Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Chúng tôi xin báo cáo với Quốc hội về công tác của Hội đồng Nhà nước, của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban thường trực của Quốc hội và của các đại biểu Quốc hội trong thời gian từ kỳ họp thứ nhất đến kỳ họp thứ 2 này của Quốc hội.
I- VỀ CÔNG TÁC LẬP PHÁP
Ngày 28-8-1981, Hội đồng Nhà nước đã thảo luận và thông qua kế hoạch xây dựng pháp luật trong 5 năm từ 1981 đến 1985 và 6 tháng cuối năm 1981 của Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Hội đồng Nhà nước nhận thấy công tác luật pháp cần được đẩy mạnh và đã giao cho Ủy ban pháp luật của Quốc hội phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện tốt kế hoạch làm luật trong 5 năm mà Hội đồng Nhà nước đã thông qua.
Nhà nước ta thiếu những bộ luật cơ bản về hình sự và dân sự, những luật về kinh tế, v.v., gây nên tình trạng giải quyết công việc một cách thiếu căn cứ chính xác về pháp lý; Tòa án và Viện kiểm sát cũng gặp nhiều khó khăn trong việc xét xử.
Công tác đào tạo cán bộ pháp lý chưa được quan tâm đúng mức. Tất cả các ngành, kể cả Bộ Tư pháp, Tòa án, Viện kiểm sát, Công an đều thiếu cán bộ pháp lý. Trường đại học Pháp lý mở chậm và hiện nay rất yếu; việc tuyên truyền giáo dục pháp luật trong cán bộ và nhân dân, trong các trường chưa có kế hoạch, có nền nếp, sự hiểu biết về luật pháp trong nhân dân, trong cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở rất hạn chế. Do đó, tình trạng vi phạm pháp luật còn rất phổ biến, ngay cả trong các cơ quan nhà nước.
Các Bộ, các ngành cần khắc phục khó khăn, thực hiện cho được kế hoạch làm luật đã đề ra. Các cơ quan có trách nhiệm phải giúp đỡ Trường đại học Pháp lý về mặt giảng dạy cũng như về cơ sở vật chất, bảo đảm cho trường hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Để bảo vệ sự tôn nghiêm và an toàn tuyệt đối đối với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo đề nghị của Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước đã ra Nghị quyết “nghiêm cấm việc chụp ảnh, quay phim, vẽ trong Lăng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghiêm cấm đưa những ảnh, phim và bản vẽ trong Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh lên báo, màn ảnh, đèn chiếu và vô tuyến truyền hình”.
Theo đề nghị của Hội đồng Bộ trưởng, nhân dịp lễ Quốc khánh lần thứ 36 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hội đồng Nhà nước đã ra Nghị quyết tha cho những phạm nhân có án tù đã cải tạo tốt, giảm hạn tù cho những phạm nhân đã thật thà sửa chữa và giao cho Hội đồng Bộ trưởng tiếp tục xét tha những người được tập trung cải tạo đã thực sự tiến bộ trong thời gian cải tạo.
Hội đồng Nhà nước đã thảo luận Dự thảo Luật sĩ quan Quân đội nhân dân thay cho Luật cũ ban hành từ năm 1958. Các cơ quan hữu quan đã hoàn chỉnh dự thảo và trình Quốc hội xét thông qua trong kỳ họp này.
Ngày 27-11-1981, Hội đồng Nhà nước đã thảo luận và thông qua Pháp lệnh quy định việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân.
II- VỀ VIỆC PHÊ CHUẨN CÔNG ƯỚC VÀ HIỆP ĐỊNH
Theo đề nghị của Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước đã xét và phê chuẩn những công ước và hiệp định sau đây:
Ngày 27-8-1981, phê chuẩn Nghị định thư bổ sung các Công ước Giơnevơ ngày 12-8-1949 về bảo hộ nạn nhân trong các cuộc xung đột vũ trang quốc tế.
Hội đồng Nhà nước nhận định rằng công tác đấu tranh ngoại giao rất phức tạp, nhất là đối với những vấn đề quốc tế liên quan đến các nước tư bản, đế quốc. Nhà nước ta phê chuẩn Nghị định thư bổ sung các Công ước Giơnevơ ngày 12-8-1949 công nhận các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc là những cuộc xung đột vũ trang có tính chất quốc tế, từ đó quy định các chiến sĩ du kích được hưởng các quy chế tù binh như các bộ đội chính quy, là một thắng lợi lớn.
Ngày 28-10-1981, phê chuẩn Hiệp định lãnh sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Cuba.
Ngày 27-11-1981, phê chuẩn Công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ.
Hội đồng Nhà nước nhận định rằng Công ước về quyền bình đẳng của phụ nữ không chỉ là vấn đề xã hội mà có nội dung dân tộc và giai cấp sâu sắc. Vì vậy, bọn đế quốc và phản động cố tìm cách xuyên tạc, lẩn tránh, trì hoãn việc ký kết. Trước sự đấu tranh mạnh mẽ và liên tục của các nước xã hội chủ nghĩa và các nước dân tộc chủ nghĩa tiến bộ, ngày 18-12-1980, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 34 mới chính thức thông qua. Đến nay, đã có 86 nước ký Công ước và 20 nước phê chuẩn.
Công ước về loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ là một văn kiện pháp lý quốc tế có nội dung tiến bộ. Tuy vậy, Công ước có một điểm về thủ tục không thỏa đáng. Đó là Điều 29, khoản 1 quy định rằng mọi tranh chấp giữa hai hay nhiều nước thành viên liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước mà không giải quyết được bằng thương lượng thì sẽ đưa ra trọng tài hoặc Tòa án quốc tế phân xử.
Việc đưa ra trọng tài hoặc Tòa án quốc tế mà chỉ cần một bên tranh chấp yêu cầu là trái với nguyên tắc bình đẳng giữa các quốc gia trong quan hệ quốc tế. Vì vậy, trong lúc ký kết cũng như khi ra Nghị quyết phê chuẩn Công ước này, nước ta có ghi điều bảo lưu không chịu sự ràng buộc của Điều 29, khoản 1.
