vị đại
biểu Quốc hội,
Sau khi Hiến pháp
mới được ban hành, các Tòa án nhân dân cần phải hoạt động theo những quy định
của Hiến pháp, góp phần tích cực bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh Hiến pháp. Luật
ngày 24-7-1960 về tổ chức Tòa án nhân dân và Pháp lệnh ngày 23-3-1961 về tổ chức
cụ thể của Tòa án nhân dân tối cao và của các Tòa án nhân dân địa phương, nay có
những điểm cần được sửa đổi, bổ sung. Vì vậy, chúng tôi xin trình Quốc hội Dự
thảo Luật mới về tổ chức Tòa án nhân dân.
Tinh thần chung của
Dự thảo này là: căn cứ vào những quy định của Hiến pháp mới, phát huy vai trò
của Tòa án nhân dân trong việc tăng cường chuyên chính vô sản, phát huy quyền
làm chủ tập thể của nhân dân lao động để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội,
bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Dựa vào kinh nghiệm xây dựng các Tòa
án nhân dân trong 20 năm qua, Dự thảo Luật đã khẳng định những nguyên tắc tiến
bộ về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân đã được thực hiện, đồng thời có
những đề nghị bổ sung.
Dự thảo Luật này gồm
có 4 chương.
Chương I: NGUYÊN
TẮC CHUNG
1. Điều 1, đoạn 2
của Dự thảo Luật có ghi:
“Tòa án nhân dân
xét xử những vụ án hình sự, những vụ án dân sự, lao động, hôn nhân và gia đình,
và những việc khác do pháp luật quy định thuộc thẩm quyền Tòa án nhân dân”.
Cần ghi như vậy vì hiện nay, ngoài việc xét xử về hình sự, dân sự, hôn nhân và
gia đình, các Tòa án nhân dân đã được giao cho xét xử một số loại việc khác như:
tranh chấp trong quan hệ lao động, khiếu nại về danh sách cử tri, khiếu nại về
việc báo chí đăng bài xâm phạm đến danh dự của công dân... Quy định trong Dự
thảo phù hợp với yêu cầu phát huy vai trò tích cực của các Tòa án nhân dân trong
việc bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tập thể và quyền lợi chính đáng của công
dân. Thẩm quyền cụ thể của Tòa án nhân dân sẽ được quy định trong các luật về
thủ tục tố tụng hình sự, dân sự và luật lao động.
2. Trong các điều
khác của Chương I, Dự thảo Luật thể hiện những nguyên tắc cơ bản đã được quy
định trong Hiến pháp về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân.
Ngoài những nguyên
tắc đó, Dự thảo Luật quy định một số nguyên tắc khác là:
- Giám đốc thẩm hoặc
tái thẩm những bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật nếu phát hiện thấy
có sự vi phạm pháp luật trong việc điều tra hoặc xét xử, hoặc phát hiện thấy có
những tình tiết mới (Điều 12);
- Khắc phục những
nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm và việc làm trái pháp luật (Điều
14);
- Sự tham gia tố
tụng của Viện kiểm sát nhân dân (Điều 15);
- Sự hợp tác giữa Tòa án nhân dân với các tổ chức xã hội (Điều 17);
- Sự hợp tác giữa
Tòa án nhân dân với các cơ quan khác của Nhà nước (Điều 18);
Quy định thêm những
nguyên tắc này nhằm thể hiện được đầy đủ yêu cầu của công tác xét xử và các quan
hệ phối hợp, hợp tác giữa Tòa án nhân dân với các cơ quan khác của Nhà nước và
các tổ chức xã hội, đấu tranh chống và phòng ngừa các tội phạm và các việc làm
vi phạm pháp luật để tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong quản lý kinh tế
và quản lý xã hội.
3. Để bảo đảm cho
các Tòa án nhân dân thực hiện được tốt công tác xét xử, việc quản lý về biên
chế, tổ chức và cán bộ của Tòa án nhân dân các cấp là rất quan trọng. Trước đây,
khi giải thể Bộ Tư pháp, Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1960 đã giao nhiệm vụ
này cho Tòa án nhân dân tối cao. Nay, nếu Bộ Tư pháp được thành lập, chúng tôi
đề nghị Tòa án nhân dân tối cao quản lý tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao và
Bộ Tư pháp quản lý về tổ chức của Tòa án nhân dân địa phương. Bộ Tư pháp có
nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân tối cao trong việc quản lý về mặt
tổ chức các Tòa án nhân dân địa phương (Điều 16).
Chương II: NHIỆM
VỤ, THẨM QUYỀN VÀ TỔ CHỨC CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN CÁC CẤP
A - Tòa án nhân dân tối cao
1. Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1960 quy định Tòa án nhân dân
tối cao có Hội đồng toàn thể Thẩm phán, nhưng Hội đồng này chỉ có một nhiệm vụ
là duyệt lại các bản án tử hình trước khi thi hành. Nhiệm vụ này sau đó được
giao cho Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, cho nên Hội đồng toàn thể
Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không còn hoạt động nữa.
