VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VI(QUYỂN 1) 1981 - 1983

 

BÁO CÁO
CỦA CHỦ TỊCH ĐOÀN QUỐC HỘI VIỆT NAM
TRONG LIÊN MINH QUỐC HỘI TẠI KỲ HỌP THỨ NHẤT,
QUỐC HỘI KHÓA VII VỀ VIỆC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VIỆT NAM THAM GIA LIÊN MINH QUỐC HỘI

 

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Liên minh Quốc hội là một tổ chức quốc tế được thành lập năm 1889, trụ sở đóng ở Giơnevơ (Thụy Sỹ). Mục đích của Liên minh Quốc hội là: “Khuyến khích sự tiếp xúc giữa đại biểu Quốc hội các nước và thống nhất họ trong hành động chung để làm cho các Nhà nước của họ tham gia vào sự nghiệp ủng hộ việc củng cố và phát triển những thể chế đại biểu, củng cố hòa bình và hợp tác giữa các dân tộc và đặc biệt ủng hộ những mục tiêu của Liên hợp quốc” (trích Điều lệ sửa đổi mới nhất).

Hiện nay, Liên minh Quốc hội đã có 94 đoàn đại biểu Quốc hội của 94 nước tham gia, trong đó có 12 nước xã hội chủ nghĩa là Liên Xô, Tiệp Khắc, Bungari, Hunggari, Rumani, Anbani, Cộng hòa Dân chủ Đức, Mông Cổ, Triều Tiên, Cuba và Việt Nam.

Theo điều lệ của Liên minh Quốc hội, mỗi Quốc hội, kể cả Quốc hội ở một nước liên bang, cũng chỉ được thành lập một đoàn đại biểu tham gia Liên minh Quốc hội. Thành viên của đoàn phải là đại biểu Quốc hội. Mỗi đoàn đại biểu Quốc hội có thể bao gồm tất cả đại biểu Quốc hội hoặc một số đại biểu Quốc hội đương nhiệm tham gia Liên minh Quốc hội.

Các cơ quan lãnh đạo của Liên minh Quốc hội là: Đại hội Liên minh Quốc hội, Hội đồng Liên minh Quốc hội, Ban Chấp hành Liên minh Quốc hội và các Ủy ban nghiên cứu. Liên minh Quốc hội có Văn phòng Liên minh Quốc hội giúp việc.

Đại hội Liên minh Quốc hội gồm các đại diện của các đoàn. Mỗi đoàn có thể cử một số đại diện đi dự Đại hội bằng số phiếu được Hội đồng Liên minh Quốc hội phân bố tùy theo tỷ lệ dân số mỗi nước, số đại biểu của từng đoàn và số đại biểu Quốc hội.

Đại hội họp thường lệ mỗi năm một lần vào mùa thu. Đại hội thảo luận và thông qua những báo cáo và dự án nghị quyết về những vấn đề có tính chất quốc tế đã được Hội đồng Liên minh Quốc hội ghi vào chương trình nghị sự của Đại hội. Những nghị quyết của Đại hội không có tính chất pháp lý bắt buộc các nước phải tuân theo, mà có tính chất kêu gọi, khuyến khích các nước thực hiện, thông qua các đại biểu là thành viên của Liên minh Quốc hội. Các đoàn đại biểu Quốc hội các nước có nhiệm vụ báo cáo với Quốc hội và Chính phủ nước mình về các nghị quyết của Đại hội.

Hội đồng Liên minh Quốc hội là cơ quan lãnh đạo của Liên minh, bao gồm các đại diện do các đoàn đại biểu Quốc hội đề cử và được Đại hội thông qua. Mỗi đoàn đại biểu Quốc hội có hai đại diện trong Hội đồng Liên minh Quốc hội.

Hội đồng họp thường lệ mỗi năm hai lần vào kỳ họp mùa xuân và mùa thu của Liên minh Quốc hội để quyết định việc kết nạp các đoàn đại biểu Quốc hội các nước vào Liên minh Quốc hội; triệu tập Đại hội Liên minh Quốc hội và ấn định chương trình của Đại hội; thành lập các Ủy ban nghiên cứu và đề cử với Đại hội Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng, các thành viên của Ban Chấp hành, bổ nhiệm Tổng Thư ký và thi hành mọi biện pháp hoạt động nhằm đạt mục đích của Liên minh Quốc hội giữa hai kỳ họp Đại hội, v.v..

Ban Chấp hành Liên minh Quốc hội là cơ quan hành chính của Liên minh Quốc hội, thi hành những quyền hạn do Hội đồng giao cho.