III- VỀ NHÂN SỰ NHÀ NƯỚC
1. Về nhân sự của Tòa án nhân dân tối cao
Ngày 29-9-1981, theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Nhà nước đã bổ nhiệm các đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Khanh, Huỳnh Viết Thắng, Lê Phương Hằng giữ chức Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Hội đồng Nhà nước cũng đã bổ nhiệm các đồng chí có tên sau đây giữ chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao: 1. Vũ Dư; 2. Hoàng Nam Hải; 3. Nguyễn Thị Chơn; 4. Nguyễn Bá Kim; 5. Vương Đăng Bôi; 6. Đào Duy Khánh; 7. Phạm Công; 8. Trần Sửu; 9. Nguyễn Văn Hạnh; 10. Dương Đình Ngạch; 11. Nguyễn Xuân Khởi; 12. Hồ Thị Xuân Hiền; 13. Đinh Viết Đào; 14. Bùi Thâu; 15. Hoàng Thị Trâm; 16. Nguyễn Trọng; 17. Phạm Như Phấn; 18. Trịnh Đình Thể; 19. Chu Văn Gia; 20. Nguyễn An Nhuế; 21. Nguyễn Quang; 22. Nguyễn Ngọc Giáp; 23. Lưu Tiến Hợp; 24. Hà Văn Thìn; 25. Tạ Đăng Khoa; 26. Nguyễn Thị Lê; 27. Nguyễn Hữu Lâm; 28. Nguyễn Lê Hưởng; 29. Trần Huy Lạc; 30. Hún Vi Định; 31. Nguyễn Quang Minh; 32. Nguyễn Thượng Hiền; 33. Bùi Bá Rạng; 34. Trần Thị Đức; 35. Mai Ngọc Trinh; 36. Triệu Đình Tần.
2. Về nhân sự quốc phòng
Ngày 12-11-1981, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước cũng là Chủ tịch Hội đồng quốc phòng đã ra quyết định bổ nhiệm Thiếu tướng Nguyễn Thế Bôn giữ chức Tư lệnh Quân khu IV thay Thiếu tướng Hoàng Minh Thi từ trần vì tai nạn máy bay.
3. Về nhân sự Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước
Ngày 06-7-1981, theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Nhà nước đã bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Việt Dũng giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.
Ngày 20-10-1981, theo đề nghị của Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã bổ nhiệm đồng chí Lê Trang giữ chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.
4. Về việc bổ nhiệm Đại sứ nước ta ở nước ngoài và việc nhận thư ủy nhiệm của Đại sứ nước ngoài
Ngày 06-7-1981, theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước đã ra nghị quyết bổ nhiệm:
- Đồng chí Hoàng Quốc Tín giữ chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại nước Cộng hòa Nhân dân xã hội chủ nghĩa Anbani, thay đồng chí Dương Văn Trung.
- Đồng chí Phan Thị Minh Hiền giữ chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Vương quốc Na Uy, kiêm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Vương quốc Đan Mạch và nước Cộng hòa Aixơlen, thay đồng chí Nguyễn Đình Thành.
Thay mặt Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh đã nhận thư ủy nhiệm của:
- Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Nhân dân Hunggari tại nước ta Vácga Iôxép (ngày 28-8-1981).
- Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Nhật Bản tại nước ta Atsukitô Satahê (ngày 20-11-1981).
- Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Ấn Độ tại nước ta Gunđép Xaép (ngày 01-12-1981).
IV- VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT CÁC ĐƠN KHIẾU NẠI,
TỐ CÁO CỦA CÔNG DÂN
Từ sau kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa VII đến cuối tháng 11 năm 1981, Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã nhận được 6.232 đơn khiếu tố và thư dân nguyện, tăng 11% so với cùng thời kỳ năm 1980.
Nội dung đơn khiếu tố tập trung vào những hiện tượng tham ô, lãng phí, lợi dụng chức quyền để móc ngoặc, thu vén cá nhân, trộm cắp tài sản của Nhà nước, của tập thể, tệ nạn hối lộ, trả thù, trù dập, ức hiếp quần chúng và cán bộ cấp dưới.
Trong các đơn khiếu nại, tố cáo có nêu rõ sự việc, tố cáo đích danh, kể cả người có chức có quyền, và đề nghị biện pháp kiểm tra, giải quyết sự việc ở một số địa phương.
Thư dân nguyện yêu cầu Nhà nước nhanh chóng ban hành Pháp lệnh quy định việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân, có biện pháp nhanh chóng giải quyết khó khăn trong đời sống của cán bộ và nhân dân, ngăn chặn những tệ nạn tiêu cực ngày càng phát triển trong xã hội.
Qua kiểm tra và giải quyết các khiếu tố của công dân ở một số địa phương thì thấy từ 70% đến 80% các đơn khiếu nại, tố cáo là chính xác.
Tình hình xét và giải quyết các đơn khiếu nại và tố cáo ở các địa phương, các ngành so với năm 1980 đã có nhiều cố gắng, một số vụ việc được giải quyết dứt khoát, kịp thời, song nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nguyên nhân chủ yếu là các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương và thủ trưởng các ngành ở Trung ương chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này. Số cán bộ ở các cấp và các ngành phụ trách về công tác này còn rất thiếu về số lượng và yếu về năng lực. Do đó, việc giải quyết các đơn khiếu nại, tố cáo còn bị hạn chế về nhiều mặt, thiếu dân chủ, thiếu khách quan. Việc sửa sai còn trì trệ, nhiều cán bộ hoặc tổ chức phạm sai lầm không được xử lý nghiêm minh, kịp thời; người bị thiệt không được bồi thường đúng chính sách.
Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã tích cực nghiên cứu và kịp thời chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, quan hệ chặt chẽ với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Ban 79 Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, Ủy ban Thanh tra của Chính phủ..., để trao đổi, phối hợp công tác.
Đi đôi với việc chuyển đơn, Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã tích cực đôn đốc các ngành, các địa phương giải quyết các đơn khiếu tố của cán bộ và nhân dân, đã cử cán bộ về các tỉnh Hà Sơn Bình, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Bắc Thái, Hải Hưng, Hà Bắc, Quảng Ninh, Hà Nam Ninh, An Giang, Hậu Giang và ba thành phố lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng, để trao đổi ý kiến nhằm giải quyết dứt điểm những vụ việc quan trọng, tồn tại lâu năm.