Hiến pháp mới đã quy định Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử
cao nhất, có nhiệm vụ giám đốc công tác xét xử của các Tòa án nhân dân địa
phương và các Tòa án quân sự. Chúng tôi thấy cần phải phát huy trí tuệ tập thể
của các Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trong việc hướng dẫn Tòa án nhân dân
các cấp áp dụng thống nhất pháp luật, đường lối xét xử và tổng kết kinh nghiệm
xét xử. Hiện nay, để xét xử phúc thẩm một số lớn vụ án của các Tòa án nhân dân
cấp tỉnh, Tòa án nhân dân tối cao đã phải tổ chức ba Tòa phúc thẩm rải ra ở ba
nơi: Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Số Thẩm phán Tòa án nhân dân tối
cao khá nhiều, nhưng phần lớn lại là Thẩm phán của các Tòa phúc thẩm, quá bận
công tác xét xử cho nên thường rất khó triệu tập được Hội đồng toàn thể Thẩm
phán để chỉ đạo kịp thời công tác xét xử của toàn ngành. Trước tình hình này,
chúng tôi đề nghị không thành lập Hội đồng toàn thể Thẩm phán mà thành lập một
hình thức tổ chức thích hợp là Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Hội đồng này gồm có: Chánh án và các Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; các
Chánh Tòa, Phó Chánh Tòa và các Thẩm phán các Tòa chuyên trách; các Chánh Tòa và
Phó Chánh Tòa các Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao. Hội đồng Thẩm phán Tòa
án nhân dân tối cao là tổ chức bảo đảm việc vận dụng thống nhất pháp luật và
đường lối xét xử trong công tác của Tòa án nhân dân các cấp. Nhiệm vụ, quyền hạn
và tổ chức của Hội đồng Thẩm phán được quy định cụ thể trong Điều 23 và Điều 24
của Dự thảo Luật.
2. Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được xác định là cơ
quan thường trực của Hội đồng Thẩm phán và là tổ chức xét xử theo thủ tục giám
đốc thẩm và tái thẩm. Nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Ủy ban Thẩm phán Tòa án
nhân dân tối cao được quy định trong Điều 25 và Điều 26 của Dự thảo Luật. Trong
nhiệm vụ của Ủy ban Thẩm phán, chúng tôi đề nghị bỏ việc duyệt lại án tử hình,
vì trong trường hợp bản án có sai lầm thì đã có việc kháng nghị theo thủ tục
giám đốc thẩm để xét lại. Bỏ việc duyệt lại án tử hình sẽ giảm bớt được một khâu
công tác không cần thiết và làm cho việc thi hành án được nhanh hơn. Để được
chặt chẽ, chúng tôi đề nghị quy định thêm là:
- Bản án tử hình được thi hành nếu không có kháng nghị theo thủ tục
giám đốc thẩm. Trong trường hợp người bị án xin ân giảm án tử hình thì Hội đồng
Nhà nước xét đơn xin ân giảm; bản án được thi hành nếu Hội đồng Nhà nước bác đơn
xin ân giảm (Điều 13, đoạn 3);
- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ trình Hội đồng Nhà
nước ý kiến của mình về những trường hợp người bị án xin ân giảm án tử hình
(Điều 29, điểm 5).
B - Các Tòa án nhân dân cấp tỉnh
1. Trước đây, chỉ có Tòa án nhân dân tối cao mới có quyền giám đốc
thẩm những bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân các
cấp mà phát hiện có sai lầm. Nay chúng tôi đề nghị giao cho các Tòa án nhân dân
cấp tỉnh quyền giám đốc thẩm và tái thẩm những bản án và quyết định đã có hiệu
lực pháp luật của các Tòa án nhân dân cấp huyện. Như vậy, việc giám đốc thẩm và
tái thẩm được giải quyết nhanh hơn (Điều 31).
2. Ở các Tòa án nhân dân cấp tỉnh, không tổ chức Hội đồng Thẩm phán
như ở Tòa án nhân dân tối cao, mà chỉ có Ủy ban Thẩm phán như hiện nay. Nhiệm
vụ, quyền hạn và tổ chức của Ủy ban Thẩm phán được quy định trong Điều 33 và
Điều 34 của Dự thảo Luật.
C - Các Tòa án nhân dân cấp huyện
Các Tòa án nhân dân cấp huyện cần được tăng thẩm quyền cho phù hợp
với vị trí và nhiệm vụ của cấp huyện. Căn cứ vào tình hình hiện nay, chúng tôi
đề nghị quy định thẩm quyền các Tòa án nhân dân cấp huyện như sau:
1. Sơ thẩm những vụ án hình sự, trừ những loại việc sau đây:
- Những tội xâm phạm an ninh quốc gia;
- Những tội phạm hình sự khác có tính chất nghiêm trọng, phức tạp
hoặc gây hậu quả lớn.
2. Sơ thẩm những vụ án dân sự, lao động, hôn nhân và gia đình, và
những vụ án khác do pháp luật quy định, trừ những việc mà đương sự là người nước
ngoài hoặc là người Việt Nam ở nước ngoài (Điều 36).
Tòa án nhân dân tối cao sẽ hướng dẫn các Tòa án nhân dân địa phương
về những loại việc cụ thể giao cho Tòa án nhân dân cấp huyện xét xử, và việc
thực hiện thẩm quyền mới này sẽ được tiến hành từng bước căn cứ vào tình hình và
trình độ tổ chức ở các địa bàn khác nhau và của mỗi Tòa án nhân dân cấp huyện.
Về những quy định trong Chương III “Thẩm phán
và Hội thẩm nhân dân”, chúng tôi thấy đã rõ không có vấn đề gì cần trình bày
thêm.
Trên đây là những vấn đề cơ bản trong Dự thảo Luật tổ chức Tòa án
nhân dân, chúng tôi xin trình để Quốc hội thảo luận và quyết định.
Lưu tại Trung tâm Lưu
trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.