Ban Chấp hành có 11 ủy viên thuộc các đoàn đại biểu Quốc hội khác nhau do Đại hội bầu ra trong số các thành viên của Hội đồng Liên minh Quốc hội. Chủ tịch Hội đồng đương nhiên là Chủ tịch Ban Chấp hành. Ban Chấp hành họp thường lệ mỗi năm hai lần để chuẩn bị các kỳ họp của Hội đồng, các Ủy ban nghiên cứu và kiểm tra hoạt động của Văn phòng Liên minh Quốc hội, v.v..

Các Ủy ban nghiên cứu của Liên minh Quốc hội: do Hội đồng Liên minh Quốc hội thành lập. Mỗi Ủy ban nghiên cứu gồm đại diện của các đoàn đại biểu Quốc hội cử ra. Mỗi đoàn đại biểu Quốc hội cử một đại diện chính thức và một đại diện dự khuyết vào mỗi Ủy ban.

Hiện nay, Liên minh có 5 Ủy ban nghiên cứu là:

Ủy ban về chính trị và giải trừ quân bị.

Ủy ban về các vấn đề nghị viện, luật pháp và nhân quyền.

Ủy ban về kinh tế và xã hội.

Ủy ban về giáo dục, khoa học, văn hóa và môi trường.

Ủy ban về lãnh thổ chưa tự trị và các vấn đề dân tộc.

Các Ủy ban họp chủ yếu vào kỳ họp mùa xuân của Liên minh Quốc hội để chuẩn bị những báo cáo và các dự án nghị quyết đưa ra Đại hội mùa thu của Liên minh Quốc hội.

Văn phòng Liên minh Quốc hội là cơ quan tham mưu thường trực của Liên minh Quốc hội, bao gồm tất cả các nhân viên làm việc dưới sự chỉ đạo của Tổng Thư ký để phục vụ hoạt động của Liên minh Quốc hội.

Văn phòng Liên minh Quốc hội có nhiệm vụ giữ gìn văn thư, thu thập và phân phối tài liệu; giữ mối quan hệ, phối hợp giữa các đoàn đại biểu Quốc hội; chuẩn bị những vấn đề đưa ra các cuộc họp của Liên minh Quốc hội, bảo đảm thi hành những nghị quyết của Hội đồng và Đại hội, v.v..

Trên đây là trình bày khái quát về tổ chức Liên minh Quốc hội.

Đối với tổ chức Liên minh Quốc hội, các nước xã hội chủ nghĩa và ông Tổng Thư ký Liên minh Quốc hội đã nhiều lần đề nghị đại biểu Quốc hội ta gia nhập. Về phía ta, cũng thấy rằng đây là một diễn đàn dư luận quốc tế mà ta có thể sử dụng có lợi cho ta để nói lên lập trường, quan điểm chính nghĩa của mình, bác bỏ sự tuyên truyền xuyên tạc của bọn đế quốc và phản động quốc tế, tranh thủ thêm nhiều bầu bạn, góp phần nâng cao vai trò, vị trí của nước ta và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.

Do đó tháng 12-1978, trong kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa VI, Ủy ban đối ngoại của Quốc hội đã báo cáo với Quốc hội đề nghị thành lập đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham gia Liên minh Quốc hội. Quốc hội đã giao cho đồng chí Tổng Thư ký Ủy ban thường vụ Quốc hội và đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội liên hệ với các đại biểu Quốc hội để lập danh sách đoàn và giải quyết những vấn đề thuộc về thủ tục cần thiết.

Ngày 03-02-1979, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã quyết nghị tán thành việc thành lập đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam để tham gia Liên minh Quốc hội.

Ngày 15-02-1979, đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã gửi đơn xin gia nhập Liên minh Quốc hội. Đoàn gồm có 264 đại biểu Quốc hội, hơn một nửa tổng số đại biểu Quốc hội khóa VI và cử ra một Ban Chấp hành đoàn gồm 17 đại biểu do đồng chí Xuân Thủy làm Chủ tịch. Đoàn có nội quy hoạt động riêng.

Ngày 21-4-1979, Hội đồng Liên minh Quốc hội họp tại Praha đã chấp nhận đơn xin gia nhập của đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam vào Liên minh Quốc hội.

Từ ngày gia nhập Liên minh Quốc hội, đoàn đã đóng góp tài chính cho Liên minh và đã cử các đoàn đại biểu đi dự các cuộc hội nghị về Liên minh Quốc hội. Mỗi năm dự ba kỳ họp: một kỳ họp tư vấn đại diện các đoàn đại biểu Quốc hội các nước xã hội chủ nghĩa để thống nhất nhận định, đề ra biện pháp đấu tranh và phân công chuẩn bị cho các cuộc hội nghị của Liên minh Quốc hội; một kỳ họp hội nghị mùa xuân của Liên minh Quốc hội, chủ yếu tham gia sinh hoạt của các ủy ban để chuẩn bị các dự án nghị quyết đưa ra Đại hội mùa thu của Liên minh Quốc hội; và một kỳ họp Đại hội mùa thu của Liên minh Quốc hội để quyết định cuối cùng những vấn đề quốc tế đã được nêu ra trong chương trình nghị sự hàng năm của Liên minh Quốc hội.