Trong phiên họp thường lệ tháng 9 năm 1981, Hội đồng Nhà nước đã nghe các đại diện Hội đồng Bộ trưởng, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước báo cáo công tác xét và giải quyết các khiếu nại và tố cáo của công dân. Hội đồng Nhà nước nhận thấy rằng số đơn khiếu nại và tố cáo tăng nhiều, nhưng việc giải quyết chưa kịp, số đơn ứ đọng còn nhiều; có việc công dân nhắc đi nhắc lại nhiều lần mà chưa được giải quyết thỏa đáng. Hội đồng Nhà nước quyết định cứ sáu tháng một lần, Hội đồng Bộ trưởng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải báo cáo trước Hội đồng Nhà nước tình hình công tác xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân. Các đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cần đôn đốc, kiểm tra tình hình giải quyết các khiếu nại, tố cáo của nhân dân ở các địa phương. Cần tập trung giải quyết dứt điểm trong một thời hạn nhất định các vụ việc đã để ứ đọng lâu ngày.
V- VỀ CÔNG TÁC KHEN THƯỞNG
1. Theo đề nghị của Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước đã quyết định việc tặng danh hiệu Anh hùng và tặng thưởng huân chương các loại cho các đơn vị, gia đình và cá nhân như sau:
Tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho:
- 21 đơn vị và 6 cán bộ thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam đã lập thành tích đặc biệt xuất sắc trong nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
- 14 đơn vị và 8 cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng Công an nhân dân đã lập thành tích đặc biệt xuất sắc trong công cuộc chống Mỹ, cứu nước và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho đồng chí L.I Brêgiơnép, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô, đã có những cống hiến xuất sắc vào việc củng cố và tăng cường tình hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết chiến đấu và sự hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên Xô.
Tặng thưởng Huân chương các loại:
- Huân chương Sao Vàng: cho đồng chí Kayxỏn Phômvihẳn, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và đồng chí Xuphanuvông, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tối cao, Chủ tịch Mặt trận Lào xây dựng Tổ quốc, đã có những cống hiến to lớn vào sự nghiệp củng cố và phát triển tình hữu nghị đặc biệt, tình đoàn kết chiến đấu và sự hợp tác toàn diện giữa nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Huân chương Hồ Chí Minh: cho đồng chí L.I Brêgiơnép, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô, đã có những cống hiến xuất sắc vào việc củng cố và tăng cường tình hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết chiến đấu và sự hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên Xô.
- Huân chương Độc lập: cho 14 cán bộ, nhân sĩ, trí thức đã có nhiều cống hiến trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
- Huân chương Lao động: cho 300 đơn vị và 37 cá nhân đã có những thành tích xuất sắc trong việc thực hiện kế hoạch nhà nước và các nhiệm vụ công tác khác.
- Huân chương Quân công và Huân chương Chiến công: cho 2.488 đơn vị và cá nhân thuộc các lực lượng vũ trang nhân dân đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc.
- Huân chương Kháng chiến: cho 10 gia đình và 33 cán bộ đã có nhiều thành tích trong sự nghiệp cách mạng và kháng chiến.
- Huân chương Quyết thắng cho 783 cán bộ theo niên hạn phục vụ ở miền Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.
- Huân chương Giải phóng: cho 325 gia đình thuộc các tỉnh miền Nam có người thân đã thoát ly gia đình, tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
- Huân chương Chiến sĩ vẻ vang: cho 21.638 cán bộ, chiến sĩ đã có thành tích phục vụ trong các lực lượng vũ trang nhân dân.
- Huân chương Hữu nghị: cho 7 đơn vị và 26 cá nhân thuộc các nước xã hội chủ nghĩa anh em đã có công giúp nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, và cho 4 cá nhân thuộc các nước khác đã ủng hộ nhân dân ta trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và xây dựng đất nước.
2. Theo đề nghị của Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước đã ra nghị quyết thông qua Điều lệ khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho quân, dân và cán bộ trong cả nước, để biểu dương thành tích to lớn của quân và dân ta, phát huy truyền thống đoàn kết đấu tranh của dân tộc, động viên mọi người ra sức thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời, đánh dấu một thắng lợi vẻ vang nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, một sự kiện quan trọng của thời đại.
3. Theo đề nghị của Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước đã ra nghị quyết bỏ việc phân hạng (hạng nhất, hạng nhì, hạng ba) đối với Huân chương Hồ Chí Minh.
VI- CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI
Ngày 08-10-1981, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh đã gửi thư đến đồng chí Iu. Xêđăngban, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ ủng hộ đề nghị của nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ về việc ký một Công ước không tiến công lẫn nhau, không dùng vũ lực trong quan hệ giữa các nước châu Á và Thái Bình Dương.
Ngày 16-10-1981, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh đã gửi thư đến ông Étuyốt Xaouma, Tổng Giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc.
Nhận lời mời của Hội liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam, Quốc hội ta đã cử một đoàn đại biểu Quốc hội do đồng chí Mai Chí Thọ, đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh làm Trưởng đoàn và các đồng chí đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Linh Quy, Nguyễn Văn Quỳ, đi thăm hữu nghị Nhật Bản từ ngày 01 đến ngày 10-11-1981. Đoàn đã giới thiệu với chính quyền và một số đoàn thể Nhật Bản về lập trường của Nhà nước ta đối với một số vấn đề quốc tế, nhất là đối với vấn đề Đông Nam Á mà dư luận Nhật Bản quan tâm.
Về hoạt động của Đoàn Việt Nam trong Liên minh Quốc hội
Trong thời gian qua, Đoàn đại biểu của Đoàn Việt Nam trong Liên minh Quốc hội do đồng chí Phan Anh, Chủ tịch Ban Chấp hành đoàn dẫn đầu và gồm các đồng chí Nguyễn Ngọc Hà, Nguyễn Tấn Gi Trọng, Nguyễn Thị Linh Quy, Lê Văn Thới, đã đi dự Đại hội lần thứ 68 của Liên minh Quốc hội họp tại La Habana từ ngày 15 đến ngày 23-9-1981.
Đoàn đại biểu Việt Nam đã cùng với các Đoàn đại biểu của khối Cộng đồng xã hội chủ nghĩa và những nước tiến bộ trong khối Arập, châu Phi, châu Mỹ latinh, v.v., góp phần tích cực vào sự thành công của Đại hội.
VII- VỀ QUAN HỆ VỚI HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Hội đồng Nhà nước nhận được đều đặn những nghị định, nghị quyết, chỉ thị, thông báo về các mặt hoạt động của Hội đồng Bộ trưởng.
Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã chuyển đến Hội đồng Bộ trưởng các câu hỏi, kiến nghị của các đại biểu nêu ra tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa VII. Hội đồng Bộ trưởng đã giao cho các cơ quan hữu quan nghiên cứu để trả lời các đại biểu Quốc hội.
Ngày 27-8-1981, Hội đồng Nhà nước đã nghe đại diện Hội đồng Bộ trưởng báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước trong 6 tháng đầu năm 1981, nghe báo cáo về việc ký kết hợp tác khai thác dầu khí giữa Việt Nam và Liên Xô, nghe báo cáo của Đoàn đại biểu Chính phủ về khóa họp lần thứ 35 của Hội đồng Tương trợ kinh tế và kỳ họp thứ 100 của Ban Chấp hành Hội đồng Tương trợ kinh tế, nghe báo cáo về cuộc đi thăm Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa anh em của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Hội đồng Nhà nước đã lưu ý Hội đồng Bộ trưởng tình hình sản xuất, thu mua thóc có nhiều tiến bộ, nhưng cần kiên quyết ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực còn nghiêm trọng. Nhiều mặt trong nền kinh tế còn mất cân đối lớn, xây dựng cơ bản còn phân tán, giao thông vận tải còn rất kém, gây trở ngại cho sản xuất, lưu thông, phân phối, xuất nhập khẩu.
Trong nông nghiệp, việc khoán sản phẩm đến người lao động là đúng, hợp với tình hình nông nghiệp nước ta, đã gây được không khí hồ hởi, động viên được mọi lực lượng lao động ở nông thôn vào sản xuất. Vấn đề cần chú ý là phải chấp hành đúng, nghiêm chỉnh Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Phải kiểm tra, uốn nắn mọi lệch lạch, chống xu hướng khoán trắng.
Về công nghiệp cần nghiên cứu, xem xét kỹ việc thực hiện kế hoạch ba phần, kiểm tra chặt chẽ, tránh buông lỏng để vật tư nhà nước không dùng cho kế hoạch một (lợi ích Nhà nước) mà tuồn vào kế hoạch hai và kế hoạch ba, tuồn ra ngoài cho con buôn.
Cần cố gắng bảo đảm các mặt hàng cung cấp theo định lượng, chú ý đến đời sống của cán bộ, công nhân, viên chức ở thành phố, khu công nghiệp đang rất khó khăn, do giá cả tăng lên.
Hội đồng Nhà nước tán thành những chủ trương của Hội đồng Bộ trưởng trong việc ký kết hợp tác với Liên Xô về khai thác dầu khí.
Hội đồng Nhà nước đánh giá cao những hoạt động phong phú và đầy hiệu quả của Liên Xô và các thành viên trong Hội đồng Tương trợ kinh tế đã tăng cường sức mạnh, thắt chặt tình đoàn kết keo sơn của khối Cộng đồng xã hội chủ nghĩa, đưa việc sản xuất các mặt của các nước thành viên trong khối phát triển một cách vững chắc.
Cuộc đi thăm Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa anh em của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đã tăng cường sự hiểu biết, phối hợp hành động giữa các nước xã hội chủ nghĩa trong chiến lược, sách lược đối ngoại của Cộng đồng xã hội chủ nghĩa.
VIII- VỀ QUAN HỆ VỚI TÒA ÁN VÀ VIỆN KIỂM SÁT
Trong các phiên họp thường lệ hàng tháng của Hội đồng Nhà nước, đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đều có tham dự, để trình bày ý kiến của mình đối với những vấn đề liên quan đến công tác của hai ngành.
Ngày 28-10-1981, Hội đồng Nhà nước đã nghe hai ngành báo cáo công tác.
Hội đồng Nhà nước nhận thấy rằng:
Trong thời gian qua, hai ngành Tòa án và Kiểm sát đã có cố gắng trong việc đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật, xét xử nhanh hơn (xử sơ thẩm đạt 80%, giải quyết trên 70% các vụ kiện dân sự).
Tuy vậy, nhiều trường hợp xét xử còn quá chậm, thiếu nghiêm khắc đối với những phần tử nguy hiểm, phạm tội nghiêm trọng, hoặc xử quá nặng đối với người phạm tội nhẹ. Nhìn chung, pháp chế xã hội chủ nghĩa vẫn chưa phát huy tác dụng đầy đủ và kịp thời. Tình hình vi phạm các nguyên tắc, thể lệ trong quản lý kinh tế chưa giảm bớt mà có loại còn phát triển nghiêm trọng hơn. Công tác xét xử và kiểm sát trong lĩnh vực này còn quá yếu.
Tình hình bắt người, giam giữ người còn nhiều vi phạm. Trong năm 1980 và đầu năm 1981, Viện kiểm sát đã phát hiện được một số văn bản vi phạm luật pháp, một số trường hợp bắt giam hoặc tha mà không có lệnh.
Để giải quyết tình hình trên đây, Hội đồng Nhà nước đã đề ra với Hội đồng Bộ trưởng một số vấn đề cấp thiết sau đây:
Sửa lại Điều 1 của Sắc luật số 02-SL/76 ngày 15-3-1976, không giao cho Ủy ban nhân dân huyện, quận ở các tỉnh miền Nam quyền ra lệnh tập trung cải tạo những phần tử nguy hiểm cho xã hội, mà giao quyền đó cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh như ở miền Bắc; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong cán bộ và nhân dân, tổ chức hội nghị giữa ba ngành Công an, Tòa án, Kiểm sát để xác định đúng chức trách, nhiệm vụ của từng ngành và bàn biện pháp hợp đồng tác chiến chặt chẽ; thành lập ủy ban đi kiểm tra và thanh lý các trại giam, tha cho những người bị bắt sai, hoặc không đủ hồ sơ, chứng cứ, những người già yếu có thể tha được; đồng thời, xem xét cải thiện chế độ trại giam, đúng với tinh thần giáo dục, cải tạo con người.
IX- VỀ QUAN HỆ VỚI HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
Hiến pháp quy định Hội đồng Nhà nước có nhiệm vụ giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp. Để thực hiện nhiệm vụ này, Hội đồng Nhà nước đã cử một số chuyên viên, góp sức với Ban Tổ chức của Chính phủ, tiến hành xây dựng Dự thảo Luật về tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp, đã cử cán bộ đi dự các kỳ họp Hội đồng nhân dân các cấp, tìm hiểu vấn đề, nghiên cứu nhằm chuẩn bị xây dựng quy chế hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân.
Hội đồng Nhà nước đã cử 6 đoàn kiểm tra của Hội đồng do các đồng chí Phó Chủ tịch và Ủy viên của Hội đồng Nhà nước làm Trưởng đoàn đi kiểm tra việc tổ chức bầu cử Hội đồng nhân dân hai cấp huyện và xã, tháng 9, 10 và 11-1981, tại 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
1. Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội đi kiểm tra ở thành phố Hải Phòng (từ 24 đến 27-9-1981).
2. Đồng chí Xuân Thủy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước đi kiểm tra ở thành phố Hà Nội (từ 28-9 đến 04-10-1981).
3. Đồng chí Lê Thanh Đạo, Ủy viên Hội đồng Nhà nước, đi kiểm tra tại hai tỉnh Hà Bắc và Cao Bằng (từ 12 đến 26-10-1981).
4. Đồng chí Y Ngông Niê Kđăm, Ủy viên Hội đồng Nhà nước, đi kiểm tra tại các tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai - Kon Tum và Phú Khánh (từ 30-10 đến 17-11-1981).
5. Đồng chí Nguyễn Thị Định, Ủy viên Hội đồng Nhà nước, đi kiểm tra tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai (từ 8 đến 12-11-1981).
6. Đồng chí Ngô Duy Đông, Ủy viên Hội đồng Nhà nước, đi kiểm tra tại các tỉnh Bình Trị Thiên và Quảng Nam - Đà Nẵng (từ 6 đến 15-11-1981).
Tham gia các đoàn kiểm tra của Hội đồng Nhà nước còn có từ 2 đến 3 đại biểu Quốc hội ở địa phương.
Đến các địa phương, các đoàn đã nghe Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố báo cáo tình hình, đi xuống các cơ sở xem xét tình hình chuẩn bị bầu cử, dự một số cuộc họp kiểm điểm hết nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân các huyện, thị xã, cuộc ra mắt của ứng cử viên trước cử tri, gặp gỡ cử tri, thăm hỏi đồng bào các dân tộc, bộ đội ở vùng biên giới.
Nói chung, các cấp ủy Đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc đều coi công tác bầu cử là một công tác trọng tâm, đã chỉ đạo chặt chẽ mọi mặt công tác: chính quyền đã tổ chức hội nghị và các lớp tập huấn để hướng dẫn các cơ sở chuẩn bị bầu cử, Ủy ban Mặt trận tổ chức hiệp thương lựa chọn và giới thiệu người ra ứng cử... Các tổ chức bầu cử đã nghiên cứu thận trọng các khiếu nại, tố cáo của nhân dân.
Các địa phương mỗi nơi đều có những thuận lợi và khó khăn về lựa chọn ứng cử viên có đủ tài, đức và uy tín. Hà Nội cho rằng, số đại biểu Hội đồng nhân dân phường quy định có phần hơi nhiều (50 đại biểu). Đối với xã, việc chọn 50 đại biểu không khó, nhưng đối với phường thì khác, vì ngoài số cán bộ, công nhân viên đang công tác chỉ có thể nhằm vào số cán bộ hưu trí và các bà nội trợ.
Việc niêm yết danh sách cử tri và danh sách ứng cử viên nói chung đúng thời gian quy định, có một số nơi làm chậm do cơ quan, xí nghiệp, nhất là một số cơ quan, xí nghiệp Trung ương đóng ở địa phương thường làm danh sách chậm.
Hầu hết các Hội đồng nhân dân cấp huyện, xã đều có kiểm điểm hết nhiệm kỳ để nhân dân góp ý kiến. Đây là một nếp làm việc tốt, phát huy được quyền làm chủ tập thể của nhân dân.
Các Đoàn kiểm tra của Hội đồng Nhà nước đã góp ý kiến với địa phương về một số vấn đề cần thiết và đã động viên cán bộ, nhân dân địa phương làm tốt công tác bầu cử, đẩy mạnh sản xuất, hoàn thành kế hoạch nhà nước.
Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước đã có công văn hướng dẫn cho các Hội đồng nhân dân tỉnh về việc tiến hành kỳ họp đầu tiên của Hội đồng nhân dân huyện, xã và cấp tương đương trong khóa mới.
X- HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC
VÀ CÁC ỦY BAN CỦA QUỐC HỘI
Sau kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VII, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban thường trực của Quốc hội đã họp phiên đầu tiên vào ngày 05-7-1981 để:
1. Bầu các Phó Chủ nhiệm và thư ký Ủy ban;
2. Xác định chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng dân tộc và Ủy ban;
3. Bàn chương trình hoạt động của Hội đồng dân tộc và Ủy ban 6 tháng cuối năm 1981.
Căn cứ vào chương trình đã được thông qua, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban thường trực của Quốc hội đã hoạt động và đạt được những kết quả sau đây:
1. Hội đồng dân tộc
Đầu tháng 9-1981, thường trực Hội đồng dân tộc của Quốc hội đã họp để bàn kế hoạch thực hiện chương trình 6 tháng cuối năm 1981, dự thảo Điều lệ hoạt động của Hội đồng, dự kiến thành lập hai tiểu ban: Tiểu ban nghiên cứu về kinh tế miền núi và Tiểu ban nghiên cứu về giáo dục và đào tạo cán bộ dân tộc, bàn việc tổ chức đoàn đi nghiên cứu tình hình thực hiện chính sách dân tộc ở một số tỉnh thuộc biên giới phía Bắc nước ta.
Từ 04 đến 15-11-1981, một đoàn đại biểu Hội đồng dân tộc do đồng chí Hoàng Trường Minh, Chủ tịch Hội đồng, làm Trưởng đoàn và đồng chí Ksor Krơn, Phó Chủ tịch Hội đồng, làm Phó Trưởng đoàn, đã lên thăm Lai Châu, Sơn La. Sau khi làm việc với cấp ủy, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, Ban Dân tộc của hai tỉnh, Đoàn đã tọa đàm với một số cán bộ ở huyện, xã, hợp tác xã, đơn vị vũ trang biên phòng; đến thăm một số nông trường, hợp tác xã, trường đào tạo cán bộ dân tộc, tổ, đội sản xuất... Đoàn đã góp phần động viên cán bộ, nhân dân các dân tộc của hai tỉnh tăng cường đoàn kết, ra sức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sản xuất và bảo vệ Tổ quốc. Đoàn đã tìm hiểu được rõ những thành tích về ưu điểm, những khuyết điểm tồn tại trong việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước và tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cán bộ và nhân dân các dân tộc ở hai tỉnh.
Trong hai ngày 18, 19-12, Hội đồng dân tộc đã tiến hành kỳ họp 2 để thông qua dự thảo Điều lệ hoạt động, kiểm điểm công tác 6 tháng cuối năm 1981, nghe Bộ Lâm nghiệp báo cáo về tình hình công tác định canh, định cư.
2. Ủy ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách
Trong phiên họp đầu tiên, Ủy ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách đã bàn và đề nghị Hội đồng Nhà nước cho thành lập bốn tiểu ban:
- Tiểu ban ngân sách;
- Tiểu ban công nghiệp;
- Tiểu ban nông nghiệp;
- Tiểu ban phân phối lưu thông và đời sống.
Ngày 28-8-1981, Hội đồng Nhà nước đã ra nghị quyết đồng ý về việc thành lập bốn tiểu ban nói trên.
Ngày 15-9-1981, cuộc họp của thường trực Ủy ban mở rộng tiến hành tại Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua dự thảo Điều lệ tạm thời về hoạt động của Ủy ban, bàn việc thành lập các tiểu ban và tổ chức đoàn đi nghiên cứu tình hình sản xuất nông nghiệp ở một số tỉnh miền Nam.
Từ ngày 16 đến ngày 23-9-1981, Đoàn của Ủy ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách do đồng chí Đào Văn Tập, Chủ nhiệm Ủy ban, làm Trưởng đoàn, đã đi nghiên cứu tình hình sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Minh Hải và từ ngày 04 đến ngày 11-10-1981, Đoàn nghiên cứu tình hình ở tỉnh Kiên Giang. Sau khi làm việc với Ủy ban nhân dân hai tỉnh nói trên, Đoàn đã đi xem xét tình hình ở một số hợp tác xã trồng lúa, một số nơi nuôi tằm, cá, làm muối, trồng cây ăn quả và cây lấy gỗ... Đoàn đã góp một số ý kiến về đẩy mạnh sản xuất lương thực và chăn nuôi với địa phương, với Ủy ban nhân dân hai tỉnh.
Để chuẩn bị cho việc tham gia ý kiến vào kế hoạch nhà nước năm 1982 trong kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, thường trực mở rộng của Ủy ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách đã họp trong các ngày 04, 05 và 06-11-1981 để nghe báo cáo của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Ủy ban Vật giá và Bộ Nội thương.
Sau khi đi nghiên cứu ở một số địa phương và sau cuộc họp của thường trực Ủy ban mở rộng nghe một số cơ quan báo cáo, thường trực Ủy ban đã có báo cáo lên Hội đồng Nhà nước và kiến nghị với Hội đồng Bộ trưởng về một số vấn đề kinh tế mà Ủy ban quan tâm.
Trong các ngày 15, 16, 17, 18-12-1981, Ủy ban đã họp toàn Ủy ban để thẩm tra báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch và ngân sách nhà nước năm 1981; thẩm tra dự án kế hoạch và ngân sách năm 1982, quyết toán ngân sách năm 1980; kiểm điểm công tác 6 tháng cuối năm 1981 và thông qua dự thảo Điều lệ hoạt động của Ủy ban.
3. Ủy ban thanh niên, thiếu niên và nhi đồng
Sau phiên họp đầu tiên của toàn Ủy ban thanh niên, thiếu niên và nhi đồng ngày 18-8-1981, thường trực Ủy ban đã họp để:
- Thông qua chương trình hoạt động 6 tháng cuối năm 1981;
- Góp ý kiến xây dựng Điều lệ hoạt động của Ủy ban;
- Bàn và đề nghị thành lập ba tiểu ban.
Ủy ban thanh niên, thiếu niên và nhi đồng đã họp trong ba ngày 02, 03, 04-10-1981 để:
- Nghe Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trình bày về tình hình thanh niên, thiếu niên hiện nay;
- Thông qua dự thảo Điều lệ hoạt động của Ủy ban.
Ngày 05-10-1981, thường trực Ủy ban thanh niên, thiếu niên và nhi đồng đã họp cùng thường trực Ủy ban pháp luật để nghe và góp ý kiến vào Dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự.
Ngày 31-10-1981, thường trực Ủy ban họp để kiểm điểm và bàn tiếp kế hoạch thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 2 của Ủy ban.
Ngày 04, 05-12-1981, thường trực mở rộng của Ủy ban đã họp với Ủy ban pháp luật để thẩm tra Dự án Luật nghĩa vụ quân sự. Ngày 19-12-1981, toàn Ủy ban đã họp để thẩm tra Dự án Luật nghĩa vụ quân sự.
4. Ủy ban khoa học và kỹ thuật
Để triển khai nghị quyết Hội nghị lần thứ nhất của Ủy ban khoa học và kỹ thuật, ngày 11-8-1981 và ngày 01-9-1981, thường trực Ủy ban đã họp bàn, với nội dung sau:
- Chương trình hoạt động 6 tháng cuối năm 1981;
- Hướng xây dựng Điều lệ hoạt động của Ủy ban;
- Dự kiến thành lập hai tiểu ban: Tiểu ban khoa học tự nhiên và khoa học - kỹ thuật, Tiểu ban khoa học xã hội;
- Đề xuất xây dựng một số dự luật thuộc phạm vi khoa học và kỹ thuật;
- Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban thông báo một số tình hình công tác khoa học trong phạm vi cả nước.
Ngày 07, 08-9-1981, một số đồng chí thường trực và thành viên khác của Ủy ban đã đi nghiên cứu việc áp dụng quy trình kỹ thuật trồng lúa và các biện pháp kỹ thuật trồng và chế biến màu của Viện cây Lương thực và Cây thực phẩm ở Hải Hưng.
Từ ngày 26-9 đến ngày 04-10-1981, Đoàn Ủy ban khoa học và kỹ thuật gồm các đồng chí thường trực và 10 thành viên khác do đồng chí Bùi Thanh Khiết, Chủ nhiệm Ủy ban, làm Trưởng đoàn đã đi dự hội nghị khoa học ở đồng bằng sông Cửu Long, đi tham quan Trường Đại học Cần Thơ, Viện lúa Ô Môn ở Hậu Giang và Xưởng chế biến than hoạt tính ở tỉnh Bến Tre.
Trong ba ngày 17, 18, 19-12, Ủy ban đã họp để nghe Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước báo cáo tình hình thực hiện nghị quyết về chính sách khoa học, kỹ thuật trong năm 1981, kiểm điểm công tác 6 tháng cuối năm 1981 và bàn chương trình công tác năm 1982 của Ủy ban; thông qua dự thảo Điều lệ hoạt động của Ủy ban.
5. Ủy ban y tế và xã hội
Trong kỳ họp đầu tiên, Ủy ban y tế và xã hội đã bàn và nhất trí thông qua toàn Ủy ban việc đề nghị thành lập hai tiểu ban: Tiểu ban y tế và Tiểu ban xã hội. Ngày 28-8-1981, việc đề nghị thành lập hai tiểu ban nói trên đã được Hội đồng Nhà nước ra nghị quyết chuẩn y.
Ngày 17-7-1981, thường trực Ủy ban đã họp để:
- Phân công trong thường trực Ủy ban;
- Thông qua chương trình hoạt động 6 tháng cuối năm 1981;
- Bàn kế hoạch tổ chức đoàn đi nghiên cứu thực tế ở một số địa phương về công tác y tế.
Từ 15 đến 25-9-1981, Đoàn của Ủy ban do đồng chí Nguyễn Thị Định, Chủ nhiệm Ủy ban làm Trưởng đoàn đã đi nghiên cứu tình hình y tế ở Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Sông Bé. Đoàn đã làm việc với Ủy ban nhân dân, Sở Y tế của thành phố, một số cơ sở và nơi ở của công nhân và nhân dân lao động. Từ 23 đến 26-11-1981, Đoàn của Ủy ban do Chủ nhiệm Ủy ban làm Trưởng đoàn đã đi nắm tình hình thực hiện kế hoạch về y tế và xã hội của tỉnh Hà Tuyên.
Ngày 19-12-1981, toàn Ủy ban đã họp để kiểm điểm công tác 6 tháng cuối năm 1981 và bàn chương trình công tác năm 1982 của Ủy ban.
Thường trực Ủy ban đã xem xét và đề nghị với Bộ Y tế có kế hoạch giải quyết một số đơn khiếu nại.
6. Ủy ban văn hóa và giáo dục
Sau kỳ họp thứ nhất của Ủy ban văn hóa và giáo dục, thường trực Ủy ban đã họp trong những ngày 19, 20 và 27, 28-8-1981 để:
- Thông qua chương trình hoạt động 6 tháng cuối năm 1981;
- Nghe 6 cơ quan (Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp và Ủy ban Kế hoạch Hà Nội) báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch năm 1981, phương hướng xây dựng kế hoạch và ngân sách năm 1982 thuộc phần dành cho văn hóa và giáo dục, nhằm phục vụ cho cuộc họp toàn Ủy ban vào tháng 11-1981.
Từ 21 đến 24-9-1981, Đoàn Ủy ban văn hóa và giáo dục do đồng chí Trần Độ, Chủ nhiệm Ủy ban làm trưởng đoàn, đã đi nghiên cứu tình hình thực hiện kế hoạch và ngân sách trong kế hoạch 5 năm lần thứ 2 (1976-1980) và kế hoạch năm 1981 về văn hóa, giáo dục của tỉnh Hoàng Liên Sơn.
Trong hai ngày 10 và 11-11-1981, toàn Ủy ban văn hóa và giáo dục đã họp lần thứ 2 để:
- Nghe một số cơ quan thông báo tình hình thực hiện kế hoạch về văn hóa, giáo dục năm 1981;
- Nghe về kế hoạch, ngân sách 5 năm lần thứ 2 và dự kiến kế hoạch ngân sách về văn hóa và giáo dục năm 1982;
- Thông qua báo cáo trong toàn Ủy ban chuẩn bị cho kỳ họp thứ 2 của Quốc hội họp vào cuối năm 1981.
7. Ủy ban pháp luật
Ngày 07, 08-8-1981, thường trực Ủy ban pháp luật đã họp để chuẩn bị cho cuộc họp của toàn Ủy ban, với nội dung:
Thảo luận dự kiến chương trình 6 tháng cuối năm 1981, trao đổi về dự thảo Điều lệ hoạt động của Ủy ban.
Ngày 14, 15-8-1981, Ủy ban pháp luật đã họp để:
- Góp ý kiến xây dựng Điều lệ hoạt động của Ủy ban;
- Thẩm tra kế hoạch xây dựng pháp luật 5 năm (1981-1985);
- Thẩm tra Nghị định thư I (1977) bổ sung các Công ước Giơnevơ về Luật quốc tế nhân đạo năm 1949 bảo hộ nạn nhân chiến tranh;
- Thông qua chương trình hoạt động 6 tháng cuối năm 1981.
Trong phiên họp của Hội đồng Nhà nước ngày 27, 28-8-1981, đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật đã trình hai bản báo cáo thẩm tra về kế hoạch xây dựng pháp luật 5 năm (1981-1985) và về phê chuẩn Nghị định thư I (1977).
Ngày 07-9-1981, thường trực Ủy ban pháp luật đã nghe Ủy ban Thanh tra thuộc Hội đồng Bộ trưởng trình bày về Dự án Pháp lệnh quy định việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân.
Ngày 09, 10-9-1981, thường trực mở rộng của Ủy ban pháp luật đã họp để nghe Bộ Quốc phòng trình bày về Dự thảo Luật về nghĩa vụ quân sự và Dự thảo Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngày 18 và 19-9-1981, Ủy ban pháp luật đã họp toàn Ủy ban để thẩm tra:
- Dự thảo Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam;
- Dự thảo Pháp lệnh quy định việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân.
Ủy ban đã cử cán bộ nhắc các cơ quan hữu quan chuẩn bị Dự thảo Pháp lệnh về tổ chức Tòa án quân sự và Dự thảo Pháp lệnh về tổ chức Viện kiểm sát quân sự; đi thực tế để tìm hiểu tình hình bắt, giam giữ, khám xét, tịch thu tài sản của các cơ quan có chức năng làm các việc đó, như: thuế vụ, hải quan, quản lý thị trường...
Ngày 06, 07-10-1981, thường trực mở rộng của Ủy ban pháp luật họp chung với thường trực Ủy ban thanh niên, thiếu niên và nhi đồng để nghe và góp ý kiến vào Dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự.
Ngày 14, 15-10-1981, thường trực Ủy ban pháp luật họp để nghe và góp ý kiến vào dự thảo Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp.
Trong nửa đầu tháng 11-1981, thường trực Ủy ban tham gia ý kiến chỉnh lý Dự thảo Pháp lệnh quy định việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân; làm báo cáo thẩm tra Dự thảo Pháp lệnh nói trên để trình Hội đồng Nhà nước trong phiên họp tháng 11-1981.
Trong 2 ngày 04, 05-12, Ủy ban pháp luật cùng với thường trực Ủy ban thanh niên, thiếu niên và nhi đồng thẩm tra Dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự.
8. Ủy ban đối ngoại
Ngày 22-8-1981, toàn thể Ủy ban đối ngoại đã họp để:
- Góp ý kiến vào dự thảo Điều lệ tạm thời của Ủy ban;
- Bàn chương trình công tác đến hết năm 1981;
- Thông báo tình hình Ba Lan, tình hình cấu kết giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ngày 08-10-1981, Ủy ban đối ngoại họp toàn thể Ủy ban để:
- Thảo luận tiếp dự thảo Điều lệ tạm thời của Ủy ban;
- Nghe báo cáo kết quả Hội nghị mùa thu của Liên minh Quốc hội họp ở La Habana;
- Bàn một số việc làm tiếp đến cuối năm 1981.
Ngày 19-11-1981, thường trực Ủy ban đối ngoại họp cùng với Ủy ban pháp luật thẩm tra Công ước chống phân biệt đối xử với phụ nữ để trình lên Hội đồng Nhà nước phê chuẩn.
Ngoài ra, Ủy ban đối ngoại của Quốc hội đã tiếp:
1. Đoàn nghị sĩ Công đảng Ôxtrâylia do ông Uyliam L.Môrítxơn, Hạ nghị sĩ làm Trưởng đoàn, đến thăm nước ta từ ngày 20 đến 23-7-1981.
2. Đoàn nghị sĩ Cộng hòa Liên bang Đức do bà Henga L.Suchát, Nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ tự do làm Trưởng đoàn, đến thăm nước ta từ ngày 06 đến ngày 14-8-1981.
XI- HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
Trong hai tháng 7 và 8 năm 1981, các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Ủy ban nhân dân các cấp, v.v., báo cáo với cử tri kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VII. Các buổi báo cáo được tổ chức dưới nhiều hình thức: míttinh quần chúng, họp các đoàn thể nhân dân, cơ quan, nông trường, xí nghiệp, trao đổi thân mật giữa đại biểu với cử tri, v.v.. Các đại biểu Quốc hội đã giới thiệu với cử tri nội dung chính của bài diễn văn quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn mở đầu khóa VII của Quốc hội, các đạo luật và nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, kết quả bầu cử các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước.
Các buổi tiếp xúc với cử tri đã tổ chức kịp thời và đều khắp ở các địa phương trong cả nước. Đặc biệt, các tỉnh biên giới phía Bắc như Hoàng Liên Sơn, Sơn La, Lai Châu, Hà Tuyên, Cao Bằng, Lạng Sơn hàng ngày phải đối phó với mọi hành động quấy phá, khiêu khích của địch, vẫn cố gắng tổ chức để đại biểu Quốc hội gặp mặt và báo cáo với cử tri. Các buổi họp mặt này thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, có nơi như ở Tiền Giang có tới 15.000 người dự các cuộc họp này. Nhiều đoàn đã thực hiện nhiệm vụ báo cáo kết quả kỳ họp một cách rất khẩn trương: Đoàn đại biểu Sơn La trên đường từ Hà Nội về tỉnh lỵ qua các huyện, xã trong tỉnh, đã tranh thủ tổ chức ngay những buổi báo cáo với cử tri; ngoài các buổi báo cáo tại các cuộc míttinh và các cuộc họp, Đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh còn tổ chức tốt các buổi trao đổi ý kiến giữa đại biểu Quốc hội và đại biểu cử tri các giới.
Từ sau kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VII đến tháng 12-1981, ngoài việc báo cáo kết quả kỳ họp, các đoàn đại biểu Quốc hội còn có nhiều hoạt động phong phú khác: soạn thảo nội quy hoạt động của đoàn mình, quy định lịch tiếp dân, chấn chỉnh phòng tiếp dân và phân công cụ thể các đại biểu trong đoàn tiếp dân. Có đoàn như Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức tiếp dân hàng ngày tại trụ sở của Đoàn.
Các đoàn đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và Ủy ban nhân dân các cấp kiểm tra, đôn đốc việc chuẩn bị bầu cử Hội đồng nhân dân hai cấp ở huyện, xã và cấp tương đương, tham dự các kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố nơi đại biểu ra ứng cử, tổ chức việc thảo luận Dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự, quy chế tạm thời về hoạt động của các đại biểu Quốc hội và nội quy tạm thời về các kỳ họp của Quốc hội. Trong đợt sinh hoạt này, Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước và Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội đã phối hợp tổ chức để các đại biểu Quốc hội các tỉnh miền Nam, từ Bình Trị Thiên trở vào, hiện công tác tại Thủ đô, thảo luận các văn bản nói trên.
Các đại biểu Quốc hội đã tích cực tham gia các hoạt động của Đoàn, thu thập và phản ánh nguyện vọng của cử tri, giúp giải quyết các đơn từ khiếu nại của nhân dân. Đoàn đại biểu tỉnh Sơn La đã liên hệ với các cơ quan có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân giải quyết những khó khăn trong quy hoạch và lập kế hoạch phát triển của tỉnh. Đoàn đại biểu tỉnh Tiền Giang đã liên hệ với Bộ Thương binh, Xã hội giúp Ủy ban nhân dân góp phần giải quyết tình trạng chậm trễ trong việc thanh toán tiền trợ cấp cho thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và cán bộ về hưu.
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Trên đây là những nét chính về công tác của Hội đồng Nhà nước, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban thường trực của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.
Qua 5 tháng hoạt động, công tác nói chung còn nhiều điều mới mẻ, Hội đồng Nhà nước cũng như Hội đồng dân tộc và các Ủy ban thường trực của Quốc hội vừa làm vừa rút kinh nghiệm, cố gắng từng bước đưa mọi mặt công tác của mình vào nền nếp, mang lại hiệu quả thiết thực.
Thay mặt Hội đồng Nhà nước, tôi xin báo cáo với các đồng chí đại biểu Quốc hội về những việc đã làm kể trên.
Ngày 19 tháng 12 năm 1981
TM. HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
Chủ tịch
TRƯỜNG CHINH