Tổng cộng đến nay, Đoàn Việt Nam trong Liên minh Quốc hội đã tham dự ba cuộc hội nghị tư vấn xã hội chủ nghĩa và 6 cuộc hội nghị mùa xuân và mùa thu của Liên minh Quốc hội.

Qua các hoạt động nói trên, đoàn đại biểu Quốc hội ta đã phối hợp chặt chẽ với các đoàn các nước xã hội chủ nghĩa và các nước không liên kết đấu tranh bảo vệ lợi ích của Việt Nam và làm nghĩa vụ quốc tế. Đoàn ta đã sử dụng diễn đàn Liên minh Quốc hội lên án mạnh mẽ cuộc chiến tranh xâm lược của... chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đập lại những luận điệu vu cáo, xuyên tạc của bọn đế quốc và phản động quốc tế và làm thất bại âm mưu của chúng tại các hội nghị định lợi dụng “vấn đề tị nạn”, “vấn đề Campuchia” để chống Việt Nam; đồng thời đoàn ta cũng đã kiên quyết ủng hộ lập trường và hành động đúng đắn của Liên Xô nhằm bảo vệ thành quả cách mạng của Ápganixtan và tố cáo Mỹ và... câu kết phá hoại phong trào giải phóng dân tộc, gây tình hình căng thẳng ở nhiều nơi trên thế giới. Hoạt động của các đoàn đại biểu ta tại các cuộc hội nghị của Liên minh Quốc hội đã được các đoàn đại biểu Quốc hội các nước xã hội chủ nghĩa hoan nghênh và đánh giá cao và được dư luận nhiều đoàn đại biểu các nước khác đồng tình, ủng hộ.

Như vậy, đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam trong Liên minh Quốc hội đã bước đầu làm tốt nhiệm vụ của Quốc hội khóa VI giao cho.

Chúng tôi đề nghị Quốc hội khóa VII sẽ tổ chức lại đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam để tiếp tục hoạt động trong Liên minh Quốc hội.

Trước đây, mỗi đoàn đại biểu Quốc hội cử ra một số đại biểu tổng cộng lại được trên một nửa tổng số đại biểu Quốc hội đề nghị vào danh sách làm thủ tục xin gia nhập Liên minh Quốc hội. Nay, rút kinh nghiệm thấy tổ chức như vậy vừa phiền phức, vừa không thiết thực. Trên thực tế, đa số đại biểu Quốc hội tham gia vào đoàn, song không cần có sinh hoạt và hoạt động gì mà chỉ cần có một số đại biểu có điều kiện tham dự các cuộc hội nghị của Liên minh Quốc hội là được. Vì vậy, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa VII này, chúng tôi đề nghị tổ chức lại đoàn bảo đảm cho thiết thực, gọn, mạnh, phù hợp với nguyên tắc, thể lệ của Liên minh Quốc hội.

1. Về danh nghĩa đối với Liên minh Quốc hội, coi như tất cả các đại biểu Quốc hội ta đều tham gia Liên minh Quốc hội, một số nước xã hội chủ nghĩa cũng làm cách này. Như vậy, tránh được thủ tục phiền phức không cần thiết phải lựa chọn và cử một nửa số đại biểu Quốc hội, mà vẫn bảo đảm có được số lượng đoàn chiếm trên 50% số đại biểu Quốc hội để được Liên minh Quốc hội phân bổ thêm hai phiếu bầu như Điều lệ quy định.

2. Về thực tế hoạt động chỉ cần giới thiệu một danh sách khoảng 30 đại biểu Quốc hội có sinh hoạt và tham gia hoạt động thực sự trong Liên minh Quốc hội (có danh sách kèm theo Báo cáo này).

Để lãnh đạo đoàn, đề nghị các đại biểu Quốc hội đồng ý cử ra một Ban Chấp hành đoàn gồm 11 đại biểu (có danh sách kèm theo).

Các đại biểu trong danh sách trên có nhiệm vụ đại diện cho đoàn đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu về Liên minh Quốc hội, vận dụng đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta tham gia hoạt động trong Liên minh Quốc hội ngày càng có hiệu quả, thiết thực nhằm bảo vệ, nâng cao vai trò, vị trí của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng thời làm nghĩa vụ quốc tế, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. 

Hà Nội, ngày 29-6-1981

ĐOÀN VIỆT NAM TRONG LIÊN MINH QUỐC HỘI

Chủ tịch

XUÂN THỦY

Toàn văn Văn kiện
lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội